watch sexy videos at nza-vids!
Truyện TASS được quyền tuyên bố-Phần 35 - tác giả Yulian Semenov Yulian Semenov

Yulian Semenov

Phần 35

Tác giả: Yulian Semenov

Côn-xtan-ti-nốp nhìn những người được triệu tập, ông húng hắng ho, nhưng không bắt đầu nói vội, lại chậm rãi gõ gõ mở vỏ bọc điếu xì-gà, bỏ nó vào điếu và rít một hơi chầm chậm, thả ra một luồng khói xanh nhẹ trước mặt.
- Nào - cuối cùng, ông vừa ho vừa nói - ta đem được cái gì để trình lên cấp trên?
- Chỉ có cái xác - Gmư-ri-a thở dài - Hỏng hết cả, còn biết nói thế nào bây giờ!
- Tôi không đến nỗi bi quan thế - Prô-xcu-rin nói - cuối cùng thì tên điệp viên cũng đã bị phát giác, việc rò rỉ tin tức đã bị chặn đứng, những chỉ thị của CIA đang nằm trong tay ta. Chẳng lẽ thế là quá ít?
- Đừng nên an ủi? - Cô-nô-va-lốp nhún vai, lắng nghe tiếng chuông đồng hồ điểm hai tiếng - Đã hai giờ đêm rồi… Đồng chí Prô-xcu-rin nói đúng cả, nhưng chúng ta chưa hoàn thành được việc chính: Chúng ta chưa bắt được quả tang những tên gián điệp để vạch mặt kẻ địch.
- Đúng thế - Côn-xtan-ti-nốp đồng ý - Lại bị xôi hỏng bỏng không lần nữa. Nhưng chúng ta phải vạch mặt được chúng.
- Nhưng không có Đu-bốp, chúng ta làm sao tóm được cả ổ chúng bây giờ? - Prô-xcu-rin nói.
- Chúng ta hãy cùng phân tích những gì chúng ta có - Côn-xtan-ti-nốp nói - Đồng chí Gmư-ri-a bắt đầu đi.
- Chúng ta chưa có gì nhiều. Trong tay ta chỉ có các bản chỉ thị của chúng. Ngày kia Đu-bốp phải gặp một nhân viên sứ quán mà ta chưa biết là ai. Có thể là Lun-xơ hoặc Các-pô-vích. Chỗ làm mật hiệu đối với xe của Đu-bốp là chỗ đỗ gần công viên. Nó ở đâu, ta chưa biết. Và chưa biết cả chỗ gặp nhau chính xác trong công viên, ở đó quá rộng - Để đưa được nhân viên CIA tới gặp Đu-bốp ở công viên, chúng ta phải tìm cho ra chỗ đỗ xe làm mật hiệu kia.
- Mời đồng chí - Côn-xtan-ti-nốp hướng tới Prô-xcu-rin.
- Tôi đồng ý với Gmư-ri-a.
- Đồng chí Cô-nô-va-lốp?
- Nếu chúng ta muốn ngày kia ra công viên, phải nghĩ ra một chuyện bịa để cho Đu-bốp biến mất, thật bất thình lình. Chính hắn đã nói, rằng nhân viên sứ quán không những chỉ theo dõi chiếc xe, mà còn theo dõi quan sát cả hắn nữa.
- Hết à? - Côn-xtan-ti-nốp hỏi - Xin cảm ơn! Vậy là việc thứ nhất: nhóm đồng chí Gmư-ri-a suy tính và tạo ra câu chuyện “đi công tác đột xuất” của Đu-bốp ở Viễn Đông, đi dự hội nghị về những vấn đề liên quan đến vùng Thái Bình Dương. Thứ hai, nhóm đồng chí Prô-xcu-rin tiếp tục việc hỏi cung rất cẩn thận tất cả những người quen của Đu-bốp - Hành trình những chuyến đi, thời gian, những lối hay đi dạo trong công viên. Thứ ba: nhóm đồng chí Cô-nô-va-lốp chuẩn bị mọi tài liệu về hành trình của các nhân viên CIA mà ta phát hiện được - xem có những chỗ ngã ba, ngã tư nào trùng với tuyến đi của Đu-bốp, xem có dấu hiệu gì ở những chỗ đỗ xe của Đu-bốp giống như tín hiệu mà bọn chúng thu được ở gần trường quan hệ quốc tế, và đã thông báo trong chỉ thị trước. Cũng giống thế, hắn bỏ xe ở đó già nửa giờ, đi gặp cô da ngăm, và ngày hôm sau đến gặp gỡ ở công viên Thắng Lợi.
