watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ba Sinh Hương Lửa-Chương 3 - tác giả Doãn Quốc Sỹ Doãn Quốc Sỹ

Doãn Quốc Sỹ

Chương 3

Tác giả: Doãn Quốc Sỹ

Đã sang đầu năm 1951 được nửa tháng và cũng còn hơn nửa tháng nữa thì tết âm lịch. Miên hy vọng ngày ba mươi tết có thể xin phép về tảo mộ rồi ăn tết với bà Quản. Đã bốn năm qua tuy vắng anh, nhưng thói quen sửa sang hai nấm mộ của cha mẹ vào ngày cuối năm vẫn được Miên thực hiện một mình. Khi cuốc đất đắp mồ như vậy nghĩ đến anh ở nơi xa – chẳng biết ở đâu – Miên đã khóc âm thầm phóng khoáng. Nói là âm thầm và phóng khoáng vì chỉ có mình nàng khóc giữa cảnh rừng núi vào khoảnh khắc tàn lụi của một ngày cuối năm. Nhưng lần này suốt ngày hai mươi tiếng súng vang rền từ mặt trận Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên Phúc Yên) vọng lại. Viên Đại tá quân y về thủ thuật – một trong ba vị cố vấn của Quân y liên khu –sửa soạn lên đường tới đơn vị hậu cần của chiến dịch. Trong số mười nhân viên được cử đi theo viên cố vấn quân y về thủ thuật có Miên. Đoàn người khỏi hành ngay từ hôm ấy. Từ ấp họ Đỗ xuôi xuống, Miên thấy hướng đi của mình lạng dần về phía tả.
Thốt nhiên nàng nghĩ đến ngọn núi Sáng ở Bỉnh Di và khu rừng lau. Nàng hy vọng đơn vị hậu cần của chiến dịch sẽ đặt ở nơi đó và nàng sẽ có dịp gặp gỡ khu rừng lau. Ý nghĩ đó làm nàng vui quên nỗi đau lòng không được ở lại tảo mộ cha mẹ như thường lệ vào hôm ba mươi tết sắp tới.
Đã mười giờ khuya, đoàn người vẫn tiếp tục qua hết rừng này sang rừng khác và giữ vững hướng về phía tả theo chiều xuôi xuống. Theo lộ trình thì khoảng nửa đêm mới có thể tới tạm nghỉ.
Càng về khuya trời càng lạnh, thỉnh thoảng qua suối, tiếng lội nước bì bõm và ở khoảng trống này đôi khi Miên bắt gặp ánh nước hồi hộp phản chiếu mấy vì sao mờ lạnh trên cao, hồi hộp như ánh hy vọng của nàng được đi vào khu rừng lau.
Đoàn người tiếp tục đi. Mãi tới một giờ rưỡi khuya mới tới trạm nghỉ, năm giờ sớm hôm sau đã lên đường. Với ánh sáng ban mai, Miên thấy mình đương đi vào một miền có những đồi nhỏ liên tiếp cây cối cằn cỗi và rất thưa, cỏ ngắn vàng úa thân cứng như cuống chổi, thỉnh thoảng gặp một hay hai cây thông cao vút như một tư tưởng đột ngột và kiêu hãnh. Theo nguyên tắc tuyệt đối bí mật quân sự, mọi người vẫn cắm cúi đi theo đồng chí dẫn đường, không ai biết là đi về đâu và còn bao lâu nữa tới nơi.
Các đồi trọc liên tiếp bất tận cùng với màu cỏ úa xác, ngọn núi Tam Đảo phía xa khi ẩn khi hiện. Những lúc Miên đi sâu xuống thung lũng ngẩng nhìn ngọn đồi che lấp ngọn Tam Đảo, không hiểu sao nàng nghĩ đến hiện tượng Nhật thực, vừng trăng nhỏ mọn che lấp mặt trời… rồi nàng miên man nghĩ đến những kẻ tiểu nhân đắc chí lấn át những tâm hồn quân tử. Miên không ngờ rằng sự liên tưởng thoạt có bề ngoài vô căn cứ đó bắt nguồn ở một thái độ bất mãn đã được tích lũy sâu trong tiềm thức mà chính nàng không hề ngờ tới.
Mọi người rẽ vào một vùng ruộng khô phân chia thành nhiều thửa nhỏ. Một người bạn lướt lên nói khẽ với Miên:
- Tôi nhận ra rồi, đây là một địa điểm thuộc huyện Tam Lộng, tỉnh Vĩnh Yên.
Đi một quãng nữa Miên nhìn xuống chân đồi thấy có ngòi nước nhỏ. Bên kia ngòi nước là một xóm dân cư chừng hai chục nóc nhà. Bên này, ngòi nước là một khu rừng khá rậm rạp. Tiến vào khu rừng đó, một ngôi đình lớn vẻ muôn phần cổ kính xuất hiện, cổ kính vì những hàng cột lớn uy nghi, tường và mái rêu xanh đen, cổ kính vì những cây cổ thụ cao vút và rườm rà mọc không theo hàng looisnaof nhưng cành lá hầu như bảo nhau từ bốn phía ùa lại rủ xuống phủ kín mái đình. Một góc đình chừa ra làm nơi chứa thuốc và các dụng cụ quân y còn khắp sàn đình la liệt thương binh với tất cả vẻ phồn tạp đau thương của cái thế giới gồm những nạn nhân của bom đạn. Người thì băng phủ kín mặt người thì băng phủ kín chân, có người băng quấn kín khuỷa tay, tay dưới đã bị cưa đi… Tiếng rên rỉ của người còn thuốc mê, tiếng la như xé ruột của người vừa tỉnh. Tất cả những băng quấn đều một màu vàng bẩn vì đã giặt đi giặt lại nhiều lần, máu tự các vết thương thấm ra, tím đen loang lổ. Nhìn cảnh đó Miên hiểu tại sao nàng và các bạn phải cấp tốc đi miết ngày đêm để tới địa điểm này.
Bác sĩ T. tự phòng mổ đằng sau đình tới chào xã giao viên cố vấn rồi trở lại phòng mổ ngay; viên y tá trưởng thay mặt bác sĩ đưa mọi người tới căn lều dựng trong rừng, nơi nghỉ ngơi. Tới đây Miên nhận thêm thấy quanh đình còn một số lều khác cũng là nơi để chứa thương binh và tít phía trên gần đỉnh đồi, bên một chiếc miếu nhỏ, một chiếc lều lụp xụp hơn, xung quanh quây sơ sài bằng lá gồi thay tường: đó là nhà xác.


