watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Buồng Cau Trổ Ngược-Chương 24 - tác giả Xuân Vũ Xuân Vũ

Xuân Vũ

Chương 24

Tác giả: Xuân Vũ

Ông chủ trường gà vẫn với bộ áo dài đen nút ngọc thạch viền vàng bước ra giữa vòng bồ cất tiếng sang sảng:
- Chủ trường xin kính cẩn chào và vấn an quí vị. Xin cảm tạ tấm thạnh tình của quí vị đẽ dới gót ngọc tới đây. Qúi vị cũng biết đất này là nơi phát tích Đức Tả Quân là người hâm mộ trò chơi gà nòi trước chúng ta. Chúng ta noi dấu người xưa để cho trò chơi này không bị mai một và càng hưng thịnh hơn. Muốn vậy phải chơi cho đẹp. Muốn đẹp phải có kỷ cương, trước khi mở màn, tôi xin phép trình bày qua mấy điều qui trường.
Thứ nhất: Theo phép đá gà con nào bị đá chết tại chỗ thì kể thua. Con nào đang đá bỏ chạy hoặc không kêu mà bắt nhử lại ba lần không đá, cũng kể thua.
Thứ hai: Hai con bị cựa, đều nằm dưới đất, cho bắt ra sửa lại, đem vô nhử hể con nào mổ cắn được là thắng.. Nếu cả hai đều không mổ cắn thì huề.
Thứ ba: Nếu gà rót thì chủ kê phải xin nhang rót, bao giờ hết nhang rồi mới bắt đầu tính ăn thua.
Thứ tư: Trường hợp đọ gà chiều gần tối thì do thỏa thuận của hai chủ kê, đá đèn hay mai đá tiếp hoặc huề.
Ông Huyện nở một nụ cười đưa tay trỏ chữ công vạch bằng vôi trắng xuyên ngang lòng trường và nói:
- Mỗi sư kê ngồi ở một đầu chờ nghe lệnh “thả gả” khi đó mới được thả. Thả bằng cách ngay thẳng không được gian lận làm phù phép ám trợ cho gà mình. Khi đã thả thì “buông đuôi ăn trót” nghĩa là tính ăn thua ngay từ khi hai con gà nạp cái thứ nhất.
Ông Huyện tiếp:
- Còn “nước đá và nước nghỉ” làm bằng nhang. Hễ nhang nước cháy hết, sợi chỉ bị đứt đồng xu rơi xuống dĩa nghe cái “keng” thì hai bên bắt gà ra om. Khi đồng xu lại rơi nghe tiếng “keng” kế tiếp thì đó là hết nước nghỉ, bắt đầu đá trở lại. Cứ thế.
Ông Huyện công bố hết các điều qui trường, thì lại có người hỏi:
- Dạ Ở trường gà này có lệ thua vớt không ạ?
- Đó không qui định, nếu muốn thì trước hoặc trong khi đá hai bên chủ kê phải cùng nhau bàn bạc và quyết định, chủ trường không can thiệp. Độ gà thứ nhất bắt đầu. Gà Chuối Trắng của ông Chủ Kỷ ở Rạch Cầm đụng với con Điều Lau của ông Cai Kèn ở chợ Mỹ Tho. Con nào cũng cựa như gươm, phụng vĩ như tiên nữ. Tiền độ 2000 đồng.
Bên gà Chuối do ông sư kê già đầu bạc om nước. Vùng này đều cho ông biệt danh “Hoa Đà tái thế” trong một độ gà ông bị chém nằm ngay dơ cán cuốc giữa đường. Tưởng phải hốt bạc.. đồn vô túi người ta. Nhưng may, hết nhang đá. Ông bắt ra o bế, lúc trở lại gà của ông tuy kiệt sức cũng cố cắn đá và chỉ một phát chém chết đối thủ phục hận cho chủ. Sau khi lượm bạc, ông vừa bồng con gà ra khỏi vòng trường thì than ôi, nó đã hồn về chín xuối. Nó chết sau địch thủ không đầy một phút.
Kỳ này ông om nước cho gà ông Chủ kỷ, hàng xáo đá bên ông Cai Kèn thấy mà gờm. Nhưng ông Cai Kèn lại có bạn tri âm là ông Bếp Thọt, cả hai cùng đi lính Pháp thời Đại Chiến 14- 18 cùng về hưu và cùng chơi gà nòi. Ông Bếp Thọt bị ngựa đạp bên Tây nên có tật chân đi cà thọt. Ông cũng là một loại sư kê ác liệt. Ông sử dụng thuốc Tây để trị bịnh hoặc hồi sức cho gà chớ không theo lối âm lịch nhân sâm, thuốc Bắc, lá ổi, là muồng.. ..
