Chương 41
Tác giả: Vũ Thư Hiên
- Malêlết ló mốn cặp (gặp) mày ! - Cố Thủ Chẩu đứng trước mặt tôi, ngúc ngắc cái đầu húi cua, nói bằng giọng khàn khàn.
- Có chuyện gì thế ? - tôi nhìn đôi mắt một mí không chớp của anh ta.
- Khôông pết ! - Cố Thủ Chẩu nói.
- Sao lại không biết ?
- Ló bảo ngộ tến lói.
- Sao anh ta không tự đến ?
Cố Thủ Chẩu nhăn nhó :
- Mà mày pằng lòng chớ, có không ?
Cố Thủ Chẩu dặng hắng, đôi mắt tròn xoe đã bắt đầu mờ đục buồn rầu nhìn tôi. Tôi kiên nhẫn chờ, nhưng mãi vẫn chẳng thấy anh ta nói gì. "Rõ ngốc !" Tôi rủa thầm tôi ngu. Ai cũng biết Cố Thủ Chẩu nói tiếng Việt không sõi. Mỗi lần phải dùng đến tiếng Việt là một lần anh ta mệt. Chỉ nghĩ đến phải nói tiếng Việt là anh ta đã muốn thở rốc, gương mặt đặc Tàu đờ đẫn hẳn ra trên cái cổ bạnh như cổ trâu. Trong đám tù chính trị họ Cố nổi tiếng hà tiện lời vì lẽ đó. Ngay cả với cán bộ trại anh ta cũng chẳng buồn trả lời khi họ hỏi. Lúc đầu họ còn nổi sùng, riết rồi quen.
- Thì ít nhất cũng phải cho tôi biết có chuyện gì chứ. - tôi nói.
Tôi vừa viết vội cho xong bản báo cáo hình thức hàng tháng về lớp bổ túc văn hóa trại để nộp lên Ban giáo dục trại vừa cố đoán tiếp lý do khiến Marinết muốn gặp tôi. Trong trại mấy ngày qua mọi chuyện đều bình thường. Cả tuần chẳng có sự cố gì đặc biệt. Mà Marinết muốn gặp tôi theo kiểu này, có hỏi trước, nghĩa là phải có vấn đề. Từ khi tôi được Ban Giám thị cử làm chân văn hóa thì, theo một thỏa thuận không thành văn được toàn thể tù nhân tán thành, những người tù có chuyện lủng củng với nhau không báo cáo vụ việc thẳng với cán bộ như trước nữa mà đến bàn với tôi để tìm cách giải quyết nội bộ.
Cố Thủ Chẩu cụp mắt xuống, chân nọ gãi chân kia :
- Malêlết pảo thế ! Ló mốn nhều.
Tôi gật đầu :
- Ðược, tôi sẽ đến.
- Tố hảo a !
Cố Thủ Chẩu nhe răng cười hài lòng, bỏ đi.
Tù ở trại A Phong Quang không đông, lối năm trăm nhân mạng là cùng, phần lớn là số lẻ. Như ở bất cứ trại nào, những người tù ít khi chơi thân với nhau. Người ta sợ, cái sợ cố hữu bám theo họ từ bên ngoài xã hội vào, cộng thêm cái sợ có sẵn trong tù sinh ra bởi hệ thống ăng-ten dày đặc và thói quen bẩm báo để kiếm chác trong cảnh thiếu thốn. Ðể tạo ra những ốc đảo an toàn, những người tù họp lại với nhau thành những nhóm nhỏ, gồm những người đã quen biết nhau ở ngoài hoặc những người đã được quan sát kỹ, thậm chí đã được thử thách trong cuộc sống giam cầm. Thường mỗi nhóm như thế chỉ hai người một, ba người một, gọi là gia đình, hiếm khi đông hơn. Tuy không giao du với nhau, nhưng cùng trong một trại, ra đụng vào chạm chan chát, mọi người đều nhẵn mặt nhau, thậm chí quen nhau tuốt tuột, có thể nói như thế. Chẳng hạn, tôi không phải bạn Cố Thủ Chẩu, ấy thế mà gặp nhau chúng tôi bao giờ cũng vồn vã chào hỏi xã giao như những người quen lâu ngày, dù sau đó chỉ nói với nhau đôi ba câu bâng quơ.
Marinết, hay Malêlết theo cách phát âm của Cố Thủ Chẩu, là một cái lạ của trại Phong Quang. Lần đầu tiên tôi gặp trong bộ lạc tù số lẻ một người Âu. Một người Âu trăm phần trăm, Âu hoàn toàn, mũi lõ tóc vàng, mắt xanh, da trắng. Không phải tây lai. Không phải phi công Mỹ. Không phải tù binh còn sót lại của chiến tranh Ðông Dương. Nghĩa là không thể nào giải thích được vì sao anh ta lại có mặt giữa vùng lam sơn chướng khí chỉ dành cho bọn tù số lẻ, lũ kẻ thù giai cấp của chính quyền vô sản. Mà khốn nạn làm sao, anh chàng lại không biết tiếng Việt để có thể trò chuyện với bạn tù, để cảm thấy đỡ cô đơn trong cảnh sống bị trói buộc. Cán bộ trại gọi tên anh ta theo hồ sơ hay anh ta tự xưng không biết, nhưng mọi người đều gọi anh ta là Marinết. Chắc là tên chứ không phải họ.
Lầm lũi như một cái bóng, cao lênh khênh, nước da xanh xao, cái nhìn bất động, Marinết ngồi yên lặng xếp hàng trên sân trại mỗi buổi sáng chờ đi lao động. Khi đội anh ta được gọi tới, anh ta lẳng lặng đứng lên cùng với các bạn tù, như một Gulliver nhẫn nhục, lẳng lặng đi, lẳng lặng làm.
Theo lời kể của những người tù, thường tò mò và thích ngồi lê đôi mách, thì Marinết là một thương gia Hà Lan chuyên buôn bán mễ cốc trong vùng Thái Bình Dương. Sự có mặt của anh ta ở đây được giải thích bằng một nguyên nhân không cần tới lô-gích - do Chúa trừng phạt. Họ kể do Marinết quá sốt ruột muốn hưởng ngay lập tức phần gia tài kếch sù được ghi trong di chúc của ông nhạc, đã mưu mô với vợ đầu độc ông ta. Cái chết của ông già không bị phát giác. Nhưng trong một chuyến đi áp tải hàng Marinết say túy lúy trong bữa rượu mừng sinh nhật đã rơi tõm xuống biển mà không ai biết rồi dạt vào Việt Nam. Chắc hẳn Marinết có kể cho ai đó, cho nên người ta mới biết chuyện này. Mà chẳng cứ bạn tù, các cán bộ trại cũng tin câu chuyện đó. Hẳn Marinết đã khai với công an như vậy. Mà cũng có thể Marinết kể cho Cố Thủ Chẩu nghe, rồi Cố Thủ Chẩu kể lại cho người khác. Trong trại Marinết chẳng chơi với một ai trừ Cố Thủ Chẩu.
