watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ký sự đi Tây-Cô Papae Fiu - tác giả Đỗ Khiêm Đỗ Khiêm

Đỗ Khiêm

Cô Papae Fiu

Tác giả: Đỗ Khiêm

Phi trường Charles De Gaulle đóng cửa hai ngày vì sương mù, chuyến bay này trễ bốn tiếng, tôi biết. Anh chàng người miệt Bretagne này nói tiếng Pháp điềm nhiên tuy ở đây cách vùng bán đảo quê anh có mười ngàn cây hơn. Quày Air France như là một thứ sứ quán, bầu không khí đã bắt đầu rất Pháp. Tôi trao anh bịch hành lý đựng các thùng sách mới (cuốn tập truyện đầu tay của tôi vừa in xong, tựa tên “Cây gậy làm mưa”, Tân Thư xuất bản, gồm mười một truyện, giá mười hai đồng, nghĩa là một truyện hơn được một đồng chút xíu), anh trao tôi một cái phiếu ăn miễn phí mười lăm đồng để giết thời gian trong khi đợi máy bay. Cuộc trao đổi văn hoá này, tôi leo lên lầu tính toán, đủ để qua bên phía bar ăn sò sống uống Long Island Tea khỏi cần ngồi bên quày tự phục vụ lấy ăn mỳ Nhật Bản Udon và uống Diet Pepsi. Ừ, lịch sự.

Cái bảng “Departures” nhấp nháy, tôi nhìn những chuyến bay vào buổi tối. Ngoài AF006, SFO-CDG (San Francisco - Charles De Gaulle) 9:45 Cổng 105 còn có vài ba chuyến Trung Mỹ, Manila, Tokyo, London, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Trước lối vào phía tay phải, ở đây mỹ miều gọi là South Concourse, bộ lạc Philippines tụ tập vài năm người ồn ào nam phụ lão ấu chờ đợi, hình kỷ niệm chụp trước restrooms (nhà vệ sinh) đàn ông đàn bà, chốc chốc lóe lên tia flash trắng xanh. Xích lại gần thêm, lui ra, ôm vai nhau, đổi chỗ, ngắm máy ngang, ngắm máy dọc. Con nít lăng xăng đuổi bắt cười nói, vài người lớn cũng chơi trò ú tim nấp sau mấy hàng ghế. Trước lối vào tay trái, North Concourse, vắng vẻ hơn, vài người Nhật thẫn thờ qua lại. Ở giữa là cầu thang máy dẫn lên lầu ăn uống, phía dưới là tiệm Duty Free vắng vẻ. Ngay lối lên xuống, một ông đen lực lưỡng ngồi trên một cái xe đẩy hành lý quay ngược lại, quần áo chỉnh tề bất động cầm giỏ xin tiền cho một họ đạo Ki-tô. Thỉnh thoảng, như để duỗi người, ông ta lại dang hai tay ra thật rộng, lẩm nhẩm mấy câu Kinh thánh. Vài đứa trẻ cầm tiền cha mẹ đưa cho đến bỏ vào giỏ, tò mò nấn ná lại một vài giây. Cách đây vài năm, để ngăn các vị quảng bá tôn giáo này làm phiền người qua lại, tôi nhớ lại ngay phi trường LAX, dưới chân, trên đầu các thang máy lên xuống có kẻ một vùng an toàn bằng gạch đỏ với bảng giải thích bằng hai thứ tiếng “Ban quản trị phi trường không có quyền cấm những người quảng đạo thi hành Điều Một Tu Bổ của Hiến Pháp nhưng họ không được phép quấy rầy hành khách ở bên trong vạch đỏ vì lý do an ninh”. Tấm bảng này dạo đó cũng có hiệu lực trấn an được những người yếu bóng vía như tôi, phải chờ đợi ở phi trường tôi không bao giờ đứng xa đầu cầu thang máy, lỡ có gặp nhà truyền giáo nào nài nỉ chỉ việc bước qua vạch đỏ là an toàn tức khắc (dù cho sau khi chết có phải xuống địa ngục, cái đó thì hậu tính). Dạo này không thấy những tấm bảng kiểu đó được yết thị nữa, chẳng hiểu vì tệ nạn (?) này đã giảm hay là Điều Một Tu Bổ của Hiến Pháp (trong đó có tự do truyền bá) đã lớn mạnh với thời gian hơn cả những lý do nhỏ nhặt về an ninh như là ngã cầu thang?

