ĐẸP HƠN EM
Tác giả: Alberto Moravia
Ngày tôi còn bé, có lẽ là để khỏi đoán ra được rằng nhà tôi nghèo và con búp bê của tôi -“búp bê của con nhà nghèo”- xấu xí, mẹ tôi dạy tôi một bài hát, trong đó có câu:
- Búp bê ơi! Búp bê của em đẹp làm sao! Gần đẹp hơn cả em!
Đó là điều không đúng sự thật, nói đúng ra là nói dối để tự an ủi. Chúng tôi đúng là nghèo thật, nhưng về sắc đẹp thì ông trời thương gia đình tôi.
Năm này sang năm khác, tôi không xấu đi mà trái lại ngày càng đẹp ra: mười lăm tuổi trông xinh hơn lúc mười tuổi, mười tám tuổi trông xinh hơn lúc mười lăm. Tôi đẹp lắm, đến nỗi một mùa hè gia đình tôi đi nghỉ mát ở biển, tôi được chọn làm hoa hậu. Trong số thành viên của ban chấm thi sắc đẹp có một nhà tư bản, một người đàn ông trung niên. Tôi cho rằng nếu tổ chức cuộc thi xấu xí thì ông ta chắc chiếm giải nhất.
Ngày hôm sau, ông ta ra bãi biển chúc mừng tôi. Ông ta mặc không rõ là một cái quần bơi hay quần đùi, chân đi tất ngắn cũn cỡn đến mắt cá. Hai cái thứ ông ta mặc trên người đó lập tức đập vào mắt tôi, trông không ra làm sao cả.
Trong lúc ông ta đang tung ra một tràng những lời ca tụng, ngợi khen, tôi nhìn ông ta và nghĩ: tại sao trông ông ta xấu xí đến thế nhỉ? Ông ta xấu, cái đó rõ, nhưng tại sao? Cuối cùng tôi hiểu ra: ông ta gây cảm giác về một cái gì được tạo ra một cách vụng về, không thành công, thiếu một hình thù hoàn chỉnh. Không hói, cũng không có mái tóc, ánh mắt không sáng cũng không tối, mũi không thẳng cũng không khoằm, môi không mỏng cũng không dày, vai rộng như người cao lớn vạm vỡ, nhưng chân lại ngắn cũn như một anh chàng lùn. Cả đến ngôn ngữ ông ta nói cũng là một cái gì đó giữa thổ ngữ và tiếng Ý văn chương, một thứ ngôn ngữ ngọng nghịu.
Sau vài lần đến thăm, con người quái đản ấy dám xin cưới tôi, người đẹp được ghi sổ, làm vợ! Tôi biết rằng ông ta rất giàu, nhưng không phải điều đó đã khiến tôi nhận lời. Vấn đề là ở chỗ ông ta nói bằng giọng đầy uy quyền, còn tôi tính tình dễ bảo, nhẹ nhàng và thụ động. Khi ông ta cầm lấy tay tôi, bảo: “Tôi muốn em trở thành vợ tôi” (hãy để ý mà xem: không phải “mong sao”, “ước gì”…mà là “tôi muốn”), tôi đã không thể từ chối mà trả lời luôn: “vâng”.
Và cứ thế: ông ta luôn luôn nói “tôi muốn” còn tôi thì nhất nhất là “vâng”. Ông ta muốn rằng tôi yêu ông ta, và tôi đã yêu. Ông ta muốn tôi sống ở tòa biệt thự cách Rôma năm mươi cây, bên cạnh nhà máy của ông ta, và tôi không phản đối. Ông ta muốn tôi sống cùng với họ hàng gia đình nhà ông: ông bà, bố mẹ, hai bà chị chưa chồng, một ông em –tóm lại là cả nhà ông ta- tôi cũng chấp nhận. Cuối cùng, ông ta muốn rằng chúng tôi có con, và tôi sinh cho ông ta hai đứa.
Như tôi đã nói, ông ta giàu, đúng hơn là rất giàu. Thí dụ cái biệt thự của chúng tôi, theo như ông nói, xây mất hơn năm trăm triệu. Đây không phải là kiểu nhà cổ mà các nhà giàu thường xây để đua tranh với các nhà quý tộc dòng dõi địa phương. Không phải thế, chồng tôi mê hiện đại, và biệt thự của chúng tôi có thể gọi là một cái “máy để sống” thì đúng hơn là nhà: một tầng toàn bằng kính, đá hoa và kim loại, nằm xoài giữa nền cỏ xanh như một con côn trùng có cánh khổng lồ chỉ chực tung cánh bay đi.
