watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ba Sinh Hương Lửa-Phần I - CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU- Chương 1 - tác giả Doãn Quốc Sỹ Doãn Quốc Sỹ

Doãn Quốc Sỹ

Phần I - CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU- Chương 1

Tác giả: Doãn Quốc Sỹ

I


Quê Tân- Vũ Đình Tân- ở làng Lại Vũ thuộc huyện Từ Sơn( Bắc Ninh), ngay bên tả ngạn song Đuống, cách cầu Đuống chừng hơn một cây số, vào những ngày đẹp trời làng Lại Vũ vẫn có thể nghe thấy tiếng còi mười giờ vẳng lên âm u từ Hà Nội.


Lại Vũ!- Nghe các cụ truyền lại thì sỡ dĩ đặt tên làng như thế vì thoạt kỳ thùy chỉ có hai họ Lai, Vũ đến sinh cơ lập nghiệp tại đây rồi về sau mới có thêm những họ Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn,…


Lên năm, Tân theo học vỡ lòng ông giáo Hanh ở xóm chợ. Sang năm lên sáu, Tân đã được ông giáo dạy tiếng Tây, chỉ học Vocabulaire thôi. Ông giáo chép những tiếng mots đó ở quyển sách in bên Tây. Trên bàn ông có quyển tự điển Pháp Việt rất còm cõi của vị cha cổ nào đó người Pháp. Nhiều khi gặp phải tiếng khó, ông giáo Hanh tra quyển từ điển không có, ông cau mày gắt, nửa như tự gắt, nửa như gắt với cuốn tự điển:
- Thế là cái đếch gì, thôi bỏ!
Sau khi lũ tiểu tử đã theo lệnh ông hí hoáy gạch bỏ tiếng mot không có trong tự điển đó, ông tiếp tục giảng sang chữ khác. Ông đọc chữ Pháp trước, học trò đọc theo; ông đọc nghĩa chữ Việt sau, học trò cũng đọc theo.


Có một trường hợp hãn hữu về nghĩa chữ mà Tân còn nhớ đến nay: Theo ông Hanh thì café là cà- phê, le café là nước cà- phê; thé là chè, le thé là nước chè.


Còn một điểm nữa mà vì ngày đó Tân còn nhỏ quá không nhớ rõ, là ông giáo Hanh khi đề ngày tháng thì chỉ những ngày đầu tháng ông mới chịu ghi thêm quán từ le; tỉ dụ: Lundi le 3 Janvier 19… Từ mùng mười trở đi ông bỏ quán từ le viện cớ rằng bên chữ nho- ông giáo thông cả chữ Nho - các cụ cũng chỉ dùng sơ cho những ngày đầu tháng thôi... tỉ dụ: Duy Hoàng nam Bảo Đại, Quý ù ng sơ?


Học chữ Tây ông giáo Hanh được nửa năm thì thầy xin cho Tân vào học lớp năm trường làng.


Vào những năm lên sáu, lên bảy, lên tám này, trí nhớ của Tân ngày nay chỉ còn thôi thóp giữ được chút ít hình bóng kỷ niệm. Một điệu hát nữa Tây nữa Ta đượm tính chất bỡn cợt ngây ngô:
Mình ơi có đi bờ hồ
Ăn kem… ăn kem kẹo dừa, ăn bánh ga- tô.
Một điệu hát khác phổ biến hơn, đó là bài Tạ riễu người Tàu:
Ngộ bên Tàu là ngộ bên Tàu
Ngộ bên là ngộ mới sang
Sang Nam Việt bán buôn làm giàu.
Kèm theo bài Tạ này là tiếng đàn tàu, chiếc đàn tròn như đàn nguyệt nhưng cán ngắn; cũng vì giây ngắn hơn đàn nguyệt nên tiếng đàn trong và cao nghe lanh chang hời hợt như tiếng cười tiếng nói của đứa trẻ mới lớn chứ không thâm trầm chín chắn như tiếng đàn nguyệt.