Đến lúc qua khỏi cổng kiểm soát vũ khí, vào đến phòng đợi của cổng 105 bốn mươi lăm phút trước giờ dự định thì nước Pháp lại gần thêm một bước. Mấy chục người ngồi rải rác chẳng có ai mang vẻ gì là Mỹ. Bây giờ vào tháng hai, ngoài dịp nghỉ, người Mỹ chắc ít ai sang Âu Châu chơi vào giữa mùa đông. Tiếng Pháp rì rào các góc, từng đám chào hỏi nhau, mấy anh tây chị đầm hôn má phải trái xã giao, vài người điềm nhiên ngồi hút thuốc dưới bảng cấm. Ngay cả với người nặng hai tai hay là điếc (nghĩa là không nghe được họ nói tiếng gì), quang cảnh trên cũng rất là “Pháp” ở hai điều vừa kể. Người Mỹ chỉ hôn nhau vào dịp gì đặc biệt, người Pháp thì thân sơ gì, mới gặp lần đầu giới thiệu cũng phải túi bụi “bise” nhau. Tôi nói thí dụ, học trung học, đến trường trước khi vào lớp, con trai con gái mươi, hai mươi người phải hôn đủ cả mười hay hai mươi. Có người hai cái, một bên trái, một bên phải, có người đến bốn, trở đi, trở lại. Nó là lễ phép khi đến, khi đi, làm tôi nhớ thằng bạn Việt Nam lúc cùng ở bên Thái. Mỗi lần sắp giao thiệp với người bản xứ, nó lại nháy mắt bảo tôi “Mày coi nè, nó sắp lạy tao, đó, thấy chưa”. Người Thái gặp ai cũng vái, chẳng cần là ông bà ông vải thì người Pháp gặp ai cũng hôn má, chẳng cần là tình nhân. Hơi phiền một tí, thì đã sao. Điều thứ hai là dân Tây hình như vô kỷ luật hơn ở bên này, những chữ kẻ “No Smoking” ngông nghênh chẳng coi ra gì cả, tuy là gần đây, dĩ nhiên phong trào chống hun khói người khác cũng đã lan sang tận đó.

Chuyến bay chỉ có mình tôi là người Việt, có lẽ đồng bào ta mải lo ăn Tết, ai ở đâu ăn ở đó, ai lấy máy bay đi đâu làm gì vào trước đêm trừ tịch. Tôi lắng tai nghe loáng thoáng, mấy người ở sau lưng làm nghề tiệm cơm ở L.A. biết mặt nhau bàn những chuyện lặt vặt về business “... Mickey Rourke, diễn viên điện ảnh, mới mua lại cái bar bên cạnh quán của tôi...” Tôi lên tàu, bụng mừng thầm vì tưởng chuyến bay xuất phát ở Los, có bấy nhiêu mạng thôi, thế nào chả kiếm ra được ba bốn ghế trống để mà nằm ngủ. Nào ngờ, tàu đã đầy sẵn quá nửa. Chuyến bay này khởi hành từ Papetee, Tahiti, ở Thái Bình Dương thuộc Pháp. Tahiti thuộc về Nam Bán Cầu, ở phía dưới Hawai cách Cali tám giờ máy bay và hiện nay đang vào hè. Câu chuyện trên tàu xôn xao thời tiết (xấu) ở Paris, sương mù được dân quần đảo nhiệt đới nhắc đến như là một tai hoạ kinh hoàng. Trên máy bay đại đa số là người Pháp, ngay cả người chủng tộc khác coi cũng rất là “Tây”. Cô chiêu đãi Tàu nói tiếng Pháp không mang giọng ngoại quốc, anh hành khách ngăm ngăm đen chắc người Phi Châu Djibouti, Afars và Issas. Co ro trên một ghế, cổ quấn kỹ khăn choàng len, ông Trung Phi hói đầu cũng chẳng có gì đen “Mỹ”. Týp đen này cũng không thể lộn với Giáo sư phụ giảng của Howard University ở D.C. Áo blazer xanh, kiếng đồi mồi gọng lớn, người trí thức Châu Phi văn hoá Tây điển hình. Tôi tìm ra hàng ghế 40 A, B, C window; 40D, aisle. Đầu bên kia aisle, một cô tóc vàng nhuộm lăn tăn, còn trẻ, pull lót đen ngực không đeo nịt vú, quần jean trắng háng rộng đang ôm một cuốn sách bỏ túi của tủ sách “J’ai lu”. Bốn ghế tôi và cô mỗi người hai ghế. Mấy tờ Libé, Le Monde thiên hạ đã vơ hết, tôi lục giá đựng báo phía sau lưng tìm ra USA Today và Newsweek. Lật ra nhìn, cả hai đều ấn bản phát hành ở Âu Châu. Trang chót của Section I tờ USA Today, cái bản đồ khí tượng Âu Châu bốn màu lòe loẹt. Tôi nhìn Paris, 5 độ C (tối đa), hơn cả London.