- Thế chúng ta tính toán chỗ đỗ xe ở gần công viên thế nào? Prô-xcu-rin thở dài - Chẳng có một dấu tích gì.
- Thử gọi cô da ngăm - tức Ôn-ga Vrôn-xkai-a - trước chín giờ sáng mai. Côn-xtan-ti-nốp nói - Chúng ta thử nói chuyện với cô ta. Mời cả Pa-ra-mô-nốp, anh này cũng vẫn bảo dưỡng xe cho Đu-bốp.
*
* *
Vào bốn giờ sáng, Côn-xtan-ti-nốp gởi đi bằng mật mã cho Xla-vin:
“Hãy đề nghị Glép tác động vào việc gọi Dô-tốp về Liên Xô. Làm sao cho hắn hiểu là anh được yêu cầu làm việc đó, như vậy, anh càng khẳng định được “chiến dịch bịt đầu mối” của hắn đã thắng lợi. Ảnh Pi-la cũng có thể đưa vào việc, tôi nghĩ vậy. Tài liệu này, sau này chúng ta còn cần đến”
Vào lúc năm giờ sáng, Côn-xtan-ti-nốp duyệt ma-két công viên Thắng Lợi, mà các nhân viên của ông đã làm suốt cả ngày: Cần phải nghĩ cách sắp đặt các lực lượng ở đâu, vì phải bịt chặt được cả một khu vực rộng lớn. Trong chỉ thị, chỗ gặp chính xác không được nêu rõ, phải sơ bộ đưa các trinh sát viên tới đó, đặt các ống ca-mê-ra tầm xa, các thiết bị quan sát ban đêm, đặt trụ sở chỉ huy chiến dịch để tóm cho được toàn bộ lưới điệp viên CIA
*
* *
Vào chín giờ sáng, Ôn-ga Vrôn-xkai-a, mà anh em gọi đùa là “Ôn-ga còn sống” - để phân biệt với Ôn-ga Vin-te - bước vào phòng Côn-xtan-ti-nốp, mỉm cười với ông, không thấy có một dấu tích gì nghi ngờ trên nét mặt, hoàn toàn bình tĩnh.
- Chào bác, người ta bảo cháu đi tới lối rẽ và ở cửa thứ tư.
- Chào cô. Mời cô ngồi. Cô đã kịp ăn sáng chưa?
- Ngày hôm nay, nói chung cháu không ăn, chỉ uống nước lạnh.
- Cô cũng ăn kiêng cho nhẹ bụng sao?
- Đây là lần thứ ba trong đời, bác ạ!
- Cô có hỏi bác sĩ không? Có phải là nên áp dụng cho tất cả mọi người đâu?
- Cháu có một anh bạn rất giỏi I-ô-ga, anh ấy bảo rằng rất nên có một ngày nhịn đói - Ôn-ga nhìn đồng hồ.
- Cô đã nóng ruột muốn ăn rồi sao? Chờ đến chiều đã chứ.
- Không, cháu phải gọi điện đến chỗ làm việc.
- Cô nghĩ thế nào, có lý do gì người ta mới phải mời cô đến chỗ tôi chứ?
- Chắc chắn là có liên quan đến chuyện đi nước ngoài…
- Cô chuẩn bị ra nước ngoài à?
- Vâng. Với anh Xê-ri-ô-gia ấy ạ. Chồng chưa cưới của cháu đấy - cô ta giải thích thêm.
- Rõ cả. Nhưng, tôi mời cô đến đây không phải vì chuyện ấy đâu, dù rằng… Tôi muốn hỏi cô một câu: Cô có quan điểm như thế nào đối với một người làm điệp viên?
- Cháu cũng như bác thôi - Ôn-ga trả lời nhẹ nhõm, làm gián điệp là một tội ghê tởm.
