Chương 12
Tác giả: Vũ Thư Hiên
Sáng chủ nhật, khác với thường lệ, tôi bỗng bị gọi đi cung.
Khi Hách mở cửa, tôi còn ngái ngủ. Ngày thường tù xà lim phải dậy sớm để lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng đi cung, tuy chuyện đi cung đối với số đông tù xà lim chỉ năm thì mười họa. Cũng theo quy định, khi quản giáo mở cửa cho tù đi đổ bô, rửa ráy và ăn sáng thì tù phải ăn vận nếu không tề chỉnh thì cũng không được lôi thôi. Cái đó chứng tỏ sự tôn trọng chính quyền. Tiếng là ăn sáng, là điểm tâm cho oai, chứ cái suất ăn sáng ở đây chỉ điểm vào cái tâm mình một cái khe khẽ gọi là có. Một khúc sắn ôi, ba củ khoai hà - bữa lót dạ cho tù là thế.
Chủ nhật tù không có tiêu chuẩn ăn sáng, quản giáo vào xà lim chậm, cho nên tha hồ dậy muộn. Cứ tưởng trong xà lim ngày nào cũng như ngày nào, hóa ra không phải. Người tù xà lim cũng như người ở ngoài kia, cũng ngong ngóng mong chủ nhật như thường, không phải vì nó là ngày nghỉ, mà vì nó là cái mốc thời gian. Mỗi chủ nhật qua đi là anh ta tiến gần thêm cái đích trở về ở chân trời xa tít. Còn có một nét tâm lý này nữa : được một ngày khác với ngày thường, dù sao cũng vẫn là ngày không bị dựng dậy đi cung, người tù có thể nằm ườn đến tận trưa, cái đó làm cho anh ta thấy mình giống với người ở bên ngoài.
Trong Hỏa Lò hiếm khi tù đi cung vào chủ nhật. Trường hợp đi cung chủ nhật chỉ xảy ra với những can phạm vừa mới bị bắt, mà phải là can phạm trọng án kia, chấp pháp cần lấy cung gấp kia, chứ can phạm thường thì có thể yên tâm ngủ kỹ. Chủ nhật mọi người đều nghỉ, cả kẻ bắt tù lẫn kẻ ở tù. Không hiểu Huỳnh Ngự giở giói bắt tội tôi phải thức dậy khi chưa đẫy giấc làm gì ? Y chưa chán đấu khẩu với tôi sao ?
Tính ra đã bốn tuần lễ trôi qua kể từ hôm tôi bị bắt. Ðúng là thời gian thấm thoắt thoi đưa ! Ấy là nhờ Thành thông báo tôi mới biết chứ tôi chẳng nhớ gì hết. Tôi đã nhất định không tính đếm là không tính đếm. Ðếm những ngày ngồi tù làm gì kia chứ ? Ðể vận công thức nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại ra mà so mình với ông Bành Tổ chăng ? Chao ôi, khi nghĩ tới thời gian thì cái thời gian xà lim nó dài lắm, chẳng có cái thời gian nào dài bằng nó ! Tốt nhất là quên đi, quên ngày quên tháng, quên mẹ quên cha, quên con quên vợ, quên nhiều thứ khác nữa, quên tuốt. Như thế mới chịu đựng nổi, mới không phát điên, mới không xé quần áo chăn màn ra mà bện lấy một sợi thừng treo cổ. Chỗ để treo thì bao giờ cũng có, ở đâu cũng có, mặc dầu thoạt nhìn thì cái xà lim trống trơn có vẻ như chẳng có chỗ nào để mà treo. Thành kể có người tù buộc dây ngay vào cái song sắt bé tí tẹo nơi cửa kiểm tra (le judas) mà treo. Thế mà chết đấy ! Nhưng phải rất quyết tâm kia, phải rất có gan kia : le judas chỉ cao ngang mặt một người tầm thước.
Tôi hình dung mình treo ở cái song sắt đó, đầu ngoẹo về một bên. Không, mình sẽ không chọn cái chết như thế. Trông chẳng ra làm sao cả !
Thỉnh thoảng, như để động viên tôi, Thành lại ngâm nga hai câu thơ chẳng rõ của anh hay của ai :
Còn trời còn đất còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này !
Hách chăm chú quan sát tôi mặc thêm áo bông, đi giày. Tôi cảm thấy cái nhìn của y lướt trên thân mình, như thể cái nhìn của y có sức nặng. Hách có cái nhìn vô tình, nhìn người mà như thể nhìn vào khoảng không hoặc nhìn đồ vật. Dưới cái nhìn như thế người tù thấy mình thuộc về cái phần nhân loại bỏ đi theo cách phân loại nazi(1), không đáng được sống mà đáng quẳng vào lò thiêu. Hách chẳng thương xót cũng chẳng ghét bỏ. Y ở trên cao, dửng dưng ngó xuống.
Cũng có khi tôi tưởng tượng ra điều không có, tôi suy diễn, chứ trong khi đi cùng y ra phòng hỏi cung Hách cư xử với tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Ngắm cái đầu bù xù của tôi một lát, y nói bằng giọng khá thân tình :
- Tóc anh tốt rồi đấy ! Chiều rỗi, tôi cắt cho.
Huỳnh Ngự đón tôi trong chiếc áo bông khoác ngoài bộ dạ đen kiểu Tôn Trung-sơn thường lệ. Trời lạnh cắt da. Ngồi trong phòng đóng kín cửa mà tôi vẫn còn thấy cái run từ trong ruột.
Trong tù không có gương. Chẳng biết mình già, trẻ ? Thành vẫn thường ngâm nga câu ấy. Nhìn cổ tay tôi biết mình gày đi nhiều. Còn già đi bao nhiêu thì không biết. Trong Hỏa Lò tôi chưa bao giờ gặp một cái gương. Tôi mới ba mươi tư tuổi. Nỗi lo sợ cái già chưa làm phiền tôi.
Bên ấm trà, Huỳnh Ngự tào lao với tôi một lúc lâu. Qua câu chuyện lấp lửng, đầy những câu úp mở của y, tưởng chừng lấp ló đâu đây, ngay sau lưng y một tương lai nếu chưa sán lạn thì cũng rất dễ chịu - chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi sẽ được trở về với gia đình. Rồi đây Ðảng vô cùng anh minh và rất mực nhân từ(2) sẽ bố trí cho chúng tôi mỗi người một công tác thích hợp và một vị trí xứng đáng.
Tôi im lặng nhấp từng ngụm trà đặc, lơ đãng nghe y ba hoa.
Nghe y tán như khướu tôi lại nhớ tới câu nói "nghe Việt Minh nói kiến trong lỗ cũng phải bò ra" mà bật cười. Thế mà hồi trước nghe ai nói thế tôi giận lắm đấy. Tôi cũng là Việt Minh mà. Về sau này, khoảng 1954 trở đi, dần dà thiên hạ biết sợ, không còn ai dám nói cái giọng châm chọc ấy ra nữa.
Một người đàn ông đứng tuổi bước vào, lẳng lặng ngồi xuống ghế bên cạnh Huỳnh Ngự. Người đàn ông có gương mặt xương xương này dường như tôi đã gặp ở đâu đó nhưng tôi không nhớ ra. Chỉ thấy Huỳnh Ngự có vẻ kính nể anh ta, định ngừng lời để chào hỏi, nhưng anh ta phẩy tay ra hiệu cứ tiếp tục. Về sau mới biết là một nhân vật quan trọng - cục trưởng Cục bảo vệ Ðảng Nguyễn Trung Thành.
Ðang thao thao bất tuyệt, bỗng Huỳnh Ngự sực nhớ ra điều gì, y lục lọi trong các túi rồi rút ra một mảnh giấy :
- Nè, anh nhận ra nét chữ ai đây không ?
Y vui vẻ khoắng khoắng mảnh giấy trước mặt tôi.
Tôi nhận ra ngay nét chữ của cha tôi, mặc dầu khoảng cách khá xa. Cha tôi thuộc thế hệ nho học cuối cùng, bỏ chữ nho đi học chữ quốc ngữ. Vào thời ông còn trai trẻ, và rất lâu sau đó, người ta đặc biệt chú trọng chữ viết - học trò phải tập viết nắn nót cho đến khi đạt được cách viết chữ đẹp như chữ mẫu trong sách giáo khoa. Trong học đường giờ viết tập được coi trọng không kém gì các môn học khác. Không hiểu thực dân Pháp cần đào tạo lớp thư lại mẫu mực cho chính quyền thuộc địa hoặc giả nền giáo dục thời trước thích bề ngoài hào nhoáng, nhưng thế hệ cha tôi đã được rèn cặp để viết chữ rất đẹp. Thế hệ tôi viết tồi hơn nhiều. Thế hệ sau tôi còn tồi hơn nữa.
Tôi vờ nheo mắt, chăm chú. Rồi lắc đầu :
- Không, tôi không nhận ra.
Huỳnh Ngự đưa mảnh giấy lại gần thêm chút nữa :
- Nhận ra chưa nào ?
Tôi vẫn lắc đầu.
- Mắt anh kém đến thế kia à ?
- Cũng không đến nỗi kém lắm.
- Vậy mà anh không nhận ra đó.
Y thú vị với trò trẻ con của y.
- Chừ nhận ra chưa ?
Màn kịch hôm ấy về sau hóa ra có lợi. Tưởng tôi cận thị nhẹ không chịu mang kính, Huỳnh Ngự thường hớ hênh để những bản cung trên bàn không che đậy, trong tầm mắt tôi. Nhờ đó tôi biết ai mới bị bắt, ai đã yếu lòng.
- Nè, thư ông già anh gởi cho anh đó ! - Huỳnh Ngự đặt mảnh giấy xuống trước mặt tôi, ôn tồn - Ðọc đi. Tui qua bển một lát.
Y đứng lên cùng với cục trưởng Cục bảo vệ Ðảng. Hai người đi ra ngoài.