Cho mãi đến mấy tiếng sau, vật lộn với hai chỗ ngồi để tìm ra một vị thế co giò cho êm ấm mà không được, tôi lịch sự nhường cả ba cho người con gái cùng hàng ghế. Nàng lăn ra yên ả còn tôi tự an ủi, hai chỗ hay một chỗ gì cũng khó chịu, thà để cho có người còn lợi dụng được để duỗi chân. Đàn bà Pháp bình đẳng, cô ta đề nghị sòng phẳng tao một giấc, hết lượt lại đến mày, tôi lên cơn tử tế, chả sao, chả sao, rồi cũng thiếp được ngay sau khi cuốn phim bắt đầu được chiếu sau bữa ăn. Đến lúc sáng, cô ta choàng dậy rất tự nhiên: “Họ có báo là máy bay đang bắt đầu xuống hay là tôi nằm mơ?” Cô ta nằm mơ, còn những hai ba giờ nữa gì đó mới đến, có lẽ tại mùi café sữa. Trong tàu chưa bật đèn nhưng vài người không ngủ được kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài làm ánh sáng hắt chéo vào bên trong. Tôi nhìn cô bạn đồng hành dưới cái ánh sáng phảng phất này rọi vào trong khi phần lớn thân tàu còn tối. Qua một đêm chung, cô thân mật dùng “tutoiement” với tôi mày tao.

Corinne ở Papetee được hai năm hơn, giờ đang hè như đã nói, về Pháp lục địa chơi với gia đình một tháng. Tahiti hiện ban ngày hơn 40 độ C nhưng vào mùa mưa rất ẩm. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Thái Bình Dương, dĩ nhiên là trong đầu đầy dừa xanh, cát trắng, tiếng hò thôn nữ hở ngực váy rơm và Gauguin. Ở Tahiti có ba chủng tộc - Corinne giải thích, người bản xứ, người Tàu (điều này giải thích cô chiêu đãi viên hồi nãy trước khi đổi phi hành đoàn ở San Francisco) và người da trắng, dân từ Pháp lục địa “métro”. Người Tàu đến đây di dân mấy đời để buôn bán, dân lục địa trắng làm công sở hải quân, Trung tâm Nguyên tử Thái Bình Dương để thử bom. Đời sống cái gì cũng đắt đỏ hơn đất liền “Mày có tiền nghỉ hè hãy đến”. Cách đây mười lăm năm, người bản xứ còn hiền lành, chưa có trộm cắp, hiếp dâm như gần đây. Corinne lúc bé đã từng ở với bố mẹ nhà binh đồn trú ở Tahiti nên còn nhớ. Có lẽ cô này vì con cái dân võ bị nhà nghề nên đầu óc hơi hẹp, tôi tự nghĩ. Nàng than phiền gần đây có biến động chính trị, biểu tình, đình công ở địa phương. Vào năm ngoái, tôi nhớ lại, phải rồi, cũng nhờ câu chơi chữ tìm thấy được làm tôi thích thú mãi. Năm 1968, sinh viên ở Paris chiếm đường phố, cậy đá lót đường lên làm vũ khí với khẩu hiệu vô cùng lãng mạn “Dưới gạch lót đường là bãi biển”. Năm 1988, công nhân bến tàu Papetee đánh nhau với nhân viên công lực, tôi hồi tưởng, lại bật cười “Dưới bãi biển là gạch lót đường”. Hai mươi năm, nửa vòng trái đất, thiên đàng hạ giới theo Corinne đã bắt đầu ung thối. “Dân Tahiti rất hiền và dễ thương, nàng nói, chỉ trừ khi nào họ say rượu, nghĩa là suốt cả ngày”. Nhưng mà nói đi nói lại, vẫn lý tưởng chán, Tahiti núi lửa, bãi cát đen từ thạch nham, Bora Bora atoll, bãi cát trắng từ san hô, suốt ngày bơi lội. Việc dễ kiếm, lương làm không cao tuy là có đắt. Corinne ở căn nhà một phòng ngủ có hồ tắm và tí vườn mỗi tháng trả 4000 quan ($630 US). Lương chuyên viên điện toán cho ngân hàng Indosuez $25000, một năm cũng năm tuần được nghỉ, pas de (no) problème. Nàng có cái cũng nhớ nhà “Tao mong ở bên Tây có tuyết, về nhà tắm nước nóng nằm ngâm người trong bồn và ngủ trên giường với chăn đệm bằng lông ngỗng”. Đó, đi đây thì lại nhớ kia là như thế. Hai mươi tiếng máy bay, bố mẹ từ Bordeaux (cách Paris 700 km về phía Tây Nam ở phía bờ biển Đại Tây Dương) lên đón bằng xe, lại còn phải sáu bảy tiếng để lái về “Qua đêm ở Paris cũng được nhưng tao muốn về nhà sớm, ngủ trong phòng tao”. Được một lúc Corinne lại sợ. Sợ dân Paris mặt mày khó chịu đăm chiêu khó chịu, gắt gỏng và vội vã. Nàng tạm quên đi chuyện thiếu niên bản xứ vào nhà nàng mở tủ lạnh lấy bia ra uống và ngồi sa-lông coi vidéo thản nhiên. “Năm sáu đứa mười mấy tuổi, tao hỏi ‘tụi bay làm gì đó vậy?’ chúng trả lời ngon ơ “Thì mày không thấy sao, coi T.V.” tao muốn đuổi nhẹ “Ê, OK, giờ tao về rồi tụi bây đi chỗ khác đi”, hên mà không đứa nào làm gì tao”. Cũng câu chuyện đó, giờ càng đến gần phi trường Roissy nàng lại thấy có cái hay. “Ở Pháp, tụi nó vào nhà mày là khiêng hết đi, cái gì không mang được nhiều khi còn phá nữa, ít ra ở Tahiti không có vậy”. Tôi nhún vai làm phép, phải nói cô này coi cũng được, cao lớn, xương vuông vắn, hai bàn tay đẹp. Con người phải mâu thuẫn chứ, mâu thuẫn là nhân tính. Ở xa thì nhớ, về gần lại sợ, con người thôi. Paris, Bordeaux có hay hơn Papetee, Bora Bora? Cũng đều là nước Pháp. Tạm thời, có lẽ được thêm vài năm nữa. Tình hình ở Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) dạo này sôi sục đòi độc lập. “Dân Canak có vẻ dữ dằn hơn phong trào đấu tranh ở Tahiti” Corinne nhận xét. Tôi hỏi “Ngoài ra, người da trắng ở Tahiti có kỳ thị lẫn nhau người mới người cũ như ở Tân Đảo không?” Ở Tân Đảo, dân da trắng lập nghiệp lâu đời “Caldoche” không ưa người da trắng “Zoreille” mới đến vài mươi năm sinh sống. Không, Corinne cho biết, ở Tahiti da trắng là da trắng, không phân biệt cũ mới, “papae” là “papae” thôi, người da trắng nào cũng vậy. Corinne cười. Và tất cả mọi người, bản xứ Tahiti, Tàu di dân, Tây trắng papae ai nấy đều “fiu”. Chữ “fiu” nàng giải thích đại để là trạng thái thông cảm và dễ dãi cóc cần. Fiu là phè phè, là tà tà. Fiu là “cool” như ông Phật (“O Phật, you’re so cool”, chữ của Hoàng Mai Đạt). Ở Tahiti thường thì ai cũng phải fiu thôi.

