Chương 2
Tác giả: Võ Quảng
Chú Hai Quân là người làng Hoà Phước, nằm trên bờ sông Thu Bồn, hình thế giống như một con rùa nằm cạnh bờ bể. Bể dó là một rừng dâu xanh.
Chuyện kể lại rằng:
Lúc khai thiên lập địa, trời đất còn hỗn mang, chưa có sông Thu Bồn. Tất cả nguồn nước không chảy về phía đông mà cứ chảy loanh quanh ở phía tây, vì ở đó có con giao long khổng lồ hút hết nước. Thuở ấy thần Mưa tính hay lơ đễnh, có lúc quên cả những việc có thể gây ra cái chết cho cả trăm loài. Một năm thần Mưa quên gọi Mây tưới nước xuống phía đông, gây ra những cơn hạn hán khủng khiếp. Ao hồ cạn nước, cây cối khô queo. Lưới lửa suốt ngày cứ bập bùng. Loài biết bò và loài biết bay, loài có râu và loài không râu đều cháy ra tro bụi. Hồi đó trên non cao có một vị thần tên là Thượng Ngàn. Ngài cao to khác thường. Người đời phải có tầm mắt thật xa mới nhìn thấy được Ngài trong ráng chiều lộng lẫy. Ngài hay qua lại giữa khoảng trăng sao. Một hôm nhìn về hướng đông, biết có cơn hạn lớn, Ngài vội vã đi tìm con giao long hút nước. Ngài nhổ sẵn nhiều cụm núi rồi đứng đợi. Giao long vừa há mồm, Ngài lập tức tọng nhiều quả núi vào họng nó. Nó giãy lên làm núi non ào ào sụp đổ. Một phen đất chạy đá bay! Giao long bị quật chết, ngã sóng sượt, xương xẩu nanh vuốt của nó chất thành núi như núi Mỹ Yên, núi Lập Thạch trùng điệp và lởm chởm đến vài mươi dặm, hiện này còn thấy. Nước không bị giao long hút cứ tràn ra. Vị Thượng Ngàn phải chẻ núi, vạch nguồn Chiên Đàn, nguồn Thu Bồn và nguồn Ô Da. Tất cả ba nguồn Chiên Đàn, Thu Bồn, Ô Da ngài cho nhập lại thành một con sông to. Đó là sông Thu Bồn ngày nay. Sông Thu Bồn chảy đến Văn Ly, Ngài Thượng Ngàn cho chẻ ra làm đôi như đôi tay ôm lấy khu Gò Nổi. Vị Thượng Ngàn còn vạch dọc theo bờ bể sông Trường Giang, sông Tam Kì, sông Bầu Bầu... Ngang dọc chỗ nào cũng có sông, có nước, đủ cho dân cư nảy nở.
Nhưng việc mới lại đẻ ra.
Dân cư trên sông Thu Bồn hoá đông đúc. Số người đẻ ra nhiều thì số người chết không ít. Nhà cửa dưới âm phủ ngày càng thấy thiếu, mọi việc trở nên phiền phức. Vua Diêm Vương thấy cần thiết phải xây dựng thêm nhà cửa và cung điện. Ngài sai bọn Hà Bá mang theo bọn Thuồng Luồng, Bạch Tuộc lên nguồn đốn gỗ. Chúng ngược sông Thu Bồn, hô mưa gọi gió gây ra những bão táp dữ dội, vặt hết gỗ tốt. Vị Thượng Ngàn phải đánh trả. Ngài nhổ những núi to ném xuống. Bọn thuỷ quái chết có hàng triệu, thây đặc cả nước. Núi rơi loạn xị cắm xuống đất, có hòn cao ngất như Núi Chúa, núi Cu Đê, núi Phò Nam. Có hòn làm thành những hình thù kì quái: Hòn Nghê giống như sư tử đứng chồm ra biển, cụm Ngũ Hành Sơn giống như năm ngọn tháp chọc trời xanh, núi Quắp giống như một cái vuốt hổ, dãy Phò Nam giống như đàn cá kình vùng vẫy...
Như vậy sau những cuộc chiến đấu ác liệt, núi cũng như sông ở quê nội của thằng Cù Lao đã hình thành, hiện nay còn nguyên như cũ. *
* * Câu chuyện vẫn tiếp tục.
Nhờ những trận đánh trả quyết liệt của vị Thượng Ngàn, nhân dân đã sống sót. Nhưng sau trận lụt bão, nạn dịch tả lại hoành hành.Một năm bệnh đậu mùa làm người chết như rạ. Viên quan dưới âm phủ lo về nhân thế bộ không ghi hết danh sách. Một số cô hồn phải ở lại trần gian. Chúng nổi lên phá phách, bắt mọi người phải cúng lễ. Một số thay đổi hình dạng. Có lúc chúng biến thành chim, thành cá hoặc thành những ông già, hoặc những người bạn thân thiết. Có người đang ngồi nói chuyện với một người bạn, chợt người bạn đó hoá thành hai, giống nhau như đúc. Người nào cũng cho mình là bạn thật, làm không biết đâu là thật, đâu là giả. Bọn ma quỷ gieo rắc hoang mang giữa bạn bè, anh em, cha con. Cuộc sống bị đảo lộn. Vừa lúc đó có một vị đạo sĩ ra đời. Ngài biết con đường đi vào trăng sao và con đường đi vào lòng người. Do đó thật hư ngài đều hiểu rõ. Ngài cầm chiếc quạt nan, mặc áo vải, đi chân đất, nhưng đến đâu bọn ma quỷ đều khiếp sợ. Vị đạo sĩ dùng bùa chú, tập hợp các loại âm hồn giảng giải:
- Ta không hiểu sao các ngươi cứ làm tổn hại đến sinh linh. Nếu người sống còn lại ít thì tất nhiên việc lễ bái cũng sẽ ít đi. Số chết đi biến thành ma quỷ ngày càng đông, thì cái ăn của các người càng bị thiếu. Cái ăn càng thiếu thì dễ sinh làm bậy. Ta khuyên các ngươi nên tập hợp lại, làm giấy khai với Diêm Vương để xin hoá kiếp. Kẻ vì việc nghĩa phải chết, đầu thai làm bậc thánh hiền hoặc làm thành cây tùng cây bách đùa reo với gió. Kẻ vô tội sẽ hoá kiếp làm người đi cày đi cấy. Kẻ phạm tội sẽ đầu thai vào muôn loài điểu thú, tự tìm lấy mà ăn, ung dung ngày tháng. Có cần gì phải làm điều phi nghĩa. Ta có thể tâu với Nam Tào giúp các ngươi làm việc đó. Nếu các ngươi trù trừ, sẽ mang lấy hoạ!
