watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cẩm chướng đỏ-Chương 8 - tác giả Bùi Đặng Quốc Thiều Bùi Đặng Quốc Thiều

Bùi Đặng Quốc Thiều

Chương 8

Tác giả: Bùi Đặng Quốc Thiều

Ngày hôm sau, trong lúc học nhóm, Thuyên hớn hở kể cho Trúc Anh nghe chuyện Thuyên và Như cũng đến nhà cô giáo. Thuyên còn không ngớt lời khen Như hoạt bát, dễ thương. Trúc Anh nghe xong tươi cười nói:
- Trúc Anh biết mà, thế nào rồi Thuyên cũng sẽ thích Như. Thế mới đúng là Thuyên chứ!
- Nói vậy là sao?
- Là… - Trúc Anh lúng túng - là Thuyên dễ thương chứ sao? Còn hỏi nữa!
- Thiệt hông đây?


Thuyên nghiêng đầu hỏi lại. Thuyên quá quen với cậu bạn “dẻo miệng” này rồi. Thuyên nghĩ, nếu cô nào mà bị Trúc Anh để ý chắc sẽ bị những lời lẽ ngon ngọt của cậu ta mê hoặc mất thôi. Cũng may, Trúc Anh lại là một người rất chân thật. Nghĩ đến đó, Thuyên chợt nhớ đến Dũng. Ảnh chắc cũng là một người khá “dẻo miệng”, không biết ảnh có chân thật?


Thấy Thuyên cứ ngồi tủm tỉm cười mà không hỏi bài nữa, Trúc Anh khều nhẹ:
- Nè, nghĩ gì mà cười hoài vậy, “cô gái”? Làm bài đi!
- Trúc Anh nè, người mà nói ngọt quá thì… chắc không chân thật hả?
- Người nào mới được chớ? - Trúc Anh đắc ý - Còn Trúc Anh thì độ tin cậy 100%. Giỡn chút thôi! Hỏi ai vậy?
- Anh Dũng đó mà - Thuyên nóng bừng cả mặt khi thốt ra tên anh. Cúi mặt xuống, Thuyên tiếp: - Thuyên nghĩ ảnh cũng nói năng ngọt ngào lắm, không biết…
- Ờ… cái đó, về Dũng thì… Trúc Anh cũng chẳng rõ nữa, mà đâu phải ai cũng như ai. Thôi, mình học đi!
Nhưng Thuyên dường như không để ý đến câu nhắc của Trúc Anh, lại tiếp tục nói chuyện về Dũng. Bao nhiêu chuyện không có người tâm sự, Thuyên kể hết với Trúc Anh. Thuyên nói như đang được khơi trúng mạch cảm xúc. Con gái mến ai thường hay thích nói nhiều điều về người ấy. Này là anh Dũng rất đa tài: vẽ đẹp, hát hay, lại là kỹ sư điện tử. Này là anh Dũng nghiêm nghị, nhưng lại rất đa cảm và tinh tế… Đến khi Thuyên nói việc Dũng đòi xin ảnh của Thuyên nhưng Thuyên không biết có nên cho hay không thì Trúc Anh phát cáu:
- Cho gì mà cho!
Thuyên giật bắn người vì tiếng hét giận dữ của Trúc Anh. Chưa bao giờ Trúc Anh nói chuyện với Thuyên bằng giọng điệu đó. Thuyên hờn:
- Trúc Anh làm gì la lớn vậy?
- La lớn cái gì? Học nhóm mà không lo hỏi bài, cứ lo kể chuyện về Dũng nào đó hoài. Thôi thì đừng học! - Trúc Anh bực tức ném cây viết xuống bàn.
- Không học thì thôi, Trúc Anh tự nhiên nổi giận hà.
- Tự nhiên sao được? Học ra học, lớp 12 rồi, không lo học cho nghiêm túc chăm chỉ. Thời gian nhiều lắm hả?
- Ừ, Thuyên vậy đó! Lúc nào cũng mơ mộng, không đâu ra đâu. Ai biểu Trúc Anh đòi học nhóm với Thuyên làm chi - Thuyên lạc giọng như sắp khóc - Bảo là bạn thân, có gì cứ tâm sự, đừng giấu cả chuyện riêng. Vậy mà tới hồi người ta kể lại nạt nộ. Không phải muốn nghe người ta kể về Dũng sao, còn nói…
- Đó, lại Dũng. Lúc nào cũng Dũng! Dũng! Kêu Dũng tới đây mà giảng bài cho, kêu Dũng tới đây mà nghe tâm sự. Nói với “tôi” làm gì?!
- Không chịu nghe thì thôi, không giảng bài giùm nữa hả… - Thuyên nức nở - vậy… cũng chẳng cần!
Trúc Anh thấy ngực nóng phừng phừng. Bất chấp cả tiếng khóc của cô bạn thường làm cậu xiêu lòng, cậu giật mạnh những quyển tập đặt trên bàn làm viết thước rơi cả xuống nền nhà, nói lớn:
- Nhớ nghe, không cần tui nữa chứ gì? Thì về đây!
Không chờ một tiếng trả lời nào, quên cả việc chào mẹ Thuyên, Trúc Anh vọt ra sân, gạt mạnh chân chống xe đạp và phóng ra đường.