Tiếng đàn bầu của chú Phan hàng xóm sao mà buồn! Chú bị tật khoằm chân từ thưở bé, cha mất sớm, mẹ nghèo. Phải chăng vì thế chú chọn đàn độc huyền để phổ tâm tình u buồn của chú vào đấy? Khi chú ngồi xếp vòng tròn gầy đờn thì không ai trông thấy tật chân của chú. Thụy, người con gái xinh xinh ở ngay phía sau nhà chú, đêm đêm xay lúa sảy gạo, khuya nghe tiếng đàn bầu của chú mà thổn thức cõi lòng.
Đàn bầu ai gẫy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.
Làm sao mà Thụy không nghe cho được? Tiếng đàn trong đêm khuya thanh vắng như rót vào tai. Thụy xinh như cánh hoa đào. Trong vườn nhà Thụy kế cận nhà Phan có cây đào, về cuối đông hoa nở đón xuân. Khi nghe tiếng đàn của Phan, Thụy buồn như cánh đào đọng ướt trong một ngày cuối đông có mưa phùn. Thụy thành thím Phan rồi suốt đời Thụy tận tụy hầu hạ Phan, hình ảnh Phan với Thụy là hình ảnh người ngồi xếp vòng tròn gảy đàn bầu chứ chẳng phải hình ảnh Phan lúc đứng dậy đi tập tễnh.
Trong số những bạn của thầy, Tân còn nhớ có ba bác: bác Ký, bác Từ và bác Thạc.


Thứ nhất là bác Ký, người phong tình, quần chúc bâu áo vải phin trắng nõn, bao giờ hai túi cũng nặng trĩu thư tình. Mỗi lần viết xong một bức thư mới, bác thường mang lại đọc bàn với thầy để sửa gọt từng câu chữ trước khi gửi đi, sau mỗi câu đắc ý hai người lại vỗ đùi cười ha hả. Mở đầu bức thư nào cũng bằng ba tiếng rất sang trọng: Thưa quý nương… rồi tiếp đến những câu văn biền ngẫu tề chỉnh thiết tha. Lăm ly nhất là sau mỗi tiếng: “Ôi!” lại có một câu tập Kiều. Tỷ như:
Thưa quý nương,
Từ ngày gặp quý nương tôi những đêm năm canh trằn trọc, ngày sáu khắc mơ màng ruột tằm trăm mối, đòi đoạn vò tơ!
Ôi!
Người đâu gặp làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Bỗng bác Ký bỏ làng đi đâu xa, hình như về một huyện nào thuộc tỉnh Hà Đông, rồi có tin bác Ký dính líu vào vụ cướp(!) và bị mang ra xử tại tòa Đại hình, rồi bị đầy đi Côn Đảo. Kỷ niệm thì đứt nối, đầu óc Tân hồi đó lại non nớt quá nên sau này mọi khi ôn lại kỷ niệm ngày nhỏ, nhớ đến bác Ký, Tân vẫn không hiểu duyên cớ gì đã khiến bác Ký chuyển hóa từ chàng thanh niên phong tình quần áo trắng nõn sang một tên ăn cướp rồi bị tù đầy. Sau cùng Tân ngờ rằng bác có tham gia hội kín, rồi hoặc bị tay sai của thực dân vu khống, hoặc người làng sợ vào săng-tan hỏa lò nên phải nói chệch ra như vậy.


