watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ký sự đi Tây-Minitel Hồng - tác giả Đỗ Khiêm Đỗ Khiêm

Đỗ Khiêm

Minitel Hồng

Tác giả: Đỗ Khiêm

Năm nay, cả nước Pháp quay về quá khứ, ngoài đường bày bán đủ thứ đồ kỷ niệm Cách mạng, T-Shirt, gạt tàn cho đến Champagne. Logo chính thức của Ủy ban Kỷ niệm là ba con chim liền cánh xanh trắng đỏ, tôi không biết rõ do ai vẽ nhưng mà coi giống nét của Folon (Nếu tôi không lầm Folon người Bỉ, giải Goncourt 87 cũng người Bỉ, nước Pháp dạo này rộng lượng với họ hàng nghèo ở Wallonie). Nhìn về quá khứ, ai chẳng biết Paris lịch sử từng khúc đường nhưng từ Mỹ sang, lạ nhất là những cái tân tiến của Paris.
Sao lại có thể có chuyện đó được, Paris cổ kính, Paris văn hoá này kia ai cũng nhận nhưng Paris làm sao tân tiến được. Tân tiến về thời trang, về thẩm mỹ, về lối sống tôi không nói. Tôi muốn nói Paris có nhiều cái tân tiến về kỹ thuật, về vật chất trong đời sống hàng ngày mà ở Mỹ sang phải lạ. Nó nhỏ nhặt thôi, nép mình trong cuộc sống, ở đây có lẽ chẳng ai để ý, có lẽ phải đi xa về mới nhận được ra. Không lẽ lại mở đầu mục hiện đại của thành phố bằng cái này nhưng thôi tôi cứ nói vì đây là cái người du khách dễ gặp nhất và có lúc cần dùng. Cái cầu công cộng. Cầu tiêu công cộng ở Paris thường ở trạm métro lớn hay có, ở trong có cả đánh giày (cireur) cho nên người Việt hai, ba mươi năm trước ưa lịch sự dùng chữ “đi xia”. Kính lão đắc thọ, tôi xin nói về cái cổ kính trước. Cầu công cộng thuộc quyền cai quản của RATP ở Place Madeleine vẫn còn được giữ nguyên như vào lúc đầu thế kỷ. Ghế da, cửa sổ vernis, gạch lót hoa, kính chạm 1905 đã đành, quảng cáo trên tường cũng thuộc vào thời đó, bồn sứ, vòi nước, tất cả đều din như trong Viện Bảo tàng. Thuộc vào loại gìn giữ thế này chỉ còn có hai cái (cái kia ở Royal) nhưng rải rác các métro vẫn còn nhiều nơi mở cửa tuy là có ảnh hưởng của tám thập niên thay đổi. Trong những cầu này, thường có một bà lớn tuổi, áo đen, tóc búi, kính lão ngồi đan áo để trông coi. Nhân vật dame-pipi này rất Pháp, cũng như nhân vật concierge giữ nhà ở Paris. Giá ấn định là hai quan hai mươi, bạn nhớ để lại tiền lẻ. Ở các hàng quán có hạng, nhiều khi vào cầu cũng có bóng dáng các bà này, dĩ nhiên trong quán đâu có bắt trả tiền thêm về mục này nhưng thấy Dame-Pipi là phải “tip” dù miễn phí hay là có giá ấn định do thị xã đặt ra. Các bà này không còn bao nhiêu mà hình như không ai kế nghiệp cả nên càng ngày càng ít đi. Cầu công cộng giờ phải hiện đại hoá, bớt tốn kém nhân công cho nên Jean Claude Decaux xuất hiện.
