Chương 3
Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
Mồng bốn Tết!
Toàn thể gia đình ông Phán có mặt tại đêm lửa trại và ngồi ở hang ghế danh dự cùng với ban giám đốc và các đội trưởng trong số có Tân. Ba cậu nhỏ Cung, Tiến, Cận ngồi kèm hai bên ông bà Phán ở hàng ghế đầu. Hãng ngồi ở hàng ghế thứ hai. Anh mặc ngoài chiếc áo chandail nên trông càng vạm vỡ; nước da rám đen, khuôn mặt vuông, đôi mắt linh hoạt tố cáo anh vào hạng đào hoa lịch lãm. Ngồi hai bên ạnh là Vân và Thi.
Sau lời tuyên bố khai mạc mọi người đứng dậy làm lễ chào cờ và mặc niệm. Ạnh chàng sinh viên kiến trúc với cây vĩ cầm phụ trách độc tấu bản “Tiến Quân Ca” và bài “Mặc niệm” , tiếng đàn sắc gọn ở barnthwus nhất và rất réo rắt ở bản thứ hai, tới nốt dài cuối cùng, anh chàng bấm thành nốt láy – trille – bồi hồi thổn thức. Khi tiếng đàn dứt hẳn, mọi người thở phào, tiếng tấm tắc ngợi khen như một luồng điện truyền nhanh qua các cửa miệng. Không một thanh niên nào tỏ vẻ lưu tâm đến tài của anh. Điều kỳ dị nhất là chính anh chàng cũng chẳng hề tỏ vẻ chú ý đến hai người đẹp.
Càng về khuya than hồng càng đượm, đôi mắt Vân long lanh, đôi gò má nàng hồng căng như có tiết ra hơi nóng nồng nàn, nụ cười của nàng tươi tắn cởi mở, thỉnh thoảng nàng khoa tay, đôi cánh tay đẫy đà nổi hẳn dưới làn phin trắng, đôi bàn tay với những ngón thon dài, mỗi khi nhón cầm cái gì ngón út thường uốn cao và cong lên. Thi ngồi ngay bên, người ngây trong sáng. Kể cả lúc than hồng rực rỡ nhất, da Thi vẫn phảng phất xanh, rõ ra người sức khoẻ mong manh từ bé; mỗi khi nàng cười với cha ma, anh chị… nụ cười hiền như cỏ làm dịu ánh than hồng, mặc dầu nàng mặc áo len dài tay - mầu len xanh lá cây – mà một lần có cơn gió mạnh lùa tới nàng phải để một tay lên ngực rồi thúng thắng ho làm rung động đôi hoa tai tròn nhỏ nàng đeo.
Chương trình diễn được một lúc, chợt ông Phán đứng dậy chào mừng vồn vã và một người trạc ba mươi đương lách đám đông khan giả đi vào.
- “Ông chủ tịch…ông chủ tịch huyện!” - lời ông Phán nói khẽ nhưng Tân nghe rõ, chàng ngẩn nhìn và bở ngỡ.
Chủ tịch huyện Thanh Ba (đồn điền Lợi Ký thuộc địa phận Thanh Ba) vừa tiến tới. Vẻ niềm nở quá đáng của ông Phán tiến tới bắt tay khiến điệu bộ viên chủ tịch càng thêm chững chạc.
