watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm-Chương Mười Ba - tác giả Cung Thị Lan Cung Thị Lan

Cung Thị Lan

Chương Mười Ba

Tác giả: Cung Thị Lan

Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, quân đội miền Bắc hoàn toàn chiếm miền Nam. Cuộc chiến tranh kết thúc thật nhanh bởi vì sự rút chạy nhiều hơn là chống trả. Những đoàn người hoảng hốt chạy vào Sài Gòn tị nạn trước đây, bấy giờ thi nhau tìm cách trở về quê quán. Người thành phố Nha Trang cũng như những người dân miền Nam ở các nơi khác đều hồi hộp chờ những biến cố mới xảy ra.
Thành phố Nha Trang lúc này được chia thành các khóm, phường rõ rệt. Các tên đường trong thành phố cũng bị thay tên mới. Và mọi người thường bị kêu đi họp vào những buổi tối để nghe thông báo tình hình hay để tự kiểm điểm và phê bình. Bản kê khai lý lịch và danh sách những người trong gia đình được phát ra cho từng người, từng nhà.
Riêng Hạ, Hạ thực sự rơi vào thế giới hoàn toàn đảo ngược. Những từ dùng dành cho Việt Cộng nay phải nói là “quân Cách Mạng” hay “quân Giải Phóng”, còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ thì phải gọi là “quân bán nước” hay “ngụy quân”. Hạ không tự giải đáp được vì sao quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũ là quân bán nước? Hạ cảm thấy sợ khi nghĩ đến hoàn cảnh của những người bạn trai cũ của Hạ. Nếu ngày xưa họ rớt Tú Tài và đi lính để trở thành người của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì số phận của họ như những người “lính ngụy” hiện tại là phải đi học tập cải tạo mà nôm na như cô Út của Hạ nói là bị đi tẩy não ư?
Hạ cảm thấy buồn cười cho sự tương phản trong đại gia đình của mình. Bà con trong gia đình Hạ có nhiều biệt danh khác nhau; người bị coi là Việt gian bán nước hay tư bản mại sản, người được gọi là Việt Minh yêu nước, người được vinh thăng, người bị đi học tập cải tạo, người phải chuẩn bị đi kinh tế mới, người lo trốn ra nước ngoài. “Chiến tranh và hòa bình” của Việt Nam đã để lại cho Hạ bao nhiêu câu hỏi mà Hạ không thể nào toại nguyện với những câu trả lời thiên vị một chiều.

***

Tiếng của Anh vang ngoài bức thành:
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Hạ thò đầu ra:
- Gì vậy Anh?
- Long chết rồi!
- Long chết? Hạ hốt hoảng la lên, rồi vội vã hỏi tiếp - Vì sao?
- Long tự tử!
Hạ lặng người mà không hỏi thêm về nguyên nhân. Chuyện tự vận trong những ngày sắp xảy ra chiến tranh và sau chiến tranh không là chuyện lạ, nhưng hình ảnh của người bạn trai vui vẻ và hiền lành mới hôm nào, nay trở thành người thiên cổ là chuyện không thể nào tin được. Hạ nhớ khuôn mặt Long và những câu nói đùa muốn làm em rể. Hình ảnh ấy,lời nói ấy cứ như mới hôm qua.Lẽ nào một người vui vẻ như Long có thể làm một việc đáng kinh ngạc như thế? Tin Long chết như là chuyện đùa. Hạ ngớ ngẩn hỏi Anh thêm một lần nữa:
- Long đã chết?
- Anh nói rồi! Long tự tử và đã chết rồi! Ngày mai gia đình sẽ đưa đám Long. Bây giờ Hạ đi lên nhà Long chia buồn với Anh nghe.
Hạ từ chối:
- Ngày mai Hạ sẽ đi với Anh đến nhà Long chia buồn và đưa đám luôn.
Quá nhiều biến cố xảy ra đã khiến Hạ lạnh lùng với tin dữ vừa nghe được. Hạ không muốn nhìn Long lần cuối để còn tin rằng Long vẫn còn sống trên đời và cũng không muốn gặp những người bạn cũ để khỏi phải ngậm ngùi trước những đổi thay.


