Chương 30
Tác giả: Xuân Vũ
Thầy Tư đóng cửa lại kín mít để làm việc thiêng liêng. Thầy đẻo gỗ quao tạo nên những ông tướng thầy ba. Tướng còn cũ càng linh.Một xác tướng xài một đời thầy cũng chưa hư, nhưng thầy phải làm tướng mới vì tướng cũ quá linh nên lúc thầy đi làm đám, ở nhà tướng đi mất. Chẳng những tướng mà bàn thờ tướng cũng bay luôn. Tướng thì biến mất còn bàn thì nằm ngỗn ngang ngoài sân. Những lu hủ bịt miệng bằng giấy vàng vỡ toang lổng chổng khắp trong ngoài vườn. Những con quỉ mặt xanh, những con yêu một giò bị thầy bắt trong đó trấn yếm bằng những đạo bùa linh của Thái Thượng Lão Quân sắp tan thành tro, chảy ra nước bỗng nhiên được giải phóng hết ráo, thầy làm sao mà bắt nhốt lại được nữa.
Tạo một ông tướng gỗ cũng lắm công phu chớ không dễ. Phải tiện cái đầu, từng cái chân cái tay (và có khớp xương y như thiệt). Tay, chân và đầu bằng gỗ thì phải xõ dây chỉ cho dính lại hầu khi thầy cầm tướng vung lên thì mới cử động được, nếu không có khớp thì nó cứng đơ khác gì tướng.. ..gỗ.
Thầy Tư biết thằng nào phá phách những vật linh của thầy. Thầy không m uốn ếm nó cho chết. Vì không có ai mướn thầy. Chẳng lẽ thầy làm việc không công. Thôi cứ để nó phá, có ngày ông tướng sẽ vặn họng quay mặt nó ra đàng sau. Thầy đang đưa lưỡi mác ngọt xớt ăn vào những thỏi gỗ. Còn cái đầu nữa là đem vào lấy lọ nghe. vẽ chân mày, lấy son bôi môi, lất vải đỏ vải xanh quấn lại để lên bàn thờ thế là xong tướng. Thân chủ đến phải cụp lạy.
Bỗng nghe có tiếng động. Thầy Tư buông mác đứng dậy bước lại cửa ngó qua kẻ vách. Một người to lớn vai vác cây gì như cây súng ... mà cây súng thật. Đó là ông Hương. Ông vác súng đi đâu vậy? Đến bắt mình chăng? Mình vừa ếm đám cau đằng vườn ổng. Bà Hương mướn mình. Có mặt ổng sao ổng không nói gì, để mình ếm xong về nhà ổng lại đến nhà. Mà quái thật, ông đi lòn ngã sau. Có lẽ ổng sợ mình chạy thoát.
Thầy Tư dứt ngang ý nghĩ vì ông Hương đã đến cửa. Thầy Tư thụt vào nhặt ba cái vật thiêng liêng dồn đại vô một cái bịt và ếm nó vào xó nhà, thì vừa đúng tiếng ông Hương gọi vang từ bên ngoài.
- Thầy Tư có nhà không?
- Da... .. dạ.
- Mở cửa tôi nhờ chút việc.
- Dạ xin mời khách đi vòng ra cửa trước.
- Không sao, tôi vô cửa sau tiện hơn.
Thầy Tư định nói vậy để có thêm thì giờ dọn bớt ba miếng gỗ thiêng, nhưng nghe ông Hương bảo thì không dám cãi, bèn ra mở cửa.
Ông Hương phải khom lưng mới bước vào được. Thầy Tư run sợ.
- Bẩm ông Hương tôi không có nấu rượu lậu.
- Không nấu sao có bán. Cả xóm này say sưa cờ bạc trộm cắp là do cái lò rượu này.
Ông Hương bỗng nhiên nắm được thóp lão già, tới đây vì một chuyện lại vớ được một chuyện khác. Ông vẫn thường dùng cái phương pháp “chặn đầu” phạm nhân khi hỏi cung, bây giờ ông đem áp dụng vào Thầy Tư. Ông tiếp ngay:
- Ông càng chối thì càng nặng tội.
- Dạ tôi chỉ nấu một tháng vài ổ để lấy hèm nuôi heo chớ không phải để bán tượu.
