Chương Mười
Tác giả: Cung Thị Lan
Tiếng nói xôn xao của mọi người trong nhà đã đánh thức Hạ dậy sớm hơn mọi ngày.
- Chuyện gì vậy má?
Tối hôm qua tụi cướp bắn phá và lấy đồ ở các tiệm trên đường Độc Lập và Phan Bội Châu. Má nghe bác Hiền nói chị Huế phải bỏ tiệm chạy qua nhà bác ở cạnh rạp hát Nha Trang trốn.
Chị Huế là người giúp việc của cô Mỹ, cô ruột thứ bảy của Hạ. Chị là người rất trung thành với gia đình cô. Ngày cô bảy Mỹ đưa gia đình và bà nội của Hạ vào Sài Gòn, đáng lý chị cũng đi cùng, nhưng vì lo cho tài sản của chủ và không muốn xa Nha Trang nên chị xin ở lại trông nhà. Trước khi rời Nha Trang, cô Mỹ thì muốn chị có căn nhà và toàn bộ tài sản nếu có sự thay đổi xảy ra. Còn chị Huế thì hy vọng là khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng, gia đình cô trở về Nha Trang thì tài sản vẫn còn nguyên như cũ. Những ngày thành phố chộn rộn di tản và chuẩn bị đối phó với chiến cuộc, không ai nhớ là chị chỉ ở một mình trong căn nhà của cô Mỹ .
Hạ chạy qua khu vườn, gọi Ái:
- Bà nghe tin gì chưa?
Ái to miệng:
-Vụ cướp đường Độc Lập chứ gì ? Biết rồi!
Hạ nhắc Ái :
- Chị Huế ở một mình trong nhà Cô Mỹ đó! Bà muốn đi ra tiệm của cô xem sao không? Má tui đã cho tui đi rồi .
- Đi chứ nhưng chờ tui thay đồ đã!
- Mặc đồ bộ đại đi! Việt cộng gần vô rồi mà còn bày đặt quần áo ngoài đường, quần áo trong nhà.
- Không được! Tui là vậy. Bà mà không thay đồ tui không thèm đi chung.
- Được nhưng đi bộ chứ đừng đi xe đạp. Nếu không, tụi mình ra khỏi nhà không được đâu.
- Sao bà mới nói là má bà cho đi rồi?
- Tui đi thay đồ đây không cãi với bà nữa.
Chờ má vào nhà nội bàn luận tin nóng hổi của vụ cướp, Hạ vội vàng mở tủ lấy bộ đồ đồng phục học thể dục thay thật nhanh rồi cùng Ái đi bộ hướng về đường Độc Lập.
Đường phố Nha Trang bừa bộn và dơ dáy chưa từng thấy. Vật dụng, áo quần, giấy tờ, sách vở ngổn ngang dọc hai bên đường. Các cửa hiệu đóng cửa im lìm. Một vài cái được khép hờ, thấp thoáng một vài người ra vô. Trên các ổ khóa của các cửa sắt là dấu tích của vết đạn bắn xuyên qua. Đúng như lời đồn! Quả thật, đêm hôm qua các tiệm lớn trên các đường phố đều bị cướp. Đến trước tiệm Vĩnh Thạnh hai đứa thi nhau thò miệng vào chỗ ổ đạn bắn và réo to:
-Chị Huế ơi! chị Huế!
Ái nôn nóng:
-Bà có chắc chỉ ở đây một mình không?
Hạ bối rối:
- Chắc mà không chắc!
Ái tròn mắt:
-Là sao?
Hạ ấp úng và cố tìm cách giải thích :
- Tui biết chắc là chị ở đây một mình bởi vì hôm chia tay với gia đình cô Mỹ, tui nghe chị ở lại giữ tiệm. Nhưng mà tui lại nghe má tui nói là tối hôm qua có cướp nên hình như chị đã chạy trốn qua nhà bác Hiền rồi.
- Vậy bà gọi tui đi ra đây làm gì?
- Thì coi sự việc có đúng như lời đồn không? Hơn nữa, coi tụi cướp còn bỏ lại gì thì mình lấy chứ uổng!