Cảm giác đó lại càng tăng khi nhìn đến cách bố trí trong nhà. Tòa biệt thự được bố trí, sắp đặt sang trọng, nhưng trong nhà không có một đồ vật nào do bàn tay người thợ làm ra, dù là hay hay dở dở nhưng với tấm lòng. Mọi thứ ở đây được làm bằng máy, với sự chính xác, tự động tuyệt vời của máy móc. Cả đến màu vải nền cũng giống với màu sơn dân dụng trong công nghiệp hơn là những gam màu dịu nhẹ mà các họa sĩ ưa dùng.
Cái cỗ “máy để sống” không chê vào đâu được đó dĩ nhiên là được trang bị bằng những cái “máy sinh hoạt” cũng không kém hoàn hảo. Chồng tôi say mê cơ khí, nên biệt thự của chúng tôi biến thành một bảo tàng máy móc đủ mọi loại. Có những máy để tiêu khiển: vô tuyến truyền hình, đài, máy quay đĩa, máy chiếu phim. Có những máy để ăn: bếp ga, nồi hấp, tủ lạnh, máy làm kem; những máy để giữ sạch sẽ: máy giặt, máy cọ sàn, máy cạo râu. Tầng dưới có một phòng thể thao với đủ thứ dụng cụ thể thao cần thiết, còn đằng sau nhà có một cái phòng đặc biệt: ga-ra ô tô, trong đó chồng tôi để chín chiếc: ba chiếc “lux” ba ô tô con gia đình và ba ô tô con kiểu “Fiat”. Ông ta thường xuyên thay đổi xe -loại nào cũ thôi không đi nữa, mua loại mới. Theo tôi biết, ông ta thậm chí cũng không đi hết chừng ây ô tô, chỉ say sưa đứng nhìn ngắm chúng hồi lâu, giỏi lắm chỉ đi thử một hai lần trong công viên mà thôi.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng những chiếc ô tô, trái lại với những điều đã nói ở trên, có một hình thù hoàn chỉnh, ít nhất cũng là tôi cảm thấy như thế, do đó chúng đẹp. Mà bản thân hình thù, về phần nó, lại xuất phát từ những tính toán về sự hợp lý, về tính hiệu quả. Nói một cách ngắn gọn, những chiếc ô tô ấy không phải là thứ đồ sơ chế dở dang, mà là cái mà chúng phải có.
Trong cái biệt thự sang trọng này, nơi mà mọi vật sáng loáng, mọi thứ đều hợp lý, không chê vào đâu được, ngay bên cạnh tôi là cả một loạt những con người nửa người nửa ngợm vụng về, xấu xí –đó là họ hàng nhà chồng tôi. Cũng như ông ta, họ xấu xí không phải là vì họ xấu (xin bỏ qua cho tôi cách nói ngược đời) mà là vì họ không có hình thù. Nhìn họ, có thể nghĩ rằng thiên nhiên đã chuẩn bị tao ra những thực thể con người toàn vẹn, nhưng rồi không hiểu vì sao bỗng thôi không thực hiện ý định đó đến cùng, mà tung chúng đi khắp bốn phương dưới dạng chưa hoàn chỉnh như vậy.
Tôi đã có nhắc đến thứ ngôn ngữ ngọng nghịu, nửa thổ ngữ của họ; có lẽ nó phản ánh phương thức suy nghĩ không hoàn chỉnh của họ. Cũng là một sự dở dang, không xác định như vậy trong cách ăn mặc của họ: chẳng ra tỉnh chẳng ra quê, dở dở ương ương.
Đáng buồn là hai đứa con tôi -một trai, một gái- giống bố, giống những người trong họ nhà ông hơn giống tôi.
Một hôm chồng tôi dẫn một người bạn học cũ của ông từ Rôma về nhà chơi. Chồng tôi, như người ta thường nói, là người biết làm ăn. Ít nhất thì ông cũng đã giàu to. Còn ông bạn ông thì ngược lại, không biết làm ăn xoay sở gì cả, nên nghèo vẫn hoàn nghèo như hai mươi năm về trước, vẫn dạy trung học. Tôi không nghĩ rằng chồng tôi thực sự có những tình cảm thân hữu gì với con người này mà trong thâm tâm, ông coi là một kẻ khờ khạo, xúi quẩy. Chắc ông chỉ nghĩ: “anh ta đã thấy lúc mình bắt đầu trong tay có cái gì. Hãy để anh ta xem xem đến bây giờ mình đã đạt được những gì”.
Người giáo viên ấy trông như thế nào? Nếu tôi gặp ông ta ở một nơi nào khác, có lẽ tôi đã không bao giờ chú ý đến ông: một con người bình thường, không có gì đặc biệt. Nhưng khi tôi bước vào phòng khách, trông thấy ông giữa những con người nửa người nửa ngợm kia, những người họ nhà chồng, tôi thầm thốt lên: “một con người đẹp làm sao!”. Nhìn gần thì thấy cái tính từ “đẹp” đó không được chính xác lắm. Ông không đẹp, ông chỉ như một con người bình thường.
