Chương 77
Tác giả: Dan Brown
Ký ức luôn tái hiện qua cùng một hình ảnh.
Gã ngã… lao thẳng xuống dòng sông phủ kín băng dưới đáy vực sâu. Phía trên, đôi mắt xám lạnh lùng của Peter Solomon soi chằm chặp qua nòng súng của Andros.
Gã rơi… thế giới phía trên cứ lùi xa dần, đến khi đám mây hơi nước mù mịt quanh dòng thác thượng nguồn trùm kín lấy gã thì vạn vật cùng biến mất.
Trong khoảnh khắc, mọi thử trắng xoá, như thiên đường.
Rồi thân thể gã nện thịch xuống lớp băng.
Lạnh. Tối tăm. Đau đớn.
Gã rũ người… một sức mạnh ghê gớm lôi gã đi và đẩy gã dúi dụi qua những tảng đá trong khoảng không giá buốt kinh hồn. Phổi gã rát bỏng do thiếu dưỡng khí, các cơ trên ngực đã co rút vì lạnh nên gã không tài nào hít thở nổi.
Mình đang ở dưới lớp băng.
Băng gần con thác rõ ràng là rất mỏng do dòng nước chảy xiết, nên Andros rơi xuyên qua cả lớp băng ấy, bị dòng nước cuốn đi, và giờ thì mắc kẹt dưới một lớp trần trong suốt. Gã bấu vào mặt dưới lớp băng, cố gắng phá vỡ nó nhưng thiếu điểm tựa. Cơn đau dữ dội từ vết thương trên vai đã tan biến, và cảm giác nhức buốt do viên đạn ghém gây ra cũng vậy, cả hai đều không còn do cơ thể gã đang tê cóng.
Dòng nước chảy xiết xô Andros qua một khúc quanh. Cơ thể gã gào thét đòi dưỡng khí. Đột nhiên, gã vướng vào mấy cành cây, rồi húc phải một thân cây bị đổ. Xem nào! Gã cuống cuồng túm lấy cái cành, cố nhoi “lên mặt nước, tìm chỗ hổng nơi cành cây xuyên qua lớp băng. Khi đầu ngón tay sờ thấy một lỗ hổng nhỏ xíu xung quanh cành cây, gã bèn giật mạnh phần mép, cố gắng phá cho cái lỗ rộng hơn. Một lần, hai lần, chỗ hổng đã rộng ra đến vài phân.
Tì người vào cành cây, Andros ngửa mặt lên và áp miệng vào lỗ hổng nhỏ xíu. Không khí mùa đông ùa vào phổi thật ấm áp, dòng dưỡng khí lại tiếp thêm hy vọng. Gã bấu chặt chân vào thân cây, huých mạnh lưng và vai lên phía trên. Lớp băng xung quanh thân cây đổ bị cành nhánh và mẩu vụn xuyên thủng, thành thử đã yếu đi nhiều, nay gã tì chân vào thân cây là có thể dùng đầu dùng vai húc vỡ lớp băng để nhoi lên màn đêm mùa đông. Không khí tràn vào phổi gã. Lúc ấy hầu như cả người vẫn còn chìm nghỉm dưới nước, gã bèn dưới dần lên, hết dùng hai chân đẩy lại dùng tay kéo, cuối cùng ra khỏi nước, gã nằm thở hổn hển trên lớp băng trần trụi.
Andros gỡ tấm mặt nạ trượt tuyết ướt sũng, nhét vào túi, nhìn lại phía thượng nguồn tìm Peter Solomon, nhưng khúc quanh của dòng sông đã chắn mất tầm mắt. Cơn đau ở ngực lại dội lên, gã lặng lẽ kéo một cành cây nhỏ phủ kín lỗ hổng trên băng để che nó đi. Đến sáng, cái lỗ sẽ đóng băng trở lại.
Andros loạng choạng tiến vào rừng, tuyết bắt đầu rơi. Gã không biết mình chạy bao xa, cuối cùng cũng ra khỏi rừng và leo lên bờ kè bên cạnh con đường nhựa. Bấy giờ tuyết rơi dày hơn, gã gần như hôn mê, thân nhiệt xuống rất thấp, vừa lúc một cặp đèn pha từ xa tiến tới.
Andros vẫy tay rối rít, chiếc xe bán tải mang biến số Vermont lập tức đỗ lại. Một người đàn ông luống tuổi áo đỏ nhảy ra khỏi xe.
Andros lảo đảo tiến lại phía ông ta, tay bịt chặt chỗ ngực đang chảy máu.
