Chương 7
Tác giả: Boileau - Narcejac
- Thở ra. Ho mạnh. Thở ra - Tốt - Thở thật mạnh – Coi bộ không ổn - Mặc áo vào.
Bác sĩ nhìn Flavières đang mặc áo, và xây lưng lại để cài nút quần.
- Có gia đình?
- Không, độc thân. Tôi vừa từ phi Châu mới về.
- Tù binh?
- Không. Năm bốn mươi tôi qua bên ấy. Tôi bị sưng phổi năm 38.
- Anh dự định ở lại Paris?
- Chưa biết. Tôi có văn phòng tố tụng ở Dakar. Nhưng tôi nghĩ nên mở lại văn phòng ở Pairis.
- Luật sư?
- Phải. Nhưng nhà tôi đang bị chiếm, và để…
Bác sĩ rờ rờ mép tai, vừa quan sát Flavières còn chưa thắt xong cà vạt, cau có:
- Anh uống rượu?
Flavières nhún vai:
- Có quan trọng lắm không?
- Việc này là phần anh phải rõ.
Flavières thú nhận:
- Phải, tôi uống rượu. Cuộc đời chán ngấy.
Bác sĩ khoát tay khơi khơi, ông ngồi xuống ghế mở nắp viết máy:
- Tình trạng sức khỏe anh không khả quan lắm. Anh cần phải nghỉ ngơi. Nếu là anh, tôi sẽ đến ở vùng Midi, hoặc Nice, hoặc Cannes. Về những ám ảnh mà anh mắc phải, cần phải khám bởi một chuyên viên. Tôi sẽ giới thiệu cho anh người bạn đồng nghiệp của tôi bác sĩ Ballard. Flavières thều thào:
- Theo ý ông, nghiêm trọng lắm không?
- Đến bác sĩ Ballard.
Vị thầy thuốc vừa viết vừa nói:
- Anh đến phòng tiếp tế. Với giấy chứng nhận này anh sẽ có thêm một khẩu phần thịt và bơ. Nhưng cần nhất là sưởi ấm, nghỉ ngơi. Tránh phiền não, đừng giao tiếp, không được đọc sách. Ba trăm quan tất cả.
Ông đưa anh ra ngoài, và tiếp một bệnh nhân khác. Flavières xuống cầu thang, vẻ không bằng lòng.
Một chuyên gia! Một bác sĩ thần kinh sẽ khám phá ra mọi sự bí mật, rồi đây anh phải nói ra hết về cái chết của Madeleine.
Không thể được. Anh thích sống với những cơn ác mộng, lạc lõng trong giấc chiêm bao, trong những ngõ ngách đầy côn trùng rong rêu trong cảnh âm u tĩnh mịch. Đó là hơi nóng bên dưới, ánh sáng liên tục. Bây giờ anh đã được cứu sống.
Anh nhấc cổ áo lên, đi về phía quảng trường Terres. Anh không còn nhận ra thành phố Paris trong lớp sương mù mùa đông, những khoảng trống mênh mông, những con đường toàn xe jeep chạy. Anh cảm thấy khó chịu khi ăn mặc quá đàng hoàng và bước nhanh như mọi người. Đi tản bộ hiện nay cũng là thứ xa xỉ phẩm. Khải hoàn môn hiện ra xám xịt. Mọi thứ đều thuộc về màu sắc của dĩ vãng, màu sắc của ký ức; rồi đây ngày lễ các thánh sẽ được cử hành ra sao? Ở lại bên ấy mà tốt hơn? Cuộc hành hương này sẽ mang lại điều gì? Anh đã gặp những người phụ nữ khác, vết thương cũng lành rồi. Madeleine không còn là một bóng ma nữa.
Anh đi vào cửa hàng Dupont, ngồi cạnh cửa kiếng. Vài sĩ quan lạc lõng trong ngôi nhà tròn to tướng. Không một tiếng động, ngoài trừ tiếng động của bình lược cà phê.
Một anh bồi, quan sát bộ quần áo sang trọng, đội giày da đế cao su, bằng vẻ khó chịu.
- Một ly Cognac thứ thiệt.
Anh biết cách nói nhỏ nhẹ trong quán cà phê, cũng như quán rượu. Giờ đây anh có thừa thải uỷ thế, có thể do gương mặt tỏ ra quá nhiều ham muốn.