Thứ hai tới bác Tử người cao, khuôn mặt xương xương, nước da trắng, râu rậm khi cạo nhẵn còn xanh om, trông bác có vẻ đẹp phong lưu sáng sủa của người trí thức ngày nay. Mà theo sự xét đoán của cậu bé Tân thì bác xứng đáng là trí thức lắm vì bác viết chữ nho rất đẹp, đọc truyện Kiều, Cung Oán, Chính Phụ, Bần- nữ- thán toàn bản chữ nôm. Câu chuyện của bác bao giờ cũng vui, một số nhân vật đặc biệt của làng đều được bác ghi nhận và tả lại bằng những nét điển hình đượm tính chất hài hước. Quả thực bác phải thông minh lắm mới có được những nhận xét tinh tế như vậy. Câu chuyện của bác hấp dẫn đến nỗi mỗi khi thấy bác đến chơi là Tân quanh quẩn ở nhà. Nhiều câu chuyện vui của bác nói với thầy, Tân không hiểu nghĩa nhưng thấy cả hai người cất tiếng cười khoái trá thì Tân cũng vui lây. Tân thích tiếng cười của bác Tử, tiếng cười sang sảng, ranh rách, lanh lảnh đượm chút kiêu kỳ của người hiểu đời, vẫn thích sống giữa đám nhân gian nhưng vẫn khinh thế ngạo vật. Hằng năm cứ vào gần tết mẹ lại mua một chục tờ giấy đỏ khổ rộng có đốm trăng kim, thầy mời bác Thử đến viết lại hoành phi câu đối thay những cái cũ. Bức hoành phi khung gỗ treo ở chính gian giữa có ba chữ “ ĐỨC LƯU QUANG” nét chữ đại tự rắn rỏi nhưng cũng cao và hơi gầy như bác Tử. Đôi câu đối dán hai bên cột tre ( dạo đó nhà Tân còn là nhà lá) nét chữ bay bướm hơn:
Phúc sinh phú quý bình an thịnh
Lộc tiến vinh hoan sự nghiệp hưng.
Mùa xuân năm Kỷ Tỵ( 1929) ( Tân lên bảy) thầy mẹ khởi công xây nhà gạch. Năm trước- năm Mậu Thìn- mẹ đã cho xây bề và lát sân, cả làng ai cũng khen mẹ buôn bán đảm. Ba chữ triện lớ "KỶ TỴ XUÂN” đắp bằng xi măng ở phía trước tường hoa trán mái cũng là do bác Tử viết rồi căn lên giấy dầu làm mẫu cho thợ nề đắp.


Vật đổi sao dời… bác Tử nghiện, rồi nghèo xơ xác, rồi ôi, thực chẳng ai ngờ, bác đi ăn trộm. Bác không dám đến chơi với thầy nữa, thỉnh thoảng Tân gặp bác ngoài đường, bác gầy quá, râu ria xồm xoàm, quần áo mỏng tanh rách mướp, dáng đi tơi tả, hèn mọn, đầu hơi cúi xuống để không nhìn ai và để mặc ai nhìn mình. Theo dư luận người làng thì sở dĩ bác “ xuống” thế vì cụ thân sinh ra bác ngày xưa là một nhà nho bất đắc chí xoay ra gá bạc làm bao nhiêu người làng thất cơ lỡ vận. Vì sự tích ông bố "chứa thổ đổ hồ” như vậy nên nay bác chịu nghiệp báo "đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Về sau này khi Tân đã lớn, các con bác Tử cũng đều trở thành và làm ăn khá giả để phụng dưỡng bác tử tế. Đã có dạo bác cai được thuốc nghiện và người làng lại được dịp nghe giọng nói hài nước của bác chế người nãy riễu người nọ, nhưng thực tình giọng nói cũng như tiếng cười của bác không còn được sang sảng như xưa: Tuổi trẻ đã mất, sự hồn nhiên đã mất, bác còn đeo nặng những lỗi lầm của dĩ vãng! Cai được mấy năm rồi bác hút trở lại, bác mở một bàn đèn để thường xuyên tiếp các khách hút tài tử người làng hoặc người làm tổng, bác tiêm hầu lấy sái. Câu chuyện quanh bàn đèn của bác nghe đâu dí dỏm lắm và luôn luôn rộn tiếng cười nhưng ở đây là cả một thế giới khác, Tân chưa hề đặt chân tới để chứng kiến bao giờ.


Sau cùng là bác Thạc bác hiền nhất trong ba người. Bác có cửa hàng bán kẹo, bác rất yêu Tân và ngày bé Tân được bác "đắp” cho – lời mẹ- biết bao là kẹo bánh. Trong những cuộc họp mặt đông đủ cả bốn người (thầy và ba bác) câu chuyện của bác Thạc chắc chẳng có gì là đặc sắc cho nên tới nay khi nhớ đến bác, Tân không hề giữ được lời nào. Cùng một tai họa làm bác phá sản: nghiện! Vốn hiền lành nên vẻ tang thương của bác khi đã mắc nghiện trông càng hèn mọn. Tân còn nhớ một ngày đầu năm kia, bác mặc chiếc áo the thâm màu nước dưa đã sờn vai và rách khuỷu, bác đội chiếc khăn xếp chữ nhân bạc phếch cũ nát, bác lễ trước bàn thờ nhà Tân và khi ra về mẹ biếu bác một dộp (hai chiếc) bánh chưng. Tân buồn mãi vì thương bác. Về sau bác thành một người nhớ hết những ngày giỗ của người làng bất kỳ thân sơ; ngày đó bác mang vàng hương lại lễ rồi điềm nhiên ngồi đợi gia chủ mời vào mâm ăn. Bác còn sống mãi, lay lắt như vậy cho đến năm đói- 1945- thì chết.