Thư cha tôi viết :
"Con của bố,
Bố mấy hôm nay trong người yếu lắm. Bố rất lo lắng cho mẹ và các con ở nhà. Mẹ và các con cứ yên tâm về bố, ở đây bố có đủ thuốc men và được chăm sóc chu đáo. Ðảng bắt bố là việc vạn bất dắc dĩ, Ðảng buộc lòng phải làm như vậy vì bố có tội với Ðảng, Là đảng viên hoạt động cách mạng lâu năm, nhưng bố có khuyết điểm chỉ nhìn thấy những điều bất đồng chứ không nhìn thấy cái chung lớn lao, do thiếu ý thức tổ chức mà phạm vào những sai lầm nghiêm trọng có phương hại cho Ðảng. Bố mong con nghe lời bố thật thà báo cáo hết với Ðảng những sai lầm khuyết điểm của mình trong bước ngoặt này của cách mạng. Phương châm của Ðảng là trị bệnh cứu người, chứ với cán bộ cách mạng Ðảng không có mục đích trừng trị. Bố".
Tôi nghiến ngấu đọc bức thư không chờ đợi.
Cảm giác duy nhất của tôi lúc ấy, khi đọc xong, tôi nhớ rất rõ, là xấu hổ, xấu hổ vô cùng. Mặt tôi nóng bừng. Mồ hôi vã ra. Ðúng như người ta thường nói, tôi muốn có một lỗ nẻ để chui xuống đất.
Nguyên nhân nào đã khiến cha tôi viết cho tôi một bức thư như thế ? Chao ôi, đó là cái gì nếu không phải là sự đầu hàng nhục nhã. Trong khi chúng tôi vô tội. Trong khi chúng tôi đang cắn răng lại để được ngẩng cao đầu. Trong khi chúng tôi đang đòi bọn độc tài phải trả lời trước công luận.
Bức thư của ông đặt vào tay chúng bằng chứng nhận tội. Một bức thư không có lợi gì cho chúng tôi. Tôi như nhìn thấy bộ mặt Huỳnh Ngự nhăn nhở trong tiếng cười khoái trá.
Những dòng chữ thân thương của cha tôi quay cuồng trước mắt.
Trời hỡi, cha tôi, mà tôi quen nhìn như một anh hùng, lại hèn nhát đến thế ư ?
Trong phút ấy, lạy Trời, tôi là đứa con bất hiếu ! Tôi chỉ muốn cha tôi chết đi, nhưng hãy chết như một anh hùng ! Tôi không muốn ông sống hèn hạ như thế này ! Chết đứng còn hơn sống quỳ, chẳng phải chính ông đã dạy tôi như vậy sao ?
Chúng tôi, những đứa con của ông, chúng tôi đã yêu ông biết mấy, đã kính trọng ông biết mấy !
í nghĩ đầu tiên đến với tôi là tôi sẽ đứng vững đến cùng. Cha tôi có thể đầu hàng, nhưng tôi thì không(3) !
Trong phút ấy tôi sợ nhất phải gặp Huỳnh Ngự để y nhìn thấy sắc mặt tôi biến đổi. Y có thể quay về bất cứ lúc nào. Cái rét run biến đâu mất. Mồ hôi toát ra. Tôi chưa đầu hàng. Vậy mà cha tôi đã kéo cờ trắng thay cho tôi. Tôi sẽ chẳng dám nhìn thẳng vào mặt Huỳnh Ngự như trước. Nước mắt tôi trào ra.
Tôi cứ ngồi bất động, đọc đi đọc lại bức thư, trong lòng tê tái. Tôi quên hẳn anh chàng công an phụ tá của Huỳnh Ngự vẫn ngồi lặng lẽ trong một góc, một người thấp bé, trán hói, gương mặt hiền lành, giống một thầy giáo làng.
Cục 2(4), người ta kể, có những tay tổ trong nghề giả mạo chữ viết trong bộ phận chuyên làm giả giấy tờ cho các điệp viên. Chưa từng có điệp viên nào bị lộ vì sử dụng giấy tờ của họ. Sau khi hòa bình lập lại (1954) Nha Công an Việt Nam đổi thành Thứ bộ Công an rồi Bộ Công an, Cục 2 đã chuyển cho Cục Tình báo của bộ này một số chuyên gia của nó.
Bức thư có thể là của giả chăng ?
Ðáng buồn cho tôi, càng đọc kỹ, càng xem kỹ, tôi càng tin rằng công an không làm giả bức thư. Chính là nét chữ của cha tôi.
Nhưng tôi cũng không tin cha tôi hèn nhát. Ông không phải người như thế. Cần bình tĩnh tìm bên trong bức thư quá khiêm nhường này những lời nhắn nhủ khác.
Trước ngày bị bắt, công an có chuyển đến cho tôi một bức thư cũng của cha tôi, trong đó ông khuyên tôi đến Ban tổ chức Trung ương để báo cáo về những khuyết điểm của mình. Tôi không tin đó là cha tôi viết. Tôi cũng không đến Ban tổ chức Trung ương. Không dại gì đi nhận những cái tội không có, để Lê Ðức Thọ sử dụng nó vào việc hại người.
Liệu cha tôi có biết tôi bị bắt không ? Căn cứ lời lẽ trong thư, tất nhiên không rõ ràng, thì nhiều phần là không, ông chưa biết tôi bị bắt. Thì đây, nếu biết tôi bị bắt ông đã không viết "bố rất lo lắng cho mẹ và các con". Như vậy là ông viết trong hoàn cảnh muốn bảo vệ vợ con trước sự đe dọa của những kẻ nắm quyền. Cha tôi muốn cứu tôi. Ông sợ nếu tôi cũng bị bắt nốt thì một mình mẹ tôi sẽ khó bề xoay xỏa.
Tại sao bức thư lại bị cắt ngắn ở phía dưới. Phải chăng người ta đã cắt đi dòng đề ngày tháng ? Hoặc ở đó có dòng tái bút không vừa ý kẻ kiểm duyệt ?
Tại sao ông lại viết : "Bố rất lo lắng cho mẹ và các con" ? Cái gì làm ông phải lo lắng ? Ông lo ông bị bắt, không có lương của ông thì mẹ tôi không nuôi nổi con cái chăng ? Ðành rằng Ðảng đã xích chặt cán bộ với mình bằng đồng lương - cán bộ đã quen sống bao cấp đến nỗi anh ta không thể sống nổi nếu như anh ta bị cắt lìa khỏi cái vú Nhà nước. Mẹ tôi là người tháo vát. Bà có thể ra đường với một gánh hàng rong chứ không chịu vì mình mà chồng phải khuất phục cường quyền. Ông rất hiểu điều đó. Chưa bao giờ tôi thấy ông viết một câu tương tự trong những bức thư gửi cho mẹ tôi. Mẹ tôi đã cho ông thấy không phải một lần rằng bà biết tự mình chèo chống khi vắng ông. Mà ông thường xuyên vắng nhà trong cuộc đời hoạt động cách mạng của hai người.
Ghép những câu đùa bỡn của bạn bè cha mẹ tôi với những câu chuyện mẹ kể về thời trẻ của hai ông bà, tôi mường tượng ra mối tình của hai người. Nó bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa hai tổ chức yêu nước để bàn việc hợp nhất. Tổ chức của mẹ tôi gồm một nhóm nữ sinh tự động kết hợp với nhau mà thành(5). Trong sách sử người ta ghi lại tình hình này bằng câu : các tổ chức cách mạng mọc lên như nấm. Trong thời kỳ này mẹ tôi, một nữ sinh, đã cùng các bạn học tổ chức cuộc bãi khóa bảo vệ Phạm Tất Ðắc(6), tác giả bài thơ nổi tiếng Chiêu Hồn Nước.
Thành lập năm 1925, Thanh niên Cách mạng Ðồng chí hội hồi bấy giờ đã là một tổ chức vững chắc, có uy tín trong dân chúng. Cha tôi đại diện cho tổ chức này đi chắp nối với các tổ chức yêu nước khác, kêu gọi hợp nhất để tăng thêm sức mạnh. Mối tình của hai người nẩy nở từ những cuộc gặp gỡ đó(7). Ðó là một mối tình lãng mạn, đầy chất thơ cộng với lòng yêu nước của những con người bất bình với thân phận nô lệ.
Chúng tôi lần lượt ra đời. Không thể nào cả hai ông bà cùng đi hoạt động để không còn ai trông nom dạy dỗ con cái. Trong hai người phải có một người ở nhà làm việc đó. Người phải ở nhà tất nhiên là mẹ tôi. Bà vừa trông con, vừa làm các công tác thích hợp được Ðảng giao phó - lo toan kinh tế cho đoàn thể, giữ liên lạc với các đồng chí. Các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Ðình Long, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Lê Quang Ðạo, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Ðăng Ninh, Khuất Duy Tiến, Ðặng Châu Tuệ, Ðặng Kim Giang, Bùi Lâm, Ðặng Việt Châu... đều đã qua lại cơ sở được đảm bảo chắc chắn này của cách mạng.
Vậy thì lần này, lần kế tiếp của những sóng gió xảy ra trong cuộc đời đôi vợ chồng cách mạng, cái gì đã làm cho cha tôi lo lắng đến như thế ?
Tôi suy nghĩ rất lung.
Cuối cùng rồi tôi cũng nhận ra những lời đích thực mà cha tôi muốn nhắn nhủ, đặt những dòng viết vào trong văn cảnh thời hiện tại : "bố lo bọn chúng sẽ không từ một thủ đoạn khủng bố nào để đàn áp những người dám cưỡng lại ý chúng.."
Chính mẹ tôi cũng đã căn dặn chúng tôi :
- Xem ra chuyện này không đơn giản đâu, các con ạ. Nó không phải chuyện địch dựng vụ để ta tàn sát lẫn nhau như đã từng xảy ra(8). Có điều chính quyền ngày nay không phải của ta nữa rồi. Bọn lợi dụng thành quả cách mạng chỉ chưa xưng vương được mà thôi. Chúng đã leo được lên đầu lên cổ nhân dân, chúng sẽ không dừng lại. Phải biết giả câm giả điếc mà sống qua giai đoạn này. Nếu chúng nó bắt mẹ thì Hiên trông các em. Nếu Hiên cũng bị bắt thì đến Phương...Cứ thế mà trông nom nhau.
Bà đưa chúng tôi vào Hà Ðông để thăm bác Ðinh Chương Dương.
