Chương 11
Tác giả: Võ Quảng
Trường sẽ xây dựng ở chòm đa Lý. Thầy Lê Hảo đứng ra trực tiếp lo mọi việc. Gạch ngói sẽ dỡ lấy ở ngôi miếu cũ giữa vườn đa. Cần mua thêm một ít vôi ngói. Gỗ phải đi lấy ở Dùi Chiêng. Ông Hội Hiệt đã hứa đóng góp đủ gỗ. Việc đi lấy gỗ giao cho dượng Hương Thư và chú Hai Quân. Dượng Hương Thư năng lên xuống các ngõ nguồn, mọi việc sẽ thuận lợi.
Tôi và thằng Cù Lao mang hai cái nồi, một bị gạo, một hũ mắm đặt vào thuyền. Dượng Hương mua thêm hai chục cá chuồn thính, một chục cá mòi dầu, ba cân tôm khô, hai cân đường cát đem về cho dì Hương và để biếu bà con trên đó. Gió nồm vừa thổi, dượng Hương nhổ sào. Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp.
Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã đến ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươim dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt. Đã đến Phường Rạnh. Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.
Đến Phường Rạnh, dượng Hương sai nấu cơm ăn để được chắc bụng. Mùa nước còn to, có khi suốt buổi phải chống liền tay không phút hở. Ba chiếc sào bằng tre đầu bịt sắt đã sẵn sàng. Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống., quay đầu chạy về lại Hòa Phước.
Những động tác thả sào, rút rào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sỹ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.
Cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.
Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.
Thuyền vượt thẳng lên Dùi Chiêng. Nghe nói Dùi Chiêng, tôi và thằng Cù Lao quên cả chuyện đi lấy gỗ, đầu óc tràn ngập những chuyện bắt hùm sắp đến. Chúng tôi sẽ gặp ông Bá Hoành và ông Hội Hiệt. Họ đều có lông chân mọc ngược, có cặp mắt nảy lửa, làm hùm beo khi nhìn thấy phải cúp đuôi bỏ chạy.
Thuyền cập bến Dùi Chiêng. Dượng Hương Thư đưa thẳng chúng tôi đến nhà ông Hội Hiệt.
Một ông già vóc nhỏ, gầy nhom từ trong ngôi nhà gạch bước ra. Dượng Hương cho biết đó là ông Hội. Tôi sững sờ. Không lẽ một người bắt hổ hình vóc lại nhỏ bé khẳng khiu như vậy? Hổ khịt mạnh, ông Hội có thể bay mất. Tiếng nói của ông dịu dàng chứ không như tiếng sấm. Cặp mắt cũng không nảy lửa. Tôi hơi thất vọng. Thằng Cù Lao nhìn chăm chú vào chân ông, xem quả lông chân có mọc ngược không. Ông Hội cũng nhìn chúng tôi thật chăm chú như muốn hỏi: Hai chú bé này con nhà ai vậy?
Dượng Hương Thư nói chúng tôi là cháu của dượng, là những học trò giỏi. Dượng giới hiệu với ông Hội chú Hai Quân đã đánh bọn cường hào vỡ sọ. Sau đó chú vượt biển Đông ra ở ngoài cù lao Chàm, tự do vùng vẫy. Đã là phượng hoàng thì không thể ở chung với bọn gà, vịt. Đến nay đã mười lăm năm, nước nhà độc lập, chú về lại với quê cha đất tổ.
Ông Hội vuốt chòm râu thưa, nhìn chú Hai vẻ khoan khoái:
- Thế là trên nguồn dưới biển, cùng quê cha đất tổ cả. Nhờ cách mạng, anh em ta lại gặp nhau, đoàn tụ!
Ông Hội đưa tất cả vào nhà, mời khách ngồi vào ghế. Hôm đó, tôi và thằng Cù Lao ăn mặc sạch sẽ, khi ngồi vào những chiếc ghế gỗ láng bóng thấy cũng hợp. Ông Hội lấy làm lạ vì sao mới vừa lụt xong dượng Hương đã lên chơi sớm vậy. Dượng Hương nói lên lấy gỗ về làm trường như ông Hội đã hứa.
- Tưởng gì! Gỗ đó tôi không dùng nữa, tôi xin biếu hết cho làng. Nhà cửa với miếng vườn này tôi cũng muốn dâng cho cách mạng.
Ông Hội nhìn sang chú Hai:
- Không mấy khi các anh và các cháu lên đây. Mời ở lại ăn thịt ướp. Cây nhà lá vườn...
