Bức tượng Danton
Tác giả: Đỗ Khiêm
Như tôi đã có dịp nói, con đường đầu tiên ở Paris tôi đặt chân đến là con đường Monsieur le Prince. Hai mươi năm về trước thì nó là con phố nhỏ nhiều cửa hàng Việt, hotel cho du khách nghèo và sinh viên ở trọ học nhưng rồi sinh viên thành tài, du khách nghèo ngày trước trở thành khấm khá, cửa hàng Việt dọn dần đi, con đường cũng theo đà đó mà tiến triển. Nhưng nếu nó thay đổi theo cái kiểu bỏ quần jean thắt cà vạt, xe hai ngựa trở thành turbo 16 valves thì cũng tội nghiệp với cố nhân. Không, nó thay đổi mà không xê dịch, giữ gìn như một kỷ niệm lâu rồi trở thành có giá, những cái hotel xập xệ của ngày nào người ta giữ nguyên màu nước cũ, chỉ làm cho trang trọng hơn như đàn bà sửa mũi mắt khéo, nhìn vẫn là người cũ mà hình như có cái gì hay hơn. Hotel hai chục quan một tối của hai thập niên về trước, một sao giờ lên được những ba sao, có cái ở đầu đường qua đêm phải mất 840F (135 USD) thay vì năm đô la của ngày xưa. Có lẽ cậu sinh viên Mỹ sang chơi dạo ấy túi đeo vai lần mò cuốn Europe on $10 a day bây giờ dằn American Express Gold trong túi, trở về đây chốn cũ tình nhân xưa vẫn thấy không có gì thay đổi. Jack Lemon có thể ngồi vỉa hè cầu thang ở góc xuống Ecole de Medecine và nhặt mớ thẻ tín dụng Marcello Mastroianni vừa vất như trong “Maccaroni” của Ettore Scola được. Thẻ bây giờ làm bằng nhựa tốt, hai mươi năm không đổi màu và không có mùi chua.
Lần nào trở về Paris tôi cũng ghé lại đường Monsieur le Prince. Tôi chẳng hành hương gì, tôi thích con đường ấy, cả khu vực lân cận chung quanh nhà hát Odéon. Nhà hát Odéon, có lần đến xem kịch tôi còn nhớ được gặp Jean Ferrat. Dạo đó đi xem kịch tôi phải lo xin vé miễn phí, kỳ đó diễn tuồng tôi còn nhớ là “Le Monte-plats” của Harold Pinter. Ferrat cũng đến xem, mặc đồ trắng toát, cổ quàng khăn hơi kỹ, có lẽ chàng ca sĩ nên chàng phải là ấm yết hầu. Ferrat, lúc nào tôi chả cảm tình, bài hát “Ma môme” tôi thích lắm:
“Em tôi/ Nàng không phải là sì-tạc-lét
Nàng không đeo kính mát
Nàng không làm người mẫu cho tạp chí
Nàng làm công trong xưởng máy
Ở Créteil”.
Bài hát thuộc về cuối thập niên năm mươi, đầu sáu mươi gì đó, lúc mà chỉ có tài tử ciné hạng quèn mới đeo kính râm ngoài bãi biển và Créteil còn là một ngoại ô mù mờ chưa tân trang phát triển. Tôi thích vậy thôi chứ tôi chưa yêu được ai làm công trong xưởng máy, kể cả vợ tôi trong đó. Ngày tôi đi xem hát, được gặp Ferrat ở Paris, vợ tôi dự Festival ở Baalbek cách đó 3000 cây, được gặp Aragon. Chúng tôi lấy nhau, mua đĩa Ferrat hát ca từ Aragon về nghe, tâm đầu ý hợp nhưng đó là chuyện sau này, đây chỉ tiện dịp tôi yêu vợ nên tôi mang ra mà nhắc, vợ tôi lại có người chê xấu, nhà quê, làm ruộng, nên tôi lại lấy cớ văn hoá của nàng thế này để mang ra mà khoe. Còn xấu thì tôi chịu, mắc mớ gì đến ai và cũng chẳng mắc mớ gì đến con đường Monsieur le Prince là chuyện tôi đang nói.