Ngày mồng hai, nhân ra ga Ám Thượng chúc tết mấy người quen, ông Phán có gặp viên chủ tịch này và ngỏ lời mời y nếu tiện dịp đến thăm đồn điền Lợi Ký vào đêm mồng bốn Tết, đêm có lửa trại. Trong thâm tâm, ông Phán không ngờ là y sẽ đến. Viên chủ tịch cũ từ ngày đầu cách mạng là một thanh niên đã học đến năm thứ ba ban thành chung, rất hăng hái, nhiệt thành yêu nước những cũng rất nhu mì giải quyết mọi công việc thuần bằng tình cảm. Viên chủ tịch mới lên thay được chừng ba tháng nay. Đoàn thể - (ông Phán cũng chỉ mang máng hiểu rằng “đoàn thể” tức là những phần tử quan trọng điều khiển Mặt trận Việt Minh) - giải thích sự thay đổi đó rằng: “Khu vực này rất quan trọng, là đầu mối các miền Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lào Kay nên cần một người có kinh nghiệm lên điều khiển guồng máy hành chính”. Ai cũng nhận điều giải thích ấy alf đúng nhưng viên chủ tịch mới có vẻ cứng rắn nghiêm khắc quá. Ông Phán hơn rờn rợn khi thấy y có thái độ trở mặt như trở bàn tay: vừa cười rất niềm nở với người này lại lập tức có ngay bộ mặt nghiêm lạnh với người khác, phần nhiều là người cấp dưới của y: (Là nhân sĩ bàng huyện, ông Phán vẫn được y mời họp để tham gia ý kiến với uỷ ban hành chính khác chiến huyện). Đây là lần đầu tiên, sau ba tháng lên làm chủ tịch, y đến thăm đồn điền Lợi Ký, (trại huấn luyện liên lạc thẳng với tỉnh, không qua y).
Thoạt ông Phán giới thiệu y với bà Phán, với các con, rồi với tất cả những người có mặt tại cuộc lửa trại. Gặp đôi mắt Tân y thoáng vẻ bối rối nhưng y tự chủ được ngay khi cúi chào và từ đó không nhìn Tân một lần nào nữa. Ông Phán vỗ tay mấy cái đợi ai nấy im lặng rồi mới nói:
- Thưa các anh chị em tôi rất lấy làm hân hạnh, rất lấy làm hân hạnh giới thiệu cùng với toàn thể các anh chị em trại huấn luyện… đây là ông Mạnh… Nguyễn Đức Mạnh, chủ tịch huyện Thanh Ba.
Mọi người vỗ tay, viên chủ tịch cúi chào, ông Phán mời y ngồi bên cạnh, cuộc vui tiếp tục. Y tới một mình, ở đây không phải là uỷ ban không có cấp dưới, nên y chỉ phải sử dụng có một bộ mặt, bộ mặt xã giao niềm nở.
Tân nghĩ thầm:
- Chuỷ, hử, Chuỷ con ông Đồ Thinh, việc gì hắn phải tránh không dám ngó mình. Hắn sợ phải nhận mình là người làng?
Tân đưa mắt nhìn đôi bàn tay to lớn của y, đôi bàn tay đắc lực của những kẻ đã từng vật lộn với đồng ruộng để tạo nên những cơ nghiệp lương thiện ca ngợi trong phong dao:
Nay mừng những kẻ nông phu,
Cầu cho hoà cốc phong thu bình thời
Bước sang hạ gió thu tàn,
Thu tiền tiễn hoạch giầu ngang Thạch Sùng.
Quý nhân cùng kẻ anh hùng,
Rắp toan muốn hỏi nhà nông ê hề.
Thân hình y thật là lực lưỡng – y vẫn lực lưỡng từ thủa bé, Tân nhớ lắm - nhiều lần Tân nhắm mắt lại tưởng tượng giá y mặc quần áo nâu thì y đẹp chất phác biết là chừng nào, tiếc thay y lại vận âu phục với đôi vai long đình.
Y luôn luôn quay xuống hàng ghế dưới nói chuyện với Hãng, Hãng vốn là chàng trai dễ dãi vô tâm nên cười nói thực tình. Đôi khi y có gợi chuyện với Vân để được Vân lễ phép đáp lại, chỉ có Thi là ngoảnh mặt đi bới khác nhưng tuyệt nhiên không nói gì với y.