Mỗi độ xuân về, gia đình Tân vẫn được vui xuân bằng "bánh chưng xanh thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” thì ba bác đã lần lượt rơi vào cảnh tàn tạ nào tù đày nào nghiện ngập, Tân còn nhớ mang máng cảnh mẹ ngày đó lo sốt vó khi hay tin đến lượt bác Thạc nghiện, vì mẹ sợ thầy rồi cũng đến đua anh đua em mà rơi vào cảnh truy lạc nối.
Vụ án cụ Phan Bội Châu với những lời nói đanh thép nồng nàn tinh thần ái quốc của cụ trước toàn án có thể để lại tiếng vang trong trí óc non nớt của Tân. Mãi tới sau này cụ đã mất ở Huế rồi, Tân còn được nghe lời nói thiết tha của một bậc vào hàng cha chú: “ Bình sinh tôi chỉ ao ứơc thực hiện được hai điều, một là vào Huế yết kiến cụ Phan, hai là uống rượu thi ca với Tản Đà.” Trong khoảng thời gian này tiếng hát véo von tại làng thường là những câu ngâm ái quốc tỳ như bài "Tiễn Chân Anh Khoá” của Á Nam Trần Tuấn Khải:


Anh Khóa ơi, mẹ tiễn chân anh ra tận bên tầu,
Hai tay em đỡ cái khăn giầu em lấy đưa anh;
Tay cầm giầu giọt lệ chạy quanh,
Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương.
Anh Khóa ơi, cái bước công danh ngoắt ngoéo đủ trăm đường.
Anh đi một bước, tấm gan vàng em sẻ làm đôi;
Kìa người ta bè bạn vui cười,
Anh em ta thương nhớ, chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau.
Anh Khóa ơi, còi tu tu tầu sắp kéo cầu.
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây.
Trông anh, em chẳng nở dời tay.
Nỗi riêng em dặn câu này, anh chớ có quên.
Anh Khóa ơi, kìa người ta lắm bạc nhiều tiền,
Anh em ta phận kém duyên hèn mới phải long đong.
Một mình anh nay Bắc mai Đông,
Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya


………………………………….
Hoặc một vài câu trong bài “ Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu:


Ngày mong mỏi vía con ấm tử
Tối vui chơi mấy đứa hầy non.
Trang hoàng gác tía lầu son:
Đã hao mạch nước lại mòn xương dân.
Thời Tân còn nhỏ không bao giờ mẹ ôm Tân ru ngủ vì Tân có tật hễ cứ nghe tiếng ru là khóc thổn thức. Tân thấy tiếng hát ru đó ảo não quá! Thường thường đích thân thầy phải ôm Tân rồi vừa đưa võng vừa đập vào cột dọa đánh” con mèo này, con chuột này,” ấy thế thì Tân ngủ. Khi Tân đã thiu thiu thầy mới ngâm thơ( chứ không hát ru). Bài thầy vẩn ngâm mãi sau này Tân mới hay đó là một bài thơ ái quốc tiêu cự của Trần Tế Xương, bài "Nhớ bạn”:
Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa xa có nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ ra buồn bã,
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng
Khi riêng, riêng cả đến tình chung.
Tương tư chẳng lọ là mưa gió
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.
Sự hoạt động của liệt sĩ Nguyễn Thái Hoc và việc ông cùng mười hai đồng chí lên đoạn đầu đài Yên Bái có để lại một tiếng vang hoang đường. Ngày đó Tân, cậu bé lên tám, có nghe xì xào dư luận giữa đám người lớn: Nguyễn Thái Học có phép tành hình nên Tây không bắt được; rõ ràng một lần mật thám Tây đã cùm được tay ông nhốt vào ngục, rồi hôm sau vào kiểm soát thì chỉ còn thấy giây xích không; lại có tin đồn một lần Nguyễn Thái Học bị bắt, ông nói mấy lời cho tên cai nguc nghe, tên này ứa nước mắt khóc rồi ông tàng hình mất. vẫn dư luận trên kết luận: “ Cho nên nhất định Nguyễn Thái Học chưa chết, việc Tây xử trảm mười ba liệt sĩ tuy có nhưng nhất định sau đó Nguyễn Thái Học tái sinh.



