watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đêm giữa ban ngày-Chương 28 - tác giả Vũ Thư Hiên Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên

Chương 28

Tác giả: Vũ Thư Hiên

Mùa hè, Hỏa Lò nóng như thiêu như đốt.
Huỳnh Ngự lấy Hỏa Lò ra dọa tôi không phải không có sở cứ. Từ sáng sớm, những khối bê tông dày và rắn như đá thu nhận lửa trời xích đạo vào lòng, tích tụ nhiệt ở đó, khoảng tầm trưa thì bão hòa. Ðến lúc đó chúng mới phả cái nóng âm ỉ được nhân lên nhiều lần vào xà lim cho tù. Xà lim, như tôi đã tả, kín như bưng. Mùa đông gió không lùa vào được còn đỡ, chứ mùa hè thì chịu không xiết. Mồ hôi tháo ra như tắm.
Thành dùng riêng một khăn mặt để lau mồ hôi, chốc chốc lại phải vắt. Nước từ khăn mặt chảy ra tong tỏng. Cái khăn mặt trắng chẳng bao lâu có màu tím xẫm của quả sim, không hiểu trong mồ hôi người có chất gì mà lại làm khăn biến màu như thế ? Tôi không có khăn mặt, đành mặc cho mồ hôi túa ra đầm đìa, chảy dọc theo người, đọng thành vết dưới chân.
Lúc đầu chúng tôi còn ngượng với nhau, chỉ cởi trần, mặc quần đùi, sau chúng tôi không buồn ngượng nữa, cởi bằng hết, nồng nỗng như người tiền sử, mặc cho đám quản giáo và lính canh khinh khỉnh ngó vào. Dưới con mắt họ, hẳn hai đứa chúng tôi giống hai con vật dạng người bị nhốt trong cũi. Còn chúng tôi thì tự an ủi : cho dù có quần ngoài áo trong, chất người trong chúng mày chửa chắc gì đã bằng chúng tao.
Ðể chống nóng, Thành và tôi quyết định hai người dùng chung một bô, cái thứ hai cọ sạch đi để chứa nước. Tôi nhìn cái bô nhếch nhác, cáu bẩn, đã trải qua không biết bao nhiêu đời tù mà ngán. Thành quả quyết có thể cọ sạch được. Anh hì hục cậy một mẩu gạch ở chân tường phòng vệ sinh, kiên nhẫn dùng nó cọ nhiều lần, cho tới khi cái bô sắt tráng men trở thành trắng tinh. Có cái đựng nước dự trữ rồi lại phải kế hoạch hóa sao cho chặt chẽ để các chất thải trong ngày chỉ được phép đầy ắp cái bô còn lại đúng giờ mở cửa buổi sáng. Ðại tiện phải lần lượt kẻ trước người sau cùng một lúc, cũng vào giờ ấy, có thế mới không phải hít thở lâu không khí hôi thối trong phòng. Xà lim kín lắm, cả tiếng đồng hồ mùi thối mới bay đi hết.
Ấy thế mà cái sáng kiến nhỏ bé ấy lại rất đắc dụng - chúng tôi có thể tự cho phép mình được giội hai ca vào buổi chiều, khi cái nóng Hỏa Lò lên tới đỉnh điểm, người ngứa ngáy không chịu nổi, còn hai ca dành cho buổi tối, trước khi đi ngủ Ðó là sự sang trọng không thể có ở bất kỳ xà lim nào. Chúng tôi giội từ từ, từng giọt nước hiếm hoi lên đầu, cho chúng chảy dần xuống tấm thân nóng rẫy. Nước mát rượi, đi tới đâu biết tới đó, như là nước cải tử hoàn sinh trong cổ tích. Nó cuốn đi mồ hôi bẩn, cuốn theo cả cái mệt mỏi, chảy xuống đến ngón chân đã thành nước nóng. Vì một cái bô không chứa đủ chất thải của hai người trong một ngày, nên thỉnh thoảng chúng tôi phải đi tiểu vào lỗ thoát. Nước giội còn có tác dụng rửa sàn, làm trôi đi phần nước tiểu đọng lại trong lỗ, phòng không bị khai. Nói chung, ở trong hoàn cảnh khó khăn mới biết Thành nhiều sáng kiến.
Giờ đây, ba chục năm trôi qua rồi, vậy mà mỗi lần nhớ lại xà lim Hỏa Lò tôi còn nổi da gà.
