Chương 5
Tác giả: Xuân Vũ
Vụ ếm đối bầy tinh cái ở nhà ông Hương rồi cũng qua đi.
Những lúc ông Hương đi nhà hàng “hầu quận” đôi khi vài ngày mới về nhà một lần, bà Hương ở nhà mời ông thầy Tư đến. Ông ta tha hồ dàn trận đánh nhau với chúng. Có lần thầy Tư đang phùng mang hò hét thì ông Hương về tới. Bà Hương sợ Ông Hương quát mà sự ếm đối bớt linh, nhưng ông Hương là người biết điều. Bà đã đề cho ông ”đi hầu quan” tự do thì ông cũng nên để cho bà cúng tế. Hai bên hòa giải và hòa hợp với nhau một cách êm thấm. Do đó thầy Tư ẵm sơ của ông Hương vài chục gia. lúa tiền tổ, tiền công đức thầy và tiền nhang đèn v.v... Còn lối xóm thì được thêm một dịp xem tài năng trấn quỉ trừ tà của thầy.
Khi thầy tuyên bố đã nhốt được cả “bầy tinh cái” trong một chục cái tỉn miệng dán giấy vàng hẳn hoi, thì nhà bà Hương không có chuyện gì xào xáo, ban đêm bà không còn nghe tiếng ma quỉ rú trên ngọn cây, và cũng không thấy có buồng cau nào trổ ngược nữa.
Quả thầy Tư là một tay pháp thuật cao cường.
Bà Hương đang lui cui ép chuối để phơi khô thì có tiếng nói chăm cọc:
- Ép dầu ép mỡ ai nở ép chuối xiêm!
Bà Hương ngó lại, thì ra thằng con trai quí của bà. Bà quát:
- Mày nói xàm cái gì vậy Sáu?
- Hữu duyên thiên lý ăn tương ngọt, vô duyên đối diện bất chung mùng”.
- Cái thằng! Đi lại đây ép mấy buồng chuối cho tao coi nà!
- Má đưa đây con ăn hết một lượt cho coi.
Cậu Sáu vừa nói vừa đi tới bẻ chuối lột đút vô miệng nhai nhồm ngoàm, nuốt trửng hai ba lượt rồi tiếp;
- Má tính chừng nào gả con Chín cho thằng Đặng?
Bà Hương chừng hửng. Sao cái chuyện đó ông bà mới bàn với nhau trong buồng mà nó nghe? Nghĩ vậy bà quát:
- Ai bảo mày cái chuyện kỳ cục vậy hả?
- Kỳ gì mà kỳ, má! –Sáu bước lại nói nhỏ – Nó nói nó chịu con Chín chớ không chịu con Tám đâu đó má!
Bà Hương càng ngạc nhiên. Thân phận của nó được con Tám là quới rồi, còn đèo bồng con Chín. Bà quát:
- Tao không có thèm ngó cái mặt thằng chăn trâu.
- Thằng chăn trâu nó cũng đâu có thèm ngó cái mặt ơ ợ. của con gái má. Cái mặt của nó đẹp quá nên má chê người ta. Mà kể từ ngày mai nó không có đi làm cho nhà mình nữa đâu.
- Ai nói với mày vậy?
- Cậu nó.
- Tưởng ai chớ thằng cha ấp vịt hãng đó.
- Má đừng khinh người. Nay mai nó sẽ nhờ mai mối hỏi con Chín cho má coi.
- Tao không có gả đứa nào cho một cái thằng như vậy hết.
- Cậu nó bắt nó ở nhà nuôi vịt. Vài năm nó sẽ giàu, sợ mình kêu nó, nó làm lơ chớ má! Con gái lớn lên má không chịu gả để nó lỡ thời hả má?