II



Kể từ ngày tướng De L. sang Việt Nam điều khiển cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa, chiến thuật hung hăng của hắn đã làm đổ máu biết bao người vô tội.
Để lùng bắt những người khả nghi hắn đã cầy cánh đồng quê bằng chiến xa, vây giữ làng Việt Nam bằng lửa đạn. Những toán quân lê dương với đủ các quốc tịch: Bỉ, Đức, Hung… mặt đỏ dừ vừa say rượu vừa say nắng, vừa say máu tưng bừng gieo tang thương bằng giết chóc, hãm hiếp khắp làng thôn có gót giày đinh của chúng xéo qua.
Để giữ miền trung du De L… lại có sáng kiến thiết lập một trận tuyến bê tông khởi từ Bắc Giang qua Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Sơn Tây quành sang Hà Đông và kết thúc vòng đai ở Phủ Lý. Mỗi cứ điểm có một bê tông mẹ với mấy bê tông con gìn giữ lẫn nhau. Các cứ điểm bê tông trong vùng lại có thể dùng hỏa lực trợ chiến lẫn cho nhau mỗi khi một cứ điểm nào đó bị tấn công. Chiến thuật phòng ngự vững chắc này đã làm ngã gục biết bao chàng trai anh dũng Việt trong các cuộc tấn công liên tiếp.
Quân Pháp hiện đã bị đánh bật khỏi Nghĩa Lộ, chúng rút về Sơn La ở vào tình thế rất lủng liểng. Sau đây chúng còn rút khỏi Sơn La về tập trung tại Nà Sản, cố thủ cứ điểm này, mở rộng sân bay, chuẩn bị rút lui bằng đường không vận. Chiến dịch Vĩnh Phúc của bên ta được mở ra chính là để cầm chân quân Pháp không cho chúng tính đường gửi quân cứu viện lên mặt trận Tây Bắc. Mặc dầu các chiến sĩ Việt Nam đã khá nhiều kinh nghiệm về chiến thuật đánh bê tông mà thương binh vẫ cáng về ùn ùn. De L… hẳn phải tin tưởng lắm vào cuộc chiến thắng tương lai đầy máu lửa của y. Rồi đây sang đầu 1952 y chết và được truy thăng Thống chế Pháp quốc tên ghi trong tự điển danh nhân Larousse. Y là anh hùng của nước Pháp nhưng trên đất nước Việt Nam, người Việt vạch mặt chỉ tên y là tên giặc khát máu một thời. Lẽ tương đối của thứ danh vọng xây dựng trên bạo lực và nô lệ cho lòng tham vọng vị kỷ là thế!
Kể từ trưa ngày hai mươi hai tháng chạp âm lịch cho đến hết ngày hai mươi tám Tết, Miên và các bạn làm việc không ngừng. Miên còn bận hơn các bạn nhiều vì nàng phụ tá bác sĩ T. trong việc mổ. Nhiều khi mãi tới mười hai giờ khuya nàng mới được nghỉ, đôi lần vào giờ đó nàng vừa đặt mình nằm đã bị gọi dậy vì có thương binh mới và trong số có người phải lên bàn mổ cấp tốc. Ban ngày nàng thường xuyên túc trực bên bác sĩ, kể cả những lúc không có việc. Vào những giây phút nhàn rỗi hiếm có này, nàng mở xem những tập báo chữ Pháp trên bàn giấy bác sỹ T. Đó là những tập VUE, PARIS MATCH bên trong có những bài nói về sự tiến triển của y học hiện đại.
Viên y tá trưởng hầu như không làm gì về công việc chuyên môn trong phòng mổ mà chỉ chú trọng về tổ chức cắt đặt các nhân viên và luôn luôn liên lạc với chính trị viên chi ủy quân y để nhận chỉ thị. Cứ trông dáng hắn xuôi ngược tất tả, mặt hắn luôn luôn làm ra nghiêm trọng, Miên cũng thừa hiểu hắn là một “đồng chí” mới được kết nạp.
Viên cố vấn đại tá quân y về thủ thuật cũng vậy! Cứ như danh từ chỉ về chức tước thì hẳn viên cố vấn này chuyên về giải phẫu; vậy mà từ này đến đây tới giờ, Miên chưa hề thấy cố vấn giải phẫu một ai. Cố vấn cũng nặng về phương diện kiểm soát tổ chức nội bộ và đòi thay đổi một vài nhân viên khiến guồng máy hậu cần chệch choạc hẳn đi mấy ngày. Mỗi khi thấy một thương binh sắp lên bàn mổ viên cố vấn lại hỏi bác sĩ T. một câu duy nhất:
- Ông xem có cần mổ không?
Câu hỏi ngơ ngẩn đó đã làm bác sĩ T. bực mình không ít, tuy nhiên bác sỹ vẫn nhã nhặn trả lời bằng một câu gần như duy nhất:
- Thưa cố vấn, cần lắm chứ! Vết thương này để chậm chắc chắn nguy đến tính mạng.
Thực sự giúp bác sĩ trên bàn mổ chỉ có Miên và một sinh viên y khoa năm thứ tư, giữ chức quân y phó. Thường thì biết mình là gái, mỗi khi giao thiệp với chàng trai nào, Miên hết sức giữ ý tứ, nhưng với chàng sinh viên trẻ sớm đượm vẻ phong trần phóng khoáng này Miên gần và thấy tin cẩn gần như với anh ruột mình. Chàng sinh viên đó là Tân, thưa các bạn.
Phòng mổ căng bằng vải dù, xa đình chừng một chăm thước và ở ngay bên cạnh dòng nước nhỏ. Cửa ra vào có che tấm vải gaze phất phơ theo gió.
Buổi đầu giúp việc, bác sĩ T. giới thiệu vắn tắt:
- Đây là cô Miên sẽ giúp chúng ta bên bàn mổ. Đây là anh Tân sinh viên năm thứ tư, quân y phó.
Buổi chiều, lợi dụng lúc mọi ngơi việc Miên hỏi Tân trước:
- Quê anh Tân ở đâu?
- Tôi quê ở Bắc Ninh – Tân đáp
- Bây giờ gia đình anh tản cư ở đâu?
Tân thoáng vẻ buồn:
- Tôi không còn gia đình nữa. Mẹ tôi mất ở Bắc Ninh cuối thu năm 1947 đúng vào năm đầu tôi theo học trường Thuốc. Mẹ tôi ra đi yên lòng vì gặp được mặt tôi trước khi nhắm mắt.
- Còn ông cụ?
- Thầy tôi mất từ sớm.
Miên thở dài không hỏi gì nữa, nàng nghĩ đến mình cũng mồ côi từ thủa nhỏ.
Hôm sau cũng vào lúc rảnh việc một chút, Miên hỏi giọng vui:
- Anh Tân giữ chức quân y phó oai đấy chứ.
Tân đáp lại thân mật:
- Oai khỉ gì hở cô? Quân y trưởng là bác sĩ T., quân y phó là tôi dưới mặt họ cũng chỉ là những thằng “thợ cưa”.
Miên hiểu ngay chữ “họ” Tân nói ám chỉ các đảng viên. Tự nhiên Miên hỏi ngay lại một câu để tỏ rằng mình cũng biểu đồng tình.
- Chẳng bao giờ họ hỏi ý kiến anh và bác sĩ T.?
Tân lắc đầu, môi hơi bĩu rồi mới đáp:
- Chủ nhân về tinh thần là chính trị viên chi ủy quân y, chủ nhân về vật chất là quản trị trưởng tiếp tế và thực phẩm và thuốc men, vào sổ các thương binh đến, gạch tên các thương binh đi hoặc chết. Trên cõi đời này nơi nào còn để lũ a-dua chính trị lên mặt vọc mõm vào chuyên môn nơi đó nhất định thành ung thư.
Miên theo dõi nét mặt bất mãn của Tân và thấy hay hay nàng hỏi tiếp:
- Hình như họ chỉ có mặt ở đây vào giờ hành chính anh nhỉ?
Tân gật đầu:
- Họ ở một cánh rừng bên kia đồi, cách chúng ta chừng một cây số. Đã có một lần tôi qua đó bắt gặp mâm cơm của họ có salade, có cà chua phá-xí, có trứng đúc thịt… trong khi thương binh ở đây kham khổ là vậy. Họ ăn bớt! Họ ăn cắp!


