watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những truyện ngắn của Alberto Moravia-Người Lái Xe Vận Tải - tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia

Alberto Moravia

Người Lái Xe Vận Tải

Tác giả: Alberto Moravia

Người tôi gầy gò, tính tình rầu rĩ, tay khẳng khiu, chân dài đuồn đuỗn, còn bụng thì phẳng lì, khiến thắt lưng luôn trễ. Tóm lại, tôi chẳng giống một người lái xe vận tải chút nào.
Hãy nhìn họ mà xem: toàn những tay sắc dài vai rộng, chân tay lực lưỡng như dân bốc vác, ngực và bụng đều vạm vỡ. Bởi vì đối với người lái xe tải, quan trọng nhất là cánh tay, lưng và bụng. Tay để quay vôlăng, mà vôlăng xe tải đường kính chỉ ngắn hơn chiều dài cánh tay là mấy, hơn nữa đi đường núi thì có khi phải quay hết cả một vòng. Còn lưng thì để nhiều giờ liền ngồi mãi trong một tư thế không thay đổi. Và cuối cùng, bụng là để ngồi vững trên chiếc ghế, cùng với ghế xe làm thành một thể thống nhất. Đấy là nói về những phẩm chất hình dáng và sức khỏe. Còn tính tình, thì tôi lại càng ít phù hợp hơn nữa. Người lái xe vận tải phải là con người vô tư, không được suy nghĩ những chuyện gì ngoài lề hoặc xúc động về điều đó. Còn về phụ nữ, thì người lái xe chỉ được nghĩ về họ cũng ít như là người lính thủy; nếu không, những chuyến đi về bất tận sẽ làm anh ta phát điên. Tôi thì luôn luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ không bình yên. Về khí chất, tôi là một kẻ đa sầu đa cảm,và yêu phụ nữ.
Nhưng, tuy rằng cái nghề này rõ ràng không phù hợp với tôi, tôi vẫn muốn trở thành người lái xe tải, và tôi đã tìm được việc trong một công ty vận tải. Người ta phân cho tôi một anh bạn cùng lái tên là Palômpi, một con vật thực thụ, có thể nói là như thế. Đó là một người lái xe lý tưởng. Những người lái xe tải thường không lấy gì làm thông minh cho lắm, nhưng Palômpi lại còn có vinh hạnh sinh ra đã là một kẻ ngu đần. Anh ta với xe tạo thành một thực thể thống nhất. Palômpi đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng vẫn còn giữ lại rất nhiều nét trẻ con: hai má phúng phính, mắt nhỏ tí dưới cái trán thấp và miệng như cái khe ở ống đựng tiền tiết kiệm. Anh ta nói ít và ít khi nói, phần lớn chỉ lầu bầu, lầu bầu. Những tia sáng của trí tuệ chỉ xuất hiện ở anh ta khi nào nói đến chuyện ăn. Tôi nhớ có lần ở itơri, trên đường đi Napôli, cả hai cùng đói và mệt, rẽ vào một cái quán. Trong quán không còn gì cả, chỉ còn món đậu xào mỡ lợn miếng. Tôi thấy khó ngắc, nhưng cố ăn. Vậy mà Palômpi làm luôn hai tô đầy. Xong, ngồi ngả người trên ghế, anh ta nhìn tôi trang nghiêm như đang định nói với tôi một điều gì vô cùng quan trọng. Tay xoa bụng, anh phán:
- Tớ có thể ăn được bốn bát như thế này nữa –đó là cái ý nghĩ vĩ đại mà anh ta muốn nói với tôi.