Cái ông này ở Bolsa cũng là chỗ quen biết. Bạn có để ý cái trạm xe buýt che mưa gió mới đặt dạo này ở Nam Cali? Hai mặt kính, một cái mái và quan trọng nhất, một phía hông dành riêng cho quảng cáo (có hình ca sĩ Ngọc Lan đang mơ màng). Nó là cái Abribus Decaux giống hệt những cái Abribus Decaux ở Pháp, ở Bỉ, ở Thuỵ Sĩ, ở Đại Hàn gì đó. Ông này xách cặp đến một thành phố, hỏi hội đồng thị xã có muốn chỗ trú ẩn cho người đợi xe buýt hay không, ông đặt cho free. Ông chỉ cần lấy tiền quảng cáo, nếu khó khăn chưa chịu thì ông đặt thêm cái bảng hiệu chỉ đường, cả bản đồ thành phố nữa, bản đồ thành phố ông đặt một mặt, mặt kia ông quảng cáo. Muốn dân chúng khỏi vất rác ra đường, ông cho không thùng rác, thùng rác của ông cũng có quảng cáo ở trên. Gì ông cũng tặng hết, ông chỉ tính thân chủ của ông tiền quảng cáo, thành phố nào chẳng chịu, thế là ông giàu. Ghế đá công viên, bản đồ chỉ đường ông làm xong, giờ ông quay sang cầu tiêu. Cái cầu Decaux dĩ nhiên cũng có quảng cáo. Đi ở đường bạn có thấy nó bằng xi măng trang nhã, loại đúc sẵn, màu vàng nhạt, to hơn cái tủ đựng quần áo một tí. Nó một chỗ ngồi (tôi muốn nói, nó đặt riêng ra từng đơn vị một), cửa ra vào bóng loáng như sắt máy bay. Quảng cáo có lẽ không đủ lời, bạn phải bỏ vào một quan vào cạnh cửa nhưng một quan này đáng đồng tiền bát gạo. Cửa sắt tự động thụt vào, đèn ở trong bật sáng, nhạc êm dịu nổi lên, bạn bước vào, cửa tự động đóng lại. Bên trong ấm cúng, quạt thì hút hơi thoáng khí, quạt lại phà hơi nóng điều hoà. Mà sạch thì không thể nào chê được tại vì cả cái sàn bạn đang đứng, cả cái bồn, cả cái phòng đến ngang người, một khi bạn đi ra sẽ tự động quay ngược xuống để mà tẩy uế hoàn toàn bằng máy với thuốc sát trùng như trong car-wash. Vệ sinh như thế còn hơn nhà thương nhưng chỉ phiền một cái, lỡ máy mát lên cơn điên lúc mình đang ở trong sập cả nửa phòng xuống xịt nước kỳ cọ thì mình làm sao? Thì mình chết, vậy thôi. Có một người mất mạng rồi, một em bé gái vì cân không đủ nặng, cầu tưởng là không có người. Ở ngoài có đề cẩn thận, đừng bao giờ để con nít vào một mình cả, biết đọc cũng có lợi. Còn máy điên lên thì tôi chưa nghe nói, chẳng qua chuyện này cũng như đang đi xe hơi tự nhiên chân ga rú lên vậy như nhãn Audi người ta đồn một dạo, xe nó điên thì cũng... chết chứ biết sao. Không phải vì thế mà không ai đi cầu máy Decaux nếu bạn là con người cầu tiến. Chẳng ai ngăn được sự phát triển, dù muốn dù không.
Paris là thành phố nhỏ hẹp, mà hình như số chó cư ngụ nội thành đông chẳng kém số người, thành thử ra, di chuyển trên hè phố, bạn thấy ngay vấn đề. Chó đã là chó thì làm sao biết đọc quảng cáo nên vấn đề này ông Decaux không buồn giải quyết. Giờ người ta đang bàn chuyện biên phạt chủ nhân nếu con vật trung thành không chịu đi xuống rãnh (Ở Paris, vỉa hè ngay phía dưới có rãnh nước chảy mang vào cống). Trong khi chờ đợi luật lệ được ban hành, thị xã Paris dùng một biệt đoàn moto lưu động để đáp ứng với tình thế này. Cái cảnh này, nếu bạn gặp được, cũng bõ cái vé máy bay để sang Tây. Moto dùng vào việc này thuộc loại đặc biệt, cồng kềnh nhưng đẹp mắt, coi như trong phim khoa học giả tưởng tự hành tinh nào xuống. Người lái, có khi là một cô kiều diễm tóc vàng cân đối, giống như là Sigourney Weaver trong phim “Alien”, mặc đồ phi hành gia trắng toát đội nón, coi còn oai gấp mấy phi công chiến đấu cơ. Gặp người và máy này rà rà trên vỉa hè, thấy ở đâu có bãi thì thắng lại. Đằng sau moto máy hạ xuống, hút ngay tang vật, còn quét rửa vài cái bằng chổi theo sự điều khiển của space captain điềm nhiên ngồi đàng trước vặn nút. Tôi đi đây đi đó cũng nhiều rồi, chưa ở đâu tôi gặp được một cái cảnh phải trắng mắt ra mà theo dõi như thế. Tôi không dám nói là người lái loại moto này được tuyển theo nhan sắc nhưng họ bận quần áo đẹp, Paris là thành phố đẹp, vỉa hè cũng đẹp và cái cô tôi chứng kiến lần đó lại cũng đẹp nữa. Bấy nhiêu cái đẹp đó hợp lại để khai trừ cái bẩn, không phải là cảnh đáng coi sao. Tân kỳ đã đành, mà đẹp nữa, tôi nhấn mạnh, tôi mà nói láo thì bị loại moto này cán chết. Người đi du lịch ưa nói ngoa nhưng mà tôi nói thật, tôi thề thốt. Đàn bà đẹp, mặc quần áo đẹp, lái xe đẹp, điều khiển máy hót phân chó thì tất cả các thị trấn trong đời tôi đi qua, chỉ có ở Paris.