Cố Thủ Chẩu là thổ phỉ. Nhưng trông họ Cố lại chẳng có thớ ăn cướp tẹo nào. Ðậm người, đi đứng chậm chạp, tay chân vụng về, da mặt bóng nhẫy, trông Cố Thủ Chẩu có vẻ một ông chủ tiệm chạp phô thị trấn biên giới. Ðể làm một tên cướp họ Cố lù đù quá, khờ khạo quá, trong đối nhân xử thế thì lại tử tế quá, ân nghĩa quá. Cố Thủ Chẩu cũng dân boọc, cũng án tù mù. Từ bên Lào sang họ Cố được phiên vào một toán số lẻ, mặc dầu thổ phỉ là tội thuộc số chẵn.
Làm xong công việc hàng ngày của anh văn hóa trại, nghĩa là có mặt trong giờ điểm danh, đi kiểm tra vệ sinh lán trại, treo báo luân phiên trong các khu cho anh em tù đọc, tôi lững thững đi gặp Marinết.
- Chào đồng chí !
Ðôi mắt xanh biếc của Marinết cười rộng, bàn tay to và xương xẩu xiết chặt tay tôi.
- Chào anh Marinết !
Chúng tôi theo nhau trèo lên tầng trên cái giường chạy dài suốt năm gian nhà. Giang sơn của Marinết là một manh chiếu, sát vách là khối chăn màn vuông vức, kể cả tay nải. Marinết nghèo, anh không có cái hòm gỗ mộc như những dân boọc số lẻ khác (là những người ít tin ở ngày về hơn bất cứ thứ tù nào). Cũng khác với tất cả, bên trên vách, ở đầu chỗ nằm của anh, có một thập giá tết bằng lá cọ non, khô cứng và xám xịt vì lâu ngày. Theo nguyên tắc trại giam, những người tù theo đạo Thiên Chúa không được phép treo thập giá ở đầu giường, nhưng Marinết được hưởng ngoại lệ. Dù sao anh cũng là người nước ngoài.
Không vội vã Marinết châm đóm. Lửa bùng lên trong bóng tối ẩm ướt buổi sáng đầu đông có sương mù, tạo ra không khí ấm cúng. Tay phải Marinết cầm đóm huơ những vòng lửa nhỏ dưới trôn cái ống bơ cầm chắc trong tay trái, nước trong ống bơ chẳng mấy chốc đã sôi sùng sục. Trong tù thủ tục tiếp khách bao giờ cũng trang trọng. Cái bát men thủng làm bếp, ống bơ sữa bò làm ấm đun, cái ca men sứt sẹo thay ấm pha, chén đựng trà làm bằng nứa tép cắt ngắn - bộ đồ trà của tù là thế.
- Mời ! - Marinết đưa cho tôi một chén trà nóng bỏng bằng hai tay.
- Mời ! - tôi nâng chén, cũng bằng hai tay.
Chúng tôi lẳng lặng thưởng trà như hai nhà ngoại giao đại diện cho hai dân tộc Âu- ỏ trong một cuộc gặp gỡ vào đầu thế kỷ trước.
- Anh không lấy làm lạ thấy tôi gọi anh bằng đồng chí sao ?
Marinết nheo mắt cười qua hơi nước sôi nghi ngút. Hóa ra anh ta biết tiếng Việt.
- Thú thật, tôi lấy làm lạ. ê trong tù người ta không gọi nhau như thế. Tôi nghĩ anh chưa rành tiếng Việt.
- Tôi cố ý. Tôi nói có cân nhắc - Marinết nói.
- Thật vậy à ?
- Tôi quan sát anh từ khi anh vừa tới trại này. Mọi việc anh làm, nhân cách của anh, kể từ khi anh làm văn hóa trại, đều được chúng tôi theo dõi. - Marinết nhẩn nha giải thích - Và tôi kết luận : anh là một người cộng sản.
Một kết luận kỳ cục, tôi nghĩ.
- Vâng, một người cộng sản. - Marinết nói thêm - Như tôi.
Tôi nhìn Marinết, không nói được lời nào.
- Anh còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe điều tôi sẽ nói đây : tôi là đảng viên Ðảng cộng sản Trung Quốc.
Tôi còn sửng sốt hơi nữa.
- Anh ? Là đảng viên Ðảng cộng sản ... Trung Quốc ?
- Vâng.
- Cả Cố Thủ Chẩu ?
- Không, Cố Thủ Chẩu khác. - Marinết cười khe khẽ, lắc đầu - Anh ta là người của Khun Sa(1).
- Tôi lại càng không hiểu... - tôi nói.
- Người ta nói anh còn là nhà văn, phải vậy không ?
- Trước kia tôi có làm công việc viết lách.
Marinết pha tuần trà thứ hai.
- Hôm nay tôi muốn gặp anh chính là để kể cho anh về những cái tôi vừa nói, về cuộc đời tôi... Nếu anh muốn nghe ...
- Tất nhiên, tôi muốn nghe.
Marinết cười :
- Tôi biết mà, tôi không lầm khi chọn anh để nói về những bí mật của đời tôi. Mà cuộc đời tôi đáng được kể lại... Nó không giống những gì anh đã nghe đâu. Ðó là chuyện bịa. Gặp anh tôi mừng lắm. Không phải ai cũng may mắn được gặp một nhà văn ở trong tù.
Chao ôi, cuộc đời tôi mới kỳ cục làm sao ! Cứ như thể tôi sinh ra chỉ để làm một việc duy nhất là làm nhân chứng cho những sự kiện không bình thường. Mà những sự kiện không bình thường thì ở trong nhà tù vô số kể. Chẳng hạn như Marinết đây.
Mà anh cũng chẳng phải là người nước ngoài đầu tiên tôi gặp trong tù. Trước Marinết tôi đã gặp một người khác - một thanh niên Triều Tiên. Tôi gặp anh chàng họ Kim này tại Tân Lập, mùa thu năm 1971. Cũng là một dân số lẻ, cũng boọc. Lạ lắm. Mà cũng bi thảm lắm. Tôi sẽ kể về anh chàng này sau.
Marinết nói tiếng Việt còn kém, nhưng hiểu tốt. Anh sợ người ta tò mò về anh, thành thử anh chỉ chăm chú nghe mọi người nói rồi quay mặt vào vách mà lẩm bẩm những lời học được ban ngày, người không biết tưởng anh cầu nguyện Chúa. Gặp những từ anh chưa biết, hoặc quên mất, Marinết chêm tiếng Pháp, tiếng Anh vào. Cuộc đối thoại lúc đầu có trục trặc chút ít, nhưng chúng tôi mau chóng tìm được cách hiểu nhau.
