Chương 3
Tác giả: Bùi Đặng Quốc Thiều
Như về đến nhà thì đã hơn 11 giờ khuya, cánh cổng im ỉm đóng. Như không dám bấm chuông, sợ làm ba thức giấc. Nhưng khi Như vừa dựa lưng vào tường thì cánh cổng xịch mở. Như giật mình:
- Mẹ! Mẹ chờ con ở ngoài này hả mẹ?
Mẹ dạo này hốc hác quá. Bà đứng trước mặt Như trong chiếc áo ấm cũ tách biệt với ngôi nhà sang trọng, làm Như cảm thấy thật xót xa.
- Vô đi con! Chắc con lạnh lắm rồi. Đi khẽ thôi, kẻo ba con thức đó!
Bàn tay mẹ khẽ chạm vào Như. Tay mẹ lạnh quá!
- Thôi, mai mốt con chẳng đi thế này nữa đâu. Văn nghệ trường cũng mặc kệ. Để mẹ chờ, con xấu thiệt! Mẹ vô ngủ đi, con khép cổng cho.
Như đẩy mẹ vào nhà, quay ra khép cổng để giấu vội dòng nước mắt sắp trào ra. Mẹ Như lúc nào cũng có dáng vẻ chịu đựng như vậy. Bà yêu chồng, thương con hết mực. Mà ba thì… Như vô tư, mạnh mẽ trước mặt mọi người nhưng mỗi lần nhìn mẹ, Như lại cảm thấy nao lòng.
Mẹ Như đứng nhìn con gái rảo chân bước vào phòng rồi mới nhẹ nhàng nằm xuống chiếc giường nệm đang run lên từng nhịp vì tiếng ngáy và nhịp thở của ba. Bà cảm thấy sợ chiếc giường mới này, cả ngôi nhà sang trọng này nữa. Những thứ này dường như đang kéo vợ chồng bà ra xa nhau hơn. Trằn trọc một lát, bà mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Như đã thay quần áo xong, đứng lặng bên cửa sổ ngắm những vì sao tỏa sáng trên bầu trời. Nhà mới, trường mới, bạn mới, không phải tất cả đều tốt đẹp. Như nhớ con sông ở quê, nhớ hàng dâm bụt trước nhà, nhớ cả những đứa bạn lúc nào cũng nguýt dài với Như. Đến đây từ mùa hè nhưng cho tới giờ, Như vẫn chưa quen được với căn nhà này, những bức tường lạnh giá… Như dễ thích nghi với cuộc sống mới vì bản tính hoạt bát, nhưng trong tâm hồn lại thấy lạc lõng, trống trải. Tất cả cũng chỉ bởi vì những thay đổi của ba. Ba xoay xở thật tài và trở nên giàu có rất nhanh tại đây. Nhưng điều đó làm Như có cảm giác sợ sệt khi đứng trước ba. Như cũng thấy được điều đó trên gương mặt mẹ. Không nói gì, cả hai mẹ con nhìn nhau cùng ao ước ba sẽ trở về như ba trước đây, không phải lúc nào cũng trong bộ complê cứng đờ, nói năng bằng những câu ra lệnh, lại lạnh lùng khi mẹ nấu món ngon. Trước đây ở quê, hai cha con lúc nào cũng đùa nghịch vui vẻ, các trò nghịch ngợm của Như bây giờ cũng là do ba đã bày ra cho Như. Ba cũng hay giúp mẹ làm cơm, rồi xuýt xoa khen ngon dù bát canh đó chỉ có mớ rau tập tàng. Ba lúc đó mới là ba: bình dị, chân thật. Còn bây giờ… Như uể oải buông rèm cửa sổ xuống, Như không muốn nghĩ ngợi nữa. Ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn, khi bình minh lên. Như tin tưởng như vậy và nằm xuống giường, nhắm mắt lại…
Mùa đông dần đến cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi sắp đến. Thuyên đang ôn luyện ráo riết. Lần này Thuyên quyết phải hơn Như.
Trường của Thuyên là trường điểm trong tỉnh nên số học sinh tham gia thi cũng đông nhưng ít khi loại nổi học sinh ở trường chuyên. Đương nhiên rồi. Tuy vậy, cố gắng bao nhiêu thì hy vọng bấy nhiêu. Năm rồi Thuyên được giải tư đồng hạng nên cứ buồn mãi đến bây giờ. Thuyên quyết tâm phải được vào đội tuyển đi thi toàn quốc. Ba mẹ cũng đang trông đợi ở cô con gái yêu văn chương của hai người.
