Phần 32
Tác giả: Yulian Semenov
Côn-xtan-ti-nốp và trung uý Đrô-nốp ngồi trong căn nhà đối diện với căn phòng, nơi Đrô-nốp và cô gái da ngăm, cô gái thay thế cho Ôn-ga (vì đối với hắn, cô này cũng đóng vai trò cô Ôn-ga khi còn sống) đang trò chuyện gì đó. Côn-xtan-ti-nốp nhìn rõ khuôn mặt của Đu-bốp khoẻ mạnh, gân guốc, đầy ý chí. Ông thử suy đoán xem, cô gái cười gì mà vui vẻ vậy: Đu-bốp nói ít, có lẽ chỉ là chuyện tình yêu, một người đàn ông lớn tuổi, nhà chính trị trong khoa học, quần áo diện rất kỹ tính, lịch sự, lái xe giỏi và đẹp, đeo găng mềm để dễ cảm nhận được tay lái, đặt rượu cô nhắc thì yêu cầu phải mang đến chính hiệu nhãn “KV” của Gru-đi-a, dịch lời các bài hát Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rất thoả mái và óng chuốt, hơi thích làm ra vẻ mệt mỏi, tuy rất bình tĩnh nghe những lời chú trọng trên bàn rượu rất tỉ mỉ, chăm chú, dù đó chỉ là lời các bạn mới quen ở nhà nghỉ Pi-xun-đa và Xu-khu-mi nói về mình, biết bắt chước phòng cách người khác rất tài, ví dụ nói từ “a-la-véc-đư”(1) chậm rãi, hệt như ông già Gru-di-a thực thụ, kèm theo cả điệu bộ.
Chỉ sau khi Đu-bốp và Ôn-ga ra khỏi phòng và ánh sáng đã tắt trong các cửa sổ, cái ánh sáng khá chói và hơi có màu xanh lá cây nhạt, thì trong đêm mới có tiếng điện thoại.
- Có lẽ, đó là Cô-nô-va-lốp - Côn-xtan-ti-nốp nói - Hãy nhắc anh ta duy trì liên lạc thường xuyên với chúng ta. Bây giờ, ta trở lại công việc, đồng ý trung uý ạ… Trong bản báo cáo của đồng chí, có nói rằng trên bàn Đu-bốp không hề có một cuốn sổ ghi nào, không hề có bản thảo, tóm lại không một dòng chữ nào nhắc nhở ta về cái luận án kia?
- Không có gì cả, thưa đồng chí thiếu tướng.
- Anh ta để chiếc xe “Vôn-ga” ở đâu?
- Ở ngoài sân, tôi đã vẽ sơ đồ.
- Thế mùa đông?
- Tôi không rõ.
- Anh ta có ga-ra không?
- Tôi chưa kịp tìm hiểu điều đó
- Trên bàn anh ta không có hoá đơn tính khoản xây ga-ra của hợp tác xã xây dựng chứ?
- Có lẽ tôi phải đi kiểm tra lại.
- Không nên. Rất nguy hiểm, thì chính đồng chí đã chẳng bảo là anh ta soát xét phòng rất kỹ sau khi trở về là gì?
- Xục xạo y như một con sói, đồng chí thiếu tướng ạ. Anh ta đứng gần cửa và nhìn, nhìn đi nhìn lại, quay đầu đảo địa soi mói, y như một con chim kền kền…
Lại nghe chuông điện thoại, tiếng báo cáo rành rọt nhanh nhẹn:
- Gác Rừng thả cô da ngăm ra khỏi xe, quay lại hướng cũ và phóng với tốc độ rất nhanh, cho xe tới Xa-đô-vai-a, phanh lại gần đại sứ quán Mỹ. Bật đèn nhấp nháy phía bên trái.
- Bấm giờ ngay - Côn-xtan-ti-nốp nói rất nhanh - số 2, theo dõi các cửa sổ sứ quán, ai đứng trên đó.
- Tất cả các cửa sổ phòng làm việc của bọn CIA đều sáng đèn, đồng chí thiếu t…, à, đồng chí I-va-nốp ạ - tiếng nói trong máy vội sửa theo mật danh - Bốn người đứng ở cửa sổ hút thuốc.
- Số 1, số 1 đi đâu rồi, tốc độ nhanh hay chậm.