- Tôi bị thợ săn… bắn nhầm! Tôi cần tới… bệnh viện!
Không chút do dự, ông già giúp Andros leo lên ghế bên và bật máy sưởi.
- Bệnh viện gần nhất ở đâu?
Andros không biết, nhưng gã trỏ về phía nam.
- Cửa rừng tiếp theo - Chúng ta sẽ không đến bênh viện.
Ngày hôm sau, người ta đưa tin ông già Vermont nọ mất tích, nhưng không ai biết ông biến mất chỗ nào trên lộ trình của mình trong cơn bão tuyết mịt mùng. Cũng chẳng có ai liên hệ vụ mất tích ấy với một tin thời sự cùng lúc chạy trên trang nhất các báo - vụ sát hại Isabel Solomon.
Khi tỉnh giấc. Andros thấy mình đang nằm trong phòng ngủ tồi tàn của một nhà nghỉ rẻ tiền bị bỏ không vì đang mùa giá rét. Gã nhớ là đã tìm cách đột nhập vào đây, xé ga trải giường băng vết thương, rồi chui vào một cái giường ọp ẹp dưới đống chăn bụi mù.
Bụng đói ngấu.
Andros tập tễnh lê tới phòng tắm, trông thấy cả đống mẩu đạn ghém máu me trong bồn rửa, mới lơ mơ nhớ rằng mình đã moi chúng ra khỏi lồng ngực. Gã nhướng mắt nhìn chiếc gương bẩn thỉu rồi từ từ gỡ lớp băng thấm máu để xem xét vết thương. Phần cơ rắn chắc ở ngực và bụng đã ngăn đạn ghém chui vào sâu hơn, nhưng tấm thân hoàn hảo trước đây giờ lỗ chỗ vết thương. Viên đạn duy nhất mà Peter Solomon bắn rõ ràng đã xuyên suốt bả vai gã, để lại một cái lỗ đẫm máu.
Song tệ hơn hết thảy là Andros không lấy được thứ mà vì nó gã phải lặn lội cả quãng đường để tới Potomac. Cái kim tự tháp. Dạ dày cào cấu ghê gớm, gã đành lê bước ra chỗ xe ông già, hy vọng tìm được chút thức ăn. Chiếc xe bán tải bị phủ cả đống tuyết, và Andros tự hỏi không biết gã đã ngủ bao lâu trong cái nhà nghỉ cũ nát này. Ơn Chúa là mình còn tỉnh dậy. Andros không tìm thấy thức ăn ở ghế trước, nhưng trong hộc để đồ có vài viên thuốc giảm đau. Gã bốc một nắm và cố chiêu mấy vốc tuyết để nuốt trôi.
Mình cần thức ăn.
Vài giờ sau, chiếc xe bán tải chạy ra khỏi khu nhà nghỉ cũ. Trông nó chẳng còn dấu vết gì của chiếc xe tiến vào hai ngày trước đó. Mui ca bin đã bay mất, các nắp đậy bánh xe, ba đờ xốc và tất cả những thứ có thể tháo dỡ cũng chung số phận. Biển số Vermont không còn, và được thay bằng biển số của một chiếc xe tải bảo trì cũ đỗ cạnh thùng Dumpster(78) của nhà nghỉ. Andros cũng vứt hết vào Dumpster mấy tấm ga thấm máu, mảnh đạn ghém và mọi bằng chứng cho biết gã đã từng xuất hiện ở đây.
Andros chưa từ bỏ cái kim tự tháp, nhưng tạm thời phải biết chờ đợi. Gã cần giấu mình, dưỡng lành vết thương và trên hết, cần ăn. Gã tìm được một quán ăn ven đường, gọi trứng, thịt nướng, bánh khoai tây và ba ly nước cam. Ăn xong, gã còn gọi thêm đồ ăn mang đi. Ra đường, Andros bật cái đài cũ rích trên xe để nghe. Gã đã kiêng xem truyền hình và đọc báo kể từ lúc bắt đầu thử thách này. Khi nghe đến bản tin thời sự địa phương, gã chết sững.
- Các nhân viên điều tra của FBI tiếp tục tìm kiếm kẻ đột nhập có vũ trang đã sát hại bà Isabel Solomon tại tư gia ở Potomac hai hôm trước. Dường như kẻ sát nhân đã ngã xuống băng và bị cuốn trôi ra biển, - người đọc bản tin thông báo.