Trong lúc đó, tình cảm của Thuyên cũng dần khác lạ. Thuyên không biết hồi âm lá thư đầu của Dũng như thế nào, nên im lặng đã gần một tháng. Nhưng không hiểu sao, càng nghĩ, Thuyên càng thấy nhớ đến Dũng nhiều. Dũng cũng là một người có vẻ gì đó khá đặc biệt. Một con người trầm tĩnh, luôn nghĩ ngợi, cũng hay hay. “Nếu mình nhận lời anh ta thì sao?”. Ý nghĩ đó thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu Thuyên. Những rung động đầu đời đã đến với Thuyên khiến cho Thuyên cảm thấy hơi sợ khi đối diện với nó. Nhưng quả thật, Thuyên càng ngày càng muốn gặp lại Dũng, muốn xem anh dạo này ra sao. Liệu có khi nào chờ thư của Thuyên lâu quá rồi anh đâm ra buồn bực, chán nản không? Anh có giận Thuyên không?
Dường như hiểu được những điều Thuyên đang nghĩ, vài ngày sau đó, Thuyên lại nhận được thư và cả quà của Dũng. Anh gởi cho Thuyên một quyển sách văn tham khảo dành cho học sinh giỏi với lời động viên thật chân thành. Thì ra anh quan tâm đến Thuyên nhiều như vậy! Thuyên cảm thấy choáng ngợp trong niềm hạnh phúc. Dũng viết rằng lá thư trước có lẽ đã bị thất lạc nên Dũng viết tiếp lá thư này cho Thuyên, lại nhắc đến những câu mà Thuyên đã thuộc lòng. Còn có cả vài dòng nhạc của Trịnh Công Sơn: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về... Dũng thật là… khôn quá! Lại còn hỏi: “Em có tạo cơ hội cho anh không?”. Thuyên không chần chừ, viết ngay lá thư hồi âm cho Dũng. Chẳng trả lời có, cũng chẳng bảo không, chỉ viết thư một lá thư bình thường. Thuyên nghĩ như thế là tốt hơn cả.
Từ đây, trong cuộc đời Thuyên có thêm một người để quan tâm, là Dũng. Thuyên vừa thích, vừa thấy lo lo. Nhưng vui hơn cả là Thuyên biết Dũng thật sự quan tâm đến mình. Thuyên cũng đang trưởng thành, Thuyên rung động thật lòng. Không biết rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, Thuyên không muốn nghĩ ngợi chi nhiều, chỉ cảm thấy thật hạnh phúc, thật lạ lùng…
Gặp Trúc Anh ở lớp, Thuyên cứ thấy mắc cỡ và cười hoài. Thuyên muốn có người chia sẻ những cảm xúc lạ lẫm này, nhưng những cô bạn gái thì Thuyên không tin tưởng lắm, còn người Thuyên tin tưởng lại là… con trai! Nếu nói cho Trúc Anh nghe, không biết Trúc Anh có cười Thuyên không nữa. Từ trước đến giờ Thuyên chẳng bao giờ giấu Trúc Anh điều gì, ngay cả chuyện cậu bạn lớp kế bên tặng Thuyên bao nhiêu bông hồng hay anh chàng hàng xóm cứ lẽo đẽo theo Thuyên cho tới cổng nhà chỉ để hỏi mỗi câu “Em mới đi học về hả?”. Nhưng chuyện này khác với những chuyện kia. Thuyên cứ băn khoăn, đôi lúc muốn kéo Trúc Anh ra ngoài để nói, cuối cùng rồi lại thôi… Giá Trúc Anh đừng dời nhà qua tận phường 8 thì sướng quá, như hồi trước hai nhà ở kế bên thì lúc nào muốn nói gì là chạy qua nhà gặp ngay. Còn bây giờ ở lớp, Thuyên thấy ngài ngại.