Ái quan sát cái cửa sắt:
- khóa bị bắn như vầy là thật sự có cướp. Nhưng mà cửa được khóa lại với chiếc dây xích này chứng tỏ có người ở bên trong. Coi chừng có thằng ăn cướp nào còn ở trong đó nó ...
Chưa dứt lời thì tiếng động trong nhà làm hai đứa giật mình. Cả hai vội vàng chạy xa cánh cửa sắt hơn nhưng còn cố hét ngược trở lại:
- Chị Huế ơi! Chị Huế ơi!
- Chị đây! Chờ chị mở cổng!
Đẩy cánh cửa sắt cho vừa đủ chỗ một người lách mình, chị Huế hối hả giục hai đứa vào để chị xích cửa lại. Hạ bàng hoàng với những gì trước mặt. Cái mỹ thuật trưng bày của tiệm Vĩnh Thạnh ngày xưa đã bị hủy diệt đi bởi sự tàn phá khốc liệt và dữ dội Những tủ kính dọc theo tường chỉ còn là những mảnh vỡ loang lỗ mất trật tự. Tranh xà cừ, quần áo thêu, quà thủ công nghệ văng vãi lộn xộn khắp nơi trên nền nhà trộn lẫn với hàng ngàn mảnh chai bừa bãi, ngổn ngang.
Chị Huế lên tiếng dặn dò:
- Đi cẩn thận coi chừng đạp mảnh chai. Chị mới về nên chưa dọn dẹp được.
Ái nhìn lên trần nhà và hỏi:
- Tụi cướp chỉ cướp phá dưới nhà thôi hay các tầng trên nữa hả chị?
- Toàn bộ căn nhà!
Hạ lo lắng:
-Vậy là lúc tụi nó cướp chị còn ở trong nhà sao?
Giọng nói của chị trở nên lạt hơn:
- Ừ !
Đưa tay lùa số đồ bừa bộn trên chiếc ghế sa long, chị Huế ngồi xuống, bật khóc nức nở:
- Chị ở trong nhà khi chúng cướp.
Hạ và Ái đồng ngồi bệt trước mặt chị lo lắng hỏi dồn:
- Tụi nó đã làm gì?
- Chúng có hành hung chị không?
Chị Huế không trả lời mà chỉ nhìn hai đứa với đôi mắt thất thần, xa vắng. Một lát sau, chị từ từ thuật lại mọi chuyện
- Chiều tối hôm qua, khi ăn cơm tối xong chị nghe tiếng đập cửa và tiếng la hét trước nhà. Sợ quá, chị lén đi lên lầu và nhìn xuống đường. Nhìn thấy lóm nhóm những người đàn ông cầm súng trước các cửa tiệm, chị đoán ngay tụi cướp đang hành động nên chị chun ngay dưới gầm giường của cậu mợ Bảy để trốn.
- Như vậy là khi cướp chúng không biết chị ở trong nhà?
Chị Huế lắc đầu:
- Không phải, để chị kể tiếp. Khi không còn nghe tiếng la hét và đập cửa, chị nghe tiếng súng nổ rất lớn và rất lâu. Hình như chúng bắn lâu như vậy để phá ổ khóa cửa sắt. Sau đó, chị lại nghe tiếng súng nổ kèm theo tiếng vỡ của các tấm kính, tiếng đập phá, tiếng cười, tiếng la hét. Tụi nó tràn lên các phòng ở trên lầu, vừa đập phá vừa hét lớn “Người đâu ra đi!”. Chị cuộn mình trong cái mền dưới giường tưởng đâu chúng không tìm ra, nào ngờ, một thằng phát hiện được và kéo chị ra.
Hai đứa hồi hộp:
- Rồi nó làm gì chị?
- Nó gọi toàn bộ đồng bọn đến xung quanh chị và hỏi cung đủ thứ. Chị lạy tụi nó quá chừng vì thằng nào cũng có súng. Chị nói cho chúng biết đây là nhà chủ và chị chỉ là người làm công. Chị còn cho tụi nó biết gia đình chủ đã đi hết chỉ còn một mình chị ở lại trông nhà, nhưng mà tụi nó không tin. Một thằng ở lại canh chị, còn lại chúng đi lục lọi các phòng. Một lát sau, chúng vây quanh chị.