Chao ôi là nóng ! Nóng ghê gớm ! Nóng khủng khiếp ! Tưởng chừng cả đất trời đều bốc lửa. Tưởng chừng con người sẽ tan thành hơi sau cơn ngắc ngoải kéo dài. Nhưng sau một ngày vật vã, Hỏa Lò lại dịu đi về đêm, khoảng hai giờ sáng thì dịu hẳn, cho phép lũ tù khốn khổ được hồi sinh trong giấc ngủ mê mệt, không cho chúng chết ngay, để chúng được sống tiếp mà chịu cơn hành hạ hôm sau. Trong đời mình tôi chưa từng gặp một cái nóng nào tương tự, kể cả khi nằm trong những thung lũng lòng chảo vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc hoặc giữa khu 4 gió Lào. Viết về cái nóng ở khu 4, Nguyễn Tuân rên rỉ : "Chao ôi, còn có giống đực giống cái nào nghĩ đến nhau trong cái mùa gió Lào nổi lên này!".
Tôi không đủ sức tả cái nóng Hỏa Lò bằng một câu đắt giá. Tôi chỉ còn đủ sức để thở hoặc để cho mình đừng ngừng thở mà thôi.
Trong phòng hỏi cung có một cái quạt tai voi(1), được đặt sau lưng Huỳnh Ngự. Từ cái quạt phả vào mặt tôi không phải gió mát mà không khí nóng. Dù sao mặc lòng, luồng không khí chuyển động chậm chạp cũng giúp cho mồ hôi bay đi được một phần. Trong cái nóng đặc sệt nhày nhụa quyện lấy thân thể, mồ hôi vẫn cứ chảy ròng ròng bên trong quần áo sau khi đã thấm ướt tất cả.
- Nóng quá, hè !
Huỳnh Ngự, chính y, cũng không chịu được cái nóng Hà Nội.
Những ngày cuối y có vẻ ngượng với tôi.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam gây được một cơn hào hứng ầm ĩ suốt mùa xuân, bước vào hè cho thấy nó chẳng phải là cái Huỳnh Ngự hùng hồn tuyên bố. Trên các mặt báo vẫn đỏ chót những bản tổng kết chiến công, không nói gì đến tổn thất.
- Dù sao nó cũng có giá trị một cuộc tổng diễn tập. - tôi an ủi y, nhân câu chuyện vô tình lạc bước vào đề tài chiến tranh - Mà cuộc diễn tập nào không phải trả giá.
Ngành tuyên truyền đã có những phương án giải thích cho mọi trường hợp. Cách ngụy biện của những người cầm chèo lái nghe có vẻ hợp lý, nhưng vô duyên. Nó gợi ta nghĩ tới một anh chàng ba hoa đứng giữa ngưỡng cửa để hùng hồn tiên đoán về ba khả năng : một là y vào, hai là y ra, ba là y đứng tại chỗ. Bất cứ khả năng nào xảy ra y cũng đúng - y đã nói trước cả rồi mà.
Mặt Huỳnh Ngự xị xuống. Nếu là trước kia thể nào y cũng phải lên giọng mắng át, nhưng lần này y nín lặng.
Nói chung, sau nửa năm cãi cọ, dền dứ, mọi sự rồi cũng thành nhàm - y không còn hăng hái đóng vai trò người thay mặt Ðảng để giảng đạo Mác mà y hiểu rõ rằng tôi thuộc hơn y, còn tôi thì cũng bắt đầu mất hào hứng vai trò tên tù bất trị.
Ðể hình dung một bản khai được cả hai bên góp sức mà thành là thế nào, tôi xin lấy một bản làm thí dụ.
Vào khoảng tháng thứ hai tính từ ngày tôi bị bắt, Huỳnh Ngự hỏi tôi :
- Anh biết Trần Minh Việt chứ ?
- Tôi biết.
- Thằng Việt có viết một cương lĩnh cho cái Ðảng tương lai của các anh, anh đọc rồi chứ ?
- Tôi không biết hai cái : cương lĩnh là một, Ðảng tương lai của chúng tôi là hai.
Y nhìn chằm chằm vào mặt tôi :
- Anh biết.
- Tôi không biết.
- Anh thấy cương lĩnh đó thế nào ?
- Rất tiếc, tôi chưa được đọc.
Huỳnh Ngự mỏi mắt. Y nguýt tôi.
- Anh chưa đọc là may cho anh đó. Lại còn rất tiếc. Mấy anh đi Tây về anh nào cũng mắc tật ấy - mở miệng ra là rất tiếc, rất tiếc...
- Tôi thậm chí không biết nó có. - tôi xuê xoa - Nếu có thể, tôi muốn mượn một bản đọc chơi, xem cái cương lĩnh đó ra sao.
Huỳnh Ngự bĩu môi.
- Tui không mần công việc tán phát tài liệu phản động. Hôm nay anh sẽ viết cho tui một bản khai về thằng Trần Minh Việt, hí ?
- Nhưng tôi biết gì về Trần Minh Việt mà khai ?