Bọn ma quỷ nổi lên hú hí om sòm. Rốt cục chúng chia làm hai phe: một phe đi đầu thai hoá kiếp, một phe chứng nào tật ấy cứ phá phách trong nhân dân. Vị đạo sĩ luyện tay ấn, dùng bùa phép dồn chúng lại ở những nơi hoang vắng. Ở quê tôi, bọn cứng đầu cứng cổ đó bị nhốt lại ở chòm đa Lí. Đó là một mảnh đất hoang có nhiều cây đa âm u cao vút. Gốc đa xù xì đầy hang hốc, cành đa cao to, lông lá chéo nhau thành một vòm kín mít. Chốc chốc vài quả đa rơi lộp độp. Có tiếng rào rào như có ai đang nhảy nhót trên cao, kẻ bạo dạn nhất qua đây cũng phải co giò bỏ chạy. Vào lúc trời hửng sáng hoặc lúc có mưa lâm thâm, có người đã thấy bọn quỷ Bạch Thố Năm Nanh ngồi đu đưa trên cành cây vừa ru con vừa chải chấy, tóc xoã dài tới đất. Ai chẳng may nhìn thấy chúng đều bị nổ mắt hoặc phải hộc máu trào cơm. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, đêm đêm những ngọn lửa ở đó cứ chập chờn, lúc phụt tắt như ma trơi trông rất ghê sợ!
Vị đạo sĩ dẹp xong bọn ma quỷ, nhân dân yên ổn làm ăn. Lúc đầu họ chỉ biết trồng ngô và cấy lúa. Một hôm có vị tiên nữ tên là Tây Lăng đang đi du sơn du thuỷ, chợt thấy trước mắt phong cảnh hữu tình. Đó là con sông Thu Bồn giống như dải thắt lưng của tiên nga múa lượn. Hoa màu trải ra như gấm vóc. Nhớ đến cảnh những nàng tiên ngồi quay tơ ca hát, bà Tây Lăng nghĩ nên bày cho nhân dân ở đấy trồng dâu và nuôi tằm. Nhờ bà Tây Lăng, bãi dâu dọc sông Thu Bồn trải ra xanh nghít. Tiếng thoi reo vui, lụa phơi óng ánh. Dân vùng tôi lập miếu thờ bà. Hai chữ Tây Lăng hơi khó nhớ nên mọi người đều gọi là Bà Tằm. Hôm nào cúng tế, miếu Bà Tằm mở cửa. Lệ làng cứ ba năm một lại tổ chức hát hội để tế bà. Đó là những ngày hội lớn, không có vui nào sánh với cái vui đó được! *
* * Khi chú Hai Quân ra đời rồi lớn lên, chú thấy đã có miếu Bà Tằm dựng lên thuở nào không biết. Cũng đã có sông Thu Bồn, có chòm đa Lí. Trời đất bốn mùa vẫn thay đổi. Mùa xuân dâu nõn xanh mướt. Cũng là mùa tằm tơ rộn rịp. Mùa hè bãi dâu chuyển sang màu xanh đậm. Nắng to. Đất nứt. Đỗ nẻ. Vừng nổ. Cho đến tháng chín trời bỗng âm u, rồi những cơn mưa tối đất. Con sông Thu Bồn duyên dáng bỗng phềnh to vùng lên gào thét, giống như con bạch tuộc giương những vòi dài vào các làng xóm, dìm tất cả xuống nước. Giữa dòng nước cuồn cuộn đục ngầu, những cây to bị vặt, kết bè trôi xuôi vun vút. Chú Hai tin đó là Diêm Vương sai bọn Hà Bá lên nguồn vặt gỗ đem về làm cung điện. Chú Hai lớn lên, biết trồng dâu nuôi tằm. Chú Hai tin là ở trên trời, chỗ xanh xanh kia, có các vị Thượng Đế đã định trước số mệnh cho con người. Chú Hai lớn lên lấy vợ. Hai năm sau chú sinh được một bé gái đầu lòng. Và sau khi mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây ba trăm sáu mươi lần thì bé gái của chú cũng vừa tròn một tuổi. Vừa lúc đó làng tôi có tổ chức hát bội ở miếu Bà Tằm. Cả làng bỗng rộn lên, cái vui không biết để chỗ nào cho hết. Trẻ con đứa nào cũng hoá nhanh nhẹn. Người lớn động viên:
- Làm cho giỏi đi! Tao cho đi xem hát bội!
Những đứa lì lợm nhất cũng hoá nhanh chân nhanh tay, mọi khó khăn đều vượt được tuốt. Một thiên đàng sắp mở cửa.
Chó sủa gâu gâu như đoán biết một ngày hội to sẽ mở. Lợn đang ngủ trong chuồng bỗng bị gậy thọc vào bụng bắt đứng dậy để xem được bao nhiêu mỡ. Trâu cũng nhớn nhác lo cho số phận của mình. Quán thịt chó bắt đầu dựng. Bọn cờ bạc mang thùng mang đĩa kéo đến. Ngoài đình tiếng lợn rống, tiếng trâu bò bị chọc tiết ậm ò. Dao mác chặt xương nghe lốc cốc. Đến lúc đào kép tề tựu thì cái vui lên đến cực độ.
