watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm-Chương Hai - tác giả Cung Thị Lan Cung Thị Lan

Cung Thị Lan

Chương Hai

Tác giả: Cung Thị Lan

Nghe tiếng Anh gọi ơi ới ngoài đường, Hạ vội thò đầu ra khỏi bức tường thành.
- Im đi khỉ. Ta nghe rồi. Ta đang chuẩn bị ra đây, la to chút nữa là bác trai của ta tóm cổ, không cho đi đâu.
Hạ rón rén dắt chiếc xe đạp ngang khu vườn dọc theo dãy hoa bông bụt. Đến khóm hoa hoàng anh, Hạ đưa tay vén các cánh hoa xòa trước mặt, rồi dáo dác nhìn xem có ai trong nhà nội không. Giờ này sau buổi cơm tối, những người lớn thường nghe thời sự và nói chuyện với nhau, nhưng thỉnh thoảng bác cả của Hạ, người nghiêm nghị nhất trên thế giới thường đi lên đi xuống dọc hiên nhà để cho tiêu cơm. Hạ rất sợ gặp bác.
May mắn thay, không ai ở trước cổng ngoài con chó Jack. Nó vẫy đuôi mừng, rít lên và quấn quýt trước đầu xe. Hạ gắt: “Suỵt! Im đi!” và cố giữ chiếc xe di chuyển mà không để chiếc dây sên gây tiếng động. Khép chiếc cổng gỗ lại và gài khoen xong, Hạ vội vàng đạp xe đi khỏi tầm nhìn từ căn nhà.
Anh và Trang đuổi theo:
- Đan Hạ ơi, mi đi đâu vậy?
- Biết đường không? Trời ơi, ngừng lại cho tụi ta nói một tí coi con khỉ! Mi đi đâu vậy?
- Thì đi “bal” với tụi mi chứ đi đâu?
Trang hỏi liên tục với giọng thất thanh:
- Đi “bal”? Đi “bal” mà mặc đồ gì kỳ cục vậy? Quần “jeans” xanh! Áo sơ mi trắng! Lại còn giày “sandal” nữa! Giống như mi đi học giờ thể dục vậy đó.
-Thì Hạ chỉ đến đó để ăn, uống, nghe nhạc và xem người ta nhảy thôi mà! Hạ có phải là người trình diễn đâu? Hơn nữa, bây giờ mà Hạ vào nhà thay đồ thì không được đi nữa rồi.
Anh can thiệp:
-Thôi mà, đó là ý thích của nó. Nói quá, nó không đi nữa cho xem.
Đến Công Hoan, năm đứa gặp nhau. Đoan Hạnh và Hương rất ngạc nhiên vì sự có mặt của Hạ nhưng hai đứa rất vui vì sự có mặt này. Năm đứa đến đúng giờ nên thấy khách còn thưa thớt. Chủ nhân rất dễ thương và lịch thiệp. Chị hướng dẫn cả bọn đưa xe vào nhà chứa xe. Dựng năm chiếc xe mini vào chung một góc, cả bọn được niềm nở mời vào phòng khách.
-Vừa ngồi xuống ghế, Hạ đưa mắt quan sát xung quanh. Dưới ánh đèn mờ nhạt, những chiếc ghế được sắp sẵn xung quanh căn phòng. Ở một góc phòng là dàn trống với vài chiếc đàn điện. Không khí ngột ngạt vì mọi người nói với nhau nhỏ nhẹ gần như thì thầm. Mấy người con trai trong ban nhạc đang chuẩn bị đờn, trống cũng nói với nhau thật nhỏ đến nỗi Hạ chẳng nghe được gì, mặc dù Hạ ngồi rất gần họ. Mấy đứa bạn của Hạ thường nghịch ngợm như quỷ sứ vậy mà bỗng dưng nghiêm trang đến lạnh lùng. Thấy đứa nào, đứa nấy ngồi một cách đoan trang và hiền thục, Hạ lo sợ sửa lại tư thế ngồi cho thích hợp hơn.