- Số 1 lại phải tăng tốc. Nhưng hắn dừng lại rồi, phanh rồi…
- Các anh cứ vượt qua! - Côn-xtan-ti-nốp không kìm nổi mình, dù biết rất rõ rằng các nhân viên của mình sẽ không để mắc sai sót gì, họ làm việc hết sức cẩn thận, theo chỉ thị của Prô-xcu-rin: “Đối tượng rất thận trọng, nên thà để mất dấu của hắn, còn hơn để lộ mình ra, dù chỉ là sơ suất rất nhỏ”.
- Chúng tôi đã vượt qua rồi - Tiếng trả lời trong máy hơi có phần tự ái - Anh ta đã ra khỏi xe.
- Anh ta mở nắp xe - một giọng khác báo cáo - kiểm tra cái gì đó, giật giật lắc lắc các mối dây điện trong đó.
- À nhân thể, đồng chí liếc qua xem bộ dây điện gì. Dây ngoại có khả năng tháo lắp và kiểm tra “pan” dễ dàng phải không?
- Trông nó như thế nào - Đrô-nốp hỏi.
- Cái mối dây có nhiều màu là đúng nó.
- Thế thì đúng, các mối dây rất nhiều màu… Gác Rừng lên xe đi tiếp rồi, quay từ góc phố Xa-đô-vai-a sang phía trụ sở Hội đồng tương trợ kinh tế, rồi quay về nhà, đang đổ xe
Đu-bốp vào phòng, bật đèn, đứng dừng một lát ở gần cửa. “Đúng là một con sói - Côn-xtan-ti-nốp nghĩ - Hoặc một con kền kền, xem hắn nhìn kìa, dò từng bước xem có thay đổi gì không, có ai vào lúc mình đi vắng không”
- Anh ta cầm cái gì lên kia nhỉ? - Côn-xtan-ti-nốp hỏi. Ông không kịp nhìn xem Đu-bốp nhấc vật gì từ thành cửa sổ lên.
- Ở đó chỉ có một chiếc vỏ đồ hộp rỗng, trong đó có một hạt đậu, thưa đồng chí.
- Tại sao không thấy ghi trong báo cáo?
- Tôi không nghĩ đến nó - một cái vỏ đồ hộp cũ, rửa sạch rồi, trống không, hơi bị méo, vứt lăn lóc. Tôi thậm chí có gõ và bóp khẽ xem nó mềm hay cứng…
- Thế nếu nó được dùng để đựng các báo cáo mật?
- Những cái vỏ đồ hộp như thế, người ta vứt phải có hàng trăm ở bất cứ đâu. Nếu đặt nó vào hòm thư bí mật, thì người gác công viên hay người quét đường cũng sẽ lượm nó bỏ vào thùng rác.
- Nhất định thế rồi - Côn-xtan-ti-nốp đồng ý - Nhưng trong công việc của chúng ta, không được bỏ qua những chi tiết tẩn mẩn nhất. Thế còn hắn ta dừng lại gần sứ quán Mỹ vào lúc mấy giờ? Mười hai giờ à?
- Chính xác mười hai giờ, thưa đồng chí…
- Gọi cho Cô-nô-va-lốp đi, tôi nghĩ rằng anh ta lại sắp có thông báo đấy.
Đại tá Cô-nô-va-lốp đang quan sát các nhân viên CIA trong sứ quán Mỹ, trả lời ngay, như thể anh đã sẵn sàng chờ chuông gọi từ trước đó:
- Đồng chí I-va-nốp ạ, mọi sự đều ổn, vẫn đâu vào đấy cả.
- Đã ổn, nghĩa là không ai ra khỏi sứ quán hoặc nhà riêng?
- Tôi định nói đúng với nghĩa ấy đấy.
Đrô-nốp đột nhiên nói:
- Đồng chí thiếu tướng, đồng chí nói đúng đấy, tôi sực nhớ là trên bàn ở phòng anh ta có một bảng thanh toán nữa thật, không phải là của hợp tác xã xây dựng, không phải tiền sửa ô-tô…
- Thế thì để ngày mai Ni-kô-đi-mốp xác định địa chỉ ấy. Nếu Đu-bốp có một ngăn riêng thuê làm ga-ra xe con, thì ta cũng phải vào được trong đó mà không ai hay biết, có thể ở đó cũng có cái gì thú vị. Nói chung, anh ta sẽ không gửi bất cứ cái gì của riêng mình ở chỗ người quen đâu - một con kền kền mà…
Chuông điện thoại lại réo.