Vô nước nạp, Chuối và Điều như cặp phụng bay múa làm hàng xáo la ó không ngớt. Đến nước nhì vẫn cầm đồng. Con Chuối bị vài vít trong nách, con Điều bị đá sứt hàm hạ cắn mổ không được, cứ đá tạt cầm chừng nhưng Chuối lại bị đuôi cả hai mắt. Tuy còn khỏe nhưng không thấy đường cứ đứng lớ ngớ chờ hứng đòn. Vết thương ở lường con Điều chảy nước ròng ròng còn con Chuối thì một cánh bị xệ. Thương tích hai bên đều nặng như nhau. Cũng may hết nhang đá. Hai ông sư kê bắt gà nhà ra làm phù phép.
Ông Hoa Đà treo mí mắt con Chuối lên nhưng mắt bị lọt tròng không tài nào thấy được?
Đem vô nhà “ráp hai gà lại, ngực cụn ngực, đầu giao đầu” để hai bên chọc tức nhau mà đá. Nhưng không con nào còn hăng cả. Hai ông bèn thả gà. Con Chuối Văn Tiên lớ ngớ bị con Điều sứt mỏ quăng một phát, hít hai cựa vô cần cổ. Con Chuối quẹo ngang như ghe đang căng buồm bỗng đứt lèo đứng xoay tròn như vụ. Con Điều đá tiếp mấy phát, con Chuối vác cái cần gục mà chạy lủi giấu đầu vào vách bồ.
Ông Hoa Đà phù phép bắt ra để nhử lại. Ông vừa om con gà lên vừa hút máu bầm đen trong cổ con Chuối, tay xoa, miệng hà và lại thả xuống, nhưng con Chuối vẫn đứng xoay tròn vì bị cựa đâm vào khớp xương giữa cổ. Ông Chủ Kỷ thương con gà bảo Hoa Đà bồng lên luôn và chịu thua. Ông om con Chuối trên tay rưng rưng nước mắt.
- Ba sẽ cho con dưỡng già tới chết.
Đến độ thứ hai Bạch Nhạn Bạc Liêu của Hội Đồng Cự đụng với Xám Bến Tre của Hội Đồng Hoài Thật là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài.
Con Nhạn Bạc Liêu là con gà ế độ vì vùng Hậu Giang đều chạy mặt, không ai dám cáp với nó. Do đó nó được đem lên vùng Tiền Giang nơi không ai biết. Xám Bến Tre của Hội Đồng Hoài là con gà nghề nhưng không có vảy lộ ra, cựa đinh nhỏ chột là loại cựa chém chết, còn tướng mạo thì thường thường không có gì đáng sợ. Bởi vậy khi Hội Đồng Hoài gật đầu chịu đá thì bên Nhạn Trắng phủ sổ tức khắc. Phe nhà bao luôn, không một tay hàng xáo lạ nào chen vô được. Ai cũng biết dân Bạc Liêu Rạch Giá chơi bời bạc kí bạc thước, dân Bến Tre Mỹ Tho sang trọng nhưng không tới cỡ đó. Ông Hội Đồng Hoài thấy sổ ghi mười lăm ngàn thì hơi run trong bụng. Nhưng chiến tướng đã cầm cương lên ngựa có lẽ nào lại bái mọp qui hàng? Ông bèn khều ông Huyện ra ngoài và năm phút sau trở vào phủ sổ không kêu gọi hàng xáo đóng góp một cắc. Ông Hội Đồng Bình mộ danh anh hùng Bến tre nên ngỏ ý muốn chia bớt một ngàn, nhưng ông Hội Đồng Hoài chỉ cảm ơn bằng nột nụ cười và cúi đầu.
Độ gà nghiêng ngửa, cả trường xôn xao. Tỏ nhang nước, ông Huyện kêu hai sư kê gà vào dỏng dạc hô: “Sửa soạn!” rồi ông giơ tay lên đánh xuống: “Thả gà!”
Ông hội Đồng Hoài vừa ra mé sông trở vô ngồi thì hai con Xám, Nhạn đang trong vòng nước nạp. Đồi gà bay múa như làm trò ảo huật trước hàng ngàn tia mắt chĩa thẳng vào mỗi cử động của chúng để hoan hô hoặc than thở.
Ai cũng nhận ra con Bạch Nhạn Bạc Liêu quí tướng vô cùng, chân trắng mỏ trắng lông như tuyết, màu trắng làm cho nổi bật làn da đỏ ở cổ và hai bắp thịt đùi. Riêng cặp cựa thì nhà nghề vừa liếc qua cũng đủ ớn xương sống: Đó là cặp song đao độc địa của một tay thiện chiến rõ ràng đã có cô hồn. Do đó mà ế độ Ở miệt Hậu Giang. Con Xám Bến Tre trông sút hơn vài phân. Qua nước nạp, Bạch Nhạn áp đảo Xám Bến Tre bằng nhiều đòn phủ đầu. Xám bị hai lần văng vô vách bồ phải dùng đuôi gượng đứng dậy. Sang nước thứ hai, Xám có vẻ ngán chạn nên rùn gối hạ sát cần xuống đất soi vảy con Bạch Nhạn chớ không chịu phóng đòn.