Andros như hoá đá. Isabel Solomon đã chết? Gã lái xe trong im lặng sững sờ, vẫn lắng nghe cho hết bản tin.
Bây giờ cần phải đi xa, thật xa khỏi nơi này.
***
Căn hộ ở Upper West Side có tầm nhìn rất đẹp hướng ra Công viên Trung tâm. Andros chọn nơi này vì màu xanh lục mênh mông bên ngoài cửa sổ gợi gã nhớ lại khung cảnh vùng Adriatic. Lẽ ra nên lấy làm mừng vì đã sống sót, nhưng Andros không cảm thấy thế.
Lòng gã luôn trống trải, và ý đồ đánh cắp kim tự tháp của Peter Solomon vẫn nung nấu không nguôi.
Andros dành khá nhiều giờ nghiên cứu truyền thuyết Kim tự tháp Tam điểm. Hình như chẳng ai khẳng định được sự tồn tại của ngọn tháp đó nhưng tất cả đều nhất trí rằng nó hứa hẹn những tri thức và sức mạnh gớm ghê. Kim tự tháp Tam điểm là có thật. Andros tự nhủ.
Thông tin tay trong của ta không thể sai được.
Số phận đã đặt kim tự tháp vào tầm tay Andros, và gã biết rằng việc bỏ qua nó chẳng khác gì cầm một tấm vé số độc đắc mà không chịu đem đổi lấy tiền. Ta là kẻ duy nhất không phải hội viên Tam điểm biết rõ kim tự tháp là có thật… cũng như biết rõ người đang bảo vệ nó.
Nhiều tháng qua đi, mặc dù cơ thể đã lành lặn lại nhưng Andros không còn tự mãn như lúc sinh sống ở Hy Lạp nữa. Gã ngừng luyện tập cũng thôi chiêm ngưỡng mình khoả thân trong gương. Gã cảm thấy dường như cơ thể đang lão hoá. Làn da từng rất hoàn hảo giờ đầy vết sẹo càng khiến gã thêm buồn nản. Gã vẫn ỷ lại vào thuốc giảm đau y như quãng thời gian đợi hồi phục, và cảm thấy cơ thể mình đang trượt ngược lại lối sống đã từng dẫn gã tới Nhà tù Soganlik. Gã không quan tâm. Thể xác thèm khát thứ gì thì cứ thoả mãn nó thấy.
Một đêm, Andros tới làng Greenwich mua ma tuý của một thằng cha có xăm hình tia chớp dài ngoằn ngoèo trên cánh tay. Andros hỏi về hình xăm và tay kia cho biết hắn dùng nó để che vết sẹo dài do một vụ tai nạn xe hơi.
- Hằng ngày, hễ nhìn vết sẹo là tao lại nhớ tới vụ tai nạn, - tên buôn ma tuý nói - tao bèn xăm đè một biểu tượng của sức mạnh cá nhân. Thế là tao trở lại cân bằng như trước.
Đêm đó, trong cơn phê thuốc, Andros lảo đảo tìm tới một hiệu xăm trong vùng, và cởi phăng áo ra.
- Tôi muốn che những vết sẹo này, - gã tuyên bố. Ta phải tự tin trở lại.
- Che đi à? - Nghệ nhân xăm hình nhìn ngực gã - Bằng gì chứ?
- Hình xăm.
- Được nhưng ý tôi là hình xăm như thế nào?
Andros nhún vai, chẳng muốn gì hơn là che giấu những thứ xấu xí gợi nhớ quá khứ của mình.
- Tôi không biết. Ông chọn giúp đi.
Nghệ nhân lắc đầu và đưa cho Andros một tập sách nói về truyền thống xăm mình cổ xưa.
- Hãy trở lại khi nào anh sẵn sàng.
Andros phát hiện ra năm mươi ba cuốn sách về xăm mình trong Thư viện Công cộng New York, gã đọc sạch số sách đó trong vài tuần. Tìm lại niềm say mê đọc sách, gã bắt đầu mang hàng ba lô sách đi đi về về giữa thư viện và căn hộ của mình, nơi gã đọc nghiến ngấu số sách ấy trong khi ngắm nhìn Công viên Trung tâm.