- I-va-nốp nghe đây - Côn-xtan-ti-nốp trả lời, giật vội ống nghe lên, ông hãy còn kịp nghĩ rằng động tác ấy của ông là hỏng, không đúng quy phạm, và anh trung uý trẻ tuổi có thể nhận xét thấy. Càng phức tạp và căng thẳng bao nhiêu trong tình huống, càng phải bình tĩnh bấy nhiêu trong lời nói, chưa kể đến mỗi hành động, cử chỉ của người lãnh đạo phải thật điềm tĩnh.
- Lun-xơ đã đi ra từ ngôi nhà trên đại lộ Lê-nin, cho xe hướng tới đại lộ Cu-tu-đốp gần trường Tổng hợp, ở phía dưới đồi.
- Đừng rời máy vội! - Côn-xtan-ti-nốp nói, và lấy bả vai tỳ vào máy nói giữ cho nó vẫn áp vào tai, chậm rãi hút một hơi điếu xì-gà đã tắt, dù rằng hút thuốc không phải việc ông thích lúc này, và cổ họng thì khô khát - Gượm, để tôi hỏi ngay xem Gác Rừng đi đâu.
Từ đầu dây thứ hai phải chờ một lát mới có tiếng trả lời:
- Phức tạp đấy đồng chí I-va-nốp ạ, Gác Rừng trèo lên chiếc “ô-tô-buýt” số 2, đi qua năm ga, gần phòng triển lãm “Toàn cảnh” thì xuống, vừa đi vừa nhìn ngó rất cẩn thận.
- Lại cúi xuống buộc dây giầy chứ?
- Không, anh ta nhìn ngó “có nghề” hơn nhiều!
- Anh ta có cầm gì theo không?
- Có một tờ báo gói lại.
- Ở trong không có gì?
- Không phải, ở trong có đựng một cái gì đó. Rồi Gác Rừng ra khỏi ô-tô-buýt, đi ngang qua đại lộ Mô-giai-xkơ, đi sâu vào công viên Thắng Lợi. Trong đó vắng ngắt. Có theo sát nữa không?
Côn-xtan-ti-nốp bấm nút vào máy, nói với Cô-nô-va-lốp:
- Chỗ các đồng chí ra sao rồi? Báo cáo đi.
- Tôi cũng có ý chờ đồng chí gọi đây. Đối tượng đã cho xe lướt đi bằng tốc độ rất cao, vượt xa khỏi chúng tôi…
- Đi về hướng nào?
- Hướng công viên Thắng Lợi.
Côn-xtan-ti-nốp nhìn sang Đrô-nốp, anh đang nghe giọng báo cáo của các trinh sát viên, máy đặt trong phòng được thiết bị để quan sát tốt, loại máy đặc biệt bắt tiếng cực nhạy.
- Bây giờ, ta nên làm gì nhỉ? - Ông hỏi, giọng trầm ngâm.
- Còn làm gì? Vây bắt thôi - Đrô-nốp trả lời ngay. Côn-xtan-ti-nốp thở dài, nói vào máy của Cô-nô-va-lốp :
- Cho đối tượng đi qua. Chỉ bao vây quanh khu vực, xác định địa điểm và thời gian xe vào, xe ra.
Ông lại ấn nút một máy khác:
- Gác Rừng không trông thấy ai chứ?
- Nói chung là tối mù, chẳng thấy gì, chẳng có một ai vào đó giờ này, và gió cũng không có nữa. Thế mà anh ta đi như con sói, vừa đi vừa nghe ngóng, vươn tay, vươn chân như đang đi tập thể dục, có lúc lại chạy vung vinh một lát.
- Nếu anh ta nhìn thấy các anh, coi như việc sẽ đi đứt đấy!
- Vậy phải bỏ quan sát liên tục?
- Bỏ đi cũng được, chỉ chắn ở tất cả các lối ra cửa công viên, nhìn cho tinh. Có thể có ô-tô chạy qua, hãy xem nó ngừng ở đâu, đỗ ở đâu, xác định cho rõ…
- Được ạ, chúng tôi sẽ cố gắng.
Cô-nô-va-lốp bổng nối máy:
- Đối tượng đang đi với tốc độ cao, đã ngoặt vào một con đường nhỏ từ đại lộ - con đường nhỏ thông từ khu biệt thự tởi Khải hoàn môn; hắn dừng xe, kiểm tra xung quanh, chúng tôi không theo kể từ lúc hắn ngoặt vào đó. Hình như hắn còn quay xe lại lần nữa và đi chầm chậm dọc theo con đường hẹp này. Công viên đã được khoá kín.
- Từ đại lộ Mô-giai-xkơ có thể quan sát được không?
