Lời nói sau
Tác giả: Đỗ Khiêm
13 năm, một giáp, sau khi viết xong ký sự vừa rồi, nhìn lại và nhìn tới, nước Pháp có gì thay đổi? Nước Pháp ở đây, ở ký sự này, tức là nước Pháp của tôi. Thì nước Pháp của tôi, nước Pháp của ông Ferrat (“Ma France”), của lãnh tụ nghiệp đoàn nông dân chống toàn cầu hoá và chống bánh mì kẹp thịt của Mỹ, ông José Bové, nước Pháp của Robespierre và của Ba lê Công xã.
13 năm sau, nước Pháp giờ Âu châu hơn một tí, bỏ đồng Franc mới, đồng Franc cũ mà dùng chung một đơn vị tiền tệ Euro. Biên giới phía Bỉ, phía Đức, Ý, Tây Ban Nha không còn trạm kiểm soát nhưng tiến trình Âu châu hoá tôi thấy hình như còn chậm hơn tiến trình Toàn cầu. Giờ có lẽ là nhiều hơn trước, lớn thêm cái nỗi buồn Hy lạp, cái buồn của một nền văn minh đi trước, có cung Versailles, có ông Mirabeau, có cả cầu Mirabeau, có tháp Eiffel, có cả ông Apollinaire, mà nhìn sang bên kia biển thì văn minh La Mã đang rực rỡ. La Mã, ở đây là Hoa Kỳ, và số phận thành phố Athens là số phận của cả châu Âu.
Châu Âu, ngập ngừng những chuyện tình tay ba, kép độc Pháp, đào thương Đức với lại tình nhân Anh Cát Lợi. Vào thế kỉ mới này, tội ác ở Pháp đã gia tăng bằng tội ác ở Mỹ, trong khi rượu Napa Valley thì đã ngang với lại rượu vùng Loire. Bang Cali, về tổng sản lượng, mới qua mặt Pháp, là kinh tế hàng thứ 5 trên thế giới, tuy tất nhiên là Pháp vẫn giữ được hạng này, đứng trước Ý đại lợi (bang Cali không phải là một quốc gia độc lập mà vẫn còn thuộc về Mỹ). Tuổi trẻ Pháp, cũng như tuổi trẻ Âu châu và thế giới, mặc áo Schott và đi giày Timberland, cập nhật từng tuần sô truyền hình “Sex and the City” và đến rạp để xem phim “Người Nhện”. Chính bởi vì thế, nên đằng hắng với Hoa Kỳ ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chỉ có nước Pháp, cũng như vài thập niên trước, tướng De Gaulle hờn dỗi đòi dứt tình với khối Đồng Minh Bắc Đại tây dương.
Những chuyện này, thì ăn nhập gì đến tôi và đến đây. Mười mấy năm qua, tôi đi đi về về, gật gà ngủ trên những chuyến bay có lẽ, nhiều hơn trước, từ lúc cột giây an lưng là nhắm mắt cho đến khi đèn bật được cởi giây ra. Paris, thì vẫn vậy, lù mù sương quanh năm, bắt nắng hồng lên má vào tháng 5 và chỉ được yên ả những con đường vào tháng 8. Lộ St. Denis vẫn là lộ cổ nhất Thành phố nhưng những cố nhân của tôi, trước đã “cũ” giờ lại được lên cấp là “kỹ “ một nấc nữa, cất vào tối tăm tận cùng của một hộc tủ.
Nếu giờ phải viết lại ký sự này, tôi chắc là cũng sẽ chẳng có gì khác mấy.