Chẳng mấy chốc, thiên hạ đến đầy phòng. Nhiều tiếng nói hơn, nhưng vẫn thì thầm. Nhiều con trai, con gái hơn nhưng đứng đắn và đàng hoàng quá. Nhiều bánh, nước được mời nhưng thiên hạ rất là e dè và lịch sự. Ai nấy nhón tay,lấy từng cái bánh trông rất kiểu cách sang trọng. Mọi cái diễn ra ở xung quanh cho Hạ cảm giác như lạc vào một thế giới hoàn toàn xa lạ.
- Chọn chiếc bánh nào đi chứ cô bé!
Hạ giật mình nhìn người con trai đứng trước mặt. Trên tay cầm dĩa bánh, anh ta cười rất lịch sự như ra hiệu mời. Mùi nước hoa thật dịu đâu đó toát ra. Hạ ngập ngừng không biết lấy cái bánh nào nên nhón tay lấy đại một cái cho xong.
-Lấy một cái nữa đi chứ. Chỉ một cái thôi sao?
Như một cái máy, Hạ nhón tay lấy thêm một cái nữa rồi lắc đầu. Tiếng nhạc lúc này bắt đầu dồn dập nổi lên. Mọi người đều hướng mắt về sàn nhảy.
Anh thì thầm:
- Đến giờ khai mạc dạ vũ rồi.
Hạ ngơ ngác nhìn xung quanh. Chủ nhân căn nhà cùng bạn trai của chị bước ra giữa sàn nhảy. Chị ta trông thật dễ thương với quần ống pát đen và chiếc áo cánh cùng màu. Chiếc áo, may theo dạng áo tắm hai mảnh, ôm sát người làm rõ hơn làn da trắng mịn màng và thân hình tuyệt mỹ của chị. Nhìn hai người di chuyển những bước chân tự tin và hòa nhịp theo nhạc, cảm giác thích thú dâng lên trong Hạ. Đây là lần đầu tiên Hạ biết được dạ vũ là gì và được xem người ta biểu diễn ra sao. Tuy nhiên, sự thích thú đã không lấn át nổi nỗi lo sợ của Hạ. Không khí yên lặng và thì thầm đến ngột ngạt của xung quanh làm cho Hạ mất đi cái tự nhiên thường có. Hạ cảm thấy hối hận vì đã nhận lời mấy đứa bạn nên mới phải chịu đựng cái cảnh xa lạ này. Mọi người bắt đầu lần lượt ra sàn nhảy. Nhìn lại mấy đứa bạn của Hạ cũng biến mất. Vài người con trai, quần đen, áo trắng trông rất lịch sự, như là học sinh trường Bá Ninh, đến trước mặt Hạ, đưa tay ra mời. Hạ trố mắt thảng thốt, rồi lắc đầu. Một, hai người con trai khác lại đến. Hạ lại lắc đầu. Không an tâm vì bị mời nhiều lần, Hạ rủa thầm “Rõ là kỳ cục! Thấy người ta lắc đầu thì phải hiểu người ta không biết nhảy, vậy mà cứ mời hoài.”
Hết nhạc, mấy người con trai đưa đám bạn của Hạ về chỗ ngồi. Hạ cau mặt:
- Ê! Sao mấy đứa bỏ Hạ ngồi một mình vậy? Ít nhất phải có một đứa ngồi lại với Hạ chứ!
Hạ kéo tay Trang:
- Hứa với Hạ là đừng nhảy nữa, ngồi với Hạ đi! Mấy ông nào đó cứ tới mời Hạ hoài, Hạ có biết nhảy đâu!
- Thì Hạ đừng nhảy, cứ lắc đầu là xong.
Dứt câu, Trang đứng dậy và bước ra sàn với người bạn trai. Dãy ghế của năm đứa trống trơn chỉ còn có mỗi mình Hạ và dường như chỉ có Hạ là người duy nhất ngồi lạc lõng trong buổi dạ vũ hôm ấy. Nỗi sợ và uất ức làm cho nước mắt của Hạ dâng lên. Lần này thì đủ loại nhạc: lúc êm dịu, lúc lả lướt, lúc dồn dập, lúc tha thướt ẻo lả. Đám bạn của Hạ, không đứa nào trở về chỗ cũ. Hết bản này, tụi nó lại tiếp tục nhảy bản khác. Mỗi lần có bản nhạc mới bắt đầu thì lại có mấy người con trai đến trước mặt Hạ chìa tay ra mời. Hạ chịu không nổi, cau mặt nhăn nhó và lắc đầu nguầy nguậy. Bản nhạc “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” của một nam ca sĩ trong ban nhạc Blue Sky hát như kéo dài thời gian đến vô tận. Hạ mong đám bạn của Hạ trở lại chỗ cũ để nói cho hả dạ.
