TRỘM VÀO NHÀ THỜ
Tác giả: Alberto Moravia
Khi sói mẹ và sói con bị đói, bụng rỗng ngồi đó rên ư ử và cắn xé lẫn nhau thì sói bố làm gì? Con sói đực sẽ làm gì, tôi hỏi bạn? Nó làm gì lúc đó, tôi nói cho các bạn rõ nhé: nó ra khỏi hang ổ, đi tìm mồi; có thể, tuyệt đường hy vọng, nó xuống làng, lẻn vào các nhà. Và những người nông dân giết chết nó là phải, khi nó lẻn vào nhà nông dân và xông vào họ. Thành thử mọi sự điều đúng, và ở đây chẳng ai có tội cả. Nhưng vì lẽ phải đó, cái chết đã thoát thai.
Tôi chính là con sói bố mùa đông năm ấy, và tôi cũng sống theo lối sống của sói –không sống trong nhà cửa, mà trong một cái hang ở chân đồi Môngtơ Mariô, trong những mỏ lộ thiên bỏ hoang. Ở đó có rất nhiều hang, nhưng hầu hết các hang đều bị phủ đầy bụi gai, chẳng luồn vào được. Chỉ có hai cái là ở được, một của tôi và một của ông cụ già Puliti, cụ vừa đi ăn mày vừa nhặt giẻ rách. Xung quanh chỗ đó là một màu vàng, trần trụi, cửa hang đen xì, ám khói. Trước hang của ông cụ Puliti bao giờ cũng có một đống giẻ rách mà ông nhặt nhạnh, tích lại; trước cửa hang tôi có một chiếc biđông to đựng dầu dùng làm bếp nấu. Vợ tôi tay bế con, luôn luôn phùng mồm thổi lửa.
Nói quả đáng tội, bên trong cái hang trông khá hơn một cái buồng vớ vẩn nào đó, cũng rộng rãi, khô ráo, sạch sẽ, trên mặt đất trải đệm, đồ đạc xống áo móc trên đinh. Tôi để cả gia đình ở lại trong hang, một mình đi Rôma tìm việc, tôi là một lao công, thường vẫn làm nghề thợ đấu. Nhưng đông đến, chẳng hiểu tại sao công việc đất cát ít hẳn đi. Giờ đây tôi phải luôn luôn đổi nghề, rồi cuối cùng tôi hoàn toàn thất nghiệp. Tối tối, khi tôi quay về hang, dưới ánh đèn dầu, vợ tôi ngồi trên đệm nhìn tôi, thằng bé áp vào ngực cô ta, nhìn tôi, hai thằng lớn đang chơi dưới đất, cũng nhìn tôi, còn tôi, thấy trong bốn cặp mắt đó cùng biểu hiện một chữ “đói”, tôi cảm thấy mình đúng là con sói đực trong một gia đình sói, và tôi nghĩ bụng: “Nếu mình chẳng đem gì về cho chúng ăn, thì chúng sẽ xé xác mình ra từng mảnh mất”.
Ông cụ Puliti với chòm râu bạc trong hang, trông cứ như một ông thánh thực sự, nhưng vừa mở mồm ra là thấy ngay đấy là một ông lão gian xảo. Ông cụ thường bảo tôi:
- Sao nhà cậu đẻ lắm vậy? Để cho chúng nó khổ à? À mà tại sao cậu không đi nhặt mẩu vụn thuốc lá nhỉ? Bán đi cũng thu được chút ít đấy.
Nhưng tôi chẳng thể bắt mình đi nhặt mẩu thuốc lá, vì tôi muốn có một công việc thực sự. Một buổi tối, khi hết cả hy vọng, tôi nói với vợ:
- Anh chẳng muốn sống mãi như thế này nữa…Em biết không? Anh sẽ đứng núp ở một xó, người đầu tiên đi qua, là anh sẽ…
Vợ tôi ngắt lời:
- Anh muốn vào tù sao?
Tôi nói:
- Vào tù lại được nuôi ăn.
- Nuôi anh được thôi, nhưng thế còn mẹ con chúng em?
Phải nói là câu ấy đã khiến tôi suy nghĩ.
Chính ông cụ Puliti đã gieo cho tôi ý nghĩ vào ăn trộm nhà thờ. Ông cụ thường đi ăn xin ở các nhà thờ và có thể nói là thuộc lòng tất cả những nhà thờ ấy. Ông cụ thuyết phục tôi, nói rằng nếu tối đến, tôi nấp được ở trong nhà thờ trước khi người ta khóa cửa, thì sáng ra có thể lẻn đi mà không ai biết. Nhưng ông cụ căn dặn:
- Cẩn thận đấy…Các cha cố không ngốc đâu…Đồ quý họ để trong tủ sắt, chỉ bày ra ngoài những đồ bằng thủy tinh thôi.