Paris, nhân viên nhà nước cầu kỳ, các cô biên phạt thì mặc quần áo Givenchy, cảnh sát thì vài năm nay mới thay đổi sắc phục, giờ mang đồ Pierre Balmain (nhưng vẫn đeo súng ngắn Manurhin). Tây mà, họ ưa chải chuốt. Nhưng chuyện tân kỳ của tôi nó không phải chỉ ở những chuyện cặn bã. Người Pháp, chẳng hạn, là người xài tiền nhựa nhiều nhất thế giới. Về mặt này, các ngân hàng thống nhất, Visa hoặc Master và vào đâu bạn cũng mua bán được, ngay trong các siêu thị thực phẩm. Giấy tính tiền chạy từ két ra có hai bản sẵn, bạn ký ngay vào còn cái thẻ, good hay không good, máy cũng biết nốt, khỏi lật sách ra dò số lôi thôi. Mà cần cash thì ở đâu cũng có máy phát tiền, máy khắp nước chung một hệ thống dù ngân quỹ của bạn thuộc nhà băng nào bạn cũng lấy ra được ở bất cứ máy nào, chẳng phải nhìn xem có thuộc Cirrus hay là Star-System của thẻ mình không. Tiền nhựa, chẳng có gì lạ, tôi chỉ nói là ở bên Tây nó thông dụng hơn ở Mỹ. Nhất là, một loại tiền nhựa mà Mỹ không dùng, là tiền nhựa điện thoại. Trước đây, các cột điện thoại ở Pháp hư lên hư xuống, du đãng thiếu tiền cắc ưa chiếu cố đến khiến ngày nay, nếu không có sẵn cái thẻ trong túi không tài nào bạn gọi phone được. Thẻ này không thuộc loại phone-card tính trên số điện thoại của bạn. Nó cũng có nhưng cái thẻ tôi nói là cái thẻ trừ tiền chứ không phải thẻ cộng. Thẻ cộng đã đành, nó như con ma xó, bạn xài bao nhiêu nó cộng thêm dần dần. Thẻ trừ ngược lại, nó có giới hạn, bạn ra đầu đường mua một cái thẻ điện thoại 120 đơn vị, cỡ 14 USD. Mỗi lần gọi đi đâu, bạn đút vào máy, nói càng lâu nó càng trừ. Gọi viễn liên cho đào, nhìn nó nhẩy mà thích mắt, tắc $13.75, $13.50, $13.25 v.v... sắp hết nó chớp đèn ngoắc bạn để báo động, hết, bạn vứt nó đi mua cái khác. Có tỉnh bên Tây đang thí nghiệm loại thẻ này vào việc ăn chơi mua bán. Mấy trăm cửa hàng trong tỉnh đều có gắn máy để đọc, bạn đến nhà băng mua cái thẻ 500 USD, 300 USD gì đó, đi đâu cứ việc móc ra tiêu, nếu lẻ tẻ dăm ba đồng thì không cần code, mua sắm nhiều thì phải bấm số bí mật của mình. Hết tiền, cạn thẻ, bạn vào ngân hàng nạp tiền lại, dùng được tiếp. Dùng thế cash, nó không phải là thẻ tín dụng mà là tiền mặt loại gọn gàng.
Thế thì đã có gì tân tiến, lợi ích thế nào tôi không biết nhưng vào nhà ai tôi cũng thấy có một cái điện thoại có màn hình và bàn phím như là một cái máy vi tính bé. Đường dây điện thoại bên Pháp thuộc độc quyền chính phủ (Bưu điện) nên việc nối điện thoại vào với điện toán áp dụng rất dễ. Cái máy, nhà Bưu điện cho không, nếu muốn có máy in thì phải bỏ tiền thêm. Áp dụng của nó y như là áp dụng vi tính vậy, chỉ khác chỗ là nó tập trung hoá được. Bạn có thể “gọi” giữ chỗ xem xiếc, tìm địa chỉ nhân tình cũ (đánh tên lên màn ảnh, nó tìm hộ như mình xem niêm giám, ôi, những tên nhân tình cũ xanh xanh trên màn ảnh...), coi giờ máy bay vớ vẩn. Nhưng nó lan rộng ra trăm ngàn dịch vụ, thí dụ bạn làm business nó giữ sổ kế toán cho bạn được, nó khai thuế hộ, bạn gửi thư sang Bồ Đào Nha, đánh vào bằng tiếng Pháp nó dịch ra ngay bằng tiếng Bồ, tiếng Đức, tiếng quái quỷ gì khác, dịch qua dịch lại chớp mắt tuy là dịch dở. Và cái mà người ta ưa dùng nhất, là nó... kiếm bồ cho mình. Kiếm bồ cho mình thì nó chưa tự động được (nghĩa là kiếm nhân tình cũ không ra, máy chưa tự động hỏi bạn bè, thế nào, muốn kiếm nhân tình mới không?) Kiếm nhân tình, cho đến giờ này, con người còn phải chủ động, dù là bồ cũ hay bồ mới (bồ cũ nhiều khi cần chủ động nhiều hơn nữa). Bạn