- Biết tưng nao khai tưng nớ. Tức là những chi anh biết, hoặc nghe người khác nói, chính thằng Minh Việt nói ra, hay là ông già anh nói, thằng Giang hay thằng Chính nói...
Trần Minh Việt là lý thuyết gia số một của bọn xét lại hiện đại, theo cách nhìn của Lê Ðức Thọ và đàn em. Tên này đã cả gan thảo ra một bản cương lĩnh cho một đảng cộng sản mới sẽ ra mắt quốc dân sau khi ban lãnh đạo Ðảng hiện tại bị lật đổ.
Tôi không giấu Huỳnh Ngự. Tôi không biết gì về cái gọi là cương lĩnh" ấy. Ra tù, tôi mới được đọc nó, do một người bạn Trần Minh Việt cất giấu được. Chính Trần Minh Việt thì lại không còn bản nào trong tay. Hóa ra tập tài liệu đánh máy dày chưa tới hai chục trang mà Huỳnh Ngự nói tới chẳng phải cương lĩnh cương liếc chi hết, mà chỉ là những suy nghĩ của Trần Minh Việt về con đường phát triển đất nước và vai trò Ðảng trong tình hình mới, với những đề xuất tâm huyết của anh với Trung ương. Khốn nạn cho Trần Minh Việt ! Anh đâu có muốn phá Ðảng, anh đóng góp ý kiến để Ðảng của anh vững mạnh hơn đấy chứ.
Minh Việt thế mà ngây thơ. Ðến những cán bộ thường như chúng tôi cũng biết rằng trong xã hội Việt Nam một việc làm như thế là một lỗi lầm không thể tha thứ. Là đảng viên, cho dù trong cấp ủy cao, anh cũng không được phép tỏ ra hiểu biết hơn lãnh đạo. Nếu anh có ý kiến hay hơn Trung ương chẳng hóa ra anh giỏi hơn Trung ương sao ? Mà anh đã dám coi mình giỏi hơn Trung ương thì nhất định anh phải coi thường Trung ương, trong đầu anh nhất định phải nảy ra ý nghĩ thay thế Trung ương rồi. Lê Duẩn có cho bắt anh cũng phải.
- Thế nào, còn suy nghĩ chi nữa ? Hay còn e dè, còn nể nang thằng Chính, thằng Giang(2) ? Nói để anh hay, trong khi anh cứ khăng khăng bảo vệ chúng hắn thì chẳng có thằng cha mô bảo vệ anh hớt, chúng hắn khai cho anh cả ký giấy rồi nè...
Cách giáo dục cán bộ công an của Ðảng thực hay - tiên học căm thù, hậu học mạ lị. Các cụ dạy tiên học lễ, hậu học văn là sai toét tòe loe rồi. Cái thứ con cháu hơn tổ tiên thế này là phúc đức cho nòi giống hay điềm báo vận mạt của nó ?
- Tui nhắc lại : chỉ có qua những lời khai anh mới chứng tỏ được lòng trung thành của anh đối với Ðảng. - Huỳnh Ngự ân cần khuyên nhủ - Việc Ðảng tha anh hay giữ anh lâu dài phụ thuộc ở anh, ở thái độ anh thể hiện trong những bản khai nầy đó.
Thì khai.
Tôi viết về Trần Minh Việt những lời nhạt thếch, rằng tôi có gặp anh vài lần ở nhà tôi. Tôi kể con cà con kê chúng tôi nói với nhau chuyện gì (tất nhiên, không phải chuyện đường lối chống Ðảng). Qua lời anh kể tôi mới biết anh đã học ở trường Ðảng cao cấp Liên Xô, nhưng khi bắt đầu có chuyện tranh chấp ý thức hệ trong phong trào cộng sản quốc tế Trần Minh Việt trở về Việt Nam, chứ không ở lại Liên Xô như Nguyễn Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn...vv (biết rồi, khổ lắm, nói mãi !).
Thế là xong một bản khai.
Làm việc với Huỳnh Ngự riết rồi tôi đâm ra khoái khai cung. Nó trở thành một trò chơi của đời tù và tôi cho trí tưởng tượng của tôi tha hồ bay bổng. Chẳng hạn, tôi bịa ra những cuộc gặp gỡ không hề có trong thời gian học ở trường điện ảnh với những điệp viên thượng thặng để lấy tài liệu cho những kịch bản phim tình báo tương lai, bốc láo rằng khi thực tập làm phim tài liệu tôi được đi xem những phương tiện chiến tranh Liên Xô mới sản xuất, những máy bay cất cánh từ những xe tải, những tên lửa tự tìm mục tiêu... Tôi cảm ơn Herbert Wells(3) đã giúp tôi trong những sáng tác bất đắc dĩ này. Huỳnh Ngự khoái những chuyện bịa của tôi lắm. Nhưng khi y mon men tới đề tài tôi làm tình báo thì tôi cài số lùi :"Tôi chưa nghe ai nói tới chuyện tuyển mộ tôi cả..."