Cậu Sáu nói xong vừa đi vừa hát nghêu ngao:
Ba chị em ta như bạ..cục...ngọc
Lỡ thời rồi như cóc lột da
Cóc lột da người ta còn xáo
Bậu lỡ thời như rận cắn trâu
Rận cắn trâu người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như bánh trôi sông
Bánh trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt không cay
Ớt không cay người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái xáo măng...
Bà Hương quát:
- Bộ mày khùng hả Sáu?
- Khùng chẳng khùng!
- Mày hát cái ông vãi mày vậy hả?
Cậu Sáu đi thẳng. Cậu vừa đi khuất thì cô Tám và cô Chín xuất hiện. Cô Chín trề môi:
- Ai đồn chuyện kỳ cục vậy má?
- Ối ...cái thằng anh khùng khịu của mày hơi nào mà tin?
Cô Tám lằm bằm:
- Cóc mà đòi mang guốc leo thang!
Bà Hương gạt ngang:
- Úy, đừng nói vậy không nên, con!
- Tao có biết đâu! Tự bụng tía bây.
Cả hai cô nương đều nghe lén mọi việc nhưng làm bộ hỏi:
- Chuyện gì chị Tám với chị Chín giận vậy má!
- Hai đứa nó đòi đi coi hát, má không cho. Kỳ này hát đình, tuồng cũ mềm, coi cái gì!
Bỗng cô Mười trỏ ra ngoài nói:
- Ai tới nhà mình kìa, má! –Rồi chạy lẫn lên nhà trên.
Bà Hương nhìn ra cửa sau thì thấy một thanh niên và một người đàn ông. Cậu thanh niên thì bận áo sơ mi rằn còn người đàn ông thì đội nón lá. Cả hai đều bưng xách đồ đạc lùm đùm trên tay.
Khi hai người đến mé thèm thì dừng lại và mọp chào. Bà Hương nhìn ra thằng Đặng còn người đàn ông thì không biết là ai.
Người đàn ông lột chiếc nón bù nhọt úp ngoài bẹ cửa rồi bước vào trước:
- Tôi là cậu thằng Đặng ít món đem kiến cho ông Hương bà Hương dùng lấy thảo.
- Ủa, vậy chú Năm đây sao?
- Dạ.
- Lâu quá không có gặp chú nên tôi nhìn muốn không ra. Còn cháu Đặng nữa, bữa nay ăn mặc cũng khác mọi lần, tôi tưởng là đứa nào chớ – Bà không gọi Đặng bằng thằng nữa.
Năm Mẹo tiếp:
- Dạ sẵn dịp thằng Đặng gài dính con diệc lửa và mấy con cò ngà, nên tôi biểu nó đem biếu cho ông Hương bà Hương. Sẵn đây bầu của tôi sai rái tôi hái một cặp. Cò thì xáo bầu còn điệc thì quay nước dừa, chắc ông Hương nhậu thích lắm! ngoài ra tôi cũng đem tặng ông Hương một chục trứng vịt lộn lai rai.
Bà Hương nghe đến trứng vịt lộn thì nhớ ra Năm Mẹo và nhớ luôn cả tía ruột thằng Đặng. Bà vui vẻ:
- Mời chú Năm lên nhà uống nước. Ông tôi mấy bữa rày bận việc làng đi sớm về tối, bữa nào cũng ăn cơm đèn.
Rồi bà hương đưa Năm Mẹo lên nhà.
Thằng Đặng thấy công việc của bà Hương bỏ cù thì nhào vô làm không cần ai sai bảo. Nó vừa ép chuối vừa lắng tai nghe câu chuyện của cậu nó thưa với bà Hương.