Bác Ðinh là người đưa cha tôi vào đường cách mạng, cho nên cha tôi coi bác như nghĩa huynh. Hai người gặp nhau khi cha tôi còn là một học sinh 15 tuổi, tại thị xã Tuyên Quang. Ông Vũ Ðình Linh, anh cả của cha tôi, hồi ấy làm công chức cho Pháp trên cái tỉnh mạn ngược này. Những người tù chính trị làm cỏ-vê(9) ở núi Cố đã giác ngộ lòng yêu nước cho cha tôi, trong đó bác Ðinh gần gụi với cha tôi hơn cả. Cha tôi đã nhịn quà sáng, xin thêm tiền chị dâu để sắm quần áo cho cuộc vượt ngục của bác Ðinh và một số đồng chí. Sau đó, mất liên lạc với bác Ðinh, cha tôi tự viết truyền đơn, tự tay đi rải ở thị xã Thái Bình và bị bắt lần đầu.
"Huỳnh ơi ! Huỳnh ơi ! Huỳnh ơi !", nghe tin dữ bác Ðinh đang nằm liệt đập tay xuống giường kêu lên ba lần, khóc nức nở. Nhìn người già lăn lộn khóc lóc, lòng tôi đau quặn. Mẹ tôi nói với bác Ðinh :"Em cũng có thể bị chúng nó bắt, bởi vì em cũng biết nhiều điều bí mật chồng em biết. Nếu em bị bắt thì cháu Hiên sẽ thay mặt vợ chồng em vào thăm bác, cháu Hiên bị còn cháu Phương, còn lại một đứa nào trong mười đứa con em thì còn có đứa vào đây thăm bác". Rồi mẹ tôi nghẹn ngào, nụ cười méo xệch :"Ðẻ nhiều đâm ra những lúc như thế này lại có lợi, bác ạ !". Bác Ðinh hỏi tôi :"Cháu có nhớ chuyện "giật giải mũ"(10) không ?". Tôi thưa có. Bác nói :"Người xưa còn thế được, người nay mà thế a ?!".
Mẹ tôi ít đọc sách, nhưng trái tim trong sáng luôn mách bảo bà, giúp bà nhìn thấu bản chất sự việc. Tại sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ ? Phải chăng trong góc sâu kín nào của tâm hồn tôi vẫn còn ngờ có những điều cha tôi giấu tôi. Phải chăng vì ông giao du với những người mưu toan cướp chính quyền nên lãnh đạo Ðảng mới bắt ông ? Nhiều người ngây thơ cũng đã nghĩ như tôi, sau này ra tù rồi tôi mới được biết. Chúng tôi tin Ðảng, như bây giờ người ta nói, hơi bị nhiều.
Dưới thời Sta-lin không ít người cộng sản vô tội bị hãm hại, giờ ai cũng biết. Ðiều ít ai biết là những người này, sau một thời gian được xử lý tại các xà lim, đã nhận những tội họ không hề phạm, đã nói những lời ăn năn, hối lỗi. Những nhà nghiên cứu đã tìm hiểu hiện tượng này và họ thống nhất trong nhận định : nguyên nhân của sự đầu hàng chóng vánh là bộ máy đàn áp hứa hẹn chắc chắn sẽ thanh toán cả gia đình họ nếu họ không chịu nhận tội. Trong nỗi tuyệt vọng trước viễn cảnh đen tối những người bị trấn áp chỉ còn một con đường duy nhất : làm ra vẻ khuất phục để ít nhất cũng cứu được vợ con(11).
Huỳnh Ngự nhắc khéo tôi :
- Hôm rồi vợ anh dắt các cháu tới đây xin cho các cháu gặp ba ! Các cháu xinh xắn hỉ ? Chị khóc, các cháu khóc, chúng nó nhớ ba, trông mà ái ngại. Anh phải nghĩ tới vợ con anh chớ. Ai cho vợ một tên chống Ðảng ở trong biên chế Nhà nước ? Mất việc rồi lấy chi nuôi con ? Rồi đây con cái anh sẽ ra sao ? Chúng nó sẽ đứng đường một khi anh vẫn ngoan cố, vẫn không chịu hối cải để được Ðảng khoan thứ(12). Ðừng sợ Ðảng trừng trị mà giấu giếm tội lỗi. Hãy lo mình chưa tận trung. Ðảng bao giờ cũng giơ cao đánh sẽ...
Một hôm khác y dụ dỗ :
- Này, anh phải cố gắng lên chứ. Anh Sáu nói ảnh sẽ bố trí thời gian cho anh được gặp đấy. Nhưng anh phải thế nào chứ cứ thế này thì ảnh chẳng cho gặp đâu. Ðược gặp anh Sáu anh cứ xin ảnh, biết đâu ảnh chẳng thương tình mà cho về...
- Tôi không hiểu cố gắng nghĩa là thế nào.
- Còn nghĩa là thế nào nữa ! Là phải thành khẩn khai báo, phải nhận mọi tội lỗi với Ðảng, thì Ðảng sẽ khoan hồng.
Cha tôi nói ông "có tội với Ðảng...thiếu ý thức tổ chức, do đó phạm những sai lầm nghiêm trọng có phương hại cho Ðảng". Những sai lầm nghiêm trọng nào ? Ông nhận tội gì kia chứ ? Ông nhận ông thiếu ý thức tổ chức, nhưng ý thức tổ chức là cái gì khi chính cái tổ chức không còn là tổ chức của ông ?
Thời gian cuối trước khi hai cha con bị bắt, do thường xuyên công tác xa nhà tôi ít có dịp gần cha tôi. Qua những buổi tâm sự rời rạc tôi hiểu cha tôi cuối cùng đã giác ngộ được điều mà người ngoài Ðảng đã biết từ lâu : Ðảng không còn là đảng trước kia nữa.
Tôi không tin ông chống Ðảng theo quan niệm thông thường. Do tính cố chấp nhà nho, lòng ông bất nhẫn khi phải chống lại tổ chức mà trước kia ông từng là thành viên.
Hay ông bị người khác lôi cuốn vào những việc làm chống Ðảng mà chính ông không biết ? Có thể người ta lợi dụng ông, người ta cần đến những nhà cách mạng lão thành như cần một ngọn cờ ? Chuyện đó cũng không thể có. Ông không đến nỗi ngây thơ để bị lợi dụng. Ông cũng chưa lú lẫn. Trong ông niềm tin ở Ðảng chưa tắt. Ông vẫn hi vọng Ðảng sẽ thay đổi. Không thể nào một Ðảng đã kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc như thế lại không hiểu được rằng nền độc lập sẽ không thể là độc lập khi lệ thuộc ngoại bang, rằng tự do không thể là tự do nếu không có tự do tư tưởng.
Vậy thì mâu thuẫn gây ra cuộc trấn áp tàn bạo chỉ nằm trong sự không đồng nhất của những quan điểm về chủ nghĩa cộng sản chăng ?
Khi Lê Ðức Thọ xưng "Ðảng là tao !", khi Lê Duẩn tuyên bố "Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta", thì bất cứ ai nghĩ khác họ trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là kẻ chống Ðảng. Và kẻ chống Ðảng phải bị trấn áp.
Nhờ ảnh hưởng văn hóa phương Tây, ảnh hưởng tinh thần tự do của Ðại Cách mạng Pháp, cha tôi không sùng bái cá nhân. Tuy nhiều năm làm việc với ông Hồ, cha tôi chỉ kính trọng ông như kính trọng một nhà cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng không bao giờ mù quáng sùng phục ông Hồ. Với cha tôi, không có thánh nhân trong các đồng chí. Mỗi người cộng sản lãnh một chức trách để thực hiện mục đích của cách mạng. Vị trí anh ta ở đó, giá trị anh ta cũng ở đó. Ông khinh bỉ thói luồn cúi.
Cũng không phải ông Hồ Chí Minh khó chịu với cha tôi mà cho Lê Ðức Thọ bắt ông. Giữa hai người quả đã có những mâu thuẫn về quan điểm đối với vấn đề ruộng đất, trong thái độ đối xử với trí thức, với những nhà tư sản và địa chủ yêu nước. Lê Ðức Thọ, và rất có thể cả Lê Duẩn, chắc phải xúc xiểm nhiều lắm, bịa đặt nhiều lắm mới làm cho ông Hồ bằng lòng bỏ tù một loạt cán bộ có công với cách mạng.
Cha tôi khẳng định người chịu trách nhiệm chính trong sự gây ra những sai lầm trong Cải cách ruộng đất là ông Hồ Chí Minh chứ không phải Trường Chinh, như đã có sự ngộ nhận kéo dài nhiều năm. Trường Chinh là con dê tế thần cho sai lầm của ông Hồ.
Nhưng, lại cũng công bằng mà nói, ông Hồ không hề có ý định làm Cải cách ruộng đất trong kháng chiến chống Pháp. Ông không muốn khuấy động sự ổn định của chính quyền cách mạng trong lúc trước mặt là kẻ thù xâm lược. Ông đã buộc phải làm Cải cách ruộng đất khi bị Mao nhắc nhở. Trong quyết định này khía cạnh tâm lý có tầm quan trọng lớn : ông Hồ không muốn bị vu vạ thêm một lần như ông đã từng bị vu vạ rằng ông là người không có lập trường cách mạng kiên quyết.
Như vậy, Cải cách ruộng đất được quyết định trong hoàn cảnh có sự thúc ép mạnh mẽ từ bên ngoài. Nó bắt đầu vào những năm 1953-1954, khi tình hình các chiến trường, tình hình trong nước và thế giới trở nên đặc biệt thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp, làm cho ông Hồ có cảm giác chiến thắng cuối cùng đã gần kề.
Những nhân vật kế cận ông Hồ như Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Hoàng Văn Hoan(13), Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt... vốn là những mao-ít nòi. Họ vừa thúc bách ông, vừa hùn vào quyết định còn đang lung lay của ông. Tuy nhiên, đối với ông Hồ Chí Minh họ lúc nào cũng giữ tư cách những học trò khiêm tốn. Bên cạnh ngôi sao sáng Hồ Chí Minh tổng bí thư Trường Chinh không có vai trò lớn như nhiều người lầm tưởng. Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp không bao giờ dám, và cũng không bao giờ được phép tự mình quyết định những chủ trương lớn.
Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, khi ở vùng tự do Thanh hóa, Nghệ An thuộc Liên khu 4 cán bộ giảm tô giảm tức kích động nông dân hành hạ dã man những địa chủ, nói cho đúng là những nông dân giàu có, cha tôi tức tốc lên Việt Bắc báo cáo tình hình xảy ra với chủ tịch. Ông Hồ hốt hoảng hạ lệnh đình chỉ tức khắc cuộc giảm tô giảm tức cường đạo và gửi thư xin lỗi đồng bào.
Ông đã nghe cha tôi vào thời kỳ ấy, nhưng đến Cải cách ruộng đất thì ông không nghe nữa. Lúc ấy ông đã bị các cố vấn Trung Quốc và những lý thuyết gia mao-ít nội hóa thuyết phục. Ông nghe làm sao được khi trên báo Nhân dân ngày nào cũng tràn ngập tin tức về những thắng lợi rực rỡ của cuộc cách mạng long trời lở đất.
Câu chuyện về Hồ Chí Minh trong thâm tâm chống lại chủ trương Cải cách ruộng đất, bực bội vì nó mở màn bằng việc bắn một người đàn bà, như một số người muốn bào chữa cho ông là chuyện tầm phào. Một lệnh ông Hồ ban ra không chỉ cứu một bà Nguyễn Thị Năm(14), nó còn cứu hàng ngàn người bị giết oan trong cả Cải cách ruộng đất lẫn Chỉnh đốn tổ chức do Lê Văn Lương song song tiến hành. Ông Hồ đã không cứu bà Năm. Ông không cứu ai cho tới khi những sai lầm tích tụ lại thành cái nhọt bọc. Lúc cái nhọt bọc vỡ ra ông mới tỉnh cơn mê. Nhưng đã muộn.
Trong những ngày u ám đó cha tôi được cử làm bí thư Ðoàn ủy một đoàn Cải cách ruộng đất. Là người có kinh nghiệm vận động quần chúng, ông thấy Cải cách ruộng đất đang mắc sai lầm. Nó đi chệch mục tiêu "người cày có ruộng", biến thành một cuộc tàn sát chỉ để tàn sát, một dịch cuồng amok(15) của châu ỏ. Trong cuộc đời cách mạng của ông, ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông hiểu đất nước ông, ông hiểu đồng bào ông. Ông không tin kết luận của các thầy Tàu nói phàm nông dân giàu có đều là địa chủ chống cách mạng, chống kháng chiến. Ông tin ở lòng yêu nước của đồng bào. Chính những nông dân giàu có, những địa chủ nhỏ, theo ông, là những người sớm giác ngộ cách mạng do ý thức được phải tự giải phóng khỏi thân phận nô lệ hơn lớp bần cố nông do quá nghèo đói và mù chữ không có điều kiện tiếp xúc với trí tuệ cách mạng. Những nông dân giàu đã có công lớn trong việc nuôi cán bộ, bộ đội trong những ngày đầu kháng chiến, khi chính quyền cách mạng còn trứng nước. Không phải sự nghèo khổ làm cho người ta có ý thức cách mạng. Trong chuyện này người ta quên hẳn lời những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác " í thức cao nhất của công nhân chỉ là ý thức công đoàn".
Sự tráo trở được dựng thành lý thuyết : những nhà giàu mà người ta gọi bằng các nhà hằng tâm hằng sản khi cần đến sự giúp đỡ của họ chỉ là đồng minh giai đoạn, gọi theo đúng chữ dùng trong các tài liệu học tập cho cán bộ. Giờ đây, khi cách mạng đã qua cái giai đoạn cần họ thì họ bị coi như kẻ thù.
Lại một lần nữa, cha tôi bỏ công việc về Hà Nội gặp ông Hồ Chí Minh. Ðang trong cơn đau gan nặng, ông chống gậy lên Chủ tịch phủ. Ông nói lớn với ông Hồ :"Máu đồng bào, đồng chí đã đổ mà Bác còn ngồi yên được à ? Chúng ta tuy không có học, chúng ta dốt, chúng ta phải vừa làm vừa học xây dựng chính quyền, vì dốt nát chúng ta mắc mọi sai lầm, nhưng chúng ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu đồng bào, đồng chí !(16)"
Sau sai lầm Cải cách ruộng đất ông Hồ và những người phụ tá luôn bị ám ảnh rằng mọi người đều lên án họ. Do đó ai nói đụng tới Cải cách ruộng đất cũng đều làm cho họ khó chịu. Trường Chinh ngay trong Cải cách ruộng đất đã phàn nàn rằng cha tôi giờ bất mãn với Ðảng, trở thành cái loa cho bọn tư sản, địa chủ.
Mà cha tôi bất mãn thật. Ông bất mãn về nhiều việc làm của Ðảng mà ông cho là không quân tử, không đạo đức. Ông bất mãn vì nhìn thấy cuộc cách mạng mà ông tham gia cuối cùng đã dựng nên một xã hội không tử tế.
Ông không bằng lòng cách Ðảng giải quyết vụ Nhân văn-Giai phẩm, trấn áp và hạ nhục nhiều trí thức và văn nghệ sĩ, là những người có tâm huyết với đất nước. Ông buồn rầu nói với các bạn : "đối xử với nhân sĩ, trí thức như thế không phản động họ cũng thành phản động".
Cha tôi thương Nguyễn Hữu Ðang, đồng chí của ông từ thời kỳ hoạt động bí mật. Khi ở Liên Xô về, tôi hỏi ông về vụ Nhân văn - Giai phẩm thì cha tôi nói :"Ðó là một vụ bày đặt. Nguyễn Hữu Ðang đâu có ý định chống Ðảng. Anh ta chỉ muốn cách mạng tốt hơn. Vu oan giá họa cho người ta là không quân tử". Ông Ðặng Kim Giang có mặt hôm đó nói :" Ðang cũng có khuyết điểm, lúc Ðảng gặp khó khăn làm tình hình đã rối rắm rồi lại càng rối rắm thêm, thì không nên. Nhưng cách Ðảng giải quyết vụ này cũng rất tồi". Ông kính trọng sĩ khí của cụ Phan Khôi(17) :"Ðó là một nhà nho đúng nghĩa nhà nho, không biết cúi đầu. Có thể tranh luận với ông ấy, nhưng dùng lối bịt miệng, vu cáo người ta thì hèn quá !"
Vào thời kỳ ấy, cả cha tôi, cả ông Ðặng Kim Giang, và nói chung những người cộng sản thuộc thế hệ già, chưa thoát khỏi cách suy nghĩ bị trói trong khuôn phép của cái gọi là ý thức tổ chức. Họ không đồng tình với Ðảng đấy, nhưng họ chỉ biết than thở với nhau. Nếu thấy hậu quả việc làm của Ðảng không đến nỗi quá tai hại, quá nghiêm trọng, theo như họ nghĩ, thì họ buồn rầu cho qua, tôn trọng quyết định của lãnh đạo.
Những chính sách của Ðảng sau khi Lê Duẩn lên ngôi làm cho cha tôi không bằng lòng ngày một nhiều thêm. Mỗi ngày ông xa Ðảng thêm một chút.
Cha tôi không bằng lòng việc đẩy nhân sĩ trí thức ra ngoài bộ máy Nhà nước để thay vào đó những đảng viên bất tài, kém học. Ông cảm thấy ông có lỗi với những người trước kia ông vật nài, lôi kéo họ tham gia chính phủ lâm thời năm 1945-1946, như các ông Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Ðoàn, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Ðặng Phúc Thông, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Ðắc Di, Trần Ðăng Khoa, Vũ Ðình Tụng(18)... Chế độ đảng trị càng vững chắc thì quyền dân chủ của nhân dân càng mỏng manh, càng bị cắt xén.
Cha tôi cũng không đồng tình với đường lối lấy chiến tranh làm phương sách duy nhất để thống nhất đất nước. Ông cho rằng từ giữa thập niên 50 tình hình thế giới đã có những tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp mà không cần tới bạo lực. Cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt giữa hai miền Nam Bắc đem đến đau khổ cho mọi nhà. Cần phải tích cực tìm kiếm giải pháp hòa bình, chứ không loại trừ nó ngay từ đầu. Không tìm là sai lầm. Tìm mà không được là chuyện khác.
Nhân chuyện thống nhất đất nước, tôi xin nói tới một mẩu lịch sử ít người biết. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Ngô Ðình Diệm(19) bị bắt. Tại Hà Nội ông Diệm bị giam không phải ở Hỏa Lò mà ngay trong Bắc bộ phủ. Theo ông Chu Ðình Xương, nguyên giám đốc Sở Liêm phóng Hà Nội, thì việc Ngô Ðình Diệm bị giam tại Bắc bộ phủ là do ông Hồ Chí Minh quyết định. Tại sao ông Hồ lại có quyết định đó thì ông Chu Ðình Xương không hiểu. Rất có thể do những dây mơ rễ má nào đó giữa gia đình ông Hồ với các quan lại triều Nguyễn trong quá khứ mà ông Hồ Chí Minh lo cho số phận của Ngô Ðình Diệm, không muốn để mặc tính mạng con người nổi tiếng chống Cộng này nằm trong tay những đồng chí nóng tính.
Cha tôi là người giữ chìa khóa phòng giam. Ðến bữa, cảnh vệ lên lấy chìa khóa, cho Ngô Ðình Diệm ăn xong thì nộp lại. Một hôm, ông Hồ bảo cha tôi :"Chú Huỳnh ạ, tôi tính nên thả ông Diệm. Mình làm ân cho người ta tốt hơn là làm oán". Cha tôi bàn với ông Lê Giản(20). Hai ông cho rằng để ngăn ngừa những hành động chống cách mạng của ông Diệm cách tốt nhất là để cho ông ta được hưởng chế độ câu lưu tại Việt Bắc. Ông ta sẽ sống như dân thường, chỉ bị hạn chế tự do đi lại mà thôi.
Ông Hồ Chí Minh bỏ ngoài tai ý kiến phản bác, ông đã định thả là ông thả :"Các chú không ở Huế không biết, chớ dân Huế có câu "Ðầy vua không Khả, đào mả không Bài(21). ", là nói về cụ thân sinh ông Diệm đấy. Vị người cha thả người con là điều nên làm lắm chứ. Các chú không nên hẹp hòi!"
