watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ba Sinh Hương Lửa-Chương 2 - tác giả Doãn Quốc Sỹ Doãn Quốc Sỹ

Doãn Quốc Sỹ

Chương 2

Tác giả: Doãn Quốc Sỹ

Tân học hết lớp ba tại trường làng, theo lên trường huyện học tiếp lớp nhì lớp nhất rồi dời quê xuôi Hà Nội học đến nửa năm thứ hai ban thành chung thì thầy ốm nặng; mẹ bỏ buôn bỏ bán thuốc thang cho thầy ngót nửa năm dòng siểng liềng gia tài mà thầy cũng không qua khỏi. Khi thầy đã nằm xuống, chị Khanh- chị Tân hai mươi nốt tuổi, về nhà chồng đã được hơn một năm, bị sẩy thai rồi cũng mất. Rõ thực phút bất trùng lai họa vô đơn chí! Tân phải bỏ học vì việc buôn bán của mẹ theo vận áo xám gặp nhiều thua lỗ và gia đình bắt đầu mang công mắc nợ. Năm đó-1939- Tân mười bảy tuổi cuộc đại chiến thứ hai cũng vừa bùng nổ.
Thôi học về quê vào đúng mùa nước lên, Tân họp với một số thiếu niên cùng làng cùng lứa tuổi ngày ngày mang vó ra sông đánh cá, chiều chiều mang đó ra đồng chọn luồng nước mà đặt đó đơm cá, hôm sau dậy thật sớm ra nhấc nó lên, bên trong đã đầy cả rô, trê trạch, nhiều khi cả lươn nữa. Đoàn thiếu niên khi đi đặt đó như vậy thường cao giọng hát bài đồng dao:
Giời mưa giời gió
Vác đó đi đơm
Về nhà ăn cơm
Trở ra mất đó.
Được cái đó của bọn nào đặt đâu vẫn nguyên đấy chưa lần nào gặp chuyện sớm hôm sau ra mất đó.
Trong đám thiếu niên cùng làng có Hoạt đồng niên với Tân. Hoạt có có vóc người lực lưỡng, mớ tóc dày, lông mày rậm, khuôn mặt vuông, nước da bánh mật. Hoạt công tác với Tân thành một cặp trong việc đánh cá. Sức lực hung hãn của Hoạt hợp với trí thông minh của Tân đã giúp cho cả hai bao giờ cũng thắng cuộc tranh đua với những cặp trẻ khác.
Thoại việc Tân về làng chỉ có nghĩa giản dị là vì nhà sa sút không đủ tiền cho Tân được ở lại Hà Nội theo học nữa và việc mấy hôm đầu Tân cùng các bạn cùng lứa tuổi đi đánh cũng chỉ có tính cách tài tử như một cậu học trò nhân vụ hè về làng, rồi vì ưu hoạt động mà nhào vào nếp sống của người làng để vừa giải trí vừa hòa đồng. Nhưng một tuần qua đi số cá kiếm được khá nhiều, ăn thừa thải còn đem bán, làm mẹ đâm suy nghĩ. Nửa tháng sau Tân thấy mình cùng Hoạt là hai đứa trẻ sinh sống về nghề đánh cá. Việc buôn bán của mẹ càng sa vào thế bí, nhất là ngày chị Khanh bị sẩy rồi mất theo thầy. Cứ quan sát vẻ nhìn của mẹ thì biết người áy náy biết chừng nào. Mấy lần mẹ có ý bảo Tân ngừng đừng đi đánh cá nữa nhưng không được, Tân đã quá thân với Hoạt.
Hai tháng qua, mùa nước hết. Làng bắt đầu làm vụ chiêm, tình thân của tuổi trẻ càng thắm thiết giữa Tân và Hoạt. Hình như Hoạt có lây của Tân được thêm chút thông minh tài tháo vát. Nhưng đôi bạn không còn được xum họp. Nhà Tân mới sa sút, nghèo mà còn ở nhà ngói, trái lại với Hoạt vốn sinh ra đã là con nhà nghèo việc học không quá cấp sơ học. Mùa nước hết, trong khi dân làng sửa soạn vụ chiêm, Hoạt theo một người bà con xuôi Hà Nội kiếm được chăn “ét” tài xế trên con đường Hà Nội Nam Định. Hoạt đi, Tân ở lại hợp tác với ông chú họ là một tay đánh cá chuyên nghiệp mà dân làng Lại Vũ vẫn quen gọi là ông Tây. Ông quả thực là… ông Tây thực, người cao, da đỏ hồng, mũi lõ, hai tròng mắt xanh, giọng nói ồ ề ngô nghê. Bà cụ thân sinh ra ông nhủ danh là Điệt đúng với câu "thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân.” Năm Giáp Thân (1884) quân Pháp từ sông Hồng vào sông Đuống rồi nhập với cánh quân thứ hai của chúng vừa đổ bộ lên Phả Lại cùng tiến đánh Bắc Ninh, quân Cờ Đen phải rút lên mạn Thái Nguyên; đúng vào cái năm ấy cô Điệt vừa mười sáu xuân xanh và đúng vào ngày giặc cờ đen rút lên Thái Nguyên thì cô bị một tên tướng Tàu hiếp trên cánh đồng làng. Bốn năm sau cô đành phải lấy lẽ thứ tư ông Đề Bách; cô vừa hai mươi tuổi, xinh tươi mơn mớn, ông Đề thì đã trên năm mươi lại mấy lần mắc bệnh phong tình không thể có con được nữa. Năm cô Điệt ba mươi tuổi, vào một buổi trưa cô đi chợ về gặp một đội binh Pháp tập trận giả tại đồng làng, một tên lần theo bờ gò đón chặn và hiếp cô trong bụi. Cô về có mang và sinh ra cậu con giai đầu lòng tóc đỏ mắt xanh; ông Đề không nhận, đuổi hai mẹ con về bên ngoại, nhưng ông cũng làm ngơ cho đứa trẻ được mang họ ông, họ Vũ. Khi ông Đề mất đi, các anh em thúc bá thương tình bà Tư- cô Điệt- lại gọi về gia nhập với đại gia đình họ Vũ, lúc đó gia thế ông Đề cũng đã sa sút đi nhiều lắm rồi. Khi Tây- không hiểu ai đã đặt tên này- tới tuổi trưởng thành thì gia cơ điền sản của ông Đề cũng khánh tận. Mẹ vừa khuất núi, Tây bứt ra ở một cái lều chính tự tay Tây dựng lên ngoài bãi ven làng và sinh sống bằng nghề đánh cá từ đấy. Ông con cả cụ Đề Bách vào ngày đó bị mật thám Tây bắt tình nghi giải tới hỏa lò Hà Nội, một tên tây lai đã hỏi cung tra tấn ông.
Khi được tha về, ông nhìn Tây sống nghèo hèn và hiền lành mà cảm mến. Ông nghĩ chỉ cần thằng lính tây xưa biết và nhận con, là Tây lập tức có một nếp sống, một địa vị của con dân mẫu quốc và biết đâu Tây chẳng vào làm trong mật thám gia nhập đoàn nhân viên hỏi cung hách dịch và tra tấn tàn ác? May thay- ông nghĩ thế- Tây đã sống nghèo hèn nhưng hiền lành theo nếp sống Việt trong lũy tre xanh.
Sau này chính ông đã đứng ra giạm hỏi và cưới xin cho Tây một cô gái nghèo trong làng, ý ông muốn hoàn toàn đồng hóa dòng máu lai trong người Tây. Hình như việc có thêm người đàn bà vào sống trong lều cũng không là một biến cố quan trọng cho lắm đối với Tây, nếp sống của Tây vẫn phẳng lặng với nghề đánh cá thức khuya dậy sớm, ngày đánh cá, tối câu đêm. Giọng nói của Tây suốt đời đành là cứ ồ ề, ngô nghê như vậy, tính tình cực kỳ hiền lành. Mãi đến năm năm sau Tây mới có đứa con giai đầu lòng đặt tên là thằng Phiệt mắt đen, tóc đen, mũi dọc dừa, nước da bánh mật- nước da của mẹ- Phiệt đã hoàn toàn hoà lẫn với giòng giống Việt. Ông con trưởng cụ Đề Bách hẳn bằng lòng lắm! vai vế trong họ, Tây vào bậc chú Tân. Năm Tân bỏ học về làng đánh cá với Hoạt rồi hợp tác với chú Tây thì thằng Phiệt đã lên sáu. Phiệt có theo học A, B, C ở trường làng, nhưng tan học là ba chân bốn cẳng nó chạy về quăng sách ở giường rồi đi tìm bố ở ngoài đồng ngay. Nó ưa lẻo đẻo theo sau bố để xách giỏ, xách mồi hoặc một vài đồ nghề khác. Khi Tân hợp tác với chú Tây, Tân mến Phiệt ngay. Phiệt ra chiều cũng nặng cảm tình với Tân mà nó gọi là “ anh Tân” với tất cả vẻ thành kính vừa đơn giản vừa thơ ngây của nó. (Tân thật có ngờ đâu rồi đây, còn lâu,… lâu lắm, Tân sẽ có dịp sát cánh với Phiệt trên con đường vào sinh ra tử). Chính vào dịp hợp tác này, Tân mới được ông chú thủ thỉ truyền cho hết bí quyết đánh cá. Giọng ồ ề đơn giản và hiền lành của ông dẫn Tân vào thế giới của cá như bà dẫn cháu vào thế giới cổ tích. Mùa cá đẻ trứng vào tháng tư; ruộng lúa khi đó chưa gặt hoặc đã gặt rồi chỉ còn chân rạ; đặc tính cá đẻ rất dạn người, chúng cắn đuôi nhau đi hàng đàn từ sông vào ruộng. Thôi thì đủ các loại cá: cá nheo, cá ngạnh, cá diếc, cá trạch (có những con lớn bằng cố tay), cá chép (có con dài tới bảy mươi phân, bề ngang một gang tay người lớn). Tháng tư vào những ngày mưa, nước sông lên, cá theo con nước cắn đuôi nhau vào ruộng đẻ, khi nước rút chúng lại trở ra sông, đó là lúc gần trọn đàn chúng đã vào rước- một thứ bẫy cá- của chú Tây. Bao giờ- theo lời chú - chúng cũng thoát đi được một số; có khi không may cho chú đúng vào lúc chúng rút ra sông, trời tiếp một cơn mưa lớn khiến chúng thoát trọn đàn. Chú Tây cho đó là trời muốn vậy, vì có thế mới năm này sang năm khác còn cá cho chú đánh. Vào những ngày không mưa chú đánh cá bằng rập, một thứ vó vuông và khá lớn có thể úp được trọn đàn sộp. Chú kể cá sộp tinh lắm, chú từng nằm trên bờ rập hành giờ (có phủ lá để ngụy trang cho cá không thấy) theo dõi đàn sộp nhởn nhơ sát bờ rập mà không chịu vào, đôi khi con đầu đàn quay mình lại cho một phần đuôi vào trước để dò xét địch tình rồi lại vùng ra lạch nhởn nhơ tựa hồ để trêu tức chơi. Cứ như vậy cho đến một phút nào đó nó chợt lao mình như một đường tên vút từ lạch vào khoảng nước rộng và sâu ngay dưới tầm rập; cả đàn sộp cũng vội ùa theo như sợ mất chủ, rập ụp xuống như máy, một vài con may thoát ra ngoài nhảy tơn trên mặt nước, quẫy tắt ra phía sông, những con bị úp dưới rập vùn vẫy một cách tuyệt vọng đục ngầu cả khoảng nước. Có những mẻ sộp lớn làm rách rập, buổi tối hôm đó chú Tây phải ngồi vá lại dưới ánh đèn dầu lạc trong lều, hoặc dưới ánh trăng. Câu cá chuối tuy dễ mà khó vì phải hiểu tâm lý cá. Cá chuối rất thương con, nó thường dắt đàn con đi vào chổ ngòi nông loi thoi ngọn cỏ, nước nữa trong nữa đục để kiếm ăn. Đàn chuối con khi đó chỉ lớn như những con đòng đòng, tung tăng bơi lội, mổ vào những ngọn cỏ, đớp những bọt nước hoặc tròng ghẹo nhau. Chuối mẹ lặn dưới đáy ngòi đâu đó, canh chừng đàn con. Chú Tây chỉ cho Tân cách quan sát biết chắc chuối mẹ ở đâu. Ngọn cỏ là là mặt nước kia không có gió mà khe khẽ lung lay, chính là chuối mẹ lờn vờn bên dưới đó. “ Cá chuối chết đuối vì con,” bây giờ chỉ việc bắt một con sin tít sống, mắc lưới câu vào ngang thân, đợi lúc đàn con bơi gần chỗ mẹ, thả lưỡi câu xuống cho con sin sít quẫy mạnh, lập tức sộp mẹ ghen con, vùng lên đốp mồi và mắc lưỡi.
Hằng năm vào tháng tám nước sông cạn, dân đánh cá chuyên nghiệp của làng Lại Vũ thường hẹn nhau tập họp ở quãng sông nông nhất rồi dăng dài thành hàng ngang, tay mỗi người cầm một chiếc nơm, có khi nơm úp được con cực lớn, cần người phụ lục lặn xuống. Bắt loại cá này hai tay giữ chặt chưa đủ, bí quyết phải lập tức bóp mắt nó, như vậy nó mới hết quẫy để hòng thoát thân. Nghệ thuật lặn xuống để bắt cá lớn này, làng Lại Vũ chưa ai qua mặt được chú Tây. Tiếng kêu hốt hoảng giữa dòng sông thường bao giờ cũng là ‘’ Bác Tây ơi, giúp tôi một tay đây! ‘’Nếu con cá lớn đó để ở nhà ăn thì mặc nhiên khúc giữa bao giờ cũng dành biếu bác Tây, tục lệ của dân chài lưới làng Lại Vũ là như vậy. Trong những câu hát của dân chài thưở đó có một câu Tân còn nhớ mãi về sau này”
Người ta câu biển câu sông
Tôi đây cây lấy con ông cháu bà.
Mộng san bằng giai cấp của họ cũng chỉ thể hiện trong lời bài hát bông đùa thế thôi, thực tình họ có đời sống riêng mà họ ưa thích còn hơn cả việc câu được ‘’con ông cháu bà.”
Hợp tác với chú Tây được ngót một tháng, bấy giờ vào cuối tháng bảy, thì mẹ kéo Tân về để giúp người trong việc buôn bán. Thế là bỏ học, Tân thực thụ lăn lưng vào cuộc đời từ năm mười bảy tuổi. Thoạt Tân đi theo mẹ để giúp đỡ người trong việc cất hàng loại xa xỉ ở Hà Nội mang về các tỉnh nhỏ bán buôn, rồi lại buôn các phẩm vật địa phương mang về Hà Nội. Sau một chuyến hàng cuối năm, về tới đầu làng, Tân giật mình hay tin chú Tây đã mất, tội nghiệp chú bị chết lạnh, chú không đủ áo ấm vào mùa đông này. Phiệt được ông bác hiếm hoi- ông con trưởng cụ đề Bách- mang về nuôi, ông không có con trai và rất ưng Phiệt sẽ thừa tự sau này mặc dầu của hương hỏa của ông cũng chẳng còn gì ngoài chiếc nhà ngói ba gian hai trái đã ọp ẹp lắm.
Sau hai năm ngược xuôi giúp mẹ, Tân đã thành thạo, chàng khuyên mẹ ở nhà để một mình chàng đảm đương công việc. Chiến tranh làm hàng ngoại hóa khan hiếm nên viêc buôn đi bán lại đó giúp Tân trả dần được công nợ cho mẹ. Dầu hỏa đã trở thành một thượng đẳng xa xỉ phẩm, khắp miền quê đã dùng thay bằng dầu lạc, nhiều nơi dùng kèm một thứ nến bằng lá tẩm nhựa thông. Tân thuê thuyền theo các đường sông máng lớn nhỏ chuyên chở hai thứ này (dầu lạc, nền-nhựa-thông) vào sâu các vùng hẻo lánh. Quân Nhật đã đặt chân lên toàn lãnh thổ Đông Dương, người Pháp đã mất nước vào tay người Đức. Tuy nhiên Toàn quyền C, vẩn còn chút quyền hành ở đây đủ để đại diện cho nền văn minh thực dân cấp bằng phát minh cho một số người ‘’bản xứ” đã sáng chế ra được thứ đèn đầu lạc với hệ thống bánh xe răng cưa nhỏ có thể khêu bấc đèn cao thấp tùy ý. Nhân việc này một nhà ái quốc tiêu cực làng Lại Vũ đã lấy một câu Kiều để mỉa mai:

Phát minh sáng chế nhà ta
Đã buồn cả rượt lại dơ cả đời.

Mà ‘’đã buồn cả ruột lại dơ cả đời” thật? Người Việt được chứng kiến những tiến bộ của Nhật trên mọi ngành kinh tế chính trị, quân sự, nghệ thuật…. Trông người Nhật hùng mạnh uy hiếp được thực dân da trắng, được xem phim thời sự Nhật để biết những hoạt động mọi ngành kỹ thuật nghệ nặng nhẹ của Nhật, được xem phim Nhật để biết tài năng diễn xuất của tài tử Nhật, người Việt thấy buồn tủi cho số phận mình. Rồi từ buồn tủi chuyển sang hờn giận vì luôn luôn được tin quân đội Nhật bắt bớ, tra tấn, đâm chém người Việt, tàn ác có phần hơn thực dân Pháp xưa. Có tin một người bán cám cho quân Nhật để chúng nấu cháo cho ngựa; người bán cám vì nghèo nên tìm cách trộn lẫn với mạt cưa mong kiếm thêm chút lợi, chẳng may ngựa Nhật bị chết, quân Nhật bèn mổ bụng ngựa nhồi người bán cám vào trong mà khâu lại trừng trị. Văn minh xứ mặt trời mọc, học trò ưu tú của Tây phương đã coi mạng người Việt không quý bằng mạng con ngựa của họ! vẫn nhà ái quốc tiêu cực làng Lại Vũ trên có ứng khẩu bốn câu tứ tuyệt như sau:

Việt tộc những mong người Á trước,
Da vàng máu đỏ hỡi ai ơi.
Cha lũ giant tham phường cướp nước,
Văn minh coi ngựa quý hơn người!