có quyền lựa các tiết mục, có những số tìm bạn mặc đồ da, tay cầm roi, có những số để tìm bạn mặc đồ trắng, tay cầm hoa, tuỳ sở thích. Bạn có thể đăng rao vặt và mở “hộp thư” trên máy bằng bí số (Z 28 chẳng hạn), ngày hôm sau mở máy check “hộp thư” coi có ai trả lời không. Bạn có thể đối thoại thẳng với người lạ (Z 28 gọi Mèo Xiêm), bạn có thể ỡm ờ tay cầm lá cây mà ngắt ngắt hay bạn bạo dạn hơn mà phơi bày những ý đồ rực rỡ (tôi không thích chữ đen tối vì tôi thấy những chuyện này tôi sáng mắt ra chứ ít khi nào nhắm mắt lại) trong đầu. Thích lắm, muốn nói thêm gì thì nói, cũng như phone hồng nghe thẳng tiếng nhau ở bên Pháp này không đắt khách, chỉ có Minitel Hồng phải viết ra lên màn hình lại chạy. Z 28 gọi Cọp Thái, nếu tâm đầu ý hợp mình hẹn nhau đi chơi cuối tuần. “Tôi với nàng quen nhau qua Minitel” mươi năm nữa có lẽ trở thành một trường hợp thông dụng. Như ngày hôm nay học cùng trường, làm cùng sở, gặp ở nhà người quen, đám cưới, party. Minitel có thể áp dụng vào nhiều việc đúng đắn, chắc chắn rồi, vô số kể. Nhưng ngoài đường tôi ít thấy quảng cáo những dịch vụ này. Năm nay đã bớt, phong trào Minitel Hồng dường như mệt mỏi, phải lấy lại hơi nhưng vẫn còn những tấm biển có cô ngực trần tóc vàng 3615 ULLA (3615 là mã số đầu tương đương như 976 ở Cali), có cô đít nhỏng tóc đen 3615 BRIGITTE. Phong trào này cách đây hai ba năm làm nhiều người Mỹ sang đây phát sợ, chẳng hiểu chuyện gì sao đàn bà nhồng nhộng đầy bích chương đường phố. Không bán sú-cheng, không bán sì-líp, không bán nghỉ mát mà cứ vẫn phơi bày. Người Mỹ đâu có Minitel.
Cái màn ảnh nhỏ hấp dẫn như vậy, ở Pháp đi đâu tôi cũng thấy màn ảnh. Màn ảnh computer, màn ảnh vidéo. Hệ thống métro cũng có cáp TV riêng bày khắp nơi để đợi tàu đỡ buồn, coi nhảy hát, coi khí tượng, coi tin ngắn. Tiệm sách, tiệm nhạc, tiệm café, cá ngựa gì cũng vậy, màn ảnh bày la liệt, dĩ nhiên mỗi nơi một chủ đề, tiệm nhạc thì để vidéo clip, bấm nút mà lựa chọn được, tiệm cá ngựa thì để kết quả cuộc đua trực tiếp truyền hình. Cớ gì người ta cũng mang TV ra chắn lối được, cái đề chữ, cái để hình làm như không có nó thì không sống nổi. Chả vậy mà chữ “câblé” (bắt giây) dạo này đồng nghĩa với “thời trang”. Ngay cả cái việc chỉ đường bạn cũng không cần nhờ anh cảnh sát hay cô đầm tốt bụng nữa. Ở các lối ra vào nơi phương tiện chuyên chở công cộng người ta để một thằng Situ là xong. Anh này màu xám xịt, cũng có màn hình (bằng LCD), cũng có keyboard. Bạn đánh vào cái địa điểm mà bạn muốn đến, số bao nhiêu, đường gì. Chàng sẽ hỏi bạn muốn dùng tàu điện, xe buýt, cả hai, cách nào nhanh nhất hay cách nào ít phải đi bộ nhất, tuỳ ý bạn chọn lựa. Bấm nút lựa xong, Situ vừa rè rè làm việc vừa tử tế “Xin lỗi, làm ơn đợi chút”. Độ ba mươi giây sau, chàng nhả ra một tờ giấy in mực hai màu đen đỏ cẩn thận, cặn kẽ từng chỉ dẫn. Lấy hướng A, xuống trạm B ra lối C, quẹo tay phải độ bao nhiêu thước thì đến, tất cả mất chừng X phút. Tôi tò mò hỏi thử, nhà địa chỉ người yêu dạo trước ra mà tra hỏi. Bằng đủ cách, cách nhanh nhất, cách ít phải đi bộ nhất, bằng tàu điện, bằng xe buýt, bằng cả hai cộng lại. Năm phút sau tôi lần mần cầm cả năm tờ giấy chỉ đường ở trên tay do anh Situ trao tặng. Tôi xin lỗi lại là đã làm phiền máy. Tại hỏi chơi cho biết chứ người yêu cũ, có cách nào mà đến được và hiện đại thì hiện đại, Situ không tài nào chỉ nổi. Tình nhân mới, may ra còn nhờ máy Minitel được chứ tình nhân đã cũ rồi thì máy nào cũng phải chịu thua.