Thầy Tư làm như vậy là sai luật nhà nước, tù như chơi!
Thầy Tư thấy bộ tướng ông Hương oai vệ lại còn thâm cây súng thì hãi quá bèn sụp lạy. Ông Hương suýt bật cười. Làm thầy mà yếu bóng vía quá, ma quỉ đâu có sợ. Ông Hương bèn đỡ thầy Tư dậy và bảo:
- Nói vậy chớ tôi không bỏ tù thầy đâu!
Thầy Tư cảm động xá lia và nhắt ghế mời ông Hương ngồi. Ông Hương lột cây súng đựng bên đùi đưa mắt ngó quanh và hỏi:
- Thầy Tư đang làm gì thì cứ làm đi.
- Da... .. dạ tôi đẽ cái đầu nơm.
- Bộ thầy tính đi bắt cá, bỏ nghề thầy hay sao?
- Dạ da... ..
Ông Hương bỗng cúi xuống nhặt một miếng gỗ đẽo:
- Cái gì đây thầy Tư?
Thầy Tư nhìn ra cánh tay ông tướng bèn chụp lấy thảy vô xó hóc. Ông Hương còn lạ những vật linh thiêng của thầy Tư. Ông không bao giờ tin các trò ếm đối của thầy Tư nhưng rồi cũng có lúc cần đến thầy. Ông nhẹ nhàng vô đề:
- Lâu nay vợ tôi nhờ thầy ếm ba cây cau.
Thầy Tư càng sợ hãi. Thầy Tư nghĩ bụng ông Hương đến đây để chận đầu cho tuyệt gốc kể từ nay không còn mong gì hết bạc được của bà Hương nữa. Lại còn sợ Ông Hương bỏ tù vì nạn mê tín do thầy gây ra. Thầy Tư khẩn khoản:
- Đó là do bà Hương rước tôi tới. Nhưng nếu không bằng lòng thì tôi xả bùa cho xong.
Ông Hương xua tay:
- Tôi đâu có nói gì. Vợ tôi rước thì thầy cứ việc đến.
- Ông Hương bảo vậy tôi mới dám đến.
- Hiện tôi cũng đang cần thầy.
Thầy Tư nhìn ông Hương trân trân. Thầy không ngờ ông Hương nói câu đó. Thế là thầy đứng dậy ngay, như cái xác hồi sinh. Thầy chờ đợi ông Hương nói thêm. Thầy cũng hiểu tâm lý con người lắm chớ. Do đó thầy Tư mới chữa được bệnh bằng tro giấy, nước lã, tiếng trống cồn và tiếng hò hét vô nghĩa của thầy. Vậy mà thầy vẫn đường hoàng được mời hỉnh, được ăn heo quay, được các chức việc to nhỏ trọng vọng kính nể, trừ một vài người như ông Hương. Thế mà nay ông Hương lại đến nhờ thầy. Thầy Tư còn lạ gì tâm lý của thân chủ. Bịnh của thầy thì quanh quẩn mấy chứng bịnh tà, bịnh mắc đàng dưới, đi qua cây to bóng mát nhằm giờ linh mà không giở nón bị bà quở, hoặc bị Oan hồn quấy quá... Bấy nhiêu bệnh đó bệnh nào cũng ngặt nghèo hết cả mà chỉ có tay ấn của thầy Tư trị được thôi, thì thầy Tư phải là cứu tinh cho cái thiên hạ Ở xóm này mới được.
- Dạ thưa ông Hương, ông Hương cần bần đạo trong việc chi xin cho bần đạo rõ.
Ông Hương lần đầu tiên nghe hai tiếng “bần đạo” thốt ra từ cửa miệng thầy Tư. Ông đột nhiên thấy thầy Tư cao sang hơn, hiển linh hơn chớ không phải thằng cha già buôn thần bán thánh.
Ông Hương nói:
- Thì cũng ba cái cây cau trổ ngược trổ xuôi đó chớ không gì khác.
Thầy Tư bắt đầu giảng giải với giọng “bần đạo”:
- Dạ bà Hương có ba cây cau đầu hàng trổ ngược, bà bảo tôi ếm cho mấy cây kia trổ xuôi, thì tôi đã ếm, mấy cây kế đã trổ xuôi rồi. Bây giờ ông Hương muốn tôi ếm cho nó trổ xuôi hay ngược?