Biết bao chướng tai gai mắt trước đây đã làm Miên bất mãn ngầm mà chính nàng không hay, ngày nay gặp Tân, nghe lời nói thẳng thắn của chàng, Miên thấy những bất mãn ngầm đó như cô đặc lại thành hình thể. Vô tình nàng tiếp theo lời Tân:
- Bần tiện nhỉ?


Rồi Miển kể thủ thỉ cho Tân nghe chuyện nàng từ thời thơ ấu. Cảnh nghèo và mồ côi cha mẹ của Miên thủa nhỏ làm Tân chạnh lòng nhớ đến cảnh nghèo của mình ngày nào bỏ học đi buôn. Khi biết Miên còn một người anh tên là Hiển trong bộ đội chiến đấu cùng chạc tuổi mình, Tân tự nhiên có khuynh hướng coi Miên như người em gái nhỏ bơ vơ và tự thấy có trách nhiệm che chở, an ủi nàng thay Hiển. Chính thứ tình cảm xuất hiện ban đầu đó quyết định mãi mãi thái độ về sau của Tân đối với Miên. Nếu câu chuyện Miên kể sắc sảo một chút, tình tứ một chút, biết đâu Tân lại chẳng yêu Miên như một chàng trai có cuộc đời trống trải khao khát tình yêu? Nhưng giọng Miên kể thùy mị quá, hiền lành quá nên chỉ gợi trong lòng Tân tình thương không phải tình yêu. Một lần trong buổi chiều hôm ấy Tân gọi đùa Miên: “cô em gái nuôi của tôi”. Miên hiểu tình cảm thẳng thắn của Tân và nàng cảm động. Nàng cũng chẳng đòi hỏi gì hơn.


Điều nàng quý nhất ở Tân là thái độ làm việc say mê và tận tâm của chàng trong công việc mổ hoặc phụ tá cho bác sĩ T. mổ. Càng những hôm nhiều việc tinh thần Tân càng quắc thước và đôi bàn tay chàng khâu những vết mổ hoặc băng bó những vết thương thoăn thoắt, thông minh, thành thục tưởng như đôi tay đó có đôi mắt riêng của chúng.


III



Chiều hai mươi chín tết!
Lẽ ra Miên phải buồn lắm, vì vẫn chưa được gặp anh, lại không được ở nhà tảo mộ cha mẹ vào ngày ba mươi tết như thường lệ: nhưng lần này gặp Tân mà nàng quý mến như Hiển nên Miên cảm thấy bớt cô đơn hẳn.


Chiều hai mươi chín tết!
Bước đường tản cư đầu tiên của Tân là ngày nào tới đồn điền Lợi Ký theo lớp huấn luyện cán bộ tăng gia sản xuất chịu đựng một mùa xuân đầu tiên xa quê hương, xa mẹ. Đau khổ làm phì nhiêu tâm hồn và khắc sâu những cảm giác, cho nên mỗi độ chờ đón xuân về vào những buổi chiều nghỉ ngơi, Tân thích lắng nghe tiếng gió bên ngoài để nhớ lại tiếng gió rít từng hồi tự trên đỉnh đồi cao khu đồn điền Lợi Ký lùa xuống các thung lũng nhỏ. Tân còn nhớ rõ như in cảnh những chiếc lá vàng đua nhau rụng và những chiếc lá khô dưới đất tựa những hồn ma bị dựng dậy đuổi nhau tíu tít quanh gốc cây. Nếu trời mưa, Tân nhớ lại âm thanh rả rích của mưa rơi ngày đó. Nếu đêm khuya bên ngoài có gió lớn, Tân nhớ lại tiếng cành cao lung lay, tiếng quả ủng rụng nhẹ. Nếu mưa đêm tạnh hẳn, về sáng có gió lớn, Tân nghĩ ngay là gió đương ra công quét sạch mây xám trên trời để đón một năm mới, năm mà ai nấy hy vọng sẽ phong quang hơn. Tân có nhớ đến Vân “phẩm tiên rơi đến tay hèn”, Tân có nhớ đến mối tình của chàng với người đẹp ga Thanh Ba, nhưng những hình ảnh đó chỉ còn là những điểm nhạt trên khung cảnh rộng lướn những núi, rừng, mây, gió… Năm năm kháng chiến, Tân đã được gặp biết bao cánh hoa mong manh bạt gió như Vân nên thương những người đẹp thì có thương, nhưng lạ thì không còn lấy làm lạ (lạ vài người đẹp mà khổ).