Cái hình chớp nháy
Cách đây khoảng năm năm về trước, một ông bạn người Mỹ sang Pháp chơi than phiền với tôi: “Sáng tao dậy, bật TV lên, chẳng có gì”. Chẳng có gì ở đây không có nghĩa là chẳng có gì coi được, chẳng có gì hay ho, mà là chẳng có gì hết. Chẳng có gì hết trọi. Bật lên, ngồi đợi cho màn ảnh nóng, rồi nhảy từ đài này sang đài nọ cũng chỉ bắt được mấy con “bọ” li ti trắng đen ngọ nguậy nhìn đến nhức đầu. Ngày nay, TV Pháp buổi sáng đã có chương trình nhưng thói quen coi TV vào lúc những hạt sương còn đọng trên cỏ bìa rừng Boulogne vẫn còn ít thông dụng hơn thói đi chợ vào lúc trăng đã lên đến đỉnh Tháp Eiffel. Không đi chợ đêm, không coi TV sáng, đời sống bên Tây buồn nản, hết ra ngoài đường ăn uống lại về nhà nằm, chẳng phải nằm coi game show nằm coi soap, về nhà nằm ôm nhau.
Cái chuyện người ta nằm ôm nhau tôi không căn cứ vào dự kiện thu nhập được một cách khoa học, tôi chỉ dựa vào phim ảnh, truyền hình do mấy ông tây bà đầm thực hiện. Một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phải có cốt truyện, sườn bài, đơn giản thôi, nhưng mà phải có. Mới vào đầu, người ta xếp đặt cái gay cấn trong vòng hai phút để gợi sự chú ý rồi ngưng, quảng cáo. Thí dụ, một anh sáng chủ nhật đang đẩy xe cắt cỏ ngoài vườn trước nhà tự nhiên có một xe đỗ lại. Ba người lạ mặt hung dữ bước xuống dùng súng MAC 11 có gắn ống hãm thanh, dùng S&W 29 si kền, dùng Ruger Mini 14 có gắn ống nhắm, nhất loạt nã vào người anh cỡ chừng bốn năm mươi viên đạn đủ loại, 380 acp (còn gọi là 9mm short), 44 magnum và 223 Remington (còn gọi là 5.56 NATO). Anh ngã xuống, họ bỏ chạy, bãi cỏ trước nhà chưa kịp cắt (bãi cỏ trước nhà chưa kịp cắt trong tâm lý quần chúng Mỹ tự nó đã là một thảm trạng), cái máy vô tình vẫn tiếp tục chạy, cỏ cắt rồi từng mảnh vụn văng tung tóe vào mặt người xấu số. Ta còn đang hồi hộp, tim đập 120 nhịp trong một phút tự nhiên một cái Pick Up trờ tới, ba anh khác bước xuống (ba anh này mặt mày thân thiện) khuân vác gì đó trong nháy mắt, ta chưa hiểu chuyện gì, ba anh đã ngồi bệt xuống khui bia ra uống với nhau. Nhạc bài hát “This Bud’s for you”, mọi người vui vẻ, bí mật của án mạng vừa rồi đợi lát nữa (sau khi uống bia xong, sau khi giặt quần áo đẹp hơn là lúc mới, sau khi xe hơi được biểu diễn trên những con đường khúc khuỷu, v.v... một lúc lâu) sẽ có hai thám tử của cảnh sát mặc đồ đẹp mặt mày trầm tư đi Ferrari đỏ đến để giải quyết sau. Đó là một chương trình truyền hình Mỹ. Sẽ có rượt đuổi bằng trực thăng (bắt buộc trực thăng ít nhất là một chiếc sẽ phát nổ trên không), bằng xe hơi (bắt buộc xe hơi ít nhất là vài ba chiếc lăn xuống vực thẳm), sẽ tốn rất nhiều đạn đủ ca-lip súng ngắn súng dài và sẽ có rất nhiều quảng cáo (lại bia, lại thuốc giặt, lại xe hơi).