Trán y hơi thấp, nhưng mái tóc thưa nhẹ nhõm. Thửa y còn là người nhà nông, y cũng thuộc hạng thông minh kha khá có thể ứng khẩu hát những câu vè dí dỏm đối đáp với những cô gái quê tinh ranh có nụ cười tươi với cặp mắt sắc như dao cau. Đôi mắt y sáng lắm, Tân tin rằng đứng giữa quãng đồng bao la, cặp mắt đó ngẩng nhìn trời có thể tiên liệu rất đúng những ngày gieo mạ cấy lúa. Cả khuôn mặt y dở nhất có cái miệng: đôi môi hơi dầy và hàm răng trước cửa vổ ra quá nhiều nên khi y chum môi thì được, nhưng mím môi thì hơi khó. Khuôn mặt vuông, cằm bạnh, nước da bánh mật chỉ càn gặp nắng một ngày là trở nên đen xạm.
Chương trình đã diễn được quá nửa, bà Phán quay lại khuyên Thi nên đi ngủ trước kẻo ngồi lâu bị cảm lạnh, bệnh phổi có thể tái phát. Thi vâng lời đứng dậy thì có lời giới thiệu anh chàng sinh viên nghệ sĩ độc tấu một bản, nàng lại ngồi xuống cùng vỗ tay với mọi người rồi lim dim mắt theo dõi tiếng đàn thất thểu chập chờn như cánh bướm và lơ đễnh như chiếc thuyền không người, bản Réverie của Schuman . Bản nhạc dứt bà Phán quay lại dục Thi lần nữa nàng mới quyết định đứng dậy về phòng. Viên chủ tịch quay lại, ý muốn nói vài lời xã giao với Thi, nhưng nàng đã đi thẳng.
Chương trình lửa trại bế mạc, ông Phán muốn lưu viên chủ tịch huyện nghỉ lại đồn điền nhưng y cám ơn và xin cáo lui.
Tân đưa mắt nhìn theo, ôn lại thái độ rất kẻ cả của y suốt buổi lửa trại và chàng kết luận thầm: “Làm chủ tịch huyện. Chuỷ đã đánh mất một cái gì thực của y, nó làm y đẹp - đẹp về tinh thần – y đương cố tạo nên một cái gì mới để thay thế, nhưng cái mới không hợp với y chút nào, nó khiến y lạc lõng, bỡ ngỡ. Sở dĩ không ai để ý đến vẻ lạc lõng bỡ ngỡ đó, sở dĩ y tưởng đã đàn áp được vẻ lạc lõng bỡ ngỡ đó chỉ vì hiện tại y đương nắm quyền hành.
II
Ông đồ Thinh là một nhà nho lỡ vận, tính tình hiền lành chỉ mê đọc kinh Dịch và khảo sát về tử vi, chẳng ngày nào là không có khách trong hàng huyện đến hỏi ông về lá số nào đó. Ông sinh sống bằng nghề tử vi.
Số hiếm hoi – ông biết vậy vì tự thấy bị Tuần, Triệt ở cung tử tức – mãi gần năm mươi tuổi ông mới có được với bà bé cậu con trai đầu lòng mà ông đặt tên là Chuỷ. (Bà cả mất đã ngoài mười năm).