- Tôi sẽ cho người quan sát. Gượm đã, từ sứ quán, các trinh sát viên báo cho tôi là xe của Lun-xơ cũng đã ra, đi dọc theo đại lộ Cu-tu-đốp, hướng về phía công viên Thắng Lợi.
- Các anh đang ở đâu? Trên đại lộ Mô-giai-xkơ à?
- Vâng, hai xe ở gần cửa công viên, hai xe đi chầm chậm theo hướng Khải hoàn môn, định cố gắng theo dõi Lun-xơ. Xen của Lun-xơ cũng đi rất chậm.
Côn-xtan-ti-nốp phải quyết định ngay, một quyết định phải sáng suốt, chính xác, trong vài mươi giây: Bắt giữ Lun-xơ và Đu-bốp mà không có được tang vật gì thì cả chiến dịch coi như thất bại, tên gián điệp - nếu quả Đu-bốp là nhân viên CIA thật, chứ không phải ngẫu nhiên rơi vào các tiêu điểm bị chú ý - lại sẽ bảo toàn được công việc, tên gián điệp sẽ tiếp tục hoạt động, rồi sứ quán Mỹ sẽ có công văn phản kháng, biết làm sao được, họ làm đúng thủ tục ngoại giao mà. Vấn đề bây giờ là ở chỗ, CIA đang chuẩn bị kế hoạch gì, nếu quả thực đây là kế hoạch phối hợp của chúng, chứ không phải sự trùng hợp tình cờ.
Ai phải truyền tin đó? Đu-bốp chăng?
Hoặc ngược lại. CIA gửi những chỉ thị mới cho tên gián điệp? Hay đấy chỉ là một lần đi kiểm tra thử hành trình, cả của tên gián điệp, cả nhân viên CIA trong sứ quán?
Nhưng nếu vậy thì còn cần gì chiếc xe thứ hai từ sứ quán?
Dự trữ để đảm bảo cho công việc chăng?
Nếu vậy thì đây không còn là cuộc đi kiểm tra thử, mà là một hoạt động thật sự, một chiến dịch hẳn hoi?
Côn-xtan-ti-nốp ấn nút nói với Cô-nô-va-lốp :
- Anh có thể nhớ hộ, khi chiếc xe của Gác Rừng, để ở gần Học viện quan hệ quốc tế trên phố Krưm-xkai-a, có ai trong số các nhân vật mà các anh chú ý đi lướt qua không? Vào lúc 5 giờ chiều hôm kia, khi Gác Rừng đi tới cửa hàng “Mê-lô-đi-a”?
- Ô-tô chứ có phải dấu hiệu gì đặc biệt? Biển số? Hay tiếng còi?
- Anh không nhớ phải không? - Côn-xtan-ti-nốp nhắc lại chậm rãi - Hay là không xác định được?
- Chúng tôi chưa kịp nghiên cứu đến cả các chi tiết đó. “Vậy là, có thể đưa ra giả thuyết, rằng Đu-bốp để sẵn chiếc xe của mình ở cạnh Học viện quan hệ quốc tế và đi gặp gỡ với Ôn-ga - hoặc một cô gái khác thế chân - là để một ai đó, trong số nhân viên CIA, đi qua cầu Grưm và đọc được ám hiệu, làm như vậy chẳng ai nghi ngờ gì được, một chuyến đi dạo rất bình thường, đến mức phanh lại cũng không cần nữa, chỉ cần ngó sang hai bên, nếu thấy có ám hiệu, nghĩa là có thể trao đổi được tin tức đều đặn, mỗi tháng bốn lần. Có thể ta dự đoán đúng không? Thế nhỡ sai?”.
- Bỏ quan sát từ chiếc xe thứ hai, rồi bỏ cả đại lộ ngay, để khỏi bị chúng nhận thấy - Côn-xtan-ti-nốp nói- Ông bỏ cả hai ống nghe xuống, và cảm thấy mồ hôi toát ra trên trán. Sau mười lăm phút, những trinh sát viên theo dõi Đu-bốp lại báo cáo:
- Gác Rừng đã trở lại bến đỗ ô-tô-buýt, tay vẫn còn tờ báo ấy, nhưng cái gói nhỏ bọc trong báo đã không còn!
- Phải tóm ngay Lun-xơ - Đrô-nốp kêu lên - Hắn cầm rồi.
- Hắn có thể vứt ngay gói ra khỏi xe và làm toáng lên rằng chúng ta vi phạm chủ quyền ấy chứ!