Hàng xáo lẫn chủ kê bên Bạch Nhạn chồm vào quơ tay tua tủa thách bên Xám. Bạc đi từ ăn tám đã hạ xuống ăn sáu những tay nhát gan (hoặc lanh lợi) bên Xám bắt đầu giằn bớt để lội qua bên Bạch Nhạn.
- Đâm yết hầu nó con! Đó đa!
- Khai vựa lúa nó con! Đó da! Há Há.. ..
- Chém ông Địa nó con! Ché.. ..ém!
Những tiếng thúc giục cười ré trợ lực cho Bạch Nhạn. Quả tình Bạch Nhạn quá hay. Nó nhảy cái nào cái nấy nhẹ như lông nhưng Xám đều rớt máu. Xám thỉnh thoảng mới lủi vào cánh Bạch Nhạn lò đầu lên cắn sỏ đá được một miếng vỉa tối. Bộ bạch giáp bạch bào của con Nhạn đã bắt đầu trở hồng nhưng chưa bị vết tử thương nào. Bất ngờ Bạch Nhạn đâm ngay Mã Kỵ của Xám. (Đó là ngay trên mô lưng chỗ người cưởi ngựa). Co lẽ trúng thấu phổi nên Xám bị máu trào lên bít họng kêu “khẹt khẹt” và mỗi lần lắc rảy cái đầu thì máu văng ra có đốm trên mặt trường. Xám lại bị đâm trái chanh xệ cánh, cổ họng kêu cà tọt cà tọt.
- Bồi thêm một dáo nữa con! – Ông hội Đồng Cự tra mắt kiếng chồm hẳn vào để nom cho rõ và khuyến khích thêm gà nhà.
Bất thần con Nhạn phóng thêm một đòn nữa, ông Hội Đồng Cự vổ đùi kêu:
- Chém gần Giao Long con Xám rồi.
Quả thật, sau nhát cựa mặt mũi con Xám đen xạm lại. Có cố kèo địch thủ để khỏi gục cần nhưng máu từ trong họng nhỏ ra có giọt. Bạc từ ăn sáu xuống ăn năm.
Đồng xu bất thần rới đánh keng cứu tinh con Xám.
Trong khi hai ông sư kê om gà, hàng xáo vẫn quăng. Không có ai bắt bạc của Bạch Nhạn chỉ có giằng bớt bên Xám. Nói chung hàng xáo rùng rùng “xăn quần” lội qua bên Nhạn để tìm đường sống.. Ông Hội Đồng Cự nhướng ông Hội Đồng Hoài nói giọng mỉa mai:
- Con Xám đổ mái tốt lắm! Huynh có muốn thua vớt, tôi cho liền!
Ông hội Đồng Hoài nảy giờ ngồi méo mật. Mười lăm ngàn đồng đuâu phải ít. Một mùa lúa ruộng bay vèo. Mồ hôi chảy dọc hai bên thái dương nhưng ông không lo sợ thiên hạ nhìn thấy cái cử chỉ có thể làm lộ tẩy bụng dạ mình.. Ông móc thuốc ra hút và lắc đầu đáp:
- Tôi thua thì thua nhưng nó đâu có chịu vớt anh Hội. Đem nó về nhà, chỉ cho đổ mái sợ nó phiền.
Ông Hội Đồng xem đồng hồ rồi quay bảo đam nha trảo:
- Đứa nào ra ghe lấy bình trà vô cho tao.
Tên nha trảo chạy đi rồi trở vào, ông hỏi:
- Nước còn đầy bình không?
- Dạ nước đã bắt đầu “giựt” rồi.
Qua câu trả lời đó ông Hội Đồng Hoài biết thời cơ đã tới.
Qua nước ba con Xàm còn bị áp đảo. Bên Nhạn vận phóng bạc tua tủa. Thấy con Xám khom sụp lại có lúc gượng dậy rảy nhiều ngón làm con Nhạn xiển niển, nên bạc vẫn mức ân năm nhưng hàng xáo bên Xám vẩn bỏ bồ nhà lội qua Nhạn đục mưa.
Ông Hội Đồng Hoài bảo đám nha trảo: Ai giằn ai quăng, hãy bắt hết cho tạ.ao!
Ông vừ nói dứt lời thì linh như miễu, con Xám phang một hèo đâm đùi con Nhạn. Nhạn trở thành Trương Nhứt Túc cà thọt một giò nhảy nhẹ xều và té lệt bệt, đứng không vững nữa.
Con Xám bồi liên tiếp, con Nhạn ngã lăn, gượng đứng dậy và bị đá ngã vì bị mất chân chịu
Bộ bạch giáp của con Nhạn trở thành hồng hào. Ở nước hai nó oai phong bao nhiêu thì ở nước này trông nó thê thảm bấy nhiêu.. Không ai hiểu tại sao con Xám trở lại kèo trên như vậy.
Ông Hội Đồng Hoài quèo ông Hội Đồng Cự, trả đủa:
- Con Bạch Nhạn còn đổ mái được lắm! Huynh có muốn thua vớt không?