* * *

Trái với suy tính, Hạ đã nhìn thấy Long lần cuối cùng khi Hạ cùng Anh đến nhà đưa đám anh ta. Trong chiếc quan tài gỗ mỏng và đơn sơ, Long nằm cứng đờ với đôi mắt nhắm nghiền như người đang ngủ. Đôi môi thâm tím trên khuôn mặt trắng toát tạo cho anh cái vẻ lạnh lùng và huyền bí.
Hạ chưa bao giờ thấy một xác chết, cũng như chưa bao giờ tưởng tượng người nằm trong quan tài là người bạn thân thiết với Hạ, cho nên sự thật trước mắt gây cho Hạ kích động đến tột độ. Đứng trước quan tài, xung quanh là những người mặc áo sô trắng lụp xụp quỳ lạy ,than khóc nức nở, Hạ lúng túng không hiểu mình phải có thái độ như thế nào cho thích hợp. Chằm chằm nhìn vào quan tài một lúc Hạ đưa mắt hướng về chiếc ảnh bán thân khổ sáu tám của Long trên bàn thờ. Bàn thờ Long được đặt sát ngay sau chiếc quan tài mở nắp. Hai ngọn nến lung linh trên bàn thờ như muốn đưa những tia sáng nối từ khuôn mặt trắng toát lạnh lùng của Long đến khuôn mặt tươi vui của anh ta trong bức ảnh thờ. Không hiểu những tia sáng này muốn hòa hợp sự tương phản của thực tế với quá khứ để động viên người chết “Cái gì mất thì trở nên đẹp mãi mãi” hay là để gây thêm sự đau thương của những người còn lại trên đời.
Một anh con trai, có khuôn mặt giống Long như tạc, đốt hai cây nhang rồi trao cho Hạ và Anh. Giọng anh ta trầm trầm:
- Hai em lạy từ giã Long để chuẩn bị đưa đám. Đến giờ đóng hòm rồi.
Như cái xác không hồn, Hạ đón lấy cây nhang. Mọi thứ trên bàn thờ gợi cho Hạ những buổi tối thắp hương cầu nguyện ba. Nải chuối, bình hoa, lư hương, đèn cầy đặt trước hình thờ là những biểu tượng để người còn sống có thể kết hợp với khói hương khấn nguyện và cầu xin với người đã chết. Hạ thường cầu nguyện ba phù hộ cho Hạ học giỏi, gặp nhiều điều may mắn để trở thành con gái ngoan mà không phải làm tủi hổ hương hồn ba dưới suối vàng. Với Long, Hạ không biết mình sẽ cầu nguyện điều gì. Tương lai đối với anh ta mù mịt đến độ không giải quyết được thì làm sao anh ta giúp Hạ đây? Tuy nhiên nếu có thể nói được với Long, Hạ sẽ trách vì sao anh nỡ hủy diệt thân thể mà gây thêm đau thương cho những người thân còn lại trên đời.
Vừa cắm cây nhang vào cái lư nhỏ, Hạ nghe tiếng khóc thổn thức và nức nở của mọi người xung quanh lớn hơn và dồn dập hơn. Mẹ Long vật vã vói đến nơi mà hai thanh niên lực lưỡng đang nâng cái nắp quan tài lên. Mặc cho tiếng khóc thê thảm bao nhiêu, cái nắp hòm vẫn vô tình đậy kín thi thể Long trong mấy tấm ván gỗ. Trong khi mọi người tiến gần đến chỗ quan tài, Hạ cảm thấy như mình bị tuột về phía sau. Rồi như một cái máy, Hạ bước theo đoàn người đi theo sau chiếc quan tài đến hai chiếc xe đậu trước cổng nhà.
Chỉ có hai chiếc xe đưa Long về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiếc xe lam nhỏ dùng để chở quan tài của anh và vài người trong gia đình. Còn lại mọi người lần lượt leo lên chiếc xe lớn hơn. Chiếc xe nhà binh cũ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Dù là loại xe gì, xe đưa đám vẫn là xe đưa đám. Thế mà hai chiếc xe này chạy nhanh hơn những đoàn xe tang mà Hạ từng chứng kiến trước đây. Khi hai chiếc xe chạy đến ngã ba Thành và tiến về Suối Dầu, Hạ mới nhận ra người ngồi đối diện là Triệu. Đầu tóc dài và nước da đen xạm tạo cho anh cái vẻ dày dặn hơn xưa. Hạ đưa mắt nhìn từng người. Ngoài Triệu ra, không có người quen biết nào trong đám thanh niên đứng ngồi trên xe. Khuôn mặt Triệu lạnh lùng và im lặng. Khi chiếc xe dừng lại, mặc