Nhưng ở Paris, hẳn là không vậy. “Tao chỉ sợ mới xuống máy bay đã gặp người giành giật ba cái xe đẩy hành lý. Ra ngoài đường, dẫm lên chân nhau mà chẳng thèm ngó lại”. Corinne nói, “Paris khó mà fiu”. Tàu đến nơi, Paris ở bên ngoài, tôi nhìn ra thấy đã tối om. Sáu giờ chiều, chúng tôi mới vừa ăn sáng xong, người còn uể oải. Tôi hơi tội nghiệp cho cô này, tuy là cô ta hơi có cái tinh thần thuộc địa trong khi nói chuyện. Phần đông ai cũng thấy, ở đâu thì cũng kiếm ra những thứ đáng chê, đến lúc gần trở về lại đâm ra tiếc. Corinne giờ này nôn nao với cái lạnh thèm muốn hay là đã bắt đầu hối tiếc cái nóng bỏ lại đằng sau cách đây hai mươi giờ máy bay? Tôi nhìn nàng trùm vào người hai lượt áo len cũng lục túi lấy khăn cổ ra choàng vào mấy vòng cẩn thận. Khăn cổ tôi không phải bằng Cashmere mà bằng Cashmore nhãn hiệu cầu chứng 100% acrylic made in Korea, mùa rồi tôi bị lạnh phải mua ở New York. Cũng ở khu Upper East Side nhưng không phải ở trong Bloomingdale’s, ở trong đường tàu điện ngầm, anh da đen bán năm đồng một cái. Tôi nhìn Corinne ái ngại, an ủi nàng một câu “Paris không fiu đâu nhưng còn đỡ hơn là New York”. Nàng lên tinh thần hẳn, gật đầu.
Ký sự đi Tây
Đi là về
Chiếc khăn vuông lụa
Cô Papae Fiu
Căn nhà ba bếp
Chuyến tàu đầu năm
Gói ca-rô đỏ
Người bạn chưa chồng
Cái quyền làm ít
Le, la baguette
Bức tượng Danton
Trạm tàu điện lẻ
Minitel Hồng
Tờ giấy mực đen
Văn minh quày quán
Con đường tối cổ
Cái show tình ái
Những biển miền Nam
Lời nói sau