Chiều hai mươi chín tết!


Phòng mổ hôm nay tương đối vắng khách, bác sĩ T. hẳn đã leo lên đỉnh đồi tìm chỗ thoáng ngồi cho trí lực được giải thoát chút ít, còn lại Tân và Miên.


Thấy Tân ngồi ghếch chân lên bàn đăm chiêu nhìn qua cửa sổ, Miên tiến tới ngồi đối diện với chàng trên chiếc ghế dài ghép bằng ba ống bương lớn.


Chà, hôm nay lạnh ghê, anh thấy không? – Miên nói.
Tân cười rất hiền, khẽ gật đầu:
- Mấy hôm trước đây vì nhiều công việc nên quên cả lạnh.
Hai người im lặng giây lâu. Có lẽ vì quý Tân nên Miên thích hỏi rõ về đời Tân, nàng tìm cách gợi chuyện:
- Anh vào học năm thứ nhứt trường Thuốc từ 1947?
Tân gật đầu:
- Thì trường Thuốc cũng chỉ có năm thứ nhất kể từ 1947. Như lời anh em cho tôi hay thì trong số hơn hai ngàn chiến sĩ giữ thủ đô tháng chạp âm lịch năm đó…


Suy nghĩ một chút rồi Tân tiếp:
- … Phải tháng chạp năm Bính Tuất sang đầu xuân năm Đinh Hợi, khi trung đoàn Thủ đô rút lui, có một số sinh viên cũ theo bác sĩ T. lên mạn Chèm Vẽ, rồi tản cư một lần nữa tới Đại Đồng, một làng nhỏ trên con đường từ Phú Thọ đi Tuyên Quang, trường Thuốc được chính thức thành lập ở đây.
- Anh tới đó ghi tên?
- Tôi cùng một anh bạn thân sắp tới đó ghi tên thì hay tin mẹ ốm, tôi trở về Bắc Ninh ngay. Mẹ tôi mất mấy ngày sau.


Ngày đó Tân bán ba mẫu ruộng tốt của mẹ để lại cho một người thím. Nhưng danh từ “cầy chia cấy rẽ” rất xa lạ với Tân. Nào biết chia ra sao, chia lúa ở ruộng hay chia thóc ở nhà, hay cho thuê khoán lấy một số tiền nhất định? Giản tiện nhất là bán đi, bán rẻ cho một người thím, lọt sáng xuống nia; Tân chỉ giữ lại chiếc nhà gạch cho người chị họ nghèo ở nhờ. Chiếc bể bị dò, Tân xuất ra một số tiền cho chị mua xi măng sửa chữa để có thể chứa đủ nước mưa dùng quanh năm. Người chị nghèo, mẹ con ăn mặc rách rưới từ nay được ở nhà rộng có ao thả cá, có vườn giồng rau, nuôi gà, vẻ mặt mẹ con hớn hở, Tân trông mà vui lây. Nhưng niềm vui đó chỉ bừng lên một lát rồi tàn ngay như ngọn lửa rơm, một cảm giác chua chát xâm chiếm lòng Tân, chàng nghĩ đến cái nghèo của cả dân tộc. Hành động của chàng cho chị ở nhờ chỉ là một hình thức của bố thí, mà bố thí đâu có giải quyết được nạn nghèo đói? Xử sở còn chìm trong khói lửa kia, một tia hy vọng hòa bình cũng chưa hề có, đã nghèo khổ còn tang tóc nữa.
Thấy khuôn mặt Tân chìm hẳn trong niềm suy nghĩ, Miên hỏi như để đánh thức chàng:
- Chắc rồi anh gặp lại anh bạn ở trường Thuốc?
Tân lắc đầu:
- Ngày đó mẹ tôi vừa mất, nhìn quanh mình toàn cảnh buồn, nhưng nghĩ rằng trở lại trường Thuốc gặp lại bạn thân thì cũng thấy vui vui phần nào. Hay tin quân Pháp nhảy dù Bắc Kạn, tôi vội lên Đại Đồng thì trường Thuốc đã dọn đi nơi khác. Mãi tới tháng mười – nghĩa là ngót một tháng sau – trong khi quân ta đương mở chiến dịch sông Lô truy kích binh đoàn Pháp từ Tuyên Quang về Đoan Hùng, tôi mới tìm ra trường Thuốc ở Chiêm Hóa. Không thấy bạn!
- Hay là bạn anh bị chết trong vụ quân Pháp nhảy dù Bắc Kạn? – giọng Miên như tham dự vào lo âu của Tân.
Tân lắc đầu:
- Tôi cũng không rõ, nhưng tôi không nghĩ rằng Kha chết!
- Tên anh bạn đó là Kha?
- Vâng, tên Kha. Thoạt tôi tưởng vì có vụ nhảy dù Bắc Kan mà Kha còn thất lạc, nhưng vào một đêm trăng kia hỏi kỹ các anh bạn năm thứ nhất tôi mới hay là Kha không hề đến ghi tên trường Thuốc.


Bóng chiều tràn vào, vẻ mặt Tân càng chìm trong suy nghĩ, Miên không muốn hỏi thêm gì nữa, nàng lẳng lặng đứng dậy ra suối rửa mặt mũi chân tay để còn chuẩn bị ăn cơm.


Rõ thực hóa nhi đa hí lộng? Ngày đó đôi bạn tạm chia tay, Tân về Bắc Ninh, Kha tìm đến trụ sở tạm thời trường Thuốc, nhưng nửa đường gặp mấy người bạn cũ, họ rủ Kha đi Vĩnh Yên học Luật. Kha ưng ngay vì nếu học Luật càng sẽ gần mẹ ở Thạch Thất. Chàng đã ghi tên học Luật rồi đến Thạch Thất gặp mẹ. Bà giáo yếu lắm cần về làng (trong vùng tề) để thuốc men. Tiễn mẹ về làng rồi thành vĩnh biệt… Chuyện này chúng ta rồi sẽ có dịp để rõ chi tiết. Điều cần ghi nhận ngay ở đây là vào đúng đêm trăng Tân hỏi các bạn năm thứ nhất để hay rằng Kha không hề đến ghi tên trường Thuốc thì – thực là kỳ thú – cũng chính đêm trăng đó Kha cùng những người bạn năm thứ nhất trường Luật leo lên đồi trăng làng Thạch Trục vừa ngẩng nhìn vòm trời nhung biêng biếc vừa ca hát thơ mộng. Miên từ làng Hạc Thủy trở về cơ quan quân y qua đó, nàng đương cúi đầu rảo bước dưới chân đồi thì tiếng một sinh viên nói khẽ - chính là tiếng Kha - : “nàng tiêng đi dưới ánh trăng!” Và anh bạn ôm lục huyền cầm bên Kha đã kịp thời gieo xuống chân đồi trăng hợp âm la đoản cùng với tiếng hát âm thầm và lẳng lơ để cợt Miên:


Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phiii…





IV



Trở lại chuyện Tân. Tháng mười năm 1947, ghi tên vào năm thứ nhất trường Thuốc xong, rồi lý thuyết, rồi thực tập liên miên. Tháng 5 năm 1950 chàng ghi tên vào bộ đội phục vụ cho quân y trung đoàn 36. Tháng 8 Tân theo bộ đôi lên Cao Bắc Lạng để tháng chín, tháng mười tham dự các trận Đông Khê, Thấy Khê và chở thương binh qua biên giới Trung Hoa, điều trị tại Quảng Uyên đối diện với Cao Bằng. Cho tới đây tình cảm của Tân đối với nững người cộng sản lãnh đạo kháng chiến chưa có gì thay đổi. Thực ra chính sách tương đối dân chủ của họ đã bắt đầu chuyển hướng từ đầu 1950. Tháng 5 năm 1950 họ khai hội Trung ương đảng bộ quyết định áp dụng chính sách điền thổ của Trung cộng ở Việt Nam. Từ sau chiến thắng Cao Bắc Lạng đã có những cuộc học tập riêng của cán bộ Đảng và những cái nhìn nếu không nghi kỵ thì cũng lạnh lùng của đảng viên đối với “quần chúng tiểu tư sản” đã nhiều khi làm Tân lộn ruột (trong khi Miên lẳng lặng chịu đựng). Tháng giêng năm 1951, Tân theo bộ đội từ Cao Bắc Lạng xuống mặt trận trung du, ở đây chàng gặp lại anh Liệt, anh chàng vẫn hay hát bài “Nguyễn Thái Học” hồi còn ở đồn điền Lợi Ký. Bộ phận quân y trung đoàn của Tân đóng ngay ở làng có Liệt. Tân nhận ra Liệt ngay, chính Tân đã gọi Liệt trong khi Liệt còn ngơ ngác đến một phút sau mới nhận ra Tân.


Ngày đó, sau khi được huấn luyện tại đồn điện Lợi Ký thành cán bộ tăng gia sản xuất, đến khi ra phụ trách thì trại của Liệt là một trong những trại tan vỡ đầu tiên, Liệt bèn dời Phú Thọ đi Vĩnh Yên, không là cán bộ nữa mà như một đồng bào tản cư thường. Giọng ca sầu thảm của anh xúc động trái tim một cô gái địa phương, hai người thành vợ thành chồng, anh đi cầy nàng đi cấy, năm sau – năm 1948 – anh có đứa con trai đầu lòng, hai năm sau nữa – năm 1950 – anh có thêm một gái. Anh mang nặng nhiều u uất, từ ngày lấy vợ, anh bắt đầu uống rượu. Rượu say, anh ra sân hoặc lên đồi nhìn trăng, nhìn sao, hóng gió, dáng thơ thẩn, nếu gặp ngày mưa thì anh cũng ra ngồi bực cửa. Thường vào những lúc say đó anh dùng giọng bông lơn riễu chính phủ kháng chiến. Khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm” anh đọc chệch là “Việt Nam dân chủ cộng hòa trừ nhân nhân chia”. Khi có phong trào thi đua sản xuất thì một buổi chiều kia vừa rượu xong anh nắm tay chị cố kéo vào buồng và nói lớn: “Tao với bu mày vào đây tăng gia sinh sản”. Chị luột khỏi, chạy ra sân lườm anh: “Rõ khéo nhỉ, nói vừa vừa chứ kẻo lại tù mọt gông!” Khi có phong trào rèn cán chỉnh cơ (rèn cán bộ chỉnh cơ quan). Anh nói: “cán gì cán thuổng, cơ gì cơ cực!” Hết nói riễu, anh hát, giọng hát trầm buồn tuyệt hay trước đây đã làm rung động lòng chị ra sao giờ đây làm rung động lòng chị như vậy. Anh hát nhiều bài lắm nhưng bài hát chính vẫn là bài “Nguyễn Thái Học” và hầu như kể cả những bài vui, qua giọng anh hát cũng thành buồn buồn.


Ngày gặp lại Liệt, Tân thấy anh vẫn để đầu trọc như xưa, khuôn mặt anh vẫn vàng vọt như xưa, nhưng thêm nhiều nếp nhăn ở trán và ở hai bên đuôi mắt. Tân có được chứng kiến Liệt vào những buổi chiều sau khi anh đã uống nhiều rượu, rượu mở nắp tiềm thức cho những u uẩn bốc lên. Khuôn mặt vàng vọt của anh khi đó bỗng sáng rực, anh tiết lộ nhiều chuyện anh biết lắm.


Nào chuyện Nguyễn Ái Quốc bị bắt bên Tầu rồi nhờ các nhà lãnh tụ quốc đứng ra xin với nhà cầm quyền ở Trung Quốc mới được tha về để tham gia công tác biên giới như một cán bộ quốc gia trong Việt Nam cách mạng đồng minh hôi.


Nào là khi cuộc cách mạng tháng tám đã thành công, chỉ trong vòng bốn tháng sau chín phần mười cán bộ quân sự quốc gia xuất thân ở hai trường Hoàng Phố và Liễu Châu đã đi đời nhà ma.


Nào chuyện tự về Khu 7, đệ nhất hào kiệt miền duyên hải đã đốt cháy bốn chiến xa Pháp trong trận mở màn, mặc dầu đại biểu chính phủ ngày đó cứ muốn họ hàng Pháp để đổi lấy chút ít thời gian hòa bình nữa.
“Thôi ông ơi, tôi van ông, tôi van ông, nói vừa vừa thôi kẻo lại tù mọt gông!” – đó là lời chị thường can anh, khuôn mặt lo lắng nhiều khi đến hốt hoảng.


