Phần 5 - 7
Tác giả: Yulian Semenov
Khi Xla-vin bước vào, Côn-xtan-ti-nốp nhìn anh với vẻ thông cảm và hỏi như để khẳng định:
- Chắc anh phải rủa thầm vì bị sục tìm bất thần thế này?
- Cũng có phần thế.
- Anh đừng giận. Hãy đọc đây này – Côn-xtan-ti-nốp chìa bức thư từ Luy-xbua ra – Thư vừa mới đến.
Xla-vin cười, lấy kính ra:
- Tín hiệu về cuộc đổ bộ của những người từ hành tinh khác vào các mục tiêu quân sự chăng? Hay là tư liệu về chuyện mặt trời đang giảm độ nóng đi đấy?
- Với cái đầu óc thích suy nghĩ toàn cầu như của anh, thì cái thông báo này chẳng gây được mối quan tâm đâu…
Xla-vin đọc gấp bức thư, rồi nhìn Côn-xtan-ti-nốp vẻ dò hỏi:
- Phải đọc to lên – Côn-xtan-ti-nốp nói - Để tôi đọc to lên một lần nữa nhé.
Rồi Côn-xtan-ti-nốp chậm rãi đeo cái kính dày cộp lên, khuôn mặt ông tự nhiên đâm trẻ ra (khi thăng ông lên cấp tướng, các vị tướng lão thành đã đùa: “Bốn mươi lăm tuổi, thời nay được lên tướng là trẻ quá mức, chỉ ở vào cái thời chúng tớ, người ta mới gắn lon tướng ở tuổi ba mươi thôi!”). Ông bắt đầu đọc:
- “Tháng Chạp năm ngoái, trong một phòng của khách sạn “Hin-tơn” ở Luy-xbua, có hai người Mỹ, một người tên là Giôn đã thoả thuận với một người Nga, về việc tiến hành hoạt động ở Mát-xcơ-va và truyền tin tức qua một kẻ “láng giềng” nào đó. Tên Nga kia có bộ mặt sung mãn, hắn nói thạo tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh… Thằng đểu cáng… Lá thư này có thể làm tôi mất mạng, nhưng tôi không thể cho phép mình im lặng…”
Côn-xtan-ti-nốp nhìn Xla-vin, mắt ông ánh lên một nét cười và ông kết luận câu chuyện:
- Nào, anh Vi-ta-li, anh đã sẵn sàng bình luận chưa?
- Trước tiên, bức thư này rõ ràng do một người Nga viết.
- Thế anh tưởng rằng, nếu bọn CIA muốn bày ra một trò gì đấy, lại không thể nhờ các nhà ngôn ngữ học thông thạo làm cố vấn cho chúng sao? Xla-vin vẫn mỉm cười.
Côn-xtan-ti-nốp lấy một tờ giấy, vạch đậm nét con số 1 rồi khoanh tròn lại, ngẩng nhìn Xla-vin:
- Nào ta hãy phân tích từ đầu. Những buổi truyền tín hiệu của CIA về hướng Mát-xcơ-va cho một tên điệp viên bí mật đang được tiến hành đều đặn, gần đây càng trở nên dày đặc hơn. Tất nhiên, chúng ta chưa giải mã được. Những giả định của Pa-nốp vẫn chỉ là giả định, ngoài các dự đoán đó ra, chúng ta vẫn không nắm được nội dung những tín hiệu chúng truyền cho nhau. Tôi thường tự hỏi: Điểm nóng nhất trên thế giới hiện đang nằm ở đâu?
- Có thể là Na-gô-ni-a được không?
- Tôi cũng đang nghĩ thế. Còn bức thư này nếu không phải một trò chơi khăm, một mưu toan bôi xấu ai đó trong số cán bộ của ta đang làm việc ở Luy-xbua, thì có thể cho phép ta tự đặt câu hỏi thứ hai: Điểm mạnh nhất trong hoạt động của CIA ở châu Phi thực chất đang nằm ở đâu?
- Tôi nghĩ chính là ở Luy-xbua!
- Hoàn toàn đúng – Côn-xtan-ti-nốp lặp lại - Ở Luy-xbua! Và Luy-xbua cách biên giới Na-gô-ni-a bao xa nhỉ?
- Hai trăm ki-lô-mét, anh ạ.