- Sao vậy? - Côn-xtan-ti-nốp tỏ vẻ chú ý hơn - Nó cũng là một công việc… Có người lái thuyền, có người lái máy bay, thì cũng có người làm gián điệp, mỗi người một nghề.
- Cái nghề mới thật đẹp mắt chứ! - Ôn-ga cười rũ.
- Nhưng được trả lương cao! Thời bây giờ, gián điệp được trả lương cao lắm, để gây hại cho nước khác. Tất nhiên cũng chỉ là khả năng sống thật sướng để chờ ngày bị xử bắn.
- Cháu nhớ thời còn bé, mẹ cháu đọc câu thơ
“Tên gián điệp và tên phá hoại
Bầy đánh thuê lẻn qua biên giới…”
Làm cháu sợ lắm, đến nỗi sau đó cháu không dám đi chơi trong rừng với bà nữa, cứ tưởng tượng sau mỗi gốc cây có một thằng gián điệp hoặc phá hoại đang ẩn nấp…
- Cô có yêu bà cô không?
- Yêu đến mức thần tượng hoá ấy chứ!
- Hay lắm. Cô Ôn-ga, xin lỗi cô vì tôi hỏi câu này: Cô yêu Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích chứ?
- Rất yêu bác ạ!
- Không chỉ là yêu, mà lại “rất yêu”?
- Vâng, đúng thế.
- Công việc của cô có làm cô ưa thích không?
- Không thích.
- Vì sao vậy?
- Nó buồn tẻ lắm. Cháu nghĩ, cháu có thể cống hiến được nhiều hơn nữa, nhưng hình như cũng chẳng ai cần!
- Cô có đề nghị không?
- Đề nghị gì?
- Đề nghị để cống hiến nhiều hơn.
- Cái đó kể cũng khó nói. Bất tiện nữa, làm như mình bắt buột người ta.
- Bắt buộc là phải đòi hỏi, còn đề nghị lại là chuyện khác. Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích không lôi cuốn cô để làm cô yêu thích y học à?
- Anh ấy có kể cho cháu nghe về I-ô-ga. Rất lý thú.
- Cả chuyện nhịn ăn, cũng do anh ấy nói?
- Nhất định rồi!
- Tôi hiểu, anh ấy thì có thể cần thiết đấy, chứ còn với tầm vóc của cô, thì nhịn để làm gì? Còn quá sớm đấy!
- Xê-ri-ô-gia bảo rằng từ lúc trẻ người ta đã phải biết chuẩn bị cho tuổi già rồi. Bây giờ mà phì ra thì sau này làm sao giữ được “co” người nữa!
- Nói chung là cũng đúng: Thế cô yêu Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích vì cái gì là chính?
- Anh ấy rất thông minh, mạnh mẽ. Thế hệ chúng cháu thích yêu lớp đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, chứ những bạn trai cùng lứa chán lắm, thật “quỷnh”, y như lũ trẻ ranh. Thế nhưng bác hỏi những chuyện ấy để làm gì nhỉ?
- Thì chính cô đã chẳng nói lý do, tại sao tôi lại phải mời cô đến đây rồi là gì? Cô làm quen với anh ấy lâu chưa?
- Mới. Dầu rằng bây giờ tưởng như đã gặp nhau suốt cả đời… Cháu ngồi làm việc lúc nào cũng ngó ra cửa sổ, để không ai ngăn trở cháu một mình hình dung ra khuôn mặt của anh ấy…
- Cô gặp anh ấy từ bao giờ?
- Gặp ngẫu nhiên thôi. Cháu hẹn một cô bạn cùng đi nghỉ, nhưng rồi mất hút, vì cô ta không đến. Anh ấy đã mời cháu cùng nghỉ ngơi, đi chơi với anh ấy một ngày, cùng ăn sáng với nhau. Cháu không ngờ rằng bữa ăn sáng có thể lý thú đến thế, cũng như một bữa ăn chính: Trang trọng, đầy ý nghĩa…
- Sau bữa ăn sáng, cô yêu anh ấy liền?
- Bác thì không hiểu được đâu, dù rằng cháu biết tại sao bác lại phải đi hỏi như thế… Sau đó à, thì còn tắm biển, phơi nắng…
- Biển với nắng là một chuyện, tình yêu lại là chuyện khác.