Quả có thế, một sự thất vọng chua chát không nói sao cho xiết được đối với những người Việt vì quá giàu tình cảm nhân đạo nên mới quá ngây thơ trên chính trường mà tin vào thuyết Đại Đông- Á của quân phiệt Nhật.
Tại các thành thị lớn dân chúng đã quen nghe còi báo động là chạy ra hầm trú ẩn gần nhất. các trường học ở thủ đô tản cư về vùng quê hay vào tận Sầm Sơn hoặc lên tít Tam Đảo.
Dưới hai lần xiềng xích Pháp- Nhật giờ đây người dân Việt ngây thơ nhất cũng đã hiểu trên bước đường dành tự chủ, mình chỉ có thể trông cậy vào chính mình. Và trong khi còn phải đợi thời, một số lớn bí mật tham gia các tổ chức cách mạng, số còn lại lạnh lùng nhìn bầy sói đế quốc cấu xé nhau. Riêng Tân vì đi sâu vào các miền quê để buôn bán nên vẫn giữ được tâm hồn thanh thản. Mùa cam, Tân lên tận Bố Hạ; mùa dứa, Tân lên tận các đồn điền miền Bắc Phú Thọ; mùa lê, Tân lên tận Lạng Sơn. Những hàng đó tiện đường thì chở bằng xe lửa hoặc ô tô nếu không thì bằng thuyền. Tháng sáu năm 1942 Tân về tận Phủ Sóc (Thái Bình) đong gạo chiêm chở ngược Hà Nội bán. Ba tháng sau- tháng chín- Tân lên một đồn điền ven sông Thao, thuộc Hưng Hóa cắt được năm thuyền dứa. Buổi sáng hôm đó, trước khi xuống thuyền, người quản lý đồn điền mời chàng uống một ly sữa tươi. Đó là một buổi sáng hồng nhưng mát rợi vì tiết trời đã vào giữa thu. Gió sớm từ phía sông lùa về gờn gợn. Uống xong ly sữa có ánh hồng bình minh, giữa một khung cảnh có rừng rậm, núi cao, song rộng. Tân thấy rùng mình, cõi lòng tự nhiên phơi phới. Đó là năm Tân vừa hai mươi tuổi.




II



Về Hà Nội bán hết chuyến dứa, Tân dự định đi Yên Báy rồi Lào Kay buôn một chuyến măng, nấm hương, mộc nhĩ đầu tiên. Nhờ các bạn buôn giới thiệu, Tân mang theo một số hàng xa xỉ xuống bán tại ga Thanh Ba là nơi được giá nhất. Tới nơi, hàng của Tân đã được rỡ xuống, chuyến tàu xuôi từ Lào Kay vừa về tới. Biết là chuyến tàu này còn dừng lại ở Thanh Ba ít ra là năm phút, tiện thấy toa hạng ba dừng ngay trước mặt, Tân nhảy lên đi một lượt ngắm thiên hạ cho thoải mái và đỡ cuồng cẳng. Chàng bỗng dừng lại trước hàng ghế cuối toa, tay vịn vào thành cửa: trước mặt chàng là một cô gái trạc tuổi mười sáu mười bảy, ngồi bên một bà đã đứng tuổi, Tân đoán là mẹ nàng. Người con gái có một vẻ đẹp thật quý phái, vừa tươi sáng vừa hiền hậu. Quần áo nàng mặc đồng màu lụa trắng càng làm tôn vẻ dịu dàng của đôi mắt đen thơ ngây và nước da trắng mát. Nhan sắc đó càng như được tăng lên bội phần giữa những khuôn mặt già nua khắc khổ trong toa xe giữa cảnh đồi nương chập chùng bắt đầu man rợ của miền trung du dương chuyển mình vào thượng du này. Còn Tân với bộ quần áo đương mặc lẽ cố nhiên chàng chẳng có vẻ gì là sang trọng, nhưng dáng chàng cao, thân hình chắc lẳn, tuổi trẻ ấy, sức dẻo dai ấy, thêm nước da dạn dầy sướng gió ấy tự nhiên gây được uy tín cho Tân và bộ quần áo nhàu nát chàng mặc chỉ khiến chàng có thêm vẻ đẹp phong trần của một thanh niên sớm lăn lộn với đời. Người con gái càng vàng lá ngọc kia- Tân tin rằng nàng thuộc giòng dõi quí phái- hẳn muốn được gieo mình vào đôi cánh tay cứng cáp của những người đã xông pha nhiều gió bụi. Tân hơi mỉm cười khi thấy khuôn mặt đẹp đó ngẩng nhìn chàng, e dè nhưng đầy thiện cảm và tưởng chừng nàng đã đọc được ý nghỉ thầm kín của mình. Nàng trong trắng như màu lụa bạch nàng mặc và Tân bỗng có cả tưởng như mình là một hiệp sĩ đời xưa càng xông pha nhiều mưa gió càng thêm vẻ phong lưu mã thượng.
Tiếng còi thét vang mà không làm xao động giấc mơ yêu đương Tân dệt thầm trong trí. Tiếng ống khói phụt nặng nề con tàu chuyển bánh. Khi tàu đã bắt đầu có đà Tân còn nhìn nàng một lần cuối rồi mới nhảy xuống.
“Nước da trắng mát, một nốt ruồi đen trên gò má bên trái trông quả có đẹp!”- Tân tự nhủ thầm như vậy.
Đêm hôm đó Tân trọ ở hàng cơm đối diện ga Thanh Ba, một đêm không trăng nhưng rất nhiều sao dầy đặc cả trời. Giường nhà trọ nhiều rệp, chúng bò lên lưng lên cổ Tân; chàng luôn luôn lấy tay đập rồi kẹp giết từng con giữa ngón tay cái và ngón trỏ, nhưng hết con này đến con khác, đoàn quân đói máu đổ xung phong không ngớt, lại thêm không khí oi bức làm mồ hôi đổ ra như tắm, Tân đành vùng dậy ra ngoài, ngược đường đi lên chừng năm mươi thước rồi ưỡn ngực vươn tay làm động tác hô hấp. Chàng tin rằng hít được nhiều không khí trong sạch ban đêm có thể bù vào sức lực đã mất vì không ngủ được.
Có tiếng cười nói thanh thanh của đoàn con gái tắm đêm.
Tân ngồi xuống một phiến đá ngẳng nhìn về phía sau ga những hình đen nổi của đồi núi chập chừng. Phía trước ga mờ mờ bãi cát trắng thoai thoải đưa tới dòng song Hồng dạt dào tiếng sóng.
Những người con gái tắm đêm đã đi lên, tay cầm quần áo ướt. Giọng nói thanh thanh của họ ngừng khi họ nhận ra Tân ngồi đấy.
Tân lên tiếng hỏi rất tự nhiên:
- Các cô làm ở đâu mà ra sông tắm khuya thế?
Quả nhiên lời hỏi làm họ bớt ngỡ ngàng và tiếng trả lời của họ thân mật:
- Chúng em làm ở xưởng mật kia.
Rồi họ đi thẳng.
Chỉ dưới ánh sao thôi Tân cũng nhận thấy những khuôn mặt tròn đầy đặn với màu da bánh mật của họ.
Họ vừa tắm xong- Tân nghĩ thầm- chắc da thịt thơm mát lắm, họ đã mang lên một phần rất nhỏ cái thơm mát mênh mông của con sông đêm. Họ tiến về những lò quay mía làm mật có thấp thoáng ánh đèn. Tiếng chân vội vã của họ như làm rung chuyển những mạch đất nối liền với huyết quản Tân, khiến có cảm tưởng tim chàng rung động cùng một nhịp với bước chân xa dần của họ. Rồi ánh đèn những lò mía cũng tắt nốt. Quanh Tân chỉ còn tiếng thì thầm của hoa lá vạn vật, tiếng con sông va lầm phải vờ và tiếng những vì sao im lặng trao đổi những ý kiến bằng ánh sáng trên cao.
Vẫn ngồi nguyên trên phiếm đá vệ đường, Tân co chân và tì cằm lên đầu gối. Và trong trạng thái nửa ngủ chàng thả hồn quyện lấy hình ảnh người con gái có nước da trắng mát với điểm nốt ruồi đen trên gò má bên trái. Tân tưởng tượng thấy nàng lên theo đường hẻm xuống bãi cát thoai thoải, nàng cởi để quần áo trên bờ, khỏa thân xuống gặp dòng sông. Nước sông có ướp muôn thứ hoa rừng, mùi thơm tuy hoang dại ngây ngô nhưng cũng biết quấn lấy thân hình có nước da trắng mát kia, lưu luyến mãi trên đó, rồi thấm vào mạch máu hồng. Tân tưởng tượng thấy mình cũng lẻn theo xuống, cầm gọn quần áo của nàng- thứ quần áo bằng lụa bạch- trong hai bàn tay, quần áo vừa trút xuống còn ấm hơi da thịt người đẹp…
Hôm sau bán hết hàng ở Thanh Ba, Tân mang tiền ngược Yên Bái rồi tạm ngừng lại ở ga Phố Lu. Chàng trọ ở nhà một bà có máu đồng bóng, rất nhân đức nhưng nói quá nhiều. Con gái bà khuôn mặt thật xinh, nhưng bị sốt rét rừng kinh niên, có báng.
Ngày Tân ra chợ đón mua măng, mua mộc nhĩ; tối chàng đến sòng tài sửu xem tuồng và nghe tiếng “hối a… hối a…” của các cô sẩm trước khi mở bạc. Chàng khoác vai một cô bé giang hồ kém chàng chừng một hai tuổi dáng người nhỏ nhắn. Có khi hai đứa cùng đi trên đường, ‘‘rầy” hai tay dang ra cố giữ thăng bằng được một quãng dài, như trò xiếc đi trên giây, cho tới lúc mệt cùng đứng lại nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Sự giao thiệp của Tân với cô gái giang hồ thoạt chỉ có thế.
Hôm cuối cùng, sau bữa cơm trưa Tân không nghĩ, người con gái giang hồ đến tìm chàng rồi cả hai đi về phía có đường sắt. Nhìn xuôi về Hà Nội, Tân nghĩ đến cô gái quí phái bận đồ lụa bạch ở ga Thanh Ba. Nhìn lên mạn ngược, chỗ con đường khuất nẻo chui vào rừng nứa, chàng liên tưởng đến nỗi niềm cần cù, cô độc và hiu quạnh trọn vẹn. Chợt có tiếng còi từ sau dãy núi đá vọng lại, rồi con tàu xuất hiện, men theo bờ sông tiến tới. Tân ôm người con gái giang hồ nép dưới gốc chuối rừng. Chàng ngẩng lên nhìn. Những khuôn mặt hành khách thoáng hiện trên từng toa tàu. Lẽ cố nhiên không có khuôn mặt mà chàng tương tư.
Tàu dừng lại ở ga này một chút, kế đó là tiếng còi thét lên nhắc nhở tiếng còi ở ga Thanh Ba. Tân nhớ lại cái nhìn của chàng gửi về phía người con gái quí phái một lần cuối cùng trước khi nhảy xuống.
Sau ba ngày, số măng, mộc nhỉ mua đã đủ Tân cho đóng bì để đợi chuyến tàu gởi trước về Hà Nội, còn chàng tiếp tục đi Lào Kay mua nấm hương. Buổi chiều khi việc đóng hành và gửi hàng đã xong, Tân thơ thẩn theo con đường đá nhỏ dẫn về một châu lỵ heo hút nào đó. Chàng đứng tựa vào một gốc cổ thụ lớn, gần chiếc cầu nhỏ bên trên lát những tấm tôn dầy. Một đồng bào thiểu số người Tây mặc áo chàm bạc màu dắt về một con ngựa thồ bé nhỏ trên mình chất đầy giỏ không (những lâm sản đã bán hết!) Ngựa cũng như người nhẫn nại bước trên đường hẻm, những hòn sỏi vô tri lăn theo bước chân của họ. Khi ngựa đi vào cầu, móng nó đập vào tấm tôn, tiếng tôn vang lên tuy rộn ràng mà buồn nản. Rừng núi chìm dần vào bóng chiều cho thêm phần bí hiểm. Sao bắt đầu mọc vô tư trên đỉnh trời. Lòng Tân như muốn vút lên để trùm tỏa lấy bóng con tàu xuôi hôm nào có mang người đẹp về Hà Nội.
Tiêng vó ngựa đập trên cầu tôn… tiếng sỏi lăn rào rạo xuống vệ đường còn vang vang trong hồn Tân. Con ngựa thồ bé nhỏ thường bị chất nặng đồ trên lưng (từng mảng da trầy thịt rớm máu tố cáo điều đó). “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”- kiếp ngựa đó phải là ngựa thồ!
Khoảng lau già gần chỗ Tân đứng xào xạc dạt theo chiều gió thổi, Tân lơ đãng nhìn ra xa một chút, quanh chàng cây rừng như cố vươn lên tìm ánh sáng, thân cây nào cũng phủ đầy tầm gửi, cành cao gầy guộc nhưng những nhánh lá đầu cành rất mềm và rủ xuống như liễu khẽ đu đưa với gió chiều, thỉnh thoảng một chiếc lá úa bứt khỏi rụng chao chát. Có cành cao thật cao nở bong hoa đỏ, màu đỏ ngơ ngác. Không thấy bóng con chim nào, một con chuồn chuồn bay rập rình khi xa khi gần luôn luôn vô cớ đổi chiều.
Màn sương biêng biếc đã từ rừng núi tỏa ra lạnh buốc, thêm nhiều chấm sao lốm đốm trên nền trời đương ngả dần sang màu tím xẫm. Tân cúi đầu theo đường về thẫn thờ.
Tối hôm đó về khuya, Tân theo cô bé giang hồ vào phòng. Đó là lần đầu tiên Tân tới nhà đếm. Khi người con gái khỏa thân đến nằm bên chàng, Tân rùng mình nghe có tiếng nước sối mạnh bên ngoài, tiếng nước gợi lại hình ảnh tưởng tượng con sông đêm ở ga Thanh ba biết quấn lấy thân hình ngà ngọc của cô gái đẹp mát như lụa.