Con đường này, cũng có lần khác tôi xem kịch bỏ túi, ngồi dưới hầm uống Sangria độ dăm ba chục người chật ních trước ngay sân khấu, vở gì đó rất nổi tiếng của Sartre mà giờ hút nhiều thuốc có hại tôi quên mất. Văn hoá thế nào tôi cũng không biết, ngày đó tôi ngồi uống hết cốc Sangria, mặt mày xây xẩm, tuồng diễn đến chỗ anh kép thốt câu duy nhất mà tôi thuộc: “Địa ngục là kẻ khác”, là tôi đủ đắc ý rồi. Ngoài ra, hình như tôi chỉ lo nhìn cô đào uốn éo thì phải, cô ta nằm lăn ra đất ngay trước mặt, cô ta nói gì tôi không hiểu, có lúc cô ta hở quần lót trắng. Xem kịch thích hơn xem ciné là ở chỗ đó, người thật và nổi ba chiều. Ngày nay, cái rạp hát đó trở thành Club chơi nhạc sống Nam Mỹ nhưng mười, hai mươi năm rồi đại để con đường vẫn còn nguyên. Có thêm một tiệm sách BD (tức là Bandes Dessinées, sách hình) mở ra ở đầu đường phía đại lộ St Michel, thêm một quán Pizza của hai anh Mỹ làm theo Luxembourg vẫn chiếu những phim hay như cũ, lúc tôi đi ngang người ta nối hàng dài đợi xem ấn bản mới của phim “Paths of Glory” của Kubrick là phim hoàn tất từ 1957. Phim này đen trắng, không tô màu (colorize) lại mà ba mươi hai năm sau vẫn có xếp hàng để đi xem thì hơi lạ, tôi ít thì giờ, phim bộ Hồng Kông mới vừa ra mà tôi còn chưa mướn về nhà nên tôi không để ý. Với lại, thật ra, tối đó tôi còn đang lo tìm kỷ niệm, nhất là rạp hát này, lúc trẻ, đã có lần tôi coi cọp, len vào trong bằng cái lối ra nên khỏi phải trả tiền. Xếch phía bên kia đường là tiệm ăn Zéro de Conduite, đang nói ciné thì tôi cũng nhắc, tên cửa quán lại đặt theo tựa của cuốn phim làm Jean Vigo nổi tiếng năm 1926 (1926 là tôi nói bừa, có thể nó 1932). Đi xuống một chút phía tay phải là tiệm ăn tôi không nhớ tên nhưng nhìn là nhận ra ngay, nó trang hoàng như một cái kho đồ cũ, hoàn toàn Baroque như là phim (đã lỡ đề cập đến điện ảnh thì tôi làm luôn, nào) của Téchiné (năm 1978?). Baroque nữa mà cùng đường thì có tiệm cơm Việt Nam, mang tên “Lạc Hồng”, trông giống như một toà lâu đài Tàu gánh xiếc, tiệm ăn này có lần hiếm hoi tôi mua hoa bán dạo (ở Paris ngồi tiệm ăn nào cũng năm bảy lượt có người rao hoa hồng mời chào) một cách rất nhà quê (tôi cũng nhà quê nên có lẽ vì thế mới kén vợ có dáng dấp làm ruộng). Người con gái được diễm phúc hiếm hoi này giờ có lẽ vẫn còn ở Massachusetts, có đến đời chồng thứ ba chắc phải khóc sướt mướt năm rồi vào ngày Dukakis thất cử. Không biết nàng còn nhớ, những ngày ở Paris xa xưa trước có người học thuộc lòng Kathleen Raine để đọc cho nàng nghe (“And from that polluted bed arise/ New suns, new sons, new sons, new loves, new skies”) và căn phòng khách sạn nhìn ra thánh đường Notre Dame nơi Cendrars có thời ở trọ. Đi giật lùi mười bước nữa, cũng cùng một vỉa hè, có quán La Godasse. Quán này steakhouse cũng có người bán hoa ra vào nhưng về sau lớn lên tôi chẳng dại dột (hay chẳng còn gan) bẽn mặt mà mua hoa kiểu đó nữa. Cô bé học Hypokhâgne Henri IV, lúc đó mặt còn tàn nhang như cô Massachusetts, cô bé ngồi mơ mộng đường công danh thi cử, về sau này gặp lại cô trở thành bác sĩ, mặc áo trắng cầm ống nghe không được cầm phấn gõ bảng đen. Cô thích thế kỷ mười sáu, đời cô sau này chỉ được nghe những người húng hắng ho khan làm tôi buồn hộ. Tôi buồn hộ, rồi buồn lây nữa, nhưng lần sau này, cũng ở con đường đó, cũng ở quán La Godasse, tôi không còn cầm tay (cầm chân, cầm giày) cô.