- Hắn lúc nào cũng cứ mà khư khư với cái chủ quyền ấy. Mặc mẹ hắn!
- Không, không được vội động đến mẹ hắn đâu.
*
* *
Lun-xơ ra khỏi công viên Thắng Lợi ở gần chỗ Khải hoàn môn, và phóng như bay về sứ quán. Đã một giờ rưỡi đêm.
Đu-bốp đi chuyến xe buýt cuối cùng về nhà, cũng lại đứng rất lâu trên ngưỡng cửa, nhìn quanh quẩn, sau đó mới vứt tờ báo xuống sàn, tiến lại gần cái bàn lấy từ trong túi ra một mẩu cành cây, một mẩu cành bình thường vẫn thấy vương vãi khắp nơi trong công viên, mở dọc nó ra, và lấy từ trong lòng ra một chiếc pin nhỏ.
- Anh nhìn xem - Côn-xtan-ti-nốp nói với trung uý Đrô-nốp - hoá ra đấy lại là một cái vỏ chứa, ở trong nó rỗng ruột.
Đrô-nốp chỉ nhìn một thoáng:
- Loại pin này có số hiệu 437, ở ngoài cửa hiệu bán đầy, thưa đồng chí thiếu tướng…
Đu-bốp ngồi ở cạnh bàn và xoay cái nắp được lắp rất khéo ở dưới đáy thỏi pin thông thường số 437 kia. Nó rất giống bất kỳ thỏi pin nào mua trong cửa hiệu, loại phổ thông nhất chứ không phải loại khó mua, chỉ bán ở cửa hàng “Bê-ri-ê-ska”! Quả thực các chuyên viên CIA cừ thật, họ nghĩ ra tất cả mọi trò, và biến hoá nó trở thành kỳ lạ.
Đu-bốp lấy ở trong lòng thỏi pin ra một cuộn phim, đặt nó lên bàn, thở một hơi dài, chậm rãi đứng lên, đầy vẻ mệt mỏi lê bước đến tủ sách lấy từ hộc dưới ra một cái kính, quay lại bàn, bằng một động tác thành thạo, giở phim ra và bắt đầu đọc nó khá chậm, môi chỉ hơi mấp máy.
“Đrô-nốp đã không chú ý đến chiếc kính này. Côn-xtan-ti-nốp nhận xét. Đây đâu phải là kính, đây là đôi kính lúp được chế tạo riêng cho hắn”
Đu-bốp đọc rất lâu bản chỉ thị do Lun-xơ vừa trao cho, sau đó cất nó vào trong lòng pin, lắp lại pin vào cái đèn pin Trung Quốc để trên bàn, thử xem nó có sáng không. Đèn sáng bình thường. Sau đó anh ta lại lấy dưới ngăn bàn ra một tờ giấy, vẽ cái gì lên đó, lại đốt đi, vò tàn tro trong lòng tay, lại vẽ và đốt tờ thứ hai, rồi tờ thứ ba - anh ta vẽ bằng bút bi, nên sợ các dấu vết có thể còn sót lại. Rồi đứng lên, chậm rãi đi ra phía cửa, sau một phút, lại quay vào, ngồi vào bàn, hai tay ôm lấy đầu.
- Miếng bánh kiếm được ở một tên gián điệp, xem chừng cũng khó nhá lắm nhỉ? Côn-xtan-ti-nốp quay lại phía Đrô-nốp và nói - Có thể tạc một bức tượng “Nỗi sợ hãi và vô vọng” để miêu tả loại người như hắn.
*
* *
Nhóm trinh sát cho thấy:
“Lúc 7 giờ 30, Gác Rừng ra khỏi nhà, mặc bộ quần áo thể thao và chạy từ từ khoảng bốn mươi phút - tới công viên Thắng Lợi và quay lại. Trong công viên Thắng Lợi không trò chuyện với ai, chạy quanh Đài kỷ niệm, rồi về nhà. Vào 8 giờ 45 phút, xuống xe hơi và đi làm việc”.
Lúc 8 giờ, nhóm Ni-kô-đi-mốp mở cái hộp kín, tức là ruột chiếc pin trong đèn pin.