III



Suốt hai bên dọc đường xe hỏa Yên Bái Lào Kay thuần là rừng nứa và rừng chối, thứ chuối rừng có những bong hoa đỏ tươi như hoa se. Thỉnh thoảng con tàu băng qua chiếc cầu nhỏ bên dưới là dòng cuối vô danh đục ngầu đổ ra con sông xa. Tân tới Lào Kay khoảng tám giờ rưỡi tối. Trời mưa lớn, ánh đèn vàng khè và thưa thớt của Lào Kay càng trở nên hiu hắt. Lúc đó trời tạnh mưa, có lẽ đã tới mười giờ hơn, Tân dời khỏi nhà trọ đi trên con đường ướt bóng, vừa đi vừa cúi mặt xuống như muốn soi trên đó để tìm một khuôn mặt không phải gương mặt của chàng mà là của người con gái ga Thanh Ba.
Có ánh đèn khá tưng bừng bên con đường làm Lào Kay nổi tiếng với câu ca dao ( nếu có thể gọi được đó là ca dao):

Đi thời nhớ vợ cùng con,
Về thời nhớ bát cháo ngon trên đường.

Tân rẽ vào tiệm, lách tìm một chỗ ngồi giữa đám đông, phần lớn là những công chức bất đắt chí: người đương sì sụp húp cháo với một vẻ ngạo nghễ thây kệ việc đời, kẻ đã say lè nhè gọi thêm thức nhắm, yêu cầu nhiều thứ này ít thứ nọ.
Ra khỏi tiệm cháo, Tân về phòng trọ. Nhưng chàng không ngủ được, chẳng hiểu vì ý nghĩ luôn luôn bị ám ảnh bởi ‘‘người đẹp ga Thanh Ba” hay vì ngọn nguồn con song Hồng Hà nơi đây ào ào đổ thác lớn? Mười một giờ khuya chàng vùng dậy thơ thẩn dọc theo đường phố chính. Người đi thưa thớt, thường là từ sòng bạc ra về, hoặc từ nhà tới sòng bạc. Vô tình chàng tiến tới đầu cầu sang Cốc Lếu. Ánh đèn bên đó trông còn vàng khè hơn, ngái ngủ hơ bên Lào Kay.
Tân tặc lưỡi tiến vào cầu, tới quãng đường giữa chàng nhận thấy người lính gác đứng nép vào thanh sắt, chiếc áo choàng bị thổi rạt sang một bên vì luồng gió mạnh lạnh đẫm hơi đêm. Phố Cốc Lếu im lìm trong giấc ngủ hèn mọn, những căn nhà thấp và hẹp, cửa đóng kín mít. Tân tự hỏi thầm: ngộ người đẹp ga thanh Ba phải theo cha tới nhậm chức ở chốn này? Sắc nước hương trời đó mà bị chôn vùi nơi rừng thiêng nước độc này thực là cả một mối tiếc hận lớn cho trời và cho người. Ý nghĩ vẩn vơ đó còn ám ảnh Tân tới khi chàng trở sang đầu cầu bên kia rồi quay lại nhìn:
Ai mang tôi đến chốn này,
Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Kay.