II



Sau vụ mười ba liệt sĩ lên đoạn đầu đài (1930) “ sinh hoạt văn nghệ” của làng nghèo nàn lắm, tiếng ngâm sa mạc những bài ca ái quốc không còn. Chỉ còn tiếng đàn bầu ngày một não nuột của chú Phan, tiếng nhị réo rắt của bá Phấn và đặc biệt tiếng sáo vô cùng thê lương của câụ Vinh cùng tiếng hồ chao ôi là âm thầm của anh Pháo, đến mỗi người làng đã phải nức nở khen bằng câu thành ngữ: “ Hồ Pháo, sáo Vinh.” Về văn chương chỉ còn những câu đối vặt, những bài văn tế sáo, những bài vè chế riễu nông cạn. Cụ Tỉnh cùng xóm có tậu một khoảng vườn hoang. Cụ tậu khoảng vườn này để làm dành phần cho đứa con thứ hai. Đối diện với nhà cụ chỉ cách có con đường xóm, sát với thửa vườn đó là nhà Hương Chỉ, một người trạc ngoài tứ tuần, ương gàn và tham lam. Mỗi lần rào lại nhà, Hương chỉ lại lấn sang vườn cụ Tỉnh một ít. Cụ Tỉnh bèn viết hai vế câu đối chữ nôm lên tường đối diện với cửa ngõ nhà Hương Chỉ để bày tõ quan niệm triết lý nhân sinh của cụ đối với việc Hương Chỉ lấn đất.
Đất hỡi trời ơi sống tham đất
Giời soi đất xét chết giả trời.
Mỗi khi làng có ông già bà cả nằm xuống, người nhà thường đến xin bài văn tế tại nhà cụ huyện Từ- cụ đậu cử nhân rồi được bổ nhậm ngay tại huyện nhà- Từ Sơn. Tại chức chưa đầy một năm thì cụ cố mất, cụ treo ẩn từ quan về quê thọ tang và từ đấy thôi không ra làm quan nữa. Cụ có ba phòng: Cụ bà Cả hiền lành sinh được mấy cậu ấm cô chiêu cũng hiền lành. Cụ bà Hai đẹp đài các, biết làm thơ, cháu một vị Tam Nguyên, làng vẫn mệnh danh là “ bà huyện Thanh Quan" sinh hạ được một trai một gái đều đẹp và thông minh. Bà Ba trẻ hơn cả, dáng cao lớn, không đẹp nhưng chắc chắn hồi trẻ phải gợi tình lắm; mồm mép bẻo lẻo người làng gọi đùa là " bà lắm chuyện”, bà nổi tiếng khéo chiều chồng, một điều bẩm quan lớn, hai điều bẩm quan lớn. Bác Tử cười ranh rách nói riễu: “ Thấy quan lớn tiểu tiện chắc bà vội vã chạy lại xin nâng bàn thấm cho khỏi rớt!” Một hôm khác có đông đủ thầy và ba bác, nhân thoáng thấy bóng bà qua ngõ, bác Ký nói: “Kìa bà lắm chuyện vừa đi qua!” bác Tử ứng khẩu đọc bốn câu vè:
Chuyện ông huyện để g…ra,
Bà huyện tưởng quả cà vác bát lại xin.