- Như vậy đó!
Côn-xtan-ti-nốp viết tiếp số 2 đậm, lại khoanh bằng một vòng tròn nữa. Ông nói luôn:
- Bây giờ đến điểm thứ ba. Ta hãy giả thiết rằng sự dồn dập đến mức dày đặc của các bức điện đánh đi từ trung tâm CIA ở châu Âu tỷ lệ thuận với tình hình đang căng thẳng đến mức báo động ở Na-gô-ni-a. Có thể thế được chứ?
- Cứ giả sử là thế đi đã – Xla-vin đồng ý.
- Ta đi tiếp đến một kết luận bạo phổi nữa: Không phải chỉ Luy-xbua là mục tiêu quan tâm của CIA thôi đâu. Anh láng giềng Na-gô-ni-a mới là vấn đề! Và suy ra rằng, với những tín hiệu dồn dập như vậy, bọn chúng chắc hẳn đang xếp đặt một âm mưu gì đó khá nghiêm trọng với Na-gô-ni-a.
- Tôi cũng đồng ý thế, cho dù kết luận đó có phần bạo phổi!
- Được rồi. Hẵn biết vậy. Ta giả định tiếp, là do CIA đang mưu mô làm trò gì đó ở Na-gô-ni-a, nên ra sức giật dây lên “nằm vùng” ở Mát-xcơ-va. Trước kia, chúng lắp đặt ở Na-gô-ni-a những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chĩa về phía chúng ta. Mất đứt Na-gô-ni-a là một đòn chí mạng, giáng vào khối NATO… Nên tôi cho rằng, bọn chúng sẽ không từ trò gì để cốt đoạt lại được Na-gô-ni-a.
Trong mắt Côn-xtan-ti-nốp, ánh cười ban nãy đã tắt, ông chỉ nhìn Xla-vin rất chăm chú, vẻ chờ đợi.
- Bây giờ ta dự tính thử xem chúng sẽ có những mưu mô gì ở Na-gô-ni-a – Xla-vin nói.
- Tôi lại đang muốn nghĩ về trình độ của tên điệp viên CIA. Hắn phải có một trình độ thế nào để CIA có thể tác động vào trong một chiến dịch chính trị đối ngoại như vậy? Anh cũng thừa hiểu mức độ nghiêm trọng của “cú đấm ở châu Phi” mà chúng sửa soạn, một mưu toan của phái “diều hâu”, đẩy người dân Mỹ đối lập với chúng ta, ngăn cản tình hình hoà dịu quốc tế, tạo ra cuộc khủng hoảng mới, đặt thế giới bên bờ vực thảm hoạ. Ai có lợi lúc ấy? Không phải là người dân Mỹ. Mà là CIA và công nghiệp quân sự. Bức thư từ Luy-xbua có đúng thật không? CIA có thực đã tuyển mộ được một người của chúng ta ở khách sạn “Hin-tơn” và hắn đã trở về được Mát-xcơ-va không? Hắn có khả năng nắm được các tài liệu mật không? Ở đâu? Thuộc bộ nào?
- Ta có thể bắt đầu từ việc thẩm tra những người đã từng làm việc ở Luy-xbua?
- Nếu giả thiết đã là một mạng lưới, thì phải thẩm tra cả những người đang còn làm việc tại đó. Loại bỏ đi những ai không có khả năng nắm được những tài liệu mật. Tập trung vào những nhân vật biết nhiều, cả ở đây, cả ở bên đó.
- Đồng chí Côn-xtan-ti-nốp ạ, những bức điện mật lại đang tới tấp đánh về Mát-xcơ-va. Nếu tên điệp viên đó đang còn ở Luy-xbua, thì chúng đánh điện về đây có ý nghĩa gì?
- Như vậy là anh loại bỏ giả thuyết mạng lưới? Tin tức sơ bộ thì bọn CIA nhận được ở Luy-xbua, còn việc xác nhận thì đòi hỏi ở tên điệp viên gài tại Mát-xcơ-va. Anh có gì phản bác khả năng này không?
- Không, - Xla-vin trả lời trầm ngâm, - tôi không hề bác bỏ khả năng ấy.