Nếu còn dở câu chuyện, anh tiếp tục nói; nếu câu chuyện đã dứt và anh thấy nói đã hả anh cất tiếng hát, khuôn mặt anh trở lại vàng vọt u sầu. Và chị lắng nghe, gương mặt cũng êm ả dịu xuống bớt ưu tư.
Căn cứ vào những điều Liệt biết ở trên đây; căn cứ vào bài ca “Nguyễn Thái Học” mà Liệt thích; căn cứ những điều Tân còn nhớ thời ở đồn điền Lợi Ký nhất là căn cứ vào buổi chiều vô tình mọi người được chứng kiến cuộc xử tử người thanh niên và khi nghe loạt súng nổ vang, Thi khuỵu xuống vì thương cảm, Tân nghe có tiếng thở dài phía sau, giật mình quay lại thì đó là tiếng thở dài của Liệt… (ngày đó Tân đoán thầm Liệt thương cho bộ thần kinh yếu đuối của Thi) rồi ngay tối hôm đó, về khuya lắm, có tiếng lục huyền cầm thánh thót và giọng ca nức nở âm thầm bài “Nguyễn Thái Học” của Liệt.


Căn cứ vào tất cả những điều kể trên đây, tổng hợp lại, Tân có thể tin chắc chín phần mười rằng trước đây Liệt hẳn phải là một chiến sỹ Việt Quốc, rồi bị hoàn cảnh bao vây chịu ép một bề đành quy thuận đoàn thể Việt Minh (thời gian theo học lớp cán bộ tăng gia sản xuất tại đồn điền Lợi Ký); người thanh niên bị xử tử trên đồi hẳn là một trong số đồng chí mà Liệt quen biết hoặc nhiều hoặc ít. Khi hoàn cảnh cho phép luột khỏi cuộc hợp tác với đoàn thể Việt Minh (trại tản cư do Liệt phụ trách tan vỡ) thì Liệt vội vã trở lại cuộc đời thường dân và khi có vợ có gia đình rồi thì Liệt vùi đầu vào làm nông tác để quên đi mối sầu đoàn thể mình sẩy đàn tan nghé. Nhưng khi rượu vào thì lời ra, anh riễu chính phủ kháng chiến; để ve vuốt u sầu anh ca những bài buồn, đặc biệt bài “Nguyễn Thái Học”. Mặc dầu chính sách tương đối dân chủ của chính phủ kháng chiến đã chuyển hướng từ đầu 1950, nhưng chưa rõ rệt và cuối 1950 còn những chiến thắng Cao Bắc Lạng làm cho con người thích cởi mở cõi lòng. Sang năm 1951 cuộc học tập chuẩn bị phong trào quần chúng đấu tranh tô tức, đấu tranh chính trị đã tới thời kỳ gay gắt, rồi những thất bại của quân ta trong chiến dịch duyên hải, thêm nữa không quân địch tung hoành bắn phá khắp nơi, không một ngôi đình, không một nếp nhà gạch còn nguyên… Cơ quan thông tin tuyên truyền Liên khu đến đóng đầu làng Liệt (trước cơ quan quân y trung đoàn của Tân chứng một tháng) Trước đây, nghe những lời sàm báng của Liệt, người dân hiền lành địa phương chỉ cho đó là lời bông phèng của một kẻ say vô hại, còn những chi tiết về Hoàng Phố, về Liễu Châu, về tự vệ Khu 7 Hải Phòng thời tiền kháng chiến thì đối với họ cũng xa lạ như những tên ngoại quốc. Nhưng tình thế đã gay go, cơ quan Thông tin tuyên truyền Liên khu lại đóng ngay gần làng, lời nói riễu cợt của Liệt đến tai viên cán bộ chỉ huy cơ quan Thông tin Liên khu. Y giật mình không ngờ trong nội địa xóm làng kháng chiến còn một tên phản động lớn gan đến như thế. Y tức khắc liên lạc với cơ quan kháng chiến hành chính Liên khu… Cơ quan này ra lệnh cho cấp kháng chiến hành chính địa phương bí mật điều tra Liệt. Tình hình quân sự cấp bách hơn: quân Pháp biểu lộ rõ ý chí muốn tiến sâu vào miền trung du hơn nữa. Thế là một buổi chiều kia, Liệt đã uống say đương nói ba hoa giữa sân, thì hai người du kích ập tới với hai khẩu mousquetons. Họ lên đạn ngắm bắn trong khi chị Liệt mặt cắt không còn hột máu, một tay bế đứa bé gái được ngót một năm, tay kia giắt đứa trai nhỏ lên bốn, ba mẹ con đứng dạt bên bờ dậu không ai dám kêu, không ai dám khóc.


Anh Liệt hoa tay:
- A, A! Bác Hồ bảo các chú đến đây bắn ta hả (anh nhíu lông mày, gườm gườm gương mặt), các chú có phải là người bôn-sê-vích?
Hai tay cò cùng bấm. Một sự hy hữu trong lịch sử xử bắn, cả hai viên đạn cùng thối, súng không nổ, anh Liệt cười ngất:
- Bảo mà, ta biết súng của các chú là súng bố láo, súng gỗ sơn hắc ín, đạn là pháo tịt ngòi, ha… ha…
Hai tiếng nổ liên tiếp, Liệt ngã bật ngửa, âm thanh tiếng cười ha ha còn như muốn kéo dài ở cửa miệng, nhưng có lẽ cả hai viên đạn vì bắn gần nên đều trúng chỗ phạm, anh chết tức khắc.


Cuộc xử bắn thật bất ngờ và nhanh chóng. Khi hai tiếng súng nổ vang, Tân còn trên đỉnh đồi. Khi Tân chạy xuống tới nơi thấy Liệt nằm chân co chân ruỗi ở giữa sân, vợ anh, hai con anh tới lúc bấy giờ mới dám khóc; chị khóc nỉ non, đứa gái nhỏ trên tay chị khóc ê a, thằng bé lên bốn ngồi xổm bên thi thể bố vừa mếu vừa khóc: “bố ơi, dậy đi bố…” Trong khi nó kêu bố dậy như vậy, nước mũi của nó đôi khi phồng lên thành chiếc bong bóng nhỏ rồi lại vỡ ngay dưới sức thở mạnh, y hệt hình ảnh những bong bóng nước xuất hiện trên mặt ao khi trời vừa bắt đầu đổ cơn mưa lớn. Hai tiếng súng xử tử Liệt còn đánh thức trong lòng Tân tiếng súng xử tử nhằm ngày nào trong nhà Tân do mẹ kể, còn đánh thức trong lòng Tân tiếng xử tử chàng trai trên đỉnh đồi khu đồn điền Lợi Ký và hai lần tiếng hô “Việt Nam muôn năm” của chàng trai trước khi chết.