Những cuốn sách về hình xăm đã mở ra một thế giới kỳ lạ mà Andros chưa bao giờ biết đến, một thế giới của biểu tượng, huyền bí, truyền thuyết và pháp thuật. Càng đọc, gã càng nhận ra mình thật mù quáng. Gã bắt đầu ghi chép các ý tưởng, mọi phác thảo và những giấc mơ lạ lùng của mình. Khi không còn tìm thấy những điều hữu ích ở thư viện nữa, gã bỏ tiền nhờ những người buôn sách quý mua giúp một số sách hiếm hoi trên thế giới. De Praestigiis Daemonum(79), Lemegeton(80). Ars Almadel(81)… Grimorium Verumb(82)… Ars Notoria(83) … vân vân. Andros đọc hết, và ngày càng tin chắc rằng thế giới vẫn có nhiều kho báu giành cho mình. Có những bí mật vượt xa hiểu biết của con người.
Sau đó gã phát hiện ra tài liệu của Aleister Crowley, một nhân vật thần bí rất hiểu biết thời đầu thế kỷ XX nhưng lại bị nhà thờ coi là “kẻ xấu xa nhất từng sống trên đời”. Tư tưởng tầm thường luôn hãi sợ những tư tưởng vĩ đại Andros nghiên cứu sức mạnh của các nghi thức và bùa phép, học những từ ngữ thiêng liêng mà nếu nói ra đúng cách sẽ hiệu dụng như chìa khoá mở cánh cổng vào thế giới khác. Có một thế giới bí ẩn ngoài thế giới này… một thế giới có thể cho ta sức mạnh. Dù cực kỳ thèm khát nguồn sức mạnh đó, Andros vẫn biết rằng cần phải hoàn tất một số quy định và nhiệm vụ trước.
Muốn biến thành thần thánh, phải làm cho chính mình trở nên linh thiêng, Crowley viết như vậy.
Nghi thức “hiến tế” cổ xưa từng rất phổ biến trên Trái đất. Dân Do Thái đốt lễ vật tại Thánh điện, dân Maya chặt đầu người trên các đỉnh kim tự tháp ở Chichen Itza, rồi Jesus Christ hy sinh thân mình trên thập giá, những sự kiện này đều chứng tỏ người cổ đại rất hiểu yêu cầu hiến sinh của thần linh. Hiến sinh là nghi thức nguyên thuỷ để con người được tạo hoá ân tứ và làm cho chính mình trở thành thần thánh.
Sacra - linh thiêng.
Face - tạo dựng.
Mặc dù nghi thức hiến sinh đã bị bãi bỏ từ lâu nhưng sức mạnh của nó vẫn còn nguyên vẹn. Có rất nhiều nhân vật huyền bí hiện đại, kể cả Aleister Crowley, vẫn thực hành Nghệ thuật này, hoàn thiện nó theo thời gian và dần dần biến cải bản thân cho cao siêu hơn. Andros thèm được thay đổi mình như họ. Nhưng gã biết gã sẽ phải vượt qua một cây cầu rất nguy hiểm khi làm việc đó.
Máu chính là thứ tách biệt ánh sáng với bóng tối.
Một đêm, có con quạ bay qua cửa sổ phòng tắm để ngỏ và bị kẹt lại trong căn hộ của Andros. Nó bay chập choạng lung tung một lát rồi đậu lại, rõ ràng chấp nhận thực tế là không thể thoát ra. Andros đã đủ kiến thức để nắm bắt tín hiệu. Ta đang được thúc giục phải tiến xa hơn.
Tóm chặt con chim trên tay, gã đứng bên bàn thờ dựng tạm trong bếp và giơ cao con dao sắc, mồm đọc to câu thần chú mà gã nhớ.
“Camiach, Eomiahe, Emial, Macbal, Emoii, Zazean… nhân danh những tên tuổi thần thánh nhất trong số các thiên thần ở Cuốn sách Assamaian(84) cầu khẩn các ngài phù hộ để con thực hiện việc này bằng sức mạnh của Một đức Chúa đích thực”.
Sau đó Andros hạ dao xuống và thận trọng chọc vào mạch máu chính trên cánh bên phải của con chim đang hoảng sợ. Con quạ bắt đầu chảy máu. Nhìn dòng máu đỏ chảy xuống chiếc cốc kim loại, Andros hơi gai người. Thế nhưng, gã vẫn tiếp tục.
“Đấng Adonai Toàn năng, Arathron, Ashai, Elohim, Elohim, Elion, Asher Eheieh, Shaddai… xin hỗ trợ con đem dòng máu này phát huy sức mạnh và hiệu quả ở tất cả những nơi con muốn, và ở tất cả những nơi con cần”.
