Căn nhà ba bếp
Tác giả: Đỗ Khiêm
Nếu mà mang ví với New York thì thành phố nào chả dễ chịu. Tôi mang Paris ra so sánh thì cũng quá lố. Paris có lắm cái bực mình, cũng như tình nhân, ở lâu với nhau rồi có tật, nhiều khi hờ hững, nhiều khi gắt gỏng, đến ngày sinh nhật không còn tặng hoa, sáng ngủ dậy không pha giùm café sữa bưng vào tận giường nữa. Nhưng Paris đẹp, lại vừa có nết. Có lần nào, một đêm tháng năm, mưa rơi lất phất đường Monsieur le Prince mà tôi không chạy, còn dừng chân lại nửa phút để mà nghĩ ngợi xem mình có biết được chỗ nào đẹp hơn. Ba mươi giây thôi nhưng trong vòng ba mươi giây không tìm ra hình ảnh thành phố nào khác có thể đẹp hơn trong ký ức. Ba mươi giây thôi nhưng ba mươi giây, đủ đẹp rồi.
Có lẽ tại con đường Monsieur le Prince là con đường đầu tiên ở Paris tôi biết đến và đến giờ vẫn là con đường tôi rõ nhất ở trong thành phố, thuộc từng căn. Đúng hai mươi năm trước, cũng vào tháng này, lần thứ nhất trong đời tôi thấy tuyết, thứ tuyết mỏng bất thường, chưa kịp xuống đến mặt đường đã chực trở thành mưa. Tôi ngồi nhìn sau cửa kính xe, đầu tự bảo đây là kinh thành ánh sáng về đêm dưới tuyết không ra tuyết, mưa chẳng ra mưa và con đường đầu tiên tôi đặt chân xuống là đường Monsieur le Prince.
Bây giờ hai mươi năm sau, cũng vào cùng dạo trong năm đó, tôi đi Tây lần nữa. Tôi đến Paris bằng Roissy thay vì Orly. Roissy mới có từ mươi năm nay, đặt ở ngoại ô xa vẫn còn được vây quanh bởi những cánh đồng vắng vẻ. Trời sương mù nhưng không lạnh như tôi tưởng, lúc rời Los đã gió bão gần chết, đến đây cách biệt không đến nỗi to lớn lắm. Xa lộ A3 vào thành phố lại vắng vẻ làm tôi ngạc nhiên không chờ đợi đến. Thằng em đến đón càu nhàu cái Peugeot 205 mới hai năm đã làm lại máy “Trước tao bị cái tội kỳ thị, thích xe Âu châu. Giờ tao thấy bảo đảm nhất là xe Nhật, ít bị hư nhất, bằng mười xe Tây”. Thằng này có lẽ từ ngày Nhật nhảy vào thị trường sang trọng với loại Acura mới đâm ra đổi ý, dạo trước nó kỳ thị là phải, xe Nhật lúc đó còn mang tiếng rẻ tiền và tiết kiệm. Qua cái giai đoạn bền một thời gian giờ xe Nhật đua đòi cái tiếng sang chứ chẳng có gì. Cái này cũng như mê con gái đẹp tự nhiên khen ầm là nó ngoan. Cái nết đánh chết cái đẹp, thí dụ trường hợp Mercedès. Ở Mỹ người ta mang kền của Mercedès ra mà mạ vàng vì nó lịch sự, ở Âu người ta dùng loại Mercedès chạy xăng dầu cặn Diesel để làm taxi vì nó bền. Thì cũng vậy, nếu có cái Checkers vàng loại taxi New York để chạy bên này ai chả phải ngoái đầu lại, ăn đứt Mercedes 300SD đang rù rì rước khách. Còn nhiều cái ngược lại nhau nữa, sao giống được, bên này và bên kia bờ Đại Tây Dương.