Câu chuyện Marinết kể như sau :
Anh là người Trung Quốc tính theo quốc tịch. Nhưng về dòng máu, Marinết là người Hà Lan. Cha của Marinết, một bác sĩ, là con một gia đình trí thức nghèo ở Amsterdam. Ông học nghề thày thuốc theo truyền thống gia đình - cụ nội Marinết làm nghề cứu nhân độ thế, ông nội Marinết nối nghiệp. Có một con trai, cụ cho vào trường y. Ngay sau khi ra trường, cha của Marinết đã xin đi thực tập tại Trung Quốc. Sở dĩ ông chọn nước này vì ở đây có điều kiện tốt cho một bác sĩ trẻ trưởng thành, có thể mau chóng trở thành bác sĩ lành nghề. Trung Quốc vào đầu thế kỷ là một nước lạc hậu, nghèo nàn, luôn có dịch bệnh. Người thày thuốc được điều trị nhiều thì chóng giỏi. Hơn nữa, lương trả cho bác sĩ thực tập ở một bệnh viện Hà Lan tại Thượng Hải, nơi ông phải tới, cũng cao hơn ở các nước khác. Mẹ Marinết người Trung Quốc chính gốc, cũng sinh viên ngành y. Là một thanh niên đầy nhiệt huyết cách mạng, bà lôi kéo người bạn Hà Lan vào những hoạt động của lớp thanh niên thiên tả thuộc thế hệ bà. Họ yêu nhau, rồi cả hai cùng gia nhập Ðảng cộng sản. Khi lực lượng cách mạng rời các thành phố duyên hải chuyển vào sâu nội địa, tiếp đến cuộc Vạn lý Trường Chinh lên phía Bắc, đôi vợ chồng trẻ với đứa con năm tuổi đã cùng Mao Trạch-đông, Bành Ðức Hoài, Chu Ðức vượt qua những gian khổ không kể xiết lên tới tận căn cứ địa Diên An.
Marinết lớn lên trong lòng cuộc cách mạng Trung Quốc. Mẹ anh qua đời vì một cơn bạo bệnh thiếu thuốc chữa. Cha anh suy sụp hẳn sau cái chết của bà. Ông làm việc như một cái xác không hồn. Sau này, lớn lên, Marinết mới biết ông không bao giờ tha thứ cho Ðảng của ông về cái chết của vợ ông. Dường như thuốc để chữa cho mẹ anh lúc bấy giờ có, nhưng nó đã được dùng một cách vô ích cho một trường hợp khác, chỉ vì Mao Trạch-đông muốn biểu diễn sự quan tâm của ông ta tới một đối thủ chính trị.
Marinết trở thành chiến sĩ Hồng quân rất sớm, anh vào Ðảng cộng sản Trung Quốc ngay từ khi 17 tuổi. Trung Hoa lục địa hoàn toàn giải phóng, anh được cử đi học một lớp huấn luyện công an và chuyển hẳn sang ngành này. Học xong anh được điều về Quảng Châu, địa đầu của nhiều ngả thông thương giữa Trung Quốc và nước ngoài, phụ trách công tác phản gián. Chính ở đây Marinết gặp Cố Thủ Chẩu.
- Anh ta người Quảng Châu ?
- Không phải. Chính anh ta cũng chẳng biết mình quê ở đâu. Họ Cố là một tay mất gốc. Trông lù đù thế mà, anh biết không, Cố Thủ Chẩu đã lê gót khắp thế giới rồi đấy. Anh ta đã ở trong những khách sạn sang nhất của Washington, New York, Paris...
- Cố Thủ Chẩu làm nghề gì ?
- Cố Thủ Chẩu không có nghề. Anh ta là một trong những boss(2) của Tam Giác Vàng, vựa thuốc phiện của thế giới...
- Anh quen Cố Thủ Chẩu ở Quảng Châu ?
Marinết chưa kịp trả lời thì Cố Thủ Chẩu trở về. Anh ta cười hể hả, lồm cồm leo lên nhậm xà(3) cùng chúng tôi.
Cố Thủ Chẩu được coi là một người tù cải tạo tốt nhờ tính tình hiền lành và đức cần mẫn. Ðã hơn một năm nay anh được Ban Giám thị cho tự giác, trông nom trạm thủy điện. Công việc này nhàn lắm. Trạm thủy điện nhỏ dùng dòng chảy chạy suốt ngày đêm. Người trông trạm chỉ phải đóng mở mấy cái cầu dao cho dòng điện lúc thì chạy máy bơm nước, lúc thì thắp sáng. Trong những ngày nước lũ thì vất vả hơn một chút, phải thức khuya dậy sớm trông nom cái tua-bin và máy phát điện, không để chúng bị trôi đi.
- Tang lói chuện dề ? - Cố Thủ Chẩu khề khà hỏi. Anh đặt lên chiếu trước mặt chúng tôi một gói trà tự biên tự diễn, có tới ba lạng. - Hôm lay ngộ hên lắm, vớt lờ ngoài suối tược cả kí lô cá, mới sang pên lâm sản tổi xà (đổi trà) ngon về cho các pạn...
- Ðang hỏi chuyện hai anh quen nhau thế nào ? - tôi nói.
- Quen quen cấy chi ! - Cố Thủ Chẩu ngửa mặt cười hắc hắc - Malêlết ló pắt ngộ chớ. Chính cấy thằng lày lày. Pỏ tù a. Hổi cung a. Tủ cả. Malêlết pắn chếch ngộ lồi lếu ngộ không có cấy hộ chếu Mỹ, phảy thế khôông ?
- Bậy nào. Bắn là bắn làm sao !
- Thì pắn pằng cấy tạn (cái đạn) tùng tùng chớ pằng cấy chi. Trung Cộng cố tạn nhều nhều. Người cũng nhều nhều. Pắn không cố tếc.
Marinết ở Quảng Châu được ít lâu thì xảy ra tam phản hay ngũ phản chi chi đó, anh kể nhưng tôi không nhớ. Trong những cuộc phản thường trực như vậy cán bộ cách mạng đều lần lượt bị dính, hết người này tới người khác đi tù, đi học "trường thất ngũ", một thứ trại cải tạo. Marinết gặp may - anh không hề hấn gì. Ðùng một cái, các bạn đồng đội từ thời Diên An đang đêm bí mật đến lôi anh khỏi nhà, bỏ anh lên một chiếc thuyền nhỏ, dùng ca nô hải quân kéo ra hải phận quốc tế. "Ðồng chí thấy có tàu thuyền treo cờ nước ngoài thì vẫy họ xin cứu, họ dặn anh. Còn hơn chết trong trại tập trung, mà đồng chí thì chắc chắn bị bắt nếu chúng tôi không đến kịp. Thôi, vĩnh biệt Marinết !"