Anh uống một hơi cạn ly rựơư.
Anh thảy tiền ra trước mắt. Lại một thói quen ở Dakar. Anh làm ra vẻ chán chường, khi ném mấy tờ giấy bạc nhàu nát, như anh từ phương xa nào trở về, như tất cả mọi người điều nợ anh và không trả nổi. Khoanh tay, anh nhìn ly rượu, một thứ nước để gợi nhớ ảnh những hồn ma. Không, Madeleine chưa chết. Từ khi bắt đầu xuống tàu hoả, nàng không ngớt dày vò anh. Có những gương mặt mà người ta quên được, những gương mặt tự huỷ hoại, thời gian như gặm nhắm những gương mặt bằng đá đặt ở ngưỡng cữa nhà thờ, mà trán, mắt, dần dần mất đi nét tạo mẫu, theo nhịp đập của cuộc sống. Riêng dưới mắt anh, nàng vẫn không suy ngẫm. Ánh thái dương chiều nào chói lọi quanh nàng như một vầng hào quang. Hình ảnh đẫm máu lần chót nơi nghĩa trang đã biến mất, chỉ còn như một ý tưởng khó chịu đã cách xa. Nhưng những cái khác điều mới mẻ, tươi tắn, tinh nghịch và còn mới tinh nguyên. Flavières tay cầm ly rượu, người không động đậy. Anh cảm thấy cái nong nóng của tháng năm, thấy xe qua lại chung quanh Khải hoàn môn. Nàng đến, túi xách bên vai, mắt như được vẽ bởi màng che... Nàng đang nghiêng mình xuống chân cầu, thả cành hoa màu đỏ, nàng xé vụn lá thư, và những mảnh vụn bay tung tóe. Flavières lại uống, tì tay mạnh xuống bàn. Bây giờ anh đã già. Trước mắt là sự cô đơn! Bệnh hoạn! Trong khi những người sống sót sau cuộc chiến này đang tập trung mọi thứ còn lại để xây dựng lại nhà cửa, tìm lại bạn bè, tái tạo lại tương lai, thì anh chỉ có mớ tro tàn để khơi lại. Vậy thì tại sao…
- Thêm một ly nữa.
Anh đâu thích rượu, nhưng chỉ cố tìm cách sữa lại trong anh ngọn lửa nhỏ nhoi để tìm lại một hy vọng mong manh.
Anh đi ra ngoài, sương lạnh làm anh ho. Nhưng thành phố không làm cho anh sợ hãi. Hơi thở của anh giống ánh phản chiếu của mặt nước, ở đâu đó của thành phố bị vùi lấp, những oan hồn chỉ còn được nuôi dưỡng trong tâm tư người sống. Anh đi bên quãng trường Etoile, nơi đây dường như đang chờ đợi anh. Sương mù tháng hai bay bay từng sợi mỏng, giống như một áng mây xanh xao, trên những con đường chiếu sáng. Nàng sẽ không bao giờ đến nữa. Có lẽ
Gévigne đã rời khỏi Paris. Flavières đi lại trên đường Kléber và đưa mắt tìm căn nhà. Những cửa sổ ở lầu hai đóng kín. Chiếc Talbort chắc đã bị xung công. Cả những bức tranh người thiếu phụ mơ mộng bên lò sưởi... Những loài chim ở thiên đàng, mấy thứ này ra sao rồi? Anh đi ra cổng, người quản gia đang quét nhà.
- Ông Gévigne?
Bà nhìn Flavières như không hiểu rõ anh nói gì.
- Ông ấy đã chết cách đây khá lâu.
Flavières không tin vào tai mình:
- Gévigne chết rồi?
Còn gì để mà tiếp tục nữa. Mổi bước đi anh khám phá ra toàn là chết chóc.
Bà quản gia lên tiếng và mở cổng:
- Ông vô nhà
Flavières giải thích:
- Tôi đi hồi bốn mươi.
- Thế à!
Một ông già đeo kiếng gọng sắt ngồi trước cửa sổ, nhìn chiếc giày, ngẩng đầu lên:
- Xin lỗi, tôi có quấy rầy ông?
Ông già càu nhàu:
- Ngay cắt tông cũng không có để vá giày.
Bà quản gia lên tiếng.
- Ông là bạn của Gévigne?