Có lẽ đến hai giờ khuya Tân mới chợp ngủ, sáng sớm chàng bừng tỉnh dậy vì có tiếng xích loảng xoảng. Nghền cổ ngó qua cửa, Tân thấy một đoàn tù chừng hơn mười hai người, chân đeo xích, xếp thành hàng một, có ba người lính đeo tiểu liên đi kèm ở ba quãng: đầu giữa và cuối; cả người tù lẫn người coi tù đều như cảm chung một niềm tủi hổ. Tiếng xích vẩn loảng xoảng va đều xuống đường. Tân nhình theo, đôi mắt xa xôi, tự đặt mình là một trong số đó và hình ảnh đôi mắt người đẹp nhìn lại chàng khi đoàn tầu bắt đầu chuyển bánh rời ga Thanh Ba xuôi Hà Nội… Câu chuyện tình bỗng dưng nhuộm màu bi đát, Tân nằm xuống, lòng như thổn thức.
Trở về trung châu! Phải trở về trung châu! Tân vô cớ quyết định- rồi chàng ra ga lấy vé.



IV



Giời vừa chớm thu, gió mai xào xạc, nắng vàng hiu quạnh. Mùa thu đến thật đúng lúc để kịp khắc sâu những rung động của Tân về hình ảnh người đẹp ga Thanh Ba.
Chính những bất ngờ đó- thưa các bạn- sẽ làm nên định mệnh, cũng như bất ngờ Kim Trọng về Liêu Dương, bất ngờ tên bán tơ xưng xuất làm nên định nàng Kiều khổ, nhưng chính cái đau khổ làm nàng đẹp và chính vì nàng Kiều đẹp trong đau khổ nên đã làm đẹp lây bao nhiêu người đọc truyện nàng về sau. Có phải vì thế, Tân tự nhiên cũng thấy mình đẹp lên trong nỗi đau khổ này? Đau khổ thật chứ, tự nhiên gặp nhau rồi trong thoáng qua mỗi người một nghã, biết đâu mà tìm? Mà có gặp nhau đi nữa, thì một thiếu nữ quý phái như vậy làm sao chịu trao duyên với chàng trai nghèo sớm bỏ học đi buôn như Tân.
Tân ôn lại một trong những bài thơ chàng thích, bài “ Tình quê” của Hàn Mạc Tử, những vần thơ đó cũng đến bất ngờ để thêu dệt thêm đường nét não nùng cho mối tình. Cùng với tiếng chàng ngâm khẽ gió chợt lồng lộng quyện lấy lời thơ khiến ý thơ càng man mác chơi vơi.
Người con gái ngồi trên toa xe ở ga Thanh Ba chẳng thể hiểu được lòng chàng trai hai mươi kia muốn như thời gian rót đầy không gian để một phần hồn mình được gặp khoảng không gian nào đó có bóng người yêu:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Máy chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên dừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói,
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi tới trăng thề?
Như có tiếng nhủ trong lòng: Tân muốn làm kẻ lữ hành cô độc trọn đời lang thang đi tìm người yêu mà vẫn thầm mong đừng bao giờ gặp:
Dù ai không ngóng đợi
Dù ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn sau lũy tre
Dù ai bên bờ liễu
Dù ai dưới cánh lê
Với ngày xanh hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề.
Cảnh nhà thanh bạch, việc học bỏ dỡ dang, mộng đời hầu như chưa thành hình đã lở dở, Tân với tất cả năng lực phồn thịnh của trí tưởng tượng trong tuổi hai mươi như tập trung lại mà kết tỉnh với giấc mộng vàng, đồng hóa với hình ảnh trong trắng của người con gái. Rồi như do một sức khích động thầm kín nhưng mãnh liệt Tân vùng vẫy chống lại hoàn cảnh, chàng lập tức cố sức thu xếp cuộc đời để bắt đầu nối lại việc học. Vẫn đi buôn, chàng không đi những chuyến lâu hàng tuần nữa mà chỉ đi vài ba ngày là cùng. Chàng thoạt mượn sách của bạn, rồi mua thêm sách ngoài, sau cùng, xin theo một lớp riêng học gấp học nhảy bực:- Không Tân không hề hy vọng thế. Tự lượng hoàn cảnh mình đã không thể cùng nàng kết tóc xe tơ thì một lần gặp là một lần hun đốt tam can. Không bao giờ gặp nữa, hình ảnh đẹp đó sẽ biến thành một giấc mơ; người ta có thể thổn thức trong một giấc mơ nhưng cõi lòng bớt bị nhói buốt. Tân chỉ thấy rằng cần tiếp tục học để vươn khỏi sự tranh tối tranh sáng của tri thức, nó làm cho chàng bực bội nhiều khi đến nghẹt thở.
Vừa một năm qua, ngày Tân đỗ thành chung cũng là ngày gia đình chàng hoàn toàn thoát khỏi cơn bần bách. Mẹ đã thu xếp được một cửa hàng ở phố chính tỉnh Bắc Ninh. Từ đấy Tân chuyên cần về việc học. Năm sau- 1945- năm có cuộc cách mạng tháng tám, chàng đỗ tú tài phần thứ nhất một cách tương đối nhẹ nhàng nhờ tình trạng chiến tranh các thí sinh được miễn thi vấn đáp.
Đã biết bao đêm hè trong sáng, gió nồm hây hẩy. Tân nhìn lên mặt trăng, có ôn lại hình ảnh người con gái trên toa xe ở ga Thanh Ba.
Đã bao nhiêu đêm thu trăng lạnh rờn rợn không gian, Tân thấy lòng mình trống trải mênh mang hồn như muốn mở rộng để chụp lấy hình ảnh người đẹp.
Đã có biết bao đêm đông, nghe tiếng mưa rơi gió lộng, hồn Tân tơi bời thiếp đi trong giấc mộng chung chăn với nàng.