Ông huyện vừa quát vừa rên:
Rằng đây cái g... của min đó mà.
Bác Thạc cười gập người lại, mặt đỏ như mào gà. Bác hiền lành ít nói nhưng khi thích chí thì cười thực tình.
Người làng vẫn đến xin bài văn quan huyện từ vì cụ là người trung hậu, bài văn chỉ cả ngợi công đức và bày tỏ lòng hiếu của con mong được đền ơn sinh thành( như chính cụ đã treo gương) chứ không hề dùng văn chương để móc máy gia chủ như mấy ông đồ bất đắc chỉ. Tân có ông cậu rất ham đi ả đào Khâm Thiên hay Ngã Tư Sở. Ông ngoại Tân mất đúng vào ngày ba mươi tết, phải quàn quan ván đợi đến mồng sáu tết mới phát tang mà làm ma linh đình. Ông cậu Tân có nhờ ông đồ Ba (gọi vậy vì ông đỗ tam trường) làm cho một đôi câu đối khóc cha. Vế đầu ông viết đại ý: hơn một ngày không ở kém một ngày không đi nên cha mất vào ngày tất niên; vế thứ hai ông hạ rất thâm thúy, Tân còn nhớ nguyên vẹn vế đó:
Xót xa lòng hiếu tử, đêm xuân trằn trọc trống năm canh.
Vừa có nghĩa tả lòng xót xa thương cha của người con hiếu, vừa có nghĩa là: “ người con hiếu” đó đã trằn trọc không ngủ được, sốt ruột vì tiếng trống (trống cô đầu) rộn rã suốt đêm xuân.
Đáo để nhất trong số các nhà nho bất đắt chí phải kể đến ông tú Mền (ông đỗ ba lần tú tài), không ai dám đến xin ông câu đối hay hoành phi. Ông hay chữ và nguy hiểm đến có thể xếp cùng hạng với các bậc bất hủ Trạng Quỳnh, Tú Xuất ngày xưa; tỷ như chỉ cần cho hai chữ hoành phi "Đại Lại” là đủ đánh gia chủ một đòn chí tử về tinh thần; rõ ràng hai chữ hoành phi đó là ca ngợi họ Lại lớn nhưng lại ngầm móc ông tổ ba đời nhà họ Lại làm nghề lái lợn (Đại Lại= Lớn Lại= Lái Lợn). người hiền nhất trong số các nhà nho làng Lại Vũ là ông Đồ Thinh, ông chỉ thích kim Dịch và xem tử vi, ông hiếm hoi có một cậu con trai tên là Chủy mà số tử vi lại không được tốt lắm cho nên ông hơi buồn. Chúng ta sẽ có dịp gặp lại ông đồ Thinh và Chủy sau này.
Ấy đại loại không khí văn nghệ làng Lại Vũ từ sau vụ mười ba liệt sĩ lên máy chém ở Yên Báy để nợ nước là như vậy:” Tiếng sáo véo von, tiếng nhị réo rắt, tiếng hò tiếng đàn bầu buồn thảm, câu đối, thơ, vè nói móc nhau…”




