watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đêm giữa ban ngày-Chương 17 - tác giả Vũ Thư Hiên Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên

Chương 17

Tác giả: Vũ Thư Hiên

Huỳnh Ngự không vội vã mở đầu công việc hàng ngày.
- Nào, bây chừ anh viết cho tui một cái báo cáo, ngắn thôi, một hai trang là đủ. - y nói, giọng ngọt sớt.
Tôi nhìn y, chờ đợi.
- Về Nguyễn Lương Bằng.
Tôi ngẩn người, tưởng mình nghe không rõ.
- ???
- Phải. Về Sao Ðỏ.
Trời hỡi, đây là Trại giam Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Hỏa Lò của Chính phủ Bảo hộ ?
Ðó là sự thật. Y nói với tôi bằng giọng nghiêm túc. Tôi không nghe nhầm. Ðúng là người ta đang ra lệnh cho tôi viết một bản khai về Nguyễn Lương Bằng, như về một tên đồng vụ.
Chuyện gì đang xảy ra bên ngoài những bức tường đá Hỏa Lò ? Chẳng lẽ người như Nguyễn Lương Bằng cũng đã bị bắt ? Không, không thể thế được. Nếu Nguyễn Lương Bằng đã bị bắt Huỳnh Ngự sẽ nói bằng giọng khác, với những từ khác. Y sẽ nói đại loại :"Nè, bây chừ anh viết cho tôi một báo cáo về thằng Nguyễn Lương Bằng. Anh biết hắn quá mà !".
Hay là... Lê Ðức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã làm đảo chính ?
Khi còn ở ngoài tôi đã nghe người ta thì thào với nhau về khả năng Lê Ðức Thọ truất quyền Lê Duẩn một ngày nào đó. Bề ngoài quan hệ Duẩn - Thọ có vẻ khăng khít đấy, thân thiết đấy, nhưng quan sát sự lộng hành của Thọ những người tinh ý cho rằng chẳng chóng thì chầy liên minh này sẽ tan vỡ. Dấu hiệu rạn nứt đầu tiên mà tôi thấy là thái độ coi thường Lê Ðức Thọ của anh con rể Lê Duẩn, trước cùng học với tôi ở Moskva. Ai cũng biết mật thám riêng của Thọ đầy rẫy khắp nơi, Thọ không thể không biết thái độ của người nhà Lê Duẩn đối với mình.
Khôi hài thật, nếu như Lê Duẩn cũng bị đưa vào đây, ở xà lim bên cạnh.
Tôi suy nghĩ rất lung. Tại sao Huỳnh Ngự, một tên nhãi nhép tính về thâm niên cách mạng so với Nguyễn Lương Bằng lại dám bắt tôi làm bản khai về bậc tiền bối mà y xách mé gọi bằng tên trống không ? Phải có một cái lý nào chứ ? Chẳng gì hiện tại Nguyễn Lương Bằng vẫn đường đường là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, về mặt chính quyền còn là chủ nhiệm ỷy ban Thanh tra của chính phủ.
Ðầu thập niên 60 cha tôi đang làm vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao thì bỗng có quyết định của Trung ương cử đi học trường Ðảng cao cấp Nguyễn ỏi Quốc.
Việc cha tôi phải rời Bộ Ngoại giao liên quan tới bộ trưởng Ung Văn Khiêm. Ông là người có học, như phần đông những nhà mác-xít đầu tiên của Nam Bộ. Uy tín của ông trong hàng ngũ cách mạng cao hơn Lê Duẩn nhiều. Ðiều này trở nên bất lợi cho ông khi Lê Duẩn thành tổng bí thư. Lê Duẩn không ưa Ung Văn Khiêm, luôn thọc gậy bánh xe, tìm cách tống Ung Văn Khiêm về hưu. Vụ bản Tuyên bố chung Hồ Chí Minh ký với lãnh tụ đảng cộng sản Tiệp Khắc Novotny(1) do Ung Văn Khiêm thảo, Hồ Chí Minh duyệt rồi ký, sau bị Lê Ðức Thọ đổ riệt trách nhiệm cho một mình Ung Văn Khiêm để đưa ông ra khỏi Bộ Ngoại giao. Trong việc này bàn tay Lê Duẩn rất rõ.