Ông Hội Đồng Cự tức ói máu nhưng chỉ cười mát:
- Cờ còn nước mà huynh!
Sang nước tư con Nhạn bị một cựa ở nách non chắc cũng lũng tới phổi nên máu trào ra miệng như con Xám lúc nảy. Gà Linh ăn cựa nào trả cựa nấy. Đến nửa nước tư, Bạch Nhạn chạy và la áo áo vì bị tiếp một cựa vào hang cua. Ông Hội Đồng Hoài ngồi tĩnh khô chờ chủ trường tuyên bố Bạch Nhạn thua để lãnh ngành thầu.
Sang độ thứ ba gà của ông Hội Đồng Bình Sa Đéc đụng con Xanh của cậu Tư Francois, con của ông Hàm Sung.
Cậu Tư đi Tây học không biết đổ bằng gì, chỉ thấy mang về một cô đầm mướn phố lưu trú ở Mỹ Thọ. Rồi ít lâu sau cô ta biến mất. Cậu Tư cưới con gái ông Cai Tổng giàu sang nhất vùng. Dân đồn rằng một hôm nghe tên cướp đánh một nhà giàu gần đó, bà Tổng sợ đánh lây tới mình bèn hốt vàng vô một cái ô ăn trầu bưng chạy xuống ghe hầu để đi lánh nạn. Đến chừng tới nơi con gái mới hay bà má chỉ mặc áo dài quên mặc quần. Cậu Tư đã giàu lại như chuột sa hũ nếp nên không lo mần ăn chỉ đánh bạn với ả Phù Dung.
Cậu đã có bài nhất Á Phiện (Tây gọi là Regie d'Opium viết tắt RO) nên người đời đặt cho cậu Rư Ro (Ro có nghĩa như trên, vừa có nghĩa là hút nghe “ro ro”) thay vì gọi cậu Tư Francois.
Cậu Tư Ro đến trường gà với đủ đồ nghề và em út phục dịch. Cậu nằm mẹp trong buồng hú hí với ả Phù Dung. Khi cáp gà em út chạy ra chạy vô trình cho cậu rõ. Hễ cậu đồng ý thì mới ra xem lại lần chót để làm sổ, làm sổ xong cậu Tư Ro mới ""ngự" xem độ gà. Nhưng chốc chốc em út phải đưa ống nhựa vào cho cậu “ro ro” ba sợi. Cậu Tư tuyên bố phủ sổ năm ngàn đồng kỳ dư hàng xáo muốn đá bao nhiêu thì nhào vô.
Hội Đồng Bình thách bảy ngàn. Cậu Tư vừa rít vừa gật... Điệu nghệ đá gà không cần giấy tờ rườm rà. Một cái gật, một phát ngoéo tay là coi như “cựa chém cột” rồi. Ở trường gà có bịp, có bùa, có cả thuốc độc nhưng ăn thua rất đàng hoàng,, không chém chạy.
Hội Đồng Bình là tay không vừa. Ngoài kinh nghiệm lão luyện ông còn có gan đá những độ mà thầy gà đều lắc đầu, nhưng ông thắng, thế mới kỳ.
Hai Trình ôm gà vào. Đây là lần đầu tiên Hai Trình đến một trường lớn ngoài sức tưởng tượng. Nội cái nhìn thấy ông này ông nọ sang trọng quá lẽ Hai Trình cũng ngán chạn rồi. Tuy bồng con linh kê trên tay mà Hai Trình cũng run run, khớp.
Nhìn sắc mặt của Hai Trình, Ông Hội Đồng biết trong bụng. Ông vỗ khẽ bảo:
- Đừng có khớp, em!
Thầy Năm đứng bên cũng trấn tĩnh:
- Độ này mình ăn chắc.
Xưa nay thầy Năm nói ít sai. Chính thầy Năm đồng ý ngay khi ông Hội chịu làm sổ. Bây giờ đích thân ông làm cựa cho gà nhà. Ông rỉ tai Hai Trình:
- Tôi coi gà bển rồi. Nó có vảy khắc cựa. Chừng nước ba, nó sẽ gãy một cựa chú coi.
Gà thả vào trường, hai con nạp túi bụi như mưa bấc. Gà Hai Trình té hai ba cái, cánh xoài ra như võ sĩ bị đánh đo ván, giăng tay. Cậu Tư Ro gật gù và liếc ông Hội Đồng. Cậu đưa tay ra ý muốn quăng bạc với ông. Ông hỏi:
- Ăn mấy cậu Tư?
- Muốn mấy cũng được.
- Gà còn đang nghiêng ngữa.
Ông Hội nhìn da mặt gà mái ấp của cậu công tử đất Sầm Giang mà nghĩ thầm, vội gì, cậu Tư! Thằng oắc con này đâu mọc mặt ra đây, sao dám phách lối vậy? Nhưng ông Hội giữ bình tĩnh. Đó là một đức tính hàng đầu của hiệp sĩ gà, không nóng mặt hay bị cuốn vào những cuộc phiêu lưu.