Cuối cùng rồi cũng đến một ngày Hoàng trịnh trọng đặt lên bàn tập hồ sơ dày cộp.
- Ðây là những gì anh đã khai.
Tôi ngạc nhiên : trời đất quỷ thần ơi, tôi đã viết cho chúng nhiều đến thế kia ư ? Chúng sẽ làm gì với những trang giấy vô tích sự ấy nhỉ ? Thật vậy, chúng sẽ làm được gì ?
Hoàng bảo tôi ký vào mấy tờ giấy. Ký xong, tôi hỏi bằng giọng làm ra vui vẻ :
- Theo tôi hiểu, giai đoạn hỏi cung đến đây là kết thúc, có phải không ạ ? Sau đó là tòa án ?
Hoàng gập tập hồ sơ lại, cười khẩy :
- Anh nghĩ thế nào cũng được. Việc đời, anh Hiên ạ, nó chẳng đơn giản như ta muốn.
- Chết chửa, có nghĩa là đến bây giờ vẫn chưa xong ?
- Xong thế nào được. Chúng tôi còn phải hỏi nữa, chừng nào vụ án chưa kết thúc. Cứ coi là đã qua một giai đoạn, ta tạm sơ kết cái đã. Là một vụ án có nhiều người, nhiều việc, trong sự hỏi cung không tránh khỏi tình trạng người này nói khác người kia, người nọ xong trước người kia. Cũng là chuyện dễ hiểu, phải không ? Việc điều tra chỉ thật sự kết thúc chừng nào cơ quan an ninh làm xong với người cuối cùng. Anh hiểu chứ ?
- Tôi không hiểu. - tôi lạnh lùng - Trong bất kỳ xã hội văn minh nào cũng có những quy định về thời hạn giam giữ trong khi điều tra, tức là chỉ có thể giam người trong một thời hạn nhất định mà thôi...
Hoàng cười mũi :
- Anh có ý muốn nói ở những nước tư sản chứ gì ? Anh cho rằng xã hội ta không văn minh ? Anh tỉnh lại đi, anh Hiên, anh đang ở một nước xã hội chủ nghĩa kia mà. Nghĩa là ở một nước có đảng cộng sản cầm quyền, lấy chuyên chính vô sản làm sợi chỉ hồng xuyên tâm(4) trong sự nghiệp bảo vệ cách mạng. Hoàn toàn không phải là nơi có chế độ đại nghị. Ðó là những khái niệm khác nhau, khác về cơ bản, về chất, mong anh đừng nhầm lẫn.
- Cho dù có áp dụng chuyên chính vô sản thì điều đó, theo tôi nghĩ, cũng không hề có nghĩa Nhà nước vô sản không cần đến pháp luật.
Hoàng cười hi hí.
- Tùy anh. Tôi cho rằng anh nhầm. Nói trắng ra là anh có quan niệm huyễn hoặc về chủ nghĩa cộng sản. Lại là chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản châu Á nữa. Tôi thật lòng không muốn anh phải trả giá cho sự nhầm lẫn đó.
Tôi không hiểu Hoàng. Anh ta xử sự lắm lúc không khác gì một tên cuồng tín, ấy thế mà đôi khi lại tương ra một nốt nhạc ngang phè trong bài ca xưng tụng Ðảng chí tôn mà dân chúng nhất nhất phải thuộc lòng.
Một trong những điều khó hiểu đối với tôi hồi ấy là tại sao, vì lẽ gì những nhà cách mạng Việt Nam thuộc thế hệ cha chú tôi, lúc đó còn đông đúc, lại chịu chấp nhận một mô hình xã hội quỷ quái như vậy ?
Tôi quan niệm trong xã hội xã hội chủ nghĩa Ðảng cộng sản chỉ có thể đóng vai trò lãnh đạo thông qua trung giới là hệ thống pháp luật do nó đề xướng, được nhân dân dân chủ bàn bạc, dân chủ chấp nhận. Khi nói về Nhà nước tư sản chính Mác cũng chỉ ra rằng Nhà nước này bảo vệ quyền tư hữu tài sản, tức là bảo vệ quyền lợi của những tầng lớp hữu sản, thông qua trung giới pháp luật, chứ giai cấp tư sản không trực tiếp quản lý xã hội bằng những biện pháp hành chính. Sự lãnh đạo bằng chỉ thị và nghị quyết của Ðảng cộng sản trong tinh thần đồng nhất Ðảng với pháp luật là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Chính nó, chứ không phải cái gì khác, sẽ phá tan Ðảng.