cho Hạ và Anh đứng sau lưng anh ta để chờ leo xuống xe, Triệu vẫn lạnh lùng, không chào hỏi một ai. Trên đường đến nhà đưa đám Long, Anh cho Hạ biết là Triệu đã có bạn gái và hình như sắp lập gia đình. Cô gái này ở cùng chung khóm và phường nơi Triệu cư ngụ. Có bạn gái đâu phải là gì mà anh ta không muốn tiếp xúc với hai đứa Hạ? Phải chăng cái chết của Long đã gây cho anh ta xúc động cực kỳ khiến anh ta không còn muốn liên hệ với những gì thuộc về ngày xưa. Nếu anh ta nghĩ như thế, thì đó cũng chính là ý nghĩ của Hạ. Khi nhìn chiếc hòm đặt dưới lòng đất sâu và những thanh niên lực lưỡng thi nhau xúc đất phủ đầy trên ấy, Hạ thực sự hiểu rằng không phải Hạ chỉ mất một người,mà cả những người bạn còn lại của ngày xưa. Hạ sẽ trốn chạy quá khứ để quên đi tổn thương trong Hạ.
Trên đường về, hai chiếc xe chạy còn nhanh hơn lúc khởi hành. Trời nắng chang chang khiến cho ai nấy đều phải nhăn mặt vì chiếc xe nhà binh không có mui trần. Ba người thanh niên lực lưỡng trên xe đột nhiên cởi áo rồi dùng chúng lau mồ hôi. Cả ba đến mấy chiếc thùng chứa nước và múc nước uống. Nước uống còn dư không biết làm gì họ tạt xuống đường và vô tình làm ướt người đang đạp xe trên đường. Một vài tiếng chửi rủa vang lên. Tiếng chửi của những người dưới đường kích thích mấy thanh niên lực lưỡng này có trò chơi mới. Họ thi nhau múc những ca đầy ắp nước và tạt không ngừng. Lần này nước tạt không phải là vô tình mà hoàn toàn cố ý. Một cô gái đang vô tư đạp xe, bất thần lãnh trọn một ca nước lớn. Mặt mũi, tóc tai, và áo quần cô ướt sũng trông thật thảm thương. Hạ cảm thấy thương hại khi nhìn thái độ hốt hoảng và kinh ngạc của cô ta trước tình cảnh khó xử. Mấy thanh niên cười nói một cách khả ố và giành nhau những cái thùng còn sót nước để đổ ập hết xuống người đi đường. Lúc này, ánh nhìn lạnh lùng của Triệu dịu đi và thay bằng nỗi kinh ngạc. Không những chỉ có mình Triệu, Hạ và Anh cũng đưa những con mắt hoang mang, im lặng nhìn nhau. Hạ không hiểu những thanh niên lực lưỡng trên xe là ai và có quan hệ như thế nào trong gia đình Long, nhưng thái độ của họ thật là không thích hợp. Cho dù họ giúp gia đình chôn cất Long như thế nào chăng nữa, tạo nên những trò chơi gây tiếng cười bất nhã sau đám tang là việc không nên làm.
Xe vừa tới nhà Long, Hạ và Anh lầm lũi đến chỗ để xe đạp. Mẹ Long bước đến gần:
- Bác cảm ơn hai cháu đã có lòng đến đưa đám tang con của bác. Hai cháu là bạn của Long phải không?
Hai đứa đồng trả lời:
- Dạ
Nói trong nước mắt, mẹ Long tâm sự:
- Bác đâu biết nó dại dột như vậy. Bao nhiêu thuốc trong nhà nó lấy uống hết cả, đến khi phát hiện ra thì nó đã chết rồi, không còn cứu được nữa.
Lúc này Hạ mới bạo gan hỏi:
-Bác có biết vì sao Long tự tử không?
Dùng vạt áo trắng lau nước mắt, bà nức nở:
- Vì thất chí đó. Nó nghĩ học hành dang dở, tương lai không ra gì nên tuyệt vọng mà làm chuyện bậy bạ. Nó làm sao hiểu được bác đau khổ như thế nào khi mất nó.
Về nhà, hình ảnh mẹ Long khóc vật vã vì thương tiếc con ám ảnh mãi trong tâm trí Hạ. Hạ cảm thấy thương Long và mẹ của anh ta. Từ chuyện của Long, Hạ tâm nguyện sẽ không bao giờ làm cho má Hạ đau khổ và chuẩn bị tinh thần đương đầu với bất cứ tình huống nào xảy ra.
Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Bốn
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Lăm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy
Chương Mười Tám
Chương Mười Chín
Chương Hai Mươi
Chương Cuối