- Cũng có thể thế…
- Thế tại sao cô cho nhưng bạn trai cùng lứa lại là lũ “quỷnh”?
- Cũng chả rõ nữa… Cái đó cũng khó giải thích. Họ có gì đó lười nhác, hoa không biết tặng, không biết nói chuyện hấp dẫn, nói năng lúng búng, và chỉ cần nhìn vào mắt là biết ngay họ đang muốn gì.
- Chẳng lẻ họ lại lười?
- Ôi chao, còn gì nữa! Bác cứ hỏi thử xem bao nhiêu người trong số họ biết là lấy cái quần cho mình hoặc giặt nổi cái áo sơ-mi! Họ sẽ trả lời “Thế còn mẹ để làm gì?”
- Có lẽ là cô không gặp may.
- Đời nào, cháu đi chọn bạn cũng đã nhiều…
- À, có thể cô chọn chưa đúng chỗ thôi. Này, thời gian tôi đang gấp gáp. Tôi xin nói thẳng nhé: Cô có sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi một việc không?
- Sẵn lòng thôi.
- Cô không cần hỏi là việc gì sao?
- Là vì cháu tin bác, nếu là việc xấu thì bác đã chẳng cho mời cháu đến.
- Chúng tôi muốn nhờ cô giúp chúng tôi lật mặt một tên gián điệp. Cô nghĩ kỹ đi.
- Có gì mà phải nghĩ, đó là nhiệm vụ. Vậy cháu phải làm gì?
- Cô hãy gắng nhớ lại những chỗ cô đã đi cùng với Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích, những chỗ dừng lại nghỉ…
- Nếu vậy thì bác cứ hỏi ngay anh ấy có hơn không, anh ấy biết rõ hơn cháu chứ.
- Nhất định rồi… Nhưng gặp cô tôi muốn hỏi cô trước đã.
- Nếu vậy, thì… chúng cháu đi tới đồi Lê-nin, đến công viên Thắng Lợi, dừng ở đó và đi dạo.
- Khoảng hai tiếng, không hơn, phải không?
- Không đến, chỉ nửa tiếng là cùng.
- Anh ấy kêu xe ọc ạch, dây điện có chuyện, chứ gì?
- Vâng, thỉnh thoảng. Nhưng anh ấy ra khỏi xe, lật nắp xe, giật giật dây điện, là đâu lại vào đấy.
- Cái đó hay hỏng mà. Tôi cũng đến là khổ với dây điện ô-tô đấy. Này, Ôn-ga, hay là ta lên xe và cô chỉ giúp tôi những chỗ cô đã từng đi dạo, được không?
- Cháu không thật hiểu ý bác. Sao bác lại không hỏi anh Xê-ri-ô-gia?
- Sau khi ta đi dạo các chỗ rồi, cô sẽ ra sân bay với một đồng chí của tôi và bay đi Át-le luôn. Cô sẽ lại được sống ở Pi-xun-đa; nghỉ ngơi, tắm nắng, tắm biển…
- Trời! Lý thú thật! Nhưng thế thì cháu phải gọi cho anh Xê-ri-ô-gia và mẹ cháu, để ở nhà khỏi lo gì chứ? Mà lại còn cơ quan nữa, làm thế nào?
- Cơ quan thì để chúng tôi lo, cô không cần gọi về đấy nữa. Còn với mẹ, thì cô sẽ bảo sao?
- Nói gì chả được, miễn là có báo cho mẹ cháu biết để yên tâm - Ôn-ga thở dài - Thủ tục cần thiết mà!
Côn-xtan-ti-nốp đẩy lại cho cô máy điện thoại đường phố - cô gọi đi.
Ôn-ga quay số. Côn-xtan-ti-nốp nhận thấy, trước tiên cô gọi tới cơ quan của Đu-bốp.