Không biết tôi đúng hay không đúng, đúng được bao nhiêu, trong ý nghĩ rằng thế hệ cha chú tôi bị sự sùng bái Hồ Chí Minh làm cho mù quáng, tước bỏ nơi họ tinh thần độc lập suy nghĩ. Rất nhiều hậu quả tồi tệ mà một cuộc cách mạng trong sáng về mục đích đem lại cho dân tộc là do sùng bái cá nhân.
Sau Cách mạng Tháng Tám uy tín của ông Hồ Chí Minh vút lên như diều gặp gió. Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến uy tín của ông còn lên cao hơn nữa. Ông không phải chỉ là "cha già dân tộc" của Việt Nam, mà còn là đấng chí thánh của phong trào giải phóng dân tộc.
Người ta sẵn sàng chết cho Bác Hồ, đồng hóa Bác với Tổ quốc. Các chiến sĩ xung trận hô lớn "Vì Ðảng, vì Bác, tiến lên !". Những đảng viên trong lễ kết nạp giơ tay tuyên thệ trước chân dung ông đặt trang trọng trên "bàn thờ Tổ quốc" trên nền đảng kỳ. Hiện tượng sùng bái này, nói cho đúng, một thời có tác dụng tốt, nó kích thích quần chúng tham gia kháng chiến chống Pháp. Không có nó cuộc kháng chiến chống Pháp khó lòng đạt được những thành công như nó đã đạt được.
Ðiều đó không lạ. Quần chúng châu Á cần có minh chủ trong mọi cuộc nổi dậy. Không có minh chủ thì không có phong trào là hiện tượng đặc thù và phổ biến của những quốc gia lạc hậu. Nhu cầu vô thức này có cội rễ từ hình thái xã hội bầy đàn, xã hội bộ lạc thời nguyên sơ. Bắt đầu bằng lời phân trần khiêm tốn tại quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hà Nội năm 1946 đầy biến động và khó khăn : "Hồ Chí Minh thề không bao giờ bán nước", khi đồng bào còn chưa biết ông là ai, đến lúc uy tín đã được thiết lập, ông liền xưng "Bác" với mọi người rất tự nhiên, kể cả với những người bằng vai phải lứa hoặc không bằng vai phải lứa.
Khởi đầu cách xưng hô này là cách ông xưng với chúng tôi, những đứa con các đồng chí gần gụi ông. Sau đó nó được dùng như một bí danh, rồi mới có ý nghĩa ngôi thứ. Nhà văn Sơn Tùng trong một số văn phẩm đã miêu tả sai, như thể cha tôi và các cán bộ Ðảng gần ông Hồ đều kêu Bác xưng cháu với ông. Sự thực không phải như vậy. Những ngày Cách mạng Tháng Tám các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trần Ðình Long, Bùi Lâm... đều gọi ông Hồ bằng anh xưng tôi.
Từ ngữ ngẫm ra quan trọng lắm. Khi có nhiều người đã cháu cháu bác bác với ông Hồ rồi thì ông tưởng mình là bác thật, những người xưng cháu cũng sẵn sàng khoanh tay vâng dạ bề trên. Thế mới biết một từ dùng không cẩn thận có thể đẻ ra tai họa.
Cách tôn vinh lãnh tụ theo lối gia trưởng tồn tại cả trong hàng ngũ Khmer Ðỏ. Pol Pot, kẻ lãnh đạo cuộc diệt chủng không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại cũng được đồng bọn gọi là Om (Bác), là Puk (Cha)(5).
Tôi nhiều lần được chứng kiến ông Hồ nói chuyện với quần chúng như thế nào. Trong bộ quần áo kaki giản dị, có khi là bộ áo cánh lụa nâu, ông không có gì cách biệt với những người ông tới thăm họ, thăm với tình thân, chứ không phải tới để thị sát, với tư cách bề trên. Ông có giọng nói ấm áp, hơi trầm, âm lượng không lớn nhưng vang xa, với những lời dễ hiểu đối với quần chúng lao động, người nghe chủ yếu của ông. Ông không phải nhà hùng biện, nhưng tiếng tăm về lòng yêu nước của ông, địa vị chủ tịch nước của ông, cách nói dễ hiểu của ông đối với dân chúng đã làm cho ông trở thành nhà hùng biện kiệt xuất của thời đại, vượt xa những nhà hùng biện tôi đã được nghe như Trần Văn Giàu, Nguyễn Sơn, Dương Bạch Mai... Chỉ có một điều không sao hiểu được, nó làm tôi khó chịu là : khi ông Hồ Chí Minh nói chuyện với dân chúng, trong đám đông cuồng nhiệt hoan hô lãnh tụ có cả những cụ già cao tuổi, thế mà ông vẫn xưng Bác tự nhiên như không. Chẳng lẽ một người nổi tiếng khiêm nhường như ông lại có thể phạm phải một khuyết điểm không tha thứ được đối với chuẩn mực giao tiếp châu Á ?