Nhà ông Hội trông bề thế. Giữa nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng. Cách mạng trên nầy cũng có. Tôi nhìn quanh. Những đầu hổ và những da hổ treo thành một hàng trên vách. Trên các cột còn móc đủ loại sừng. Có những sừng giống như mũi mác. Có cái dài ngòng ngoèo giống như một cành cây nhiều nhánh. Hai bên vách, treo nào súng săn, nào mã tấu, dao rừng. Tôi cứ nhìn nhìn, cái gì nom cũng lạ. Một chốc sau cơm đã dọn lên. Ông Hội mời tất cả ngồi lại. Vì chúng tôi là học trò giỏi nên được cùng ngồi một mâm. Ông Hội cầm đũa chỉ vào một đĩa thịt đầy ắp, giới thiệu đó là thịt hổ, ăn món thịt hổ sẽ khỏe ra ngay. Đợi người lớn gắp trước, tôi và thằng Cù Lao gắp thịt bỏ vào mồm. Thì ra thịt hổ cũng mềm như thịt trâu, không cứng như tôi tưởng. Gắp đến cục thịt thứ hai, tôi nghe khắp người khỏe ra, những mệt mỏi tiêu tan đâu mất!
Chú Hai Quân nhắp tý rượu, nói :
- Ở vùng xuôi, ai cũng đồn cụ Bá Hoành nhà ta săn hổ giỏi. Cụ có cặp mắt sáng quắc là nhờ cụ uống nhiều rượu có dầm mắt cọp.
Ông Hội cười:
- Không phải vậy đâu. Mắt ông cụ cũng như mắt mọi người. Còn muốn săn được cọp phải biết tính nết của nó.
- Người ta đồn giống cọp tài lắm! Ta nói gì chúng đều nghe hết. Nhưng khi đi khỏi ba mươi thuớc là chúng quên hết!
- Cho nên người ta còn gọi cọp là ông ba mươi.
Ông Hội cười:
- Hùm chỉ là loài hung dữ. Nó cũng sợ người. Ở rừng sâu không có người qua lại. Chộ phải ta, nó nhìn như hỏi: " Con gì lạ vậy?" Rồi cúi sát lẩn trốn. Nó bắt người là vì đói và cũng là hùm già, không đánh nổi với trâu rừng, bò tót. Ngày trước, cha tôi chuyên gài bẫy. Nhiều bẫy nay còn đó.
Chú Hai chỉ một tấm da treo cạnh những da hổ:
- Còn con này cũng là hùm chớ?
- Nó là giống beo. Đi rừng ta phải dè chừng beo ngồi trên cây. Khi nó leo cây, nó lấy chân sau hất mình lên từng đợt, cứ thế leo lên cây ngồi đợi. Thấy hươu nai chạy ngang, nó thả người xuống phóng lên đón đầu, không để chạy thoát.
Tôi và thằng Cù Lao muốn ông Hội kể mãi chuyện đánh hùm beo, nhưng dượng Hương Thư chợt hỏi:
- Hôm nào anh cho đi xem gỗ?
Ông Hội cho biết sáng ngày kia phải đi sớm. Chúng tôi sẽ vào chòi của ông trong rừng, gỗ chất trong đó. Sẽ ngủ lại một đêm trong chòi. Dượng Hương quày quả đứng dậy xin ra thuyền. Dượng còn tranh thủ về thăm dì Hương. Nhà dượng cách bến Dùi Chiêng chỉ hơn cây số. Chèo chống giỏi, nửa giờ sau là đến chỗ dượng.
Dượng Hương Thư đưa chúng tôi về nhà. Nhà dượng nằm giữa một khu vườn có nhiều cây cau cao vút. Cây nào cũng thẳng tắp trông như những cột cờ, trên chóp tỏa ra một tùm lá xanh um với những buồng cau sai quả.
Dì Hương sung sướng vô kể. Dì cho tôi và thằng Cù Lao đã vượt thác băng ngàn đến thăm dì ở nơi thâm sơn cùng cốc. Dì rất mong chú Hai và thằng Cù Lao lên đóng ở Dùi Chiêng, đất Dùi Chiêng dễ kiếm sống. Với lại ai đến Dùi Chiêng thì ở yên như bàn thạch. Theo dì, tôi đã gầy tọp lại, có lẽ vì ăn uống quá ít. Lần nào gặp tôi, dì cũng bảo tôi gầy tọp lại, mặc dù tôi đã béo ra làm ai cũng quở. Dì xách cây sào tre, chạy ra vườn gõ mít, xem có quả nào đã "trở tiếng". Quả nào gõ nghe bình bịch, dì lấy câu liêm dứt rơi xuống đất. Tôi và thằng Cù Lao ăn mít chín đến ngấy. Dì còn làm đãi khách món da trâu ăn để giải nhiệt.
- Da trâu ăn mát lắm! Nó sẽ "giải" bớt cái nhiệt của món thịt hổ đằng nhà ông Hội.
Dì vừa nói vừa thái món da trâu ướp. Da trâu được dì biến chế hóa trắng hóa mềm ăn nghe xốp xốp.