Với một người bạn đường như vậy, điều dễ hiểu là tôi mừng rỡ ra mặt khi lần đầu tiên chúng tôi gặp Italia. Độ ấy, tuyến đường chúng tôi đi là Rôma- Napôli, và hàng chúng tôi chở gồm đủ thứ: gạch, sắt thép, giấy in báo, gỗ, hoa quả. Thỉnh thoảng chúng tôi còn chuyên chở hàng đàn cừu từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Italia vẫy xe ở Têrachina và xin đi nhờ. Chúng tôi đã có lệnh không được cho ai đi nhờ, nhưng trông thấy Italia, chúng tôi quyết định rằng lần này có thể linh động được. Chúng tôi mời cô ngồi vào cabin, cô bèn nhanh nhẹn nhảy lên xe, ngồi vào chỗ, nói:
- Những ông tài luôn luôn nhã nhặn muôn năm!
Hình thức và bộ dạng của Italia khiêu khích một cách bất thường -phải nói là như thế mới đúng. Người cô dài và thon, ngực thì to căng và nhọn như muốn chọc thủng cái áo mút cổ lọ rất đẹp bó sát lấy người cô xuống đến tận mông. Cổ cô cũng cao, đầu nhỏ, mái tóc đen và đôi mắt to xanh biếc. Nhưng chân thì lại cong và ngắn lũn cũn. Nói chung thì cô không phải là đẹp, nhưng còn hơn là xinh đẹp. Cô đã chứng minh điều đó với tôi ngay trong lần đầu tiên: khi đến dốc Sixterna, tôi đổi tay lái cho Palômpi và ngồi sang bên, cô cầm lấy tay tôi, và cứ thế nắm chặt cho đến tận Venletơri, khi tôi lái thay Palômpi cô mới bỏ ra. Bấy giờ là mùa hè, bốn giờ chiều, là lúc nóng nhất trong ngày. Hai bàn tay chúng tôi ướt đẫm mồ hôi, nhưng cô vẫn lúc lúc lại ngước cặp mắt xanh Digan nhìn tôi, và bây giờ tôi hiểu ra rằng cuộc sống mà suốt thời gian dài đối với tôi chỉ là con đường rải nhựa xa tắp, thì nay đã bắt đầu mỉm cười với tôi. Tôi đã tìm thấy cái điều mà tôi vẫn tìm: một người phụ nữ để có thể nghĩ về người đó. Trên quãng đường từ Sixterna đến Venletơri, Palômpi dừng xe lại xuống xem lốp xe. Tôi lợi dụng thời cơ đó để hôn Italia. Đến Venletơri, tôi vui vẻ ngồi lên lái thay cho Palômpi -những cái nắm tay và một cái hôn đối với tôi như vậy là đủ cho ngày hôm nay.
Từ hôm ấy, Italia thường xuyên mỗi tuần một lần, có khi hai lần xin chúng tôi cho đi nhờ xe từ Rôma đến Têrachina và ngược lại. Buổi sáng cô đứng đợi chúng tôi, luôn luôn cùng với một cái vali hoặc một cái bọc to, ngồi lên xe, và nếu như Palômpi đang ngồi sau tay lái htì cầm lấy tay tôi cho đến tận Têrachina. Khi chúng tôi từ Napôli về, thì cô đã đứng đợi xe ở Têrachina, trèo lên cabin, và lại bắt đầu những cái nắm tay hồi lâu và thậm chí cả một vài cái hôn lén –dù cô cố quay đi- khi Palômpi không nhìn thấy chúng tôi. Nói tóm lại là tôi đã phải lòng thực sự, có thể còn là vì đã lâu tôi không yêu một người phụ nữ nào, mà như vậy đối với tôi chưa phải là đã quen. Đến mức chỉ cần một cái nhìn nào đó khác thường của cô là tôi đã đâm cảm động và suýt ứa nước mắt, y như một đứa trẻ. Đó là những giọt nước mắt cảm động, nhưng tôi cứ thầm nghĩ rằng đó là biểu hiện của sự yếu đuối thật không xứng với đấng nam nhi, nên tôi cô kìm những giọt nước mắt ấy lại. Khi tôi ngồi sau tay lái, hai chúng tôi thừa lúc Palômpi ngủ, khẽ nói chuyện với nhau. Tôi hoàn toàn không nhớ mình đã nói với cô những chuyện gì, chắc là những chuyện vặt, những câu tán vui và nói đùa mà những người đang yêu thường nói với nhau. Tôi chỉ nhớ rằng thời gian đã trôi đi rất mau: cả đến con đường dài dằng dặc từ Têrachina, kỳ diệu thay, cũng đi qua từ lúc nào. Tôi giảm tốc độ xuống đến ba mươi, hai mươi cây số giờ, đến nỗi chiếc xe ngựa cũng chút nữa thì vượt chúng tôi, vậy mà đường vẫn chóng hết và Italia đã phải xuống rồi. Đêm đến lại còn thích hơn: trên đường xe cộ vắng hẳn, tôi một tay cầm vôlăng, tay kia ôm ngang người Italia. Khi trong bóng đêm, những ngọn đèn của những chiếc xe ngược chiều mà tôi gặp sáng lên rồi tắt đi, tôi muốn ánh sáng của những chiếc đèn của xe tôi đáp lại tín hiệu của xe họ bằng những lời diễn tả tâm trạng hạnh phúc xiết bao của tôi, thí dụ như: tôi yêu Italia và Italia cũng yêu tôi.