Côn-xtan-ti-nốp nhấc ông điện thoại, quay số điện của trung tướng Phê-đô-rốp:
- Chào đồng chí Phê-đô-rốp. Tôi đang cùng Xla-vin nghiên cứu bức điện. Cả bức thư nữa, khá thú vị, xin được báo cáo với đồng chí vào thứ hai này nhé. Hay là… Vâng. Xin chờ.
Ông đặt ống nói xuống: “P.G (tên tắt gọi Phê-đô-rốp) đã rời bản doanh đến đây. Nào, hãy mời những người của anh lại đây, ta cùng tập hợp các đề nghị. Phải khởi tố vụ hình sự đi. Và liên lạc với Viện Công tố ngay. Hãy thế đã nhé”.
VẪN CÒN CÔN-XTAN-TI-NỐP
Li-đa, vợ Côn-xtan-ti-nốp, trong bữa ăn sáng, băn khoăn và hơi phật ý nhìn chồng. Ông vừa gọi dây nói cho Xla-vin, hẹn bảy giờ bốn lăm sẽ có mặt ở ngoài sân quần vợt.
… Côn-xtan-ti-nốp uống hết cà phê, đặt tách xuống, và Li-đa hiểu rằng ông sắp sửa rời nhà. Đã chung sống với nhau hai mươi năm, người ta hiểu nhau không cần lời nói, mà chỉ qua những cử chỉ báo hiệu bên ngoài.
Về phần mình, Côn-xtan-ti-nốp cũng hiểu là vợ sắp đứng dậy, nên ông đặt tay lên mấy ngón tay của Li-đa, và nói tiếp câu chuyện dang dở với vợ.
- Anh nhớ cả rồi. Còn em ghi lại hay cũng sẽ nhớ?
- Anh kịp đọc hết tập bản thảo ấy rồi sao?
- Tất nhiên! Thế này nhé, Li-đa ạ, tập truyện ấy chẳng được tích sự gì. Đó là thứ văn học buồn tẻ; mà như các nhà văn lớn đã nói, mọi loại văn học đều có quyền tồn tại, chỉ trừ thứ buồn tẻ.
- Anh Cô-xchi-a ạ, điều ấy là kiến thức ABC của văn học rồi, khỏi phải nói. Em chỉ muốn hỏi anh giúp em tìm cách nào từ chối, để khỏi phải in nó ra!
- Em có quyền từ chối kia mà.
- Tất nhiên, em có quyền đó.
- Nếu em bảo “tất nhiên”, thì lại không hay đâu. Thế nhỡ em không nhận ra một thiên tài thì sao?
- Thì chúng mình đã cùng đọc cả rồi đấy thôi.
- Anh đâu có chuyên môn. Anh chỉ là một người đọc tài tử vậy thôi!
- Thế anh có giở qua những lời nhận xét đầy khoa trương trước đó của khá nhiều bậc phê bình có tên tuổi trong nghề không?
- Anh có đọc cả. Nhưng đừng nhìn vấn đề ở phía đó! Những ông bầu này còn cao đàm khoát luận chán, cả ở trên báo chí nữa ấy chứ! Còn quyển sách thí có thể đem đến cửa hàng thu mua giấy vụn. Đấy mới là một nửa tai hoạ. Còn tai hoạ thật sự là sự hạ giá của chân lý văn học, cái này mới đáng báo động.
- Chà, cứ riêng cái kết luận ấy của anh, trong giới bọn em, người ta đã có thể cho là “lăng mạ” được rồi đấy!
- Hẳn thế. Nhưng anh nghĩ, đừng biến văn học thành phe cánh trong nghị trường: anh hẩu với tôi thì tôi hẩu lại, ta kết liên với nhau cho mạnh cánh!... Thế thôi nhé – Ông mỉm cười – Cám ơn em, anh đi để chịu thua trận đấu vợt với Xla-vin đây.
*
* *
Xla-vin đến muộn năm phút. Còn Côn-xtan-ti-nốp nhận xét:
- Tính chính xác là tính lịch sử của các bậc đế vương đấy, Vi-ta-li ạ!
- Anh Côn-xtan-ti-nốp I-va-nô-vích, nhưng tôi lại mới chỉ lên đến cấp tá chứ chưa phải được làm vua đâu ạ… Tôi bị tắc xe ở đại lộ Cu-tu-dep.
Khi họ đổi chỗ cho nhau trên sân quần vợt, Xla-vin nói, vẻ ngẫm nghĩ:
- Anh có biết, cú tắc xe vừa rồi gợi cho tôi những ý nghĩ gì không?