Một chương trình truyền hình Tây thì khác hẳn. Hai người ngồi ăn trong một quán. Chàng nói một câu, ăn một miếng, nhìn nàng. Nàng nhìn lại, ăn một miếng. Chàng rót rượu, nói một câu thật dài. Nàng uống rượu, tiếp tục nghe một lúc rồi mới trả lời. Chàng ngưng ăn, ngưng uống gật gù rồi ăn trở lại, uống trở lại. Nàng ngưng nói, cũng ăn, cũng uống. Đến lượt chàng nói. Rồi đến lượt nàng nói. Có khi hai người cùng nói, có khi im lặng hai người cùng ăn, không bắt buộc là phải người này nói thì người kia ăn, mà mãi thì không thấy quảng cáo, đợi đến sốt ruột. Họ ăn cơm Tây, có lúc ăn cơm Tàu, nhưng lúc nào cũng uống rượu đỏ, rượu trắng, ít khi uống rosé. Họ nói năng gì với nhau không biết, tự nhiên thấy họ nằm trên giường, chàng đắp chăn hở ngực, nàng ra khỏi giường khoả thân đi tìm thuốc lá. Lâu lâu thay đổi, nàng nằm trên giường, đắp chăn hở ngực hút thuốc, chàng ra khỏi giường khoả thân vào phòng tắm. Họ lại vẫn nói, nói năng gì với nhau không biết, tự nhiên thấy họ ngồi trong quán ăn trở lại. Kỳ này vẫn chàng đó mà nàng thì lại một nàng khác. Hay vẫn nàng đó mà chàng kia lại khác. Họ cũng ăn như hồi đầu, nói như hồi đầu. Được một chốc (vẫn chưa thấy quảng cáo) họ nằm trên giường trở lại, nàng khoả thân ngồi đó, chàng khoả thân nằm nghe. Nàng duỗi chân ra, tìm hộp quẹt. Chàng co gối lại, kiếm gạt tàn. Trên giường ít khi nào họ ôm nhau vật, giường không phải là đấu trường tỉ võ, họ chỉ nằm ngồi, đứng dậy, vào ra, nói chuyện và hút thuốc un khói cả lên. Đến đây bỗng nhiên thấy một cái giường khác, hai người khác nằm trong, không nói năng gì nhưng có nhạc. Còn đương thấy lạ thì nàng xuống giường ra kéo màn cửa sổ. Ánh sáng buổi sớm hắt vào khuôn mặt chàng dịu dàng mỉm cười, nhưng mà ủa, tại sao nàng không cởi truồng mà lại mặc quần lót? Thì đây (đợi mãi mới đến lúc) quảng cáo, mà là quảng cáo quần lót. Đó là một chương trình truyền hình Pháp. Hết ăn tiệm rồi ăn nhà, ăn xong rồi lại ngủ nhưng mà kỳ lạ, họ đi ngủ thì chẳng bao giờ thấy, cái đó chắc để cho khán giả tưởng tượng ra, chỉ thấy vào lúc họ dậy, không quần áo nhởn nhơ qua lại, bàn với nhau tiếp tục về chuyện: “Thôi, giờ mình đi ăn ở đâu?”
Ở Paris hiện nay có sáu đài truyền hình khác nhau, phát hình khoảng từ mười đến mười sáu tiếng mỗi ngày, có đài liên tục nhưng thực ra chương trình lặp đi lặp lại. Trong số này, năm đài phát hình miễn phí, một đài cần phải có máy đóng tiền thuê để xem. Canal+ thuộc đủ thể loại, không chuyên chú như ở Mỹ, có lúc gia đình như “HBO”, có lúc văn hoá như “Z”, có lúc “X” hẳn hòi. Năm đài còn lại, hai đài của nhà nước (đài A2 và FR3), đài TF1 của vua bê tông cốt sắt Bouyghes, đài 5 thuộc về đại đế báo chí Hersant và đài M6 là đài bé nhất, nhắm vào giới trẻ ngọ nguậy, kiểu MTV. Nhưng nếu bạn nghe tôi tả chương trình truyền hình Pháp ở đoạn trên bạn cho là đáng chú ý, sang đến Tây bạn vội vã bật TV lên để kiểm chứng thì thế nào cũng thất vọng. Không phải là tôi nói láo, thực sự thì một chương trình Pháp đại để như tôi vừa kể, nhưng tại vì TV Pháp rất ít có chương trình do chính người bản xứ thực hiện. Bật TV ở Paris lên, bạn sẽ gặp Santa Barbara, Miami Vice, Chips, Startrek, Kojak, Dallas v.v... và v.v... nhiều hơn là phim ciné hay là phim truyền hình địa phương. Lý do dễ hiểu là lý do tài chánh. Ở bên Mỹ mỗi khi thực hiện truyền hình, người ta đã tính sao lấy về đủ vốn với lời ngay tại nội địa Hoa Kỳ. Lấy vốn về xong, có lời rủng rỉnh, người ta đem bán ra ngoại quốc để có thêm ít tiền tiêu vặt, café, nước ngọt cho gia đình Ewing hay thuốc lá cho Columbo. Một giờ truyền hình, nếu thực hiện tại Pháp, không có rượt đuổi bằng trực thăng, không có xe hơi lăn xuống vực, chỉ có ngồi quán và nằm trong giường đã tốn phí khoảng 200.000 USD. Trong khi đó một giờ truyền hình gốc Mỹ, có bắn súng đủ loại, người Mỹ bán cho người Tây với giá rẻ mạt là 20.000 USD. Hai chục ngàn này, thật ra chỉ đủ để Sue-Helen uống rượu nhưng Dallas chỉ chiếu không ở Mỹ đã đủ lời, bán thêm cho TV Pháp, TV Đức, Hoà Lan, Đan Mạch, Ý Đại Lợi, Ấn Độ, Nam Dương quần đảo gì đó, mỗi nơi chỉ cần lấy thêm vài xín tượng trưng. Thành thử ra, Mr. T nổi giận lên, ở Nairobi, ở Dublin, ở Dacca đều biết, cô y tá nào có thai với bác sĩ sản khoa ở trong “General Hospital” người ta đàm tiếu từ Manila đến London. Paris không phải là ngoại lệ, con nít ở đây vừa mới lớn đứa nào cũng mua cái tai giả của Mr Spock về đeo, ít đứa nào chịu lấy lê độn vào ngực để bắt chước Brigitte Bardot của ba mươi năm về trước, chiếc Starship Enterprise từ từ lướt trong vũ trụ dĩ nhiên là nổi tiếng hơn cái cầu thang khách sạn ở trong “Năm ngoái tại Marienbad” của Alain Resnais. Và ngoài lý do tiền bạc ra, phải nói thật, chính tôi cũng thích “The A Team” hơn là “Glissements Progressifs du Plaisir” của Robe-Grillet.