Dì Hương Thư cũng trồng dâu nuôi tằm, cũng có nong nia, giỏ to, giỏ nhỏ chẳng khác gì ở Hòa Phước. Chung quanh nhà cũng có cánh đồng rộng trồng ngô trồng dâu chẳng có vẻ gì là thâm sơn cùng cốc. Nhiều bạn hàng đi bửa cau đang trú ở nhà dì. Cau Dùi Chiêng quả nào cũng nhiều ruột, loại lòng tôm có ngấn vàng, loại lòng cơm trắng đục. Các bà bửa cau, bà nào cũng muốn tôi và thằng Cù Lao ăn thử một miếng trầu cho biết vị cau nguồn vừa thơm vừa béo. Dì Hương Thư lấy rơm lót vào giỏ, sắp đầy một giỏ xoài tượng biếu chú Hai. Dì gửi cho mẹ tôi năm quả mít và hai buồng cau lòng tôm quả to như những trứng gà. Tiếc rằng sau này lúc xuống thác, những thứ đó bị hất tung xuống nước.
Chòi của ông Hội không giống như chòi giữ ngô ở Hòa Phước. Đó là một ngôi nhà sàn lớn có đến mười cột lim. Sàn lót bằng ván kiền kiền vững chắc. Lên sàn phải leo một cái thang sáu nấc. Ông Hội dựng chòi giữa rừng nói là để làm trạm liên lạc cho việc săn bắn, nhưng đó cũng là nơi trú ngụ của nhiều nhà yêu nước. Dưới chòi có dựng hai thớt lim cắm đầy chông nhọn bằng sắt. Dượng Hương cho biết đó là cái bẫy cọp. Khi gài bẫy, ông Hội rút một thớt lim lên. Khi bẫy sập, thớt lim đó đánh ập xuống, hổ bị kẹt vào giữa, chông sắt cắm vào bụng. Ông Bá Hoành đã nghĩ ra nhiều loại bẫy, có loại bẫy hầm, có loại bẫy kẹp, có loại bẫy sập cắm chông. Khi sa bẫy, cọp không thể thoát.
Ông Hội ngồi dựa lưng vào vách chòi hút thuốc. Ông nhìn sang chú Hai:
- Ngày trước, ông nội tôi cũng bỏ làng đi lên trên này mưu đồ làm giặc, tôi cũng muốn bắt chước ông tôi. Vào đây tự nhiên thấy thênh thang, chẳng ai trói buộc mình được!
Ông Hội cho biết ông nội của mình xưa kia học chữ nho đi thi hương, sau đó ông đi thi võ nhưng không đỗ. Ông vào rừng tìm cỏ trường sinh, uống vào con người sẽ sống mãi. Tìm cỏ trường sinh không ra, ông quay về nhà. Sau đó, ông nhập đảng Cần Vương nổi lên chống Pháp. Ông cùng nhiều ông khác lên trên này lập căn cứ nghĩa quân. Vùng Trung Phước xưa kia còn gọi là Tân Sở vì nghĩa quân lập căn cứ rút lui ở đây. Cần Vương không thành, Pháp lùng bắt rất dữ. Ông trốn lên trên này đổi họ, giấu tên, trà trộn với đồng bào Thượng, làm nghề săn bắn. Ông nội trước khi tắt thở đã trối lại cho con cháu biết những chuyện nói trên, dặn khi nước nhà hết giặc phải về thăm làng cũ, tìm lại tông tích ông bà, lấy lại họ cũ để cho phải đạo.
Chú Hai ngậm ngùi:
- Lúc bỏ làng ra đi, tôi cũng thích làm giặc!
Ông Hội cười:
- Sau ba đời, chúng tôi mới tìm lại được quê nội. Còn anh Hai về làng sau mười lăm năm! Chỉ vì ta mất nước. Trước kia trên này cách biệt với dưới đó. Hòa Phước cách biệt với cù lao Chàm, không phải vì biển rộng, núi cao mà vì ta mất nước. Nay độc lập, tất cả giang sơn như sít gần lại, có gì cách trở nữa đâu! Sau cướp chính quyền, tôi đi một mạch từ Trà Linh xuống Cửa Đại. Chúng ta chỉ cách nhau bốn mươi cây số, có núi che ngang, nhưng cùng một quê nội!
Một chim cu nổi gáy. Rừng núi như im lại. Tiếng nói của ông Hội vang lên rõ hơn:
- Lúc còn sống, cha tôi chuyên nghề bắt hổ. Nhưng ông muốn nối chí ông cha mưu đồ việc lớn. Nhiều người yêu nước qua lại trên này. Họ gặp nhau bàn mưu tính kế. Cha tôi xây dựng chòi này không phải để nghỉ chân. Đây là nơi tụ họp. Nhưng việc lớn không thành. Những người bỏ nhà ra đi, lên rừng ẩn núp không ít. Họ mài răng căng tai, sống hòa mình với đồng bào Thượng.