- Anh đánh đố tôi, để rút cục anh muốn sẽ được cuộc chứ gì?
- Đúng thế. Thực ra là tôi đang nghĩ đến chuyện tâm lý con người hiện đại đang bị tốc độ của thế kỷ làm thay đổi. Trước đây chẳng hạn, cơ quan phụ trách giao thông sẽ phản ứng ngay lập tức với mỗi hành động tăng tốc độ quá mức, hăng hái như các hiệp sĩ đấu bò tót ấy. Còn bây giờ, các vị chỉ muốn xua lái xe “Đi đi!”, cho chạy thả cửa, chỉ mong sao khỏi nghẽn đường, mất thời gian chung. Tôi rất thích biểu hiện mới ấy. Còn anh?
- Chỉ ở giờ cao điểm người ta mới xua đi thế, chứ chứ thử tăng tốc độ quá trớn vào ban trưa xem nào, lúc ấy, cánh tay sắt của các hiệp sĩ đấu bò tót vẫn tóm chặt anh như trước đây. Còn sự thay đổi tâm lý mà anh nói ấy à, còn phải bắn đại bác cũng chưa tới đâu. Nào, anh giao bóng đi!
*
* *
- Này nhé, tôi tổng kết đây… - Côn-xtan-ti-nốp cất kính vào túi và sau khi đã ngả người ra ghế tựa, ông nhìn khắp lượt các cán bộ phản gián được triệu tập đến họp.
- Công tác truy tìm tên gián điệp, ta sẽ tiến hành trên các hướng sau đây: Một là bộ phận của Prô-xcu-rin phải lập danh sách tất cả các cơ quan có liên quan đếnv iệc cung cấp thuốc men, thiết bị điện và kỹ thuật cho Na-gô-ni-a. Hai là bộ phận của Cô-nô-va-lốp theo dõi chặt các nhân viên tình báo CIA mà ta đã biết ở sứ quán Mỹ, nắm tất cả các mối tiếp xúc của chúng, và ta sẽ phân tích các hoạt động ấy, phối hợp cùng các số liệu mà ta sẽ nhận, sau bước đầu triển khai. Ba là Vi-ta-li Xla-vin hãy bàn giao ban mình phụ trách cho Gmư-ri-a, và bay đi Luy-xbua. Đồng chí Xla-vin có nhiệm vụ điều tra tình hình xác thực vùng biên giới Na-gô-ni-a, lực lượng của Ô-ga-nô, và xác định xem tác giả bức thư nặc danh gửi cho chúng ta là ai. Sau đó…
- Nếu như hoàn thành được việc trên… - Xla-vin nói thêm.
- Sau đó, - làm như không nghe thấy anh nói, Côn-xtan-ti-nốp tiếp tục, - trong trường hợp mà Xla-vin tin chắc được rằng người viết không phải là giả mạo, và là người trung thực, thì có thể gặp và nhờ ông ta nhận diện qua ảnh, các thành viên của các phái đoàn Xô-viết đã tới đó. Có bảy mươi hai người cả thảy, kể cả thường vụ, thuỷ thủ và nhân viên hãng hàng không A-ê-rô-phlốt.
- Buồng thuê ở khách sạn “Hin-tơn” giá bốn mươi đô-la, - Xla-vin nói – mà người cộng tác viên chưa quen của chúng ta hẳn là phải sống thường xuyên ở đó. Tôi nghĩ, nếu đây không phải là một trò chơi, thì có nhiều khả năng là anh ta làm việc ngay ở “Hin-tơn”, ở quán cà phê hay tiệm ăn chẳng hạn.
- Suy diễn khá đấy! – Côn-xtan-ti-nốp nói đệm vào.
- Phòng thí nghiệm của chúng ta cũng mắc chứng suy diễn ấy đấy – Xla-vin nói – vì họ đã gửi cho tôi kết luận về bức thư. Có những vết bơ và có mùi phó mát…
- Thế nếu bức thư được sáng tác ngay trên bàn ăn sáng? – Côn-xtan-ti-nốp vặn thêm.
