Người Thừa Hành
Tác giả: Alberto Moravia
Khi tôi thất nghiệp vì giảm người, bị mất chỗ chạy giấy ở nhà băng, ban đầu tôi vô cùng bỡ ngỡ và chán nản. Tôi đã quen thừa hành: tiếng chuông reo của thủ tướng, tín hiệu xanh, đỏ trên bảng màu, yêu cầu của khách, những chỉ thị và mệnh lệnh đủ loại đòi hỏi tôi phải phản xạ lại tất cả những cái đó.Thế mà tất cả đột nhiên chấm dứt. Tôi ngồi vắt chân trên đi-văng, khoanh tay yên lặng trong sự trống trải. Nhưng có điều hãy hiểu đúng tôi. Tôi không có việc gì làm nữa không phải vì tôi thất nghiệp, mà vì giờ đây không còn ai ra lệnh cho tôi nữa. Có thể một số người không nhìn ra sự khác nhau giữa hai cái đó. Thế mà có sự khác nhau đấy, rất cơ bản nữa là khác. Ít nhất cũng là đối với tôi.
Để tôi giải thích cho mà nghe. Cách đây mấy hôm tôi đi tìm việc ráo riết lắm. Và một buổi sáng, tôi đang nằm trên giường tự nhủ là minh còn đang ngủ, thì bỗng giật nảy mình vì tiếng gọi của vợ. Giọng của cô nghe có phần bực tức:
- Hay thật đấy, không biết anh còn oằn oại trên giường đến bao giờ nữa? Dậy mà giúp người ta một tay chứ. Nào, dậy rửa mặt đánh răng đi. Trong khi em mặc quần áo, anh bắc bếp nấu ăn.
Những lời tưởng như bình thường nhất, nhưng đối với tôi có một tác động đặc biệt. Tôi quấn chặt chăn vào người, nằm nghĩ: “Dậy mặc quần áo vào, bắc bếp nấu ăn…Cô ấy ra lệnh kìa, lệnh thực sự, chẳng kém phần nghiêm khắc và rõ ràng so với ở nhà băng. Đây là mệnh lệnh đây!” Và lúc ấy, tôi cảm thấy rằng bộ não tôi sau khi nhận được lệnh đã truyền tín hiệu chỉ huy cho đôi chân: tôi tung chăn vùng dậy, mở cửa vào nhà tắm, mở vòi…nói tóm lại là bắt đầu thì hành mệnh lệnh.
Sau đó một lúc, trong khi thực hiện công việc, tôi phát hiện ra rằng những mệnh lệnh đơn giản ấy kéo theo nó nhiều cái khác, gọi là những mệnh lệnh phụ. Này nhé, chẳng hạn một câu bình thường nhất như “bắc bếp nấu ăn đi” có nghĩa là: 1. đi xuống bếp, 2. châm bếp lên, 3. đặt ấm nước, bỏ cà phê vào đun lên, 4. cắt bánh mì, 5. xếp những lát bánh mì vào đĩa, 6. dọn dĩa chén, lấy bơ, 7. xếp tất cả vào mâm và bưng lên nhà.
Như các bạn thấy, đó là một loạt động tác, mà nếu như tôi không xác định rõ những mệnh lệnh của vợ giao, tôi sẽ rất khó thực hiện chúng…Rồi những mệnh lệnh phụ ấy về phần cứng lại kéo theo những mệnh lệnh phụ nữa, những mệnh lệnh phụ cấp hai. Thí dụ, “lấy bơ” có nghĩa là mở tủ lạnh lấy gói bơ ra, cắt mấy lát, bỏ lên đĩa, vân vân và vân vân. Bằng việc đó tôi muốn nói lên điều gì? Tôi muốn nói rằng tôi cảm thấy mình dần dần trở về với cuộc sống, nghĩa là dần dần lại bắt đầu hoạt động trở lại sau nhiều ngày rỗi việc kể từ khi ở nhà băng về. Ở đó tôi có những chức năng nhất định. Thế là bây giờ đây tôi lại làm việc, lại hoạt động.
Vợ tôi là nhân viên đánh máy, cô đến công sở làm việc hằng ngày. Buổi sáng hôm ấy, cô không giao cho tôi việc gì, chỉ vừa chạy đi vừa nói với lại:
- Nếu có ai gọi điện đến, ghi lại cho em tên người gọi nhé!