- Cho tôi nói chuyện với Xéc-gây Đmi-tơ-ri-ê-vích! Tôi là Ôn-ga Vrôn-xkai-a, người quen của anh ấy. Sao, bay đi rồi? Đi đâu? Thế bao giờ về? Vâng, xin cám ơn…
Cô kinh ngạc nhìn Côn-xtan-ti-nốp:
- Anh ấy đã đi công tác đột xuất… Có lẽ đã gọi điện cho cháu, còn cháu lại đang ở đây. Chán thật, rồi anh ấy lại nghĩ ngợi. Cô ta nhanh chóng quay số điện nhà mình - Mẹ ơi, Xê-ri-ô-gia có gọi cho con không? Ôi, có hả mẹ! Anh ấy nói gì? … À, thế ạ… Thế bao giờ anh ấy sẽ trở về?
“Gmư-ri-a khá thật, - Côn-xtan-ti-nốp nhận xét - đến cả việc đó cũng còn kịp nghĩ ra, khá thật!”
- Mẹ ạ, con có việc phải đi gấp… Không, không phải đến chỗ anh ấy đâu. Con sẽ giải thích cho mẹ sau…
- Khi nào con về… - Côn-xtan-ti-nốp nhắc thầm.
- Khi nào con về, - Ôn-ga nhắc lại. Đây là công tác gấp, mẹ ạ… À, không, mẹ, sao mẹ lại có thể nghĩ thế được? Thôi, tạm biệt, mẹ hôn bà hộ con với.
Cô ta gác máy, nhìn Côn-xtan-ti-nốp - như muốn hỏi: Nói như thế đã đúng yêu cầu chưa?
Ông lưỡng lự một phút, có nên nói tất cả cho cô ta chưa, sau ông quyết định hoãn lại. Dù rằng tới phút này, ông đã hoàn toàn có thể tin được là Ôn-ga không hay biết gì về con người Đu-bốp thật cả, nói dối mẹ cũng là không biết cách; trả lời mọi câu hỏi thẳng đuột nhẹ dạ; không suy nghĩ gì sâu sắc, ý nghĩ của cô ngây thơ, cứng nhắc, có vẻ đúng sách, thế thôi. Nhưng có gì trong ông ngăn lại: hãy khoan, hãy đợi đã! … Sau chuyến đưa Ôn-ga đi dạo một vòng và dừng lại ở những chỗ cần thiết ở Mát-xcơ-va, Côn-xtan-ti-nốp giao Ôn-ga cho chị Kriu-kô-va, đại uý an ninh, đưa đi nghỉ, còn mình đến thẳng phòng của Đu-bốp. Ông đã lục tìm mọi sách vở và thấy ngay cuốn định tìm: “Chỉ dẫn về các khách sạn Hin-tơn”. Lật lật các trang, ông tìm thấy một trang bị vết gấp “Phòng thuê “luých” ở khách sạn “Hin-tơn” gồm hai phòng nhỏ bên trong, có tiện nghi đặc biệt: Ti-vi màu, máy thu thanh, chương trình nhạc chọn lọc truyền riêng trong hệ thống máy thu của khách sạn, phòng tắm tuyệt đẹp, có cả nước biển, tủ lạnh và bộ đồ ăn cho đủ 6 người. Giá tiền: 95 đô-la, giờ nhận thanh toán 14 giờ, sau bữa trưa”
Côn-xtan-ti-nốp gấp cuốn sách lại cẩn thận, gói vào trong giấy và hỏi một cán bộ tác chiến trong đội mai phục:
- Đồng chí cho biết là dấu tay có thể lấy được trên những trang giấy bóng lộn này không?
Nhưng thật ra, Côn-xtan-ti-nốp cũng không cần đợi câu trả lời, ông đã có thể khẳng định chắc chắn rõ ràng, rằng tại sao Đu-bốp đã phải thủ tiêu Ôn-ga Vin-te: Thời kỳ say mê đầu tiên đã qua, những câu hỏi bắt đầu xuất hiện, và đã thành ra khó trả lời, chẳng hạn trả lời về chuyện thuê căn phòng “luých” ở khách sạn “Hin-tơn”. Nhất là khi người hỏi lại là Ôn-ga Vin-te, không phải ngu xuẩn gì.