Nhiều người nhận xét khi ở cương vị tổng thống Việt Nam Cộng hòa ông Ngô Ðình Diệm không bao giờ có những lời khiếm nhã đối với chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những nguyên nhân, theo tôi nghĩ, có thể là do ông Diệm không quên ơn ông Hồ đã tha mạng mình, là điều không phải khó hiểu.
Cho tới khi cuộc đấu tranh giữa hai đường lối nổ ra ráo riết thì Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng khó xử. Ông vốn không mấy quyết đoán trong đấu tranh nội bộ. Ông thích cái sự ăn ở hòa thuận, có gì không nên không phải thì cùng nhau bàn bạc giải quyết, đã là anh em một nhà thì đóng cửa bảo nhau, không nên chửi bới, lại càng không nên thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chính ông, chứ không phải ai khác trong những nhà lãnh đạo cách mạng, đã viết như sau :"Nghe người ta nói đấu tranh giai cấp mình cũng ra khẩu hiệu đấu tranh giai cấp mà không xét hoàn cảnh nước mình thế nào để làm cho đúng(22)". Ông ngán cái cảnh đấu tranh giai cấp mà ông được thấy tận mắt ở nước Nga xô-viết sau khi Lênin qua đời.
Những người gặp ông Hồ Chí Minh kể lại rằng nhìn tình hình loạn lạc bên nước láng giềng, ông tỏ ra rất lo lắng, ông không muốn Việt Nam bị cuốn vào cuộc đấu tranh lý thuyết đã vô bổ mà còn có thể gây ra cảnh nồi da nấu thịt.
- Ông Cụ phiền muộn vì cái vụ Liên Xô Trung Quốc chửi nhau này lắm. - thiếu tướng Lê Liêm kể cho tôi sau một lần gặp Hồ Chí Minh - :Ông Cụ nói với tôi : thế này thì phe xã hội chủ nghĩa còn mặt mũi nào nữa trước các nước nhược tiểu, người ta trông cậy vào mình. Trong nhà còn lục đục, nói ai người ta nghe...
Khi ban lãnh đạo Ðảng ngả theo Bắc Kinh, ông Hồ còn buồn hơn. Ông hiểu Mao Trạch-đông, hiểu tham vọng bá, tính cách bá của ông ta. Với đường lối "tọa sơn quan hổ đấu" (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) đã nhiều năm Mao xúi Liên Xô đụng đầu với Mỹ, nay ông ta lại khuyến khích Việt Nam xông trận. Mao sẵn sàng hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống "con hổ giấy(23)", là điều Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết.
Tôi được đọc nhiều lời buộc tội Hồ Chí Minh chia cắt đất nước. Tôi nghĩ điều này không đúng với thực tế. Khi phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự hội nghị Genève về Ðông Dương vấn đề chia đôi Việt Nam không có trong hành trang. Ông Hồ Chí Minh không hề có ý muốn như vậy. Sự chia cắt, như một giải pháp hòa bình cho Ðông Dương, được quyết định bởi các cường quốc, trước hết là Trung Quốc, rồi đến Liên Xô và Mỹ. Trước những sức ép quá mạnh Hồ Chí Minh đành chịu. Dù sao mặc lòng đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo quá dài.
Ðó là nhận định của cha tôi, người gần gụi ông Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử đó. Cũng theo cha tôi, ông Hồ thật sự không chủ trương dùng bạo lực để thống nhất đất nước. Ông thật sự tin rằng sau hai năm đất nước bị chia cắt tạm thời sẽ có tổng tuyển cử và thắng lợi chắc chắn sẽ đến với những người cộng sản. Cha tôi cho rằng trong cách nhìn nhận một con người điều quan trọng hơn cả là phải giữ được lẽ công bằng. Sau vụ bắt bớ, giam cầm những người cộng sản bất đồng chính kiến, nhiều người buộc tội ông Hồ Chí Minh, thậm chí gán cho ông những tính chất mà ông không có, như tính hiếu chiến, hiếu sát. Cha tôi giận ông Hồ, nhưng ông không đồng tình với lời buộc tội đó. Những ngày ở trong rừng Việt Bắc, cha tôi kể, mỗi khi sắp mở một chiến dịch ông Hồ trở nên bẳn gắt và hút thuốc lá luôn miệng, có khi thức trắng đêm. Hồ Chí Minh hiểu hơn ai rằng gắn liền với mỗi thắng lợi trên chiến trường là máu chiến sĩ, đồng bào phải đổ ra. Có lẽ trong những người cộng sản thế hệ ông Hồ Chí Minh là người ít thích thú chiến tranh nhất.
Lê Duẩn thuộc loại người khác hẳn. Ông ta lớn lên nhờ chiến tranh. Không có chiến tranh Lê Duẩn không còn là Lê Duẩn. Lê Duẩn chẳng ngần ngại chê bai Hồ Chí Minh không dám chủ trương dùng bạo lực giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. "Bác còn do dự, chớ khi rời miền Nam tui đã chuẩn bị hết cả rồi. Với tui chỉ có uýnh thôi, uýnh cho tới thắng lợi cuối cùng".
Cha tôi cho rằng việc ban lãnh đạo Ðảng mời Giải phóng quân Trung Quốc vào Việt Nam là sai lầm tệ hại. Trong công tác phóng viên tôi đã đến Khu tự trị Việt Bắc và Khu mỏ nhiều lần. Trở về tôi kể lại cho cha tôi những gì tôi thấy. Nghe chuyện dân vùng núi Việt Bắc không được phép kiếm củi trong những khu rừng quê hương, nay đã trở thành khu vực đóng quân của Trung Quốc, những người thợ mỏ muốn đi tắt qua phần đất đã được giao cho Trung Quốc(24) bị bộ đội Trung Quốc xua đuổi, ông rơm rớm nước mắt.
Ông lo lắng trước tình hình nước nhà bị lệ thuộc. Ông tự đi thuyết phục các nhà lãnh đạo, họ là các đồng chí cũ của ông trong thời kỳ bí mật, kêu gọi họ cảnh giác trước chủ nghĩa bành trướng và bá quyền của nước láng giềng đã từng đô hộ Việt Nam. Họ nghe ông với nụ cười mơ hồ, trịch thượng. Việc nước đã có họ lo, không cần đến ông.
Ông rất bất bình về việc Nguyễn Chí Thanh, người nắm thực quyền trong quân đội hồi ấy, đã đặt Cục đồ bản của Trung Quốc in bản đồ 1/1000, là thứ bản đồ dùng cho pháo binh. "Ðó là bí mật quốc gia, không một nước nào tự nguyện trao cho nước khác.Sao nó ngu thế ! Sao nó bậy thế !", ông bực bội kêu lên.
Ông còn kêu ca nhiều về những chính sách không được lòng dân, về cách đối xử phân biệt đảng viên với quần chúng ngoài Ðảng trong việc giao công tác. Lãnh đạo Ðảng không nghe ông. Người ta không thích nghe những lời chỉ trích. Ông đành chia sẻ tâm sự mình với những đồng chí cũ đã về hưu thường đến thăm ông. Ông nghĩ rằng nếu mọi người đồng lòng can ngăn Trung ương trong những việc không nên làm thì Trung ương sẽ nghe theo. Ông tin ông trong sáng trong những ý kiến nhằm bảo vệ cách mạng. Ông không coi việc người cộng sản phát biểu ý kiến về các vấn đề của đất nước là có tội.
Trong chuyện này cha tôi đã lẫn lộn thời khắc. Năm 1964 không có gì giống với năm 1946. Ðất nước, chính quyền, đã không còn là của chung mọi người.
Không ! Một người như cha tôi không thể hèn. Phải có một nguyên nhân nào đó khiến ông phải hành động khác với bản chất mình.
Thì ra ông nói ông "có tội với Ðảng" là để nhấn mạnh ông không có tội với cái gì khác trừ ra với Ðảng. Ông không có tội với nhân dân, với Tổ quốc. Cần phải giải mã bức thư theo cách đó, tôi nghĩ. Ông nói ông phạm vào những sai lầm nghiêm trọng có phương hại cho Ðảng là có ý nói cái hại ấy cũng lại chỉ cho Ðảng mà thôi. Những người nắm quyền lãnh đạo Ðảng bắt ông vì ông có tội với họ.
Cũng có thể bằng những lời thú nhận ông muốn lừa Lê Ðức Thọ, để Thọ đưa ông ra xử. Lúc đó ông sẽ có điều kiện tuyên bố chính kiến, ông sẽ nói với đồng bào những điều ông muốn nói. Than ôi, đó chỉ là hi vọng hão huyền, là ý nghĩ ngây thơ thường có ở người bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Không bao giờ Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ cho những người cách mạng được phép nói điều gì khác ngoài sự lặp lại những tín điều do họ ban bố.
Ông hiểu trong vụ án được dựng nên này Lê Ðức Thọ nắm vai trò chính, tính cách Thọ thế nào thì ông đã biết từ nhà tù Sơn La. Thọ đã nhiều lần mưu mô hạ uy tín các đồng chí lão thành cách mạng để tôn mình lên. Việc Thọ xúi giục một số đồng chí hăng hái thái quá buộc ông Trần Huy Liệu, cựu đảng viên Quốc dân đảng, phải lên án Ðảng cũ của mình là manh động trong khởi nghĩa Yên Bái là một thí dụ. Ông Trần Huy Liệu đã xử sự như một kẻ sĩ ngoan cường. Ông cao ngạo và thẳng thừng từ chối không đọc một bản báo cáo như thế, ông không chịu đứng trên lập trường kẻ ngoài cuộc lên án những đồng chí của ông đã hy sinh. Ông nói với tôi rằng sự hy sinh của các chiến sĩ Quốc dân đảng trong cuộc khởi nghĩa thất bại có giá trị thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân. Nguyễn Thái Học không phải không đoán trước được kết cục bi thảm của cuộc khởi nghĩa khi ông phát ra câu nói nổi tiếng "Chuyến này không thành công cũng thành nhân".