Đấy chính là cái cần cho tôi: tôi ngồi xuống đi-văng ở phòng khách và bắt đầu đợi. Tôi đợi gì? Đợi những tiếng chuông điện thoại vợ dặn. Nhờ những lần nghe điện thoại ấy mà trong hai tiếng đồng hồ, hoàn toàn không làm gì cả, dù sao cũng có hai mươi, bốn mươi, thậm chí đến sáu mươi giây tôi sống cuộc sống thực sự, nghĩa là hoạt động, mà như thế theo tôi cũng không phải là ít. Nếu chuông điện thoại nhiều hơn nữa, sự tồn tại của tôi trở thành hoàn toàn nhịp nhàng và vững chắc. Sau khi suy nghĩ như vậy, tôi ngước mắt lên, nhìn thấy trên bàn con gần bậc cửa sổ trước mặt chiếc máy chữ tối tối về nhà vợ tôi vẫn làm thêm. Nhìn lên những phím chữ dày đặc nhưng lúc này đang im lìm, câm lặng, tôi bất giác cảm thấy có một sự hao hao giống nhau giữa tôi và cái máy, bởi vì cả tôi cũng như cái máy đều ở trạng thái không hoạt động khi vợ tôi vắng nhà, và đều hoạt động trở lại khi cô ấy về. Tôi với cái máy chữ -tôi chợt nghĩ- như là anh em, hơn nữa có thể nói cái máy còn có nhiều cái của con người hơn tôi: Chẳng hạn như nó còn có một tiếng nói, rõ rệt và sắc bén, trong khi tôi thì hầu như im lặng suốt.
Dù sao thì trong ngày hôm ấy, sự việc không chỉ hạn chế ở trong những tiếng chuông điện thoại. Tôi nhận ra rằng có thể nhận được tín hiệu chỉ huy vào bất kỳ giờ phút nào, chỉ cần để ý một chút. Một tiếng chuông reo ngoài cửa –đó là tín hiệu chỉ huy buộc anh đứng dậy, hỏi “ai đấy” và mở cửa. Ở sân dưới nhà có hai người phụ nữ cãi nhau- đó là tín hiệu buộc anh ngó đầu ra cửa sổ để xem chuyện gì. Nước ở vòi trong bếp chảy tí tách đó là tín hiệu bảo anh vào bếp vặn chặt vòi lại. Vân vân.
Không có gì hơn, tôi đành phải tự thỏa mãn với những cái đó, biến sự cần thiết thành ra niềm vui. Con người không thể tồn tại được chỉ để mà thưc hiện một chức năng duy nhất, thí dụ như khóa vòi nước cho đến chặt thì thôi. Anh ta cần một cái gì quan trọng hơn, hay đúng hơn là có hệ thống hơn, chẳng hạn chí ít thì cũng là khóa một trăm cái vòi, mỗi vòi mười phút. Song, cái mà tôi làm cũng đã là một cái gì đó, dù sao như vậy cũng còn hơn là số phận của chiếc máy chữ: nó nằm yên, bất động và cứ phải nằm như thế cho đến khi nào vợ tôi về.
Còn vợ tôi dường như đã đoán ra rằng từ nay cô ta có thế chỗ ông chủ nhà băng trong cuộc đời tôi, và do đó những mệnh lệnh của cô bắt đầu dội xuống đầu tôi hết cái nọ đến cái kia, rõ ràng và liên tục: rửa bát, quét nhà, là quần áo, chạy ra chợ mua cái này cái nọ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. “Anh chẳng làm nên được trò trống gì cả, anh là anh chàng thất nghiệp thường kỳ, ăn bám và lười biếng, thật chẳng được cái tích sự gì cả…” vân vân. Cô thôi không thêu người ở nữa. Bằng cách đổ lên đầu tôi những mệnh lệnh đủ mọi loại, dường như cô muốn trả thù tôi về việc tôi không tìm được việc làm và không làm ra tiền mang về nhà. Cô ta không nhận thấy rằng cái đó chỉ làm cho tôi thích thú.