Chú Hai Quân cũng háo hức như mọi người. Chú thuộc vào hạng giáp phe trong làng, nên càng phải làm việc tới tấp trong ngày lễ hội. Ông xã gọi, ông hương kêu, chỉ dạ dạ vâng vâng cũng không kịp. Ông bảo đằng này, ông sai đằng nọ, mọi việc càng thêm rắc rối. Đêm đầu, làng hát tuồng Ngũ Hổ bình Liêu, hôm sau hát tuồng Sơn Hậu. Chú Hai ngồi băm thịt, bụng dạ cứ để đâu đâu. Người qua người lại luôn luôn tán thưởng:
- Ối chà chà! Vai Đổng Kim Lân hay nổ trời nổ đất!
- Thằng Côi tài quá! Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!
Trống chầu giục giã. Loáng thoáng một vài câu hát nam hát khách từ rạp đưa sang. Chú Hai biết đó là lớp Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá thử lòng trung nghĩa của Tử Trình. Đó là lớp Đổng Kim Lân chém tên cai ngục để đưa bà Phi bế con chạy thoát.
Tiếng trống chầu càng dồn dập. Phật đang ngồi trên bàn cũng phải nhảy xuống đi xem. Chú Hai chịu không được nữa, buông con dao chạy sang rạp hát lúc nào không biết.
Người xem không chen lọt. Chú Hai trèo lên một cành cây thả người xuống mái rạp, vạch tranh dòm xuống. Trên sân khấu, một tướng mặt đỏ. mắt sắc, đầu đội mũ văn có cắm hoa đỏ, mặc áo có rồng thêu, chân đi hia, tay cầm giáo đầy vẻ uy nghiêm. Đó là Đổng Kim Lân đang phò bà Phi chạy trốn. Bà Phi trong bộ đồ tang màu trắng, tay ẵm hoàng tử vừa lọt lòng mẹ. Đổng Kim Lân giục:
- Xin bà dời chỗ chết, mà lên ngựa cho mau!
Đổng Kim Lân đỡ lấy hoàng tử, ẵm hoàng tử vào lòng, trao cho bà Phi cây kiếm. Đổng Kim Lân mời bà Phi lên ngựa:
- Chờ khi nguy biến, ngăn bọn tặc binh, bà kíp thượng trình, đêm thời đã đến!
Đổng Kim Lân cũng lên ngựa rồi hát câu nam chạy:
- Đêm đến mau mau tị nạn. Nát gan vàng đòi đoạn chua cay!
Bà Phi hát tiếp:
- Mấy phen trời đất đổi thay! Càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Cả rạp rào rào. Tiếng trống chầu dồn dập.
Đổng Kim Lân vượt qua ải. Đêm tối chập trùng. Chợt bà Phi bị lạc mất. Khương Linh Tá, bạn sống chết của Đổng Kim Lân vừa sa cơ bị giặc giết. Trên tay Đổng Kim Lân, hoàng tử khát sữa nổi khóc. Bọn giặc hò hét đuổi sát sau lưng. Đổng Kim Lân bị lạc giữa rừng sâu, đêm tối mịt mùng không tìm ra phương hướng. Bỗng một cơn gió thổi, rồi một ngọn đèn bỗng chập chờn bên khe núi. Đó là hồn của Khương Linh Tá vừa hiện lên:
- Em đây là Khương Linh Tá!
Xưng tên xong, Khương Linh Tá chỉ về phía trước:
- Không quên lời thề ước, chân trời góc bể phải có nhau. Giặc đang đuổi gấp. Nhắm thành Sơn Hậu khá đi mau!
Đổng Kim Lân bàng hoàng hỏi:
- Tôi vừa chôn anh đó, vậy trần gian âm phủ xa cách thế nào?
Chú Hai bị hút theo Đổng Kim Lân đang ghập ghềnh bước theo bóng ma của Khương Linh Tá. Đổng Kim Lân hát:
- Vin cây, leo đá ngại gì. Đèn soi chính nghĩa, non ghi cảnh tình! *
* * Chợt chú Hai Quân nghe có ai nắm chân kéo. Chú với tay không kịp, ngã quay xuống đất. Chú nổi quát:
- Chơi cái mả tổ bay hả?
Chú chưa dứt lời thì hai cái bạt tai nảy lửa văng vào mặt chú. Chú Hai nhào sấp xuống đất, la to:
- Bớ làng! Bớ làng! Du côn đánh tôi!
Đốp, đốp! Những cái bạt tai khác nên vào mặt, vào tai túi bụi:
- Á! Tao là du côn hả! Mày chửi tao là chửi tiên sư làng này.
Chú Hai cố mở mắt. Thằng lí trưởng mặt đỏ như lửa, quát:
- Việc cúng tế, việc trên đầu trên cổ. Mâm cúng chưa xong, mày dám đi mất. Gọi mày xuống mày chửi. Dân đâu! Trói nó lại! Căng nó ra giữa đình cho tao!
Nó chỉ vào bọn thủ hạ, gầm lên:
- Trù trừ gì? Mau lên!
Bọn thủ hạ xông vào. Chú Hai la làng inh ỏi:
- Bớ làng! Xã Cống giết tôi! Bớ làng...
Chú vừa thét vừa đấm đá, giãy giụa. Bọn anh em xã Cống ập lại vật chú ngã xuống, đè lên người, cởi dây thắt lưng trói quặt hai cánh tay và hai chân chú lại.
- Bớ làng bớ xóm! Cứu tôi với! Nó giết tôi rồi! Tổ cha mày!
Thằng xã Cống chạy rút chiếc roi mây, quất tới tấp:
- Chửi này! Chửi này! Phản này! Nghịch này!