- Bạn từ nhỏ. Hồi bà ta mất ông ấy có gọi điện cho tôi, nhưng chính ngày hôm đó tôi phải rời Paris.
- Tội nghiệp ông ta không dám đến đó một mình. Không có ai đến cạnh ông ta. Chính tôi đã theo và thay áo cho bà…
- Bà mặt cho bà ấy bộ đồ nào. Phải bộ màu xám?
- Ông ngồi xuống. Ông rảnh không nào?
- Dạo ấy dường như anh ấy lo lắng.
Flavières nóng ruột.
- Chút nữa là ông bị bắt.
- Bị bắt, tôi nghĩ là bà tự tử.
- Đúng là bà ấy tự huỷ. Ông cũng biết cảnh sát mà. Ông ta đố kị. Khi người ta soi mói vào đời tư của mỗi người. Cảnh sát cũng đến đây không biết là bao nhiêu lần. Nhiều câu hỏi về ông ta, bà ta không ngớt được đặt ra. Hỏi vợ chồng ông ta có hoà thuận không, hỏi cái ngày bà ấy chết ông ta có ở đó không.
Flavières ông còn nhớ?
Ông già cắt đế giày bằng con dao nhà bếp, càu nhàu - Thật lộn xộn, như bây giờ.
- Nhưng ông ấy làm sao chết được?
- Ông ta bị giết trên con đường ở phía Nam. Buổi sáng đó ông xuống dưới nhà trông hết sức nóng nảy, nói lớn: “Tôi chán ngáy rồi ” ông ta nói với chúng tôi như vậy. Với chúng tôi, ông ta không có gì để khó chịu “ Mặc kệ ”. Nếu họ muốn bắt tôi, thì họ hãy chạy tới đi và ông ta đem va li ra xe lái đi. Liền sau đó họ hay tin xe ông bị tiểu liên bắn, và ông ta chết trên đường đưa đến bệnh viện.
Ông ta đâu đáng chết thảm như thế.
Flavières nghĩ thầm “ Nếu có mình lúc đó chắc không có việc gì phải đi, phi cơ có thể bắn chết anh ta chứ không thể là anh ta, mình có thể nói, giải thích… ”
Hai tay siết chặt, anh nghỉ lẽ ra chẳng nên trở lại đây. Bà quản gia nói tiếp:
- Họ không may mắn. Cả hai rất hợp ý nhau.
- Hình như bà ấy bệnh...
- Không, bà có vé buồn, thích ăn mặc màu sẫm, nhưng đó là cá tính của bà.
Bà rất vui khi ông ta đưa bà đi dạo phố.
Ông già tiếp lời:
- Nhưng ít lắm.
Bà già quay sang:
- Ông ta suốt ngày bận công việc có khi nào rảnh lên xuống Havre luôn. Phải hiểu cho ông ta chứ.
- Mộ bà ta đâu?
- Ở nghĩa trang Saint Owen. Nhưng tai họa không dừng ở đó. Khi Mỷ ném bom La Chapelle, một phần nghĩa địa theo đường cái đã bị cày xói lên. Người ta nhặt được đá và xương ở mọi phía. Tôi nhớ, có một buổi lễ cầu hồn.
Trong chiếc áo khoác cổ kính che gần hết gương mặt, Flavières run rẩy, anh thì thào:
- Vậy, mộ bà ta?
- Không còn mộ nào cả. Người ta đem đất lấp mấy cái hố, những nấm mồ hoả diệm sơn, như người ta nói sau này là ngôi mộ tập thể.
Ông già lên tiếng;
- Người chết không có gì phải phàn nàn.
Flavières cố gắng xoá tan mọi hình ảnh ghê tởm đó và cảm thấy trong thâm tâm, nước mắt cay đắng chắc không làm thế nào còn chảy được. Vậy là chấm hết, một trang cuộc đời đã lật qua.
Medeleine đã tan mất trong một cơn hỗn loạn. Theo cung cách cổ truyền, nàng đã tung bay tản mạn với tiếng nổ. Hình ảnh này sẽ không còn là gì nữa. Ta phải phục hồi nàng lại trong đêm vắng, và giải thoát nàng, để mà sống.
- Thế còn căn nhà?
- Hiện đang đóng cửa. Một người bà con xa của bà được thừa hưởng. Tất cả những việc này thật là buồn.