Nhưng đó là chuyện về sau. Hồi đó ông Ung Văn Khiêm thấy cha tôi cứ phải giữ chức vụ trưởng mãi là không hợp lý, mới đề xuất cha tôi làm thứ trưởng. Bộ Chính trị không hài lòng về việc này. Tại sao Bộ Chính trị không hài lòng thì không ai biết. Có người cho rằng Lê Duẩn không ưa lời nói ngược, mà cha tôi lại thẳng tính. Có thể ông vô tình nói ra một lời chỉ trích đối với Lê Duẩn. Hoặc giả, đó là do Lê Duẩn không ưa Ung Văn Khiêm, điều này có vẻ có lý hơn. Người ta nhận xét mọi việc Ung Văn Khiêm làm đều không được Lê Duẩn ủng hộ. Cả hai giả thuyết, theo tôi biết, đều có căn cứ.
Ðưa đi học Nguyễn Ái Quốc là cách nhẹ nhàng buộc cán bộ rời chức vụ. Cha tôi cũng biết như vậy. Học xong khóa Nguyễn Ái Quốc, cha tôi chuyển sang công tác tại ỷy ban thanh tra của chính phủ. Ông Nguyễn Lương Bằng kéo ông về làm với mình.
Trong công tác thanh tra cha tôi tìm ra bằng chứng về sự lộng hành vi phạm các chế độ tài chính của Nhà nước ở một số nhân vật lãnh đạo. Ông đề nghị đưa việc này ra ánh sáng. Ông Nguyễn Lương Bằng vội gạt đi :
- Việc tế nhị, ta phải xin ý kiến Bác đã.
Cha tôi nói :
- Ðây là việc có chứng cứ rành rành, anh việc gì mà ngại. Ðảng đã phân công chức trách cho ta thì ta làm, hà tất lúc nào cũng phải xin ý kiến Bác. Anh lành quá, anh Cả ạ. Ðảng giao cho anh thanh kiếm để anh bảo vệ sự trong sạch của Ðảng mà anh không dám dùng nó thì nó thành thanh kiếm rỉ mất thôi !
Tôi tình cờ được nghe mẩu đối thoại trên khi đưa nước sôi lên cho cha tôi pha trà tiếp ông Cả.
- Thấy việc bất bình mà ngoảnh mặt đi đã là tồi. Ðược giao chức trách bảo vệ dân mà thấy kẻ xâm phạm quyền lợi của dân thì bó tay ngồi đấy, sợ đụng phải chúng nó quan to chức lớn còn tồi hơn. - cha tôi than thở với ông Ðặng Kim Giang - Tình cảnh như thế thì mày tính, tao còn ngồi đấy làm gì ? Tao nói thẳng với Sao Ðỏ :"Không dám làm việc theo lương tâm là làm trái lương tâm. Người quân tử không hành đạo là trái đạo ! Anh để tôi về hưu".
Tôi biết Nguyễn Lương Bằng từ năm tôi lên mười. Một hôm cha tôi trở về khuya, mặt đăm chiêu. Ông nói nhỏ với mẹ tôi :"Anh Sao Ðỏ vượt ngục rồi !"
- Anh ấy hiện ở đâu ? - mẹ tôi lo lắng.
- Ðang đợi xem sao. Tụi nó lùng dữ lắm. Treo giải thưởng một vạn đồng Ðông Dương cho cái đầu Sao Ðỏ.
- Ðã có chỗ trốn cho anh ấy chưa ?
- Mình phải lo cho anh ấy thôi !
Mẹ tôi nói rằng không thể để Sao Ðỏ ở nơi nào khác, mọi chỗ đều không an toàn, đều nguy hiểm. Phải đưa ông về nhà mình. Ðó chính là chỗ mật thám ít ngờ nhất - chúng không nghĩ Nguyễn Lương Bằng lại về nhà người bạn tù vừa được tha.
Hôm sau cha tôi mang về tờ Tin Mới với dòng nhắn tin trong mục Rao Vặt :"Ông Cả Hà Ðông hiện ở đâu, về nhà ngay, cả nhà đang đợi ông".