Ông Hương ngập ngừng một chút rồi nói:
- Cau trổ xuôi nhưng trong gia đạo lại xảy ra chuyện ngược.
- Nghĩa là sao thưa ông Hương?
Thầy Tư thừa biết chuyện thiên hạ đàm tiếu về chuyện ông Hương tráo hôn con gái, rồi về chuyện lẹo tẹo giữa em vợ và anh rể, nhưng thầy Tư làm bộ không hiểu gì hết, để bắt buộc “đối thủ” phải khai thiệt với mình.
- Dạ thưa ông Hương, phàm muốn ếm đối thủ phải biết rõ tên họ, tuổi tác, và chuyện thù hằn hoặc thương yêu của họ, ví như ngày xưa Dư Hồng Dư Triệu ếm Lưu Kim Đính chỉ bện hình nhơn viết tên tuổi và ghim cây tên ngay tim là trong vòng ba tiếng đồng hồ Lưu Kim Đính ở cách xa ngàn dặm đang ngồi trên ngựa mà ngã lộn nhào.
Ông Hương giật mình kêu lên:
- Tôi đâu có nhờ thầy Tư làm việc ác vậy!
- Đó là tôi nói thì dụ thôi. Muốn ếm có kết quả phải phải biết tên tuổi người trong cuộc.
- Dạ. Tên nó là: - Bỗng ông Hương ngoặc lại – Tôi nói ra thầy Tư phải giữ kín, chớ cho ai biết.
- Tôi nói ra cho bà vật cổ tôi chết liền đi! Vả lại nếu tôi làm vậy tướng của tôi hết linh.
Ông Hương run run giọng. Ông Hương nín bặt.
Thầy Tư tiếp ngay:
- Ở đời này có khi mình tưởng là ngược mà nó lại lại xuôi, có lúc mình tưởng là xuôi mà lại hóa ra ngược đó ông Hương à. Ngược ngược xuôi xuôi không biết đường nào mà mò. Như cái chuyện trước mình vừa làm tưởng là xuôi, chẳng dè nó ngược, đến cái chuyện sau xảy ra, mình tưởng là nó ngược nhưng lại chính là xuôi, nếu mình sửa lại, thì nó lại hóa ra ngược. Ngược ngược xuôi xuôi như con lươn con chạch đầu hụt đuôi, nắm đuôi vuột đầu há há.. ..há.
Ông Hương đâm ra hoảng hốt. Hóa là lão là bậc thánh nhân nên mới nói năng ngông nghênh như vậy. Mình không thể giấu giếm. Nghĩ vậy ông Hương bèn khai tiếp:
- Dạ thưa pháp sư, đương sự là Chín và Đặng.
Thầy Tư lẩm bẩm và đưa tay lên bấm bấm:
- Hai ả này làm sao?
- Dạ một gái một trai.
- Rồi sao nữa?
Ông Hương lấy hết can đảm mới nói ra được một phần sự thực giữa hai người.
Thầy Tư hỏi gặn:
- Đó là ông Hương biết có bấy nhiêu hay ông Hương không muốn cho bần đạo biết thêm? Nếu quả vậy thì để tôi nói rõ cho ông Hương nghe:
Thầy Tư đến bên cạnh ông Hương khom xuống rỉ tai một hồi.
Ban đầu ông Hương tỉnh bơ (vì những chuyện đó ông Hương rõ cả) nhưng nghe đến khúc sau thì ông Hương nhảy nhông trợn mắt và ré lên. Ông Hương kêu tưng thầy Tư lên một bậc: “Pháp sư”.
- Cái tuổi đó mắc nạn vào năm nay. Năm nay là năm tuổi của tên đó mà.
- Còn chuyện kia, Pháp sư?
- Chuyện kia chưa xảy ra nhưng sẽ đến. Hai bên cấu kết với nhau để làm chuyện đó. Và vai tuồng chính lại thuộc vế phái nữ, tức là phía bên ông Hương.
- Pháp sư có thể cho biết thêm để tôi ngăn chặn được không?
- Thiên cơ bất khả lậu. Bất khả, bất khả!