Chiếc roi trên tay xã Cống đã nát. Quần áo chú Hai rách bươm, khắp người rớm máu. Xã Cống vứt roi, đi thẳng vào rạp hát, cầm dùi đánh chầu bảo cứ tiếp tục hát.
Khắp sân đình người đổ ra đông như kiến. Họ dớn dác gọi nhau, chen lấn, xô đẩy, cố xem tận mắt người bị đánh:
- Bà con ơi! Có người bị giết!
- Ớ làng nước ơi! Có kẻ giết người!
- Nó sắp chết rồi! Có án mạng rồi!
- Nó phá làng không cho hát!
- Mặt mày nó hung ác lắm!
- Nó là thằng Hai Quân, du côn làng này đó!
Có người bị đẩy ngã ập lên trên chú Hai.
Chú Hai bị trói phơi giữa sân đình. Đến chiều tiếng rên rỉ của chú yếu dần, cặp mắt chú cứ nhắm lại. Thím Hai hoảng sợ chạy lên chạy xuống kêu khóc ầm ĩ. Việc đã khẩn cấp. Có người bày cho thím Hai đặt một khay trầu cau đến xin xã Cống tha cho chú. Bọn hào lí bàn ra bàn vào cho là kẻ quân tử không nên chấp đứa tiểu nhân. Thím Hai phải lạy mấy lạy, xã Cống chịu cho chú Hai cởi trói.
Bà con cõng chú Hai về nhà, tìm ngải cứu dầm với rượu đắp vào những chỗ toạc máu. Mười lăm hôm sau chú Hai ngồi dậy được. Ngoài làng, cột cờ dựng giữa sân đình đã hạ xuống, rạp hát từ lâu đã dỡ đi, cuộc sống đã trở lại như cũ. Mỗi buổi sớm, vẫn bọn bồ chao hú gọi ngoài bờ tre làng. Chiều tối, vẫn tiếng trống thu không khắc khoải. Mọi vật đâu đó vẫn y nguyên. Nhưng trong lòng chú Hai đã có cái gì rạn vỡ. Chú không còn cái vui làm lụng để nuôi vợ nuôi con. Chú dửng dưng với nụ cười của bé gái. Thím Hai nói động gì là chú nổi lên quát mắng. Cuộc sống chung quanh trở nên bức bối. Những cảnh áp bức bị xoá mờ nay lại hiện lên. Chú nhớ lại có lần chú đi khiêng đám ma, chú khiêng chổng đòn vì người chú cao. Người chú cao hay thấp, cái đó do bà mụ nặn ra, nhưng chú bị bọn lí hương quát mắng. Chú nhớ lại tháng nào trong làng cũng có tiếng trống mõ báo động, việc đốt nhà trộm trâu xảy ra liên tiếp. Người bị cùm kẹp ở điếm canh gào khóc trong mùa sưu thuế. Kẻ bắt ốc mò cua lùng sục trong ao sình vào những ngày tháng đói. Những ma đậu mùa dịch tễ gào rống. Chú Hai không hiểu vì sao một khi con người sinh ra phải chịu bao nhiêu tai hoạ. Chú nhớ đến Đổng Kim Lân, tai hoạ cứ dồn dập kéo đến. Đổng Kim Lân còn được hồn Khương Linh Tá hiện lên soi đường. Còn thân phận của chú!... Khi nhớ lại mình bị cột ở sân đình dưới cặp mắt chê cười của thiên hạ, chú nghe hoảng hốt. Một tiếng gà gáy. Chú Hai giật mình biết suốt đêm chưa ngủ. Chợt một ý nghĩ bật sáng:
- Phải bỏ làng ra đi!
Cái ý nghĩ đó cứ bám riết lấy chú. *
* * Chú Hai hoá lầm lì. Một hôm chú cặm cụi lột lá mía đem giọt lạị chỗ dột trên mái nhà, che lại tấm phên để gió khỏi lọt, sửa lại cái vành nôi của con bé. Chiều đó, chú bỏ thêm gạo vào nồi. Ăn xong còn gói một gói, nói là sớm mai vào rừng đốn củi. Tối, chú đi nằm sớm. Một chốc sau quanh làng đã im lặng. Chú Hai khe khẽ ngồi dậy, chú cột mo cơm trên cây đòn xóc, đẩy cửa bước ra. Bên ngoài, trời tối như mực. Trên trời không một vì sao. Vài con đom đóm kéo những vệt sáng nhì nhằng. Cơn mưa đã tạnh, nhưng tiếng động cứ vang lại từ xa. Chú Hai ra khỏi làng. Chú vừa đi vừa chạy. Đi đâu chú cũng chưa biết, chỉ biết cần xa làng, xa cuộc sống chung quanh cái đã. Có thể đến một người bà con cũng bỏ làng ra đi, hiện nay đang làm nghề trồng chè đâu ở vùng núi Trường Định, Phò Nam bên kia núi Chúa. Đến đó cái đã, đi đâu hãy hay. Chú tránh những con đường lớn. Trên những con đường đó có vô số điếm canh. Ra khỏi làng không có giấy căn cước sẽ bị bắt. Chú men theo những con đường nhỏ, vượt qua cánh đồng đầy tiếng ếch nhái van vỉ. Chú xuống một cái dốc, vượt qua một bãi dâu. Một con sông hiện ra trước mặt. Giữa khuya, sông không có đò. Trời bắt đầu sáng. Chú Hai chui vào giữa một bãi mía ngồi nghỉ. Những xúc động làm chú mệt nhoài. Chú chợp mắt ngủ lúc nào không biết. Khi tỉnh giấc, trời đã xế chiều. Tiếng con bìm bịp nghe rời rạc. Trên trời, một vài con dơi đen bay chấp chới. Chú Hai chui ra khỏi đám mía, lại tiếp tục đi. Người ta bảo Trường Định, Phò Nam ở bên kia núi Chúa. Đi hết đêm thứ ba, chú dừng trước một con sông. Trời vừa sáng, đò bên kia sông vừa sang. Chú ngồi nép sau một búi dứa, có tiếng người bảo nhau đây là đò Ái Nghĩa. Chú ngạc nhiên, đứng nhìn lên. Đúng bên kia sông là Gò Mùn, trước mặt là sông Ái Nghĩa. Thì ra trong đêm tối chú đã lạc đường, đi quay trở lại. Sang bên kia đò, đi sáu cây số lại trở về thôn cũ. Ở đấy thím Hai và bé gái đang đợi. Một ý nghĩ vụt ra: Hay là ta quay về với vợ con! Chú bước ra khỏi bụi dứa, toan gọi đò. Nhưng chiếc đò đã xô ra khỏi bến. Chú đã lỡ đò! Chú Hai tin lỡ đò là điềm không tốt. Chú lưỡng lự rồi quay gót đi luôn, đi một mạch không nhìn lại.