Một người đàn ông gày gò, đen đủi tới nhà tôi vào ban đêm rồi ở lại hẳn. Căn phòng nhỏ, nơi ở của chị Tường(2), người trông chúng tôi, được dọn dẹp lại dành riêng cho ông, lũ trẻ chúng tôi không được phép ra vào. Chúng tôi được bố mẹ dặn đi dặn lại rằng người ở trong nhà chúng tôi tên là Bác Cả Hà Ðông và cấm chỉ không được nói với ai bác đang ở đây. Chị Tường ngoan đạo đã được cha mẹ tôi huấn luyện để biết cách bảo vệ cán bộ.
Tên gọi Bác Cả Hà Ðông còn lại rất lâu trong trí nhớ của chúng tôi. Bí danh Ông Cả, Anh Cả của ông Nguyễn Lương Bằng có từ ngày đó. Nếu nó có trước chắc cha tôi đã không dám dùng nó trong mục Rao Vặt để tìm ông.
Cha tôi đem về nhà một cái máy thu thanh Phillips, để nó trong phòng bác Cả. Ðêm đêm cái mắt thần của nó ánh lên màu xanh lục trong vắt rất đẹp. Chính quyền thuộc địa bắt dân phải mang máy thu thanh đến Nha Bưu chính để kẹp chì không cho nghe đài ngoại quốc, chỉ được nghe đài Hà Nội và Sài Gòn. Cái máy Phillips không đăng ký, không bị kẹp chì, vẫn bắt được mọi đài trên thế giới. Ðêm đêm bố mẹ tôi và bác Cả Hà đông ngồi rất khuya, áp tai vào bên loa nghe tiếng thì thào của nó. Bác Cả ở nhà tôi mấy tháng liền, cho tới khi vụ vượt ngục nhạt dần mới bỏ đi. Mẹ tôi sắm cho ông đủ lệ bộ để thành một ông chánh tổng hoặc lý trưởng ra tỉnh : ô Lục Soạn, áo the thâm, giày Gia Ðịnh...
Khi Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La ông được một thanh niên người Thái trắng dẫn đường. Ðưa ông đi khỏi địa phận Sơn La xong, trở về nhà anh bị Pháp bắt đem chặt đầu. Tôi đã tới bản Giảng, cách nhà tù Sơn La vài cây số, vào mùa thu năm 1965, để thăm gia đình anh thanh niên nọ. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo chỉ còn lại bà mẹ anh, một bà lão lẩm cẩm, điếc lác, hỏi năm câu mới trả lời được một, câu trả lời lại chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Bác Cả Hà Ðông của tôi chưa một lần trở lại bản Giảng để thăm hỏi bà lão tội nghiệp.
- Tôi biết rất ít về ông Nguyễn Lương Bằng. - tôi nói với Huỳnh Ngự - Từ ngày hòa bình lập lại ông ít đến nhà tôi.
- Anh nói sai rồi. Nguyễn Lương Bằng đến nhà anh nhiều nhất đấy.
Tôi nhún vai :
- Tôi làm sao biết được ông ấy đến nhà ai nhiều nhà ai ít.
- Nhưng anh sẽ viết chớ ?
- Tôi biết viết gì về ông ấy. Chuyện quan điểm(3) không phải chuyện để ông Nguyễn Lương Bằng nói với tôi.
Huỳnh Ngự tủm tỉm cười. Y ngả người trên ghế, đôi mắt lim dim.
- Tui có bảo anh viết dài đâu. Viết ít cũng được. Chỉ vài dòng cũng là báo cáo, miễn là báo cáo cho xác thực. Không cứ điều chi mình trực tiếp biết mới báo cáo. Anh cứ viết tuốt tuột những chi anh nghe được ở người khác, ông già kể lại chẳng hạn. Hoặc những chi ông già nói chuyện với người nào về Nguyễn Lương Bằng mà anh nghe thấy...
- Tôi nghe người ta nói nhiều về ông Nguyễn Lương Bằng. - tôi nói, làm ra vẻ thiện chí.
- Họ nói những chi ?
- Chẳng hạn, ông là người rất liêm khiết, tuy hơi lẩm cẩm. Thời bí mật ông giữ quỹ Ðảng, buồn cười lắm, ăn một hào ông cũng ghi sổ, qua đò mất một xu cũng ghi, mật thám mà bắt được cuốn sổ ấy thì chúng biết hết ông đi những đâu, ăn cơm đầu ghế hay ăn ở cơ sở không mất tiền...
- Cái nớ khỏi cần đưa vô báo cáo. - Huỳnh Ngự nhăn mặt - Anh nghe ông già nói chi về quan điểm của Nguyễn Lương Bằng ?