Palômpi hoặc không để ý gì cả, hoặc giả vờ như không để ý thấy gì hết. Anh ta chưa lần nào tỏ ra phản đối việc Italia thường đi nhờ xe chúng tôi. Khi cô ta trèo vào cabin, anh ta ậm à ậm ừ cái gì đó để chào hỏi, rồi né người nhường chỗ cho cô. Italia lần nào cũng ngồi giữa, vì tôi còn phải ngồi trông đường để những khi có xe khác ở phía sau vượt lên thì nói cho Palômpi biết đường đã đi được chưa. Palômpi cũng không phản ứng gì cả khi tôi -mê mẫn vì yêu- muốn viết lên kính một cái gì đó luôn luôn gợi nhớ đến Italia. Suy nghĩ một chút, tôi viết lên cửa kính xe một dòng chữ to “Italia muôn năm!”. Palômpi thộn đến mức không hiểu tính chất hai nghĩa của câu ấy, trong khi các ông bạn lái xe cười hỏi chúng tôi đã trở thành những người yêu nước từ bao giờ thế. Chỉ khi ấy anh ta mới ngạc nhiên nhìn tôi và khoái chí nói:
- Họ tưởng Italia là nước Ý, nhưng thực ra lại là một cô gái…Cậu thông minh đấy, cậu nghĩ ra cái ấy hay thật.
Tất cả những cái đó tiếp diễn trong vòng hai tháng. Một lần, sau khi cho Italia lên xe như thường lệ ở Têrachina, chúng tôi nhận được lệnh ở Napôli là dỡ hàng xong, không ngủ lại mà phải quay lại Rôma ngay. Tôi rất chán, vì đáng lẽ sáng hôm sau tôi được gặp lại Italia, nhưng mệnh lệnh. Tôi ngồi sau tay lái, còn Palômpi lập tức ngáy khò khò. Đoạn đường đến itơri, xe đi tốt, vì có nhiều chỗ ngoặt, mà ban đêm, khi bạn đã bắt đầu mệt, thì chỗ ngoặt là người bạn tốt nhất của người lái xe vì nó buộc anh ta phải mở to cả hai mắt ra nhìn đường. Nhưng từ itơri trở đi, xe đi giữa những vườn cam bạt ngàn. Ở Phônđi, cơn buồn ngủ bắt đầu xâm chiếm tôi, và để xua đuổi nó tôi bắt đầu nghĩ về Italia. Những ý nghĩ ngày càng bện chặt trong tâm trí tôi tựa như những nhành non trong vườn, lá cành ngày một xum xuê và cuối cùng biến thành một khu vườn dày đặc, tối om, không đi qua nổi. Tôi nhớ rằng mình chợt nghĩ: “may là mình nghĩ về cô ấy, nếu không đã ngủ từ lâu”. Nhưng lúc đó tôi đã đang ngủ và nghĩ vậy trong mơ. Chính giấc mơ đã nhắc nhủ tôi ý nghĩ ấy, để tôi ngủ càng được yên hơn, ngon lành hơn. Nhưng đúng lúc ấy, tôi cảm thấy rằng xe đã trượt ra khỏi đường và lao xuống rãnh. Tôi nghe thấy tiếng kêu rắc đằng sau xe và tiếng chiếc rơmoóc đổ uỳnh xuống. Xe đi chậm nên cả tôi lẫn Palômpi đều không việc gì. Nhưng khi ra khỏi cabin, chúng tôi thấy chiếc rơmoóc đã đổ kềnh, còn hàng chở trên xe -những tấm da tươi, đã đổ nhào xuống đất. Đêm không trăng tối đen như mực, chỉ có sao lấp lánh trên trời. May thay, sự cố xảy ra ở ngay gần Têrachina: bên tay phải chúng tôi là núi, còn bên tay trái, sau những cánh đồng nho, là biển đen bình lặng.