Chú Hai nhắm hướng mặt trời lặn đi thẳng. Chú đi mãi đến sát những dãy núi phía tây. Đi lẫn vào những nơi có cây cối rậm rạp. Gặp rẫy sắn rẫy khoai, chú dừng lại moi mấy củ ăn để đỡ đói. Nửa tháng sau, chú Hai biết mình đã ở bên kia núi Chúa. Vì khi ở nhà, ánh điện ban đêm của xứ Hàn ở về phía bắc. Nay cũng ánh sáng đó đã nằm về phía đông nam. Như vậy Phò Nam, Trường Định, nơi có người bà con trồng chè cũng không còn xa nữa.
Trước mắt là một cánh rừng. Vượt qua cánh rừng, chú Hai sẽ men theo những sườn đồi thoai thoải đi xuống phía đông. Nơi đây đã xa nhà, không còn lo sợ có người rượt theo đuổi bắt. Buổi sớm sương xuống dày đặc, đọng mãi đến nửa buổi chưa tan. Chú Hai nhớ mình đi đã lâu nhưng bụi bờ gai góc cứ trải ra như không bao giờ hết. Chợt rừng núi chung quanh trở tối mịt. Gió thổi ào ào. Một tia chớp sáng loá. Sấm nổ! Mưa! Một trận mưa to chưa từng thấy, tưởng như có hàng vạn chiếc chum đang trút nước trên cao! Đói rét và gió mưa đã làm chú Hai kiệt sức. Chân tay tê cóng, chú Hai bước chập choạng. Chợt chú có cảm giác như mình vừa bị rơi vào một chỗ nào đó, sâu lắm, sau đó không còn biết gì nữa! *
* * Chú Hai bừng mắt, thấy mình đang nằm trong một căn nhà nhỏ. Khắp nhà vắng tanh, xa xa một bóng đèn leo lắt. Có tiếng hỏi:
- Đã tỉnh chưa?
Chú Hai mở mắt thấy một ông già. Ông già hỏi:
- Có biết tôi là ai không?
Chú Hai nhìn chăm chăm rồi lắc đầu. Ông giá bước tới cầm tay chú. Ông lấy ngón tay trở và ngón tay giữa bấm vào cổ tay chú Hai xem mạch. Chú Hai dần dần nhớ lại những việc đã xảy ra. Một vị quế cay cay đọng lại trong mồm. Ông già lấy cháo loãng đút cho chú mấy thìa, chú Hai tỉnh hẳn lại. Ông già nói rõ từng tiếng:
- Cha mẹ ở hiền thì con cháu gặp lành, Làm điều ác thì ác báo, làm điều thiện thì thiện báo. Tôi đi với mấy người tìm cây tìm lá, tưởng đã gặp người nào bị hổ tha. Khi đến gần thì ra gặp chú, mình mẩy thấy vẫn còn nguyên, ngực nghe còn âm ấm. Tôi nói với anh em nên cứu người để lưu cái phước cho con cháu. Họ cõng chú về đây, may chú sống được!
Ông già hỏi chú Hai ở đâu đến và đến đây có việc gì. Chú kể dần đầu đuôi câu chuyện. Ông già thở phào:
- Thế thì Trường Định cũng gần đây thôi. Ở đây nhiều chè. Người bà con trồng chè ở đâu không biết.
Ông già khuyên chú Hai nên ở lại với ông, đợi ít lâu, thế nào chú cũng gặp được người bà con của chú.
Chú Hai đã ở lại với ông già. Chú Hai tính vốn chịu khó, chú cắt tranh lợp lại mái nhà, đốt rẫy trồng khoai, đan thúng mủng. Chú tìm đá đục được một cái cối giã gạo. Ông già rất mến.
Ông già cho biết tên mình là Tùng Sơn. Bác Tùng Sơn nguyên là người dưới xuôi lên đây làm rẫy. Một người cháu trai lên đây với bác, nhưng người đó đã bỏ về làng vì không chịu nổi cái buồn ở rừng núi. Khi trò chuyện, bác Tùng Sơn hay dẫn nhiều chữ nho. Bác từng thi đỗ tam trường gì đó, sau về làm ruộng. Bác thuộc làu các sách sử. Những đêm trăng, giữa tiếng cây lá rì rào, bác kể chuyện đời Xuân thu Chiến quốc, chuyện tướng này đánh với tướng khác, vua này đánh với vua khác, đánh ở đâu, vì lẽ gì, ai thắng, ai bại, bác đều nhớ hết. Bác Tùng Sơn giảng giải:
- Đời nào cũng có anh hùng. Đời nay cũng không thiếu. Họ thường ẩn núp chốn núi non.
Chú Hai đánh bạo:
- Gặp được họ, ta đi làm giặc coi cũng sướng! Nghiệt nỗi ta không có súng!