Lúc bắt đầu qua nhánh A86 để về nhà, thằng em lộn exit, rời xa lộ để vào thành phố. Tự nhiên hiện ra trước mặt tôi cái gì như một di tích cổ. Sương mù ở đây không phải như trong phim kinh dị, bạn đừng tưởng tượng lâu đài Dracula vàng vọt như trong những chương trình truyền hình vào lúc hai giờ sáng với Mistress Elvira. Cái bùng binh ở lối ra xa lộ này hiền hoà hơn. Ở ngoại ô đìu hiu này người ta dựng lên ngay giữa bãi đất trống những cái cổng chằng chịt như một hí viện La Mã còn sót lại sau cơn địa chấn. Carthage, Baalbeck và gì nữa. L.A. mưa gió lúc hắn lên tàu đã giống như một cảnh của phim “Blade Runner” thì ở đây phảng phất dưới sương mù như Riddley Scott lúc còn thời kỳ “Duellists”. Nước Pháp một năm tôi đi vắng, ngoại ô miền Đông dở chứng dựng lên ở bùng binh công cộng thứ kiến trúc thành phố phường tuồng. Ở điểm này ngoại ô Paris và ngoại ô Cali giống nhau, tôi giương mắt ra tìm sau làn sương có ánh đèn Mc Donald nào chớp nháy nhưng không thấy, sương đặc quá, chỉ thấy giữa bùng binh vắng ngắt một người con gái đứng chờ xe buýt, các cổng đền giả tạo trùng điệp vây quanh. Người con gái da đen. Ở điểm này Paris và L.A. thì khác, người con gái da đen tôi chẳng thấy có gì ngần ngại (“Ê, chết mẹ, lạc vào khu đen rồi”) mà cô ta đợi xe chỉ mang trên mặt cái vẻ buồn chán chứ không có gì sợ hãi. Ở đây an toàn hơn, không có gang “Bloods” Inglewood, không có đảng Compton cầm AK hay Serial killer đường xa lộ. Ở đây trắng đen nếu không bình đẳng thì cũng bình thường hơn là ở Mỹ, ra ngoài đường cầm tay nhau được, lẫn lộn nhau mà không ai để ý. Ở Mỹ, da đen chỉ lẫn lộn với da trắng được ở trên T.V, trong những phim trinh thám và trong vai cảnh sát phụ diễn. Nói thế không hẳn là người Pháp không kỳ thị, là bên Tây bảo đảm an toàn, tối đợi xe buýt một mình ở bùng binh vắng không sợ bị giật bóp, hiếp dâm hay là lạc đạn. Nhưng mà tương đối thảnh thơi hơn, thấy người da đen hiện ra trong sương mù mà không phải giật mình.
Căn nhà tôi đến ở phía Đông thành phố. Paris không rõ do thầy địa lý nào bày ra, ở phía Đông nhà rẻ, ở phía Tây nhà mắc, ở phía Bắc nhà tù túng, ở phía Nam nhà thảnh thơi. Nước Pháp chia ra làm chín mươi chín départements, nghĩa là một thứ hạt (không kể ba hạt ngoài nước là Martinique và Guadeloupe ở mãi tận Caríb và hạt Réunion ở Ấn Độ Dương). Paris là hạt mang bí số 75, vùng Ile de France gồm ba hạt giáp ranh thủ đô là Seine St Denis (Bắc và Đông Bắc, số 93), Val de Marne (Đông Nam, số 94) Hauts de Seine (Nam và Tây Nam, số 92). Bốn hạt nữa ở vòng ngoài cũng thuộc vùng này và được coi là thuộc về ngoại ô lớn: Yvelines (Tây và Tây Bắc, số 78), Val d’Oise (Bắc, số 95), Seine et Marne (Đông và Đông Nam, số 77), Essonne (Nam, số 91). Ở hạt 93, 95 đại khái là không được khá mấy, ở hạt 92, 78 đại để được ung dung hơn. Gần thành phố thì hạt 94 là hạt nhì nhằng xôi đậu, ở xa thì hai hạt 91, 77 vừa lẫn dân cư bình dân với nhà nghỉ mát, trang trại cuối tuần của những nhà khấm khá nội thành. Xem hạt thì bắt hình dong, nhất là xem bảng số xe. Hai số cuối trên bảng xe hơi Pháp là số hạt, lâu ngày người ta quên đi cả những cái tên thơ mộng để mà gọi những địa danh này bằng bí số trống trơn. Đối với người ngoại quốc lại càng dễ, hai chữ đầu của zip code bao giờ chẳng dễ nhận hơn là những linh tinh Val de Marne (94) hay là Hauts de Seine (92). Một luật khác để đoán sang hèn là mức độ gần sông và gần rừng. Càng gần rừng thì càng tốt, chắc là mùa đông đi kiếm củi khô mang về bỏ lò sưởi cho tiện, mùa hè ra sông múc nước tắm đỡ khó khăn. Paris có hai cái rừng ở hai đầu, Bois de Boulogne ở Tây Bắc và Bois de Vincennes ở Đông Nam, như hai lá phổi mang dưỡng khí vào nuôi thành phố. Sông chạy ngang Paris chỉ có một giòng, giòng Seine có gì lạ không em mà ai cũng biết với nhánh Marne chia ra phía ngoài thành phố ở hướng Đông Nam. Sông Marne chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào phổ nhạc nên không nổi tiếng bằng đàn chị, ở bên này được biết đến nhờ trận đánh quyết liệt ngăn quân Đức bằng xe taxi vào cái thời quân vận Pháp chưa có trực thăng và Sư Đoàn 11 Không Chuyển của Lực lượng Can thiệp Tức thời chưa được thành lập.