“Bi kịch của một người đàn ông yếu đuối và thiếu trung thực, khi ở cạnh một người phụ nữ cương nghị và trung thực - Côn-xtan-ti-nốp nghĩ - người phụ nữ ấy không chỉ là một người thụ động, mà lại ưa hoạt động. Chắc chắn, cô ta sẽ hỏi về chuyện chi tiêu quá xa xỉ ở “Hin-tơn”, và anh ta đã nối dối một cách vụng về, và vì cô ta thông minh hơn, cô ta đã ngờ vực, và đem đôi hoa tai tặng phẩm đến cho cô bạn gái nhờ đánh giá hộ: cô ta cũng không thể ngờ được là thợ kim hoàn đã đánh giá đôi hoa ấy đắt tiền đến thế. Một người có nghị lực mạnh mẽ, phải choáng váng lùi lại trước sự thật, vì sự thật đòi hỏi phải hành động. Cô ta đã từng làm việc ở nước ngoài và hiểu rất rõ mọi chuyện, tất nhiên, chỉ còn có một lối thoát: là đến thông báo với cơ quan có trách nhiệm. Và anh ta hiểu điều đó. Anh ta có thể nói dối điều gì nữa? Nói giảm bớt giá khách sạn. Có thể lắm. Không ai trong số cán bộ chúng ta ở nước ngoài biết được rành rẽ lắm các thứ giá cả khách sạn, họ chỉ hiểu là họ không thể đủ tiền túi để chi được, nhưng không muốn hỏi là hết tất cả bao nhiêu - lòng tự ái đã khiến họ không muốn hỏi rõ. Tất nhiên, khi ở Luy-xbua, còn đang quáng lên về tình yêu, cô ta đã không kịp nghĩ đến cái khoản 95 đô-la chết tiệt kia, cứ phải chi đều đặn mỗi tối cho tình yêu của họ trong căn phòng “luých” kia. Tình yêu và tiền nong - đúng là thuộc về hai bản chất khác nhau, thế tại sao cô ta lại muốn hiểu rõ cả bây giờ? Đã hiểu ra sự thật cay đắng, là ông vua cởi truồng chăng? Vả lại đã đoán ra bộ mặt thứ hai của anh ta chăng? Có lẽ, cô ta đã đoán ra rõ rệt hôm ở nhà Ni-a-mê-tô-va, khi anh ta hắt đổ rượu vang vào người và đưa ra nhà tắm để gột áo - anh ta hẳn đã buộc cô phải bỏ đi trước mặt cô bạn gái. Điều đó đi ngược lại với bản chất cô ta. Rồi cô ta đi hỏi giá đôi hoa tai. Và hoảng sợ. Và tiếp tục đi mượn cuốn sách quảng cáo về khách sạn “Hin-tơn”. Trở về với anh ta, cô ta đã chất vấn về tất cả mọi chuyện, thế là anh ta hiểu, anh ta kinh hãi rụng rời: bản thân mình có thể đi tong…
“Có thể giải thích được không? - Côn-xtan-ti-nốp tiếp tục nghĩ - Khi sang đó, anh ta chưa phải là kẻ phản bội. Cái gì đã quật ngã anh ta? Điều kiện sống khác biệt? Nhưng trên thế giới có biết bao người vẫn sống bình thường trong những điều kiện khác biệt với mình? Biết bao nhiêu người Xô-viết hiện nay làm việc ở nước ngoài? Hàng chục nghìn, có lẽ thế. Nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, mọi điều đều có thể xảy ra, mọi điều đều có thể lay động đến con người - ngẫu nhiên chăng, hay do ngốc nghếch, hay do dại dột… Còn kẻ thù rất nhạy bén, chúng biết khai thác con người, phân tích từng tình huống, góc cạnh của con người như ta chụp quang phổ ấy! Chúng dùng lòng háo danh, hám lợi, rượu chè, đàn bà - tất cả các phương tiện, đã và sẽ được chúng dùng tiếp tục trong việc ấy. Chỉ có người nào bị tê liệt về đạo đức đến mức bệnh hoạn mới trở thành gián điệp. Và Đu-bốp chính là loại ấy…”
Côn-xtan-ti-nốp vào phòng, uống ba viên vi-ta-min C cho đỡ mệt, cả đêm ông đã không ngủ, không một phút nào được ngủ. “Lạ chưa kia - ông nhận xét - những cây li-pa đã nở hoa. Mình cũng muốn ngửi cái mùi hương ấy, hương vị của mùa xuân, trong đó có rất nhiều hy vọng và hạnh phúc! Có ai đó đã viết: “Cái chính là biết ao ước một cách tự tin, khi đó điều ao ước sẽ được thực hiện”. Kể cũng ngây thơ, nhưng chân thành, mình lại cảm thấy như tuổi trẻ trở lại. Ông lau trán, mí mắt, thái dương, kéo lại gần mình quyển sổ của Đu-bốp, lật lật vài trang và đọc thấy những dòng này: “Mọi điều gì thiêng liêng, đều không còn gắn bó với mình: nếu như sở hữu của người khác cũng không còn là thiêng liêng đối với mình, thì mình có thể nhìn vào tài sản ấy như tài sản của mình, và mình có thể giành giật lấy”
“Mỗi con người đều đứng cao hơn một con người cụ thể”
“Người đạo đức bắt buộc phải đi đến chỗ là anh ta không còn kẻ thù nào khác ngoài kẻ vô đạo đức. Và ngược lại.”