- Không có súng là tại ta! Ta học hành lèm nhèm quá. Nếu ta biết hết được những lẽ huyền vi trong kinh điển, ta cũng đúc được súng. Như trong Kinh Dịch, phép đúc súng, đúc máy bay đều có dạy. Lời lẽ thánh hiền thường khó hiểu, không thể biết được!
Bác Tùng Sơn còn thuộc vô số những bài thơ cổ. Bác thuộc làu làu, không chỉ biết tên tác giả mà còn biết tên người chú thích. Nhiều câu hát tuồng, chú Hai chưa hiểu nghĩa, bác Tùng Sơn giảng giải cho chú nghe rất rõ ràng. Chú Hai hỏi:
- Bác nhớ nhiều làm chi cho nặng bụng?
- Có muốn vậy đâu. Nhưng đọc đâu nhớ đó, cạy không ra nữa. Một lần tôi đi thi, quan chủ khảo ra bài phú có chữ “lãng”, nghĩa nó là sóng. Tôi thuộc từ điển vần, biết đó là chữ “lang” chứ không phải chữ “lãng”. Khi làm bài tôi gieo vần theo vần lang. Bọn chấm thi là đồ ngu dốt. Tôi bị đánh hỏng.
Chú Hai cười:
- Sao bác không làm ông kí ông thông cho sướng? Lên rừng làm rẫy chi cho mệt!
- Cực chẳng đã tôi phải bỏ làng!
Chú Hai ngờ bác Tùng Sơn cũng từng chạm trán với lí trưởng:
- Bọn lí trưởng đánh người.
Bác Tùng Sơn liền nghiêm nét mặt:
- Chúng không dám động đến cái lông chân tôi đâu! Bọn quan trên cũng phải nể mặt...
Thì ra không chỉ những người bị đánh đập mới bỏ làng ra đi. Cả những người học giỏi, thông minh, được vị nể cũng phải bỏ làng đi lên núi.
Bác Tùng Sơn như ôn chuyện cũ:
- Tôi như nghẹt thở! Đến đâu cũng gặp những trò chướng tai gai mắt. Nhân tâm thay đổi, thế sự đảo điện. Bọn tiểu nhân gặp thời đắc chí lên mặt. Kẻ quân tử bị tai hoạ gông cùm. Bọn gian nịnh vinh thân phì gia. Người nghĩa sĩ mắc vòng hoạn nạn. Hứa Do ngày xưa vì nghe một lời vô đạo phải ra suối rửa tai. Bá Di, Thúc Tề phải lên núi ăn rau mà sống...
Bác Tùng Sơn ngừng một lúc lại tiếp:
- Chung quy cũng vì ta mất nước. Nước mất thì nhà tan. Tôi bỏ làng ra đi... Kẻ quân tử lúc thời loạn phải thích rừng núi. Tôi cũng muốn gặp một người “chơn nhơn” nhưng chưa gặp được!
Bác Tùng Sơn còn biết rất nhiều cây lá dùng để chữa bệnh. Bác hái về, chỉ tên từng loại, bày cho chú Hai cách sao chế dùng để hộ thân và để cứu người. Bác đem tiền lo lót lí trưởng trong làng mua cho chú một thẻ thuế thân có dóng dấu và có chữ kí hẳn hoi. Nhờ đó chú đi khắp vùng Trường Định hỏi thăm tông tích người bà con trồng chè. Có lúc chú gánh một gánh chè xuống tận vùng xuôi để bán. Thỉnh thoảng bác Tùng Sơn cũng “xuôi” một chuyến, có khi nửa tháng mới về.
Một chuyến bác Tùng Sơn về thăm làng, mãi không thấy quay lại. Một tháng, hai tháng... Bác Tùng Sơn đi biệt. Quê bác ở đâu, chú Hai không rõ.
Vắng bác Tùng Sơn, chú Hai quay ra quay vào cũng chỉ một thân một bóng. Rừng núi càng hoá quạnh hiu. Suốt đêm vượn hú. Chú Hai trằn trọc nhớ nhà. Một tiếng động rất khẽ. Chú Hai nhìn ra ngoài thấy một vành trăng như gần lắm. Chợt chú thấy thím Hai bước vào. Thím mặc chiếc áo mới. Chú Hai ngờ ngợ hỏi thím đi đường nào. Thím Hai bảo thím đi đường thẳng, đi theo đường chim bay thì gần.
Chú Hai hỏi:
- Thế ở làng ra sao?
- Người đói rất nhiều. Mình bỏ làng ra đi là phải. Còn tôi, tôi đã về rồi!
Thím Hai khóc thút thít.
Chú Hai bừng mắt. Thì ra chú vừa nằm mơ. Bên ngoài gió bẻ một cành cây kêu răng rắc. Chú Hai nghe bàng hoàng, biết là thím đã về báo mộng. Chú nhớ câu thím Hai vừa nói “Tôi đã về rồi!”. Xưa kia thánh hiền đã nói “Sống chỉ là tạm, chết mới thật là trở về”. Như vậy thím Hai đã chết! Mưa đổ ào ào. Mùa mưa đã đến. Nhớ đến thím Hai, nhớ đến con dại, chú Hai nghe đau như cắt.
Ròng rã hai tháng, rừng núi như trải qua một cơn điên loạn. Tất cả đều ngập ngụa, cây lá ngổn ngang. Cảnh hoang tàn bày ra khủng khiếp. Chú Hai thấy mình đã lạc vào một thế giới xa lạ, Cảm giác đó lớn dần làm chú hoảng sợ, chú thấy rõ không thể ở lại... *
* * Mưa chưa dứt hẳn, chú Hai đã chuẩn bị đi bán chè. Chú Hai còn mang theo cây lá chữa bệnh và mấy liễn trầu nguồn để biếu những nhà quen biết. Chú Hai bán loại chè ngon. Uống một bát, ai cũng khen đúng là chè nguồn, vừa thơm vừa ngọt. Có ai đau đầu sổ mũi, chú biếu cho vài vị thuốc, trong uống ngoài xoa, bách bệnh tiêu trừ, hiệu nghiệm như thần như thánh. Một vài bà ở Năm Ô nhận thấy một việc lạ. Người nào về Nam Ô cũng phải mua một chai nước mắm ngon về cho cho vợ. Đằng này chẳng thấy chú Hai làm việc đó. Có bà dò hỏi:
- Này anh Hai, phải mua cái chi cho chị Hai chớ?