V



Năm 1946. Tân đỗ xong tú tài phần hai rồi về Bắc Ninh thăm mẹ. Nhìn cửa hàng của mẹ khuếch trương đã khá lơn, xét đến nền học vấn của mình thoát cấp trung học, kể từ đấy mỗi khi nghĩ đến bóng lụa bạch năm nào Tân đã tự giải phóng khỏi mọi tự ti mặc cảm.
Chịu ảnh hưởng nếp tình cảm lãng mạng một thời vong quốc, Tân trìu mến lấy mối tình kỳ dị. Càng biết là không bao giờ còn gặp lại người đẹp nữa, hình ảnh giai nhân càng như loãng ra hòa vào máu để rồi vĩnh viễn luân lưu trong tâm tưởng cho đến ngày chàng lìa bỏ cuộc đời.
Nghỉ hè năm đó chàng cũng chỉ về Bắc Ninh với mẹ có một tuần rồi lại xuôi Hà Nội ngay để tiếp tục học đàn như năm ngoái.
Nguyên do năm ngoái sau khi đỗ tú tài phần một, Tân có theo một người bạn đồng khoa mua một chiếc vĩ cầm rồi theo học một danh sư người Nga lưu vong ở đường Gia Long gần khu hồ Thuyền Quang. Tâm trạng Tân khi đó y hệt tâm trạng một anh đánh bạc gặp vận đỏ đã vơ khá nhiều còn đánh thêm mấy tiếng lớn nữa cho càng nặng túi. Ừ, đã đỗ nữa tú tài lại học đàn nữa, mà học violin, thứ đàn khó nhất, hay nhất, tài hoa nhất! vì vậy nghỉ hè năm nay cũng như nghĩ hè năm ngoái Tân chỉ về thăm mẹ có một tuần rồi sao đó xuôi Hà Nội với tất cả vẻ vội vã của một nghệ sĩ hăm hở theo đuổi nghệ thuật đến cùng. Sự thực với tất cả các bạn, Tân đã tuyên bố thành thật là chỉ học cho biết qua” ngôn ngữ” thứ đàn ấy để có thể thưởng thức đứng đắn âm nhạc cổ điển Tây phương. Khi cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Tân để đàn ở nhà, theo một số bạn thanh niên tình nguyện theo lớp huấn luyện cán bộ tăng gia sản xuất. Thanh niên các nơi đến họp từng đợt chừng bốn năm chục người tại một trụ sở tạm thời đặt ở một làng thuộc huyện Từ Sơn; sau đó họ đi chuyển tàu đêm ngược Phú Thọ để tới một đồn điền hẻo lánh kia, nơi được chọn làm đại điểm huấn luyện.
Chuyến tàu chở đoàn Tân tới ga Thanh Ba vào mười hai giờ khuya. Tân thò đầu ra ngoài khung cửa sổ ngẩng nhìn, đếm đó không trăng không sao, cả cũ trụ như chìm trong một nỗi niềm bí ẩn. Tàu chuyển bánh, gió phá vào mặt Tân trong khi chàng hơi mỉm cười, bang khuân ôn lại những hình ảnh cũ, hình ảnh người đẹp năm xưa, ngồi trong toa xe… hình ảnh con đường xuống sông thoai thoải cát trắng…hình ảnh những người con gái tắm đêm, hơi mát tự da thịt tỏa thắm vào hương đêm theo gió. Tân có cảm tưởng trên bước đường phiêu lưu kháng chiến, chàng sẽ gặp lại người xưa ở một khoảng rừng núi thâm u nào. Tới lúc đó, Tân mới nhận ra một điều là chàng không còn nhớ khuôn mặt người đẹp gặp ở Thanh Ba nữa. Sáu năm qua rồi còn gì… Giờ đây chàng chỉ còn nhờ cảm giác êm đềm mát rượi của màu quần áo lụa bạch phản ánh lên khuôn mặt nước da trắng mát có chấm nốt ruồi đen trên gò má bên trái. Tân tưởng nếu mình là nghệ sĩ, chàng sẽ xuống ven song lấy cát ẩm nặng một pho tượng có khuôn mặt đẹp; rồi khi đổ sáp lên chàng chỉ việc điểm thêm một chấm đen trên gò má bên trái, thế là bức tượng đã có thể tượng trưng cho mối tình thoáng qua nhưng lâu bền của chàng đối với bóng đẹp gặp thưở hai mươi. Tân nhớ mang máng một câu bằng tiếng Pháp:
Le plus beau refrain de la vie
C’est celui qu’on chante à vingt ans
(Điệp khúc đẹp nhất của cuộc đời
Là điệp khúc hát vào tuổi hai mươi).
Anh em trong toa xôn xao thức giấc vì sắp tới ga xuống. Mọi người đồng ca một bản hành khúc để thực tỉnh ngủ. Bản hành khúc đồng ca vừa dứt thì tiếng một anh bạn”
- Liệt đâu, cho nghe bài “Nguyễn Thái Học” mày!
- Đếch vào!- Liệt đáp gọn rồi giơ tay lên xoa cái đầu trọc lốc của mình nhìn Tân ngồi ngay bên, cười, cặp môi dầy của anh tòe rãn ra trong nửa hồn nhiên nửa thô bỉ. Tân cũng mỉm cười "đáp lễ” anh và nói:
- Anh cho nghe bài đó đi!
Liệt mới đến trụ sở tạm thời (ở Từ Sơn) sáng nay, anh đến cùng với anh bạn hoc thân tên là Khuê ( người vừa yêu cầu anh hát bản Nguyễn Thái Học). Thoạt trông thấy Liệt anh em ai cũng mĩm cười: đầu trọc tếu một cách khôi hài, khuôn mặt dài rất nhiều trứng cá, nước da mai mái hơi ngà sang vàng khè của những người bị sốt rét niên, đôi mắt khá sắc luôn luôn đưa đẩy để làm duyên cho nụ cười xòe nở trên cặp môi dầy. Mỗi khi nói với Khuê, những danh từ Liệt dùng nghe thật…mất dạy, nhưng khi nói với bất cứ anh em nào khác thì giọng nói cũng như tiếng dùng của anh lại rất lễ độ tuy vẫn còn đượm vẻ hề, thành thử Tân vẫn chưa hiểu Liệt thuộc thành phần nào của xã hội; dầu sao căn cứ vào cách cư xử trong một ngày vừa qua, toàn thể an hem có thể tin Liệt là một thanh niên dễ dãi có thể giào du được. Liệt chưa chánh thức hát cho anh em nghe bài nào, nhưng qua một vài câu anh hát đón theo giọng của vài anh em khác thì chắc chắn giọng anh phải hay lắm…
Khuê lại cất tiếng giục:
- Ê, Liệt hát đi mày!
Tân ngồi bên cũng giục thêm một câu;
- Anh cho chúng tôi nghe một bài đi, mười phút nữa đã xuống ga rồi.
Liệt ý chừng nể lời Tân hơn bèn đứng dậy dặng hắng. Anh em yên lặng chờ nghe.
“Nguyễn Thái Học” là một bài ca buồn thảm do một nhạc sĩ vô danh sáng tác, lời ca như thể một bài ai điếu của một đồng chí nào đó đã thoát chết từ vụ 1930 còn sống sót đến ngày nay, rồi nhân dịp nước nhà vừa dành lại chủ quyền, tưởng nhớ lại người bạn liệt sĩ cũ và cất lời than khóc. Giọng Liệt rất trầm, ấm dịu nên đã gợi được hết tình ý buồn thảm của lời ca, hơn nữa Liệt hát với tất cả sự say mê của một nghệ sĩ phụng sự nghệ thuật, vẻ hề của anh biến hẳn không để lại một vết tích nhỏ, dưới ánh điện yếu ớt của toa tàu khuôn mặt Liệt lúc biễu diễn bài ca càng thêm vàng vọt và như hơi co dúm lại trong một niềm thống khổ trang nghiêm.
Lời ca dứt, tiếng vỗ tay tán thưởng nhiệt tình, Liệt đưa tay lên xoa đầu trọc nhìn Tân mỉm cười, đôi môi đầy tòe dãn lập tức anh trở lại vẻ hề quen thuộc hầu như thường xuyên của anh.
Tầu từ từ dừng lại… Đã tới ga Ấm Thượng. Đoàn thanh niên xuống toa rồi theo ánh đuốc ra khỏi ga, rẽ vào một đường mòn, qua một chiếc cầu treo nhỏ đu đưa như võng, vòng vèo quanh những sườn đồi, bì bõm lội qua những con suối nhỏ… Có lẽ tới một giờ sau mới tới cứ sở. Nơi ăn chốn nằm đã được những toán tới trước thu xếp sẵn, mọi người chỉ còn việc mắc màn rồi nằm lăn quay ra ngủ mê mệt.
Có người con gái khuôn mặt trắng mát tiến đến với Tân. Không rõ ràng cười trước hay Tân cười trước. Gặp nhau sao mà buồn! Nàng nói: “ Em mười bẩy, em chỉ sống đến năm hai mươi.” Tân cũng biểu đồng tình:-“ Em nói đúng! Một người con gái đẹp chẳng nên sống quá tuổi đó, em cho anh xin khoảng thời gian ngắn còn lại của em/!”
Tân sực tỉnh, xung quanh là bóng tối đen đặc và lạnh buốt: chàng vừa chợp ngủ! Bên cạnh có tiếng ngáy, xa hơn, phía cuối phòng có tiếng cựa mình. Tân kéo tấm mền phủ kín tai cho ấm những mong nối kịp giấc mơ. Nhưng- Tân biết trước là không bao giờ, không bao giờ nữa, chàng có thể tìm lại được giấc mơ đẹp và mong manh như nắng chiều đó.