Lênh đênh trên biển hai tuần liền, Marinết không gọi được một chiếc tàu nước ngoài nào. Anh có nhìn thấy chúng trên đường chân trời, nhưng con thuyền nhỏ bé của anh chỉ là một chấm đen trên mặt biển mênh mông, người ta đã không thấy anh. Nắng như đổ lửa trên đại dương vô vọng. Nhờ những đồng đội thông minh, anh đã không chết khát sau khi lượng nước ngọt dự trữ cạn - trong đám lương khô anh tìm thấy cả một bao tải khoai lang, thứ khoai ngoài tinh bột còn chứa rất nhiều nước trong củ.
Thế rồi bão nổi, tung lên dìm xuống con thuyền của anh. Nó tơi tả bay lượn trên những ngọn sóng như một cọng rơm. Marinết tỉnh dậy khi chân anh đụng thềm cát của đất liền. Trong cơn u mê anh vẫn còn đủ tỉnh trí để trút bỏ bộ quần áo. Không thể để cho người ta biết anh từ đâu tới trước khi anh biết những người cứu anh là ai. Những người du kích Việt Nam tìm thấy Marinết trong trạng thái bất tỉnh trên bờ biển. Họ đưa anh về trụ sở ủy ban xã. Marinết nhận ra chân dung ông Hồ Chí Minh, anh hiểu anh đang ở đâu. Biết chắc nếu khai thật anh sẽ bị chính quyền Việt Nam trả cho Trung Quốc, anh trút nốt cái quần lót trong nhà vệ sinh khi xin đi đại tiện. Nó là vật chứng duy nhất tố cáo anh là người Trung Quốc. Sau đó anh sáng tác ra chuyện anh đầu độc bố vợ và bị Chúa phạt.
Anh không ngờ lại gặp Cố Thủ Chẩu trong nhà tù Việt Nam.
- Tôi ngẩn người, không nói được câu nào khi thấy Cố Thủ Chẩu trước cổng trại, đang chăn mấy con trâu.
- Ngộ cũng thế. Ngộ há cấy mồm.
Cố Thủ Chẩu kể anh đi ăn cưới em gái một người anh em kết nghĩa ở Thượng Lào. Không thể nào từ chối người anh em thân thiết cho được. Họ uống say bí tỉ. Tỉnh dậy Cố Thủ Chẩu thấy mình bị trói gô. Người anh em kết nghĩa bị bắt về tội làm thổ phỉ. Không biết Cố Thủ Chẩu là ai, người ta buộc anh là thổ phỉ nốt. Cho tiện. Sau đó là các nhà tù Lào, rồi nhà tù Việt Nam.
- Tôi dặn Cố Thủ Chẩu chớ nói với công an Việt Nam tôi là ai.
- Ngộ cũng pảo ló thế. - Cố Thủ Chẩu nói - Công an Vệt Lam ló pết mềnh ở Tam Dác Vàng thì lôi thôi lắm, rách vệệc lắm.
Tôi hỏi Marinết :
- Công an Việt Nam hoàn toàn không biết tí gì về anh ?
- Không. Nếu họ biết tôi đã không còn ngồi đây nói chuyện với anh.
- Và anh dám tin tôi ?
Marinết nhún vai.
- Tại sao lại không tin ?
- Cảm ơn anh đã tin.
- Tôi phải cảm ơn Chúa đã cho tôi được gặp anh để mà tin.
Marinết ngước mắt nhìn lên cái thập giá và tôi hiểu : người cộng sản Marinết bây giờ tin thật có Chúa Trời.
- Vì sao anh muốn kể cho tôi nghe cuộc đời anh ?
Trên mặt Marinết thoảng qua một nụ cười cay đắng.
- Bởi vì tôi biết tôi không còn sống lâu nữa. Anh là nhà văn, tôi kể cho anh nghe cuộc đời tôi để một lúc nào đó anh kể lại cho người khác.
- Anh nghĩ rằng tôi còn cơ hội để kể lại ?
Tới năm thứ tám của đời tù tôi gần như không tin mình sẽ còn sống cho tới ngày trở về. Thời hạn ba năm cho một lệnh tập trung cải tạo là thời hạn hình thức, nó chẳng được ai tính đến, trừ thói quen của guồng máy quan liêu, đến ngày thì cho đánh máy thêm một lệnh mới, kéo dài thêm cái lệnh cũ. Tôi là tên tù xử lý nội bộ, tức là số phận tôi do Ðảng quyết định, nếu tin vào lời người đứng đầu Ban bảo vệ Ðảng. Mặt khác tôi lại là tên tù tập trung cải tạo, tức là tên tù-không-phải-tù có hạn ba năm một, nếu tin lời phổ biến của tên đại úy công an.
- Tại sao lại không tin ? - Marinết phản bác - Anh còn trẻ mà.
- Chúng ta đều còn trẻ. Có điều chúng ta đang già đi ở đây...
- Nhưng anh sẽ còn sống.
- Anh cũng vậy.
- Không, tôi sẽ không còn sống đến ngày ra khỏi đây đâu, tôi biết. Anh xem này.
Marinết lê ra gần cửa sổ, húng hắng ho rồi khạc vào một tờ giấy. Anh vẫy tôi lại gần. Trên tờ giấy, lẫn trong đờm là những tia máu kéo dài. Anh gập tờ giấy vứt ra ngoài cửa sổ.
- Anh bị lao ?
- Rõ ràng là thế.
- Cần phải chữa.
Nghe tôi nói Cố Thủ Chẩu kêu lên bằng một thổ ngữ Trung Quốc lạ tai, nhưng tôi hiểu - anh ta chửi thề. Marinết lườm bạn :
- Này, đừng nói bậy nhá !
- Chỡ, chỡ cấy...tỉu na má(4) ! Khám lồi, khám nhều nhều lồi, thằng ê sĩ cho mấy vên thốc ho lồi pảo ti về, ti về.
Marinết cười hiền lành :
- Nhà tù chứ có phải an dưỡng đường đâu. Nơi này là nơi để chết chớ không phải nơi để sống...
Anh chàng Triều Tiên họ Kim mà tôi nhắc tới ở trên chắc đã chết. Tôi vẫn quan tâm tới anh ta, nhưng không nghe ai nói tới một người Triều Tiên ở trại nào nữa, mặc dầu ở Phong Quang có đủ mặt tù từ các trại khác tới.