Năm Mẹo thấy bà Hương niềm nỡ khác thường nên ái ngại không dám ngồi trên ván. Bộ ván gõ dày một gang tay nhìn thấy mặt, làm sao một tên ở chòi ở trại quần áo vải như Năm Mẹo mà dám đặt đít lên. Năm Mẹo cung kính chắp tay:
- Dạ thứa bà Hương, thằng cháu tôi ở cho ông bà được một năm. Nhờ ơn đức của ông bà nó rất siêng năng và không phá tán xóm làng. Nay nó cũng đã trọng tuồi rồi, mẹ nó ít khi ở nhà, cha ruột lại không có ở đây, tôi là cậu nó, tôi phải dìu dắt nó cho nên người. Bữa nay tôi xin phép ông hương bà Hương đem nó về.
- Chú Năm ăn ở có nhơn vậy cũng phải. Nhưng nó về nhà rồi có việc gì làm? Ở cho tôi có nặng nhọc gì đâu! Nhà tôi rất dễ tính.
- Dạ! Bà Hương dạy vậy cũng phải. Nhưng tôi muốn nó lớn lên có cái nghề nuôi thân. Nghề ấp trứng vịt của tía nó truyền lại cho tôi, tôi cũng muốn nó kế tiếp.
Bà Hương không lưỡng lự chút nào, hơn nữa ý định của Năm Mẹo hợp với con đường ông Hương đã vạch sẵn nên bà nói:
- Thôi thì chú Năm cứ đem cháu về nhà dạy dỗ, cháu có cần gì tôi giúp cho. Hoặc lúc nào nhà có đám tiệc thì chú bảo cháu lên phụ tiếp với sắp nhỏ. Mấy đứa nó cũng mến cháu lắm. Cháu không ở đây, tụi nó nhắc hoài cho coi!
Bà Hương kêu thằng Đặng bằng cháu ngọt như đường phèn.
Năm Mẹo gọi:
- Đặng ạ! Lên đây chào bà Hương rồi về, cháu!
Mấy chú cò điệc dảy dụa quang quác dưới sàn bếp, nhắc cho bà Hương nhớ. Bà bảo:
- Cháu Đặng khoan về đã, ở lại làm giùm cho bác mấy con cò! Mấy đứa nhỏ không biết làm.
Năm Mẹo cũng phụ họa ý kiến bà Hương rồi ra về.
Đến ngõ gặp ông công tử xơn ra đi về. Cậu hỏi:
- Anh Năm có nói vụ đó với má tôi chưa?
- Dạ tôi đâu dám cậu Sáu!
- Gì mà hổng dá..ám. Anh vô đây tôi nói giùm cho! – cậu Sáu lôi tay Năm Mẹo.
Nhưng Năm Mẹo vùng ra chạy thẳng. Cậu Sáu vào nhà thấy thằng Đặng đang nhúng nước sôi nhổ lông cò diệc ngoài sàn nước. Cậu xáp lại làm tiếp thằng Đặng một cách thân ái. Cậu giành mổ ruột con diệc, đùm ruột lòng thòng dưới nước, cá nuôi nhào tới cắn rỉa lôi đi. Cậu Sáu cười khoái chí.
- Coi chừng nó dám lôi cả con lắm nghen cậu!
- Nó muốn ăn tao cho ăn luôn!
Hai cậu cháu nhìn lũ cá trồi đầu lên đóp mồi. Con thì vảy bạc lấp loáng, con thì miệng rộng mình đen như quần lãnh, con lại đuôi đỏ mắt lồi. Cậu Sáu bảo:
- Có con cá tra to lắm. Ba tao nuôi cả chục năm để dành coi chơi. Lâu lâu, lúc trời nóng nực tao thấy nó trừng lên núp dưới bóng cây cau... Ờ ờ, cây cau có cái buồng trổ ngược vừa bị đốn đó. Tao chắc con cá này thành tinh rồi.
- Cá gì thành tinh hả cậu?
- Có chớ mày. Trong truyện Phong Thần có phe Xiễn Giáo gồm toàn bồ kẹp, rùa rắn, ba ba tu lâu năm hóa được hình người mày ạ. Tao nghĩ con cá tra này thành tinh chớ không phải cây cau kia đâu. Để tao kêu thử coi nó có đến không?
