Chương 3
Tác giả: Võ Quảng
Tôi tắm cho trâu Bĩnh xong mặt trời đã lặn. Trên bãi dâu mọi người gọi nhau về nhà. Phải về sớm một tý, còn phải nâú cơm ăn để kịp đi học. Ở các xóm tiếng gàu và vào thành giếng nghe lanh canh. Tiếng bát đĩa bị lật nghe xủng xoảng. Tiếng phèng la chợt vang động. Gìơ tựu lớp đã đến, chị Ba, chị Bốn ăn xong, thắp cây đèn chai, gọi nhau đi học. Tôi vả thằng Cù Lao sẽ đến dự lễ khai giảng lớp học buổi tối tổ chức ở chợ. Chúng tôi vừa được chú Năm Mùi đề bạt làm "trợ giảng" của lớp. Vừa bước ra sân, một ngọn đèn đã thấy trôi theo bờ rào của nhà bác Úc. Có tiếng gọi:
- Ba ơi! Mau lên!
- Bảy hả? Đợi chút!
Ngọn đèn chị Ba trôi nhanh ra ngõ. Hai ngọn đèn gặp nhau cùng cất cao, nhập lại, tách ra, nhún nhảy trôi theo con đường dọc xóm. Ra đến đầu làng, ngọn đèn chi Ba và chị Bảy nhập vào nhiều ngọn đèn khác trôi dọc đường làng. Tôi và thằng Cù Lao không xách đèn cứ rảo bước. Chợt một ngọn đèn từ trong hẻm trôi ra. Có tiếng hoảng hốt:
- Ối! Làm tôi hết hồn ! Ai đó?
Tôi nhận ra bà Bảy Đá. Chú Năm Mùi cho biết bà Bảy cũng đến dự lớp. Trước đây, bà bảo không biết học để làm gì. Chữ nghĩa không làm no bụng, chỉ có một cái làm được tất cả, đó là tiền. Nhưng có đứa độc mồm bảo bà có nhiều tiền nhưng bà lại u mê. Nay thấy mọi người đi học, bà mới chịu đi. Tôi và thằng Cù Lao vượt lên trước. Một ngọn đèn sáng lóa từ phía đồng bay ra. Đó là ngọn đèn của anh Bảy Hoành.
Tất cả những ngọn đèn lồng từ trên xuống, từ dưới lên chảy dồn vào chợ. Lớp học là cái điếm canh được nới rộng. Ba ngọn đền lồng tỏa sáng. Mọi người đã có mặt. Chú Năm Mùi, anh Bốn Linh ăn mặc chỉnh tề. Bà con cô bác kéo đến đông đủ. Chợt anh Bốn Linh đứng lên dọn giọng tuyên bố lễ khai giảng. Anh long trọng nói lên ý nghĩa phong trào diệt dốt, một trận đánh vô cùng ác liệt. Hiện nay, cả nước có hàng triệu người không kể lớn bé đang dùi mài học tập. Hòa Phước là đất thanh danh văn vật, không thể lơ là việc diệt dốt. Nói xong, anh Bốn Linh vỗ tay. Mọi người vỗ tay theo.
