ĐỒ GỖ
Tác giả: Alberto Moravia
Tháng mười, sau khi quay xong bộ phim trong đó tôi lồng tiếng một vai, tôi quyết định nghỉ lại ít ngày ở nhà bố mẹ. Người tôi gầy gò, tóc sáng, mắt xanh, vẻ ngoài của tôi nom vẻ quý tộc, mặc dù tôi xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường nhất ở Măccarêzê. Ở đó, trên bìa rừng thông gần Frétgiêna có một khu nhà rộng –nơi tôi sinh ra và đến nay bố, mẹ, chị và hai em trai tôi hiện vẫn đang sống, tất cả đều là nông dân.
Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi ngồi lên xe máy và chỉ một giờ đã phóng trên con lộ Aurêlia trên đường đến nhà bố mẹ. Trong nhà, mọi thứ vẫn nguyên như cũ, nếu không kể bà chị đã đi lấy chồng và cái giường của tôi đã đem cho anh rễ nên tôi phải nằm dưới sàn ở trong phòng ăn. Đã hai năm tôi không gặp lại những người trong gia đình, nhưng đừng vội nghĩ rằng tôi đã được mọi người ôm hôn và đón tôi với vòng tay rộng mở. Tất cả đều đã quen nghĩ rằng như vậy là trong nhà bớt đi một miệng ăn và nói chung thì ai chả biết tính người nông dân. Đáng lẽ phải mừng rỡ vì tôi về thì mọi người lại đi phàn nàn rằng mùa màng năm nay không được tốt lắm và dự trữ trong nhà khó lòng mà kéo được đến sang xuân. Cả đến mẹ tôi khi ôm hôn tôi cũng nói:
- Mày nhất định phải ở đây với bố mẹ một tháng nhé…
Tôi hiểu rằng một tháng –đó là hạn tối đa, mẹ nói thế có nghĩa là “không quá một tháng”, nên tôi vội nói để cả nhà yên tâm, rằng tôi sẽ chỉ ở chơi chừng một, hai tuần. Câu trả lời của tôi làm mọi người yên lòng ngay, và thái độ đối với tôi khác hẳn. Còn bà chị -chuyên môn đãi bôi- cố gượng bảo:
- Cậu chỉ chơi ít thế thôi à?
Tôi còn giả vờ khéo hơn, làm ra vẻ tin những lời bà nói là thật lòng.
Lý do thật sự khiến tôi về đây không phải là sự nhớ nhà mà tôi đã quen từ lâu, hay nhớ cảnh đồng quê mà tôi khó chịu đến phát ghét, mà là cô Glôria, diễn viên đóng vai phụ cùng với tôi ở Chinê-chita(1). Glôria là một cô gái cao to, khỏe mạnh, tóc đen và mắt xanh lơ. Điểm yếu duy nhất của cô gái là cái mũi hơi to và đỏ như màu da anh chàng nghiện rượu. Nhưng cô không phải nghiện rượu, tự nhiên mũi cô như thế thôi.
Có một thời tôi tán tỉnh cô, nhưng sau đó cô thôi không đến nơi hẹn gặp với tôi nữa vì, như cô tuyên bố, tôi không có địa vị. Biết nói thế nào về điều này nhỉ? Địa vị thì tôi có chứ: tôi làm ở ngành điện ảnh; nhưng cô không cho đó là địa vị. Chịu khó lắng nghe thì thấy: theo cô, có địa vị, về thực chất, nghĩa là có tiền để mà có thể sống sung sướng không cần gì địa vị. Khi chia tay nhau, tôi nói với cô:
- Nào, chúng ta thống nhất với nhau nhé: cô cho rằng địa vị là tiền chứ gì?
Cô ta đáp:
- Vâng thì đã sao? Giả sử là như thế thì anh bảo sao nào?
Đến đây tôi bèn bảo:
- Còn sao nữa!…Xin chào. Hay đúng hơn là vĩnh biệt!