Hàng xáo la ó tán thưởng con Xanh của cậu Tư bể trường. Con Xanh đá sỏ rất ác. Đòn nào của nó cũng làm cho đối thủ quay mòng mòng, thậm chí té nhủi, té ngửa và lần té nào cũng soải cánh, đứng dậy rất vất vả.
- Ăn năm, ăn sáu đấy!
Cả phe Xanh rào lên, tay chìa ra lởm chởm như bập lá, thách bắt. Vì con Xanh đá quỵ đối thủ không đứng dậy được. Cái đầu lại cụp xuống đất hình như không ngóc đầu lên nổi. Hai Trình la lớn:
- Đứng dậy con! Đấm vô chổ tử nó con!
Như nghe tiếng thầy gọi, con gà bật đứng dậy và đá luôn ba phát bất ngờ vào con Xanh làm nó bật lui mấy bước liền, nhưng nhờ cái đuôi của nó chống lại nên khỏi té ngửa.
Hàng xáo lại reo cười và tiếp tục quăng bạc từ phía xanh. Bên kia chỉ có vài cánh tay đưa ra bắt.
Độ gà kéo dài tới xế, vài người sốt ruột bỏ ra ngoài xước mía, cạp dưa hấu hoặc ném xu lẻ vào bàn bầu cua.
Càng ngày con Xanh càng lấn lướt. Gà Hai Trình càng té, nằm mẹp có lần vài phút đồng hồ... Mỗi lần om nước Hai Trình tìm vết độc nhưng vẫn không thấy. Vào cuối nước tư con Xanh nhảy chân không một phút nhẹ bỏng rồi một vật gì như nửa điếu thuốc bay văng nên không để ý, đến lúc sư kê của cậu đến trước mặt, than thở:
- Con Xanh của mình xuống cựa rồi cậu Tư ơi!
- Hả? –Cậu Tư buông bửu bối, trợn mắt.
Sư kê đưa cho cậu cái cựa con Xanh. Gãy tận gốc. Cậu Tư chờ cho hết nước, xin cho chắp cựa giả. Nhưng ông chủ trường xua tay:
- Qui trường không cho phép.
- Không phép thì tôi không đá nữa!
Ông chủ trường nghiêm nét mặt:
- Cậu nói vậy đâu được cậu Tư. Thân sinh của cậu có chơi gà chung với tôi cả chục năm, ông không hề nói như cậu. Ở đây còn có nhiếu bậc trưởng thượng chớ đâu phải mình cậu mà cậu nói ngang như cua vậy.
Cậu Tư xui rí không hó hé thêm tiếng nào.
Vô nước năm con Xanh vẫn đá mạnh còn đối phương thì càng nằm. Cậu Tư cười hắc hắc:
- Một cựa như độc kiếm, chém cũng chết chớ.. ..hớ hớ!
Gà Hai Trình bị một đòn và nằm mẹp luôn không dậy nữa. Cậu Tư đứng phắt lên giơ tay.
- Ăn một đây. Ai bắt một trên cặp trở lên thì bắt. Dưới một trăm thì de... ẹp!
Mọi người ngơ ngác. Ông Hội Đồng cười khảy:
- Tôi bắt cho cậu hai trăm cặp được không cậu Tư?
- Tôi tặng lại một bộ lư cho ông Hội về đường ... há há!
Thiên hạ hối hả tìm ngõ hẹp đường lầy mà lội qua cho bằng được bên gà cậu Tư. Không rõ trước mắt. Con Xanh cứ việc dẫn đòn. Nó cắn cánh, cắn lưng, cắn đuôi, cắn mòng, xách cổ đối thủ lên đá. Thậm chí leo cả lên lưng đối thủ làm cả trường cười ồ ồ:
- Gà đạp mái, gà trống đạp mái gà trống.
- Ông Hội Đồng bị cậu Tư đạp.
- Gà ông Hội rớt mồng rồi!
Như bị nhục mạ và nghe chủ bị chế giễu, con gà Hai Trình đang nằm xoải cánh bỗng đứng phắc dậy. Rẹc! một phát nhẹ hửng. Con Xanh bỗng ngã gục, mỏ cắm xuống đất rồi bật ngửa, hai cánh giăng ra, hai chân chòi lia, thân hình quay tròn như ghe gãy bánh lái giữa dòng nước xiết.
Con Xanh bị chém ngay chổ tử nghĩa là yết hầu. Đúng như lời sư kê gào “ra lệnh” lúc nảy. Nó là linh kê chăng?
Ông chủ trường tuyên bố ông Hội Đồng Bình thắng độ. Hai Trình nhảy tới bồng con gà áp mặt vào mình nó khóc hu hu:
- Con chết chắc ba cũng chết theo con ơi!
Trong lúc mọi người đang sửa soạn độ mới thì ông Hội Đồng Bình quèo ông hội Đồng Hoài xuống ca- nô giải lao. Ông Hội Đồng Bình nói:
- Lần xuống Bến Tre tôi có xuống Thôn Mười.