Ông Hương ngẩn tò te, nhưng không dám hỏi thêm. Sự thực nghe đến đó đã đau lòng đòi đoạn rồi. Nghe thêm nữa e sợ chết ngất tại đây.
- Vậy xin Pháp sư ếm dùm cho nó dang ra và ráp lại với đứa kia
- Đứa kia là đứa nào?
Ông Hương đành phải khai thật tất cả sự dan díu giữa bộ ba Tám – Đặng – Chín và bảo thầy Tư cắt đứt quan hệ giữa Chín và Đặng. Thầy Tư nói:
- Như vậy là chia rẽ vợ chồng. Làm điều ác tôi không thể, vì trước đây ông hứa gả cô Chín cho Đặng.
- Vậy Pháp sư ếm cho hai tên Tám và Đặng tan ra để cho Chín và Đặng họp lại.
Thầy Tư cười nhạt:
- Nếu vậy thì tôi sẽ có tội chia lìa cha con. Tôi cũng không thể.
- Vậy Pháp sư bảo tôi phải làm thế nào?
- Tôi chưa biết. Nếu tôi không được minh mẫn thì tôi sẽ xin "xâm".
Ông Hương đành.. .. lủi thủi ra về để chờ thầy Tư xin xâm.
Nhưng ông Hương còn ấm ức. Không lẹ chịu thua thằng ở đợ? Ông đi băng vườn đến nhà ông Chín Tôn. Ông Chín Tôn lui về trong vườn sâu để nuôi gà giống bán cho các tay chơi gà. Bên cạnh cái nghề đó, ông cũng có đặt nước cay. Nhưng ông Hương không để cho ông Chín sợ hãi như thầy Tư.
Ông Hương vô đề ngay:
- Tôi muốn vô “đạo gà nòi” chớ không có ý gì khác, nên tìm đến nhờ ông Chín kiếm cho một cặp gà nghề.
Ông Chín, trâu già đâu nệ dao phay, có bắt thì bắt, già rồi ở nhà tốn cơm áo vợ , nhưng nghe ông Hương bảo cũng mừng. Ông trỏ chiếc bội ngoài sân và bảo:
- Con đó mới nên chốt nhưng cặp giản đã thấy hiên lên mấy vảy nghề.
- Nghề độc đắc hay nghề thường thường vậy chú Chín?
- Tôi nghe nói lâu nay ông Hương đâu có chơi gà.
- Già rồi sanh chứng.. .. vợ bé vợ mọn, gia đình xào xáo nên tôi bỏ để nuôi gà nòi.
- Nhưng ông Hương có ý định nuôi vài bà con cho đỡ buồn hay nuôi cả bầy để đi đá các nơi.
Ông Hương chưa chuẩn bị nên ngập ngọng một hồi rồi hỏi lại:
- Chú Chín có nhiều không?
- Không nhiều mà cũng không ít.
- Chú Chín có gà vảy nghề không?
- Nghề có nhiều hạng.. Ông Hương muốn hạng nào?
- Tôi không rành, vậy ông Chín kể sơ qua cho tôi biết rồi tôi sẽ định liệu.
- Tôi nuôi gà, đá gà, làm sư kê từ nhỏ tới già mà cũng chưa biết được bao nhiêu. Mấy người có chữ đọc sách nọ sách kia, còn tôi cứ mò.
- Mò nghĩa là sao chú?
- Nghĩa là ăn một độ, thua một độ thì khôn lên.. Mình biết tại sao ăn, tại sao thua. Có khi ăn nhờ vảy nghề, có khi lại ăn may. Có khi thua vì vảy của mình thua vảy người ta, cũng có khi tại mình om nước kém. Đạo nào thì ôi không biết, chớ “Đạo gà nòi” thì nói không cùng. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy! Xin mới ông Hương vô nhà.
Ông Hương đi theo ông Chín qua cái kệ sắp đầy những chai lọ chứa đầy những con rắn đủ loại. Chúng ngâm mình trong rượu màu nâu. Hầu như loại rắn nào cũng bị Ông thâu vô hồ lô ngâm rượu cả. Ông Hương lấy làm ngạc nhiên, định hỏi thăm thì ông Chín đã trỏ trên vách nhà bảo ông Hương:
- Đây là trại gà của tôi đó ông Hương!