Có lẽ tôi thích con đường này vì nó đầy kỷ niệm chứ nó chẳng cây dài bóng mát chút nào. Hàng quán nào tôi cũng có vào, tôi lắc tin ở quán Tabac đầu đường (ở Pháp, có hai loại Café. Café bán nước gọi là Café và Café có thêm quầy thuốc lá gọi là Tabac. Tabac ở phía ngoài có đánh dấu cẩn thận bằng một củ cà-rốt đỏ, có bán vé số Lotto, bán tem bằng giá bưu điện và vé métro, xe buýt để phục vụ quần chúng) tôi hớt tóc, có lúc tôi mua cả giày, vé máy bay ở con đường đó, tôi vào cả cửa hàng xén Phú Xuân nơi có hai cô con gái ông bà chủ, cô em người Huế, cô chị cũng người Huế, hai cô này Việt Nam và không có tàn nhang. Hôm nay, tôi đi ngang vào lúc tối, cửa hàng đóng cửa nhưng vật đổi sao dời, có lẽ buôn những cái lỉnh kỉnh exotic đã hết thời nên giờ cửa tiệm xoay sang bày kim châm cứu với lại những hoạ đồ huyệt đạo trên cơ thể coi rất là khủng khiếp. Cô em cô chị đi về đâu, tiệm sách Racine ở phía trên cùng đường đã gỡ đi hai câu thơ của Maiakovsky trước vẫn ngoài cửa kính
“Tôi biết sức mạnh của những chữ
Sức mạnh của những tiếng chuông”.
Số 20 vài ba năm trước là nơi một hôm sinh viên Malik bị cảnh sát đã chiến của biệt đoàn lưu động moto của thành phố Paris đánh chết giờ vẫn còn những hàng chữ nguệch ngoạc của kẻ vô danh tưởng nhớ ở trên tường nhưng tôi nhìn quanh quẩn không thấy còn những vòng hoa. Nhà xuất bản Arthaud đóng đô ngay ở đó, tôi nhìn lên trên lầu, trần vôi người ta làm lại cẩn thận những cột xà gỗ cũ dọc ngang. Tôi đi lên rồi lại đi xuống, hai mươi năm, cái mái tranh của quán Disco La Paillotte bên kia đường vẫn còn nguyên cái vẻ tơi tả của lúc đầu.