Ngoài ra, ông cụ hứa sẽ đem đồ đi bán hộ, nếu như tôi ăn trộm được. Nói chung là ông cụ nói cứ ngon ơ, mặc dầu lúc đầu tôi chẳng muốn nghĩ mà cũng chẳng muốn nói đến chuyện đó. Còn ý nghĩ thì chúng cũng như những con rận ấy: đã bò vào là cứ tự ý tung tăng, rồi bỗng dưng cắn mình nhói một cái, làm mình phải thót lên vì bất ngờ.
Thế rồi một tối, nó đã cắn tôi như vậy, và tôi đem chuyện ấy nói với vợ. Cần phải nói là vợ tôi rất ngoan đạo, khi chúng tôi còn ở quê, cô ta thường lui tới nhà thờ nhiều hơn là ở nhà. Cô ta bảo tôi:
- Anh điên mất rồi!
Tôi chỉ đợi cô ta phản đối, nên đáp:
- Có phải trộm cắp gì đâu…Tại sao người ta dâng cho nhà thờ những vật ấy? Để làm phúc mà lỵ…Nếu chúng mình lấy những cái đó, thì để làm gì? Để được quả phúc thôi…Vậy thì ban quả phúc cho ai, ngoài chúng mình ra, là những kẻ rất cần đến quả phúc ấy?
Cô ta lúng túng nói:
- Sao anh lại nghĩ được như thế nhỉ?
Tôi nói:
- Chuyện ấy việc gì đến em. Trả lời anh câu này: Có phải sách kinh dạy là cần cho kẻ đói khát được no đủ không?
- Có đấy.
- Mình có phải là kẻ đói khát không?
- Có!
- Vậy, có nghĩa là mình chỉ thực hành nhiệm vụ của mình thôi…Mình làm một việc có thiện quả.
Nói tóm lại là tôi cứ cái giọng ấy mà nhắc đi nhắc lại với cô ta, luôn dựa vào tôn giáo –đó là yếu điểm của cô ra mà- rồi cuối cùng, cô ta đã vỡ nhẽ ra. Sau đó, tôi nói thêm.
- Có điều anh không muốn để em trơ trọi một mình. Cứ đi với anh. Họ mà có bắt được thì chúng mình cùng ngồi tù với nhau.
- Thế còn con cái anh ơi.
- Con, cứ để cụ Puliti trông nom…Rồi chúa sẽ lo cho chúng nó.
Nói chung, chúng tôi thỏa thuận với nhau rồi báo cho cụ Puliti biết mọi sự. Ông cụ bàn kế hoạch hành động với chúng tôi và tán thành kế ấy. Cuối cùng cụ vuốt râu, nói:
- Anh Đômênicô, nghe lão già này, đừng động đến những trái bằng bạc nhé. Của rẻ đấy. Có lấy thì lấy những đồ quý.
Giờ thì nhớ đến ông cụ Puliti với chòm râu của ông, những lời ông dặn dò tôi thật nghiêm chỉnh, tôi lại thấy buồn cười.
Vậy là đến ngày đã định trước, chúng tôi để các cháu lại cho cụ Puliti rồi đi xe điện tới Rôma. Thật y như hai vợ chồng sói đói từ trên núi lần xuống làng xóm; nhìn chúng tôi lại càng thấy giống: vợ tôi thấp lùn, to ngang, vai rộng, tóc dày xoăn tít như cái bếp lửa úp trên đầu, mặt cường quyết; tôi thì gầy nhom như một anh chàng chuyên lột da thú, má hóp, râu đâm tua tủa, đôi mắt sâu hoắm long lên sòng sọc. Chúng tôi chọn một nhà thờ cổ trên một phố trong ra Cóoxô. Nhà thờ rộng và tối như bưng, vì xung quanh nó là những ngôi nhà cao; bên trong có hai hàng cột, sau các hàng cột là hai chái hẹp, tối và một vài bàn thờ xép, đầy những đồ vật quý. Trên tường, dưới lớp kính có treo rất nhiều những trái tim vàng và bạc, nhưng tôi để ý đến một tủ kính nhỏ, trong tủ, trên mặt nhung đỏ, giữa một số trái tim quý giá hơn, có chuỗi ngọc lam. Tủ kính đó để ở bàn thờ xép dành cho đức Thánh Mẫu; trên bàn thờ là tượng Thánh Mẫu to bằng người thật đứng dưới tán che toàn thân sơn son thếp vàng, đầu có vòng hào quang kết bằng những đèn thờ, dưới chân là rất nhiều hoa cùng những cây nến.