Kim đến Tân Lập trong một chuyến tù từ Hà Nội. Những người tù mới chỉ trỏ anh ta cho chúng tôi thấy, khoe với chúng tôi của lạ trong đám họ. Anh chàng Triều Tiên đứng ngẩn ngơ một mình, không biết nói chuyện với ai. Tôi nỉ hảo(5) với anh ta bằng tiếng Trung Quốc rồi hỏi có phải anh ta là người Triều Tiên không ?
- Hẩn tuây(6) !
Nhưng vốn liếng tiếng Trung Quốc của tôi chỉ có thế. May, Kim biết tiếng Nga. Tôi hỏi vì sao anh bị bắt.
- Tôi không hiểu. - Kim nói, mặt ngây độn - Tôi không hiểu gì cả. Tại sao người ta lại bắt tôi ? Tôi là sinh viên Triều Tiên học ở Bắc Kinh. Tôi yêu Việt Nam. Tôi tình nguyện đi kháng Mỹ viện Việt, chẳng ai nhận tôi cả. Tôi mới đáp tàu hỏa xuống phía Nam, ở đó chắc chắn có đường qua Việt Nam. Tới Ping Seng, tôi thấy hàng dãy xe tải chở những ống lớn chờ qua biên giới. Mới chui vào một ống, quả nhiên sang được. Ðó là những ống dẫn dầu viện trợ cho Việt Nam. Ðến Bắc Giang, tôi chui ra. Tôi đi tìm chính quyền Việt Nam xin chiến đấu chống Mỹ thì bị bắt...
- Người ta không tin ?
- Họ chẳng nói gì hết. Cho ăn uống. Bảo sẽ kiểm tra việc này. Họ hỏi sứ quán nước tôi tại Hà Nội...
- Sứ quán trả lời ra sao ?
- Qua lời anh phiên dịch thì hình như sứ quán nói : ở Triều Tiên không có những công dân vô kỷ luật, tùy các đồng chí Việt Nam xử lý. Tôi bị tù.
- Anh phản đối chứ ?
- Tôi phản đối. Họ bảo : hãy yên tâm, cứ ở tạm đây đã để người ta còn điều tra thêm.
Kim thở dài.
Không hiểu sao lúc ấy trong tôi lại nảy ra một ý nghĩ đùa cợt, bây giờ nghĩ lại thấy thật là ác.
- Anh Kim à, - tôi nói - tôi nghĩ anh bị tình nghi về một tội khác... Mà người ta không nói ra với anh.
- Tội gì ? Tôi đã khai thực với họ : tôi chỉ muốn tham gia chống Mỹ cùng với nhân dân Việt Nam.
Tôi làm bộ suy nghĩ một lát.
- Có thể, người ta nghi anh là gián điệp.
- Bôgiê môi(7) ! Tại sao người ta có thể nghĩ bậy thế được ! Tôi mà làm gián điệp cho Mỹ sao ?
- Chắc anh biết một trong những thế mạnh của nền xuất khẩu Triều Tiên là nhân sâm, jinseng...
- Ðúng !
- Việt Nam cũng có một thứ jinseng. Chỉ có nó mới cạnh tranh được với jinseng Triều Tiên, và nhà nước Việt Nam rất bảo vệ bí mật ginseng của mình...
- Chà !
- Có phải jinseng Triều Tiên to chừng này không ? - tôi chìa ngón tay cái - ớt có củ to hơn.
- Phải. Một củ và hai hoặc ba chẽ.
- Anh chờ một lát sẽ thấy jinseng Việt Nam lớn đến thế nào !
Khi những đội nông nghiệp kìn kìn gánh sắn thu hoạch về cho nhà bếp thì Kim trợn tròn mắt, kêu lên mấy thán từ bằng tiếng Triều Tiên mà tôi không hiểu.
Tối hôm đó, tôi tưởng anh chàng Triều Tiên sau khi đã được đứng lẫn với tù Việt Nam thì sẽ được đưa vào một toán số lẻ nào đó, nhưng không phải. Anh ta bị biệt giam trong một xà lim kỷ luật. Ban đêm tôi nghe tiếng Kim đập phá, la hét cho tới tận sáng. Mấy ngày kế tiếp cũng vậy. Rồi khu biệt giam im lặng hoàn toàn - anh ta đã được đưa đi nơi khác, hoặc còn sống hoặc đã chết.
Marinết nói :
- Anh hứa sẽ viết về cuộc đời tôi chứ ?
- Nếu tôi còn sống.
Marinết đưa tay ra, buộc tôi phải ký kết giao ước vừa thỏa thuận với nhau bằng cái bắt tay chặt.
- Chủ nghĩa lãng mạn giết chết con người chẳng kém gì dịch hạch. - Marinết trầm ngâm - Anh thử nghĩ mà xem : có biết bao nhiêu người đã thành tâm đi theo chủ nghĩa cộng sản và trở thành nạn nhân của nó ?
Tôi nghĩ tới Kim. Trường hợp của Marinết, của tôi, còn phải lý giải dài dài, nhưng trường hợp của Kim thật rõ ràng.
Chủ nghĩa lãng mạn không phải chỉ có mặt trong những bi kịch có dính líu tới chủ nghĩa cộng sản. Một tù nhân chính trị mà tôi gặp ở Phong Quang còn làm cho tôi sửng sốt hơn bởi lòng yêu nước kỳ lạ trong anh ta. Là một thanh niên nông dân, trình độ học vấn chỉ khoảng lớp bốn lớp năm, Phong rơi vào tù (cũng không có án xử) do những bức thư gửi cho Trung ương Ðảng, trong đó anh ta lên án các bậc chèo lái quốc gia mời quân Trung Quốc vào Việt Nam là "cõng rắn cắn gà nhà". Ðể bàn về chuyện đúng sai trong việc này còn phải mất nhiều giấy mực, nhưng điều không phải bàn là lòng yêu nước trong anh ta.
Phong không có chân trong bất kỳ đảng phái "phản động" nào, cũng không giáo điều hoặc xét lại - anh ta chỉ có trần trụi một lòng yêu nước chẳng cần biết đến đúng sai.
Lòng yêu nước này có thể gọi là cực đoan hay mù quáng là tùy ở mỗi người, nhưng nó gợi lên trong tôi sự kính trọng. Mà không phải chỉ trong tôi.
Một hôm trung úy Bưởi mời tôi tới phòng giáo dục rồi đưa cho tôi một tập hồ sơ.
- Anh đọc đi.