Sau đó một thời gian, tôi được biết rằng một gã Môricôni nào đó đáng tuổi cha chú cô, nhưng giàu, đã đón cô về ở biệt thự của hắn ở Frétgiêna hoặc là vì hắn có gia đình ở Rôma, hoặc là vì hắn thích thỉnh thoảng lại ra biển chơi. Mà Măccarêzê lại ở sát ngay Frétgiêna, còn tôi thì vẫn yêu Glôria, nên tôi muốn gặp cô, chỉ để gặp lại nhau, thăm hỏi, xem xem bây giờ cô thấy sống thế đã bằng lòng chưa.
Buổi sáng, khi mọi người trong nhà ra đồng hết, tôi men theo con đường mòn nhỏ ra biển, dạo quanh quẩn dọc bờ biển. Lúc đó là tháng mười, nhưng là một ngày tháng mười tuyệt đẹp mà không ai nhớ nổi có ngày nào đẹp hơn thế không. Bầu trời không một gợn mây, hồng lên trong buổi sớm, mặt trời nhô lên trên mặt biển tươi cười và phẳng lặng như gương, bãi biển chan hòa ánh sáng, còn đằng sau bãi biển là những bụi cây xanh um im phăng phắc. Tôi vừa đi vừa nhìn những mẩu gỗ đen, những cành cây tươi, những rễ cây vàng, những vỏ ốc trắng mà sóng dồn để lại trên cát. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn ra mặt biển vắng lặng chỉ nhấp nhô dăn ba chiếc thuyền của dân chài nghèo thả lưới xuống vùng nước gần bờ, hy vọng đánh được ít tôm cá.
Tôi không đi tìm Glôria, tôi muốn cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra một cách tình cờ. Đôi lúc tôi ngồi trên bờ nghe sóng vỗ, những đợt sóng khi thì tràn vào khi thì rút ra tạo nên một tiếng rì rào nghe như tiếng người nhắc đi nhắc lại vẫn một lời khẳng định. Dưới nắng, tôi ngồi nghe như mê mẩn cái giọng nói ấy để cố hiểu xem nó nói gì với mình. Cứ thế, một hôm, lúc lội qua con lạch Arônê ngăn cách Măccarêzê với Frétgiêna, đang chăm chú nhìn xuống dưới chân để khỏi bị trượt, tôi bỗng nghe có tiếng người nói:
- Kìa Mauritxiô, anh làm gì ở đây thế?
Đó là Glôria. Tôi không biết làm sao lúc nãy tôi không trông thấy cô, nhưng ở cái bãi biển thường vẫn hay thế: bãi biển không người, thế rồi đột nhiên không rõ từ đâu xuất hiện một người, y như từ dưới đất mọc lên. Glôria mặc một cái quần phăng chặt, bó chẽn lấy hông khiến người ta có cảm giác sắp nứt tung, vì như tôi nói, vóc người cô đậm và chắc như một pho tượng. Nhưng cô vẫn xinh như xưa, bất kể cái mũi hơi to –cái khuyêt điểm đó đối với tôi cũng có phần dễ thương và tôi lại đâm thích.
- Quả đất tròn mà…-tôi nói lạnh lùng.
Cô đáp lại với vẻ tự nhiên có phần giả vờ:
- Đêm qua em nằm mơ thấy anh, lúc tỉnh dậy em nghĩ: chắc là hôm nay mình sẽ gặp anh ấy! Đấy, thế mà quả em gặp được anh rồi. Anh làm gì vậy?
- Thì cô thấy đấy.
Tôi lội qua lạch, ngồi xuống, chà xát hai chân vào cát cho khô. Cô lại gần tôi và hỏi với vẻ hơi bối rối:
- Hay là anh qua chỗ em ăn trưa đi?
- Thế còn ông ấy?
Trên mặt cô thoáng hiện một nét u ám mà lúc bấy giờ tôi chưa rõ nguyên nhân.
- Ông ấy không có ở đây đâu.
- Thôi được.