III



Để bế mạc cho một thời thơ ấu tưởng phải kể thêm một kỷ niệm sau này của Tân. Ngày đó vào trung tuần tháng ba năm Tân Mùi- 1931- Tân bước sang tuổi lên chín, chùa làng đúc chuông xong mở hội khánh thành. Khách thập phương về đông như kiến cỏ vì câu nói của miệng thời đó:” Thành Hoàng đình Tông, Đức Ông Chùa Lại.” ( Thành Hoàng đinh làng Tông Chỉ và đức ông chùa làng Lại Vũ có tiếng là thiêng). Nhân dịp hội chùa này mẹ có mở một ngôi hành giải khát ở ngay gian giữa tam quan chùa, ngày đầu mẹ cho Tân uống một thứ nước trong vắt khi mở ra rót vào ly có sùi bọt, uống vào thấy tê tê đầu lưỡi, mẹ gọi là nước chanh. Buổi tối có hát tuồng, dân làng dựng rạp giữa bãi cỏ phía bên tam quan. Ông lý trưởng làng Lại Vũ là một tay sành tuồng, đáng trống chầu hay, đích thân đi tới làng Phùng cách làng nhà chừng hai mươi cây số đón bằng được Phùng về. Trùm phường Phùng là kép Chí có tài đặc biệt đóng Quan Công. Tân nghe nói mỗi lần đóng Quan Công, y phải xin âm dương trước. Rồi suốt buổi tuồng, trong buồng trò, trên bàn thờ mới thiết lập có treo tranh Quan Công, phải hương nến thường xuyên. Để anh linh đức Thánh Quan khỏi nổi giận, trùm Chí phải hóa trang khác đi chút ít với khuôn mặt của Ngài xưa bằng cách kẻ thêm mấy đường đen trên khoảng mặt đã bôi son đỏ.
Tối hôm đó Tân được xem tích Hoa Dung tiểu lộ. Danh bất hư truyền! Kép Chí người cao lớn, giọng vàng sang sảng đóng vai Quan Công thật tuyệt. Trước khi Quan Công ra, tất cả khán giả có tới hàng trăm người ngồi hoặc đứng im phăng phắc nghe thấy tiếng tim hồi hộp của mình cùng tiếng muỗi vo ve trên ngọn cỏ gần đấy. Thoạt là một hồi trống chiêng rãi rệ rồi đỗ rồn. Rồi màn trò hé lên vừa đủ cho Quan Cọng ra, mặt đỏ râu dài, trước trán giản dị là một vòng đai lấp lánh để giữ vuông khăn xanh trùm đầu và tỏa xuống che kín khoảng lưng vai. Mỗi bước khoan thai đĩnh đạc của Quan Công là tiếng trống kèm theo tiếng chiêng điểm nhịp tưởng chừng trái đất rung chuyển dưới bước chân cương nghị của Ngài. Không khí uy nghi như thiện đình, đai mũ và áo bào của Ngài như đè nặng lẹn cảm giác của khán giả. Tiếng chuông trống vừa dứt tiếng Ngài thét, giọng vàng sang sảng ngân dài. Tiếng thét dứt, Ngài hất chòm râu về phía sau đôi mắt long lanh một niềm uy vũ bất khuất…
Rồi Ngài bắt sống được Tào Tháo ở đường hẻm Hoa Dung. Trông thằng Tào Tháo quỳ mọp dưới chân Ngài đến là hèn, nó kể lể công nó thù phụng Ngài thủa thất thủ Hạ Bì trước đây, ba ngày yến nhỏ năm ngày yến lớn, biếu Ngài ngựa xích thố, lại may túi gấm đựng râu Ngài…
Rồi Ngài nhân từ tha Tào Tháo….
Rồi Ngài bị Gia Cát Lượng đòi chiếu theo quân pháp chém đầu.
Rồi Trương Phi kể lể cùng đại ca Lưu Huyền Đức công nằm gai nếm mật của Ngài trải gian nguy từ thưở đào viên kết nghĩa…
Rồi Ngài được tha…
Tân sung sướng thở phào khoan khoái tưởng chừng chính Tân vừa thoát khỏi từ hình. Một tình cảm kính mến uy nghi tràn lên dâng ngập hồn thơ ấu của Tân.
Tấn tuồng trang nghiêm hết, sang phần chèo cổ hý lộng để kết thúc đêm vui. Đó là một tấn chèo riễu anh nhà quê ngớ ngẩn bị lừa dối, rồi cả hai đem nhau đến cửa quan. Ông quan liêm chính này cho đào hố gần gốc câu mai cổ thụ, một người lần xuống đó, ộng qua vờ tra tấn gốc cây khiến cây thốt lên lời tố cáo người vợ…


Anh chồng thật là một tên hề đại tài. Anh có hai râu mép quặp xuống (vẽ bằng mực). Anh quấn khăn đầu rìu, áo cài lẫn khuyết, quần ống thấp ống cao, anh cất lời nói là khán giả cười rộ, khi anh bị vợ lừa dối cất tiếng than, khán giả tuy thương mà vẫn không nín được cười.