Palômpi chỉ nói:
- Xem tác phẩm của cậu này! –và nêu ý kiến là vào làng gọi người ra giúp.
Từ đây đến Têrachina rất gần, và Palômpi tuyên bố rằng anh ta thấy đói rồi. Ô tô cần trục cũng phải vài tiếng nữa mới tới được –anh ta bảo- còn bây giờ rẽ vào một cái quán nào đấy ngồi cũng hay. Chúng tôi đi tìm một cái quán hay nhà nào đó. Nhưng đã hơn mười hai giờ đêm. Trên một vùng đất hồi chiến tranh bị bom cày xới nặng chỉ có mỗi một tiệm cà phê, nhưng nó cũng đóng cửa. Chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ hình như dẫn ra biển, đi được mấy bước thì thấy một tấm biển có đèn sáng. Thấp thỏm hy vọng, chúng tôi rảo bước, và thấy quả đúng là một quán ăn thật. Nhưng cửa sắt đã đóng một nửa -vậy có nghĩa là quán đã đóng cửa. Mặt trước quán là cửa kính, do đó qua nửa cửa để ngỏ, có thể vào trong.
- Rồi cậu xem, họ khôn mở đâu –Palômpi nói, và cúi xuống nhìn vào bên trong.
Tôi cũng cúi xuống xem. Chúng tôi thấy một gian phòng ăn kiểu nông thôn với mấy cái bàn và một cái bệ ngang. Những cái ghế nằm úp trên mặt bàn. Italia đứng giữa sàn cầm một cái chổi cọ đang cặm cụi quét dọn. Mé bên trong, sau cái bệ ngang là một người đàn ông gù. Tôi đã nhìn thấy nhiều thằng gù, nhưng gã này thì chưa từng thấy bao giờ. Chống hai tay ôm lấy má khiến cái đầu ngập hẳn trong hai vai còn cái lưng gù thì vồng lên bên trên đầu, hắn chăm chú nhìn Italia bằng hai con mắt to tướng, đen và dữ tợn. Italia nhanh chóng quét xong sàn, thế rồi thằng gù nói gì đó với cô, và cô đến gần hắn và hôn hắn một cái hôn dài. Sau đó, cô ta lại cầm lấy chổi và chạy đi chạy lại lăng xăng trong nhà. Thằng gù rời khỏi cái bệ ngang bước ra. Hắn ăn mặc như một dân chài: đi dép, mặc một cái quần đánh cá ống bó màu xanh, ngắn chỉ đến quá đầu gối và một cái áo cổ bẻ. Hắn bước ra đến cửa, cả hai chúng tôi lùi phắt lại phía sau. Thằng gù mở cánh cửa kính, đóng kín cửa sắt lại. Để giấu tâm trạng bồi hồi, tôi nói:
- Ai có thể nghĩ được là như thế?
- Hừ -Palômpi “hừ” một tiếng rõ to và dài, trong đó chứa đựng một nỗi buồn khiến tôi sửng sốt.