Ông Hương ngó theo thì thấy vô số những chân gà khô sắc treo có hàng trên vách, cựa gà và ngón chân gà tua tủa như rừng chông. Ông hỏi:
- Chân gà ở đâu mà nhiều vậy chú Chín?
- Của tôi đấy.
- Chú đã đá bao nhiêu độ gà đó sao?
- Nhiều hơn thế chứ, nhưng tôi chỉ để dành những “cặp cán” mà tôi dùng để xem đi xem lại như đọc Kinh Kê, Kê Kinh gì đó. Tôi cũng đọc sách nhưng sách của tôi chỉ có một tờ. Đó là tấm vách này. Đọc tới đọc lui mà vẫn chưa hiểu hết.
- Chú cắt nghĩa vài bộ vảy bộ cựa cho tôi nghe chút!
Ông Chín nhắc hai chiếc ghế đẩu một mời ông Hương ngồi còn một cho mình. Ông lấy một cặp giò xuống đưa cho ông Hương, bảo:
- Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, còn gà nòi thì chết tôi cắt cặp chân để lại.
Ông Hương cầm lấy nhưng không hiểu gì cả. Gió gà đối với ông chỉ là mồi nhậu rất tốn rượu. Một cặp giò có khi đưa tuốt một lít. Vì nó dai có gân dẻo dẻo, nhưng lóng xương nhỏ gặm rất béo, ở chân lại có tí nạc, ở dưới bàn chân có mỡ dòn rất béo và cái
móng nhai nghe rau ráu. Bất luận gà trống hay gà mái, cặp giò cũng là mồi nhậu tuyệt cú cả. Ông n ào có chú ý vảy cựa làm chi. Ông Hương nhìn sơ qua và đưa lại cho ông Chín.
Ông Chín nói:
- Đây là cặp giò có vày nghề hạng thường của tôi. Dân chơi gà nói có nhiều cách gọi cặp chân gà: Cặp cán, cặp roi, hoặc cặp giản. Ý nói như nhà tướng cầm côn, giản ra trận. Còn cựa thì gọi là cặp kiếm, siêu dao, đoản kiếm, trường thương, thanh long v.v... nghe như vậy thì đủ biết dân chơi gà đánh giá con gà của mình như thế nào. Nhiều lắm nói không hết, tôi nhớ đâu tôi nói tới đó cho ông Hương nghe chơi. Mà không biết bắt đầu từ đâu nữa. Cứ bắt đầu từ cặp giò này nhé. Đây là cặp cán tròn, nhỏ như cây bút, dài bằng một phần ba của đùi thôi. Tuy nói là tròn nhưng nó có ba cạnh. Thầy gà xem chân gà như tay đua ngựa xem cẳng ngựa đua. Ngón chân dài, móng cũng dài, nhọn bén. Đó là cặp cán tốt không cần là sư kê nhìn cặp chân gà hay cũng rõ. Cán to, thô, mấy ngón đều cụt không đá nhanh được. Thì cũng như đàn bà cấy vậy ông Hương à! Ông Hương ra ruộng thấy cô nào có bộ đùi “nhức mắt” thì ngó hoài phải không?
Ông Hương trở vào hai hàng vảy và tiếp:
- Chân gà có hai hàng vảy. Hàng bên trái gọi là quách, hàng bên phải gọi là thành. Coi gà, cáp gà, chủ yếu là coi vảy và cựa. Xem nhiều thì quen thì nhìn thấy. Cùng một vảy nghề có người xem ra, nên mới dám đá dám ăn, còn người xem không ra không dám đá. Nói về vảy nghề thì nhiều lắm, Đại khái là vảy Tam Tài, vảy Hông Sa, vảy Nguyệt Luân, vảy Ẩn Tinh, vảy Nguyệt Phủ, vảy Ác Tinh, vảy Nghịch Lâm, vảy Huyền Châm, vảy Bán Nguyệt, vảy Kim Qui v.v.. .. nhưng hễ vảy nhỏ thì ăn vảy to, vảy dưới hơn vảy trên vảy tả biên ăn hữu biên.
- Nhỏ ăn to là sao chú Chín?