Flavières lặp lại:
- Buồn thật! – Và anh quấn chặt áo ngoài đứng dậy.
Lão già đẩy mạnh mũi kim vào đế giấy đặt giữa hai đầu gối lão, và đập búa nghe chan chát.
Flavières đi gần như chạy ra khỏi nhà. Sương mù làm mặt anh nhầy nhụa.
Anh cảm thấy cơn sốt như lại xuất hiện trong từng mạch máu. Anh băng qua đường, bước vào một quán cà phê nhỏ mà xưa kia anh đã từng ngồi chờ Madeleine.
- Cho tôi cái gì nặng nhất, tôi cần vậy.
Lão chủ quán lên tiếng:
- Vâng, trông ông không được khỏe.
Flavières đưa mắt nhìn quanh, hạ thấp giọng:
- Một whisky. – Anh tì tay vào quầy rượu. Một làn hơi ấm toả nhanh trong lồng ngực. Nỗi phiền muộn làm anh bải hoải, khiến anh rã rời và biến thành một nỗi buồn lặng lẽ. Bác sĩ đã nói đúng, sức khỏe ánh sáng, bình yên trong lòng là điều cần phải nghỉ đến. Thôi đừng nghỉ đến Madeleine nữa. Khi về Paris anh mua hoa đặt mộ nàng, nhưng bây giờ mộ chẳng còn. Thôi thà như vậy mà hơn, mối liên lạc cuối cùng vậy là đã chấm dứt. Cuộc hành hương chấm dứt ở quán rượu này. Tất cả những gì anh yêu thương, người phụ nữ trong tranh, sự dịu dàng vô hình mà anh đã từng cảm nhận. Để nàng tự âm thầm đi vào cõi chết, chấm dứt ở ly Whisky này. Một giấc mơ hoài niệm trong cơn say. Nhưng không, bởi còn đây cái bật lửa. Anh rút điếu thuốc và bật lửa lên, thấy trên tay giữ lại hơi ấm ánh sáng lung linh. Có nên liệng nó đi? Âm thầm bỏ đi như một con thú lạc đường! Mai này hay bây giờ? Anh vừa quyết định? Hay nó đã quyết định thay anh? Anh đặt ly rượu uống xong đặt xuống bàn, trả tiền một cách hậu hỉ. Anh muốn được nhìn những khuôn mặt khúm rúm.
- Có thể kiếm một chuyến taxi? – Anh hỏi chủ quán.
- Cũng hơi khó. Ông đi có xa không?
- Phía Nantes.
- Để thử xem.
Gã chủ quay điện thoại, và sau cùng cười nói với Flavières.
- Gustave sẽ tới đón ông. Giá hơi đắt. Phải mua xăng chợ đen.
Một chiếc taxi Renault 4 cũ kỉ chạy trờ tới. Trước khi đi Flavières lại chi lần nữa cho lão chủ quán. Anh không có tí tự ái nào. Anh kiên nhẫn giải thích cho Gustave.
- Chạy vế Nantes giữa Sailly và Drocourt. Ở đó có một ngôi làng nhỏ với một ngôi nhà thờ. Tôi sẽ chỉ đường cho anh. Sau đó mình sẽ quay về. Tôi không ở lâu.
Xe chạy nhưng con đường mùa đông làm ta nhớ thêm nhớ đến những ngày ảm đạm, những ngày chiến tranh tàn phá, những loạt đạn những vụ oanh tặc.
Ngồi một góc qua sương mờ của kiếng cửa xe, những cánh đồng đen xì lướt, tìm kiếm một cách vô vọng kỷ niệm về một cây cành trổ hoa, những đám hoa cúc trắng xoá.
Madeleine hẳn đi xa rồi, chắc chắn là chết trong anh rồi. Hãy cố gắng lần nữa. Anh biết rỏ là con tim mình chưa băng giá. Chưa bao giờ anh nhìn rõ mình như hiện nay. Anh vừa uống để tìm thinh lặng, cái chứng bi quan, tinh quái, coi thường mọi việc. Muốn tìm nghe lại câu chuyện, đã từ lâu vốn ảo nảo để tự lừa dối mình trước sự đau khổ, cô đơn và bất lực. NHưng rồi anh phải uống nhiều hơn để đẩy lùi nó vào trong hư vô. Và khi sự tê tái đã làm anh rã rời, đầu óc đần độn, thì Madeleine lại xuất hiện, dịu dàng khoan dung. Nàng nói về sự sống như đả từng có và Flavières ngập tràn hạnh phúc, nhưng rồi qua ngày sau, một Flavières sống lại sự cay đắng, miệng toàn sỉ nhục.