Chỉ một lần tôi nghe thấy ông Hồ xưng em - đó là với nhà cách mạng lão thành Ðinh Chương Dương. Hôm ấy dân chúng Hà Nội từ biệt ông Hồ trước khi ông lên đường sang Pháp (1946). Trước Bắc bộ phủ là cả một rừng cờ và hoa bên trên biển người xao động, trong tiếng nhạc binh trầm hùng, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Tôi đi cùng bác Ðinh. Bác Ðinh lúc bấy giờ đã yếu lắm, phải tựa vào vai tôi mà bước. Vì đến muộn, chúng tôi chật vật mới len được qua đám đông để vào Bắc bộ phủ. Nhìn thấy bác Ðinh từ xa, bác Hồ lật đật từ trên thềm cao chạy xuống, ân cần đỡ tay ông :" Bác tới thăm em làm chi, khổ quá, bác chưa được khỏe mà". Trả lời câu hỏi thăm của bác Ðinh, bác Hồ(6) ưỡn ngực ra, cười lớn tiếng : "Hồi nầy em khá nhiều rồi, bác ạ".
Ðến bây giờ chẳng còn ai không biết tác giả Trần Dân Tiên của cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ chủ tịch là chính Hồ Chí Minh. Trong lịch sử thế giới có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất nhân vật đứng đầu quốc gia tự viết tiểu sử mình với những lời lẽ ca ngợi chính mình. Những lời ca tụng Bác Hồ trong tập ký sự Vừa Ði Ðường Vừa Kể Chuyện ký tên T. Lan, những bài báo ký tên T.L., A.G. và nhiều tên khác nữa cũng chẳng có thể đổ cho người khác được. Ông Hồ tự ca tụng, chuyện đó là thật. Một việc làm thừa, hơn thế, ngớ ngẩn - không cần đến những bài báo ấy uy tín của Hồ Chí Minh chẳng những đã tràn ngập mà còn vượt ra ngoài bờ cõi.
Thể chế tổng tài châu Á có nguồn gốc từ chế độ thị tộc. Vua coi dân như con là quan niệm chỉ có ở châu Á. Châu Âu từ xưa không có cái đó. Châu Mỹ lại càng không. Nói gì vua, một ông phủ, một ông huyện cũng dám vỗ ngực xưng "dân chi phụ mẫu"(7) trong cái lãnh địa nhỏ bé mà họ cai trị kia mà.
Không kể những thiên tài như Leonardo da Vinci, Herbert George Wells(8), trí tưởng tượng của con người ta nông cạn lắm, hạn hẹp lắm - nó không có tài tưởng tượng ra cái chưa hề có. Hình ảnh mà trí tưởng tượng sản sinh ra bao giờ cũng là cái bóng của hiện thực. Nền kiến trúc tư bản, khi xã hội tư bản vừa hình thành, mang dáng dấp lâu đài, cung điện của các chúa đất phong kiến. Những người cộng sản Việt Nam hình dung chế độ xã hội chủ nghĩa qua hình dạng cái quốc gia nửa phong kiến nửa thuộc địa là nước Việt Nam thời thuộc Pháp. Trong sự kế thừa vô thức này xã hội Việt Nam ngày nay có mang nhiều nét trật tự nửa phong kiến nửa thuộc địa âu cũng là lẽ thường tình.
Ðáng trách nhất là những người cộng sản thế hệ đầu tiên, nổi tiếng kiên cường trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, lại không có đủ dũng khí để quát lên : "Không được phép !" khi ban lãnh đạo Ðảng tự tiện đặt mình lên địa vị "dân chi phụ mẫu", cắt xén những quyền dân chủ mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại. Còn sau đó, như theo đà trượt, nền dân chủ thiếu tháng cứ phăng phăng tụt dốc không sao hãm lại được nữa.
Xin quay lại chuyện Hỏa Lò.
Trong buổi "sơ kết" nói trên Hoàng tỏ ra vui vẻ. Anh ta mời tôi uống trà, mời tôi hút thuốc vấn, rồi khúc khích cười như có điều vui thú trong lòng.
- Cơ quan an ninh bày tỏ lòng khâm phục anh. - Hoàng nói, giọng bỡn cợt - Hơn nửa năm làm việc, tốn bao nhiêu thời giờ, cả giấy mực nữa, cũng tốn lắm, vậy mà chúng tôi không biết hơn được điều gì ngoài những điều chúng tôi đã biết rồi.