Chúng tôi đi lại chỗ xe đỗ và suốt thời gian còn lại của đêm hì hục dựng rơmoóc và bốc những tâm da rơi xuống đât lên xe.
Buổi sáng, khi chúng tôi đến gần Rôma, Palômpi nói chuyện, có lẽ là lần đầu tiên từ khi tôi với anh ta quen biết nhau:
- Cậu thấy, cái con phù thủy Italia ấy đối xử với tớ thế có tệ không?
- Cậu nói cái gì vậy? –tôi ngạc nhiên hỏi.
- Sau tất cả mọi cái –anh ta nói tiếp, chầm chậm và rầu rĩ- sau khi cô ta cầm tay tớ đi suốt từ đây vào trong ấy và từ trong ấy ra, và tớ nói với cô ta là sẽ lấy cô ta, sau khi tớ với cô ấy đính hôn với nhau…thì…thế đấy, cậu thấy chưa? Thằng gù!
Tôi ngây người ra. Palômpi vẫn tiếp tục:
- Tớ tặng cô ta những tặng phẩm quí giá như thế: san hô, khăn quàng lụa, dép cao gót…Tớ nói sự thực là tớ đã yêu cô ta, và tớ cảm thấy cô ta đúng là kiểu người mà tớ cần…Thế mà cô ta thì…Thật là bạc bẽo, vô tâm –cô ta là một con người như vậy.
Chiếc xe tải của chúng tôi lao như bay trong buổi rạng sáng để đi vào Rôma, trong khi Palômpi vẫn cứ nói mãi về chuyện ấy, chậm rãi, như nói chuyện một mình. Còn tôi thì nghĩ rằng để tiết kiệm tiền vé đi tàu hỏa, Italia đã lừa cả hai chúng tôi. Những điều Palômpi nói khiến cho tôi bực, vì lẽ anh ta nói đúng những gì mà đáng lẽ tôi cũng nói, và vì qua miệng anh ta, những cái đó đối với tôi nghe rất nực cười. Cuối cùng tôi cắt ngang lời anh ta:
- Thôi cậu im đi…Tớ buồn ngủ lắm rồi.
- Có những việc nó làm người ta đau lòng –anh chàng tội nghiệp đáp và thôi không nói thêm câu nào nữa, cho mãi đến tận Rôma.
Mấy tháng liền tôi thấy trong lòng nặng chình chịch. Con đường lại trở lại đối với tôi như nó đã từng là trước kia: một sợi băng đáng ghét dài dằng dặc, bất tận mà ngày hai lần tôi phải nuốt vào rồi lại nhổ ra. Song, điều đã khiến tôi đổi nghề là ngay trên con đường đi Napôli ấy, Italia đã mở một quán hàng ăn, dưới cái biển đề: “Nơi nghỉ chân của khách lái xe”. Một nơi nghỉ chân tuyệt thật: để lần được đến đấy phải vượt qua hàng trăm cây số! Lẽ dĩ nhiên không bao giờ chúng tôi dừng lại đấy cả, nhưng dù thế tôi cũng vẫn khó chịu phải nhìn thấy Italia đứng sau quầy và thằng gù chuyển cho cô những cái cốc và những chai bia. Tôi bỏ nghề lái xe. Còn chiếc xe vận tải mang dòng chữ “Italia muôn năm!” do Palômpi lái vẫn như xưa, vẫn tiếp tục các cuộc hành trình bất tận của nó.
Những truyện ngắn của Alberto Moravia
Anh Quá nghèo
Ca Sĩ Hề
CATHERINA
Cô Gái Điếm Mệt Mỏi
Những ý Nghĩ Nói Thành Tiếng
Người Lái Xe Vận Tải
Người Thừa Hành
Đảng Trộm
HAI NỬA ĐỀU NHAU
CÁI TỦ
CHUYỆN ĐÙA NGÀY HÈ
ĐẸP HƠN EM
ĐỒ GỖ
NGƯỜI ĐÀN BÀ HAM THÍCH HỘI HÈ
TRỘM VÀO NHÀ THỜ