Sáng nay, Trúc Anh đem đến lớp một mô hình hình không gian mới mà cậu đã làm suốt một tuần nay. Nó bao gồm tất cả các loại hình: chóp, lăng trụ, nón cụt…, mỗi chiều xoay là hiện ra một hình mới. Cả lớp bu quanh nên Trúc Anh cũng chẳng có thời gian để ý đến vẻ thấp thỏm của Thuyên. Gì chứ mô hình này Trúc Anh đã cho Thuyên xem trước rồi, Thuyên lẳng lặng bước ra hành lang. Thuyên nghe tiếng Trúc Anh giỡn ầm ĩ trong lớp. Lúc nào cũng thế, Trúc Anh là cây hài của lớp mà! Chẳng thế mà cậu ta cũng có nhiều người hâm mộ lắm, Thuyên biết hết. Nhưng không bao giờ Trúc Anh kể, Thuyên cũng chẳng trêu. Vừa học giỏi, xinh trai, lại vui tính thì ai mà chẳng thích! Ngay cả Thuyên đôi lúc còn bất ngờ thích thú trước vẻ lém lỉnh, thông minh của Trúc Anh nữa là… Thuyên nhớ, mọi người có lần trêu chọc hai đứa, bảo xứng đôi. Hai đứa lại thường đi chung với nhau, là dịp để các bạn chòng ghẹo. Nhưng rồi mọi chuyện cũng quen dần vì tình bạn của Thuyên và Trúc Anh đâu phải chỉ mới 1 - 2 năm. Hiểu chuyện, nhiều bạn tin, nhiều bạn ngờ vực. Cả hai đứa chỉ cười, mặc ai nghĩ gì thì nghĩ. Hơn nữa, dường như chúng cũng ngầm tự hào về nhau nên chẳng thèm phân bua chi cho mệt.
Tiếng trống bắt đầu giờ học kéo Thuyên quay vào lớp. Thuyên thấy Trúc Anh đang vội vã xếp lại mô hình, trán đầy mồ hôi. Thế mà chỉ vào học được một lát là Trúc Anh chuyền ngay một tờ giấy xuống cho Thuyên. “Có chuyện muốn nói với Trúc Anh phải không? Chiều, 4 giờ ở công viên sông Tiền nhé!” Thuyên bật cười, Trúc Anh vẫn là Trúc Anh, rất hiểu bạn!
4 giờ, Thuyên ra công viên đã gặp Trúc Anh ngồi ở băng đá cạnh kè sông. Thuyên bỗng cảm thấy hết sức ngượng ngùng. Chẳng lẽ Trúc Anh ra đây để chỉ nghe Thuyên nói chuyện đó? Hai đứa ngồi bệt xuống nền xi-măng cạnh bờ sông. Gió thổi lồng lộng. Trúc Anh hát vài câu hòa trong tiếng gió rồi chợt hỏi:
- Thuyên có gì khó nói lắm sao? Thường ngày Thuyên không như vậy.
- Đâu có… - Thuyên giả tảng.
- Thôi, nói đại đi! Bạn bè “cắn chung hạt muối” mà, phải không?
Hai đứa bật cười, nhớ đến lời kết của Thuyên trong vở kịch hôm trước. Thật ra, trong lòng Trúc Anh cũng đang rất băn khoăn. Có điều gì mà Quỳnh Thuyên lại ngại với Trúc Anh chứ? Thuyên ngập ngừng:
- Có người… có người bảo thương Thuyên đó, Trúc Anh. Thuyên thấy lạ lắm, Trúc Anh đừng cười nghe!
Trúc Anh cảm thấy thật buồn trước những lời lẽ đầy khách sáo của cô bạn thân. Trúc Anh nhanh chóng nhận ra mọi chuyện, cậu cười:
- Có gì đâu. Kể cho Trúc Anh nghe đi! Anh ta… tốt chứ?
Thuyên chậm rãi kể cho Trúc Anh nghe về lần đầu tiên gặp Dũng, về lá thư, món quà. Đôi chỗ, Thuyên đỏ mặt lên vì ngượng. Nhưng rồi thói quen kể mọi chuyện với Trúc Anh đã làm Thuyên thoải mái hơn. Trúc Anh im lặng lắng nghe, không ngắt lời, cũng không hỏi gì thêm. Cho đến khi Thuyên dừng lại, Trúc Anh ném một hòn sỏi xuống nước…
Hai đứa im lặng chìm trong suy nghĩ. Trúc Anh không biết nên nói gì với Thuyên, Thuyên lại không biết Trúc Anh đang nghĩ gì, có bực bội không. Nhưng có lý nào Trúc Anh lại thế? Trúc Anh lúc nào cũng thích lắng nghe Thuyên cả.