Rốt cuộc, “tụi ngũ quỷ” cũng về ghế ngồi. Hạ nói mà nước mắt dâng lên:
- Tụi mi xấu lắm! Ta không thèm ngồi ở đây nữa, ta đi về đây!
Nói xong, Hạ đứng dậy và đi về hướng cửa. Cả bọn bàn tán sau lưng:
- Thấy nó sợ, Anh định vào rồi nhưng vì bạn Anh mời bản tiếp, Anh từ chối không được.
- Ta cũng vậy.
-Ta đâu biết là nó sợ dữ vậy!
Rồi cả bọn nài nỉ:
- Đan Hạ ở lại đi mà! Một chút nữa rồi về nghe, bây giờ...
Hạ bước ra khỏi phòng. Cả bọn lục đục đi theo. Chị chủ nhà đến hỏi chuyện và khuyên Hạ ở lại. Lúc này, không nói được gì, mặc cho nước mắt lần lượt tuôn rơi, Hạ chỉ lắc đầu.Vài người con trai cũng xúm đến, lo lắng hỏi:
- Chuyện gì vậy chị My?
- Cô bé này muốn về sớm.
- Sao không ở lại chơi? Còn sớm mà? A! Mà thôi, xe bé để ở đâu?
Đưa tay chỉ về góc cuối của chỗ đậu xe, Hạ giấu khuôn mặt của mình. Mấy người con trai cố gắng lách mình giữa các chiếc xe, đến xe của Hạ, nhắc bổng nó lên, rồi đưa ra tận cổng.
Hạ lấy xe, cảm ơn nho nhỏ rồi đạp thật nhanh ra khỏi nhà chứa xe mà không nhìn lại mọi người đang đứng tiễn. Về nhà, Hạ mong giấc ngủ đến thật sớm để quên những xui xẻo trải qua trong ngày. Một giấc ngủ dài nào đó có thể làm Hạ quên mất đi những hình ảnh mới lạ mà Hạ tiếp nhận trong buổi dạ vũ và nhất là làm cho Hạ không còn phải nghe dư âm của tiếng nhạc và lời ca ngân vang trong tai. Thấy Hạ trở mình nhiều lần, má của Hạ ngạc nhiên:
- Con có sao không Hạ?
- Không sao cả má, con chỉ nghĩ về bài kiểm tra sắp tới thôi.
Thầm đếm một, hai, ba..., Hạ từ từ rơi vào trong giấc ngủ.

***

Hôm sau, Hạ đổi ý định không đến trường bằng xe đạp. Đi xe hơi với bác Cả thường đến trường đúng ngay giờ vào lớp. Bác Cả làm việc cho trường Lê Quý Đôn. Trường này chỉ cách trường Huyền Trân của Hạ chỉ một con đường lớn. Những lúc cần thiết Hạ mới đi với ông và Ái bởi vì Hạ không thích cái nghiêm trang đàng hoàng đến ngột ngạt khi ngồi trên xe và cái yểu điệu thục nữ khi bước ra khỏi xe. Hơn nữa, mỗi lần đi xe với bác, Hạ thường ngồi ở ghế đàng sau bởi vì Ái luôn luôn ngồi ghế trước với bác. Ái là một trong bảy người con gái của người chú kêu bà nội Hạ bằng dì. Năm 1972, biến động của mùa hè đỏ lửa đã khiến ba Ái đưa cả gia đình di tản về Nha Trang. Khi tình hình ở Pleiku lắng đọng, chú đưa tất cả mấy đứa con gái về ngoại trừ Ái. Ái được hai bác cả Hạ giữ ở lại để chăm sóc ông bà. Khuôn viên nhà nội Hạ chỉ có những người lớn tuổi như bà nội, hai bác Cả, cô Sáu, cô Út và má Hạ. Từ khi có Ái, Hạ có người cùng trang lứa để trò chuyện. Tuy nhiên, Ái có cốt cách tiểu thơ thích đi học bằng xe hơi còn Hạ chỉ thích chiếc xe đạp mini nhỏ nhắn của mình và sự tự do khi đi với nó. Bởi vì giận mấy đứa con gái “xóm nhà lá”, vừa sợ bạn cùng lớp cười, nếu chúng biết vụ tối hôm qua nên Hạ phải bỏ thông lệ của mình.