Ngoài chuyện tính cách, chắc cha tôi còn có điều nghi ngờ Thọ trong sự liên lạc thậm thụt với công sứ Cousso(25), mà ông biết trong thời gian ông làm thư ký trong nhà tù Sơn La. Vào những năm này, những cựu tù nhân Sơn La kể lại, Lê Ðức Thọ một hồi được Cousso lấy ra làm tạp dịch tại nhà y. Cũng vào thời gian này một số việc bí mật của ban lãnh đạo tù nhân bị lộ. Tướng Ðặng Kim Giang cũng có chung với cha tôi mối nghi ngờ đó. Trong một câu chuyện giữa hai người tôi nghe tướng Giang nói :"Phải chi Tô Hiệu(26) còn sống. Vía nó (chỉ Thọ) cũng không dám như vậy". Nhưng cả hai im lặng. Với một Lê Ðức Thọ quyền sinh quyền sát như thế, giữ im lặng là phải. Mặc dầu cùng tù với nhau ở Sơn La, cha tôi không bao giờ coi Thọ là bạn. Ông Ðặng Kim Giang cũng vậy. Dưới con mắt của ông Lê Ðức Thọ là một tên hạ lưu hãnh tiến.
Cha tôi rõ ràng muốn nhắc tôi cảnh giác kẻo sa vào một âm mưu dựng vụ. Ông nhấn mạnh ông chỉ nhận thiếu ý thức tổ chức mà thôi.Về phần tôi, ông khuyên tôi phải thức thời, phải cúi mình xuống mà nhận khuyết điểm. Nhận sai lầm, khuyết điểm chứ không nhận tội, ông muốn nhấn mạnh, khuyên tôi không được cứng nhắc trong bước ngoặt này của cách mạng. Lời lẽ nhún nhường trong bức thư chỉ để pha loãng những ý chính, không cho bọn công an đoán ra những điều cha tôi nhắn nhủ.
Cũng không loại trừ việc Lê Ðức Thọ không bẻ gãy được cha tôi trong việc ép buộc cha tôi phải nhận một tội nào đó, là cái Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ cần có để dùng nó triệt hạ những kẻ mà họ coi là đối thủ, đã buộc ông viết thư cho tôi, hòng dùng bức thư áp đảo tôi, hoặc may ra có thể kích thích tôi phản tỉnh mà bằng lòng khai ra một điều gì đó. Nếu tôi chịu khai người ta sẽ dùng chính lời khai của tôi để áp đảo cha tôi, áp đảo tướng Ðặng Kim Giang và những anh em khác.
- Anh khỏi lo đi. Việt-Xô(27) đã chuyển bịnh án của ông già anh qua đây. Việc chăm sóc sức khỏe cho ổng vẫn do Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương cáng đáng. Mà ở nước ta thời nơi mô có đủ thuốc bằng Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương ? Nói chi thời nói chớ ông già anh vẫn là bậc lão thành cách mạng, vẫn có tiêu chuẩn đặc biệt, ổng được săn sóc tới nơi tới chốn. Nói chung, mấy bữa đầu ổng nói cho đúng ổng cũng không được khỏe cho lắm, nhưng chừ đã bình thường...
- Tôi có được phép viết thư cho ông cụ tôi không ?
- Tui nghĩ được.
- Tui có được giữ bức thư không ?
- Không. Anh đọc xong đưa lại cho tui. Có cần đọc lại lần nữa không ? Anh ở một mình thì tui cho anh mang về.
Họ vẫn phải giữ kín vụ án. Tại sao lại như vậy ?
- Tôi nhắc lại : anh không được phép kể cho người ở cùng phòng về vụ các anh. Vụ này thuộc về bí mật của Ðảng !
Thì ra cái chỗ tôi đang ở gọi là phòng, chứ không phải xà lim.
Tôi cố gắng nhưng không sao hiểu câu nói của Huỳnh Ngự. Bắt người là việc bàn dân thiên hạ đều biết, vậy mà lại là bí mật của Ðảng, buồn cười quá !
- Với cán bộ quản giáo cũng không được nói. Anh biết răng là giữ bí mật chớ ?
- Tôi biết.
Ðiếu thuốc lá làm tôi buồn nôn. Mồ hôi lạnh rịn ra trên trán. Anh hương sư hói đầu đã pha xong ấm trà. Về món pha trà anh ta kém hẳn Huỳnh Ngự, loãng toẹt. Tôi uống liền hai chén.
- Các vị cách mạng lâu năm như ông già anh là vậy đó - Huỳnh Ngự phủ dụ - Khi chưa hiểu ra chân lý thì bướng bỉnh lắm, ngoan cố lắm, rứa mà được Ðảng cảnh tỉnh rồi thì lại có tinh thần tự phê bôn-sê-vích rất đáng khâm phục. Hậu sinh chúng mình còn phải học tập các cụ nhiều. Anh tưởng tụi tui hổng biết trước đây ổng bị Pháp tra khảo ròng rã mấy tuần liền, đánh đập, tra điện, đi tàu bay, tàu ngầm(28) đủ kiểu, mà vẫn không khai hả ? Tụi tui biết cả đó ! Vậy mà vô đây Ðảng hỏi, ông già khai sạch trơn, không hề giấu giếm chút mô...
Cha tôi đã làm gì để phải khai với bọn này sạch trơn ? Tôi còn nhớ khi anh Hoàng Minh Chính bị bắt cha tôi còn nói với ông Lê Giản :"Tại sao chúng nó lại bắt thằng Chính ? Nó làm gì mà bắt nó ?" Ðáp lại, ông Lê Giản chỉ cười buồn. Lúc ra về ông nói với cha tôi :"Bắt đầu một thời kỳ mới rồi : thời kỳ người ta ngồi xổm lên dư luận và ỉa vào luật pháp. Chúng mình rồi chửa chắc đã được yên".
Tôi lặng thinh.Trước mắt tôi hiện lên cái buổi sáng đã xa, tôi và mẹ tôi tới đây, vào trong chính nhà ngục này. Hồi ấy tôi còn nhỏ đến nỗi mẹ tôi có thể bế bổng tôi lên mà đút tôi qua ghi-sê nhận quà để cha tôi ôm hôn tôi. Những cái hôn cuống quýt của cha tôi lên trán, lên má tôi, bộ râu cứng của ông làm rát mặt tôi, tôi nhớ tới tận bây giờ.
Cha tôi bị bắt tại ga Hàng Cỏ ngay sau khi đưa Trường Chinh lên Phúc Yên chạy trốn cuộc tổng khủng bố. Ðó là thời kỳ Mặt trận Bình dân bên Pháp đi vào thoái trào. Chính quyền thuộc địa nhân cơ hội liền thẳng tay đàn áp các lực lượng cách mạng vừa mới trồi lên trong những hoạt động công khai. Ðó là thời kỳ cam go nhất đối với những người cộng sản. Cha tôi thường xuyên không có mặt ở nhà. Ông chỉ về bất chợt, thoáng lại đi, trong đêm. Trong những giấc mơ tôi nghe tiếng ông thì thào với mẹ tôi.
Về việc cha tôi đưa Trường Chinh đi trốn tôi được biết thêm chi tiết trong câu chuyện hàn huyên giữa cha tôi và ông Xuân Thủy(29) sau khi hòa bình lập lại : "Thằng Thận đoảng vị lắm, mày biết đấy. - cha tôi kể - Nó nhớn nha nhớn nhác, mặt xám ngoét lại, cứ như bị mật thám đuổi sau đít, nằng nặc đòi tao bố trí ngay cho nó một chỗ trốn. Nó nói đi tìm mày không được. Tóm được Hạ Bá Cang ở Phủ Lý, nó bảo Hạ Bá Cang cho nó một chỗ, thằng Cang ừ hữ rồi biến. Thằng Thận chỉ chúi mũi vào sách vở, có bao giờ công tác quần chúng đâu, đến khi lâm sự thì cuống cà kê lên, sợ vãi ra quần. Nghe nó chửi thằng Cang tao chỉ cười. Chính tao đưa thằng Cang đi trốn chứ ai. Cơ sở thằng Cang có, nhưng vỡ rồi. Còn một cái thì lại không an toàn. Tao chỉ dặn thằng Thận cải dạng cho tốt rồi tao đón, mà nhớ đừng tha sách theo đấy nhá, mật thám đầy đường, tao bảo nó thế. Tao đưa nó lên nhà thằng Vần(30), mày nhớ thằng Vần chứ ? Hồi ấy nó có cái trại con con gần thị xã Phúc Yên. Ðưa thằng Thận đi xong, tao về đến ga Hà Nội thì bị tóm. Nằm ở Sở Liêm Phóng ăn điện, đi tầu bay, tầu ngầm một tháng thì sang Hỏa Lò...Chúng nó chỉ hỏi tao hai câu : "Ðặng Xuân Khu đâu ? Hạ Bá Cang đâu ?" Mà sau mày bị ở đâu nhỉ ?"
Tôi thích tình bạn thân thiết của các chiến sĩ cộng sản. Tôi yêu chủ nghĩa cộng sản một phần cũng vì lẽ đó. Trong ngôi nhà chật hẹp của gia đình tôi ở số 27 bis rồi số 65 phố Nhà Rượu, những người đồng chí của cha mẹ tôi đến ăn dầm nằm dề hàng tháng. Họ ngủ la liệt trên sàn gạch hoa, gối đầu trên những chồng báo, trên những cái chổi lúa, ngáy ầm ĩ. Khi tỉnh dậy họ lại tiếp tục tranh luận đến khản tiếng, nhưng không bao giờ cãi nhau. Những người này đến rồi đi, thay chân họ là những người khác, tất cả đều giống nhau ở tính tình cởi mở, thân thiết như ruột thịt. Mẹ tôi sung sướng được hầu hạ họ những bữa cơm ngon lành, tuy không sang trọng nhưng nhộn nhạo tiếng cười.
Và họ mới thương nhau làm sao ! Tôi nhớ những ngày thực dân Pháp tổng khủng bố năm 1939. Một đêm tôi thức dậy bởi những tiếng thì thào. Tôi mở mắt thì thấy bác Ba Lâm đứng ở đầu giường. Tôi nhảy lên, ôm choàng lấy bác. Ông là người được lũ trẻ chúng tôi yêu nhất. Cao lộc ngộc, vụng về, ông không biết gọt khoai róc mía theo kiểu ta, mà chỉ biết làm theo kiểu tây, nghĩa là gọt ngược. Nhưng ông tham gia mọi trò chơi của chúng tôi như một đứa trẻ con lớn, say sưa. Ðêm đó ông trở về nhà chỉ để mang tiền cho mẹ tôi trả thợ giặt, sợ mẹ tôi không còn tiền. Mẹ tôi thì lo ông bị bắt, giục giã bắt ông đi ngay...