Đêm đó, Andros mơ thấy chim… một con phượng hoàng khổng lồ bay lên từ biển lửa. Sáng hôm sau gã thức giấc, cảm nhận trong người một nguồn năng lượng mới mẻ vô chừng. Gã chạy bộ trong công viên, nhanh hơn và xa hơn tưởng tượng. Chạy mệt rồi, gã dừng lại để tập chống đẩy. Không thể đếm được bao nhiêu lần. Vậy mà gã vẫn tràn trề sinh lực.
Đêm đó, Andros lại mơ thấy chim phượng hoàng.
Mùa thu quay về với Công viên Trung tâm, động vật nháo nhào tìm kiếm thức ăn cho mùa đông sắp tới. Andros không ngại lạnh, những cái bẫy được bố trí rất kín đáo của gã lúc nào cũng đầy ắp chuột và sóc còn sống. Gã cho chúng vào ba lô vác về nhà, thực hiện những nghi thức ngày càng phức tạp.
Emanual, Massiach, Yod, He, Vaud… xin hãy nhìn nhận con là kẻ xứng đáng.
Các nghi thức đẫm máu tiếp thêm sinh lực cho Andros, làm gã cảm thấy trẻ ra mỗi ngày. Gã tiếp tục đọc miệt mài những văn bản thần bí cổ xưa, những trường ca thời trung cổ, các triết gia sơ khai… Càng hiểu biết về bản chất đích thực của mọi vật, gã càng nhận ra rằng con người đã đánh mất toàn bộ hy vọng. Chúng mù quáng… lang thang vô định trong một thế giới mà chúng chẳng bao giờ hiểu nổi.
Andros vẫn là một con người, nhưng gã cảm thấy mình đang tiến hoá thành một thứ gì đó khác. Vĩ đại hơn. Thiêng liêng hơn. Thể lực dồi dào của gã trỗi dậy sau một thời gian ngủ yên, thậm chí mạnh mẽ hơn trước nhiều. Cuối cùng gã cũng hiểu được mục đích thực sự của nó. Cơ thể này chính là chiếc thuyền chở trí tuệ - kho báu mạnh nhất của ta.
Andros biết tiềm lực thật sự của mình vẫn chưa được phát huy, và gã nghiên cứu sâu hơn nữa. Số phận của ta là gi? Tất cả các văn bản cổ xưa đều nói đến cái thiện và cái ác… nói đến nhu cầu phải lựa chọn giữa hai thứ đó của con người. Mình đã lựa chọn lâu rồi, gã biết như vậy, nhưng gã không cảm thấy hối tiếc. Cái ác là gì nếu không phải là một quy luật tự nhiên? Hết ánh sáng là đến bóng tối. Hết trật tự là đến hỗn loạn. Entropy(85) là yếu tố căn bản. Mọi thứ đều phải suy tàn. Ngay cả tinh thể, dù có trật tự hoàn hảo đến đâu thì cuối cùng cũng biến thành phân tử bụi.
Có kẻ sáng tạo… cũng có người phá huỷ.
Song tới tận khi đọc cuốn “Thiên đường bị mất”(86) của John Milton thì Andros mới thấy rõ rệt số phận mình. Gã đọc về vị thần sa ngã, một chiến binh quỷ sứ đấu tranh chống lại ánh sáng, một nhân vật can đảm, một vị thần có tên Moloch.
Moloch hạ phàm với tư thế thánh thần. Sau này Andros biết rằng, cái tên Moloch dịch sang ngôn ngữ cổ đại sẽ trở thành Mal’akh.
Và ta cũng vậy.
Như tất cả những biến cố lớn lao, quá trình thay đổi này cần bắt đầu với một lễ hiến sinh… nhưng không phải bằng chuột hay chim.
Không, nó đòi hỏi một sự hiến sinh thật sự Chỉ có một sự hiến sinh đáng giá thôi.
Đột nhiên, Andros thấy thông suốt hơn bất kỳ nhận thức nào trước kia. Toàn bộ số phận gã đã hiện lên rõ rệt. Suốt ba ngày liền, gã phác hoạ bản thân trên một tấm giấy lớn, để ra kết quả là hình ảnh tương lai của chính mình.
Andros treo bức phác hoạ có kích thước thật lên tường và chăm chú ngắm nghía như thể soi gương.
Ta là một kiệt tác.
Ngày hôm sau, gã mang bức vẽ của mình tới cửa hàng xăm hình.
Gã đã sẵn sàng.