Khi chiếc xe ngừng trước cổng trường Huyền Trân, Hạ cảm ơn bác và chào Ái rồi nhanh chân tiến vào cổng trường. Những tà áo trắng thấp thoáng dưới những hàng dương. Giờ này học sinh các lớp đã xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị vào lớp. Hạ vội vàng đến cuối hàng của lớp mình và im lặng. Một vài tiếng thì thầm nho nhỏ đâu đó. Hạ ôm ghì tập sách, kê cằm vào nó và nhìn xa xa.
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Hạ tròn mắt hướng về người kêu. Không phải là bốn nhỏ bạn quí của Hạ mà là Liễu. Hạ vội toét miệng cười và đưa tay vẫy chào. Bước lên đến bậc thềm, Liễu còn nói vọng ra sau:
- Hết giờ học, Hạ chờ Liễu nói chuyện này rất quan trọng nghe.
Anh cũng quay mặt nhìn Hạ và nói :
- Anh cũng có chuyện quan trọng cần nói với Hạ nữa đó.
Nghĩ thầm: “Cái con khỉ này muốn chọc mình chuyện hôm qua đó thôi”, không trả lời, Hạ cố tạo khuôn mặt thật nghiêm trang và bước theo hàng để vào lớp. Hạ lo lắng không hiểu mấy con nhỏ trong nhóm “ngũ quỷ” có “bật mí” vụ tối hôm qua cho cả lớp nghe chưa. Nếu có, Hạ sẽ bị “quê một cục” mà không thể nào trốn đâu được. Cái tội “khóc nhè” trước đám đông thế nào bạn bè trong lớp cũng cho Hạ cái biệt danh mới.
Vừa bước vào lớp, thầy Lợi đã lên tiếng:
- Cô nào không có áo lót thì lo chuẩn bị. Bà tổng giám thị đang đến các lớp để kiểm tra đó.
Thầy dứt lời chỉ vài phút, cô tổng giám thị đã xuất hiện trước cửa lớp. Tất cả học sinh trong lớp vội vã đứng dậy chào. Một vài cái đầu thụp xuống bàn, mở cặp rối rít để lấy áo lót tròng vội vào. Cô tổng giám thị bước đến từng bàn kiểm tra không những áo lót mà còn cả bảng tên. Lớp Hạ im lặng chưa từng thấy, nhưng với Hạ, cái ngột ngạt của sự im lặng này dễ chịu hơn cái ngột ngạt của tối hôm qua. Cô dừng lại bàn của Hạ, chăm chú nhìn rồi chỉ Hạ lên đứng trước bảng. Sau khi cho cả lớp ngồi, cô nói thật nhiều:
- Đây là một mẫu nữ sinh đứng đắn từ đầu tóc, áo quần, phù hiệu...
Hạ thấy những đôi mắt cười chăm chú nhìn mình mà cảm thấy ngượng. Lũ bạn của Hạ lúc nào cũng cho Hạ là trẻ con và quê mùa cho nên lúc này Hạ thực sự là trò cười của bọn chúng. May mắn thay, cô tổng giám thị chỉ dặn dò ngắn gọn và cho Hạ về chỗ trước khi đi kiểm tra lớp khác.
Vừa được trở về chỗ, Hạ nghe tiếng thầy Lợi giảng gì đó, loáng thoáng:
- Nếu sợ con trai nhìn thì có lẽ một ngày nào đó trường Nữ Trung Học này nên đặt ra luật che mặt đi học hơn là để ý nhiều đến chuyện không có áo lót của các cô.
Cả lớp cười ồ. Hạ ngớ ngẩn tự hỏi “Có phải đối với thầy khuôn mặt của con gái là quan trọng hơn cả?” Hạ không màng điều gì đúng sai, cái gì quan trọng hơn cái gì. Hạ chỉ không thích bị rắc rối với những lần kiểm tra của cô tổng giám thị cho nên Hạ luôn luôn tuân theo nội quy của nhà trường. Tuy nhiên, tiếng cười của các bạn trong lớp hôm ấy làm cho sự kiên tâm của Hạ nao núng. Hạ bực bội cho cái quê mùa của chính mình rồi ngồi thừ người với những ý nghĩ mông lung.