Ðó là những bức thư Phong gửi Trung ương Ðảng. Không phải những bức thư đã đưa anh ta vào tù, mà những bức thư kế tiếp, vừa mới viết, những bức thư nằm trong tiêu chuẩn hiếm hoi mà người tù được phép gửi ra ngoài. "Tôi kêu gọi các người hãy tỉnh lại, đừng mơ hồ với mưu toan bành trướng của Trung Quốc. - một bức thư viết - Tham vọng mở mang bờ cõi của họ tổ tiên ta đã biết từ lâu. Nếu con cháu không nghe lời để chúng xâm lấn đất đai tổ tiên một lần nữa thì tội ấy ngàn đời không rửa sạch..." Trong một bức thư khác Phong dọa Trung ương Ðảng rằng lịch sử sẽ không tha thứ cho họ, nếu như họ ngoan cố kết liên với kẻ thù truyền kiếp để mang họa cho đất nước.
- Anh này thậm chí nhịn đói chứ không ăn cơm nấu bằng gạo Trung Quốc viện trợ.
- Tôi cũng có nghe chuyện này. Những ngày trại ăn gạo Trung Quốc anh ta ăn sắn mót trên nương.
Bưởi lắc đầu buồn bã.
- Anh muốn nghe ý kiến gì ở tôi ? - tôi hỏi Bưởi.
- Tôi muốn hỏi anh : nếu ở địa vị tôi anh sẽ xử trí với những bức thư này như thế nào ?
- Tôi có thể không đồng ý cách nhìn bất biến của anh ta với Trung Quốc cũng như với bất cứ kẻ thù cũ nào. - tôi nói chậm, tìm những lời lẽ không thể bắt bẻ được - Lịch sử là lịch sử. Nếu dân tộc Chàm nhìn người Kinh hiện nay như kẻ thù thì sẽ ra sao(8) ? Tôi không nói anh ta sai trong cách nhìn nhận cụ thể đối với Trung Quốc hiện tại. Hình như cách nhìn Trung Quốc của Ðảng năm nay, 1974, cũng đã thay đổi so với năm 1964...
Trung thành với nghề nghiệp, Bưởi nín lặng. Qua báo Nhân dân là tờ báo duy nhất tù được đọc, tôi nhận thấy giọng tờ báo không còn nồng nàn đối với Trung Quốc như hồi ban lãnh đạo Ðảng còn hào hứng thấy "trung tâm cách mạng đã chuyển về phương Ðông".
- Ðiều rõ ràng là những bức thư này được viết ra dưới sự thôi thúc của lòng yêu nước, - tôi kết luận - còn yêu theo cách nào là chuyện khác, tôi không bàn đến.
- Nếu những bức thư này được đính thêm vào hồ sơ anh ta, chắc chắn anh ta sẽ còn ở tù còn lâu... - Bưởi nói - Theo anh, ta nên làm gì với những bức thư này ?
- Tôi nghĩ chúng chẳng có ích gì, tức là tôi muốn nói, chẳng thay đổi được gì trong đường lối của Ðảng nếu nó được gửi tới đúng địa chỉ...
- Chính vì vậy mà tôi đã không gửi.
- Anh nên đốt đi. - tôi khuyên Bưởi - Ðó có lẽ là cách tốt nhất, nếu ta còn biết kính trọng lòng yêu nước của một con người.
Bưởi đưa cho tôi cái bật lửa.
- Anh đốt hộ tôi.
Tôi ra đầu hồi châm lửa vào mấy bức thư. Chúng cháy cong queo, tàn bay lả tả trong gió. Tôi hiểu vì sao Bưởi không tự tay đốt những bức thư. Chẳng phải Bưởi sợ cái gì. Chẳng qua anh ta muốn tôi thấy anh ta tin tôi tới mức nào.
Marinết mỗi ngày một yếu. Tôi không có cách nào cứu anh. Tôi viết một bức thư về cho vợ tôi, bảo vợ tôi tới bác sĩ Phan nhờ anh kiếm thuốc chữa lao gửi lên cho tôi. Tôi hơi ngần ngại khi viết bức thư này, sợ vợ tôi tưởng tôi bị lao. Nhưng bức thư không có hồi âm. Người đi tiếp tế mà Cố Thủ Chẩu nhờ chuyển thư đã không chuyển.
Marinết bảo tôi :
- Ðừng lo lắng cho tôi, đồng chí ! Tôi đã cố gắng vật lộn với cái bệnh khốn kiếp này, nhưng xem ra không ăn thua. Tôi đã nuốt cả những con thạch thùng sống theo lời khuyên của những người tù già, họ nói đó là bài thuốc dân gian cổ truyền. Tôi đã ăn những con giun, nghe nói chúng làm tăng sức đề kháng. Có người còn bảo tôi nướng những con gì giống con cóc nhưng bụng rất to mà da nhẵn thín, tôi ăn và nôn mửa gần chết ... Tất cả đều vô ích. Tốt nhất là thỉnh thoảng chúng ta kiếm cách gặp nhau để tôi có thể kể thêm cho đồng chí về cuộc đời tôi và về số phận những người cộng sản Trung Quốc. Biết đâu đấy, đồng chí lại chẳng cho người đọc biết thêm một chút gì bên trong bức màn sắt của Trung Quốc bao la đầy bi kịch ...
Tôi đã không viết gì hết sau khi ra khỏi nhà tù. Tôi sợ. Và tôi không thích sự nửa vời. Nếu tôi viết tôi phải viết tất cả những gì tôi nghĩ. Những người Trung Quốc dũng cảm đã làm việc đó hơn người Việt Nam. Thế giới được biết những việc xảy ra ở Trung Quốc nhiều hơn những gì xảy ra ở Việt Nam. Việt Nam, xét cho cùng, là một quốc gia nhỏ bé. Người ta không biết đến cũng phải.
Tôi cũng đã không viết về cuộc đời của ông già Bát(9). Ông ở cùng đội với tôi, nhưng giống như những người tù số lẻ khác, ông lầm lì và không thích nói tới nguyên nhân dẫn ông vào tù. Cái sự vào tù một cách dớ dẩn, chẳng ra đâu vào đâu, tưởng chừng chỉ riêng kẻ bắt người bỏ tù oan phải xấu hổ, hóa ra nó còn làm cho cả người bị tù oan cũng cảm thấy ngượng ngùng mới lạ. Cứ như thể họ không xứng đáng với danh hiệu tù chính trị bị khoác cho một cách bất đắc dĩ, như thể họ là kẻ nhận vơ, mà nhận vơ cái không phải của mình là sự rất đáng chê cười.