Thuyên ngồi lại trong phòng, khóc to hơn. Mẹ chạy vào hỏi, Thuyên lắc đầu không nói tiếng nào. Tại sao Trúc Anh lại như vậy? Trúc Anh giận cái gì chứ? Thuyên sẽ không thèm nói chuyện với Trúc Anh nữa, Trúc Anh đáng ghét!


Ngồi trong lớp, suốt buổi sáng Thuyên không học được chữ nào. Thỉnh thoảng Thuyên liếc về phía bàn của Trúc Anh, Trúc Anh luôn cúi mặt chép bài. Thuyên không biết Trúc Anh có nghe được lời giảng nào không, hay cũng như mình. Thuyên không còn thấy giận Trúc Anh như ngày hôm qua nữa, nhưng Thuyên sẽ không bắt chuyện trước, vì Trúc Anh tức giận vô cớ mà. Để xem ai phải nhận lỗi!


Nhưng không như suy nghĩ của Thuyên, giờ ra chơi, đến hết hết tiết thứ năm vẫn không thấy Trúc Anh có vẻ gì muốn làm lành, lại chẳng thèm nhìn Thuyên, cũng không gởi thư giấy. Trống tan trường vừa đánh là Trúc Anh ôm cặp đi nhanh ra khỏi lớp, chen giữa đám con trai nhốn nháo. Thuyên thất vọng rồi đâm ra giận Trúc Anh thêm. Thuyên nhét tập vào cặp, lòng không ngớt trách hờn bạn. Từ trước tới nay, hễ lần nào Thuyên phật ý thì chỉ trong một buổi là Trúc Anh đã tìm đủ mọi cách cho Thuyên cười, lần này không những đã qua một ngày mà Trúc Anh lại còn là người lớn tiếng trước nữa. Thuyên cũng sẽ không dễ “tha” cho Trúc Anh như đã nghĩ lúc sáng đâu. Ai biểu, để Thuyên về một mình…



Trúc Anh đạp xe về nhà, ăn vội bữa cơm rồi lên gác, nằm lăn ra giường. Không phải Trúc Anh đã từng mong Thuyên sẽ không giấu Trúc Anh bất cứ chuyện gì đó sao? Nhưng khi Thuyên nói về Dũng với một giọng ngọt ngào thì Trúc Anh lại không sao chịu được. Có bao giờ Thuyên nói về Trúc Anh với giọng điệu như vậy chưa?


Trúc Anh gãi muốn nát cả da đầu trong lúc vừa đi quanh căn gác vừa suy nghĩ. Học toán, Trúc Anh dễ dàng tìm ra tính lôgic của vấn đề, còn chuyện này thì lại quá nhiều mâu thuẫn. Trúc Anh còn không hiểu nổi mình nữa là… Trúc Anh biết mình đã nổi giận vô lý với Thuyên. Hôm qua về tới nhà, cậu tự trách mình rất nhiều nhưng khi đến lớp, cậu lại không thể mở miệng xin lỗi Thuyên được. Chỉ cần nghĩ đến “chuyện Dũng” Trúc Anh lại thấy giận sôi ruột. Có lẽ Thuyên buồn lắm… Trúc Anh là một người bạn xấu ư?


Nằm trong nhà, Trúc Anh cảm thấy rất bức bối, cậu vớ lấy chiếc nón kết, đi ra ngoài.


Trưa nắng, đường phố ngột ngạt đầy bụi và khói xe. Từng lớp bụi tung lên, cuốn lấy người đi đường. Trúc Anh cảm giác mũi mình bị chẹn cứng. Chán đi lông nhông ngoài đường giống một tên điên giữa trời nắng chang chang Trúc Anh ghé vào thư viện tỉnh để mượn vài cuốn sách.