Giờ ra chơi, Hạ không muốn rời chỗ ngồi. Trang ghé tai thì thầm:
- Hạ ơi, Hạ có biết Hạ đã lớn rồi không? Phải thay đổi một tí đi.
Hạ ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì con nhỏ đã ra khỏi lớp. Liễu kéo Hạ đến cuối lớp và nói:
- Lần này Liễu và Bích Lan thi vũ cầu toàn thành phố. Hạ có muốn đi ủng hộ không?
- Dĩ nhiên rồi, Hạ mong Liễu và Bích Lan đạt cả đơn lẫn đôi lần này. Nhưng mà, lần này Hạ giận nhóm ngũ quỷ rồi. Nếu đến trường Khải Minh, Hạ chỉ đi một mình thôi.
Nhỏ Anh vẫn còn ở trong lớp. Con nhỏ chen vào:
- Vì sao lại đi một mình? Tụi này có để Đan Hạ đi một mình đâu. Hơn nữa, Anh có chuyện muốn nói với Đan Hạ.
Quay sang Liễu, Anh nói:
- Đừng lo, cả lớp 12 C sẽ đi với Liễu và Bích Lan mà.
Kéo Hạ khỏi chỗ ngồi, Anh ghé tai:
- Đan Hạ ra góc sân với Anh, Anh sẽ kể Đan Hạ chuyện này quan trọng lắm.
Đến góc sân vắng, hai đứa kéo áo dài và ngồi xuống dưới gốc cây keo. Anh hỏi:
- Hạ có nhớ người con trai mặc quần đen, áo trắng trong buổi dạ vũ tối hôm qua không?
Hạ nhíu mày, cố lục lọi trí nhớ:
- Hai, ba người mặc quần đen áo trắng Hạ không thể nhớ được.
- Anh ấy có dáng người cao cao.
- Hai, ba người mặc quần đen, áo trắng đều cao hết. Hạ không biết người nào.
- Anh ấy đang học ở trường Kỹ thuật, là bạn gần nhà Anh. Anh ấy muốn làm quen với Hạ lắm.
- Ủa, anh ấy và mấy người cùng nhóm không phải là học sinh Bá Ninh sao ?
Anh bật cười:
- Sao Hạ nghĩ họ là học sinh trường Bá Ninh?
- Vì họ mặc quần đen, áo trắng mà.
Anh tiếp tục cười:
- Đâu phải! Đâu có ai mặc đồng phục đi dạ vũ! Mấy người đó là học sinh trường Công Nhân Kỹ Thuật Nha Trang. Họ muốn mặc kiểu như vậy đó mà!
Hạ im lặng nghĩ đến mấy người con trai học trường Công Nhân Kỹ Thuật mà Hạ gặp năm trước tại trường Khải Minh, vào lúc các trường trung học tranh giải vũ cầu toàn thành phố Nha Trang. Sau khi đám con gái bọn Hạ cổ vũ cho “gà nhà” xong, cả bọn “a dua” “cổ vũ” cho mấy anh chàng hàng xóm Nam Trung Học Võ Tánh. Đám học sinh Nữ Trung Học Huyền Trân ồn ào la hét không kém gì con trai khiến cho nhóm con trai trường Công Nhân Kỹ Thuật Nha Trang khó chịu chửi rủa um sùm: “Lũ con gái Huyền Trân này lúc nào cũng bênh tụi Võ Tánh chứ chẳng bao giờ thích cổ vũ 'tụi cà lê mỏ lết' bọn mình đâu!” Hạ len lén, liếc nhìn cái đám học sinh nam trong đồng phục xanh mực ấy. Họ trông thật “đàn ông cứng rắn” chứ không như “thư sinh Võ Tánh” nhưng mà chẳng có ai trong đám con gái trường Huyền Trân “can đảm” ủng hộ cho đội của họ. Có lẽ “con gái Huyền Trân” và “con trai Võ Tánh” muôn đời là bà con nên hai trường luôn bênh vực cho nhau. Bạn Anh là người nào trong nhóm học sinh đồng phục xanh mực ấy? Hạ tò mò:
- Anh ấy tên gì?