Bà đồ sinh được “hoàng nam” vui như mở cờ, trong khi đó ông đồ đượm vẻ đăm chiêu sầu muộn. Thoạt là bà đồ không hiểu, cho tới ngày kia có ông đô Cán tới chơi bà mới vỡ lẽ…
Ông đô Cán là người cùng bên quê Liên Phú với bà đồ có liên hệ thúc bá chút ít. Ông đồ Cán thân với ông đồ Thinh từ thủa hai người còn cắp sách theo học cụ Phó bảng làng Đỗ Xá ngay sát bên cạnh làng Lại Vũ. Cả đôi bạn cùng lận đận trên trường thi cử, ông Cán thoạt xin được bổ nhậm thừa phái tại một huyện miền trung du, rồi từ đấy hết huyện lỵ trung du này sang châu lỵ trung du khác, ông thừa Cán thăng chức đô lại, ông đô Cán! Ông đô Cán cũng thích tử vi nhưng tự nhận mình chỉ đáng là đàn em ông đồ Thinh. Mỗi lần có dịp về thăm quê - một năm độ đôi ba lần - thế nào ông đô Cán cũng để ra một buổi sáng bàn về tử vi với ông đồ Thinh rồi mới về nhiệm sở. Còn một điểm nữa khiến hai người càng thân nhau: ông đô Cán cũng hiếm hoi, Nguyên do, theo sự nhận xét của ông đồ Thinh, cung tử tức của ông đô có sao Bạch Hổ, hổ thường ăn con! Năm ông đồ Thinh sinh Chuỷ tuổi gì đó, thì ông đô Cán cũng chỉ mới có một cậu con giai duy nhất đặt tên là Khoá chừng năm, sáu tuổi gì đó. Đi làm việc quan trên mạn ngược lâu năm, ông đô Cán nghiện, điểm khác nhau vì hoàn cảnh đó đâu có ăn nhằm gì đến tình bạn của hai người. Lần đó Chuỷ đã gần đầy tuổi thì ông đô Cán về thăm quê và sang thăm ông đồ Thinh.
Ông đồ mở đầu câu chuyện:
- Giai bất nhân Phá Quân Thìn Tuất, gái bạc tình Tham Sát Nhàn cung! Tôi xem số thằng bé nhà tôi mà thấy ngại bác ạ.
Ông đô Cán cầm lá số của Chuỷ xem qua một lượt suy nghĩ rồi gật gù:
- Mệnh cung có Phá Quân!
Ông đồ nhăn mặt đau khổ:
- Phá Quân mà lại đóng ở Tuất nữa mới chết chứ.
Ông đô Cán cười:
- Bác đừng ngại, đã đành Phá Quân là hung tinh nhưng xưa kia cũng là số của Quan Vân Trường, con người trung nghĩa biết bao.
Ông đồ thở dài nhè nhẹ, khẽ lắc đầu:
- Thì vẫn thế…
Ông muốn nói tiếp: “…nhưng mấy người được như Quan Vân Trường,” rồi lại thôi. Ông cúi xuống nhìn lá số tiếp:
- Nó là Thuỷ Nhị Cục, khoảng 42-52 đại tiểu hạn trùng phùng. Tướng Quân ngộ Triệt e rằng bất đắc kỳ tử.
Ông đô Cán lại an ủi:
- Trường hợp đại hạn xấu, tiểu hạn cũng xấu, hai anh xấu gặp nhau không hành hạ nhau nữa, cùng một bạn một bầy với nhau mà, nếu cả hai cùng tốt thì “Thái cương tắc triết” như lúa tốt quá hoá ốp; cho nên theo kinh nghiệm của tôi đại tiểu hạn trùng phùng lợi không lợi to, hại không hại lớn.
Ông đồ lắc đầu vẻ ngao ngán hơn, nhưng lần này ông không nói gì.
Sự thắc mắc của ông đồ về lá số của Chuỷ cũng nguôi dần; ông vẫn tiếp tục nghiên cứu những lá số khác. Cậu bé Chuỷ lớn lên trong sự nuông chiều của ông và trong bầu không khí nghiêm trọng của tử vi, kinh Dịch. Ông đồ thường cùng bạn nghiên cứu tử vi, kinh Dịch vào sau bữa cơm tối.
Chính bà đồ phải luôn luôn gào thét đánh mắng Chuỷ. Mỗi lần chứng kiến thái độ ngỗ nghịch quá đáng của Chuỷ ông đồ vớ lấy chiếc xe điếu kinh châu (thứ xe điếu có nhiều mấu, đánh rất đau) áp vào đít Chuỷ và quát khẽ: “ông đánh chết giờ!” Chuỷ thường điềm nhiên đứng yên bĩu môi vì thừa biết bố không bao giờ đánh mình.
Vào năm Chuỷ lên ba, một lần đôi tri kỷ tử vi gặp nhau, ông đồ Thinh dạo đó đương mệt bỗng hỏi ông đô Cán:
- Bác Mẫn-Trí nhỉ (tên tự của ông đô Cán) sau này ngày tôi hai năm mươi bác đặt tên hiệu cho tôi là gì nào?