Quen thuộc với cảnh đông đúc ở thư viện, Trúc Anh lách người vào góc tủ chứa sách khoa học. “Đố vui toán học”, “Hóa học lý thú”, “Một ngàn câu hỏi vì sao”… Trúc Anh đều đã đọc qua cả. Cậu cúi người xuống rút quyển “Đường lên đỉnh Olympia - Chuyện kể về kim loại” ra, vừa lúc đó một tiếng nói quen thuộc vang lên:
- Chị ơi, tìm giùm em quyển Giã từ vũ khí của Hemingway đi, em kiếm hoài hổng thấy.
Trúc Anh ngoái đầu lại nhìn nơi bàn giấy của chị thủ thư, cậu thấy Như đang đứng đó trong chiếc áo thun màu hồng thật tươi tắn. Trúc Anh bước đến:
- Như cũng thích mượn sách ở đây à?
Không một chút ngạc nhiên vì sự có mặt của Trúc Anh, Như tíu tít:
- Chào “ông bạn”. Mượn sách gì vậy? - Vừa nói Như vừa lật lật quyển sách trong tay Trúc Anh - Ôi, tôi ngán mấy quyển này lắm, bạn thích à?
- Sách này hay lắm chứ! Khoa học mà.
- “Khoa” với chả “học”, nhức đầu!
- “Văn” với chả “chương”, chán ngắt!
Như cười xòa rồi nói với Trúc Anh:
- Lấy sách xong, ra quán, tôi sẽ khao bạn, há!
Ngay lúc chị thủ thư đưa cho Như quyển Giã từ vũ khí, Như liền chạy đến giá sách để lục tìm vài quyển nữa. Trúc Anh cũng lẳng lặng tìm vải quyển truyện cười quốc tế, ghi thẻ rồi đi sang quán bên đường theo lời hẹn của Như.
Trúc Anh vừa yên vị một chốc thì Như đến. Như tự nhiên kéo ghế ngồi và ướm hỏi Trúc Anh uống gì. Buổi trưa, quán vắng khách, chỉ có một vài người đi đường dừng lại để tránh nắng và uống nước ngọt. Như quấy mạnh ly đá me, nói:
- Bạn đang có chuyện buồn phải không? Lúc vào thư viện cứ cúi gằm mặt xuống, đi ngang qua tôi mà cũng chẳng thấy. Tôi đành phải nhờ giọng “oanh vàng” của mình để bạn nghe thấy đó!
- Thì ra là Như thấy Trúc Anh trước rồi. Vậy mà không gọi.
- Tại… tôi thấy bạn có vẻ buồn. Sao vậy, nói tôi nghe đi!
- Trúc Anh…
- Tôi đoán nhé, bị Thuyên giận, đúng không?
Trúc Anh nhìn vẻ mặt đầy thắc mắc của Như, cậu không chối:
- Ờ… Trúc Anh cãi nhau với Thuyên.
- À há…!
- Lần đầu tiên đó, vì một chuyện chẳng ra sao.
- Vậy thì, bạn xin lỗi đi. Con trai nên rộng lượng một chút, đừng giận dai. Xin lỗi rồi, bạn sẽ thấy thoải mái hơn thôi!
Nghe Như góp ý như thế, Trúc Anh thấy lòng nhẹ đi. Đúng là cậu nên xin lỗi Thuyên trước. Biết thế, nhưng… Trúc Anh uống một ngụm nước chanh, dường như khó khăn lắm mới cất tiếng được:
- Nhưng Trúc Anh vẫn còn thấy buồn giận, không thoải mái xin lỗi được.
- Đành chờ thôi! – Như nhẹ nhàng nói – Bạn bè lâu lâu giận nhau một lần cũng thú vị chứ, phải không? Qua đó sẽ càng hiểu nhau. Chừng nào hết giận, bạn hãy đến xin lỗi Thuyên, không sao đâu!
Như nhoẻn cười, xoay xoay mấy quyển sách vừa mượn được. Chợt trông thấy cuốn truyện cười Những người thích đùa của Azit Nêxin trên chồng sách của Trúc Anh, Như reo lên:
- Oa…, cuốn này tôi đang tìm đó. Hay quá! Chừng nào bạn đọc xong, cho tôi mượn nghe! - Rồi lẩm bẩm - Sao lúc nãy mình lại quên tìm vậy ta!
Trúc Anh bật cười trước vẻ thích thú ngộ nghĩnh của Như, cậu nói:
- Hay là Như lấy đọc trước đi, rồi đưa lại cho Trúc Anh. Nè, cầm lấy đi!
- Không được… - Như kéo dài giọng ra vẻ phật ý rồi rút lấy một cuốn sách trong chồng sách đã mượn, đưa cho Trúc Anh – Chúng ta trao đổi vậy. Bạn cầm đi. Ráng đọc nghe!