Chồng tôi giới thiệu ông với họ hàng nhà mình rồi dẫn ông đi xem biệt thự. Chúng tôi đi một vòng khắp nhà, chồng tôi mở cửa các phòng, ông bạn thì cứ luôn mồm: “Đẹp quá, đẹp quá, tuyệt vời”. Nhưng giọng nói của ông chứa đựng một cái gì giễu cợt. Sau khi đã đi khắp các phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp, cuối cùng chúng tôi ra sân và đi về phía ga-ra. Vừa đúng vài hôm trước chồng tôi mới mua một chiếc xe nhãn hiệu Anh tuyệt đẹp. Thế là cả ba người ngồi lên xe, đầu tiên đi vòng quanh công viên, sau đó ra đường cái. Ông giáo thì cứ cố nhấn đi nhấn lại: “Đẹp quá, đẹp quá, đẹp quá” khiến đến một lúc tôi muốn quát vào tai ông ta: “Thôi đủ rồi, đừng có nhạo nữa! Xe đúng là đẹp quá đi chứ!”.
Nhưng liền ngay đó, đập vào mắt tôi là đôi tay thô kệch, to xù của chồng đặt trên tay lái, và suy nghĩ của tôi bèn theo một hướng khác. Tôi tự hỏi mình: “Mà có thể giữa những cái xấu xí của đôi bàn tay này và vẻ đẹp của xe có một mối liên hệ nào đó chăng?”.
Chúng tôi quay về nhà. Mọi người trong gia đình đã tản về các phòng. Chồng tôi bảo ông cần đến nhà máy, và cáo biệt. Chúng tôi ở lại với nhau: ông giáo, hai đứa con tôi và tôi. Rõ ràng ông giáo có một cái gì đấy không được vui. Ông nói:
- Một ngôi nhà tuyệt vời. Bao nhiêu là thứ đẹp…Nhưng chị có biết trong đó cái gì là đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ nhất không?
- Cái gì?
- Đấy là chị!
Lời khen hơi cổ, và thậm chí có thể không hoàn toàn thành thật, nhưng đối với tôi nó vụt gây một ấn tượng như ánh chớp trong đêm. Tôi luôn ngạc nhiên rằng tại sao có một ngôi biệt thự như thế này nhưng tôi không bao giờ cảm thấy sung sướng. Đột nhiên nghe cái chữ “thứ” mà ông giáo dùng kể ra không được thích hợp lắm đối với tôi đó, tôi bỗng tỉnh ngộ: tôi không sao có thể sung sướng, hãnh diện về những đồ vật đẹp đầy dẫy trong nhà, chính là vì bản thân tôi cũng là một thứ đồ vật, một trong nhiều đồ vật –ít nhất cũng là đối với chồng tôi! Tôi nhớ lại những chiếc ô tô sang trọng mà tôi vừa ngắm nghía và chợt nghĩ: không, tôi không phải là người nhà của tất cả những em chồng, chị chồng, cô bác, ông bà, cha mẹ, anh em họ, chị em họ này. Mái tóc đen mượt của tôi, đôi mắt xanh lơ rất đẹp, cái miệng có duyên và dáng người tuyệt diệu của tôi nói lên rằng tôi không phải là người nhà của họ, mà tôi chỉ có quan hệ họ hàng với chiếc ô tô đẹp này, tôi với nó cùng chung một giống (suýt nữa tôi nói là chung một giòng máu).
Trong lúc đó, ông giáo bối rối nhìn những đứa con tôi. Tôi nói:
- Hai cháu giống bố, không lấy gì làm đẹp lắm.
Ông không đáp, có lẽ đồng ý với tôi. Tôi nói tiếp:
- Trong nhà này đầy những đồ vật đẹp và những con người xấu.
Ông giáo thở dài, lặng im một lúc rồi nói:
- Tiếc rằng đặc điểm của nền văn minh của chúng ta là những đồ vật do nó tạo ra đẹp hơn nhiều so với những người sở hữu và sử dụng chúng.
- Nhưng trên đời cũng có những người đẹp chứ!
Tôi nghĩ về mình. Còn ông, chắc rằng cũng đang nghĩ về tôi, trả lời:
- Thì những người ấy sẽ thôi không là người, mà trở thành đồ vật.
Đứa con gái xấu xí của tôi lại gần ông. Trong tay nó là con búp bê hiện đại áo váy diêm dúa như một bà quý tộc: mặc mini-jip, chân đi giày cao gót, cổ cài nơ.
- Cháu có con búp bê đẹp không này!
Và tự nhiên, ông cũng không ngờ rằng chính ông đã nhắc lại câu hát ngày xưa của tôi:
- Đẹp, đẹp lắm! Đẹp hơn cả cháu!