Đôi mắt ông đô Cán sáng lên, ông ngờ đâu mình lại được cái hân hạnh ông đồ Thinh hỏi ý kiến về đặt tên hiệu trước lúc lâm chung, cả tư duy ông bừng lên chói lọi và ông đáp ngay:
- Thái Nhất tiên sinh! Phải, Thái Nhất tiên sinh rất hợp với quý danh!
Ông đồ gật gù:
- Thái Nhất tiên sinh!
Giọng ông đô Cán càng hối hả:
- Thái Nhất, khí trong trời đất lúc còn hồn nhiên, vị phân…
- Vâng, tôi biết – ông đồ trầm ngâm đáp - chữ trong Lạ Thị Xuân Thu . Khi đó thanh tịnh hợp với tên Thinh của tôi, ý nghĩa bao quát hơn nên bác lấy làm tên hiệu.
- Chính thị! – ông đô Cán vội vã đáp.
- Xin đa tạ và xin nhận – ông đồ vẫn nói bằng giọng thật điềm tĩnh.
Khi ra về ông đô Cán mới giật mình lo lắng nghĩ thầm hẳn bạn mình đã tự bấm số trước biết không tránh được số trời nên mới nghĩ đến đặt tên hiệu. Và lòng ông đô Cán rưng rưng.
Được lúc tĩnh tâm nào. Ông nghĩ câu đối viếng bạn.
Những tưởng ngày một ngày hai ông đồ Thinh mất, nào ngờ ông đồ khoẻ trở lại, đôi bạn còn gặp nhau nhiều để tiếp tục thảo luận về tử vi. Kể những câu thơ bàn về tử vi ông đồ đọc nhiều lắm nhưng cậu bé Chuỷ - năm đó lên bảy - chỉ nhớ được độc có một câu mà cậu cho là lý thú lắm:
Sao Thai mà ngộ Đào Hoa
Tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng.
Đúng vào lúc không ngờ nhất thì ông đô Cán được hay tin ông đồ Thinh mất. Tên hiệu “Thái Nhất tiên sinh” đặt trước thấm thoắt đã năm năm.
Trong hàng đối trướng dài nờm nượp của bà con bạn hữu xa gần phúng ông đồ có chiếc trướng của ông đô Cán. Ông đô Cán đã tôn việc xem tử vi của người bạn quá cố lên thành một thứ đạo, ông dùng bốn chứ của Từ Cán đời Lục Triều để ca ngợi bạn trong lời ai điếu:
KỲ ĐẠO DO TỒN
Ý ông muốn nói: ông đồ Thinh tuy chết đi nhưng đạo tử vi của ông sẽ mãi mãi trông đám môn sinh.
Ông đồ mất, Chuỷ lên tám, học trò có hợp đồng môn làm ma linh đình, nhưng sau đó bà đồ sống lần hồi trong cảnh túng bẩn. Sau cùng, cực chẳng đã bà đành cho Chuỷ sang làng bên – quê bà – đi chăn bò cho một điền chủ là cháu họ gọi bà bằng cô. Ngày ngày Chuỷ phụ trách chăn một con bò đen tuyền và một con bê vàng đốm trắng. Chùy rất ưa con bò đen hung hăng này; trên bờ sông máng hễ gặp con bò khác nó thường xông tới húc liền kỳ cho đối phương bỏ chay, nhiều con vì hốt hoảng tránh nó mà lăn xuống sông máng. Cũng vì con bò đen hung hãn này mà thường xảy những vụ xô xát giữa Chuỷ với lũ mục đồng cùng lứa tuổi, nhưng vì sức Chuỷ vạm vỡ nên mỗi khi có cuộc ẩu đả phần thắng thường về Chuỷ. Sau phút chiến thắng, Chuỷ cười hềnh hệch ngồi ngất nghểu trên lưng bò tay cầm sợi chỉ dài buộc con cánh cam giựt giựt cho nó bay vù vù trước mặt và ca lớn câu đồng dao:
Bò đen húc lẫn bò vàng
Để cho bò trắng lăn quàng xuống sông.