Đến lượt thầy Lê Hảo nói về sự màu nhiệm của học vấn. Con người ta" hễ ở bâù thì tròn, ở ống thì dài". Học vấn như cái " ống thiên lý xa soi nghìn dặm". Mọi người phải biết dòm vào cái ống thiên lý để nhìn ra bốn bể năm châu. Thầy Lê Hảo nói xong, chú Năm Mùi bước lên. Chú đưa ra những gương học tập đáng làm bà con suy nghĩ. Chú mời ông Bốn Rị và bà Hiến lên bảng viết những chữ đã học. Bà Hiến viết chữ Hiến nguệch ngoạc. Ông Bốn Rị viết một chữ Rị như gà bới. Cả lớp ngồi nhìn, nổi cười, nổi ho loạn xị. Chú Năm Mùi giới thiệu thầy giáo mới của lớp. Đó là anh Bảy Hoành, là một người đã đi chu du khắp thiên hạ, đã từng sống ở lục tỉnh Sài Gòn, từng đọc một kho sách đông tây kim cổ, một người văn võ kiêm toàn, chỉ có Lục Vân Tiên mới bì kịp. Đã có một vị thầy như vậy, nếu không mở một lớp đặc biệt để cô bác học hành chữ nghĩa thì chẳng khác như đã nhìn thấy một cục vàng mà lại bỏ lơ không thèm nhặt. Lớp còn có hai cán bộ giúp việc: đó là chú Cù Lao và chú Nguyễn Văn Cục. Chú Cù Lao từng vượt biển về làng, ra Đà Nẵng học đã "bảng vàng danh yết". Nguyễn Văn Cục có nhiều kinh nghiệm, từng dạy cho bà Hiến học giỏi. Hai cán bộ này sẽ giúp các thím các bác những chữ bị quên, kiêm việc quét dọn trụ sở. Nếu cô bác người nào có cây đèn bị mờ thì cứ giao cho họ khêu ngọn. Nói xong, chú Năm Mùi mời thầy Bảy bắt đầu dạy.
Anh Bảy Hoành đứng phắt dậy, giở chiếc mũ phớt đang đội trên đầu, vứt mạnh xuống ghế, nói như sấm động. Anh Bảy cho biết là ở xứ lục tỉnh Dầu Dây, tất cả già trẻ lớn bé đều học hết. Sau ngày cướp chính quyền, vẻn vẹn chỉ trong ba tháng mà tất cả đều biết đọc biết viết. Những ông già, bà già đều đỗ đạt hết. Vì sao vậy? Vì ở xứ Dầu Dây hễ nói là làm. Dân xứ đó hiểu mình bị nô lệ chỉ vì dốt! Nói đến đây, anh Bảy Hoành thu nắm đấm nện một đấm thẳng cánh vào cây cột làm mái nhà rung lên. Anh thét to:
- Quyết trừ loài giặc dốt!
Anh Bảy đứng chống nẹ quắc mắt nhìn quanh, gõ vào bảng đen trên vách, nói tiếp:
- Tôi chỉ dạy cho bà con hai chữ. Học xong hai chữ này thì mọi sự đều biết tuốt. Đây, tôi viết chữ t, tôi viết thêm chữ ư, ghép lại thành chữ tư, thêm cái chấm dưới đít, thành chữ tự. Đây tôi viết thêm một chữ nữa là chữ d, một chữ nữa là chữ o. Chữ d ghép với chữ o thành do. Đó là hai chữ tự do.
Cả lớp cười to khoan khoái. Tất cả đều công nhận là chú Năm Mùi đã nói rất đúng: Chỉ có một người thông kim bác cổ, văn võ toàn tài mới có thể có một cách giảng dạy hay đến thế và mới có thể nện một nắm đấm vào cây cột làm cả nhả rung lên như thế!
Tôi và thằng Cù Lao lên làm thầy dạy cho bà Hiến viết được chữ Hiến và ông Bốn Rị viết được chữ Rị giữa sự vui sướng của mọi người. Việc đó có làm cho tôi phổng to lỗ mũi. Chị Ba, anh Bốn dặn còn phải làm công tác quần chúng. Chúng tôi đã xông vào buồng của bà Hiến, dọn dẹp tất cả cho bà. Lại còn gánh nước, nấu cơm. Nhưng để xứng đánh danh hiệu làm thầy, chúng tôi còn phải làm xong một việc thứ ba, việc nầy anh Bốn cho là rất quan trọng. Đó là phải biết nói chuyện thời sự, chuyện ở bốn bể năm châu để làm cho bà Hiến và ông Bốn Rị biết nhìn xa thấy rộng, không bị giam hãm mà đã trở thành những ống thiên lý xa soi nghìn dặm như trong câu thơ của thầy Lê Hảo. Đối với nhiệm vụ nầy, riêng tôi, tôi thấy rất khó thực hiện. Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe những chuyện bàn tán của các chú cán bộ về chuyện thời sự nước ngoài. Tôi chỉ nghe được lõm bõm, không đầu không đuôi, nên tất cả hiện lên càng rắc rối hơn tơ vò. Còn việc đi xa để được thấy rộng thì tôi mới chỉ đi đến chỗ chợ. Nhưng cũng may có được thằng Cù lao. Nó ở ngoài biển, nhìn xa có hơn vạn dặm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nó cũng thấy bí. Nó bảo nó đã bao lần ra khơi. Nhưng ở đó nó chẳng thấy chuyện thời sự mà chỉ thấy có nước với trời, hai cái nầy thôi thì mênh mông vô tận. Nhưng chợt nó quay lại, nói nhỏ vào tai tôi:
- Thôi, Cục đừng lo! Tôi sẽ kể chuyện ở Đà Nẵng. Nghĩ lại Đà Nẵng cũng là chuyện ở xa. Đà Nẵng cách ta đến ba mươi cây số. Nếu chú Năm bảo Đà Nẵng chưa xa thì ở đó có những ông Tây, ông Tàu, ông Mỹ cũng là người ở bốn biển năm châu vừa đến ở Đà Nẵng.