Chạng vạng tối, chúng tôi mới lọt vào nhà thờ, và đợi lúc ở bàn thờ xép đó không có ai, chúng tôi liền nấp ngay ở phía sau. Đằng sau bức tượng có một vài bậc lên xuống, chúng tôi ngồi vào đó. Lúc ấy đã muộn, bác coi nhà thờ đã lệt xệt lê chân đi khắp cả, miệng lẩm bẩm: “Đóng cửa đây”. Nhưng bác ta không nhìn vào sau bàn thờ, mà chỉ tắt các ngọn đèn thờ, để chừa lại hai cây nến đỏ ở hai bên. Sau đó tôi nghe thấy bác khóa cửa lách cách và đi qua suốt nhà thờ tới kho đồ thánh. Bọn tôi ở lại trong hành lang hẹp giữa bàn thờ và tường hậu. Tôi cứ run lên lẩy bẩy như người sốt rét khẽ bảo vợ:
- Này, lẹ lẹ lên…Mình mở tủ kính ra đi.
Vợ tôi bảo:
- Khoan đã…đi đâu mà vội?
Tôi nghe thấy cô ta ra khỏi chỗ nấp. Cô ta đứng ngay giữa bàn thờ xép, trong bóng tối mờ mờ, cô làm dấu thánh, cúi rạp mình xuống, sau đó lùi lại một tí, rồi lại làm dấu, lại cúi xuống. Sau hết, tôi thấy cô ta quỳ gối trong một góc và chắp tay cầu nguyện. Cô cầu gì tôi không rõ, nhưng tôi biết là cô ấy chẳng tin gì lắm vào chuyện mình đang làm điều thiện như tôi đã nói với cô ta, và cô ta muốn hết sức hết lòng tự bào chữa cho việc mình làm. Cô ta cúi đầu, do đó không nhìn rõ khuôn mặt dưới mái tóc dày; sau đó, dưới làn ánh sáng đỏ mờ, cô ta ngẩng đầu lên, rồi lại cúi xuống, mấp máy môi như người lần tràng hạt.Tôi đến gần cô ấy, thận trọng thì thào:
- Có thể về nhà mà cầu nguyện, em ạ!
Cô ta nói sẵng:
- Để mặc em, nhà thờ rộng, anh đi đi, đứng đây làm gì?
Tôi thì thào:
- Em có muốn trong khi em cầu nguyện, anh mở cái tủ kính ra không?
Cô ta lại sẵng giọng:
- Không, em chả muốn gì hết…Đưa cho em cái móc sắt kia.
Tôi thủ sẵn trong mình một cái gióng cửa mà dùng nó để mở cái tủ kính ọp ẹp kia thì thật là thích hợp. Tôi đưa cho cô ta rồi bỏ đi. Tôi đi loanh quanh trong nhà thờ, không biết làm gì. Tôi thấy sờ sợ. Trong tòa thánh đường mờ tối với những vòm mái âm vang, với bàn thờ chính rộng lớn lấp lánh tận sâu phía trong cùng, với những ghế xưng tội đen sì phủ kín ở hai bên chái.
Tôi rón rén luồn qua hai hàng ghế dài trống không, tới cửa ra vào, sống lưng ớn lạnh, y như có người đang theo dõi tôi. Tôi định mở cửa, nhưng cửa đóng kín mít; bấy giờ tôi liền quay trở lại, ngồi mé trái cạnh một phần mộ xây, được soi sáng bằng một ngọn đèn đêm đỏ, leo lét.
Phần mộ được xây thụt vào trong tường, trên đó có một phiến đá hoa cương to màu đen, mặt nhẵn, hai bên có hai hình người một bộ xương với lưỡi hái, và một người đàn bà trần truồng, thân thể cuộn trong chính mớ tóc của mình. Đó là những pho tượng tuyệt tác bằng đá hoa cương ngà ngà vàng, nhẵn bóng.
Tôi đứng ngắm nghía hai pho tượng ấy, thấy hình như trong bóng tối mờ mờ, chúng động đậy và người đàn bà định chạy khỏi bộ xương, nhưng bộ xương lịch thiệp níu tay cô ta lại. Bây giờ, để lãng quên đi, tôi phải nghĩ đến cái hang nhà, lũ trẻ con, cụ Puliti, và lòng tự nhủ lòng là nếu bây giờ có ai đề nghị tôi thoái lui và lại quyết định lại nên làm gì, thì tôi vẫn làm chuyện đó hay một việc gì đại loại như vậy.
Nói chung, không phải tình cờ mà tôi rơi vào nhà thờ này, không phải tình cờ tôi đã nghĩ đến một công việc như vậy, không phải tình cờ mà trong đời, tôi chẳng tìm được cho bản thân mình một cái gì tốt đẹp hơn. Và giữa dòng suy nghĩ mông lung đó, tôi bỗng buồn ngủ và thiếp ngay đi. Đấy là một giấc ngủ nặng nề, không mộng mị, và trong cái nhà thờ lạnh như nhà hầm này, người tôi cứ run lên đây đẩy. Tôi ngủ tít, và chẳng hay biết gì nữa.