Căn nhà tôi đến ở cái ngoại ô nhì nhằng miệt Đông này nhưng lên được một nấc vì không xa rừng mấy, lại lên thêm nấc nữa nhờ ở sát cạnh bờ sông. Những năm nước đột ngột lên cao thì hơi phiền một tí, ngồi hàng hiên có thể câu cá được mà xuống hầm đựng rượu thì rất tiện giặt giũ đồ, khỏi cần ra cầu ao. Việc sưởi là vấn đề vì ẩm ướt hơn bình thường nhưng lại được cái nhìn ra ngay bến du thuyền thì cũng đỡ, ấm lòng ngay kẻ tị nạn thuyền nhân. Thật tình mà nói, ở ngoại ô tôi không thích mấy, hàng quán quá xa xăm mà tôi không thuộc loại người thể thao để chiều về thay đồ jogging chạy bộ ra dọc bờ sông hay lấy thuyền ra bơi sải một hai một hai. Lý tưởng theo tôi thì phải ở Paris Intra - Muros, Nội vi quận tư hay quận sáu, ở từng năm nhìn ra vườn Lục Xâm hay khu Marais nhưng mà ở đời phải thực tế. Nhà ở Paris dạo này mười ngàn franc (1700 USD) một thước vuông là giá chót, nếu đi thuê phải tính cỡ 20 đôla một mét ở những chỗ trung bình. Đằng này, cũng chẳng phải nhà tôi, kỳ này tôi đến đây ở tạm độ mươi ngày. Ở dưới đây (dương thế) cái gì cũng là tạm cả, mươi ngày hay mươi năm, ngoại ô Paris hay là ngoại ô L.A.
Tôi vào đến nhà, thượt người ra. Bận đi Tây này, hay là bận trở về, tôi không thấy gì làm hứng thú tuy cảm tưởng đầu tiên của tôi cũng không có gì là xấu. Trừ người nhà ra, dân Tây từ lúc ở phi trường đến giờ tôi chưa thấy được ai, chỉ trừ cái cô đứng đợi xe buýt và những cái xe nhà băng qua băng lại xuôi ngược trong sương mù. Tôi bước ra cái hàng hiên lồng kính ở tầng ba nhìn xuống bờ sông đen ngòm không một mống. Đang ở cái Hạt Cam nhà quê, dẫn xác về đây, ờ thì có sương mù tình tứ, có đồi dốc chập chờn, nhưng mà hay ho gì thêm. Trước kia, tôi rất thích cái nhà kính này, có cây kiểng um tùm, có đèn vàng loe loét, sưởi lại rất ấm giữa mùa đông, ở trên đầu kính, ba mặt kính, tưởng với tay bắt được rặng cây ở bên kia trên hòn đảo giữa sông mang tên “Đảo chó sói” (nó kém thơ mộng hơn cái tên của hòn đảo ngay bên cạnh mang tên “Đảo tình yêu”). Người đi dưới đường có lẽ nhìn vào thấy ấm cúng, tôi đứng ở trong nhìn ra chỉ thấy tù mù lạnh lẽo. Tôi trở vào trong, T.V đài 1 đang lải nhải, tôi đứng nhìn mà không theo dõi, thường thì tôi vẫn thích T.V Tây. T.V Pháp chỉ có sáu đài mà cũng có lúc còn xem được, T.V Mỹ hai mươi đài tôi chỉ bật có PBS. Không có gì tôi chỉ ngồi lật lật, lật hết đài này sang đài khác, được hai ba vòng tôi chóng mặt đi ngủ. Nhưng mà bây giờ, T.V Tây tôi cũng không muốn xem. Trong nhà có tờ Le Monde trong ngày, ừ, Nga ở Kabul đang triệt thoái, quốc nội phe thân chính đang rắc rối gì với xì-căng-đan thị trường chứng khoán và công ty Péchiney, mặt xã hội không ổn định, gác dan nhà tù biểu tình phản đối dự án cải cách mới. Tờ Figaro Magazine cuối tuần vẫn nhạt nhẽo giấy láng như thường lệ, chẳng có gì thay đổi. Tôi ngồi lật lật báo của ông Hersant một lúc, tôi chóng mặt y như là tối ở Mỹ lật T.V Mỹ, từ Current Affair đài 4 Fox sang Eye on L.A. đài 7. Tôi đi ngủ.