Thằng Cù Lao nói nghe rất có lý. Chúng tôi chạy vụt đến nhà bà Hiến. Tôi giải thích cho bà Hiến nghe vì sao bà phải nghe những chuyện thời sự ở xa. Sau đó thằng Cù Lao bắt đầu kể:
- Tôi ra Đà Nẵng ở một ngôi nhà bốn tầng. Ồ rộng lắm, to lắm. Tôi theo anh Sáu bước lên những bậc đá bằng cẩm thạch, đi dọc những hàng hiên cao, có không biết bao nhiêu cửa chớp! Anh Sáu dừng lại mở cửa. Một căn phòng vô cùng lộng lẫy hiện ra. Tôi lóa mắt! Sàn bóng như gương, dưới sàn lại còn trải thảm. Giữa phòng là một chiếc giường to, bọc vải trắng toát. Một giường nhỏ hơn bọc toàn nhung xanh. Mỗi giường có hai chiếc gối bọc lụa thêu hoa. Một chiếc gối đầu, một chiếc gác chân. Dọc tường nào rèm, nào tủ, nào gương to! Một anh Sáu bước vào phòng, gương chiếu bốn bên, thấy năm anh Sáu. Có đến chục phòng như vậy. Mỗi phòng chưng diện mỗi cách: Bàn ghê giường tủ bóng lộn. Cốc chén toàn bằng thủy tinh. Mâm đĩa mạ vàng mạ bạc.
Tôi hỏi:
- Nhà chi mà sang trọng rứa?
- Đó là dinh lão sứ, còn gọi là tòa thị chính. Nay ta dùng tầng trên để ở, tầng dưới để làm trụ sở của Ủy ban Đà Nẵng.
Thằng Cù Lao kể tiếp:
- Một tên thống sứ không chỉ có một ngôi nhà ở Đà Nẵng, mà còn có nhà ở Bà Nà, gọi là biệt thự. Nó còn có biệt thự ở Bạch Mã, Đà Lạt. Mùa hè, lên đó ở để cho mát.
Ở lớp huấn luyện, một hôm anh Sáu nói:" Hòa Phước là làng tôi ở. Ở đó có một bà già tên là bà Hiến. Bà ở trong một cái lều, lều không có cột, chỉ làm bằng hai mái tranh ghép lại. Muốn vào lều phải quỳ xuống bò bốn chân. Nếu ta xếp lại bên nhau cái lều của bà Hiến và ngôi nhà này của tên sứ thì sẽ thấy một sự thật mỉa mai. Dân ta có hàng triệu người như bà Hiến. Anh Sáu nói tiếp:" Lịch sử cho phép chúng ta ngày nay so sánh những việc như vậy. Người còn sống phải nhớ những việc đó. Cách mạng đã cho phép bà Hiến đến Đà Nẵng không bị bắt bớ. Chúng ta sẽ mời bà đến dinh lão sứ ở chơi vài hôm!".
Bà Hiến hỏi:
- Vậy chỗ đó là của ta rồi hả?