- Thí dụ hai bên gà đều có vảy Huyền Châm. Huyền Châm tức là cái vảy nhỏ hình vuông đóng chen giữa bốn vảy ngang cựa. Nó chỉ bằng cái hột lúa thôi. Hễ gà nào có cái vảy Huyền Châm nhỏ thì ăn gà có vảy Huyền Châm lớn. Hoặc như hai con gà có vảy Đai Giáp thì con có Đại Giáp bên trái gọi là Đại Giáp Nội sẽ ăn con có Đại Giáp bên phải, gọi là Đại Giáp Ngoại, còn hai con đều có cùng một vảy đóng cùng một bên thì con nào có vảy ướt ăn con có vảy khô.
- Vảy ướt vảy khô là sao chú Chín?
- Chân gà nghề có cặp chân khô như chân gà chết, còn chân ướt là chân láng như thoa mỡ. Bây giờ tôi nói sang cựa gà cho ông Hương rõ. Cái gà bình thường thì hướt lên một chút không chỉ địa mà cũng không chỉ thiên, cái này không ngó cái kia. Ngó nhau gọi là cựa hom họp không đâm chém gì được hết. Có ba loại cựa, cựa thép, cựa sáp và cựa vôi. Cựa thép là cựa có lỏi rất cứng, chuốc rồi đá mấy nước cũng không tà. Khi ông Hương tìm gà, lấy móng tay cạo cạo mà cựa tróc ra thì đừng mua.
- Cón các loại cựa thường chém địch thủ chết là loại cựa gì chú Chín.
- Loại cựa độc cũng có nhiều loại. Thứ nhất là loại cựa Lục định lục giáp. Tức là cựa chính dài ở giữa. Phía trên có ba cựa nhỏ, dưới có hai cựa nhỏ khác. Cọng lại là sáu cựa nên gọi là Lục định lục giáp. Gà này thuộc loại gà tài ăn mãi. Từ trước tới giờ tôi chỉ nghe nói chớ chưa thấy. Kế đó là cựa Hổ Chảo, là loại cựa giống như ình móng cọp, đá ít đâm, nhưng hễ đâm là chết địch thủ. Tôi cũng chưa thấy loại cựa này. Kế đó là cựa Vành Nguyệt, ít đâm nhưng đâm rất độc. Cựa Song Đao, rất độc, cựa Song Đao Nghiêng cũng rất độc, cựa siêu đao mũi nhọn quớt lên như mũi hia cũng độc nhưng không bằng Song Đao Nghiêng và Vành Nguyệt.. Đặc biết nếu ông Hương thấy con nào có bộ cựa sần sùi và soắn như đinh ốc thì đừng đá. Đó là cựa Nguyệt Lân. Độc lắm, đâm là chết chớ không chỉ chạy mà thôi đâu.
Ông Chín nói tới đâu lấy giò gà chỉ cho ông Hương xem tới đó như thầy giáo giảng bài cách trí và chứng minh bằng hiện vật. Ông Hương trỏ một cặp giò treo ở chót hàng dưới cùng và hỏi:
- Cựa đó là cựa gì chú Chín?
- À, à... đó là cựa “ôn dịch”. Một loại cựa phản chủ. Nó chém ghê lắm nhưng khi đối phương sắp chạy thì nó lại đâm đầu chạy trước, giúp cho kẻ địch chuyển bại thành thắng một cách bất ngờ. Vậy ông Hương nuôi trúng con gà này thì nên ăn thịt ngay.
- Còn cựa gì cái trắng cài đen kia vậy chú Chín?
- Đó là cựa Nhật Nguyệt Ông Hương nuôi được con gà này thì kể như làm giàu to. Hoặc là một cựa trắng một cựa đen hoặc cựa nửa trắng nửa đen. Hoặc một chân trắng một chân đen. Đó là linh kê hoặc thần kê.
- Linh Kê và Thần Kê là sao chú Chín?
- Đó là loại gà rất quí, khó có lắm. Đây tôi chỉ kể vài loại mà tôi biết. Đó là gà Tử Mị. gà lưỡi bớt có lông, gà lưỡi rắn, gà có vảy trong lưỡi, gà có vảy dưới hầu, gà có vảy trong cánh.. .., gà đang đá mà gáy, gà có bớt son dưới chân.