Hạ sốt ruột:
- Chúng hành hung chị phải không?
Chị Huế lắc đầu nhưng nước mắt tuôn trào không ngưng:
- Chúng ra lệnh chị cởi hết quần áo.
Hai đứa hồi hộp nín thở nhưng không dám ngắt lời, chờ chị ngưng khóc, nói tiếp:
- Chúng cười hô hố rồi đuổi chị ra khỏi nhà.
Hạ lo lắng:
- Chị có còn quần áo lót không?
- Không còn gì cả! Chị phải dùng tay che người và chạy đến nhà Bác Hiền ở gần rạp hát Nha Trang xin tá túc.
Hai đứa lặng người sau khi nghe chuyện. Nhìn cảnh vật xung quanh, Hạ tưởng tượng được cảnh hành hung của bọn cướp đối với chị như thế nào. Hạ thấy được cảnh chị quỳ lạy, bò từ chỗ này sang chỗ khác để xin từng thằng ăn cướp tha tội chết và được để yên thân. Hạ cũng tưởng tượng được cảnh chị trần truồng, vừa khóc lóc vừa lấy tay che thân đi trên đường phố, băng qua các góc đường để tới nhà người quen của chị. Hạ còn nghe được tiếng cười hô hố của tụi cướp văng vẳng bên tai mà thấy rùng mình. Hạ nhìn chị rã rượi và kinh hoàng mà cảm thấy thương chị hơn bao giờ hết.
Ái hỏi:
-Vậy chị về lại đây lúc nào?
-Sáng sớm nay. Chị về thấy nhà tang hoang từ trên xuống dưới. Chị lấy cái xích khóa xe của cậu để xích cửa sắt lại.
Nơm nớp lo sợ, Hạ quay lại nhìn cái khóa xích nơi cánh cửa sắt sau lưng, rồi nhăn mặt:
- Chị không sợ còn thằng nào nằm trong nhà sao? Sao chị gan quá vậy?
- Ở nhà người ta lâu chị ngại. Hơn nữa, chị không nỡ bỏ nhà và tiệm của cậu mợ. Nếu cậu mợ được trở về, bị mất nhà, mất của, thì tội nghiệp lắm.
Ngưng một lúc chị nói tiếp:
- Nhưng mà chị chỉ nghĩ vậy thôi chứ không hy vọng gì gia đình cậu mợ trở lại. Tụi Việt Cộng vào thì cũng mất cả thôi. Hai em coi có gì lấy được thì lấy đi.
Chị đưa hai đứa lên các phòng đến tận lầu thượng. Tất cả mọi nơi đều lưu lại dấu tích của sự phá hoại, lục lọi và vơ vét của bọn cướp. Dấu tích tàn phá của trận cướp quá kinh khủng đến độ Ái và Hạ không muốn lấy một thứ gì. Hạ tự hỏi tại sao trong thành phố biển dễ thương này lại có những người bỉ ổi như thế. Câu chuyện chị Huế kể hoàn toàn ám ảnh trong tâm trí Hạ. Hạ có cảm giác sợ và hồi hộp khi đi ngang các phòng và đạp lên các đồ vật ngổn ngang. Hạ không hiểu chị Huế làm sao mà dọn dẹp hết cái bừa bộn của căn nhà và làm sao can đảm để tiếp tục ở một mình với cái cảnh như thế.
Trong lúc chị lượm lặt những thứ tương đối có giá trị như một vài xấp vải, cây viết, hay cái kẹp tóc,
Hạ cất lời khuyên:
- Chị nên vào ở trong nhà nội với tụi em đi. Ở đây một mình nguy hiểm lắm. Biết đâu tụi nó lại đến cướp nữa.
- Chị không đi đâu. Hai em đi về đi, chứ mấy o trông. Chị đã hứa điều gì thì chị làm đúng như vậy.
Từ giã cửa tiệm Vĩnh Thạnh mà lòng hai đứa nặng trĩu. Cả hai không sợ những người lớn trong gia đình chất vấn đi đâu chỉ cảm thấy buồn mãi vì câu chuyện vừa được nghe kể.