Bà Hiến phải công nhận là những chuyện thời sự của thằng Cù Lao kể đã làm cho cái" ống thiên lý của bà đã xa soi đến xứ Đà Nẵng".
Tôi nhấn mạnh thêm:
- Nhà lão sứ là của mình rồi! Thằng Cù Lao được vào ở, sướng chưa?
Thằng Cù Lao lắc đầu:
- Không sướng đâu! Tôi leo lên giường. Cái giường cứ nhún nhảy như bị sóng đánh. Tôi nằm im không dám lăn qua lăn lại. Ngủ trên bãi cát sướng hơn. Cứ lăn tròn đến đâu cũng được. Cái nệm nghe như lửa đốt. Cái giường tre của mình thế mà mát. Anh Sáu còn bảo tôi phải rúc vào một cái buồng trắng toát. Anh vặn cái bông sen, nước tưới lòa xòa. Anh bảo tôi phải tắm. Tắm vậy rất khó chịu! Tắm xong phải mặc bộ đồ mới. Áo phải bỏ vào quần, phải gài hết nút. Nhìn vào gương, mình thấy như một thằng nào lạ hoắc!
Tôi hỏi:
- Diện sang rứa, thế Cù Lao làm chức tước gì?
- Ban đêm, làm anh học trò. Ban ngày, làm tổ viên tổ tiếp liệu, trực thuộc Phòng quản trị. Phòng quản trị đặt dưới chỉ huy của văn phòng. Tôi làm nhiều việc rất quan trọng. Ở đó khách khứa suốt ngày. Tiếp cả khách bên Tàu, bên Tây, bên Mỹ nữa. Một lần gặp Mỹ, hai thằng Mỹ quan tư. Chúng đến Đà Nẵng nói đi tìm xác Mỹ bị Nhật giết trên Tây Nguyên. Chúng đến bằng máy bay, nhờ chính quyền Đà Nẵng giúp đỡ, được ở ngay tại tòa thị chính.
Tôi hỏi:
- Thế Cù Lao có được ngồi ăn không?
- Làm chi! Tôi làm phụ hầu bàn. Một thằng vừa ăn vừa gật gật nói tiếng Mỹ. Anh phiên dịch cho biết là nó khen món ăn Việt Nam rất ngon. Chúng cũng rất mê phong cảnh Việt Nam. Màu xanh Việt Nam đẹp nhất trên địa cầu, không đâu sánh kịp. Học có chương trình đến thăm núi Trà Sơn, thăm Vũng Thùng, thăm mỏ vàng ở Bồng Miêu, mỏ than ở Nông Sơn, mỏ kẽm ở Đức Bố, thăm kho chứa xăng ở Liên Chiểu. Ta tiếp đãi họ cực kỳ trọng thể! Mỗi bữa ăn được bày ra đầy bàn, đủ hết món ngon vật lạ. Chỉ về rượu để nhấm nháp, cũng đã có bốn thứ rượu, bữa ăn có lúc kéo dài đến hai giờ liền...
Tôi kêu lên:
- Ăn nhiều quá!
- Vừa ăn vừa trò chuyện!
Thằng Cù Lao gật gật:
- Nhưng không phải ăn ít!
Thằng Cù Lao cho biết hôm đó, sau bữa ăn, anh Sáu trò chuyện với bạn bè cho biết ở thôn anh có một bà gọi là bà Hiến. Bà đó, với một nải chuối, bà sống được mười hôm - Nạn đói vừa qua đã làm dân ta chết hơn ba triệu- Số đói kinh niên có đến năm bảy triệu người...
Tôi hỏi bà Hiến:
- Bà có bị đói không bà?
Bà Hiến thút thít.
Tôi nói như quát:
- Thút thít cái chi? Bà sẽ được mời ra tòa thị chính, được các anh đãi tiệc, được nằm giường lò xo... Nhớ là trước khi đi Đà Nẵng phải tô son, phải đánh phấn, phải xức dầu thơm! Chớ có lôi thôi, người ta không cho bà vào đó!