Chú Hai vẻ mặt rầu rầu:
- Nó bỏ tôi rồi!
- Thế cô ta lại có một nơi mô rồi hả?
- Nó chết, tôi mới tiếc chớ!
- Uý, lâu chưa?
- Bốn năm!
- Vẫn ở vậy?
- Chớ ở với ai?
- Tội nghiệp chưa! Nhưng rồi cũng phải kiếm nơi mô chớ!
- Chưa dám.
- Hừ! Tại sao?
- Chưa có ai nhờ đỡ một tay.
Các bà nổi cười:
- Vì mình chưa nhờ đó thôi! Một cô chưa chồng ở làng này có thể lấy một ông chưa vợ ở xã khác chớ!
- Nhưng đi theo tôi thì phải rúc núi! Họ có sợ hùm beo hay không?
- Ừ, đàn bà xứ này sợ hùm lắm. Hay là cưới xong anh ở quách dưới ni. Thế gian cũng lắm người ở theo quê vợ.
Các bà quả quyết:
- Về dưới ni, hay đó! Vượt suối băng ngàn chi cho mệt! Về dưới ni, ra khơi, một chuyến được ông bà phù hộ, của tiền không để đâu cho hết. Không ra khơi thì muối mắm, đóng bộng đóng thùng. Thiếu chi việc. Bắt mạch bốc thuốc cũng được...
Nói vậy cho vui chứ thâm tâm chú Hai không dám nghĩ đến những chuyện đó. Chú là một thằng trốn làng, quan trên bắt được không thoát tù tội. Chú nghĩ còn phải bay xa. Cây cung còn đang chờ chú. Chú nói cho qua chuyện:
- Muôn sự rồi đây phải nhờ cô bác...
Mỗi lần về Nam Ô bán chè, chú Hai thấy nhiều thuyền đánh cá ra khơi. Chú Hai thấy nhiều thuyền đánh cá ra khơi. Chú nghĩ: Nếu mình được vượt biển đến một nơi xa lạ! Giữa một đảo vắng, trời biển mênh mông, còn ai biết được Một chuyến xuống Nam Ô, chú Hai gợi chuyện với các bà quen biết, muốn ra ngoài đảo một chuyến để kiếm đồng lời. Bà Hương Quý buôn trầu cho biết bà sẽ đi cù lao Chàm thăm người bà con ngoài đó. Chú Hai muốn đi, sẽ theo thuyền đánh cá cùng đi.
- Chị em mình ra ngoài nớ thăm chơi. Ngoài nớ, tôi có con cháu gọi tôi bằng dì. Nó đẹp nết, siêng làm, chỉ phải cái hay kén chọn. Nói đến chồng con là nó cứ giãy nảy.
Chú Hai nửa đùa nửa thật:
- Thế phải nhờ mối lái thật giỏi. Bà chị phải ra tay, mọi việc mới xong được. *
* * Một con thuyền ra khơi đánh cá, nhân tiện đưa bà Hương Quý và chú Hai ra cù lao Chàm. Trời bể mênh mông, chiếc thuyền như nô đùa trên sóng. Chú Hai đang vượt trùng dương để đi biệt tích đến một nơi xa lạ. Từ lúc bỏ làng ra đi, chú chưa bao giờ thấy một cảm giác bình tĩnh dễ chịu như lúc dó.
Bà Hương Quý giới thiệu với mọi người bà có người em bên chồng ra thăm bà con ở đảo. Nhân tiện em chồng của bà có mang theo nhiều “linh đơn” để cứu nhân độ thế. Bà mở đôi bầu, lấy ra từng vị thuốc. Ai cũng xúm lại kề mũi hít hít. Nó thơm tho, không giống những rễ cây đa cây đề của những ông lang dưới biển. Chú Hai tặng cho bà con mỗi người một thứ. Uống lành được bệnh, sau này hãy mua, nay chú không lấy tiền, đừng đưa vô ích. Hôm đó, có một đứa bé cứ kêu đau trong cổ, nước bọt cứ trào ra. Chú Hai lấy nắm lá rẻ quạt tán nhỏ đem rà vào họng cho nó. Hôm sau, đứa bé đã lành. Chú Hai không ngờ thuôc mình lại hiệu nghiệm đến thế. Bà Hương Quý đưa chú đến gặp cô cháu gái. Cô không đẹp lại bị gù lưng. Chú Hai nghĩ chưa phải cô chê chồng mà cô bị chồng chê. Chú Hai bụng mừng vì cô có gù lưng thì dì của cô là bà Hương Quý mới hết lòng giúp đỡ nên đôi nên lứa. Chú Hai bảo sau này sẽ cho cô vài lá cao là cái lưng gù sẽ biến mất. Bà Hương Quý đang lo có thật chú Hai goá vợ hay không? Bà hỏi lại kĩ. Chú Hai nói chú sẽ sắp xếp về ở quê vợ, như vậy để bà con hiểu rõ bụng chú.
Chú Hai cóp nhặt được số tiền đem đưa cho bà Hương Quý nhờ bà lo việc cưới xin. Nhờ bà Hương Quý, mọi lễ nghi đều được miễn giảm. Bên nhà trai chỉ ông Hương Quý về dự.