Trúc Anh cầm lấy quyển sách, mắt mở to kinh ngạc: “Văn học phương Tây”. Cậu muốn giơ hai tay lên kêu trời. Như đưa được Trúc Anh vào bẫy, tiếp tục bồi thêm:
- Cho bỏ tật nói “văn chương chán ngắt”! Bạn ráng đọc đi, thay đổi khẩu vị, hổng chừng lại thấy… “ngon”. Đọc sách khoa học hoài, dễ “khô” người lắm đó, biết chưa “cậu em”?
Trên đường về, Như hỏi Trúc Anh nhiều điều về Thuyên, về những người bạn trong trường. Như nói nhiều, cười nhiều, khác hẳn với những lần Trúc Anh đã gặp trước đây. Nhiều lần Trúc Anh định hỏi xem tại sao lần ấy ở câu lạc bộ Như lại khóc, nhưng rồi thấy không tiện nên đành thôi. Như hỏi Trúc Anh định thi vào đại học gì, và Như nói Như mơ ước trở thành một phóng viên báo chí thực thụ, viết những điều mà người đọc sẽ không quên ngay như những bài báo thông thường khác. Đối với Như, báo chí không chỉ là thông tin đại chúng quan trọng nhất mà còn là nơi để con người tự nhận ra mình, thông qua hình ảnh của người khác. Nó giúp con người khao khát vươn tới những thành công mà người khác có, hay sợ hãi những điều xấu mà người khác vấp phải. Phóng viên lại được đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống, Như thích như vậy hơn là ngồi một chỗ tại văn phòng nào đó, cứng nhắc, mệt mỏi. Nhưng dù cho có bay nhảy thế nào, Như vẫn mong muốn mình sẽ có một ngôi nhà, với ba mẹ, một chỗ ở ổn định, vì Như đã quá mệt mỏi phải dời từ nơi này đến nơi khác, từ ngôi nhà này đến ngôi nhà khác lắm rồi.
Đã từ lâu, Như không còn nói về ước mơ của mình với ai, ước mơ xây đắp từ những ngày trọ trẹ đọc vài dòng tít báo ít ỏi của ba, nơi quê nhà… Những tờ báo mà ba phải đạp xe hơn mười cây số ra huyện mới mua được, đối với Như lúc đó, thật giống như một kho báu.
Trúc Anh lắng nghe Như, im lặng và thông hiểu. Bấy nhiêu cũng đủ làm cho Như cảm thấy hạnh phúc và cảm kích vô cùng. Không hiểu sao, người bạn này mang đến cho Như một cảm giác thật tin tưởng và thoải mái.
Lúc sắp chia tay, Trúc Anh chợt nói:
- Như muốn học nhóm chung với Trúc Anh và Thuyên không?
Trúc Anh sẽ rủ thêm cậu bạn thân nữa. Học nhóm sẽ tốt hơn học một mình để đối phó với hai kỳ thi sắp tới đó! Đồng ý nhé, “cô phóng viên”?
Như dừng xe lại, đưa mắt nhìn Trúc Anh, thầm đọc sự mong muốn thật sự trên gương mặt của cậu và… gật đầu đồng ý. Như cũng không nói được câu nào cho đến khi Trúc Anh nói lời chào để chạy sang hướng khác. Một cảm xúc thật lạ tràn ngập trong lòng Như: niềm tin và sự quý mến!
- Trúc Anh ơi!
Vừa để cặp xuống bàn Trúc Anh đã nghe tiếng gọi. Cậu chạy ra cửa lớp khi thấy cánh tay vẫy của Như.
- Gì vậy Như?
- Hôm qua, bạn để quên cái này - Như đưa tấm thẻ thư viện ra trước mặt Trúc Anh - Tôi thấy nó trong quyển Những người thích đùa. Đáng lẽ phải trao tiền chuộc, nhưng nể tình… bạn rủ tôi học nhóm nên thôi, trả nè!
- Cảm ơn nhé! Thường ngày tôi luôn bỏ nó trong ví tiền, không hiểu sao hôm qua lại quên.
Trúc Anh giơ tay đón chiếc thẻ và rút chiếc ví nhỏ trong túi quần, cất vào. Như nghiêng đầu nhìn vào trong lớp, mỉm cười chào Thuyên đang đưa mắt nhìn ra. Thuyên hơi giật mình, cười gượng gạo. Quay lại Trúc Anh, Như hỏi:
- Chưa làm lành với Thuyên phải hông?
- Ừm…
- Đừng thế nữa. Trông hai bạn chán lắm. Tôi về lớp nghen!
Tà áo dài tung lên khi Như chạy về lớp, cách một cái cầu thang. Trúc Anh đợi Như quẹo vào lớp rồi mới chầm chậm quay vào chuẩn bị cho tiết toán đầu tiên. Vừa hay, tiếng trống vào học vang lên.
Thuyên ngồi trong lớp từ sớm, trông thấy cả. Lòng Thuyên chợt thấy buồn vô hạn. Trúc Anh có vẻ thân thiết với Như từ lúc nào vậy nhỉ? Hèn gì, có lần Trúc Anh bảo Thuyên nên tiếp tục với Như… Hôm qua, Trúc Anh không đến học nhóm, Thuyên cảm thấy thật trống trải. Nghĩ rằng chỉ cần Trúc Anh nói một tiếng thôi, Thuyên sẽ hết giận liền. Bạn bè bấy lâu nay rồi, có một chút chuyện như vậy… Sáng nay Trúc Anh lại còn vui vẻ cười nói với Như và các bạn nữa. Chẳng lẽ không biết Thuyên buồn? Giờ thì Thuyên sẽ không thèm nhìn tới Trúc Anh nữa, không mua đĩa nhạc mới cho nghe cùng, viết hết mực cũng chẳng đi mua giùm đâu. Giỏi thì kêu ai đi, kêu Như cũng được nữa!
Thuyên giận dỗi gõ mạnh cây viết lên bàn làm nhỏ bạn kế bên giật nảy…
Chiều, Thuyên đang nghe nhạc trong phòng thì chuông cửa réo inh ỏi. Thuyên chạy ra mở cổng, gặp ngay Trúc Anh đang đứng đó, tươi cười. Thuyên xụ mặt:
- Kiếm ai?
- Thôi, biết kiếm ai rồi mà. “Công chúa nhà này”, mở cửa giùm đi!
- Không quen! Không mở!
- Tới giờ học nhóm rồi đó, không cho “thầy” vô sao?
- Sao bảo không muốn học nhóm với “tui” nữa mà…
Trúc Anh lòn một tay qua song cửa, véo vào tay áo của Thuyên, còn tay kia giơ cao con thỏ bằng bông trắng muốt, xuống nước nhỏ:
- Xin lỗi! Đừng giận nữa nghe Thuyên. Có quà chuộc tội nè. Trúc Anh mỏi chân quá rồi, cho vô đi!
Thuyên miễn cưỡng mở cổng ra, mắt nhìn sang nơi khác nhưng trong lòng lại khấp khởi mừng. Nếu Trúc Anh lại không đến, Thuyên sẽ buồn biết bao.
Mặc dù vậy, vào tới nhà Thuyên cũng chẳng để Trúc Anh yên ngay. Cầm lấy chú thỏ, Thuyên nói:
- Lần sau hổng có vậy nữa nghe! Sẽ không cho chuộc bằng một con thỏ bé tẹo như thế này đâu.
- Bất quá… Trúc Anh tặng một… con cọp bông vậy - Trúc Anh pha trò rồi chợt nghiêm trang - Nói vậy chứ, không có lần sau đâu. Hứa đó! Thuyên đừng giận nữa.
- Vậy, mai mốt không được lớn tiếng nữa, hứa không?
- Hứa!
- Không được bỏ ngang ra về. Hứa không?
- Hứa!
- Không được làm mặt lạnh với Thuyên. Hứa không?
- Hứa, hứa, hứa… cái gì cũng hứa tuốt, được rồi chưa cô nhóc? Nhưng Thuyên cũng phải hứa là học cho ra học, không nói nhiều chuyện… ngoài lề quá, được không?
- Ừa…
- Vậy thì lấy tập ra đi.
Thuyên lỏn lẻn cười, giở quyển tập toán để sẵn trên bàn theo thói quen, vì ngày nào Trúc Anh cũng đến cùng học mặc dù hôm qua… Thuyên xoa xoa đầu chú thỏ bông đầy vẻ thích thú trong khi Trúc Anh ghi một đề toán dài ngoằng ra giấy. Với lấy cây thước, cậu hỏi:
- Mẹ Thuyên không có ở nhà?…
- Mẹ đi mua sắm với mấy dì bạn rồi.
- Từ mai tụi mình học nhóm chung với Thiện và Như há! Thiện cũng muốn học chung với mình lâu lắm rồi. Được không?
Cẩm chướng đỏ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương kết