Ông Hương kêu lên:
- Gà nòi thiệt lắm kiểu. Vậy mà lâu nay tôi tưởng con nào như con nấy. Có khác nhau chỉ có sắc lông! Nay nghe chú giải thích mới rõ.
- Còn nữa, chưa hết các loại linh kê, thần kê, quí kê, túc kê đâu ông Hương. Ong Hương nuôi gà mà thấy có có cặp mắt sát, gà ó mà lại ức xanh, gà chân trắng mỏ trắng hai cặp chéo cánh trắng, gà có cánh vàng trắng xen lẫn, gà sanh đôi, tức là gà trứng nở hai con, gà lông mọc ngược khác màu với lông mã. Đó là gà quí.. .. còn ngoài ra ông Hương thấy con gà nào không ham đạp mái cũng là gà thần gà linh. Hoặc là nó rượt gà mái bay lên nóc nhà, trên ngọn cây mới đuổi theo trên đó mà đạp thì cũng là linh kê. Khi cáp độ Ông Hương làm bộ sờ cựa gà đối phương lung lay nhè nhẹ thấy một cựa mọc cũng còn một cựa lắc lư làm như sắp sút ra vậy thì đó cũng là thần kê, chớ có đá.
Ông Hương càng nghe càng lắc đầu nguầy nguậy:
- Rắc rối quá! Chắc tôi không dám vô “đạo gà nòi” !
- Chưa hết đâu ông Hương! Trên đây là linh kê, thần kê. Sau đây là loại gà may độ, gà chân chúm, gà hai mắt bất đồng. Người ta lưỡng nhãn bất đồng là xấu, nhưng gà lưỡng nhãng khác nhau thì lại là gà tốt. Kế đó là gà luôn luôn lắc mặt, gà đang cáp chạng mà nằm ngủ, gà tam sơn lông ngũ sắc, gà chân trắng móng đen v.v.. .. thảy đều gà quí, hiếm thấy. Ý, còn một loại nữa, đó là gà mình bồng trên tay là nó kêu cục cục như túc mái. Đó cũng là gà nghề.
- Làm sao mà nhớ hết, chú Chín?
- Nhớ chớ, không nhớ làm sao đá ăn thiên hạ được ông Hương. Tôi nghe gà gáy tôi biết con gà đó là gà Ó, gà Nhạn hay gà Ô. Tôi ôm con gà tôi biết con gà này sẽ chém đui mắt đối thủ hoặc bị đối thủ chém đui mắt vào nước nào nữa.
Bỗng có tiếng gà gáy ngoài vườn. Ông Hương hỏi liền:
- Đó là gà Ô hay gà Nhạn vậy ông Chín.
Ông Chín chưa kịp đáp thì Hai Trinh bước vào chìa tay:
- Ông Hội thưởng cho ba đây.
- Ông Chín nhìn tấm giấy bạc “Bộ Lư” đỏ chóe. Không phải một tấm mà là hai. Hai trăm đồng vào một thời buổi kinh tế này quả thật là .. .. to lớn.
Ông Chín run run cầm lất. Hai Trinh nói ngay:
- Ông Hội ăn một độ hai bao bạc làm các tay “hỗ kha” ở Hậu Giang xính vính chớ không phải vừa!
- Gà kia là gà gì?
- Thanh Long ba à!
- Thanh Long đao ăn độc đao. Chém chết đối thủ ở ngay cựa đầu. Đó là thiện gà xưa nay, sao độc đao của ông Ông Hội lại ăn Thanh Long được?
Hai Trinh thấy ông Hương ngồi đó tự bao giờ. Lại thấy mấy bộ chân gà trước mặt thì chắc ông Chín đang thuyết giảng về đạo gà nòi nên hứng thú kể chuyện ở trường Xà No cho ông Chín lẫn ông Hương nghe và kết luận:
- Ông Hội thiệt là tay hào kiệt hiếm có trong làng gà đó ba. Ổng gan thật. Thanh Long là vảy tối thượng. Độc đao không thể chọi nổi. Thế mà ổng thắng Thanh Long thì trong đời ba chỉ mới biết ổng là tay có lá gan bằng cái thúng.