Sau đó có ai lay lay tôi, tôi lẩm bẩm trong cơn ngái ngủ:
- Yên nào, cứ quấy rầy mãi!
Nhưng người ta vẫn cứ tiếp tục lay lay tôi, tôi liền mở mắt và thấy bao nhiêu người: ông cụ coi nhà thờ đang trố mắt nhìn tôi, ông cha đạo già có bộ tóc bạc bù xù, với bộ quần áo khoác vội lên người, hai thày cảnh sát và giữa họ là vợ tôi, mặt mũi ủ dột. Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, nói:
- Các vị để chúng tôi yên…Chúng tôi là dân không nhà cửa, vào nhà thờ ngủ đỡ…
Thế là một thày cảnh sát dí vào mặt tôi một cái gì đó; đang còn ngái ngủ, tôi tưởng đó là chuỗi tràng hạt, sau thì tôi nhìn rõ nó là chuỗi ngọc lam.
- Nó là cái gì vậy, để chiêm bao đấy phải không? thày cảnh sát nói.
Rốt cục, sau khi bàn tới bàn lui một lát, các thày cảnh sát tóm lấy chúng tôi, giải đi khỏi nhà thờ.
Vẫn còn là đêm, nhưng đã hơi tang tảng, đường phố vắng tanh vắng ngắt, ướt đẫm sương. Chúng tôi cúi gầm đầu, lặng lẽ rảo bước, cảnh sát bao quanh. Tôi thấy vợ tôi đi trước, trông thật thấp lùn, nghèo khó, với chiếc váy ngắn, tóc lởm chởm trên đầu, tôi thấy thương cô ta hết sức, bèn bảo một thày cảnh sát:
- Tội nghiệp vợ con tôi quá.
Thày hỏi:
- Các con anh ở đâu?
Tôi kể lể. Thày cảnh sát nói:
- Bác là bố trong một gia đình…Làm sao đầu óc lại nghĩ đến chuyện làm ăn như vậy? Nhẽ ra phải nghĩ đến con cái mới phải.
Tôi trả lời thày ta:
- Tôi làm chuyện ấy là vì nghĩ đến con cái đấy thôi.
Đến đồn cảnh sát, một người đàn ông trẻ tuổi, tóc hoe ngồi bên bàn giấy, thấy chúng tôi, nói:
- À, cái bọn ăn trộm đồ thánh…
Bỗng vợ tôi kêu lên the thé:
- Xin chúa trời chứng giám, tôi không có tội!…
Tôi chưa từng thấy cô ta có cái giọng ấy bao giờ, đến nỗi tôi há hốc cả mồm.
Ông cẩm nói:
- Có nghĩa là chồng cô có tội?
- Cũng không phải ạ.
- Thế hóa ra là ta có tội đấy…Thế làm sao mà chuỗi ngọc lại rơi được vào tay chị?
Vợ tôi nói:
- Đức Thánh Mẫu từ trên bàn thờ bước xuống, tự tay mở tủ kính lấy cho tôi chuỗi ngọc.
- Ái chà, Thánh Mẫu…thế Thánh Mẫu cho nhà chị cả cái móc sắt mở khóa à?
Nhưng vợ tôi, giơ hai tay lên cao, tiếp tục hét lên bằng cái giọng điên loạn:
- Nếu tôi nói sai, xin cứ vật tôi chết ngay tại chỗ này này!
Họ hỏi cung chúng tôi chẳng biết bao nhiêu lâu, nhưng tôi nói là mắt tôi chẳng trông thấy đích thực là như thế nào, còn vợ tôi thì cứ nhất định quả quyết là bà Thánh Mẫu đã đem cho chuỗi ngọc. Thỉnh thoảng cô ta lại quát lên:
- Hỡi các con chiên, hãy quỳ gối trước phép màu!
Tóm lại, cô ta có vẻ như bị ma ám hay loạn trí làm sao ấy. Rốt cục người ta giải cô ấy đi, còn cô ta vẫn cứ la hét và kêu gọi Thánh Mẫu. Tôi đoán người ta dẫn cô ấy vào trạm y tế. Ông cẩm hỏi tôi xem có cho là vợ tôi điên không, và tôi trả lời ông:
- Có thể là như vậy.
Vả lại, người điên có phải là người ốm đâu, có điều họ cứ tưởng tượng ra khác hẳn mọi người…Sau đó, tôi nghĩ biết đâu vợ mình nói đúng sự thật, và như vậy thì quả là đáng giận nếu như tôi chẳng được tận mắt nhìn thấy Thánh Mẫu công bằng từ trên bàn thờ bước xuống, mở tủ kính ra và trao cho vợ tôi chuỗi ngọc màu lam ấy.