VI



Gió rít từng hồi tự trên đỉnh đồi cao lùa xuống các thung lũng nhỏ, khiến những chiếc lá vàng đua nhau rụng và những chiếc lá khô dưới đất tựa hồ những hồn ma bị dựng dậy đuổi nhau tít tít quanh các gốc cây. Tiếng gió và tiếng khô càng thêm bí ẩn khi bóng chiều đã hoàn toàn phũ kín miền đồi núi khu đồn điền Lợi Ký này.
Đồn điền Lợi Ký gồm hàng ngàn mẫu đồi chè, không kể những nương sắn cùng những khoảng thung lũng khá rộng có ruộng lúa. Tân thuộc toán cuối cùng tới đây. Sau ba ngày tận lực làm việc để thu xếp nơi ăn chốn nằm cho có quy củ, hơn hai trăm nam nữ thanh niên có mặt lúc đó vừa hay tin chương trình huấn luyện bắt đầu từ hôm sau.
Về tổ chức nội bộ, ban giám đốc chia họ thành từng trung đội, mỗi trung đội trên dưới ba mươi người, thay phiên nhau phục dịch bếp nước.
Thời khóa biểu được ấn định như sau: sáu giờ sáng có hồi kèn đánh thức, từng toán, tùy nơi mình ở, đưa nhau đến khúc suối gần nhất- khoảng từ một đến hai trăm thước xa- đánh răng rửa mặt. Sáu giờ rưỡi tập họp tại sân chính, chào cờ, nhận huấn thị của ban giám đốc. Bảy giờ ăn sáng- sắn luộc là món ăn duy nhất rồi sau đó hoặc công tác kiếm củi hoặc vào lớp học lý thuyết, hoặc lên đồi vỡ nương tăng gia thực hành.
Tuy mới đến đây được ba ngày, Tân cũng như các anh em khác đã biết qua lý lịch đồn điển Lợi Ký. Đồn điền này cha truyền con nối đã được ba đời. Thoạt là cụ đề Kình vì "có công” đi dẹp cuộc khởi nghĩa Yên Thế nên được chính phủ Pháp cho phép khai phá vùng này lập đồn điền, số ruộng khai phá hằng năm sản xuất đủ thóc cho hành huyện chính là công cụ đề Kình, đời thứ nhất.
Đời thứ hai: ông phán Nghị. Ông Nghị sinh trưởng tại Hà Nội theo học đủ bốn năm bậc thành cung ở trường Bưởi. Đỗ xong, ông được vào một chân thư ký tòa Sứ. Họ hàng bè bạn gọi ông là ông phán từ đấy. Ông bà phán Nghị vẫn có một cửa hàng hiệu bán vải rất sầm uất ở phố hàng cải thâm. Khoảng năm 1943, ông bà tậu thêm một dinh cơ khá lớn ở làng Định Quyết và nhập tịch làng đó, cách Hà Nội chừng năm cây số về phía đường xe điện Kim Liên. Vào dịp nghỉ lễ, nghỉ tết Nguyên Đán, nghĩ hè ông bà cùng các con về làng hưởng gió đồng. Tuy đi làm nhưng ông vẫn gián tiếp điều khiển công việc tại đồn điền. Cho đến 1945, sau cuộc đảo chính Nhật, ông xin thôi, lên ở hẳn chốn hẻo lánh này trực tiếp khuếch trương đồn điền. Các đồi chè đã xah lá, ông cho xây cất xưởng làm chè các chợ miền xuôi bán. Ngoài ra ông còn cho giống thử hai mẫu cam quanh nhà, lấy giống tận Bồ Hạ( Bắc Giang). Ông và bà thay phiên nhau đi đi về về, lẽ cố nhiên vào những ngày giỗ và tết nhất, cả hai ông bà đều có mặt ở làng Định Quyết.
Hãng, đứa con trai đầu lòng, được ông cho sang Pháp học từ năm mười lăm, năm mười chín Hãng đỗ xong tú tài. Thời nay Âu Châu chinh chiến, hai năm qua đi Hãng không đỗ thêm một chứng chỉ đại học nào, nhận thấy đại chiến đã sang thời tàn cục, tầu bè đi lại bớt nguy hiểm ông Phán bèn gọi Hãng về nuớc và sang hẳn tên đồn điền cho Hãng, đời thứ ba. Đó là vào năm 1944.
Nhưng Hãng chẳng phải làm gì cả! Biết tâm lý con mới ở Pháp về không thể ở chốn đèo heo hút gió, ông xếp nhiệm vụ cho Hãng tại ngay Hà Nội, vừa trông nom lũ em ăn học, vừa đợi từng chuyến trà về điều khiển việc phân phát tới các mối hàng rồi thu tiềng. Hãng còn ghi tên học Luật, cuối năm đó anh thi đỗ đầu chứng chỉ năm đầu. Nói là Hãng có nhiệm vụ trong nom lũ em ăn học kỳ thực chính Vân- cô em gái lớn của Hãng- đảm đang việc đó, trong khi bà Phán đi đi lại lại như thoi để liên lạc giữa đồn điền với Hà Nội. Ở hoàn cảnh như vậy, Hãng đã khét tiếng là một sinh viên Luật học phá gia chi tử tưởng không lấy làm lạ, tuy nhiên khoảng mấy năm liền này tiền của vào nhà ông Phan như nước nên Hãng tha hồ vung tay ném tiền qua cửa sổ cũng chẳng thấm thía vào đâu.
Năm Hãng về nước- 1944- Vân vừa mười tám tuổi kém anh năm tuổi và đang theo học năm thứ ba ban trung học Pháp tại trường nữ Félix Faure. Vì học trường đầm nhiều năm nên Vân không bỡ ngỡ trước những cử chỉ đôi khi quá phóng khoáng của anh, nhất là đối với phái đẹp.
Vân có cô bạn chí thân tên là Quỳnh Hương nhà nghèo, gia cảnh gặp nhiều ngang trái phải bỏ học từ năm trước. Vân thương Quỳnh lắm, chính Hãng cũng thông cảm tình cảnh của Quỳnh Hương coi như em gái và tận tình giúp đỡ nàng một cách trong sạch hoàn toàn, không vụ lợi. ( Sau đây chúng ta còn dịp gặp lại Quỳnh Hương).
Dưới Vân là Thi, em gái thứ hai của Hãng, năm đó mười bốn tuổi. Thi theo học ở trường Đồng Khánh, năm thứ nhất ban Thành chung.
Mới năm trước Vân thương Quỳnh Hương phải bỏ học, sang năm sau Vân không ngờ chính nàng cũn rơi vào hoàn cảnh bắt buộc bỏ học. Bà Phán lên đồn điền để lại cửa hàng vải cho nàng, rồi phi cơ Đồng minh hoạt động dữ, Hà Nội báo động đêm báo động ngày, các trường tư di chuyển ra ngoại ô hay vào Hà Đông, các trường công đi xa hẳn, trường Albert Sarraut vào tân Sầm Sơn (Thanh Hóa), trường Félix Faure lên Tam Đảo và trường Đồng Khánh xuống Hưng Yên. Thi theo trường đi đi Hưng Yên, ghi tên vào ký túc xá. Thế là Vân đành phải bỏ học ở lại Hà Nội để tiếp tục trông nom cửa hàng vải cho mẹ đồng thời giúp anh cáng đáng mọi công việc quen thuộc: phân phát từng chuyến trà tới các mối hàng rồi thu tiền.
Bà Phán có người em gái góa chồng buôn bán ở Hải Phòng. Không may bà em này chết trong một chuyến oanh tạc của phi cơ Đồng minh để lại ba đứa con giai: Cung, mười hai tuổi vừa đỗ xong bằng cơ thủy nhưng thi vào trường Bưởi trượt phải học tư; tiên mười tuổi, Cận tám tuổi đều còn ở bực tiểu học. Bà Phàn mang cả ba cháu về nuôi coi như chính con đẻ của mình.
Khi cuộc kháng Pháp sắp bùn nổ, ông bà Phán thu xếp cho cả ba con Hãng, Vân, Thi và lũ cháu Cung, Tiến, Cận lên đồn điền; định cư tại làng Định Quyết ông bà nhờ người hàng xóm trông nom giúp. Hãng buộc lòng phải về đồn điền nhưng ở đây anh cũng chẳng làm gì mấy ngoài việc thỉnh thoảng tổ chức buổi đi săn đêm tiêu khiển. Rồi kháng chiến toàn quốc… rồi toán thanh niên đầu tiên tới… Hãng càng năng tổ chức đi săn đêm. Mới mười ngày qua mà đã ba lần anh em được ăn thịt thú săn của Hãng: lần thứ nhất mấy con chồn; lần thứ hai con lợn rừng; lần thứ ba con hươu.
Uỷ ban trung ương tản cư di cư chọn đồn điền Lợi Ký làm địa điểm huấn luyện không phải là không có lý do. Thứ nhất: đồn điền này xa đường thủy, xa đường bộ, xa đường xe lửa, không lo lộ mục tiêu phi cơ địch tới oanh tạc. Thứ hai: chính tại đồn điền, cùng những vùng lân cận phía ven song Nhị Hà còn rất nhiều đất tốt bỏ hoang, khi lớp huấn luyện bế mạc vùng này có thể tiếp nhận trên dưới một vạn đồng bào di cư tới lập nghiệp.
Và như chúng ta đã biết, trong vòng mười ngày các toán nam nữ thanh niên đã tới đủ, lớp huấn luyện sửa soạn khai mạc vào ngày hôm sau.
VII
Chương trình huấn luyện gồm hai đề mục chính: Trồng tỉa và chăn nuôi. Ngoài ra còn những đề mục phụ như phương pháp tổ chức đồng bào tại nơi định cư, phương pháp ngừa bệnh, nhất là bệnh sốt rét rừng,… Đây là một chương trình huấn luyện cấp tốc, trước dự định trong hai mươi lắm ngày phải xong, nay đã mười lăm ngày qua mà chương trình mới hết một phần ba, trong thấy trước phải ít ra một tháng nữa mới tới ngày bế mạc, nghĩa là các học viên phải đón xuân kháng chiến đầu tiên- xuân Đinh Hợi- ngay tại đồn điền Lợi Ký.
Thành phần trại huấn luyện khá phức tạp. Ban giám đốc gồm: một anh đội trưởng hướng đạo, một anh sinh viên kiến trúc và một anh chưa học hết lớp nhất nhưng tham gia cách mạng từ thời bí mật. Ban giảng viên gồm những nhà chuyên môn trong số có một người mới ở Tàu về. Còn các trugn đội học viên bên dưới thì sinh viên thú y có, sinh viên luật khoa có, công chức có, nông dân có, công nhân có… Đặc biệt có cặp tình nhân: chàng, vóc người cao gầy, nước da trắng xanh, mái tóc đen dài gợn sóng, dáng đi bao giờ cũng có một vẻ uể oải rất… tỉnh thành, hình như chàng là kịch sĩ thì phải; Nàng cũng cao, người thon, tóc uốn, khuôn mặt trái soan, đôi mắt đẽn thông minh một cách kiêu kỳ, dáng đi mệt nhọc một cách tình tứ, hình như nàng là vũ nữ thì phải. Lẽ cố nhiên ban đêm nàng ngủ ở khu nữ giới, nhưng sáng sớm, trên con đường ra suối rửa mặt, họ âu yếm sát vai nhau, tay trong tay hoặc quàng lưng. Giờ nghỉ họ đưa nhau đi tha thẩn trên đồi chè, lúc đó họ như hai hành tinh sinh đôi chung một vòm không khí, chung một quỹ đạo. Tất cả mấy trăm anh chị em học viên khác không coi đó là một điều chướng mắt, trái lại ai nấy có thái độ bao dung tựa hồ các anh chị làm ăn căn cơ ở quê nhà nhìn vẻ ngộ nghĩnh tây tày của vợ chồng thằng chú em mới ở tỉnh chạy loạn về. Các cán bộ thì nhìn họ bằng đôi mắt tin tưởng kiêu hãnh vì họ nghĩ rằng cóc hạng người càng phức tạp, uy tính của cách mạng càng lớn mạnh khi uốn nắn được họ vào con đường hy sinh gương mẫu.
Riêng Tân, chàng không chú ý đến cặp tình nhân đó, chàng đặc biệt chú ý đến hai cô gái lớn con ông bà chủ, mặc dầu rất ít khi hai cô qua lại những chốn đông người tụ tập. Những ngày đầu sống tại đồn điền, lần thứ nhất Tân bất chợt thấy hai cô trong một khung cảnh thừa đủ gây thành một ấn tượng lâu bền. Buổi chiều đó mặt trời đã gần chấm đỉnh núi phía tây, ánh sáng hiu hắt một ngày đông tàn tạ chẳng còn thể phấn đấu nổi với hơi lạnh từ thung lũng dâng lên và tiếng gió âm thầm qua những cành khô như tiếng thở dài tuyệt vọng của một tình nhân bên giường bệnh một tình nhân. Trên chiếc ghế xích đu, bên cạnh cửa sổ trông về phía bếp- tiểu đội Tân khi đó đang phụ trách công việc bếp nước- dáng một cô gái bận đồ lụa bạch với chiếc áo len ngoài cùng ăn sát vào thân hình chắc lẳn, cố quàng khăn san màu tím hoa cà: nàng đương cắm cúi khâu vá. Rồi cô em từ phòng trong chạy tới, dáng mảnh khảnh hơn, bận đồ tương tự, duy áo len mặc ngoài màu hồng và khăn quàng len màu vàng; nàng cầm quyển sách ở tay nhưng không đọc, luôn luôn cúi xuống bàn bạc với chị điều gì, dáng điệu vô cùng thùy mị. Cả hai cùng có suối tóc tơ óng đẹp rủ xuống vai.
Buổi tối ánh sáng ngọn măng- song 120 nên ở phòng khách như thừa sinh lực tràn thoát ra các ngả cửa sổ thành những phiến ánh sáng trắng xanh in hẳn lên những luống hoa dài chạy viền quanh nhà. Lũ trẻ nhỏ đã đi ngủ. Thấp thoáng bóng cao gầy của ông bà Phán, bóng vạm vỡ của Hãng, hai bóng đẹp dịu dàng và bóng mấy người trong ban giám đốc ở nhà bên sang thăm xã giao. Có tiếng vĩ cầm khá điêu luyện. A! Đó là tiếng đàn của anh chàng sinh viên kiến trúc trong ban giám đốc. ( Tân cũng không hiểu sao anh chàng sinh viên nghệ sĩ đó lại là thành phần của ban giám đốc). Rồi tối hôm sau vẫn những phiến ánh sáng đó vẫn những bóng người đó và tiếng đàn. Có một lần vô tình Tân theo bậc gạch lên sân, chàng vội vã đi lướt qua thềm, khuôn mặt lanh lợi với ánh mắt khỏe mạnh của cô chị có nhìn ra.
Nhiều hôm mưa rơi từ chiều dai dẳng, những bước chân đi ướt làm nặng chĩu tâm hồn, rồi bóng tối mênh mông câm lặng rủ xuống xóa nhòa ý niệm thời gian trong trí Tân…Rồi ánh đèn bừng sáng… Tân lắng nghe tiếng đàn từ phòng khách vẳng xuống qua màn nước mưa…
Hẳn anh chàng sinh viên kiến trúc muốn tỏ mình là một nhạc sĩ bách công vì anh chàng đánh đủ cái loại bài, từ một vài đường nhạc cực kỳ lắt léo và phong phú chắc là trích ở một concerto nào, qua những bản cổ điển nhỏ, tới những bài Việt phổ thong như: Con Thuyền Không Bến, Cô Hái Hoa, Suối Mơ… Tất cả những bài đó anh chàng đều đánh thuộc lòng và- điều này mới đáng quí- kể cả những bài bình thường nhất dưới ngón tay tài hoa của anh chàng cũng đượm một sức quyến rũ đặc biệt y như những cô gái vừa đến tuổi dậy thì mỗi người một vẻ.
Thế nào anh chàng chẳng mê một trong hai cô- Tân nghĩ thầm thế- và thế nào tiếng đàn của anh chàng gây bang khuâng xao xuyến trong lòng ai rồi. Đã hơn một lần vừa nghe tiếng đàn vừa trạnh thương cho mối tình vô vọng đến phi lý của mình, Tân thầm ước cho đôi trẻ trên kia sớm thành đôi lứa.