Cậu Sáu bặm môi kêu “bập bập” và vỗ tay “bốp bốp”. Một chặp bỗng thấy mặt nước xao động, cậu bảo:
- Nó lên đó! Mày lấy đùm ruột cò ném sát mé ao.
Quả thật nước cuộn lên rồi nghe một tiếng “ụp” ngầm dưới mặt nước. Cậu nói:
- Con cá tra “tinh” lĩm mất đùm ruột rồi!
- Miệng nó rộng dữ vậy sao cậu?
- Trời, đùm ruột và cái mề gà nó nuốt một phát thôi. Cau tầm vung rụng xuống chưa kịp chìm nó cũng “ụp” luôn.
Cậu Sáu nói rồi móc một đùm ruột cò ném tiếp. Lại cũng một tiếng “ụp”. Cậu Sáu chụp con dao yếm chém sả xuống nước hai ba phát liền và cười đắc chí:
- Trúng rồi! Trúng đầu chàng ta rồi.
- Sao cậu biết trúng đầu?
- Trúng xương cứng nghe cái “cụp” khác trúng thịt chớ mày.
- Bà thấy ba rầy chết!
- Để nó thành tinh rước thầy Tư lại tốn mấy chục gia. lúa à?
Thằng Đặng nhìn trên mặt nước thấy hai ba chú cá chài, cá éc con thì quay tròn như vụ, con thì thả ngửa đưa ức trắng phiếu, nước vằn mấy tia máu.
Cậu Sáu lấy dao khều vô vớt ném lên bờ.
- Kho nước dừa ăn luôn!
Bên trong có tiếng la ré của cô Chín:
- Má ơi! anh Sáu chém cá nuôi.
Bà Hương hớt hải chạy ra, khựng lại trước mấy con cá úc núc đang cựa quậy trên mặt đất. Bà la lên:
- Mồ tổ ơi! Mấy con cá chài đuôi đỏ, cá éc mọi đen mang đỏ tía mày mới nuôi, mày chém chết, ổng về ổng la cho coi.
- Để nó sống nó thành tinh sao má! Con chém trúng đầu con cá tra tinh nữa.
- Con cá tra tinh nào?
- Nó tu mười năm dưới đáy ao này nay mai nó sẽ mọc cánh bay lên phá láng phá xóm.
Bà Hương đứng thẫn thờ không biết nói sao trước sự giải thích bất ngờ của cậu con trai gở tính. Bà biết nếu la rầy cậu sẽ làm to nên chỉ vuốt nhẹ.
- Chém mấy cái đủ rồi, đừng chém nữa nghe con!
Làm xong cò điệc thằng Đặng ra về. Cậu Sáu bảo:
- Ở lại nhậu mày!
- Dạ để tôi về lựa trứng với cậu tôi!
Rồi thằng Đặng bước mau, nhưng cậu Sáu nhanh tay níu lại và la lên:
- Thằng Đặng bị cá tra chém! Thằng Đặng bị cá tra chém!
Ba cô nương lẫn bà Hương chạy ùa ra một lúc.
Cậu Sáu cưới ré lên:
- Bớ làng xóm ơi! Con cá tra thành tinh leo lên rượt người ta ăn thịt.
Xong cậu nói tỉnh bơ với ba cô em;
- Tao gả tụi bay cho nó đó. Đứa nào muốn nó nói mau!
Ba cô chạy thối lui vô nhà. Cậu Sáu bảo thằng Đặng:
- Ba đứa đó mày chịu đứa nào? Con Tám hay con Chín thì gả liền. Còn con Mười còn nhỏ tía má tao nuôi thúc chừng vài năm nữa, cân kí lô bán cho chệt! Há há...!
Thằng Đặng ngượng chín cả người vùng ra chạy tuốt, còn bà Hương dặm chân kêu trời:
- Mày khùng gì khùng dữ vậy hả thằng yêu lồi?