- Thế thì nó phải còn có mùi mứt dâu! – Xla-vin mỉm cười đắc thắng, - Phó mát ở đó ít khi được dùng vào bữa sáng lắm, còn nếu như do bọn CIA bày trò, thì bọn họ đã phải gọi “thịt giăm bông và trứng” (1).
Côn-xtan-ti-nốp và Xla-vin đến sân bay Sê-rê-mê-chi-ê-vô vào lúc đã khuya. Thoáng có mùi ngải cứu bốc lên. Và có lẽ những chú ve sầu đang sắp cất tiếng.
- Ta làm cốc cà phê chứ? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi.
- Rất sẵn lòng.
Họ ngồi vào bàn. Người không đông lắm, hai cô phục vụ trẻ đang trò chuyện: “Lúc này đi nghỉ ven biển ở Ri-ga còn sớm quá, vì trời còn mưa, biển lạnh, tuy cát sau một ngày cũng có ấm lên, thích nhất là cát ấy mềm mại, ve vuốt, ở đó mà đi chơi quanh bãi tắm, hít thở mùi thông ngai ngái thì thật tuyệt; mà ở đó bắt nắng nhanh hơn ở miền Nam, và giữ được lâu hơn…”
Côn-xtan-ti-nốp nhìn sang Xla-vin, mỉm cười.
Cô phục vụ đặt cà phê trước mặt họ và hỏi:
- Các anh bảo nên bay đi đâu nhỉ?
- Đi Bun-ga-ri – Xla-vin đáp - Ở đấy biển đã ấm rồi!
- Nhưng mà lại không có cát, cô phục vụ nói – Cát ấm còn quan trọng hơn biển, nó làm ấm cả mùa đông, giữ nhiệt lâu… Năm ngoái bọn em đi nghỉ ở Ru-ma-ni, cũng tốt đấy, chỉ thiếu cát, biển toàn là đá…
Côn-xtan-ti-nốp nhìn theo cô, lắc đầu tư lự nói:
- Dầu sao, thời gian cũng là một phạm trù hết sức lạ, Vi-ta-li ạ. Anh có cảm thấy cái chất thanh bình này không?
- Cát ấm trên bãi tắm và mùi nhựa thông, - Xla-vin nói, - Đẹp thật, nhưng vì sao lại là phạm trù thời gian. Tôi không thấy có sự liên hệ nào cả.
- Anh sẽ thấy… Nếu anh muốn, tôi có thể diễn giải.
- Vâng, xin mời anh.
- Thì đấy! Sáu mươi năm trước, không thể được hai cái này đồng thời… Thậm chí, ba mươi năm trước thôi, cũng chưa thể có được: cô phục vụ đi nghỉ mát ở nước ngoài và Trê-ka (2) làm công cụ hoà dịu quốc tế.
- Anh muốn nói là ba mươi năm truớc , chúng ta còn chưa rảnh tay với những bọn phá hoại và bọn phỉ?
- Đúng thế. Còn bây giờ thì Xla-vin lại đi ra tận nước ngoài để tóm bắt một tên mật vụ đang âm mưu gây rối loạn, làm mất sự yên tĩnh. Ở đấy, nghe nói có cát nóng, duy chỉ có điều không có thông, mà là cọ và dừa thôi… Tôi luôn luôn cảm thấy tự hào, Vi-ta-li ạ. Ta bắt đầu từ số 0, ấy vậy mà ngày nay, khi bảo vệ được an ninh của mình, ta còn giúp đỡ được tới tận nước Na-gô-ni-a nhỏ bé xa xôi kia. Nếu âm mưu phản loạn ở đấy bị đập tan, thì lại sẽ tồn tại cái yên tĩnh thanh bình tưởng như có tự muôn đời kia, biển và cát, sự hài hoà…
Giọng cô phát thanh viên ngái ngủ, có pha chút mệt mỏi:
- Xin mời quý vị hành khách đi tuyến bay Luy-xbua ra ô cửa số 6. Xin chú ý! Chú ý!
- Cái cô tóc vàng, hai mươi bảy tuổi, mắt xanh bồ cây, có nốt ruồi trên má đang nói đấy! – Xla-vin nói và đứng dậy.
- Trong giọng nói, cô ta vẫn chứa chất đầy vẻ thanh bình - Côn-xtan-ti-nốp kết luận, - đúng là cô có nốt ruồi dưới cằm, nhưng mắt lại màu xanh lá cây mới đúng…