Một Việt gian trước khi chết có thể dõng dạc và thành khẩn hô vang lên giữa miền núi đồi hoang vu “Việt Nam muôn năm” như vậy chăng? – Câu hỏi đó chắc đã được nêu lên trong tiềm thức Tân từ thủa đó, nhưng giặc Pháp còn kia, hoàn cảnh lịch sử muôn người như một còn kia, câu hỏi hợp lý không có kẽ hở để nhô lên khỏi tiềm thức. Nhưng ngày nay người Cộng sản Việt Nam đã bắc đầu nhắc chân khỏi miếng đất quốc gia như một thày phù thủy ngỡ mình đã đủ cao tay để vứt bỏ lá bùa hộ mệnh, thì lập tức ngàn vạn câu hỏi cùng xuất hiện long lanh như ngàn vạn vì sao chợt long lanh xuất hiện trên vòm trời một ngày nhật thực. Cũng may mà Tân có một thế giới riêng để say mê, khi đã vào việc chàng quên hết những bực rọc người đời; với chàng vào nghề thuốc là vào một thế giới cao quý trong đó chỉ có hai giai cấp rõ rệt: giai cấp những bệnh nhân đau khổ và gia cấp những người sử dụng con dao cái kéo tận tâm mổ xẻ, băng bó vết thương nhân loại. Vả chăng khi vào bệnh xá thì còn nhớ đến uy quyền huyện ủy, tỉnh ủy, khu ủy… mà làm gì? Nhưng ngoài giờ làm việc, quan sát sự đời, Tân cũng chỉ là một người bình thường, tránh sao khỏi bất mãn? Nhưng ngoài giờ làm việc, quan sát sự đời, Tân cũng chỉ là một người thường, tránh sao khỏi bất mãn? Có điều lạ là mỗi lần buồn bực Tân lại nghĩ đến Kha, người bạn thiết một ngày, nghĩ đến Kha như một liều thuốc mạnh an thần. Chỉ gặp Kha có một ngày làm sao Tân mến Kha đến thế!
Nhưng đôi bạn Tân, Kha còn lâu mới gặp nhau!


V



Kể từ nửa đêm hai mươi chín rạng ngày ba mươi tết, tiếng súng thưa hẳn. Trước đây hơn một tháng vào đêm Resveillon quân đội Việt cũng ngừng hẳn tấn công. Thái độ xã giao đó của cả hai bên tuy rất ngắn ngủi nhưng vô cùng trân thành, tưởng chứng anh lĩnh Pháp có thể thò tay ra khỏi hàng rào dây thép gai biếu anh lính Việt Nam chiếc đùi gà hoặc ngỗng quay và anh lính Việt Nam có thể chuyển qua lỗ châu mai biếu anh lính Pháp chiếc bánh chưng xanh. Trong một phút giao hòa, cả đôi bên cùng cảm thấy cái thậm vô lý của chiến tranh, phút giao hòa đó đã là một giọt nước mát lạnh giữa lò lửa. Chỉ tiếc rằng giọt nước thì nhỏ quá mà lò lửa thì lớn quá, cho nên khi giọt nước rơi xuống, một chút khói bốc lên và lò lửa tiếp tục ngùn ngụt khí thế tàn bạo.


Tình thế yên tĩnh đó kéo dài suốt ngày ba mươi. Buổi chiều Miên đã đi kiếm được chút ít củi mang về lều để sau bữa có thể đốt sưởi và nướng hạt dẻ ăn chờ giao thừa.


Khoảng sáu giờ chiều trời đã chập choạng tối, hơi rừng tỏa ra lạnh buốt, một chiếc Junker xuất hiện từ xa, bay tai lừ đừ tiếng động cơ vang lên đều đều hiền lành và cô độc. Tiếng vang lớn dần. Những tia sáng! Vụt lóe! Vụt biến! Ý nghĩ chợt thấy bất thường! Một loạt nổ rùng rợn đuổi theo tia sáng, xé không khí làm nứt rạn thớ thịt. Mọi người vội vã nằm rạp xuống! Tiếng động cơ xa dần… Nham hiểm! Im lặng!
Tiếng người xôn xao:
- Bom giây!
Một người từ trên đỉnh cao chạy xuống:
- Nó định bỏ vào làng, nhưng trệch, mắt tôi trông thấy chuỗi bom giây nổ liên tiếp trên cánh đồng rìa làng.
- Hú vía! Chắc không ai việc gì.
- Chắc thế!
Đình quân y cách làng chỉ chó năm trăm thước nên thoạt tiên ai nấy tưởng quân y lộ mục tiêu.


Đứng ở cửa phòng mổ nhìn sang bên kia dòng nước, trên một khoảng hơi cao, Miên nhận biết một con đường nhỏ heo hút đưa tắt xuống làng, con đường nhỏ chỉ xuất hiện có một quãng ngắn rồi toàn thể bị cây cối che lấp. Miên muốn xuống làng để hỏi xem tình hình ra sao nhưng trời lạnh ngọt, lại có cố vấn tới thăm bác sĩ T. tại phòng mổ nên nàng ở lại túc trực.


Câu chuyện cuối năm với tính cách xã giao giữa cố vấn và bác sĩ T. đương dở dang thì có bóng đuốc chập chờn trên con đường mòn bên kia dòng nước.


Bác sĩ T. dừng câu chuyện, chăm chú nhìn ánh đuốc ngạc nhiên. Thường thường nếu thương binh về bao giờ cũng có liên lạc viên tới báo trước.


Ánh đuốc tiến tới khoảng cao và mọi người trong phòng mổ nhìn qua màn gaze thấy rõ bóng hai người, tay chống gậy có chạc cáng một người bị thương trên võng (công dụng chiếc gậy có chạc trong tay mỗi người là để khi họ dừng lại nghỉ thì họ đặt đòn cáng lên đó). Theo sau cáng là một người đàn bà bế con. Miên đoán người bị thương là chồng bà ta. Nàng đã không lầm: Người chồng ra thăm đồng tất niên về đến đầu làng thì gặp chiếc Junker thả bom khủng bố.