-Triệu!
- Anh ấy ở đâu?
- Gần nhà Anh. Gia đình Triệu gia giáo lắm! Ba anh ấy làm việc tại trường Đại học Duyên Hải.
Hạ im lặng suy nghĩ về lối quen bạn trai theo cách giới thiệu như Anh đề cập mà không hiểu lối quen như thế sẽ diễn tiến như thế nào. Tưởng tượng cảnh ngượng ngập và cứng ngắt khi gặp nhau, Hạ lo lắng:
- Quen là sao ?
- Thì Anh sẽ tìm cách giới thiệu cho Triệu và Hạ gặp nhau, rồi quen nhau và đi chơi với nhau.
Hạ lắc đầu:
-Thôi, Hạ không thích có bạn trai đâu! Rắc rối lắm!
- Rắc rối gì ?
- Gia đình Hạ toàn người lớn phong kiến, và kỷ lưỡng, chuyện Hạ có bạn gái đã khó rồi, huống hồ có bạn trai.
- Vậy thì Anh phải trả lời với bạn Anh ra sao?
-Không được, chứ sao nữa?
- Với lý do gì?
- Không được là không được, đừng giải thích dài dòng làm gì. Vậy là chuyện quan trọng sao? Thôi, đến giờ vào lớp rồi đó Anh!
Buổi trưa tan học, không có chiếc xe đạp mini, Hạ như thiếu một người bạn thân thiết. Đám nữ sinh trường Hạ túa ra từ những cổng trường khiến cho con đường Đinh Tiên Hoàng trước mặt trường trở nên xôn xao và rộn rã với những tà áo trắng. Đi bộ đến ngã ba góc đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Tri Phương, bên cạnh quán chè cô Luận, Hạ thấy hai anh chàng Vân và Hoàng đang trò chuyện với Hương và Đoan Hạnh. Làm ngơ và bước nhanh chân hơn, Hạ cười thầm “Mấy anh chàng tài tử này gan dạ thật! Giờ này mà dám đứng ở đây.” Tiếp tục trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hạ trở thành người gan dạ đi trên khu vực trường Võ Tánh. Dọc theo bức tường thành dài của khuôn viên trường Nam Trung Học Võ Tánh, trên đường Đinh Tiên Hoàng kéo đến đường Bá Đa Lộc, vài nam sinh quần xanh áo trắngVõ Tánh đơn phương độc mã cúi đầu đi ngược lại hướng của Hạ. Hai bên cúi đầu cất bước, không ai nhìn ai. Hạ yên tâm khi thấy từng “địch thủ” cũng có cảm giác sợ như mình. Thái độ của những đứa con trai “đơn thương độc mã” hoàn toàn khác với đám con trai họp thành một nhóm đông. Lách mình vào giữa rừng người quần xanh, áo trắng, Hạ cúi đầu giữ bình tĩnh và bước chân không ngừng. Đám đông này không cúi đầu mà đưa những con mắt tinh nghịch nhìn vào bảng tên của Hạ. Vừa thở phào nhẹ nhõm khi xuyên qua được đám đông bọn họ, Hạ giật mình bởi những tiếng kêu oai oái sau lưng “Hạ ơi! Hạ ơi!” Nhìn xuống ngực: mái tóc ngắn ngang vai của Hạ không đủ che cái bảng tên, Hạ bực tức, rủa thầm “Cái bảng tên vô dụng! Tụi con trai trườngVõ Tánh này biết tên mình rồi.” Hạ nhớ đến đám bạn gái của lớp Hạ và hiểu ra vì sao chúng không chịu may bảng tên trong áo dài. Khi nào có kiểm tra, mấy đứa mới lấy mấy cái bảng tên ép nhựa gắn trên ngực mà thôi. Hạ cảm thấy tiếc là không có được mái tóc dài thẳng mướt như một số bạn trong trường, nhưng rồi tự an ủi: “Tóc ngắn không sao, miễn là lần sau không đi bộ một mình trên đường này nữa.”
Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười Chín
Chương Hai Mươi
Chương Cuối