- Tới Sailly rồi. - Gustave la lên.
Flavières dùng tay lau cửa kiếng.
- Quẹo trái độ 2, 3 km.
Chiếc taxi chạy trên đường đầy vết bánh xe, cây cối như thầm thì trong mưa, nhỏ giọt xuống những vũng nước. Xa xa một ngôi nhà qua đi, với một làn khói bốc lên - Gustave lên tiếng:
- Tôi thấy một gác chuông lớn.
- Chổ này rồi. Anh đợi tôi phía trước nhà thờ.
Như trước kia, xe quẹo phải. Flavières bước xuống xe nhìn lên hành lang nhà thờ. Anh không thấy xúc động, mà cảm thấy thật lạnh giá. Anh rời xe để tìm kiếm những ngôi nhà mà xưa kia mang dấu ấn với anh. Khi đang choáng váng trước cầu thang anh đã nhìn thấy nóc nhà. Chúng ở phía dưới những tàn cây dẻ trụi lủi, hơn một chục gian nhà lụp xụp xám xậm với một bầy gà mái chạy qua chạy lại. Một cửa tiệm nhỏ bé, với bản hiệu lu mờ. Flavières đẩy cửa bước vào.
Mùi đèn cầy và mùi hôi toả ra. Một tấm card bưu điện vàng úa trên kệ.
Một bà lão phía sau tiệm bước ra hỏi:
- Ông cần gì?
- Bà có trứng hoặc thịt? Tôi bệnh nhưng làm cách nào để đến tiếp tế ở Paris.
Giọng anh không có vẻ quỷ quyệt, dáng điệu lại khiêm tốn. Anh biết chắc là bà ta sẽ từ chối. Bằng một vẻ lơ đễnh, anh nhìn những tấm card.
“Ô !Thôi mặt, để đi nơi khác tìm. Phải xem qua nhà thờ... Nhà thờ Saint Nicolas. Tên này làm tôi nhớ đến những năm bốn mươi... Tháng 5- 40, báo chí đăng một vụ tự tử ở đây ”.
- Phải rồi. Có một bà nhảy từ tháp chuông xuống. - Bà lão đáp.
- Phải tôi nhớ ra rồi. Bà vợ của một kỹ nghệ gia ở Paris.
- Đúng rồi, bà Gévigne! Tôi nhớ tên bà ấy bởi vì tôi khám phá ra xác bà ta.
Từ đó đến nay nhiều chuyện đã xảy ra, nhưng tôi không quên được người đàn bà khốn khổ ấy.
- Bà có rượu? Tôi cần một tí gì đó để uống.
Bà ngước nhìn khách hàng bằng đôi mắt đã từng nhìn qua nhiều người qua cuộc chiến tranh, đôi mắt không diễn tả được gì. Bà đáp:
- Chắc có.
Anh lấy một tấm card bỏ vào túi áo và xếp lại vài thứ trong khi bà chủ quán đi vô trong kiếm chai rượu và cái ly. Rượu có vẻ dở, làm cổ họng anh như thắt lại.
Anh bật nói:
- Ý nghĩ lạ thật, Tự nhiên lại nhảy từ tháp chuông xuống.
Bà lão chặng tay vào khăn choàng. Có thể bà ta không cho đó là một ý nghĩ điên khùng. Bà lão đáp:
- Lẽ ra bà ấy không nên để trượt chân như vậy. Tháp chuông cao hơn hai mươi mét, và bà ta lại té đụng đầu xuống đất. Flavières đáp rằng:
- Vậy sao? Anh thở gấp, nhưng lại không có cảm giác đau khổ. Chỉ có điều anh thấy đã rời khỏi anh, và tự hại mình một cách quyết đoán. Mổi lồi nói của bà ta như một sọt đất nếu trên ngôi mộ còn chưa lấp kín. Bà lão tiếp:
- Chác là người từ xa đến làng này, vì những người đàn ông thì bị động viên, đàn bà thì làm rẫy ở ngoài đồng. Lúc sáu giờ khi tôi đi nhà thờ, vì con trai tôi đang ở trong đội du kích...