“Người ích kỷ, mà mọi kẻ “nhân đạo” luôn sợ hãi, chẳng qua cũng là một ảo ảnh, như hình ma bóng quỷ, nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, như một dáng dấp rất đáng sợ mà người ta bịa tạc ra đó thôi”
“Đừng gọi con người là những kẻ tội lỗi và ích kỷ, gọi thế thì anh không thể nào tìm ra họ! Hãy nhìn mình như nhìn một kẻ có quyền thế hơn là người ta nghĩ về mình, và như thế, anh ta sẽ tạo ra cho mình một quyền thế lớn hơn trước mọi người! Hãy nhìn mình như nhìn vào một người vĩ đại hơn, và anh sẽ có nhiều hơn!”
- Đồng chí thiếu tướng, tôi có thể vào được không ạ?
- Xin mời vào - Côn-xtan-ti-nốp vừa nói vừa nghĩ: “Mình đã đọc được ở đâu những dòng này nhỉ? Hình như là của Stiếc-ne(1). Chính Hít-le cũng hay đọc lại hắn: hắn kêu gào về quyền tuyệt đối, quyền đứng trên kẻ khác, quyền siêu nhân”
Chờ cho mọi người đã vào, ngồi đông đủ quanh bàn, ông nói: - Tôi cho là, tín hiệu “Công viên” đó là chỗ đỗ xe, ở ngay nơi làm việc của Đu-bốp(2)
Hắn ta luôn để xe ở đúng một chỗ, đèn pha hướng về cửa hàng thực phẩm; cô Ôn-ga da ngăm chưa bao giờ nhìn thấy chiếc “Vôn-ga” đỗ ở một địa điểm khác, hoặc tư thế khác. Và hắn ta thường đưa cô ta về nhà mình vào 18 giờ 30 - theo chỉ thị, đó đúng là thời gian mà bọn CIA cần phải nắm bắt được tín hiệu xe. Nhưng, tín hiệu ấy có bao gồm cả hắn ngồi trong xe, hay không cần có hắn - đấy là toàn bộ vấn đề còn lại. Mà cũng có thể là có cả hai người: Đu-bốp và Ôn-ga? Vâng, tôi nói chung là Ôn-ga, điều đó có nghĩa là cả Vin-te trước đây và cả Vrôn-xkai-a bây giờ…

(1) Mắc Stiếc-ne (1806-1856): Nhà triết học duy tâm phản động Đức, nhà lý luận bênh vực chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vô chính phủ (Mác và En-ghen đã từng phê phán trong “Hệ tương tưởng Đức”) (ND)
(2) Nguyên bản dùng từ “PARK”: Tiếng Anh vừa có nghĩa là “Công viên” vừa có nghĩa là “chỗ xe đỗ” (nhưng trong tiếng Nga chỉ có một nghĩa là “Công viên”). Trong đoạn này, công viên Thắng Lợi cũng là một địa điểm hoạt động của Đu-bốp, nên các chiến sĩ an ninh mới suy đoán phân vân (ND)
TASS được quyền tuyên bố
Phần 1 - 4
Phần 5 - 7
Phần 8 - 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
PHẦN 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần Kết