Để nâng đỡ nền văn hoá bản xứ, luật nước Pháp bắt buộc các đài công cũng như tư đều phải có phát hình tối thiểu một số chương trình hoặc Pháp hoặc Âu Châu. (Luật lệ này, đài 5 là đài không bao giờ tôn trọng, vừa rồi bị phạt hai triệu Mỹ kim để bỏ vào quỹ giúp đỡ điện ảnh Tây). Ngược lại, như đã trình bày, mỗi khi phải thực hiện chương trình ngay tại Pháp, người ta sợ cạnh tranh không nổi với Hoa Kỳ về vấn đề “action” hay vấn đề lem nhem tình cảm xã hội nên người ta nhấn mạnh trên những vấn đề tâm lý. Nói nhiều, ăn cũng nhiều, vừa nói vừa ăn tối cởi quần áo đi qua đi lại. Những ai để ý đến những vấn đề này, xem TV Pháp ắt là phải thích. Tôi lấy ví dụ ngay đến cả các game show.
Từ ngày có tự do tranh thương mại giữa các hệ thống truyền hình, đài nào cũng bày ra game show từ sáng đến tối. Tự mình bày ra thì cũng lại tốn kém, người ta sang Mỹ xin license của những show thịnh hành ăn khách cho đỡ phải mất công. “The Wheel of Fortune” cũng có ở bên Tây, dĩ nhiên với người hoạt náo Tây, người dự thi Tây và giải thưởng bằng tặng vật và hiện kim Tây. Nhưng chỉ khác có bấy nhiêu, ngoài ra “La Roue de la Fortune” hoàn toàn giống cái show này ở Mỹ. Làm tôi vừa coi vừa băn khoăn tự hỏi, không biết bên Ấn Độ người ta có nhập cảng hay không chương trình đố vui truyền hình này, và nếu có thì giải nhất là bao nhiêu thùng dầu cù là do Union Carbide trao tặng. Nhưng đến game show mà liên hệ về luyến ái thì dĩ nhiên là người Pháp vô địch.
Ở bên Mỹ, những show loại này thì nói lại nhiều mà ra tay hành động thì lại ít. The Love Connection, The Dating Game chỉ bóng gió xỏ xiên nhiều khi đến độ bệnh hoạn. Nó tục thì không bao giờ tục hẳn (beep)... nhưng tục xa tục gần làm như là bị ám ảnh tâm thần. Người Pháp thẳng thắn hơn, những show đã lấy sex làm đề tài giải trí thì thoải mái hẳn, không có chập chờn một lời mà hai nghĩa với lại bướm vờn hoa, ong hút nhuỵ. Thí dụ, có mục trả lời thư tín tên truyền hình tương tự như Penthouse letters. Người hỏi được phỏng vấn trên màn ảnh và sau đó người phụ trách là một bà đứng tuổi nằm duỗi người trên ghế vừa ngáp dài ngáp ngắn trả lời. Nó không được đứng đắn hay giáo dục như là trong chương trình của Dr Ruth, cái bà duỗi người không phải là bác sĩ mà cũng không có tham vọng giáo dục ai. Thoải mái lắm, để rõ hơn tôi phải lấy ví dụ khác. Người ta cầm máy thu hình ra ngoài phố hỏi mấy anh mấy chị nào hứng chí tình nguyện cho xem quần áo lót chẳng hạn. Vậy mà chương trình này cũng có người hưởng ứng được một cách thụ động đã đành, các “thí sinh” tích cực tham gia các show này cũng không thiếu. Có chương trình mời các cặp lên hỏi đố, cặp nào không đáp trúng phải cởi một món đồ ra cho đến khi hết thì thua. Phải những chương trình này thuộc loại câble, cần access code thì tôi không nói. Nó phát hình vào lúc mười giờ tối nhưng ai tò mò (như tôi) cũng có thể bật TV vặn lên coi. Có cái, con nít bên Tây có lẽ chẳng phải vì thế mà đâm ra ông bà cụ sớm, tôi thấy hình như nó vẫn đùa hồn nhiên và rượt đuổi nhau trước cổng trường như con nít ở mọi nơi. Những cái lộ liễu này làm hạ hoả hay tăng hoả tôi để cho những nhà xã hội học và các thầy lang thuốc Bắc mang ra mà bàn cãi, riêng tôi thì những loại chương trình như thế, thỉnh thoảng tôi coi tôi cũng thích, thấy ít bực mình hơn là những cái nháy nhó của The Dating Game mà cho đến ngày nay, thường thì coi xong tôi cũng ngồi cười khẩy chứ chưa bao giờ chạy ngay xuống phố mà tốc váy người qua lại. Nhiều khi tôi còn nghĩ, biết đâu rằng, bên Iran chẳng hạn là nơi truyền hình phải đứng đắn, lại chẳng có khối người đầu óc còn lệch lạc hơn ở bên này.