Tan chèo, trên đường về Thầy nói với Mẹ:
- Thằng cha trùm Chí đóng giỏi thật, vai nào cũng tuyệt.
- Vai anh chồng ai đống đấy hở Thầy?- Tân hỏi.
- Trùm Chí chứ còn ai!- Thầy đáp.
Ủa trùm Chí- Tân nghĩ- Trùm Chí vừa đóng vai Quan Công mặt đỏ râu dài uy nghi chính khi?! Không có lẽ, không thể được, làm sao có thể thế được?! Một người vừa mới một giờ trước đây cất từng bước đĩnh đạc có tiếng chuông tiếng trống điểm nhịp làm lóng lánh những trân châu trên đai mũ trên áo bào, tiếng thét uy vũ làm run sợ Tào A Man, thanh long đao múa lên làm địch quân chạy rạt, kể cả khi Ngài đứng yên giữ thế vuốt râu địch quân cũng không dám lại gần, cũng người đó làm sao có thể chỉ một giờ sau thành anh hề râu quặc đen như nhọ nồi run cầm cập dưới sự xỉa xói của cô vợ đanh ác, nhớn nhác khi đến cửa công. Không thể được! Làm sao có thể thế được! Tân thao thức, Tân băn khoăn, Tân chợp ngủ nhưng lòng vẫn chối nhận việc trùm Chí vừa đóng vai Quan Công uy nghi ở tuồng trướ lại đóng vai anh chồng ngớ ngẩn ở vở chèo sau. Không thể được! Làm sao có thể thế được! Trí non nớt của Tân ngày đó cho rằng khi đóng tuồng nhân cách của con người đóng với nhân cách vai tuồng phải vĩnh viễn là một. Đã đóng Quan Công thì cũng phải có đức tính trung nghĩa như Quan Công và không thể ngay sau đó đóng vai anh hề sợ vợ được.


Sau này vào năm thi bằng cơ thủy- năm mười bốn tuổi- Tân được đọc một chuyện cổ tích Ba Tư ở sách “ Tứ Dân Văn Uyển.” Chuyện đọc đã lâu ngày, đại ý Tân chỉ còn nhớ loáng thoáng:
“ Có một cô vợ rất đẹp kia lừa chồng, nàng có tình nhân. Một hôm nàng ra chợ, từ vua quan đến thường dân ai cũng muốn bắt nhân tình với nàng. Nàng vờ ưng thuận hẹn ngày giờ gặp mặt, ở ngay nhà nàng. Qua cửa hàng thợ mộc anh này cũng muốn bắt nhân tình với nàng nốt. Nàng bèn nhờ y đóng cho một cái tủ có năm ngăn lớn rồi cùng hẹn y ngày giờ đến nhà nàng. ( Tất cả có năm người muốn hưởng thụ ngàng, kể cả anh phó mộc). Chiếc tủ lớn được đóng xong kịp thời kê vào góc phòng, những kẻ thèm khát ái tình kia lần lượt đến đúng với ngày giờ quy định, nhưng rồi họ chưa kịp hưởng thụ gì đã kẻ trước người sau phải lần lượt ẩn mình vào một ngăn kép lớn vì cứ mỗi lần nghe tiếng gõ cửa, người vợ lại làm bộ cuống quít là chồng về. Sau khi năm người tình bất đắc chí đã nằm im thin thít trong năm ngăn kéo của chiếc tủ khổng lồ thì tình nhân nàng đến, đôi uyên ương đó chắp cánh tung trời bay đi xa… Ở lại trong tủ thoạt người trên cùng đái lên đầu quan đại thần, quan đại thần đái lên đầu anh thợ mộc, anh thợ mộc đái lên đầu vu, vân…vân…Tóm lại trong số năm người thì bốn người đái lên đầu nhau. Rồi anh chồng về, mở khóa ngăn kéo cho năm người ra…


“ Khi ai nấy đã rõ chuyện thấp mưu thua trí đàn bà- lời tác giả Ba Tư kết luận câu chuyện cổ tích- nhà vua bèn an ủi chồng mất vợ bằng cách ban cho ông bổng lộc và quan tước để anh cùng nhà vua và quan đại thần chung lưng sát cánh trị dân mặc dầu các ông trị mình cũng không nổi.”


Đọc xong câu chuyện cổ tích Ba Tư này Tân bỗng liên tưởng đến trùm Chí trong vở chèo sợ vợ. Tội nghiệp, cho mãi đến sau này đã chứng kiến bao cảnh phế hưng với những vai hề chánh trị mà mỗi khi nhớ lại tấn tuồng Hoa Dung Tiểu Lộ, trong cõi sâu tâm tưởng Tân vẫn muốn phủ nhận vai hề kia và cứ muốn đinh ninh rằng đêm đó trùm Chí chỉ đóng có vai Quan Công.
Ba Sinh Hương Lửa
KHAI TỪ
Phần I - CÂU CHUYỆN KHỞI ĐẦU- Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần II - MÀU TÍM HOA LAU -Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Phần III- GIÃ TỪ - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7