Chúng tôi đi men theo bờ biển về phía bãi tắm, đi hết bãi tắm rồi len lỏi giữa những dãy nhà hộp cửa đóng kín mít vào rừng thông. Ở đây vắng vẻ, những biệt thự mùa hè trống trải, những con đường mòn rợp bóng thông mất hút về phía xa. Hai chúng tôi đi theo con đường mòn ấy, vừa đi vừa nói hết chuyện này đến chuyện khác, chẳng mấy chốc đã đến biệt thự của Glôria: một ngôi nhà nhỏ màu trắng, mái rơm thoai thoải xuống tận sát mặt đất. Nhưng bên trong thì lại hoàn toàn là một biệt thự hiện đại trang bị đủ mọi tiện nghi.
Tôi nhận ra rằng Glôria có cái gì đấy giấu tôi nhưng lại rất muốn tâm sự cùng tôi, bởi vì thấy cô khi thì thở dài, chốc chốc thì lại liếc nhìn tôi nhe muốn nói: “em khổ ghê lắm”. Nhưng chỉ sau khi tôi tha thiết yêu cầu và gạn hỏi ghê lắm, trong lúc hai đứa nấu bếp, cô mới kể rõ sự tình.
Đã mười ngày nay Môricôni không thấy xuất hiện, sáng nay và gọi điện đến báo cho cô biết là cô đừng chờ gặp lại nữa. Glôria kể rằng Môricôni buôn rượu vang, bị sạt nghiệp sau một hợp đồng nào đó vừa bị thất bại và bây giờ bán biệt thự này cho chủ nợ của y -một gã Côntê ở đâu đấy mà cô không biết mặt. Sau ngày hôm nay Côntê bắt đầu thực hiện quyền sở hữu biệt thự này. Tôi bèn nói ngay:
- Như vậy là anh ở đây không đúng lúc…Nếu em muốn, anh sẽ đi khỏi ngay.
Nhưng cô vội ngăn lại:
- Không, sao lại thế! Anh ở lại đây…chính lại rất là đúng lúc. Em không thể chịu nổi cái lão Côntê này nên em không muốn tiếp hắn một mình.
Glôria cố gắng tỏ ra bình tĩnh, nhưng thấy rõ là cô đang lo lắng, như một người cảm thấy không được tự tin lắm và ngờ vực điều gì. Khi hai chúng tôi ngồi vào bàn ăn, tôi thử gạn hỏi cô:
- Thế em sẽ làm những gì nào?
Cô cúi đầu đáp:
- Đấy, chính đến bây giờ em vẫn chưa biết.
- Đến tận bây giờ?
- Thôi đừng hỏi gì em nữa. Vâng, đến tận bây giờ!
Tôi nói sang chuyện khác, nhưng Glôria không nghe tôi nói mà nghĩ ngợi điều gì đó thầm kín riêng mình, không cho tôi biết. Chốc chốc cô lại nhìn ra cửa sổ như thể ngóng ai. Rõ ràng là cô đợi Côntê, thế thì sao cô lại nói cô không thể chịu nổi hắn?
Chúng tôi đang ăn trái cây tráng miệng thì bỗng có hai người đàn ông đi nhanh qua cửa sổ. Glôria lập tức nhổm phắt dậy khỏi bàn:
- Ông ấy đấy…vậy mà em thì lại mải ngồi nói chuyện mãi…Mau lên, mau lên!
Cử chỉ vội vã như vậy thật là khó hiểu đối với tôi. Glôria cởi bỏ cái tạp dề để làm bếp, nhanh chóng bôi son vào môi, sửa lại mái tóc và xoa phấn kỹ lưỡng lên cãi mũi đáng ghét của cô. Cô thậm chí còn hỏi tôi:
- Trông em thế nào, hả anh?
Và lập tức, không đợi tôi trả lời, cô chạy vọt ra phòng khách, thốt lên bằng một giọng khác hẳn, một giọng mừng rỡ giả tạo:
- Xin chào mừng ngài, ngài Côntê! Ngài có khỏe không ạ? Ngài có được bình an không ạ?
Từ trong bếp, tôi bước ra. Glôria bèn nói:
- Đây là anh họ em…
Đúng là một kẻ càn rỡ, Côntê (một gã đàn ôn chừng năm mươi tuổi có bộ mặt xám xịt, nặng như chì) đứng giữa phòng khách, hai tay vẫn đút túi áo choàng, không buồn bỏ mũ, thậm chí không thèm nhìn tôi. Không hề để ý tí nào đến chúng tôi, hắn tiếp tục nói chuyện với người mối nhà, một người trạc trung niên, trông có vẻ một quân nhân về hưu, có giáo dục và lịch sự hơn bản thân hắn ta nhiều.