Chú Hai hỏi:
- Thế có khi mô Tây mò đến không?
- Có một lần. Sau đó nó hoảng kinh, cút mất. Rừng núi ông bà linh thiêng lắm!
Ông Hội vui hẳn lên:
- Một dạo chúng tôi được trát sức phải đưa hai quan lớn Pháp đến vùng có nhiều hùm để các quan săn bắn. Cha tôi lấy dao đâm lủng chân tay, nói là bị cọp bâú không thể đích thân hộ tống các quan lớn được. Phải giao việc đó cho tôi là con trai, cũng là một tay săn cọp. Cực chẳng đã, tôi phải vâng theo. Cha tôi dặn tôi phải đưa chúng chệch sang một hướng khác.
Hai quan lớn đi săn mang theo một đoàn tùy tùng đến hai mươi đứa. Lính tráng, bồi bếp, phu phen phải khiêng các quan trèo núi. Không chỉ khiêng các quan mà còn phải khiêng thùng đựng rượu, đựng bình toong, hộp sữa, các máy để ngắm, để đo. Quan sai dọn cỏ, hạ cây, dựng lều chỗ cao ráo. Nhà phải đặt gần suối để quan tắm táp. Chỗ cột ngựa nhất thiết phải có hàng rào đề phòng cọp đến tha ngựa.
Một buổi tối bọn bồi bếp ở ngoài suối chạy về kêu la hoảng hốt:
- Có hùm! Có hùm! Nhiều lắm!
Có tiếng lào xào rồi tiếng cây gãy răng rắc. Qua vài phút im lặng, rừng núi như nổi cơn giông. Đất đá từ trên cao đổ ào ào. Tôi chỉ còn kịp leo lên một cây to gần đấy. Một đàn voi có đến ba mươi thớt từ đâu xông đến. Trong bóng trắng mờ mờ chúng lồng lên, gào rống, chà đạp. Chúng xốc vào nhà dù, quật vải bạt, đạp quần áo, giày dép, bao bị, súng ống, rương hòm, co vòi móc tất cả vứt lên cao rồi lại chà, lại đạp. Chợt chúng lặng im rồi gào rống to hơn. Hai thằng Tây theo tôi tót lên cây nên thoát chết.
Dượng Hương Thư quả quyết:
- Chúng tinh lắm, khôn lắm!
Khi một con bị thương ngã xuống, những con khác quỳ xuống, lấy đầu đẩy, dùng vòi dựng dậy. Khi biết bạn mình đã chết, chúng rống lên một hồi thảm thiết, moi đất đắp lại. Sau đó chúng kêu lên mấy lần rồi mới từ biệt.
Nghỉ trưa xong, chúng tôi tiếp tục xuyên rừng đi xem gỗ của ông Hội. Chúng tôi lên dốc, xuống dốc, chui qua gai góc, bước lom khom. Một con chim lông màu đá, ngực vàng óng nổi kêu : Rết ta ta! Rết ta ta! Một vài chim câu lưng màu xanh, cổ màu hồng, cất cánh nghe một tiếng "roặc". Chợt có tiếng lao xao trên cành cây cao, một khuôn mặt tí tẹo với cặp mắt trong veo của một chú khỉ đang nhìn xuống. Một ngọn nước từ trên cao đổ xuống, bọt tung như hoa trắng. Tôi với thằng Cù Lao có một nghìn việc muốn hỏi ông Hội, vì nhiều câu hỏi quá nên không biết hỏi câu gì. Dượng Hương đi trước chốc chốc chỉ cho chúng tôi thấy những dấu vết của giống thú rừng qua lại. Thú rừng bị ngứa cà mình vào các gốc cây và để lại một túm lông. Dượng Hương biết đó là lợn rừng, bò rừng hay gấu...
Chúng tôi lội quanh một con suối, trèo lên một dốc cao có nhiều đống lá. Đó là những khúc gỗ của ông Hội bị lá rụng phủ kín. Dượng Hương Thư hất lá, cứ trầm trồ chưa bao giờ dượng thấy những cây sơn to đến thế. Muốn đưa được những cây gỗ đó ra sông phải thuê thợ xẻ nhỏ, trâu mới kéo được. Việc đó cũng không phải dễ. Tính đi tính lại, dượng Hương và chú Hai không dám nhận số gỗ ông Hội tặng. Ông Hội cho biết ông còn một số gỗ nhỏ đang nằm ở Thạch Bích. Dượng Hương và chú Hai đến đấy mà lấy. Ông Hội đã thanh toán giá cả với ông Ký và thợ rừng ở đó. Ông Hội đang bận nhiều cuộc họp nên không cùng đi với chúng tôi được.