Chỉ thị thứ nhất viết: “Chuyển địa điểm liên lạc. Từ cửa ga xe điện ngầm “Xpo-tip-nai-a” (gần công viên Lu-giơ-ni-ki) hãy đi dọc bên phải đường Phơ-run-đê, song song với đường sắt, hướng về phía nghĩa địa Nô-vô-đê-vít-si. Gần đến bờ sông sẽ thấy một chiếc cầu xe lửa lớn. Cầu chỉ dành cho người đi bộ. Có những con đường nhỏ và cầu thang, dẫn lên cầu từ cả hai bên sườn và hai đầu cầu. Trên cầu có bốn tháp canh, mỗi bên hai tháp. Hãy lên cầu thang từ phía đường Phơ-run-đê, đối diện với trạm tiếp xăng, nghĩa là ở phía gần trung tâm thành phố hơn. Khi bắt đầu qua sông, con đường sẽ đi qua một trong các tháp canh. Gói tài liệu của chúng tôi sẽ nằm trong tháp canh, trên gờ lối ra của một cửa sổ bằng đá khá sâu, ở bên trái bạn, nằm cách gờ ngoài 30-40 xăng-ti-mét. Nó sẽ được nguỵ trang dưới hình thức một viên đá xám, khoảng 15x20 xăng-ti-mét. Còn tín hiệu để biết là bạn đã đến lấy rồi: Hãy để một hộp các-tông đựng sữa (2) có một vật gì nặng ở trong, để gió khỏi thổi bay. Nếu bạn muốn chuyển tài liệu gì cho tôi, thì cũng đặt vào trong hộp giấy ấy. Nhất thiết phải để hộp ấy ở đúng chổ gờ, nơi bạn đã lấy đi gói tư liệu của chúng tôi. Sau đó tiếp tục đi dọc cầu và xuống cầu thang, đi sang phía bờ có nhà ga Ki-ép. Thường thường, cảnh sát đứng ở phía ấy, gần cột đèn đường. Nhưng anh ta sẽ không thể nhìn thấy chỗ kia cũng như bản thân bạn, trong lúc bạn đi qua cầu, cảnh sát thường đổi phiên trực vào lúc giữa 22 giờ 30 đến 23 giờ 30. Gói tư liệu của chúng tôi sẽ được đặt ở đó vào lúc 23 giờ, bạn phải lượm nó vào lúc 23 giờ 15, thay dấu hiệu của bạn vào đấy, nghĩa là bỏ lại đó một hộp các-tông đựng sữa bẹp, rỗng, trong có để tài liệu cho chúng tôi. Trong trường hợp nếu bạn đặt cho chúng tôi một gói tư liệu, chúng tôi sẽ đặt lại cho bạn hộp các-tông sữa ở ngay bên xe ô-tô buýt trên đường bờ sông Bê-rê-giơ-kốp. Nhưng lần ấy, dấu hiệu để lại của chúng tôi sẽ là một chiếc vỏ đồ hộp bẹp, rỗng, trong đó có một hạt đậu, để ở một góc tường một chỗ sâu hoặc ở ngay cạnh đường. Hãy nghe các buổi truyền tin, cũng vẫn như trước đây, vào cùng giờ ấy. Chìa khoá mới, để mở mật mã, bạn hãy tìm ở tiểu thuyết của Ha-ri-ét Bít-chơ Xtâu(3). Nhà xuất bản” Đét-ghix” Mát-xcơ-va, trang 82, mà chúng tôi đã gửi cho bạn trong lần gặp trước. Để đảm bảo chắc chắn, chúng tôi sẽ còn phát lại các buổi thông tin cho bạn từ 7 giờ đến 7 giờ 30 khi bạn tập thể dục trên đường chạy vào công viên Thắng Lợi. Cuối cùng, xin đề nghị bạn đừng bỏ các buổi chạy, chúng tôi cần duy trì khả năng thường xuyên có thể gặp bạn, nếu điều ấy đối với chúng tôi trở nên cần thiết”
Trong chỉ thị thứ hai có những lời sau đây: ”Bạn thân mến! Xin cám ơn bạn, vì những tài liệu mà bạn đã sao chụp lại lần trước, có điều, chất lượng hãy còn chưa được thật cao. Có lẽ, do bạn đã cầm hơi lệch về bên trái, chứ không thật thẳng góc, cái tay cầm của chiếc ca-mê-ra cực nhạy, mà chúng tôi đã trang bị cho bạn. Xin bạn hết sức lưu ý để tay cầm của máy luôn vuông góc với mặt phẳng định chụp, vì đó là những tài liệu cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Các chuyên gia của chúng tôi đang cải tiến, để thiết kế cho bạn một kiểu máy mới, có độ “bắt” của ca-mê-ra rộng hơn nhiều. Tuy nhiên, chiếc máy đó, chúng tôi sẽ chỉ có thể chuyển cho bạn sau một tháng nữa, hoặc là ở đây, hoặc là ở phương Tây, khi bạn có dịp đi công tác sang bên đó.