- Còn hai cây số nữa tới tôi, sao anh chịu khó lội chút nữa?
Bàn qua tính lại một hồi, Ông Hội Đồng Bình hỏi:
- Con gá Xám của anh.. .. hì hì...… xin lỗi, anh cho tôi nói cái vảy nghề của nó ra không?
- Nó chỉ nát gối hai hàng trơn, đâu có vảy gì nghề.
- Thôi mà huynh. Đệ đây tuy kém huynh nhưng cũng biết chút ít chớ đâu có “mù chữ”!
- Tôi nói thiệt mà, đâu anh chỉ cho tôi xem!
- Hồi nảy lúc con Xám đang bị kèo trên anh có biểu người xuống ghe coi bình trà đầy hay lưng phải không?
- Tại tánh tôi ghiền trà.
- Hì hì.. .. Anh biểu vậy có nghĩa đi coi nước ròng hay nước lớn chớ không phải vụ trà!
- Nước ròng lớn là để dễ bề lui ghe.
- Đâu phải huynh! Con gà huynh là gà đá nước ròng. Cho nên đáng lẽ đá độ tước, huynh kèn cựa đá độ sau cho đúng nước ròng. Người ta không thấy vảy nghề của nó tưởng nó là gà phàm, tuôn bạc ra là thua tự vận luôn. Loại gà này chỉ có chủ và sư kê biết tánh thôi, ngoài ra không ai. Nó không có trong Kinh Kê lẫn Kê Kinh.
Ông Hội Đồng Hoài đang nâng cốc trà lên miệng, bỗng đất xuống mâm chấp tay xá xá:
- Tôi phục đại ca sát đất. Tôi đã ăn ba độ mà chưa ai biết cái ngón bí ẩn của nó. Trận vừa rồi tôi sợ thằng oắc con không đủ tiền chung. Nếu không tôi sẽ đậu thêm với anh một chồng nữa.
- Anh không thấy gà tôi té lệt bệt nằm ngay chừ à?
- Đến nước thứ ba tôi mới nhận ra.
Ông Hội Đồng Hoài nghiêng sát tai ông Hội Đồng Bình:
- Nó là con Tử Mỵ Linh Kệ. Nó không ngủ trên cây mà nằm dưới đất soải cánh ngay cổ như gà chết phải không? Phải không anh chịu thiệt đi rồi mình sẽ kết bạn gà với nhau.
Ông Hội Bình sửng sốt một cách sung sướng:
- Ông anh quả là bậc đại hảo hán trong làng gà.
Ông Hội Đồng Hoài rẻ ria mép và tiếp:
- Nếu gốc Cao Lãnh thì gan nó trắng. Tướng nó không có trong Kinh Kê, Kê Kinh, nghĩa là con linh gan trắng tên là Tử Mỵ. Trên đời này có lẽ có một con thôi.
Ông Hội Đồng Hoài tiếp:
- Ông già tôi bảo là hồi ông nội tôi còn trẻ có đi lính gan trắng trong cơ của ngài Tả Quân được ngài dạy thế. Chớ cỡ mình biết sao nổi chuyện đó.
Ông hội Đồng Bình nói:
- Tôi ở tại gốc mà tôi không biết, còn tôn huynh ở xa mà lại rành.
Ông Hội Đồng Hoài tỏ vẻ khiêm tốn:
- Cái vụ gà này càng chơi càng dốt bạn à. Không thể nào một người biết hết nổi. Một lần tôi lên Saigòn chơi, tôi có vô các hiệu sách để tìm tờ báo Nông Cổ Mín Đàn.
Ông Hội Đồng Bình cũng là tay học thức nhưng nghe ông Hội Đồng Hoài nói thì bụng bảo dạ: “Ông nội này quả là hảo hán gà nòi!” nên không sợ mất mặt, bèn hỏi:
- Nông Cổ Mín Đàn là báo gì vậy thưa đại huynh?
- Đó là tờ báo chuyên khảo cứu về súc vật như gà qué, lia thia, ve ve, chim chóc. Trong đó có một số xuất bản năm 1902 in quyển Kê Kinh của cụ Nguyễn Phụng Lâm, để xem lại và so sánh coi có điểm gì khác với Kinh Kê hay không. Ngoài ra còn báo Ánh Đèn Dầu cũng có nhiều bài khảo cứu về gà nòi. Tuy là cùng nói gà nòi nhưng hai quyển có thể khác nhau.
Ông Hội Đồng Bình tỏ sự vui mừng ra mặt:
- Tôi có quyển Kê Kinh bằng chữ Tàu của Thôn Mười ở Cổ Cò mới tặng. - Tôi biết, Mười là con ông Ban Biện Phó Tổng. Tôi có đến đó chơi, nhưng không biết y có sách đó. - Để tôi đưa cho huynh xem.
- Không sợ lộ bí quyết nhà nghề à?