Cha tôi rất quý Nguyễn Lương Bằng. Kỷ niệm về tình bạn của hai người tại nhà tù Sơn La còn lại một tấm ảnh cỡ 6x9, cả hai còn trẻ trong bộ quần áo cánh trắng với hàng số tù trên ngực. Tấm ảnh, nếu nó may mắn, chắc còn được giữ lại trong Viện bảo tàng cách mạng. Tôi nói nếu nó may mắn vì sau khi cha tôi bị bắt mọi hiện vật có dính dáng tới ông trong bảo tàng đều bị bỏ đi. Những hình ảnh của cuộc Cách mạng Tháng Tám có ông trong đó không thể bỏ được thì bị sửa lại, sao cho không nhận được người trong ảnh là ai. Kể cả những thước phim hiếm hoi mà kiều bào ta ở Pháp ghi lại về chuyến đi của phái đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Fontainebleau cũng bị sửa lại, mặc dầu sửa phim xi-nê khó hơn sửa ảnh nhiều. Tấm ảnh ông Võ Nguyên Giáp và cha tôi di duyệt đội quân Giải phóng từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội cũng bị sửa, cha tôi biến thành người khác.
Tại nhà tù Sơn La ông Nguyễn Lương Bằng làm y sĩ, gọi bằng phe-mì(4). Bề ngoài công việc của ông là trông nom tù ốm, bề trong ông là người lãnh đạo tù nhân chính trị. Ban lãnh đạo tù nhân chạy cho cha tôi chân thư ký bàn giấy để việc liên lạc giữa các banh(5) được thuận tiện. Nội vụ trong tù đều do Ban đại diện tù nhân sắp xếp. Cùng tù với cha tôi có nhà cách mạng Tô Hiệu nổi tiếng, các ông Ðặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Lưu Ðộng, Kỳ Vân - những người sau này bị bắt giam trong vụ nhóm xét lại chống Ðảng - và cả hai hung thần của họ là Lê Ðức Thọ và Trần Quốc Hoàn.
- Chuyện nhà tù Sơn La thì tôi có nghe. - tôi nói với Huỳnh Ngự - Chuyện quan điểm của ông Nguyễn Lương Bằng thế nào thì không nghe ai nói gì.
- Hoàn toàn không ? Nè, anh Hiên, tui nghe anh cũng muốn tin mà thấy khó tin quá. Tui muốn anh nói tui nghe nhận xét của riêng anh thôi về thái độ chánh trị của Nguyễn Lương Bằng, nói đại thể thôi, không cần đi sâu vào chi tiết. Trúng cũng được, mà trật cũng không sao. Chẳng lẽ khi Nguyễn Lương Bằng đến nhà anh chơi mà anh lại không ngồi tiếp khách cùng ông già, không nghe ổng nói chi về quan điểm, đường lối ?
- Ðâu có chuyện vô lễ như vậy được ! Khách của cha là khách của cha, con cái không được phép hóng chuyện, không được phép nói leo. Gia giáo ở miền Bắc là thế !
- Mỗi gia đình có phép tắc của nó. Ðối với cha tôi, tôi mãi mãi là đứa trẻ. Nghe người trong nhà kể lại thì bác cả tôi khi đã đi làm rồi, có con cái rồi vẫn bị ông nội tôi đánh đòn bằng phất trần khi có lỗi.
Tôi nói dối. Tôi là đứa trẻ hư. Tôi bị cha tôi mắng nhiều về cái tật hóng chuyện người lớn. Chính nhờ thói xấu này mà trong trí nhớ của tôi còn giữ lại được những chuyện nên nhớ.
- Anh cứ viết ra những gì anh biết. Tui sẽ gợi ý thêm.
Tôi thở dài, chán ngán.
Thôi được, tôi sẽ viết về Sao Ðỏ, người anh hùng thời thơ ấu của tôi. Viết những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa về ông trong trí nhớ. Vào phút đó trước mắt tôi hiện lên hình ảnh ông Cả Hà Ðông quần ống thấp ống cao đi khỏi nhà tôi, xách theo mấy viên ngói trong mảnh vải thay tay nải. Ðó là ông đóng vai một người nhà giàu ở quê ra, được ai mách bảo tới nhà tôi mua đống ngói xếp ở lối cổng, ngoài đường nhìn vào ai cũng thấy. Vai kịch không chắc chắn lắm, vì đống ngói không phải của nhà tôi mà của nhà ông Trần Trọng Kim(6) ở sát nách, chung sân. Chẳng may mật thám hỏi thì phiền, may, chúng để ông đi qua không nghi ngờ.