Tôi thường chọn một góc vắng ngồi đan tranh cùng ông trong thời kỳ trại sơ tán vào rừng để tránh máy bay Mỹ. Ngồi với ông thú vị ở chỗ mình có thể tha hồ suy nghĩ mà không bị cản trở - ông lão cậy miệng cũng chẳng nói một câu. Tán lá rừng xòe ra, đan kết với nhau, làm thành một tấm che khổng lồ, chỉ ở phía dưới là thoáng đãng, lác đác từng nhóm tù ngồi cặm cụi đan lát. Một anh lính canh ôm súng nhìn bao quát tất cả, canh chừng. Những người tù số lẻ hiền lành, chẳng bao giờ trốn, đôi khi anh lính tự cho phép mình gà gật một lát hoặc cặm cụi viết thư về nhà. Cái đời lính đóng trên vùng sơn cước chẳng khác đời tù là mấy. Cũng sáng dậy đi làm, tối về chui vào màn, không vợ con, không bếp lửa gia đình.
Một hôm, ông Bát đang làm, bỗng nổi khùng, vứt toẹt con dao xuống đất, ngồi thừ ra, không thèm đan nữa. Rồi hai hàng nước mắt lã chã, ông vật vã ngiêng ngả như lên đồng, miệng lẩm bẩm xuýt xoa những tiếng vừa run rẩy vừa luống cuống, nghe não lòng lắm, như trong một cơn đau vật vã. Tôi cuống lên, chồm tới bên ông :
- Bác làm sao thế ?
Ông không trả lời mà chỉ rền rĩ :
- Ốii giời cao đất dày ôi ! Tôi đau quá, đau quá, ông ơi ! Sao cái số kiếp tôi khổ thế này hả trời ?!
Tôi hiểu. Ông không lên cơn đau bệnh, mà lên cơn đau lòng. Tôi đã vài lần chứng kiến cảnh tượng tương tự. Những người tù đang yên lành bỗng nổi cơn điên khùng, chửi bới, đập phá lung tung. Công an sầm sập chạy vào, trói tay trói chân, nhét giẻ vào miệng, sai trật tự(10) khiêng đi. Sau mấy ngày nằm xà lim kỷ luật họ trở ra, mặt mũi phờ phạc, cái nhìn vô cảm, bước chân đờ đẫn, đi mà như không đi.
Anh lính canh khoác súng lên vai đủng đỉnh bước lại :
- Ê, hai anh kia, mần đi chớ !
- Bác ấy bị trúng gió. - tôi nói.
Anh lính nheo mắt nhìn ông già vật vã trên đống tranh, nói nhẹ nhàng :
- Rứa nghỉ đi chút. Tôi có hộp dầu xoa đây.
Anh lục túi, đưa cho tôi hộp dầu cao.
Tôi đỡ lấy, cảm ơn anh lính tốt bụng. Không phải anh lính canh nào cũng được như anh. Nhưng có thứ dầu nào xoa dịu được nỗi đau trong lòng ông bạn già của tôi lúc này. Tôi ôm lấy ông Bát trong vòng tay, đung đưa ông như ru đứa trẻ. Ông nhẹ bỗng, không thể tưởng tượng nổi ông già có thể nhẹ như thế. Trông bề ngoài ông cũng không đến nỗi nào. Có lẽ những tấm áo bông mặc đắp lên nhau làm cho tôi có cảm giác ông to hơn, nặng hơn.
Ông choàng tay ôm lấy tôi :
- Ðời tôi khổ lắm, ông ơi !
- Chúng mình ở đây có ai sướng đâu !
- Nhưng tôi khổ hơn cả. Người ta còn có tội, chứ tôi thì tội tình gì đâu !
- Cũng nhiều người không có tội đấy.
- Ông nghe tôi nói này. - ông thì thào - Ông chớ có tin chúng nó. Ðám số lẻ này toàn chống chế độ cả đấy ! Chúng nó phản động cả đấy. Không oan đâu. Tôi ở tù lâu, tôi biết. ông thì không, ông cũng như tôi...
Tôi cười buồn :
- Tôi cũng chống chế độ đấy chứ. Người ta bảo thế.
- Người ta nói mặc người ta ! Mình biết mình - không là không !
- Bác làm sao bị bắt ?
Ông già nấc lên từng chặp.
- Tôi theo cách mạng cướp chính quyền, cũng đã làm thôn đội rồi xã đội một hồi kháng chiến chống Pháp... Tôi theo cụ Hồ, sao, ông không tin hở ?
- Tôi tin chứ.
- Sau, hòa bình lập lại rồi, tôi nghỉ. Mọi sự khốn khó bắt đầu từ đấy.
- Người ta bảo bác bất mãn ?
- Không. Nhưng ở chế độ ta không làm cán bộ nữa là hết, thì người ta không tin mình nữa, không còn coi trọng mình nữa. Mà làm dân thì, ối giời ơi, khổ lắm, khổ đủ đường, ông chắc cũng biết, có cần kể cho ông nghe không ?
- Không cần.
- Cho nên các cháu nhà tôi đều nhao đi làm cán bộ. Thằng cả chưa đủ tuổi xung phong đi bộ đội. Con bé sau nó xin làm chân văn thư cho ủy ban xã không được, xin làm công an xã. Rồi nó được cảm tình Ðảng(11)...
- Tiến bộ quá !
- Tiến bộ gì. Con bé nhà tôi năm nay hăm nhăm rồi. Vẫn chưa chồng. Khốn nạn, nó xinh, ông ạ. Mắt đen lay láy, mà nhanh lắm. Má lúm đồng tiền. Da cứ trắng hồng. Nó trông mẹ nó, như lột.
Ông nấc lên, kéo vạt áo lau mắt.
- Cô ấy làm sao ?
- Chẳng làm sao cả. - ông mếu máo - Thằng công an xã, chi ủy viên, cứ gọi nó đi hội ý hội báo, bồi dưỡng...Rồi con bé nhà tôi phễnh bụng ra.
- ...
- Tôi phẫn chí. Chưa ai biết cả, nhưng bà nhà tôi biết, tôi biết. Tôi uống rượu, say rồi, tôi chửi cha chúng nó, chửi cả lò nhà chúng nó ...
- Chết thật !
- Ðến khi làng phong phanh biết con tôi chửa hoang, thì tôi chửi cả cái Ðảng của chúng nó...
- Chậc chậc, khiếp quá ! Sao bác dại thế ?
- Không chửi để cho chúng nó muốn làm gì thì làm à ? Ðảng gì mà họp thì thọt, bồi dưỡng đảng viên mới gì mà cứ tối đến mới í ới gọi nhau đi bồi dưỡng, bồi dưỡng cái mả cha chúng bay à ?!
Rác tai quá, bí thư xã, chủ tịch xã cho con gái ông đi dự lớp huấn luyện, kỳ thực là đi phá thai. Ông biết, ông cấm con gái ông phá. Cái thai nó tội tình gì ? Nó cũng là một con người chứ. Nó chưa ra đời. Nó chưa làm hại ai. Nó không như cái quân chó dái chạy nhông, quân ăn cứt uống đái làm hại đồng bào. Không được phá thai, cứ đẻ ra tao nuôi, giết cái thai là bất nhân, là vô đạo, ông trói con và chân giường mà dạy. Nhưng con ông xấu hổ, không nghe ông, cứ đi phá thai. Ông uống rượu nhiều hơn nữa, chửi dữ hơn nữa.