- Tôi nghĩ Kinh Kê hay binh thơ Tôn Võ cũng chỉ là những nét lớn để mình nghiên cứu chớ không phải nhứt nhứt phải nghe theo. Có những điểm trong Kinh Kê không thấy nói, có những điểm Kinh Kê dạy nhưng không nhất thiết mình phải học nguyên xi. Đá gà chẳng khác chi đánh giặc, mưu trí rất cần.
Ông Hội Đồng Hoài gật gù:
- Đúng lắm. Không có luật nào không có ngoại lệ. Thí dụ như gan gà tr ắng đâu có trong Kinh Kê nhưng nó lại có ở Cao Lãnh. Tôi nghĩ đó là gốc gà ông Cả Hiển, nhạc phụ của nhà báo Diệp Văn Kỳ ở trên Saigon. Lên Saigòn kỳ sau, tôi sẽ tìm ông ta nhờ bươi móc dùm tờ Nông Cổ Mìn Đàn và tờ Ánh Đèn Dầu. Bận về tôi ghé qua Cao Lãnh để tìm gốc gà ông Cả Hiển mà tôi tin đó là giống gà gan trắng độc nhất vô nhị trong làng chơi gà.
Sẵn dịp gặp một nhà bác học về gà nòi, ông hội Đồng Bình hỏi luôn:
- Tôi nghe nói nhiều vùng đã có lai gà Ấn Độ,, Mã Lai, Xiêm La qua gà ta, đẻ ra một loại gà đá hay như gà rừng. Vậy xin lỗi, đại huynh đã thấy chưa?
Ông Hội Đồng Hoài nói:
- Theo tôi thì gà nòi chỉ có hai giống. Một là gà cựa, hai là gà đòn. Gà cựa trứ danh là gà Cao Lãnh. Còn gà đòn trứ danh là gà Bà Điểm. Nó có thể đá một đòn đối thủ gãy cổ chết ngay. Còn nói về nước lì hì ôi thôi, hết chỗ chê. Bị chém chết thôi chớ không chạy. Tôi có nghe nói gà Bà Rịa cũng lì dữ lắm. Mái Bà Rịa có đúm râu dưới cằm. Tôi muốn tìm một con để đổ giống nhưng không biết ở đâu có.
Hai vị hiệp sĩ gà nòi càng bàn bạc càng tương tri, nhưng họ phải trở vào vì tiếng rí rố quăng bắt báo hiệu cho độ kế sắp tỏ nhang. Hai người cạn chung trà rồi sánh đôi đi vào trường. Vừa đi ông Hội Đồng Hoài hỏi: - Bạn tìm ở đâu ra chú sư kê bảnh vậy?
- Chú ấy là con một lão sư kê nay đã về vườn.
Ông Hội Đồng Hoài gật đầu khen:
- Còn trẻ mà coi bộ nhặm lẹ, khôn ngoan. Nhất là cái tình của chú ấy đối với con gà. Tôi nghe đồn ông Tạ Duy Hiển là tổ Sư Kê. Gà chết ổng dám om sống dậy vô đá chết đối thủ rồi mới chết theo. Mấy năm trước gánh hát xiệc của ổng có đến diễn ở chợ Giồng Lương của tôi. Tôi có mời ổng vô nhà đàm đạo về gà, nhưng mới quen, ông đâu có truyền nghề.
Vừa tới đó thì từ ngoài đường người ta chạy luôn vô, chân chạy miệng la bài bãi:
- Mã tà! Phú lích!
- Phú lích! Cò Tây!
Cả trường gà bỗng tan như ong vỡ tổ. Mạnh ai nấy chạy bất kể càn đạp lên đầu ai. Những nồi cháo gà vỡ tung tóe, những thúng bánh lọt lật ngang, những quả dưa hấu bị đẫm phọt, những việm bông cỏ ngả nghiêng, Bánh còng, bán cam, cánh chiên lộn xà ngầu. Có người bị phỏng chân kêu trời. Mấy ông áo dài, giày hàm ếch không chạy được nhanh, cứ chớp chớp mắt ngó chừng Tây cò tới để xin tha tội. Cả một sự loạn lạc hiện ra trong phút chốc. Không ai có thể tường tượng được trước đó chỉ một phút tiếng la ó hào hứng, tiếng đạp chân vỗ tay tung hô coi trời bằng vung, mà bây giớ chỉ còn lại sự hỗn loạn, xô bồ.
Chỉ có ông chủ trường là tỉnh táo. Ông quát thật to:
- Đừng có chạy! Đừng có chạy!
Nhưng ai mà ghìm lại được những tên đá gà trước mặt lính Cò? Ông có sự ăn chịu với đám lính tận Mỹ Tho lận mà. Ông chậm chạp lê đôi giày hàm ếch đi ra phía đường xem Tây Cò nào dám vô đây. Ông bị một người hàng xáo càn ngang làm ông té ngửa chỏng gọng. Nhưng ông không phàn nàn. Người ta chạy chết mà. Ông lồm cồm ngồi dậy rồi quay vô bảo cậu Tư Ro:
- Cậu đi ra nói chuyện với mấy ông Tây chút!