Nói thế thì có vẻ thiên vị Pháp. Chẳng sao, An Nam ta trước giờ vẫn thích Tây, tôi chưa thấy ai thích Iran cả. Nhất là khi đề cập đến ái tình. Đối với chúng ta, ái tình trên màn ảnh truyền hình thì Iran nhất định phải thua Pháp, chỉ khi nào ngoài biển, không có truyền hình họ may ra còn gỡ gạc đôi chút như trong bài hát: “Với biển cả anh là thuỷ thủ/Với lòng nàng anh là hoàng tử/Như truyện ngàn đêm xứ Ba Tư...” Cái nhìn chớp nháy, màu SECAM 50 hertz về phương diện kỹ thuật có đẹp hơn màu của Mỹ NTSC chu kỳ (NTSC các chuyên viên vẫn gọi đùa là Never The Same Color. Ở Âu Châu, hệ thống truyền hình trên nguyên tắc được đến 619 lằn định nghĩa, ở Mỹ màn ảnh nhỏ chỉ có 525 lằn nên ít rõ nét hơn. Đó là về kỹ thuật, sự khác biệt này phải để ý mới biết, nó cũng chỉ như là khác biệt giữa băng vidéo chính gốc và băng vidéo sang lậu, chẳng là bao. Đây là tôi tìm đủ mọi cách để khen Pháp, Đức, (hệ thống truyền hình PAL), ừ, TV ở bên đó cũng rõ nét và màu đẹp, đỡ lem hơn là TV Bolsa. Nhưng mà bật lên, cũng vẫn John và Ponch chạy xe moto biên phạt ở Los Angeles, lại nói tiếng Tây với nhau thì tôi phải chịu thua. Cái đà xâm lấn này coi bộ không thuyên giảm, ở những quận Paris có trang bị câble chuyển từ vệ tinh được thêm mười hai mười tám đài gì đó, chương trình Mỹ lại càng nhiều, Sports, Tin Tức gì cũng có đến nỗi ở Tây muốn bắt độ đội banh (Mỹ) Minnesota “Vikings” đá với đội San Francisco “Fortyniners” coi trực tiếp truyền hình còn được, Mets gặp Dodgers kết quả ra sao có thể biết ngay. Football Mỹ, baseball theo ngả vệ tinh mà bành trướng, ở bên Pháp kỳ này tôi ngạc nhiên thấy có cả tạp chí chuyên môn nói đến những trò thể thao này. Hình như St Germain en Laye đã có đội Cheerleaders cầm pom-pom ủng hộ tinh thần cho Yvelines-Cow Boys khi giao đấu cùng Antibes-Dolphins, chả mấy chốc ngoại ô lớn Paris rồi sẽ có Stadium bán Bud, bán Coors, pop corn, hot dog và cờ, nón kỷ niệm. Đi đâu làm gì cho mệt, nhất là đến những nơi chậm tiến, TV chỉ vỏn vẹn có sáu đài. Thà ở Cali nằm nhà làm couch potato ăn chips nhãn Doritos mà chắc bụng, cái gì thì không biết chứ văn minh truyền hình Mỹ, đang ăn trùm thế giới; kể cả những nơi mà trước giờ tiền bối, từ cụ Nguyễn Văn Vĩnh đến cũ Phạm Quỳnh, vẫn cho là tột đỉnh của văn minh.
Ký sự đi Tây
Đi là về
Chiếc khăn vuông lụa
Cô Papae Fiu
Căn nhà ba bếp
Chuyến tàu đầu năm
Gói ca-rô đỏ
Người bạn chưa chồng
Cái quyền làm ít
Le, la baguette
Bức tượng Danton
Trạm tàu điện lẻ
Minitel Hồng
Tờ giấy mực đen
Văn minh quày quán
Con đường tối cổ
Cái show tình ái
Những biển miền Nam
Lời nói sau