Bà dừng lại một giây. Bà có vẻ già hơn nhiều với bộ đồ màu đen.
- Tôi từ phòng thánh ra. Có một cánh cửa phía sau nhà thờ. Từ nghĩa trang về nhà tôi gần hơn. Lúc ấy tôi thấy bà ta... Báo hiến binh phải mất nhiều thì giờ lắm.
Bà nhìn đàn gà đang bươi ở cửa. Có thể bà đang nhớ lại sự sợ hãi, mệt mỏi của buổi chiều ấy và hiến binh được báo tin, những ngõ ngách của nghĩa trang, những ngọn đèn pin rọi khắp mọi nơi, và sau đó người lấy khăn tay bịt miệng.
Flavières hỏi tiếp :
- Lúc đó thật nặng nề.
- Ðúng vậy. Suốt tuần ngày nào hiến binh cũng đến. Họ cho rằng bà ta bị đẩy từ trên xuống.
- Ðẩy xuống. Tại sao?
- Bởi vì ban chiều ở phía Sailly, người ra có bắt gặp một người đàn ông và một người đàn bà đi xe hơi đến đây.
Flavières đốt một điều thuốc. Thì ra vậy. Nhiều nhân chứng đã nghĩ rằng anh là chồng nàng. Và sự nhầm lẫn này đã đưa Gévigne đến cái chết.
Bây giờ thì còn gì để phản đối, cắt nghĩa với bà lão này người đàn ông ấy không phải là Gévigne, và tất cả chỉ là một sai lầm kỳ quặc. Câu chuyện này chẳng còn ai hứng thú nữa. Anh uống cạn ly rượu, kiếm cái gì đó để mua, nhưng không có gì hết ngoài cây chổi, vài ống nhợ, bó củi.
- Cám ơn chai rượu.
- Không có gì.
Anh đi ra, liệng điếu thuốc làm anh ho. Ðến trước cửa nhà thờ, anh tần ngần.
Có nên đến trước cung thánh, quỳ lại trên chiếc ghế nàng đã quỳ, nơi nàng đã cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện của nàng đã vô ích rồi. Anh nghĩ về đức tin công giáo và sự kẻ chết sống lại. Làm thế nào trong ngày phán xét, thân xác Madeleine có thể sống lại từ những mạnh bụi bay tản mác khắp nơi. Anh thì thào:... Vĩnh biệt Madeleine... Khi ngước nhìn lên thập giá nghe tiếng lũ quạ kêu.
Anh tài xế hỏi:
- Mình về ông chứ?
- Mình về thôi.
Chiếc taxi lăn bánh, khi ngoái nhìn về phái sau rời xa tháp chuông, anh tin rằng quá khứ rồi cũng lùi xa, và mất hẳn khi chiếc xe quẹo vế thành phố, và anh nhắm mắt chập chờn mãi khi xe về đến Paris. Buổi chiều lại cực hơn. Anh đến bác sĩ Ballard và thuật lại câu chuyện này như xưng tội, chỉ không nói đến tên Gévigne, và nói đến những đoạn tiếp về pháp lý của thảm kịch này. Anh không làm sao chịu đựng nổi. Vừa kể anh vừa khóc.
Nhà thần kinh học nói:
- Trong thâm tâm, anh vẫn đi tìm bà ta và không chấp nhận bà ta chết.
Flavières phản đối:
- Không đúng như vậy. Nàng đã chết. Ðiều này rõ ràng. Nhưng tôi nghĩ...
Có lẽ tôi điên thật... Tôi nghĩ tới cụ Pauline Lagerlac, cụ cố của Madeleine.
Cuối cùng, bác sĩ cũng rõ là tôi chỉ muốn nói, hai người chỉ là một.
- Nói cách khác, thiếu phụ này, bà Madeleine, đã một lần chết. Có phải anh tin như vậy không?
- Không phải chỉ là một sự tin thôi. Thưa bác sĩ. Tôi hiểu những gì tôi đã nghe, đã xác nhận.
- Tóm lại, anh nghĩ là Madeleine có thể sống lại, bởi vì bà ta đã vượt qua cái chết lần thứ nhất.
- Nếu bác sĩ trình bày sự kiện với cách này....