Đến giữa đêm, chưa quen giờ giấc, tôi tỉnh dậy và đói bụng. Đã sang ngày mồng một Tết. Căn nhà này là loại nhà biệt lập, ba tầng và bao quanh bởi vườn riêng. Gia đình tôi có máu xây cất, ưa cải biến, mỗi tầng đều có phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, cái đó thì chẳng có gì là lạ. Nhưng mỗi tầng đều có cả bếp riêng thành ra theo đúng lệ thì phải thờ đến ba Táo. Đêm rạng mùng một tết, tôi lò mò ra cái bếp ở từng một, tủ lạnh trống trơn, nồi niêu xếp ở trong tủ ngăn nắp. Tôi lò dò lên từng nhì, thấy có bề bộn hơn, đâm ra hy vọng. Mở tủ lạnh ra, linh tinh đủ loại nước ngọt, có cả vài chai Champagne để sẵn nữa nhưng mà uống Champagne, dù là thứ thật, và vào ngày mùng một Tết, tuy là hợp lý nhưng cũng không no được. Tôi tìm ra một mớ trái cây tươi, măng cụt, chôm chôm, vải. Những thứ này tươi ở bên Mỹ không có, kể thì cũng lạ miệng, lâu rồi chưa ăn, mỗi thứ tôi làm vài trái. Bụng tôi không đồng ý, vẫn còn ấm ức, tôi mở tủ lôi ra được một hộp cua Nga. Nga nhất định không còn là thiên đường xã hội chủ nghĩa nhưng cua hộp Nga hiệu Chatka tức là snow crab Tây Bá Lợi Á thì ăn đứt cá các loại cua hộp khác. Tôi khui ra ăn một phần tư hộp, chẳng hiểu có phải tại tôi chán đời hay không nhưng cua hộp ăn với trái vải tươi nó cũng chẳng nhịp nhàng. Tôi leo lên tận từng thứ ba.
Bàn thờ để đâu thì tôi không biết nhưng trong căn bếp chót, tôi tìm ra được một cái bánh chưng. Ôi, ý nghĩa của ngày Tết. Có thế chứ, văn hoá dân tộc vẫn còn được duy trì. Tôi vừa bóc lá chuối vừa chùi tay, cái bánh chưa kịp nguội, còn nhơm nhớp gạo nếp. Cắn một miếng, bánh chưng ngọt, nhân đậu rơi vãi ra khắp nơi. Lúc bé, tôi vẫn thích bánh chưng ngọt hơn là bánh chưng mặn, có lẽ tại nhân nó người ta nhuộm đỏ, lại không có mấy cục mỡ lều phều. Đằng này, sang đến Pháp không ai buồn nhuộm ruột bánh chưng ngọt nữa, phải nếm mới biết, tại nhìn thì nó cũng chỉ vàng vàng màu đậu như là bánh chưng mặn. Tôi không chờ đợi đến, đâm ra bất bình. Đang đói đêm rạng mùng một Tết, lục những ba căn bếp mà còn bị miếng bánh chưng lừa mặn ngọt. Ngày đầu tiên của năm vào ba mươi lăm tuổi, chẳng cần thầy, chẳng cần xăm, chẳng cần chim bói, tôi biết thế nào cũng xui.