Chú thích:
(78) Dumpster là tên gọi một loại dụng cụ chứa rác, một kiểu thùng chứa rác lưu động. Từ Dumpster xuất phát từ hệ thống Dempster-dumpster, do anh em nhà Dempster thiết kế những năm 1930, dùng để tự động bốc dọn toàn bộ rác trong các thùng chứa đã được chuẩn hoá lên các xe chở rác - ND.
(79) De Praestigiis Daemonum et Incantationibus ac Venificiis (Cuốn sách về những hình ảnh của quỷ sứ, các câu thần chú và chất độc), viết năm 1563, là tác phẩm có ảnh hưởng nhất của Johannes Wier (1515-1588), nhà vật lý, nhà than bí học và nhà nghiên cứu ma quỷ người Hà Lan. Ông là một trong những người đầu tiên viết các tác phẩm lên án việc khủng bố giới phù thuỷ - ND.
(80) Lemegeton, t ên đầy đủ là Lesser Key of Solomon (Chìa khoá Solomon), là một bộ sách về ma thuật khuyết danh ở thế kỷ XVII và là một trong những bộ sách phổ biến nhất trong lĩnh vực này - ND.
(81) Ars Almadel (Nghệ thuật Almadel) là phần thứ tư trong bộ Lesser Key of Solomon. Phần này nói về cách chế tạo almadel, một thẻ sáp có những biểu tượng bảo vệ vẽ bên trên dùng để đặt bốn cây nến. Ngoài ra còn có những chỉ dẫn liên quan đến màu sắc, chất liệu và nghi thức cần thiết để thiết lập almadel và các cây nến. Ars Almadel cũng nói về các thiên thần sẽ được gọi lên, và giải thích rằng chỉ được gọi đến họ vì những lý do hợp lý và đúng đắn, kèm theo cách khấn - ND.
(82) Grimorium Verumb (Ma thuật đích thực hay Ma thuật chân lý ), là một cuốn sách về ma thuật, được cho là do “Alibeck Người Ai Cập” sống ở Memphis viết năm 1517. Nhưng giới học giả nhất trí rằng cuốn sách thật sự có từ thế kỷ XVIII và những bản sách đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Pháp và Italia - ND.
(83) Ars Notoria (Nghệ thuật cao quý) là phần thứ năm và phần cuối cùng trong bộ Lesser Key of Solomon. Đây là cuốn sách ma thuật được biết đến từ thời Trung đại, khẳng định rằng nghệ thuật này do Đấng Sáng tạo truyền cho vua Solomon qua một thiên thần. Sách có hẳn một tập hợp các câu cầu nguyện kèm theo những từ ngữ thần chú bằng vài thứ tiếng (Do Thái, Hy Lạp, v.v…), cách đọc lên, và mối liên hệ giữa những nghi thức này với cách lĩnh hội tất cả các khoa học. Theo cuốn sách, đọc đúng các câu thần chú sẽ giúp đem lại kiến thức về khoa học, trí nhớ sáng suốt, tinh thần vững vàng, và khả năng hùng biện. Sách cũng trình bày những quy tắc phải tuân thủ để bảo đảm đạt kết quả tốt ND.
(84) Cuốn sách Thiên đàng - ND.
(85) Entropy được định nghĩa như là một đơn vị đo lường năng lượng trong mối tương quan với nhiệt độ tuyệt đối, hay là đơn vị đo sự phân tán đồng thời của năng lượng ở một nhiệt độ nhất định. Thuật ngữ này do nhà vật lý người Đức là Rudolí Clausius nghĩ ra năm 1865. Nguyên gốc, entropy được dùng để mô tả “nhiệt năng tiêu hao” từ các cỗ máy nhiệt hoặc các thiết bị cơ khí không có khả năng vận hành với hiệu suất 100% để chuyển hoá năng lượng. Về sau, thuật ngữ này có thêm nhiều cách giải thích khi con người hiểu thêm về hoạt động của các phân tử - ND.
(86) Thiên đường bị mất (Paradise Lost) là một trường ca của nhà thơ người Anh John Milton ở thế kỷ XVII. Nguyên gốc, nó được xuất bản năm 1667, gồm 10 tập. Bản in lần hai năm 1674 chia lại thành 12 lập với đôi chỗ chỉnh lý và phần chú giải về luật thơ. Trường ca là câu chuyện về sự sa ngã của loài người: việc Adam và Eve bị quỷ Satan cám dỗ và bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng. Mục đích của Milton, như nêu trong Tập I, là “lý giải sự đối xử của Chúa với con người” và cuộc xung đột giữa mối lo vĩnh cửu với sự tự nguyện của Chúa - ND.