Tóm lại, ông Bát chửi sướng miệng thì thôi. Còn những đứa bị ông chửi thì thù ông mục mả. Trưởng công an xã báo cáo công an huyện. Công an huyện lập hồ sơ. Cứ mỗi lần ông Bát chửi là một lần công an xã báo cáo, mỗi lần báo cáo được gửi lên là hồ sơ tên phản động Nguyễn Thái Bát lại dày thêm một chút. Cho tới ngày người ta bắt ông đi cải tạo về tội "tuyên truyền phản động, chống Ðảng, chống chế độ".
Tôi dửng dưng nghe ông kể. Những câu chuyện tương tự nghe nhiều rồi, đâm ra ngán.
- Tôi kể cho ông nghe để ông là nhà văn ông nhớ lấy, ông kể cho mọi người biết. Ðừng nói đến tên tôi là được rồi, kẻo tội cháu. Nó còn lấy chồng.
Ông Bát dặn tôi thế. Tôi ậm ừ :
- Nhà văn gì tôi ! Ở nước ta cứ viết dăm bài báo là người ta bốc nhau lên, gọi là nhà văn rồi.
- Thì ông đưa lên báo cũng được.
- Biết bao giờ tôi về ? Tôi cũng như bác thôi, cũng án cao su cả...
Ông thở dài :
- Ừ nhẩy !
- Mà giá có ra được, viết thế lại đi tù nữa, tôi ngán lắm rồi !
Ông không nói gì nữa.
Ông chết vào ngày Quốc Khánh, cái ông Bát đã đi cướp chính quyền năm bốn lăm. Ông đã ốm liệt trước đó gần một tháng, được trại cho đi nằm bệnh xá. Nằm được một ruần ông nằng nặc đòi về đội. Người ông phù thũng, trong ra như một con búp bê chứa đầy nước. Trại cũng không bắt ông đi làm lao động nữa, cho ông ở nhà. Hàng ngày ông ra đầu hè bắt rận.
Hai ngày trước khi chết ông không dậy, cứ nằm thiêm thiếp. Ông chỉ tỉnh lại khi nghe tiếng dao thớt ầm ĩ phía nhà bếp vọng lại. Ông mở mắt ra, vẫy tôi lại gần rồi thều thào bảo tôi :
- Ông xem giúp chúng nó chia có đều không ?
Tôi nể ông, giả vờ ra ngoài, chỗ tù đang xúm đông xúm đỏ chia thịt. Nhưng tôi chỉ đứng đó, chứ chẳng buồn nhìn. Tôi biết ông Bát chẳng còn sống được bao lâu. Không hiểu sao ông còn quan tâm tới suất thịt đến thế ? Mà có theo dõi hộ ông cũng vô ích. Tôi đã kể, tù số lẻ chia theo kiểu quay mặt đặt tên, nói chung là công bằng, hơn kém nhau không đáng kể. Vả lại, cảnh tượng những con người đói khổ hau háu theo dõi những miếng thịt tí xíu được đặt vào những cái bát sứt sẹo trông thảm lắm, tôi không muốn nhìn.
Cuộc chia thịt đã xong, ông bạn nằm cạnh ông Bát mang cái tô tráng men có ba miếng thịt to bằng ba quân cờ với bát canh sắn - khẩu phần của ông Bát - đến bên ông. Ông Bát đang khò khè, ngửi thấy hơi thịt là tỉnh hẳn.
- Phần ông đây ! - ông bạn ông Bát nói - Dậy mà ăn đi. Ngon lắm !
- Tôi xem cho bác rồi. Chia đều. - tôi nói - Suất của bác có phần còn nhỉnh hơn các suất khác kia đấy. Bác cố dậy mà ăn kẻo nguội.
Ông gật đầu, hoặc tôi nghĩ rằng ông gật đầu. Cố gắng một lát để ngồi lên, nhưng ngồi không được, ông ngã xuống. Cố thêm một lần nữa, ông nghển lên được, ngó vào bát thịt một cái rồi nói :
- Thịt rang à ? Tí nữa tôi ăn.
Ông nằm xuống và đi ngay, theo mọi người nhận xét. Tôi không có mặt lúc ông Bát đi.
Anh em tù ăn xong, vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không ai nói câu nào. Như thế gọi là viếng.
Suất cơm của ông để chỏng chơ. Mọi người bảo cứ để đó, khi chôn thì đặt nó lên mộ ông thay cho bát cơm quả trứng.
Xác ông được đưa xuống trạm xá chờ cán bộ trại mang hồ sơ xuống xác nhận chính là tên phản động Nguyễn Thái Bát đã chết chứ không phải tên nào khác.
Khi cửa các phòng giam đã khóa lại rồi, tôi cứ ngồi bên cửa sổ mà nhìn về phía trạm xá. Trời tối hẳn mới thấy nghe tiếng búa nện chan chát trên ván thiên - dấu chấm hết cho một kiếp người. Rồi quan tài được khiêng ra dưới ánh sáng của một bó đuốc. Ði lững thững sau quan tài là một anh công an mang AK.
Không thấy suất ăn tươi của ông đâu. Chắc hẳn ai đó tiếc của giời đã ăn rồi. Còn hai cái bát họ sẽ đánh bóng mạ kền rồi đem chác cho tù mới.
(1) Người dứng đầu các lực lượng vũ trang sản xuất và buôn bán ma túy ở Tam Giác Vàng.
(2) Ông chủ (tiếng Anh).
(3) Uống trà, thưởng trà (tiếng Trung Quốc miền Nam).
(4) Tiếng chửi bậy.
(5) Chào ! (tiếng Trung Quốc).
(6) Ðúng thế ! (tiếng Trung Quốc).
(7) Trời hỡi ! (tiếng Nga).
(8) Vương quốc Chàm (Champa) nằm ở vùng Trung-Nam Việt Nam hiện nay, là một bộ lạc đi biển cùng nguồn gốc với dòng Indonesia, đã cát cứ tại đây từ thời kỳ đồ đá. Thủ đô là Indrapura Khoảng năm 1470 nước Việt Nam đã chiếm hoàn toàn vương quốc này.
(9) Tên đã thay đổi vì lý do tế nhị.
(10) Thường một trại có vài trật tự, lấy trong tù số chẵn và cả trong tù số lẻ. Có trại không một người tù số lẻ nào chịu làm trật tự, chỉ có trật tự số chẵn.
(11) Nghĩa là được Ðảng chú ý tới để bồi dưỡng thành đảng viên.