Tôi nói thế nào nhỉ? Vâng, thích thú. Cô tạo điều kiện cho tôi thực hiện những chức năng nhất định có ý nghĩa là tồn tại. Buổi sáng, tôi kê ra những công việc mà cô giao lại cho tôi trước khi đi làm, rồi cả ngày hoàn thành những việc đó như một cái máy, nhưng cẩn thận. Trong những phút rỗi rãi ít ỏi, tôi nghĩ rằng sự sống và hoạt động của cơ thể tôi ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vợ: cô, và chỉ mình cô là có thể khiến tôi động chân động tay…Và nghĩ như thế, tôi cảm thấy một tình cảm mến yêu sâu sắc xen lẫn với sự biết ơn và tin cậy đối với cô dâng trào trong tôi.
Chúng tôi sống như vậy có dễ đến một năm. Sau đó, căn cứ vào nhiều dấu hiệu, tôi nhận thấy mối quan hệ giữa hai chúng tôi, vốn tuyệt đẹp và có ý nghĩa đến như thế, bắt đầu xấu đi. Nếu như trước đây, đó là mối quan hệ (tôi xin nhắc lại sự ví von mà tôi đã dùng) giữa chiếc máy đánh chữ và người đánh máy, thì bây giờ mối quan hệ ấy càng ngày càng biến thành quan hệ giữa chiếc máy đánh chữ đó và người đi thu nhặt sắt vụn. Vợ tôi có lẽ đã hiểu rằng bằng cách đổ việc lên đầu tôi, cô ta đã không phải là trừng phạt tôi, mà trái lại, lại giúp tôi sống, mà cũng có thể đơn giản là cô đã tìm được người nào đó sắp xếp và thực hiện những mệnh lệnh của cô tốt hơn tôi. Vấn đề là sáng sáng cô bắt đầu lên giây cót tôi, nghĩa là giao cho tôi nhiệm vụ trong ngày. Do đó tôi ngày càng hay phải ngồi không trên đi-văng vắt chân, khoanh tay trước ngực, y như con búp bê máy có lỗ để cắm chìa khóa ở lưng và lò xo trong ngực. Cảm thấy ở vợ tôi một sự vội vã tất bật và có vẻ khinh bỉ; chẳng hề nói một lời, cô mặc vội vàng quần áo, tự pha cà phê lấy rồi chạy đi, chẳng hề chào tôi một câu. Cô đi vắng hàng mấy ngày liền, có khí không ngủ ở nhà. Chuông điện thoại không reo, ngoài cửa cũng không ai gọi nữa. Vì vợ tôi không bảo, nên nhà cửa tôi cũng chẳng buồn thu dọn nữa, còn ăn uống thì theo sự nhắc bảo yếu ớt, hạn hữu của dạ dày –tín hiệu chỉ duy nhất tôi còn đang nhận; tôi ăn đồ hộp.
Căn nhà của chúng tôi ngày càng trở nên u ám và bừa bộn; sàn nhà xỉn đi, bàn ghế cọc cạch, trong bếp đĩa cốc bẩn, xó nhà giấy vụn, trên ghế quần áo vứt ngổn ngang, trên giường đệm chăn không gấp. Vợ tôi đã nhìn thấy tất cả cái cảnh đó, nhưng tôi thấy cô không hề tỏ ra bực bội. Có thể bằng sự bừa bãi ngổn ngang kinh khủng đó, cô muốn nhắn nhủ tôi một mệnh lệnh nào đó, nhưng tôi không giải đố được mệnh lệnh đó. Ngày chủ nhật, cô ở nhà độ hai tiếng và trong thời gian đó, dọn dẹp qua loa các thứ trong căn hộ hai phòng của chúng tôi.
Một sáng tỉnh dậy, tôi thấy vợ tôi đã ăn mặc chỉnh tề, đang lặng lẽ xếp đồ đạc vào cái và ly cho đến lúc, rốt cuộc, cảm thấy rằng những sự sửa soạn ấy tác động đối với tôi như một mệnh lệnh, nhọc nhằn và tha thiết, bảo tôi phải hỏi cô như thế là thế nào. Có một cái gì đó trong người tôi bỗng dưng hoạt động, lưỡi tôi rung động và môi tôi cất tiếng nói:
- Em làm gì vậy?