Tư Ro thua độ gà mất hết nhuệ khí, bây giờ có cơ hội lấy lại chút tí oai danh. Cậu buông ống vố, thọc tay vô túi quần, nện gót dày Tây đi ra.
Thiên hạ đang vỡ lỗ bỗng đứng lại. Mấy chị đàn bà bán mía khác ở gần đường trông thấy mấy ông Tây cưỡi ngựa vô trường gà trước nhất, nhưng không chạy vì họ tin rằng mình vô tội, bây giờ càng bình tĩnh hơn. Thấy bộ vó oai hùng của cậu Tư, mấy chị lấy lại tinh thần, nhìn mấy ông Tây với cặp mắt bình thường: Mình gặp mấy ổng hoài!
Cậu Tư đi một chốc rồi trở vô nói với ông chủ trường:
- Đồ quỉ! Tưởng ai lạ.
- Ai vậy?
- Ông Lục Sự Tòa Án Mỹ Tho đang nắng mặt đỏ như ăn ớt và một thắng Tây đen như quần lãnh.
Hai ông Tây buộc ngựa rồi đi bộ vào, tay mỗi ông xách một cái nhím gà. Cậu Tư không cần phải trâm tiếng Tây vì ông nào cũng nói tiếng An Nam rất sỏi.. Ông lục Sự vuốt mồ hôi trán nói với ông chủ trường:
- Tôi tới trể quá chắc gà tôi ế độ!
Ông chủ trường cười xã giao:
- Sao bữa nay ông lục sự đem có một con vậy?
- Cưỡi ngựa không cầm nhiều được.
Ông Tây đen cười nhe răng trắng hớn làm con nít giật mình né qua, ông nói:
- Trể tôi đá hàng xáo!
Một chị bán bánh lọt rao mời. Ông Lục Sự quay lại hỏi:
- Bánh lọt có nước cốt dừa thì húp mới khỏe phải không ma đàm bánh ngọt.
Ông Tây đen thêm vào:
- Có lá dừa thì mới thơm hơn.
Ông chủ trường đưa khách quí vào và đích thân lấy bội cho hai ông nhốt gà.
Ông lục hỏi:
- Hồi sáng tới giờ đá được mấy độ rồi?
- Mới xong vừa độ thôi.
- Con nào ăn con nào?
- Con của ông hội Đồng Bình ăn con gà Xanh của cậu Tư! – Ông chủ trường vừa nói vừa trỏ cậu Tư Ro.
Ông lục sự tỏ vẻ hoan hỉ, rồi đến bắt tay cậu Tư, người bạn thân từ lâu, rồi hỏi:
- Cậu Tư đến hồi nào? Có đụng độ chưa?
- Bữa nay xui quá ông lớn à! Tiền sắp vô túi lại chui ra.
- Con Xanh của cậu có vảy phủ hiên phủ địa. Tôi biết con gà này mà.
- Nhưng chẳng may nó đụng vảy cao hơn ông lớn à!
- Vảy gì mà cao?
- Tôi chưa coi ra.
Ông lục sự dắt cậu Tư ra bội, cho xem con gà mình.. Ông nói nhỏ:
- Bữa nay nếu nó đụng độ, cậu Tư đứng nửa sổ với tôi nghe.
Thấy cậu Tư lưỡng lự, ông lục sự giở bội bắt gà ra, bồng lên và hạ giọng để giữ bí mật:
- Con này tôi mới tìm được. Cậu thấy cựa song đao quớt của nó không? Cựa thép chớ không phải cựa vôi. Lại có vảy hoành dậm thiên đóng dưới cựa Cặp cán nhỏ như roi, đá đau đá hiểm lắm. Còn chân bên trái có vảy Nguyệt tà đóng cách gối ba hàng vảy tốt hơn vảy cúc bồn và hoa mai. Chỉ trừ có hai vảy Kích liên giáp và xuyên giáp yểm nguyệt là tôi chạy thôi, còn bao nhiêu tôi đá hết!
Ông lục sự nói tới đâu cậu Tư ngạc nhiên tới đó. Cậu nghĩ thầm: “Thằng Tây này chơi gà còn rành hơm mình nữa ta!”
Ông lục sự lại trỏ các ngón chân gà và tiếp:
- Cậu Tư coi đây! Các ngón đều có nhơn tự gọi là Bút chỉ nhơn tự hết cả tám ngón. Gà này khó kiếm lắm, hễ đá là ăn, không có thua.
- Ông lục sự tìm ở đâu có con gà quí vậy?
- Chưa hết mấy cái quí của nó đâu! Cậu Tư coi ngón thới của nó sát cựa thấy không, còn lông cánh thép mỗi bên đếm đúng hai mươi bảy cái.
Ông lục sự rỉ tai cậu Tư:
- Con gà này đích thị là linh kê đó cậu Tư!
Những ông chủ kê, sư kê và hàng xáo đứng chung quanh nghe ông Tây nói mà lắc đầu phục lăn:
- Tây đá gà có thua gì mình!
Buồng Cau Trổ Ngược
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương Kết