Hai Trinh tiếp:
- Khi ổng quyết định đá, con vô om nước bụng đánh lô tô liên hồi đó ba. Còn thầy Năm tay nghề bến Bắc thì cản không cho đá. Riêng ông Hội Đồng Hoài ở Bến Tre thì đá vị tình và cầu may. Vì tình bạn gà mới gặp ở Sầm Giang nơi trường ông Huyện Trước.
- Hai Trinh liếm môi và tiếp:
- Khi ổng hỏi con có dám chịu cho cựa gà đâm một phát không? Con đáp như máy là dám, nhưng không hiểu chuyện đó có nghĩa gì. – Hai Trinh đưa cánh tay băng trắng lớp ra khoe vơi ông Chín và lại tiếp – ông Hội mưu trí quả như thần. Ông nói với thầy Năm “Để tôi ăn độ gà này cho thầy coi!” Sau khi hết nước nhứt, ông Hội vạch xem khắp mình con Ô Mặt Lọ mà không thấy vết tích gì, ông quả quyết: "Độ này mình trùm ăn". Mà thiệt ba ạ! Con Ô suốt độ không bị một vết nào. Con Điều Ó không chém một cựa làm thuốc.
Ông Chín ngạc nhiên:
- Sao kỳ cục vậy? Thường là Thanh Long đao chém chết đối thủ ở đoạn đầu vào nước nhứt.
Hai Trinh nói:
- Chính vị con nhận cựa đầu vào tay con mà Thanh Long hết xài. Đó là cao kiến của ông Hội. Con bái phục ông hội thiết đó ba! Chẳng những ổng rành Kinh Kê mà còn vượt Kinh Kê nhiều điểm. Xưa nay có ai dám đá một độ như vậy đâu. Chủ kê con Thanh Long khóc ròng đó ba. Ông ta không ngờ mà con gà thượng đẳng siêu kỳ bị ế độ cả miến Hậu Giang lại thua con Ô Mặt Lọ vảy dưới cấp của dân Cao Lãnh.
- Dân Cao Lãnh có giống gà không đâu có. Nhưng hiện giờ đã hiếm rồi con ạ! Đó là loại gà gan trắng. Có thể con Ô Mặt Lọ này gan trắng lắm đó con! Rồi hiện bây giờ con Ô Mặt Lọ thuộc về ai?
- Dạ, ông Hôi bảo thằng Đặng để cho ổng nuôi. Nó muốn tiền ổng trả liền, muốn lúa ổng cho lúa. muốn ruộng ổng cắt ruộng cho.
- Rồi nó nói sao chú Hai? – Ông Hương hỏi xen vào.
- Nó nói nó không muốn tiền, ruộng gì hết. Ông Hội muốn nuôi thì cứ nuôi.
- Trời cái thằng! Biết gà mình tài vậy mà để cho người ta nuôi. – Ông Hương phàn nàn.
Là bạn tá điền với nhau của Năm Mẹo nên Hai Trinh đứng về phía thằng Đặng. Hai Trinh nói:
- Vậy nó mới khôn chớ ông Hương! Gà cũng có mạng như người. Cùng một con gà nhưng người này nuôi thì gà chết, đá bậy trong xóm chơi thôi, nhưng người khác nuôi nó lại nổi danh là linh kê thần kê. Ngoài ra ông Hội còn có ý...
Ông Chín thêm vào:
- Mạng gà cũng như mạng người đều nằm trong ngũ hành đó ông Hương. Ví dụ: Nếu ông Hội mạng Hỏa thì con Ô Mặt Lọ không ăn độ này. Ngược lại nó ăn độ này thì ba chắc con Thanh Long thuộc mạng Hỏa. Hỏa khắc Thủy.
Hai Trinh vỗ đùi kêu lên:
- Ba nói đúng như thần. Con Điều Ó của ông Cả Ngọt, lông đỏ sậm, đúng là mạng Hỏa, còn con Ô Mặt Lọ của mình, mình nước thuộc mạng Thủy.
Ông Chín bảo:
- Ô thủy ăn Điều hỏa. Điều hỏa ăn Nhạn kim. Nếu con Thanh Long đụng con Nhạn thì chắc chắn nó sẽ hạ con Nhạn ở cựa đầu như trong thiệu gà nói.