- Thuyên… cũng thích người ta hả? - Trúc Anh hỏi.
- Thuyên không biết…
Thuyên ngượng nghịu vò vò hai vạt áo. Trúc Anh ném một hòn sỏi nữa.
- Chuyện này… tùy cảm nhận của Thuyên thôi. Nhưng, hãy để tự nhiên sẽ tốt hơn. Và nhớ, điều gì là quan trọng hơn đối với mình thì hãy chọn!
Thuyên ngước lên nhìn Trúc Anh, cảm giác thật lạ. Dường như Trúc Anh đang bị tổn thương. Thuyên véo vào tay áo Trúc Anh, nhìn cậu như muốn nói: “Không đâu! Dù có chuyện gì, Thuyên lúc nào cũng là Thuyên thôi”. Trúc Anh mỉm cười đáp lại. Cậu hiểu, nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như ta nghĩ. Những chuyện như thế này sẽ đến, bình thường thôi. Nhưng sao cậu vẫn thấy hụt hẫng…
Ánh đèn công viên bừng sáng. Tối mùa đông yên bình với muôn ngàn vì sao lấp lánh. Có người bảo, mỗi vì sao đại diện cho một linh hồn của con người trên trái đất. Không biết trong giây phút này có bao nhiêu vì sao lụi tàn, bao nhiêu vì sao tỏa sáng. Nhưng đối với Thuyên, những vì sao là những đôi mắt của thiên thần trên bầu trời nhìn xuống thế gian. Nếu chứng kiến được tình cảm đẹp của con người, sao sẽ nhấp nháy. Mới biết tại sao, mỗi lần cùng Trúc Anh ngắm sao, cả hai đứa đều thấy sao đang… nhấp nháy. Thuyên ngước nhìn lên bầu trời:
- Trúc Anh, sao nhấp nháy kìa!
- Ờ…
- Trúc Anh không nói gì cả vậy?
- Nói gì bây giờ? - Trúc Anh chợt thấy mình “vô duyên” quá, liền nói thêm - À, hay là mình thi ném đá đi!
Thuyên reo lên thích thú:
- Được đó!
Đá trong công viên dường như chẳng còn được bao nhiêu sau “trận đấu” giữa Trúc Anh và Thuyên. Những hòn đá lướt hai, ba lần trên sóng rồi mới chịu chìm xuống đáy sông. Thuyên thích lắm vì lần nào Thuyên cũng thắng Trúc Anh ở viên đá cuối cùng. Thuyên biết Trúc Anh nhường mình nhưng vẫn thấy vui bởi dù sao cũng hơn là thấy Trúc Anh ngồi im lặng suy tư. Thuyên không quen nhìn Trúc Anh như vậy. Thuyên cảm thấy hơi hối tiếc khi quyết định kể chuyện Dũng cho Trúc Anh nghe. Thuyên đã sai? Sao Trúc Anh lại thế? Nếu mình là Trúc Anh, mình có buồn không? Chắc có lẽ Thuyên cũng sẽ thấy buồn buồn như Trúc Anh, nhưng rồi cũng quen thôi! Vả lại, Thuyên chỉ nói người ta thích Thuyên thôi, chứ Thuyên cũng còn phân vân lắm…
Trúc Anh bỗng khều tay Thuyên:
- Nè, nghĩ gì vậy cô nhóc? Đi ăn kem không, hôm nay “anh hai” khao.
Vừa nói, Trúc Anh vừa nheo mắt, vỗ tay vô túi áo như bảo: có mang tiền đây! Thuyên tức cười quá, trông bộ dạng thế này mới đúng là Trúc Anh ngày thường. Thuyên “trả đũa” ngay, cô vỗ tay lên vai Trúc Anh, nói:
- Này, “cậu em trai”, “chị” rất sẵn lòng. Đi thôi!
Những tiếng cười vang lên xóa tan đi bao suy nghĩ nặng nề trong lòng hai đứa. Dù thế nào thì những người bạn thân cũng cần nói thật với nhau…