Tôi nhìn vào mắt Hoàng, nhưng anh ta tránh cái nhìn của tôi, vờ lúi húi soạn giấy má trên bàn. Ðợi cho Hoàng thu dọn xong, tôi nói :
- Cơ quan an ninh có muốn biết câu trả lời của tôi cho nhận xét đó không ?
- Anh cứ nói.
- Trước hết, tôi xin phép được nghi ngờ cái gọi là những điều cơ quan an ninh đã biết rồi. Mặc dầu đối với tôi chuyện các anh biết cái gì rồi không phải chuyện khó hiểu.
Hoàng ngạc nhiên.
- Anh nói rõ thêm đi.
Tôi cười :
- Chúng tôi và các anh có những điểm tương đồng về nghề nghiệp. Những điều được gọi là cơ quan an ninh đã biết rồi, theo tôi nghĩ, thuộc một lĩnh vực mà trong nghề văn chúng tôi người ta đặt tên là hư cấu, nói theo cách dân dã là bịa.
Hoàng ngẩng phắt lên, nhưng trong cái nhìn của anh ta, tôi không thấy có vẻ gì là giận dữ.
- Anh Hiên ạ, tôi thật lòng khuyên anh nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Chúng ta đang ở Việt Nam. Tôi thật lòng lo lắng cho anh.
Anh ta gọi quản giáo đưa tôi về.
Tôi đi lững thững trên con đường đã đi không biết bao nhiêu lần. Hoàng nói thế là có ý gì ? Phải chăng anh ta muốn báo cho tôi biết vụ án còn lâu mới kết thúc, và cuộc trấn áp là không khoan nhượng ?
Nghe tiếng mở cửa, Thành nhỏm dậy. Mặt anh nhớn nhác.
- Mấy giờ rồi ?
- Chắc gần 11 giờ.
- Mình ngủ say quá.
Tôi ghé ngồi bên anh, lặng lẽ quan sát.
- Anh nói dối tôi làm gì ?
- Sao cậu lại nói thế ?
- Bởi vì tôi quý anh. Tôi không thích nghe anh nói dối.
Anh nói, vẻ sượng sùng.
- Mình ngủ mà.
Tôi cười :
- Anh không ngủ. Người ngủ say mắt bao giờ cũng kéo những tia đỏ, là một. Anh gối trên bọc quần áo, trên cùng là cái quần, dải rút to thế này thể nào cũng phải hằn trên má anh mà lại không thấy vết hằn đâu, là hai. Ngủ say mà nằm ngiêng như anh thường nằm má bên dưới phải đỏ hơn má trên, là ba. Ðủ chưa ?
Thành cụp mắt xuống.
- Anh cũng bị gọi đi cung chứ gì ?
Thành lẳng lặng gật đầu.
- Và họ hỏi anh về tôi, phải không ?
Thành lại cụp mắt xuống. Tôi thở dài.
- Tôi sẽ không hỏi anh chuyện họ hỏi anh những gì về tôi. Chẳng cần hỏi tôi cũng biết họ hỏi gì. Tôi đã nói thẳng với họ những điều tôi bằng lòng nói. Còn những chuyện gì tôi không muốn nói thì đó là việc của tôi với họ. Họ chẳng có thể kiếm chác được gì hơn ở anh. Vả lại, tôi tin anh.
Thành im lặng.
Tuy vậy, con đỉa nghi ngờ bám chặt, sống dai. Giữa hai người phải mất một thời gian mới có lại được không khí thoải mái trước đây. Không khí nghi kỵ lẫn nhau là không khí mỗi người Việt Nam hít thở. Việc Thành giấu tôi chuyện anh đi cung làm tôi buồn. Tôi lại bị nỗi cô đơn đè nặng.
Nếu như thời gian đầu tiên tôi có ý muốn tự sát thì càng về sau ý chí phải sống sót bằng được càng mạnh mẽ. Tôi phải sống sót để nói lại cho đồng bào tôi nghe về thực chất cái xã hội trong đó con người Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền tự do tối thiểu mà mỗi công dân bình thường của thế giới bình thường phải có.
Kiệt lực qua thập điện khổ đau
Tôi lử lả tiến công vào cái Ác
Trong đêm giữa ban ngày
Vũ khí trong tay
Chỉ một ngọn bút cùn thay lưỡi mác
Tôi ngã xuống trong lốc bụi chiến trường,
Phút hấp hối còn mang mang nghe tiếng nhạc.
Thì ra máu của tim mình
nhỏ xuống đất cằn
Và đất lên giọng hát
Bài hát của niềm tin
Từ trái tim tôi rách nát.