Đối với ông Bốn Rị, thằng Cù Lao cũng nói cho ông biết những chuyện thời sự như đã nói với bà Hiến. Ông Bốn Rị tỏ ra rất thờ ơ. Sau đó nó kể cho ông Bốn Rị nghe chuyện lính Tưởng Giới Thạch đến Đà Nẵng, từ đó chuyển sang chuyện nó học việc băm thịt, chặt xương. Nay nó băm thịt được cả hai tay, là nhờ nó được học tập cách băm thịt ở Đà Nẵng.
Tôi lấy làm lạ, hỏi cắt ngang:
- Sao lạ vậy? Cù Lao ra Đà Nẵng được ở nhà bốn tầng, được đề bạt làm tiếp tế, sao lại bị giáng chức xuống làm việc băm thịt, chặt xương?
- Là vì sau nầy, anh Sáu ban ngày làm việc ở tòa thị chính nhưng ban đêm phải đi ngủ nơi khác. Quân Tây và quân của Tưởng Giới Thạch đến đóng ở Đà Nẵng. Tòa thị chính ở sát ngoài biển, nhỡ bị đánh úp, ta không lối thoát. Ta phải đề phòng...
Ông Bốn Rị hỏi:
- Ta thắng rồi mà! Sao đánh ta được?
- Đó là những lính của Tưởng Giới Thạch theo lệnh đồng minh kéo sang ta, lấy cớ là để giải giáp quân Nhật. Ở Đà Nẵng chúng chiếm các đồn trại, cầm đại đao đứng chắn các ngả đường. Buổi tối, tôi và anh Sáu về ngủ ở nhà ông bà Đán, chỗ nầy kín đáo hơn. Hằng ngày, ông Đán gánh một gánh bún bò ra chợ để bán. Bà Đán cũng làm như ông. Nhưng một hôm hai ông bà đã to tiếng. Bà Đán nổi khùng đã cho ông Đán một đá.
Ông Bốn sửng sốt:
- Đàn bà sao dám nện đàn ông một đá?
- Cũng tại lính của Tưởng Giới Thạch đó!
Thằng Cù Lao kể cho ông Bốn Rị biết lính của Tưởng Giới Thạch đứa nào cũng vàng vọt, bủng beo, đứa nào cũng là tướng quỵt, chúng đã làm cho tất cả những gánh bún, gánh mỳ ở chợ đều phải hoảng sợ, khi thấy chúng đằng xa là phải chạy tránh!
- Một hôm ông Đán vì chậm chạp nên chúng đã sà đến. Chúng đưa một xấp bạc ra hiệu cho ông Đán phải bán bún. Ông Đán múc ra năm bát cho năm thằng. Loáng một cái năm bát đã hết sạch. Phải múc thêm năm bát nữa! Lại còn phải múc thêm, múc thêm! Ăn xong chúng đứng dậy bỏ đi. Ông Đán đòi tiên, chúng rút dao vung loang loáng. Nhưng một đứa chợt trợn trừng cặp mắt, lảo đảo, ngã lăn quay. Đồng bào chúng quanh nổi kêu tán loạn:
- Có án mạng! Có án mạng!
Ông Đán hoảng quá, quảy gánh bỏ chạy. Khi chạy ông bị ngã nhào, bát đĩa vỡ gần hết. Việc đó làm cho bà Đán cứ nhăn nhăn nhó nhó. Ông bà cãi lộn. Bà biết thế võ, đã cho ông một đá, ông ngã tênh hênh. Sau đó, khi đi bán bún, ông Đán có nhờ tôi đi gác. Tôi đứng gác ở đầu chợ, khi thấy lính của Tưởng Giới Thạch từ xa, tôi đã chạy báo cho ông biết trước... Sau đó khi rảnh rỗi tôi còn giúp ông làm bún xáo. Ông dạy tôi cách chặt xương, cách băm thịt. Nay tôi băm thịt được cả hai tay là nhờ những buổi băm thịt ở nhà ông Đán.
Ông Bốn Rị nghe chăm chú những chuyện thời sự về lính của Tưởng Giới Thạch, về chuyện băm thịt. Ông Bốn Rị cũng nhất trí là thằng Cù Lao giúp ông chặt xương chó và băm thịt chó rất giỏi!