VI



Người vợ ôm con ngồi đợi bên ngoài cùng hai người làng khiêng cáng. Bác sĩ T. xem xét vết thương xong khẽ lắc đầu:
- Hỏng! Đứt artère fémorale. Xương gãy không quan hệ.
Bác sĩ vẫn còn quen dùng tiếng Pháp! Miên hiểu đứt mạch máu chính ở đùi như vậy, kẻ bị nạn đã mất quá nhiều máu nên tâm thần mê man, mặt tái, toát mồ hôi lạnh, nàng phải đặt dốc đầu bệnh nhân xuống để máu xô đủ lên óc.
Không hiểu vì một hào hứng gì viên cố vấn bảo để cho y mổ, bác sĩ T. phụ tá.


Đã thành thạo trong nghề, Miên biết trước đường lối tuần tự phải theo để điều trị vết thương này. Phải buộc mạch máu lại; phải ghép hai đầu xương cho đúng hai vị trí cũ; phải tiêm thuốc hồi sinh để chống trạng thái mê man của người bị nạn.
Thực ra tình trạng cũng đã bi đát lắm nhưng bác sĩ T. nói: “còn nước còn tát!”


Nguy khốn làm sao, viên cố vấn đại tá quân y về thủ thuật đã bắt tay vào mổ vết thương khá lâu mà vẫn kiếm không ra mạch máu để buộc lại. Bác sĩ T. và Tân đứng đối diện lo lắng nhìn bàn tay hộ pháp với những ngón tay chuối mắn của y luồn sâu vào vết thương như người mổ cá đương cố moi lấy cái bong bóng ở mang cá để vứt đi. Người lính cần vụ (cũng là viên thông ngôn) lấy bình thủy đổ nước nóng ra chiếc chậu con rồi thấm chiếc khăn Hồng Kông có in hình con chim ở một đầu, hàng chữ Good Morning ở đầu khác, mang lại đứng bên trái để lau trán lấm tấm mồ hôi của y, mặc dầu trời lạnh. Miên đứng bên phải y, tay cầm bông thấm máu ở chỗ mổ.
Bác sĩ T. nói với nàng:
- Cô thay bông luôn và thấm kỹ vào kẻo máu chan hòa kín cả chambre opératoire.


Nhưng Miên đã chịu khó thay bông, luôn tay thấm mà những ngón tay chuối mắn vụng về của tên cố vấn càng tỏ ra bất lực trong công việc khẩn cấp tìm buộc mạch máu. Miên thấy xót xa. Bóng người vợ ôm con ngấp nghé ở bên ngoài màn gaze.


Bác sĩ T. đã sang thay cố vấn. Bác sĩ vừa buộc xong mạch máu, định ghép hai đầu khớp xương thì người bị nạn tắt thở.
Đêm lạnh! Thực là lạnh! Đêm ba mươi tết! Người vợ ôm con ngấp nghé ở bên ngoài màn gaze. Bác sĩ T. thở dài… Có lẽ với những chiến sĩ có nhiệm vụ chiến đấu và đã tận tình chiến đấu thì bị tử thương chỉ là sự thường nên bác sĩ ít thắc mắc, trái lại lần này bác sĩ mổ cho người dân với vợ dại con thơ chầu trực bên ngoài…
Hình như mọi người – trừ tên cố vấn, y không chú ý gì hết – đều thấy ngại việc ra báo tin dữ cho người vợ.


Miên vừa đứng dậy quyết định tự đảm nhiệm công việc nặng nhọc về tinh thần đó thì Tân đã dơ tay ra hiệu cho nàng đứng im rồi chàng bước ra phía cửa, tay khẽ vén màn gaze.


Bác sĩ T. ra hiệu lặng lẽ cho hai y tá khác chuẩn bị cáng thi thể nạn nhân lên nhà xác.


Không hiểu Tân nói những gì với người vợ, chỉ biết nàng khóc thét lên rất lớn rồi thôi hẳn không bù lu bù loa như thường thấy. Sự im lặng vì thế càng lạnh lẽo, càng đát, sự im lặng của tuyệt vọng, của cảm chịu.
Hai người nâng cáng nạn nhân khi nãy bắt đầu châm thuốc. Tiếng bước chân chuyển động nhẹ. Tiếng lội nước lõm bõm sau cùng cho Miên hay người vợ đã qua lạch nước. Nàng ngẩng lên nhìn qua màn gaze phất phới, ánh đuốc tỏa rộng và kết thành hai vùng hào quang bao bọc lấy hai đầu người, một của người mẹ và một của đứa trẻ.


Trí óc Miên lộn xộn ở phòng mổ. Trí óc Miên tiếp tục lộn xộn khi trở về lều nằm. Hình ảnh của người đàn bà và đứa bé… Tiếng khóc thét tuyệt vọng rồi im bặt… Ý nghĩ về đời người… Ý nghĩ về chiến tranh…. Tất cả quay cuồng lộn xộn trong trí, Miên thấy hận đời, thấy kiếp người phù vân quá, thấy trí thông minh của con người cũng bất lực (bác sĩ T. thất bại), thấy tình thương vợ chồng, tình con thương cha mẹ sao mà mênh mông. Người ta bắn giết nhau làm gì? Xét riêng đời sống từng cá nhân, đem tình ra mà đối xử với nhau thì tính mạng con người vô vàn cao quý, xô từng loại người vô danh vào guồng máy chiến tranh thì mạng người chẳng hơn gì con ong cái kiến.


Những người vừa làm việc tại phòng mổ được miễn tới dự buổi khai hội giao thừa. Miên thiếp đi giữa tiếng reo hò… Miên nằm mơ thấy Hiển về, nàng cúi xuống cởi giầy cho người anh mà nàng coi như người cha, nàng ngồi cạnh đôi giầy trường chinh và thấy mình bé đi như cô bé tí hon ngồi dưới bóng đôi hia bảy dặm. Hình như chinh chiến không còn. Hiển tiếp tục kể cho nàng nghe truyện cổ Đông – Tây, nhưng những truyện cổ đó sao vẫn đượm vẻ đau buồn của chết chóc? Trí Miên bỗng lãng đi, quên khuấy mất người anh cương trực của mình và một vừng trăng khuyết như bốc lên tự hồn nàng… Hồn mộng của nàng tiếp tục đi vào vùng ánh sáng buồn bã đó. Ớn lạnh!
Ba Sinh Hương Lửa
KHAI TỪ
Phần I - CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU- Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần II - MÀU TÍM HOA LAU -Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần III- GIÃ TỪ - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7