Trong lần chuyển hàng sau, chúng tôi sẽ gửi bổ sung cho bạn những ăm-pum thuốc mà bạn yêu cầu, chúng tôi hoàn toàn không muốn làm việc đó vì chúng tôi tin rằng bạn vẫn hết sức bí mật, không hề có gì đe doạ, nhất là sau khi chúng tôi đã mở một chiến dịch bịt đầu mối để bảo vệ bạn, chiến dịch ấy đã tiến hành thắng lợi.
Chúng tôi cũng gửi cho bạn tiền lương trong hai tháng, và những đồ kỷ niệm quý mà bạn đã đánh dấu trong tờ ca-ta-lo in mẫu hàng mỹ phẩm.
Chúng tôi cũng muốn bàn thêm một cách thành thực với bạn về những dự kiến tương lai. Chúng tôi hiểu nguyện vọng của bạn muốn đi công tác sang đây, và đánh giá rất cao lòng trung thành của bạn với những lý tưởng tự do và dân chủ của phương Tây. Tuy nhiên, công việc đang làm của bạn ở Mát-xcơ-va đang đem lại một lợi ích không gì so sánh nổi cho sự nghiệp chung ấy của cả chúng ta, và chúng tôi thiết tha yêu cầu bạn suy nghĩ lại về khả năng hoãn chuyến đi lại, chỉ khoảng một năm nữa thôi. Trong thời gian ấy, bạn sẽ có thêm trong tài khoảng 57.712 đô la và 52 xu, món tiền đủ tạo cho bạn khả năng làm giàu.
Về vấn đề nhà ở của bạn, định nhờ hợp tác xã xây dựng, chúng tôi đã gởi 4.000 rúp để bạn đóng vào khoản nộp trước cho hợp tác xã, mà không trừ vào khoản lương, vì chúng tôi đã tính nó sang khoản “chi phí cho trụ sở hoạt động bí mật”. Tuy nhiên chúng tôi không thể không lưu ý rằng khoản tiền ấy có thể gây thắc mắc ở những người quen biết bạn, hoặc cùng công tác, vì lâu nay bạn đã tạo nên được một định kiến quanh mình là “rất tiết kiệm về tiền nong và dè sẻn đối với mọi nhu cầu. Chớ để cái “huyền thoại” ấy trở nên vô căn cứ, và những người thân của bạn, họ hàng của bạn, lại là những người thắc mắc đầu tiên. Chúng tôi đang suy nghĩ để trang bị cho căn phòng của bạn - theo như bạn yêu cầu - cho một hệ thống tín hiệu đặc biệt, sẽ có thể thông báo bạn biết, có ai vào phòng bạn hoặc động đến bất cứ vật gì khi bạn đi vắng. Trong lần trao đổi sau, bạn hãy miêu tả kỹ các số liệu kỹ thuật của chiếc máy thu thanh có trong phòng bạn, nó sẽ được sử dụng làm trung tâm của hệ thống báo tín hiệu cho bạn, và được nối với những thiết bị ra-đi-ô của các nhân viên của chúng tôi, làm việc trên phố Trai-cốp-xky. Cách bảo hiểm ấy có thể cho phép bạn yên tâm để các tài liệu ghi chép được ở trong phòng, không cần phải giấu trong ga-ra ô-tô. Yêu cầu bạn gửi cho chúng tôi mọi số liệu cần thiết về người bạn gái mới quen kể cả vết lăn tay, lý lịch và tên họ thật của mẹ và bà nội(4). Việc kết thúc đáng buồn mọi quan hệ của bạn với người bạn gái trước đây - khi cô ta hiểu rõ chân tướng bạn, là một bài học tốt cho bạn, mà cũng là bài học tốt cho cả chúng tôi nữa. Chúng ta đã mất cảnh giác: không một trường hợp nào nên thuê phòng khách sạn theo kiểu như hồi bạn đã gặp cô ta ở bên kia, nếu sau này cần, thì thuê phòng trọ ở nhà dân. Sự chú ý lớn nhất của chúng ta bây giờ vẫn là Na-gô-ni-a, và chỉ một thời gian ngắn nữa, bạn sẽ đọc trong báo chí những thành quả của sự nghiệp, mà bạn và chúng tôi đã cùng phục vụ. Những điều chúng ta khởi xướng, đã được cấp trên phê chuẩn, và bây giờ, mọi việc sẽ được quyết định không phải tính hàng tháng, mà từng ngày. Sau khi sự nghiệp (mà bạn đã bỏ nhiều công sức vào đó) hoàn thành, có lẽ bạn sẽ phải nghỉ ngơi cho thật khoẻ. Chúng tôi sẽ coi bạn là “lực lượng dự bị” trong ba tháng, trong thời gian ấy, bạn hãy tĩnh dưỡng thần kinh, nghỉ qua vụ hè, rồi sau đó chúng ta sẽ lại lập lại mối quan hệ như cách thức nửa năm về trước chúng ta đã làm. Chúng tôi xin nhắc rằng cuộc gặp sắp tới được định vào lúc 23 giờ ngày kia, ở công viên, chỗ bạn đã biết. Tín hiệu mật khẩu sẽ trao đổi từ 18 giờ đến 18 giờ 30 ở chỗ đỗ xe “Vôn-ga” của bạn; thông báo của chúng tôi sẽ được đặt trong “cành cây”. Các bạn của bạn.