- Không cần phải kể lể dài lời…tôi đã đánh giá ước lượng mọi thứ ở đây bằng mắt cả rồi…Phòng khách…bốn phòng…
- Cộng với phòng ngủ của đầy tớ là năm ạ
- Theo ông thì đấy cũng gọi là phòng à? Thôi được rồi, phòng khác, năm phòng và một nghìn rưởi mét vuông đất. Thế phỏng?
- Với lại ga-ra.
- Với lại ga-ra. Và tất cả những cái đó Môricôni đánh giá là mười sáu triệu? Ông có thể giải thích cho tôi ở đâu ra mà những mười sáu triệu không?
- Một khu nhà, cứ tính năm nghìn một mét vuông, thành ra bảy triệu rưỡi.
- Cứ cho là như thế. Nhưng một cái nhà tồi tàn như vầy tôi đi thuê bất kỳ tốp thợ nề nào xây cho cũng chỉ tốn độ vài ba triệu. Thế còn những gì mà hơn sau triệu nữa?
- Còn các thứ đồ gỗ trong nhà nữa.
- Đồ gỗ nào? Ông cho tôi là thằng ngu hay sao? Bộ bàn ghế với cái tủ tòng tọc này ấy à? Chỉ có giả thử như cả cô tiểu thư này cũng kể vào bộ sa-lông thì khi ấy may ra tôi mới có thể có ý kiến khác.
Câu nói thô bỉ đó như mũi dao đâm vào tôi. Tôi nhìn sang Glôria. Một lần nữa tôi sửng sốt khi thấy cô mỉm cười, hơi bồn chồn, dao động một chút nhưng rõ ràng là vừa ý. Đưa tay lên sửa lại mái tóc, cô nói với vẻ đỏng đảnh:
- Em đáng giá ít thế thôi ư, thưa ngài?
- Thế cô cho rằng năm triệu bạc là ít à? Làm gì có người phụ nữ nào trên đời này đáng giá năm triệu?
Và tất cả những lời nói đó là nghiêm chỉnh, cởi mở! Còn Glôria, thì đáng lẽ phải thấy bị xúc phạm, lại nhoẻn miệng cười. Có lẽ người mối nhà cũng cảm thấy như tôi, vì thấy ông ta nói một cách bực bội:
- Tôi không có quan hệ gì với tiểu thư đây cả. Ngài Môricôni bán nhà có thể tính cả cô vào đây nếu ngài ấy muốn, cái đó không liên quan gì đến tôi.
- À, đấy là tôi nói thế thôi, nhân tiện…
Hai người tiếp tục xem nhà. Tôi với Glôria đi theo họ từ phòng này sang phòng khác, và Glôria thì vừa đi vừa ỏn ẻn, ngoáy mông, cố làm đỏm trước mặt Côntê. Còn thằng cha thô bỉ ấy thì cứ tiếp tục cái trò ỡm ờ thô bỉ của hắn: Được rồi, đồng ý sẽ trả cả mười sáu triệu nếu Môricôni nhường cả tiểu thư đây theo căn nhà. Tôi bỗng thấy buồn nôn và bỏ ra vườn. Glôria lo lắng chạy ra theo tôi.
- Tại sao anh lại bỏ đi?
- Tại vì nếu anh ở lại thì anh sẽ đấm vào mõm cái thằng cha Côntê này. Chẳng nhẽ em không hiểu là nó lăng mạ em hay sao?
- Về chuyện đồ gỗ ấy ư?
- Chứ sao! Em trở nên ngớ ngẩn thật rồi à?
- Em phải lo cho tương lai của em –Cô trả lời và bỏ mặc tôi đấy đi vào nhà.