Giờ đây chắc bà đau đớn lắm nhớ về những ngày xa xưa ấy. Bà đi dạy học, bán hàng thuê cho cửa hiệu tơ lụa Palais de Soie ở phố Tràng Tiền, của ông chủ người Ấn Ðộ tên là Kevarah. Ông Kevarah là người chủ tốt. Ông biết cha tôi bị bắt vì sao, ông đoán cha mẹ tôi là những người cách mạng, cho nên đối với mẹ tôi ông có sự trọng thị đặc biệt. Tuy mẹ tôi chỉ là người làm công, nhưng ông chủ Ấn Ðộ không bao giờ gò ép giờ giấc để bà có thể làm thêm những việc riêng của bà : "Tôi biết, tôi biết, bà còn bận nhiều chuyện quan trọng. Bà cứ về sớm đi, không sao cả. Tôi gửi lời chào ông. Chúc bà may mắn !"
Những đồng tiền dành dụm được bà đưa cho cha tôi và các đồng chí. Khi ông Sao Ðỏ Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La về nhà tôi, mẹ tôi tẩm bổ cho ông bằng chim hầm hạt sen, chân giò tần thuốc bắc. Lũ con bà chưa bao giờ được biết đến những thức ăn sang trọng ấy. Tôi nhớ rất lâu món rau muống sống chấm bỗng rượu trong những thức ăn thường nhật trong gia đình tôi hồi ấy. Rau muống ăn sống thường được chẻ nhỏ, nhưng chị Tường, người ở trong nhà chúng tôi, quá bận việc, chị chỉ vặn cọng rau làm đôi làm ba rồi đập vào tay cho dập. Bỗng rượu thì đi xin. Nó chảy ri rỉ suốt ngày từ những lỗ thải ở tường Nhà máy Rượu làm cho cả phố sực mùi chua nồng. Bên lỗ thải bỗng, những chiếc xe bò quây cót chầu chực để nhận phần mua tháng, rồi chở ra ngoại thành bán cho dân nuôi lợn. Chỉ cần chìa cái bát ra là chủ xe đã múc cho, không tiếc rẻ.
Cách mạng thành công, tôi ít gặp lại các bác các chú ngày trước. Những người sau này vẫn còn lai vãng là các ông Trần Huy Liệu, Lê Giản, Bùi Lâm, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Lương Bằng, Ðặng Xuân Thiều, Ðặng Việt Châu... Các bác bận, mẹ tôi giải thích, nhưng dường như bà chẳng mấy tin ở lời mình.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi càng ít gặp các bác các chú cách mạng ngày trước hơn nữa. Trong tôn ti trật tự mới cha tôi ở phẩm trật thấp hơn những người bạn ngày trước và chúng tôi chỉ gặp ảnh họ trên mặt báo, thấy tên của họ trên bìa những cuốn sách chờ được thành kinh điển.
- Anh nghĩ sao về bức thơ của ông già ? - Huỳnh Ngự hỏi.
Không nên đầu hàng quá dễ, chúng sinh nghi. Sau một lúc im lặng, tôi hỏi khẽ, giọng mệt mỏi :
- Chúng ta kết thúc buổi làm việc hôm nay ở đây được không ?
- Anh mệt hả ?
- Không. Lúc này tôi muốn ngồi một mình.
Huỳnh Ngự không hài lòng. Nhưng y chiều tôi.
- Ðược, cho anh về. - y nói, giọng ái ngại - Suy nghĩ kỹ đi rồi ta làm việc. Tui hi vọng anh đã hiểu ra.
Ðưa tôi về, Hách bảo tôi đứng chờ ở khoảnh sân hẹp dẫn vào khu xà lim. Y không vội vã vào phòng trực lấy ra một cái ghế đẩu, bảo tôi ngồi xuống. Lấy đồ nghề ra, không cần choàng khăn, y bắt đầu cắt tóc cho tôi. Sau vụ chụp ảnh, lăn tay, cái sự cắt tóc trong tù làm cho tôi càng thêm tin rằng còn lâu tôi mới ra khỏi nơi này. Hách cắt rất vụng, đúng là tay mơ trong nghề, tông đơ rứt tóc làm tôi đau không chịu được. Râu ria tôi mọc dài, y phải húi chứ không cắt, mũi tông đơ cứ rúc vào nhân trung, hích mạnh vào đầu mũi, làm tôi cứ phải ngửa đầu rồi rướn cả người lên cho y đừng làm mình bị thương. Hách thì lại không biết tôi đau. Y còn phấn khởi huýt sáo miệng nữa chứ. Nếu y dùng kéo mà cắt còn tốt hơn. Sau đó sẽ dùng dao cạo, như trong hiệu cắt tóc người ta thường làm. Nhưng y không có ý định cạo mặt cho tôi.
Tôi ngồi đấy, mặc y muốn làm gì với cái đầu tôi thì làm. Nhìn những túm tóc rơi lả tả xuống đất tôi thấy lẫn vào tóc đen đã có nhiều sợi bạc. Như vậy chuyện Ngũ Tử-tư qua một đêm suy nghĩ đầu bạc trắng là chuyện có thật ? Mà tôi thì đã bao nhiêu đêm ? Vừa sửa gáy cho tôi Hách vừa thủng thẳng tâm sự :
- Tôi còn chẵn hai năm nữa là hưu, anh ạ. Nhìn lại mới thấy đời người nhanh thật. Trên duyệt cho tôi về rồi.
- Sao ? Bác còn trẻ mà.
- Trẻ gì, năm mươi ba rồi.
- Vẫn sớm. Phải bẩy năm nữa kia.
- Tôi khác. Ăn nhau ở cái thành tích đóng góp. Không phải hưu đúng tuổi, cũng không phải hưu non, mà là hưu ương ương, tức là được tính thêm cái thâm niên, cộng với lại thương tật...
- Trước bác ở sư nào ?
- Tôi á ? Trước ở địa phương quân, sau chuyển sang 320. Anh cũng đã ở bộ đội đấy hử ?
- Vâng.
- Mình về hưu rồi cũng phải nghĩ cách kiếm ăn, anh ạ. Lương hưu, anh biết đấy, đủ sao được. Ðảng dạy mình phải tự lực cánh sinh, tự lực tự cường, không được ỷ lại vào nhà nước, vào Ðảng, là đúng lắm. Tôi tính chán ra rồi, cầm sổ hưu một cái là tôi mở ngay hiệu cắt tóc, ngay lối vào chợ làng tôi, chỗ ấy thì hết ý. Chỉ sợ từ nay tới đó có thằng nào chõm mất thì toi...
- Hai năm nữa cũng còn lâu.
- Tôi đã dạm rồi. Ðảng ủy, ủy ban nhất trí cả. Nhất định họ dành cho tôi. Ðược cái bí thư lại là ông em họ...
- Thế thì tốt quá rồi.
- Tôi cắt tóc cho anh thế này là để tập thôi, cho nó lên tay, chứ cắt tóc cho phạm không phải việc tôi, đã có người khác...
Thì ra vị lãnh chúa của khu xà lim này lại là một đồng chí của tôi trong quân ngũ. Anh ta đang làm nốt những ngày cách mạng cuối cùng để trở về với cuộc sống dân thường, mà hi vọng lớn nhất là có được một cửa hiệu cắt tóc đông khách.
Lẽ ra tôi cũng nên như anh ta - sống cuộc sống bình dị của người dân thường với một ước mơ nho nhỏ.
(1) Quốc xã.
(2) Hình như bệnh sáo ngữ là nét đặc trưng chung cho các quốc gia cộng sản sau khi chính quyền đã vững chắc. ê Việt Nam những nhà báo biết dùng nhiều từ kêu oang oang được đánh giá là có tài.
(3) Về sau cha tôi chê trách tôi không thức thời. Theo ông, vì tôi không ở trong Ðảng, tôi hoàn toàn không cần phải cứng rắn với bọn Duẩn-Thọ làm gì. Nếu tôi chịu hạ mình một chút thì không bị chúng giam thêm 3 năm, và 3 năm đó tôi có thể sống có ích hơn. Hơn nữa, vì sự cứng rắn vô ích tôi có thể bị chết trong tù. "Con phải sống để có lúc nói lại chuyện này cho đồng bào nghe. - cha tôi nói - Một xác chết, cho dù của người anh hùng, cũng chỉ là xác chết".
(4) Cục tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gọi là Cục Quân báo, nay là Tổng cục 2.
(5) Trong nhóm này sau khi cách mạng thành công mẹ tôi chỉ còn gặp lại bà Ðỗ Ðình Thiện. Mẹ tôi kể có lần mật thám lùng bắt bà Thiện đã dùng dây thừng tụt từ trên gác cao xuống trốn thoát, nhưng bàn tay mãi mãi còn mang vết sẹo.
(6) (1910-1935), học sinh trường Bưởi, tham gia truy điệu cụ Phan Chu Trinh rồi viết bài thơ nổi tiếng Chiêu Hồn Nước, được Nxb Thanh Niên in, được chép tay để tán phát, nhiều người thuộc lòng bài thơ này. Vì những lý do trên ông bị chính quyền thuộc địa bắt (1926), mãi tới năm 1930 mới thả ra.
(7) Trong những cuộc gặp gỡ này còn có bạn mẹ tôi, bà Ðỗ Ðình Thiện. Số tiền lớn nhất mà Ðảng có để chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám là của hai gia đình tư sản Ðỗ Ðình Thiện và Trịnh Văn Bô đóng góp.
(8) Mẹ tôi có ý nói tới vụ phản tình báo H122 xảy ra trong kháng chiến chống Pháp, khi lực lượng kháng chiến bị mắc lừa đã bắt giam rất nhiều cán bộ, nhất là cán bộ quân đội. Vụ này do Hoàng Quốc Việt phụ trách, đã làm chết oan nhiều người.
(9) Lao động khổ sai.