Ở đây, chỗ nào tôi cũng có vào, không lẽ tôi lại đem ra kể hết. Tôi ra đầu đường phía Place de L’Odéon gần Boulevard St. Germain. Ở đó núp vào một góc có cái quầy bán crêpe, người Mỹ gọi là pancake. Crêpe ăn ngoài đường ở Paris vào mùa đông, có cái trước Café Select-Latin ngay nơi St Germain và St Michel đụng nhau nhưng tối thứ sáu người ta nối đuôi nhau đông quá. Ngay ở chỗ này hơi khuất một tý đường trong mà cũng có năm bảy người xếp hàng trước mặt tôi. Anh làm crêpe múc một muỗng bột pha sẵn như là bột làm bánh cuốn đổ lên mặt sắt nóng có bôi dầu. Tay anh nhuyễn điêu luyện cũng phải mất một phút nó mới chín đều, anh dùng con dao mỏng nạy ra, xếp lại như hình cánh quạt, vỗ một cái, không cử động nào thừa, bỏ vào bao giấy. Beurre sucre tám quan làm căn bản, rắc rối có cả crêpe jambon với lại hột gà. Tôi thích ăn crêpe chocolat nóng, có người thích crêpe Grand Marnier rượu mạnh. Đây là crêpe ăn quà vặt ở ngoài đường chứ vào tiệm Crêperie cẩn thận thì crêpe mềm crêpe cứng, crêpe mặn crêpe ngọt lắm thứ lắm, muốn gì cũng có, ngâm trong sauce tan ra trong miệng hay ròn rã bột froment như là bánh xèo của ta. Tôi ăn crêpe chocolat mười quan một cái, tôi phải ăn những hai. Tôi cầm gói giấy đôi, đi bộ hai ba mươi thước ra đến cái công trường bé. Tối thứ sáu giờ này náo nhiệt, ngay trạm métro Odéon nhiều người lên xuống, xe hơi xe buýt dậm chân tại chỗ. Tờ Le Monde đặc biệt về Cách mạng 1789 Số Hai vừa mới ra, nhiều người đứng ngắm nghía cái tranh màu hình Mirabeau. Michel Vovelle (sử gia chính thức của lễ kỷ niệm năm nay) đồng ý phục hồi vị này với Francois Furet (sử gia “xét lại”, hậu thân của trường phái Annales), nước Pháp trên việc này trung tả trung hữu đều chung chung đồng ý. Tôi ngồi bệt xuống cái bệ dưới chân pho tượng Danton.
Bức tượng Danton dựng ngay ở lối ra vào métro Odéon là nơi rất tiện để người ta hò hẹn. Trạm Odéon ở khu La Tinh chiếm một vị trí chiến lược, đến đâu cũng gần, ăn chơi, xem hát, nhạc kịch và mua sắm, dù là mua sách hay là quần áo. Odéon là chỗ hai đường tàu điện giao nhau, đường Nam-Bắc Porte d’Orléans - Porte de Clignancourt và đường Đông-Tây Gare d’Orléans - Austerlitz - Porte d’Auteuil, chỉ trên hai đường này đã có ba nhà ga xe lửa và hai nhà ga RER tốc hành ngoại ô nên người ta chiều cuối tuần hẹn nhau đi chơi mà chưa có chương trình ấn định thì hẹn ở đây là phải đạo. Gặp nhau rồi, vào Café giở Pariscope, Officiel du Spectacle (là tạp chí hàng tuần liệt kê tất cả các mục giải trí ở Paris giống như tờ L.A. Reader) bàn cãi sau. Tôi ngồi xuống, chung quanh tôi mươi người nhìn ngang ngửa chờ đợi. Có tốp kéo đến, gặp bạn, hôn nhau, kéo đi. Có người ngẩn ngơ bước tới bước lui sốt ruột. Quán nước phía bên kia đường đầy ắp. Rạp UGC Danton ngay trước mặt chiếu bốn phim cả Mỹ bốn phim: Cocktail - Tom Cruise, L’Adieu au Roi - Nick Nolte (Farewell to the King), Veuve mais pas trop - Michelle Pfeiffer (Married to the mob) và Gorilles dans la brume - Sigourney Weaver (Gorillas in the Mist). Bốn phim này, tôi chỉ coi được có tuồng Married... lúc ở trên máy bay, buồn cười lắm nhưng nửa phim thì tôi ngủ gật, chẳng phải tại phim, tại tôi đi máy bay ưa buồn ngủ thôi (Tôi buồn ngủ như tôi buồn cười. Thanh Tâm Tuyền?) Hệ thống ciné UGC hơi lố lăng thương mãi, tôi không thích mấy, nhìn sang bên cạnh tôi lại bực mình. Quán Café trước kia mang tên La Bonbonière màu hồng dễ thương giờ sơn lại vàng vọt Fast Food, hamburger, sandwiche chổng chơ vài cái bàn ghế loại đứng tựa vào nửa người. Anh chủ mới này tính sai, chạy theo thời trang lỗ vốn, chẳng thấy ai, trước kia bàn ngồi kiểu cũ, bán expresso cổ điển bản xứ tôi nhớ nó lại đông người. Đáng đời. Nhìn trước tôi gai mắt, thôi tôi nhìn lên.