*
* *
Trung tướng Phê-đô-rốp đọc hết các tài liệu do Côn-xtan-ti-nốp mang lại, đi đi lại lại trong phòng, rồi dừng lại gần cửa sổ.
- Đu-bốp giấu gì trong ga-ra?
- Nhật ký, thư từ, hình ảnh - Côn-xtan-ti-nốp trả lời - tôi chưa kịp nghiên cứu chúng, anh em mới chụp lại, còn chưa khô.
- Đồng chí có định bắt đầu trò chơi với hắn không?
- Hắn sẽ biến ngay mất, Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.
- Trong những tài liệu lưu trữ của tôi từ thời chiến tranh vẫn còn giữ được biểu đồ: trong số 79 phần trăm nhân viên phản gián áp-ve, mà chúng ta đã chơi trò vờn đuổi bằng sóng điện, thì 74 phần trăm đồng ý làm việc cho chúng ta… Trong trường hợp này, chúng ta nên chơi trò ấy không? Những tin tức mà hắn dồn sang cho trung tâm CIA đều xác thực. Đối tượng chung là Na-gô-ni-a. Thời gian bạo loạn, chỉ tính bằng tuần lễ, đúng hơn là tính từng ngày. Và chúng ta chắc sẽ không kịp “chế tạo” ra một lượng thông tin “xác thực” cho chúng, chúng sẽ hiểu ra trò chơi của chúng ta, và thay đổi ngay kế hoạch: cú quyết định sẽ được đánh sớm hơn. Bây giờ thì chúng ta đang ở giữa trận rồi, có thể đủ quyền hạn công bố tất cả những thứ này - Phê-đô-rốp quay lại bàn, búng ngón tay lên tờ phô-tô-co-py của hai bản chỉ thị CIA - Tôi cho rằng, điều đó sẽ gây nên một cú choáng mạnh, và Oa-sinh-tơn phải hoãn binh.
- Chúng phải bãi hẳn chiến dịch này ấy chứ, Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ. Nếu chúng ta tóm được tên gián điệp ở ngay cạnh hộp thư mật, chúng mới hoãn binh.
- Các anh định cho bắt tên Đu-bốp ở đâu?
- Tại nhà. Ngay hôm nay, sau giờ làm việc. Chậm trễ hơn không được - hắn mà đốt hết chỉ thị, thì chúng ta lại sẽ trắng tay.
- Hẳn thế rồi, tốt hơn là không thể để trắng tay nữa. Sẽ khó mà giải thích, đúng không? Người ta sẽ không thể tin chúng ta vì không có bằng chứng? Ngay cả tôi cũng nhiều lúc không hiểu các anh đấy thôi! Còn Xla-vin, có tin tức gì mới không?
(1) Lời chào (nói bằng tiếng dân tộc)
(2) Ở Liên Xô sữa tươi được đóng chai hàng ngày vào các hộp các-tông có láng pa-ra-phin để khỏi bị thấm, mỗi hộp đóng 1 lít cho tiện dùng, không phải đổ vào chai cồng kềnh, đổ vỡ (ND)
(3) Nhà văn Mỹ nổi tiếng (Harriet Beecher - Stowe, 1811-1896). Tác giả cuốn tiểu thuyết “Chiếc lều của bác Tôm” (ND)
(4) Phụ nữ phương Tây khi đi lấy chồng thường lấy tên họ nhà chồng làm tên họ chính thức của mình, do đó, người ngoài ít biết tên họ thật thời con gái (ND)