Tôi nằm dài, nghĩ vẩn vơ, đầu trống rỗng. Tôi viết mấy vần tự sự này tại địa ngục Hỏa Lò, mùa hè năm 1968. Tôi làm thơ lăng nhăng, khi buồn. Mỗi bài thơ ghi lại một nỗi niềm, một mẩu ký ức.
Những ngày sau đó tôi và Thành ít nói chuyện với nhau hơn. Có một cục sạn rơi vào trong mối quan hệ thân tình giữa hai con người đau khổ.
Rồi trong một đêm không ngủ được Thành kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện anh buộc phải nhận lời công an để theo dõi tôi như thế nào. Anh kể khó nhọc, giọng đứt quãng, với vẻ mặt đau khổ.
Câu chuyện nhạt phèo, không đáng kể lại. Không phải chỉ ở Việt Nam mới có chuyện này, ở đâu cũng vậy, dù ở nước Mỹ tư bản, nước Ðức phát-xít hay ở Liên Xô xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, để trả công cho việc làm chỉ điểm người ta tung ra vô số lời hứa, cái nào cũng hấp dẫn đối với người tù thiếu thốn đủ thứ. Anh sẽ được nhận thư vợ nhiều hơn, được nhận tiếp tế nhiều hơn, thường xuyên hơn. Người ta còn hứa sẽ giảm án cho anh nếu anh lập công lớn. Tuy nhiên, để người đảng viên trước kia trong Thành khỏi tủi, người ta kêu gọi anh hãy nhớ tới trách nhiệm trước Ðảng, cố gắng lập công dâng Ðảng.
- Tôi xấu hổ phải nghe những lời dụ dỗ ấy. - Thành ngậm ngùi - Nhưng chẳng có cách nào khác...
Tôi an ủi anh :
- Tôi hiểu. ê địa vị anh tôi cũng không làm khác được.
- Cậu hiểu cho tôi thì tôi mừng.
Anh rơm rớm nước mắt.
Chúng tôi có những vị thế khác nhau, cách người ta đối xử với chúng tôi cũng khác nhau. Với tôi, chắc chắn bọn Huỳnh Ngự không dám đặt vấn đề như thế, cho dù chúng rất muốn.
Trời dịu dần hay là tôi đã thích nghi với cái nóng Hỏa Lò không rõ, nhưng tôi không còn thấy khó chịu đựng như trước.
Những buổi đi cung thưa dần rồi tạnh hẳn, cứ như thể không có một vụ án nào hết, mà chỉ có một hình phạt. Theo ý thích của ông chủ.


(1) Thứ quạt chế tạo tại Liên Xô, cánh bằng cao su, không có lồng sắt bên ngoài.
(2) Chỉ thiếu tướng Ðặng Kim Giang. Khi Huỳnh Ngự gọi thằng Giang là nói Ðặng Kim Giang, còn Nguyễn Kiến Giang thì y gọi là thằng Kiến Giang.
(3) Herbert George Wells (1866-1946), nhà viết truyện viễn tưởng lỗi lạc, tác giả của những cuốn Máy Thời Gian, Cuộc Chiến Tranh Giữa Hai Thế Giới, Người Tàng Hình...vv
(4) Cái tập hợp từ ngớ ngẩn này có xuất xứ từ Trung Quốc, trở thành câu cửa miệng ở các cán bộ tuyên giáo.
(5) Pol Pot, còn có tên là Saloth Sar, nhà lãnh đạo cộng sản Kampuchea. Sau chiến thắng của phe Khmer Ðỏ tại Kampuchea năm 1975 trở thành thủ tướng. Dưới quyền Pol Pot 3 triệu người Kampuchea đã bị hành quyết và chết vì bệnh tật, đói khổ.
(6) Tôi vẫn dùng từ bác Hồ (không viết hoa) trong đoạn kể này vì vào những năm đó tôi không có tình cảm nào khác với ông Hồ Chí Minh ngoài tình cảm yêu mến và tôn kính.
(7) Cha mẹ dân.
(8) Leonardo da Vinci : nhà khoa học, nghệ sĩ vĩ đại trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật thời đại ông (1452-1519). Hai chục năm trước khi Christopher Colombus "tìm ra" châu Mỹ trong cuộc viễn thám bằng tàu buồm, Vinci đã phác họa nguyên lý tàu ngầm. Herbert George Wells (1866-1946), nhà văn, triết gia chính trị, tác giả nhiều truyện viễn tưởng : Máy Thời Gian, Chiến Tranh Hai Thế Giới, Người Tàng Hình...
Đêm giữa ban ngày
Tự Bạch
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36
Chương 37
Chương 38
Chương 39
Chương 40
Chương 41
Chương Kết