Tôi trở về xà lim, ngồi yên lặng. Thành ngạc nhiên :
- Cậu sao buồn vậy ?
- Tôi mệt. - tôi trả lời cho qua chuyện.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Có dễ ta đâu mãi thế này !
Thành lại ngâm thơ. Anh biết tôi đau, và anh không muốn chạm vào vết thương của tôi. Tôi nằm xuống, gối đầu trên đôi tay. Tôi nghe trong tiếng ngâm thơ buồn bã của Thành có âm hưởng của giọng hát ru con quen thuộc của vùng đồng bằng quê hương. Tôi cảm thấy được vỗ về, an ủi.
Tôi đắm chìm trong những suy nghĩ miên man. Không, tất nhiên tôi sẽ không nói điều gì làm hại bác Cả Hà Ðông. Rõ ràng ông đang bị mưu hại. Người ta muốn những lời khai của tôi, với tư cách con của bạn ông, trở thành bằng chứng buộc tội ông trong quan hệ với cha tôi. Quan niệm về tội trong chủ nghĩa xã hội lạ lắm - nếu Nguyễn Lương Bằng biết quan điểm chính trị của cha tôi mà không báo cáo với Ðảng là ông có tội.
Cuộc hỏi cung dẫn tôi về quá khứ gian khổ của những chiến sĩ cách mạng thời kỳ bí mật. Hình ảnh những cuộc vây bắt, những tiếng thì thào trong đêm của những người đang bị truy lùng, những người tù bị xích tay từng cặp xuống bến Phương Lâm qua thị xã Hòa Bình trong buổi sáng có sương mù trên sông Ðà, cha tôi bên kia tấm lưới sắt Hỏa Lò...lướt qua trước mắt tôi. Những người cách mạng năm xưa đã xây dựng nên cái gì vậy ?
Theo cái que chỉ của thợ cả, những người thợ rèn ngày đêm quai búa, hình dung mình đang làm nên bông hoa hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng khi ngẩng đầu lên để lau mồ hôi đầm đìa trên mặt họ chợt nhận ra rằng trước mặt mình không phải bông hoa, mà là cái cùm kiên cố.
Cho đồng bào. Và cho chính họ.


(1) Tổng bí thư Ðảng cộng sản Tiệp Khắc (Tchekhoslovakia, trước khi chia thành Cộng hòa Tchek và Cộng hòa Slovenia) từ năm 1953. Vì đường lối Sta-lin-nít, Novotny bị thay bằng Dubchek vào năm 1968. Bản tuyên bố chung nói trên được viết theo tinh thần Hội nghị 81 Ðảng cộng sản và công nhân năm 1960.
(2) Về sau này do được ông Nguyễn Lương Bằng báo cáo ghi công, chị Tường được nhận danh hiệu "có công với cách mạng", còn mẹ tôi thì không. Mẹ tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều về chuyện này. Bà cho vậy cũng được, cũng phải, cần ghi công những người đã giúp đỡ cách mạng, còn mình đã là người cách mạng rồi, không phải ghi công làm gì. Thành thử trong những dịp đại lễ chị Tường được đứng trên lễ đài xem duyệt binh, còn mẹ tôi thì đứng ngoài đường Phan Chu Trinh xem đoàn quân duyệt binh về qua.
(3) Hồi ấy nói tắt quan điểm là hàm nghĩa quan điểm đối với hai đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế.
(4) Do tiếng Pháp infirmier.
(5) Khu giam giữ, bagne theo tiếng Pháp.
(6) Thủ tướng chính phủ Việt Nam năm 1945 do vua Bảo Ðại lựa chọn và trao trách nhiệm lập chính phủ. Nhà tôi hồi ấy ở số 65 phố Sergent Larrivé (phố Nhà Rượu, tức Nguyễn Công Trứ bây giờ), nhà ông Trần Trọng Kim ở số 67.
Đêm giữa ban ngày
Tự Bạch
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương Kết