(10) Trang Vương nước Tề đăng quang, mở tiệc đãi quần thần đã cùng nhà vua nằm gai nếm mật. Tiệc đang vui thì có ngọn gió lớn làm tắt hết đèn nến. Nhân lúc nhá nhem, một viên quan đã xàm xỡ sờ vú hoàng hậu. Hoàng hậu giật được cái giải mũ đem mách vua. Nhà vua truyền cho các quan giật đứt hết giải mũ rồi mới được tiếp tục cuộc vui, thành thử không biết ai là người đã làm chuyện quấy. Trang Vương về sau có một tôi trung, những lúc khó khăn gian khổ bao giờ cũng ở bên cạnh ông, chính là viên tiểu quan phạm tội.
(11) Chín năm sau, hai cha con gặp nhau tôi mới biết chính Lê Ðức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã vào tận xà lim dụ hàng. Chúng hứa hẹn nếu cha tôi nghe theo chúng chấm dứt cuộc tuyệt thực đã kéo dài hơn 10 ngày thì chúng sẽ không khủng bố gia đình. Nhưng sau đó Lê Ðức Thọ đã cho bắt tôi mà không cho cha tôi biết.
(12) Trong thời gian xảy ra vụ nhóm xét lại chống Ðảng, con cái những người bị giam giữ trong vụ này không được thi vào đại học, thảng hoặc có trường hợp được thi thì chỉ được vào các trường kém vế như đại học nông lâm, đại học thư viện...Cho mãi tới năm 1981con gái đầu của tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ với điểm cao, đủ tiêu chuẩn được đi nước ngoài thực tập nhưng không được đi vì "cha có tiền sự".
(13) Một nhân vật cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Sinh năm 1905, ông đến Thái Lan năm 1928, cùng với ông Hồ Chí Minh lập ra Ðảng cộng sản Thái Lan, đảng viên chủ yếu là người Tàu và người Việt. Hai ông cùng ra tờ Tiếng Chuông ở tỉnh Nakhuphanom. Sau đó ông Hoàng Văn Hoan đi Trung Quốc, hoạt động ở nước này trong nhiều năm. Ông Hoan là một người khắc kỷ, liêm khiết, từ chối mọi đặc quyền đặc lợi. Mặc dầu khác nhau về quan điểm đối với đường lối của phong trào cộng sản quốc tế, cha tôi rất quý mến và kính trọng ông. Hoàng Văn Hoan bị dưa ra khỏi Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng ở Ðại hội IV, sau đó bị xử tử hình vắng mặt khi ông trốn sang Trung Quốc xin cư trú chính trị. Con cả của ông Hoàng Văn Hoan, anh Hoàng Nhật Tân, ngược lại với cha, không tán đồng đường lối Mao Trạch-đông, bị buộc tội có quan điểm xét lại. Khi bắt đầu có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, Trường Chinh nói với Hoàng Văn Hoan :"Coi chừng, quý công tử ảnh hưởng xét lại nặng lắm đấy !", và buộc anh Hoàng Nhật Tân phải đi lao động thực tế tại Thái Nguyên. Hoàng Nhật Tân may mắn không bị bắt trong vụ "nhóm xét lại hiện đại chống Ðảng".
(14) Bà Nguyễn Thị Năm là địa chủ tích cực ủng hộ kháng chiến. Nhà bà ở huyện Ðồng Hỷ, Thái Nguyên, là nơi các cán bộ cao cấp thường qua lại, trong đó có cả các ông Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Giản...
(15) Những cơn cuồng giết chóc không kiềm chế nổi bất thần xâm chiếm cả một bộ lạc, một vùng ở châu ỏ, khi những con người như bị mụ mẫm đi khi lao vào cuộc chiến hỗn độn, giết nhau không vì cái gì.
(16) Ông Nguyễn Văn Hoan, phó chánh án Tòa Tối cao, kể cho tôi nghe chuyện này. Ông đang báo cáo với chủ tịch nước về tình hình công tác tư pháp thì cha tôi chống ba-toong bước vào (ông đang lên cơn đau gan). Thấy cha tôi quá bực mà to tiếng, ông Hồ bảo :"Ngồi xuống đã, từ từ nói tôi nghe, chi mà nóng như lửa vậy". Ông Hoan kết luận :" Ngày xưa triều đình phong kiến còn có chức gián quan chuyên một việc can vua. Bây giờ đâu có thế, người ta không trị bố cháu trước cũng trị sau". Ông Hoan vào Ðảng cộng sản do chính ông Hồ giới thiệu. Ông Hoan là người giới thiệu Trường Chinh vào Ðảng.
(17) Học giả, nhà báo, nhà ngôn ngữ, sinh năm 1887 (không rõ năm mất), bị đánh trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, tên tuổi tới giờ không được nhắc đến mặc dầu ông là tác giả của những tác phẩm và bài báo có giá trị. Cùng bị đánh một lượt với ông, với sự luận tội tương tự, còn có nhà phê bình Trương Tửu.
(18) Những bộ trưởng và nhân sĩ làm việc trong chính phủ hồi đó. Về việc cha tôi đi mời các vị nói trên tham gia chính phủ như thế nào đã được nhà văn Sơn Tùng ghi lại đầy đủ trong một tác phẩm sẽ xuất bản về những ngày trứng nước của chính quyền cách mạng.
(19) Ngô Ðình Diệm (1901-1963), sinh trưởng trong một gia đình quan lại, dưới triều vua Bảo Ðại làm tới chức thượng thư tại triều đình Huế. Bị Việt Minh bắt, được thả, Ngô Ðình Diệm chạy ra nước ngoài (Mỹ, Pháp), sau năm 1954 trở về Việt Nam làm thủ tướng của chính quyền Bảo Ðại. Năm 1955 Ngô Ðình Diệm lật Bảo Ðại, tuyên bố miền Nam Việt Nam là nước cộng hòa và lên làm tổng thống. Năm 1963 bị phái quân nhân làm đảo chính giết chết.
(20) Tên thật là Tô Dĩ, đảng viên cộng sản, bị thực dân Pháp đầy đi Madgascar. Ðược quân đội Anh giải phóng, giao cho quân đội Mỹ. Theo ông kể cho tôi nghe thì một số tù chính trị Việt Nam trong đó có ông và ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) được OSS (Cục tình báo chiến lược, tiền thân của CIA) huấn luyện rồi thả dù xuống Hà Ðông. Lê Giản mang điện đài, tiền và vũ khí về cho Ðảng. Năm 1945 được ông Hồ Chí Minh cử làm Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam. Sau, ban lãnh đạo Ðảng nghe theo kinh nghiệm Trung Quốc không để cho người từng có thời gian sống với địch nắm những công tác quan trọng, gạt khỏi ông khỏi chức vụ. Trước khi về hưu Lê Giản là phó chánh án Tòa án tối cao. Ông có uy tín rất lớn trong những người cộng sản thế hệ già.
(21) Cụ thân sinh ra ông Ngô Ðình Diệm là Ngô Ðình Khả, thượng thư bộ Lễ trong triều đình Huế. Khi thực dân Pháp quyết định bắt vua Thành Thái đi đầy cụ Ngô Ðình Khả đã phản đối, không ký tên vào bản án. Một chí sĩ khác, cụ Nguyễn Hữu Bài đã từ chối không ký tên vào văn bản đồng ý cho Khâm sứ Pháp Mahé đào lăng Tự Ðức để lấy vàng bạc châu báu.
(22) "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa", Nhà xuất bản Văn hóa,1991, tr.232.
(23) Cách Mao Trạch-đông gọi đế quốc Mỹ, xuất hiện trong thời kỳ cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên (Korea).
(24) Những người lính Trung Quốc hào phóng đã nhiều lần tiếp xăng cho chiếc xe máy Jawa của tôi trên những con đường Việt Bắc heo hút. Tôi đã múc nước với họ ở cùng một giếng tại Yên Sở (ngoại thành Hà Nội). Ông Hoàng Văn Hoan viết về sự kiện Hoa quân nhập Việt như sau : "Từ năm 1965 đến năm 1970...theo yêu cầu của Hồ Chủ tịch và Trung ương Ðảng lao động Việt Nam, Mao chủ tịch và Trung ương Ðảng cộng sản Trung Quốc đã phái hơn ba mươi vạn bộ đội Trung Quốc..." vào Việt Nam. (Giọt Nước Trong Biển Cả, tr. 345, Hoàng Văn Hoan). Ta có thể tin con số mà ông Hoàng Văn Hoan đưa ra. Trong giai đoạn quân Trung Quốc vào Việt Nam ông còn là ủy viên Bộ Chính trị, ông không thể không biết những việc lớn như việc này.
(25) Công sứ Sơn La vào cuối thập niên 30, đầu thập niên 40.
(26) Một nhà cách mạng nổi tiếng, chết tại ngục Sơn La về bệnh lao. Tại nền cũ nhà ngục này có một cây đào được đặt tên là cây đào Tô Hiệu, nhưng ông Trần Huy Liệu và cha tôi trong lần trở lại thăm nhà ngục đã xác định nó không phải cây đào do Tô Hiệu trồng.
(27) Bệnh viện dành cho cán bộ cao cấp
(28) Mấy cách tra khảo của mật thám trước đây : treo lên mà đánh (đi tàu bay), dìm vào bể nước (đi tàu ngầm).
(29) Một nhà báo cộng sản trước Cách mạng Tháng Tám, nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.
(30) Ông Trần Văn Vần, một cơ sở tin cậy của Ðảng trong thời kỳ bí mật. Ông đã nuôi và bảo vệ các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Bùi Lâm, Xuân Thủy, Ðặng Việt Châu... trong thời kỳ các ông này phải lẩn trốn mật thám Pháp. Sau khi cách mạng thành công, ông sống nghèo khổ, xin đăng ký kinh doanh một cửa hàng đồng nát cũng không được. Ông gửi thư cho ông Trường Chinh nhắc lại chuyện xưa, xin được giúp đỡ. Ông Trường Chinh đã cho gặp và sai thư ký lo cho ông xin đăng ký kinh doanh. Hiệu chữa xe với tấm biển "Hưởng Honda" do anh Trần Văn Hưởng, con trai ông đứng chủ, ở chợ Mơ là kết quả của sự giúp đỡ mà chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh dành cho ông.