VIII



Thấm thoát chương trình huấn luyện tại đồn điền Lợi Ký đã được dư ba tuần lễ, tới ngày ba mươi tết công việc tạm ngừng. Những học viên nào có gia đình gần vùng này đều lên xin ban giám đốc cho phép về. Còn những người ở lại ai nấy như cố tránh nhắc nhở đến việc đón xuân, trừ việc ban giám đốc báo trước sẽ tổ chức lửa trại vào đêm mồng bốn tết. Không nhắc đến là phải! Còn lòng dạ nào mà đón xuân? Ở đâu tuy xa tiếng súng nhưng tin tức tới đều và nhanh. Trung đoàn thủ đô vẫn bị vây hãm tại khu hàng Bạc, hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Đồng Xuân… Các mặt trận ngoại ô đã lần lượt bị vỡ, phi cơ địch càng được thế tung hoành oanh tạc để mở rộng đường tiến quân của chúng. Đó là hiện trạng bi đát của cả dân tộc. Đến tâm trạng riêng tư từng ở lại đồn điền Lợi Ký: gia đình họ ra sao khi mặt trận mở rộng? Hiện nay thất lạc nơi đâu? Có còn nguyên vẹn hay không?
Mưa rơi suốt ngày ba mươi, âm thanh rả rích. Chiều, mưa ngừng một lát, vòm trời đượm vẻ ngơ ngác của một người sầu khổ như giật mình tỉnh giấc và mưa lại bắt đầu rơi…
Tân không quên những nông nổi buồi tủi chàng sớm phải chịu trong cảnh mẹ góa con côi, cửa nhà sa sút; Tân không quên những nỗi cực nhọc thức khuya dậy sớm chuyên chở hàng hóa trong mấy năm trường buôn bán đỡ đần mẹ… Nhưng điều mà Tân không quên hơn cả là chưa một đêm ba mươi tết nào chàng phải sống xa me. Quân Pháp chưa đánh đến Bắc Ninh, mẹ chàng chưa phải tản cư, nhưng đêm ba mươi tết này mẹ chàng làm gì, mẹ chàng nghĩ gì trong cảnh cô quạnh đó?
Để đánh lạc tình thương mẹ, Tân chuyển ý nghĩ sang người đẹp ga Thanh Ba y như người chăm chú nhìn một vì sao để quên cả vòm trời man mác. Thực vậy tình thương mẹ của chàng mênh mông như không có biên giới thời gian mà tình gặp gỡ cô gái áo lụa bạch là vết đau của hiện tại, của tuổi chàng.
Có lẽ đêm đã khuya lắm rồi… Đêm ba mươi tết, đêm của xum họp đoàn tụ mà nơi đây lặng lẽ như mồ hoang. Tân ra đứng bên cửa sổ ngó về phía thung lũng tối đen; gió tự bên ngoài lùa nhẹ vào, phả lên mặt chàng với chút mưa bụi. Có tiếng cành cao lung lay trong gió phía cuối nhà. Có tiếng quả ủng rung nhẹ không biết là quả gì. Tựa như có cái gì xôn xao náo động bên ngoài chuyển mình.
-“ Em mười bảy, em chỉ sống đến năm hai mươi, em không muốn sống hơn.”
-“ Em nói đúng, một người con gái đẹp chẳng nên sống quá tuổi đó, em cho anh xin khoảng thời gian còn lại của em.”
Tân quay về giường nằm vừa đắp kín chăn vừa nhắm mắt ôn lại giấc mộng những mong ngủ thiếp ngay đi…
Một ý nghĩ chợt đến: Hay là người con gái đó đã tử nạn khi quân Pháp mở rộng mặt trận nào?
Trong khi đó, ông bà Phán và mấy người con lớn đương sửa soạn làm lễ giao thừa trên nhà. Tân nào có biết. Mưa đã ngớt hẳn, chàng lắng nghe tiếng gió… tiếng gió khô xác, lẹ như cánh én, chắc là gió đương ra công quét sạch mây xám ngoài kia để đón một năm mới, năm của hy vọng.
Tân ngủ thiếp đi và lạc sang một giấc mộng nào trong đó có tiếng ngâm thơ, giọng ngâm rãi rệ mang mang buồn như giọng của Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha bên bờ Dịch Thủy:
Cách…nhau…ngàn…vạn…dặm…
Nhớ…chi…tới…trăng…thề…
Ba Sinh Hương Lửa
KHAI TỪ
Phần I - CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU- Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần II - MÀU TÍM HOA LAU -Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần III- GIÃ TỪ - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7