Chú Hai đã ra giấu tông tích ở cù lao Chàm. Những hôm tạnh trời chú nhìn ra xa, rất xa về phía đất liền, lòng chú nao nao, bao nỗi nhớ thương dâng lên cuồn cuộn.
Hơn một năm sau, thằng Cù Lao ra đời. Tiếng khóc của nó hoà lẫn với tiếng sóng đại dương. Nó lớn lên giữa bao la trời biển. Lên ba, mẹ nó mất giữa một đêm giông bão. Hồi đó nó đã biết chạy chơi trên bãi cát trắng. Năm tuổi, nó tập đùa nghịch với sóng. Tám tuổi, nó tập đi khơi. Mặt trời và nước biển làm da nó đen kịt, thịt xương nó quánh lại. Đã mười hai tuổi nhưng người nó bé tí tẹo như đưa lên chín lên mười. Khoảng rộng đã làm đôi mắt nó hoá tinh. Nó nhìn thấy một đàn chim én bay lẫn trong mây không ai thấy được. Cho đến Tổng khởi nghĩa! Ở ngoài cù lao Chàm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Các uỷ ban được thành lập. Chú Hai nhận ra một việc kì diệu: biển cả không còn là nơi cách biệt. Con đường về làng từ lâu bị cắt đứt bỗng nhiên nối lại. Con sông Thu Bồn, bỗng thấy gần đâu đây. Chú Hai biết rõ cơn bão táp dữ dội đã quét sạch mây mù ở quê. Đất đã lành, chim bay về tổ cũ. Chú Hai dắt thằng Cù Lao lên thuyền. Thuyền rẽ sóng bay về Cửa Đại. Chú lên phố Hội An rồi vội vã thuê đò về ngay Hoà Phước. *
* * Chú Hai Quân và thằng Cù Lao đã về ở với anh chị Bốn Linh. Nhà tôi với nhà anh Bốn Linh chỉ cách nhau một cái vườn. Ngồi ở nhà tôi thấy đàn gà đang bới ở nhà anh Bốn. Ra vào, tôi thường gặp thằng Cù Lao. Tôi biết nó muốn làm thân với tôi. Thật bụng tôi không thích chơi với nó. Không phải tôi muốn đòi hỏi gì, nhưng nom nó buồn cười quá. Chỉ cái mũ nhiều màu và cái quần có quai của nó cũng đã làm cho bọn trẻ cười bò. Lại còn tiếng nói của nó trọ trẹ, đầu nó lại trọc lóc, thì bảo đứa nào muốn gần nó?
Những việc tôi làm dễ như chơi, thằng Cù Lao xem như việc phi thường dưới trần này chỉ có tôi mới làm nổi. Được nó thán phục, tôi càng ra mặt tài giỏi. Thường lúc lên lưng trâu, tôi trèo đằng hông, hai tay cố bíu vào sống lưng trâu, một chân đặt vào khuỷu chân trâu, lấy đà trèo lên. Nhưng khi có thằng Cù Lao, tôi lại lên đằng đầu. Tôi nhảy lên ngồi trên đầu trâu Bĩnh giữa hai cái sừng nhọn hoắt, sau tôi mới nhảy lên lưng trâu. Thằng Cù Lao nhìn tôi, lắc đầu phục lăn phục lóc:
- Tui không làm nổi!
Tôi hỏi:
- Thế sao tao làm được?
Nó cứ trầm trồ là ở đây ai cũng giàu, cũng nhiều đồ dùng, nhiều của. Cái gì nom cũng lạ, khác chỗ nó ở, chỉ thấy lưới với thuyền. Thuyền nào cũng giống như nhau cả. Ông Kiểm Lài làm nghề tráng bánh đa, nghèo xơ xác, nó cũng cho là giàu, vì ông có nào cối xay bột, nồi tráng bánh, cái sấy bằng tre, mành bằng nan. Nó cho anh Bốn là người giàu nhất, vì anh có đến hai mươi cái nong, bảy cái nia, một cái đuổi để tằm. Ngoài hè còn nào là cây chống, nẹp tre. Giỏ tre cái nào cũng to bằng vại muối mắm. Cả bà Hiến nghèo cháy gắp nó cũng khen nhà bà có lắm cái đẹp. Bà có một tờ tranh in hình hai ông Tây. Một ông có râu, một ông không râu, hai người đang cầm li rượu mời nhau uống. Xung quanh nhà bà có vô số những chum vỡ, lọ vỡ, ống bơ, những đồ người ta vứt đi, bà Hiến nhặt về, thằng Cù Lao nhìn nhìn ra vẻ thích thú. Một hôm nó chạy về thở hổn hển. Nó cho biết nó vừa thấy hai cái che ép mía ở nhà ông Tư Trai.
- Thế mày thấy cái phủ đặt trên đầu ông che chưa?
Nó lại chạy sang nhà ông Tư Trai hỏi cái phủ. Bọn chó thấy nó đội cái mũ lạ lạ xông ra đuổi cắn.
Tôi hùa theo bọn chăn trâu trêu nó:
- Này Cù Lao, bọn chăn trâu nói mày là mọi có đuôi đó!
Nó cười thản nhiên:
- Ừ, có một cái đuôi thì tôi thiệt thích! Được một cái đuôi dài như đuôi ngựa, phất qua phất lại mà hay!
Nói xong nó cười hì hì ra vẻ khoái trá.
Tôi nói thẳng:
- Chúng cho mày là dân dã man uống nước bằng lỗ mũi đó.
- Uống nước bằng lỗ mũi! Phải tập lâu mới uống được chớ! Uống được bằng lỗ mũi thì được vào làm xiếc, sang trọng lắm!
Tôi ngờ ngợ thấy thằng Cù Lao nói có lí. Giả sử tôi có một cái đuôi và uống nước bằng lỗ mũi thì sẽ được mọi người trầm trồ, chẳng có gì dã man cả.