Ông Danton mập mạp vẫn còn đó, bên trên cái đồng hồ công cộng không biết dựng từ năm nào, tuy vẫn chạy đúng giờ mà nước chữ 3, 6, 9, 12 đã phai màu hay tróc mất từ lâu. Ông Danton ở trên cao, tượng dựng năm nào thì có đề cẩn thận. “1898”, do thị xã Paris thực hiện. Ông này tuốt ở trên bệ nhưng những ngày đường phố nổi loạn tôi cũng đã có dịp leo lên bá cổ ông để mà xem xét dùi cui và khói lửa đạn cay đằng xa. Georges Danton, 1759 - 1794 Bộ Trưởng Tư pháp 10 tháng Tám - 9 tháng Mười 92, Dân biểu thành Paris tại Quốc hội. Hai bên bệ tượng còn trích hai câu hoa thơm cỏ lạ mà ông có lần phát biểu “Muốn chiến thắng kẻ thù quốc gia, chúng ta cần táo bạo, thêm táo bạo, lúc nào cũng táo bạo”. Bên kia là “Sau bánh mỳ, điều mà nhân dân cần nhất là giáo dục”. Thấy không, lại bánh mỳ. Hai câu này vô thưởng vô phạt, bánh mỳ thì ông này lúc sinh thời cũng thích ăn thích uống và táo bạo thì trước khi lên máy ông còn nhắn với đao phủ thủ “Nhớ đưa đầu tao ra cho quần chúng xem, đáng đồng tiền”. Tôi nhìn kỹ lại, mặt ông này tôi không thấy đẹp trai.
Được một lúc, ngồi mút đi một mút lại hết những ngón tay còn dính tèm lem chocolat tôi mới để ý đến cô bé. Cô này rất trẻ, dáng dấp nhà lành miệt Tây thành phố, cardigan len tốt, tóc thắt nơ, thế nào chị hay mẹ cũng thuộc loại Nappy, BCBG, khăn vuông Hermès. Nhưng chính cô bé thì còn trẻ, ngây thơ tội tình gì làm sao tôi nỡ ghét. Cô ta chắc chỉ chừng mười lăm mười sáu, xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê, tóc hoe cắt vuông, người cao chưa nẩy nở hết. Tối thứ sáu đứng dưới tượng Danton ngớ ngẩn đã mười lăm phút rồi tội nghiệp chẳng biết bị bạn gái hay là kép xù. Tôi tiếc tội háu ăn, phải còn chút chocolat dính vào bao giấy đựng crêpe biết đâu tôi chả dụ nàng được, giờ bắt tôi xếp hàng đi mua lại thì tôi già rồi. Thôi chắc để hỏi nàng một câu ỡm ờ vớ vẩn để làm quen kiểu “Mày chắc giờ này nó còn tới không?” hay là một câu trống không chẳng cần được trả lời: “Tại sao người ta dựng tượng Danton mà không ai dựng tượng Robespierre?”.