Họ còn đi một thôi một hồi nữa qua các phòng, sau đó Côntê cùng với người mối nhà chào tôi và Glôria bước ra xe đang đợi họ ở trên đường. Đó chỉ là một động tác giả, vì vừa đi đến hàng rào sắt thì Côntê quay trở lại nói với Glôria:
- Xin cô cứ việc ở lại biệt thự này…Mai tôi đánh xe đến, chúng ta sẽ ăn sáng cùng nhau…và sẽ nói tiếp giá đồ gỗ.
Hắn lấy tay vuốt má cô vẻ kẻ cả, còn cô ngượng nghịu mỉm cười hàm ơn. Xe của hắn vừa ra khỏi, tôi nói:
- Xin vĩnh biệt, tôi đi đây…Ấy thế mà Côntê nói cũng đúng đấy: năm triệu bạc một người phụ nữ đắt giá. Giá như tôi thì tôi chẳng bỏ ra đến năm đồng lia!
Nghe câu đó, Glôria đỏ mặt. Đầu tiên là cái mũi sau đến hai má đỏ nhừ. Đột nhiên cô dậm chân, quát:
- Anh bước đi! Bước đi! Tất cả hãy xéo hết đi, cút hết cả đi!!!
Rồi cô chạy vào nhà, đóng sập cửa lại.
Tôi nhìn quanh. Trời đã sắp tối. Bầu trời còn cháy đỏ giữa những vòm lá thông, nhưng bóng chiều xanh sẫm đã bắt đầu trùm lên chân trời hoàng hôn, và mọi ngôi nhà to nhỏ thấp thoáng giữa những lùm cây quạnh hiu không một bóng người của Frétgiêna trông rất ảm đạm. Tôi nghĩ bụng: “Thôi, vĩnh biệt Frétgiêna! Mình sữ không bao giờ đặt chân đến đây lần nữa. Thà chết còn hơn!”.
Rồi tôi tiến đến bên cửa sổ nói vọng vào:
- Này, sau hai tiếng nữa, tôi sẽ đi xe máy quá rừng thông, chỗ ngã ba có quán báo ấy. Nếu cô đến, tôi sẽ đèo cô về Rôma…rồi ra sao sẽ hay. Nhưng nhớ đấy: tôi sẽ không đợi cô một phút nào đâu!
Tôi nghe từ trong nhà vọng ra, đáp lời tôi, nửa như tiếng khóc, nửa như tiếng rên. Không nói thêm câu nào, tôi quay trở ra, đi thẳng. Tôi bước nhanh theo triền sóng ngược trở về. Về đến nhà, tôi gặp cả nhà đang ăn tối. Bữa hôm nay có mì ống với giò. Tôi tuyên bố rằng tôi phải về Rôma ngay, rằng công sở có việc cần gọi tôi, và tôi nhận thấy người nhà không hề tỏ ra phiền lòng chút nào. Có lẽ ngược lại. Tôi cột chiếc vali con của mình vào sau xe máy, ôm hôn lần lượt tất cả mọi người, rồi phóng xe trên lộ Aurêlia.
Đúng đến giờ hẹn, tôi đã ở trong rừng thông, giữa ngã ba gần quán báo.
Glôria đã đứng đợi tôi ở đấy. Cô mặc áo măng-tô đỏ nổi rõ cả trong tối. Và khuôn mặt xinh đẹp –tuy có hơi bị thiệt thòi vì cái mũi- của cô lại trở nên trìu mến đối với tôi. Cô cũng chỉ có một cái vali con như của tôi. Không nói gì cả, tôi lặng lẽ xách chiếc vali đặt lên trên vali của tôi, cột lại. Cô ngồi lên đệm xe sau tôi, vòng tay ra trước bụng tôi, ôm chặt lấy. Tôi nghe tiếng cô cười vang rồi ghé vào tai tôi nói thầm:
- Em rất sung sướng được gọi anh đi cùng. Và hôn vào tai tôi.
Tôi lắc đầu, mở máy, và chúng tôi bắt đầu phóng. Một giờ sau, hai chúng tôi đã đến Rôm.
Chú thích
1)Chinê-chita: thành phố điện ảnh của Ý ( kiểu như Holly Wood ở Mỹ)