- Tất nhiên không được rõ lắm như trong đầu anh nghĩ. Trong vô thức, anh áp dụng bằng cách tô phết lại những sự kiện này.
- Anh nằm thẳng trên giường đi.
Bác sĩ khám kỹ phản ứng của anh ta, và trề môi.
- Trước đó anh có uống không?
Không. Tôi bắt đầu uống ở Dakar chút ít.
-Thuốc phiện?
- Không bao giờ.
- Tôi tự hỏi anh có quyết tâm chữa lành không?
Flavières ngượng ngịu - Chắc chắn.
- Vậy là đừng có uống rượu nữa. Cố quên người đàn bà này. Lặp đi lặp lại là bà ta đã chết và nhớ rằng người ta chỉ chết một lần và vĩnh viễn. Anh nghe rõ chứ! Vĩnh viễn. Anh có muốn cố gắng hết sức không?
- Vâng.
- Tốt, đừng ngần ngại. Tôi sẽ giới thiệu anh với một trong số bạn tôi đang điều hành một bệnh viện ở Nice.
- Người ta không nhốt tôi?
- Không. Về mặt này anh không phải là bệnh nhân. Tôi gởi anh tới là vì nơi đây khí hậu tốt, một người từ hải ngoại như anh cần có ánh sáng mặt trời. Anh có tiền?
- Vâng.
- Phải ở đó lâu.
- Tôi sẽ đến nơi đó khi nào cần thiết.
- Vậy là tốt.
Flavières ngồi đó, đôi chân mềm nhũn. Anh không chú ý gì lời nói của bác sĩ nữa, và cũng không có ý thức gì về những cử chỉ của mình. Anh chỉ lập đi lập lại: Bình phục... Bình phục. Anh hối hận vì đã yêu Madeleine, nhưng cuộc tình này thật nguy hiểm. Sống lại, làm lại, sau này tiếp xúc với những người phụ nữ khác, giống như mọi người. Trời ơi! Bác sĩ lại tiếp tục dặn dò. Flavières chấp nhận hết, hứa hẹn hết. Chiều nay anh sẽ đi Nice, ngưng uống rượu, nghỉ ngơi.
Cô y tá hỏi:
- Ông có cần tôi gọi taxi?
- Cám ơn. Tôi muốn thả bộ một chút.
Anh đến văn phòng của công ty du lịch. Tấm bản đồ trước trụ sở văn phòng cho biết suốt tuần nay không còn chỗ trên xe lửa. Anh móc bóp và có ngay vé suất chiều. Anh chỉ còn điện thoại đến toà án, ngân hàng. Tình hình như vậy là đã giải quyết xong, Anh rảo quanh thành phố như người khách lạ. Chuyến tàu anh đi sẽ chạy vào lúc 9 giờ đêm. Anh ăn trưa ở khách sạn. Vậy là còn tiếng đồng hồ nữa để tiêu pha. Anh đi xem phim mà không cần phim chiếu gì. Anh chỉ tìm cách quên những câu bác sĩ Ballard hỏi. Anh không nghĩ rằng mình lại có thể trở thành điên. Bây giờ anh thấy sợ, lưng rịn mồ hôi, thèm uống rượu cho đến cháy cổ họng. Anh bắt đầu tự ghét và tởm mình.
Màn ảnh chiếu sáng, nhạc trỗi lên, tin thời sự cho biết tướng De Gaule này vừa đến thành phố Marseille. Quân phục, cờ xí, lưỡi lê, dân chúng đen ngẹt hai bên lề đường. Nhiều gương mặt, được phóng to, miệng toác hoác, reo hò.
Không rõ gì. Một người đàn ông to lớn vẫy vẫy nón. Một người đàn bà đang xoay người chầm chậm về phía ống kính, đôi mắt sáng, gương mặt mảnh dẻ giống như hình vẽ của Madeleine . Flavières hoang mang, nhưng anh đã đủ thời giờ để nhận ra cô ta.
Mặt đầy hãi hùng, anh khom lưng đứng lên đặng nhìn rõ hơn. Có tiếng la:...
Ngồi xuống! Ngồi xuống...!
Anh sờ gáy, ngực thắt lại. Anh nhìn mà như không hiểu gì, chỉ toàn mũ mão, dàn chào tiếng kèn nhà binh rôm rả. Một bàn tay ấn mạnh anh xuống.