Cô quay lại nhìn tôi, sau đó ngồi xuống giường nói:
- Anh Tunliô ạ, đã đến lúc chúng ta phải chia tay thôi. Em đã bằng mọi cách muốn để chi anh tự hiểu điều đó, nhưng anh làm ra vẻ không nhận thấy, cho nên bây giờ em buộc phải nói điều này với anh. Cuộc sống vợ chồng của chúng mình như thế là hết rồi. Em đã gặp một người yêu em và em yêu người ta. Đã hai tháng nay em sống với người ấy, em không thể ở lại đây hơn nữa. Anh chắc cũng đã nhận thấy rằng ở nhà này hầu như không còn có cái gì là của em nữa, ngoài mấy cái thứ rẻ rách này với chiếc máy đánh chữ. Còn bây giờ thì chúc anh ở lại mạnh khỏe và cần mẫn như bao giờ cũng vậy nhé. Người mà em sẽ cùng đi đang đợi em dưới phố. Em nhờ anh bê cái máy đánh chữ xuống dưới nhà, bỏ nó vào ô tô cho em. Đấy là tất cả những gì em cần đến ở anh.
Tôi cảm thấy đau nhói, đúng là đau, và nghĩ rằng một nỗi đau đớn mạnh như thế không thể sinh ra một động lực, một mệnh lệnh. Tôi nói:
- Nhưng anh không thể nào sống thiếu em được.
Đấy là sự thật: không có những sự sai khiến của vợ, tôi không thể tồn tại. Còn cô lại hiểu câu nói của tôi theo cách của mình:
- Vậy mà em lại, thật đáng tiếc, hoàn toàn có thể sống không có anh. Đúng là anh có cố gắng để trở nên có ích đối với em. Nhưng trong cuộc sống vợ chồng với nhau cái đó ít quá, cần phải trở thành cần thiết đối với nhau. Em chẳng cần đến anh. Em có thể thay thế anh bằng máy hút bụi, máy giặt, bằng cô thư ký trưc điện thoại…
Tôi vẫn tiếp tục nói, vờ chịu sự sai khiến do nỗi đau gây nên:
- Nhưng anh không cho em đi đâu cả.
Cô đáp cương quyết:
- Thôi đừng giả ngây ngô nữa. Mặc quần áo vào, bê cái máy lên đem xuống dưới nhà rồi bỏ vào ô tô. Còn va-li tôi sẽ tự xách.
Lần đầu tiên kể từ ngày chúng tôi sống với nhau, tôi lâm vào tình huống đứng trước hai mệnh lệnh có phần mâu thuẫn nhau: một mặt, nỗi bực và sự đau đớn sai khiến tôi ngăn không cho vợ bỏ đi, mặt khác vợ lại bảo mang máy đánh chữ xuống nhà. Vừa mặc quần áo vào như vợ bảo, tôi vừa nghĩ xem mình làm gì bây giờ. Vợ tôi đi đi lại lại trong phòng một lúc, và cuối cùng đóng va-li lại, đến trước gương, quay lưng lại phía tôi. Đến đây tín hiệu bật ra. Tôi lao vào cô thét: “Cô không thể bỏ tôi mà đi đâu được đâu!” –tôi lấy tay bóp cổ cô. Tất cả diễn ra rât nhẹ nhàng và giản dị, hoàn toàn tự động. Người cô mềm nhũn đi chân khuỵu xuống khiến tôi chút nữa mất thăng bằng, tôi bèn dìu cô đến bên giường và đặt cô nằm xuống.
Bây giờ cần phải thực hiện mau mệnh lệnh thứ hai. Tôi bỏ máy đánh chữ vào bao, ra khỏi phòng, đi thang máy xuống dưới nhà. Ô tô đỗ ngay trước cửa nhà thật, nhưng cửa kính đọng hơi, mờ đi nên tôi không trông rõ người ngồi sau tay lái. Tôi đi vòng ra sau xe, mở nắp hòm ra, đặt máy đánh chữ vào đó. Sau đó tôi quay về nhà, ngồi xuống đi-văng trong phòng khách, vắt chân, khoanh tay nhìn vào khoảng trống trước mặt, đợi mệnh lệnh.