Sớm sớm Chuỷ thường tìm bắt một con cánh cam buộc vào sợi chỉ dài làm đồ chơi cầm tay suốt ngày; về chiều khi con cánh cam đã mệt là giựt không buồn bay nữa, Chuỷ đặt nó xuống đất, dí mạnh gót chân lên, lắng tai nghe tiếng vỡ vạn của đôi cánh cứng cùng thân thể con vật khốn nạn, khi nhấc gót chân sang bên Chuỷ khoan khoái nhìn xuống con vật đã bị nát bét, phần dưới tiết ra một chất nước vàng bầy nhầy. Mỗi lần dí gót chân như vậy Chuỷ nghe xao động trong tiềm thức sức mạnh của bản năng phá hoại và dường như còn vương chút tình cảm hãnh tiến của kẻ thấy mình nắm được quyền sinh sát trên một sinh vật.
Đêm đêm Chuỷ có cắp sách đi học A.B.C. Vì sáng ý chẳng bao lâu Chuỷ biết đọc, biết viết, làm tính. Năm mười bốn tuổi Chuỷ về sống với mẹ. Bà đồ vẫn nghiêm khắc với con nhưng Chuỷ cũng biêt sau bề ngoài nghiêm khắc đó, mẹ thương mình rất nhiều. Tính từ mẫu dường như có làm yếu khuynh hướng phá hoại và tình cảm hãnh tiến bên trong Chuỷ. Rồi trên mười năm dòng Chuỷ đem hết mực ra giúp mẹ mọi việc đồng áng khó nhọc: đó là ưu điểm thứ nhất của Chuỷ về chữ hiếu. Chuỷ thuộc rất nhiều ca dao câu ví, trong khi làm lụng ngoài đồng Chuỷ vẫn hát đối đáp với các cô gái cùng làng. Chỉ những lúc cách ngỡ như vậy là các cô giữ được cảm tình với Chuỷ, tới lúc đôi bên gần nhau Chuỷ hay giở trò cợt nhả thô tục bị các cô cự nự. Các cô gọi riễu Chuỷ là “anh Trưởng Vổ”. Dáng người vạm vỡ, khuôn mặt không đến nỗi xấu duy có bộ răng vổ làm Chuỷ thất thế trước ái tình. Trong trường hộ bị xúc phạm, nhiều lúc dùng những câu khá chanh chua. Chuyện đó đến tai bà đồ, bà lồng lộn lên xỉa xói vào mặt Chuỷ: “Cha tiên nhân nhà mày, mày có thèm cái đậu rán để bà mua về cho mày, việc gì mày phải dở trò khốn nạn để bêu rếu bà”. Bị mẹ mắng, Chuỷ biết lỗi im lặng: đó là ưu điểm thứ hai của Chuỷ về chứ hiếu. Nhưng rồi sau đó, chứng nào vẫn tật ấy! Đồng thời với cái xỉa xói: “Cha tiên nhân nhà mày, mày có thèm cái đậu rán để rồi bà mua về cho mày!” Bà đồ đi ướm hỏi mấy cô gái cùng làng cho Chuỷ, nhưng vì có lẽ vì Chuỷ có thành tích bất hảo quá, lại thêm danh từ “Trưởng Vổ” đã quá phổ biến trong làng nên các cô gái đến tuổi đều một mực từ chối, bà đồ đành tính chuyện hỏi vợ cho Chuỷ ở làng bên – quê bà – công việc chưa thành thì bà bị bệnh – bệnh già – rồi mất. Đó là vào khoảng 1943 – 44 gì đó.
III
Cũng vào dạo này ba hoa khôi làng Lại Vũ đều gặp số phận hẩm hiu rất đáng thương cảm.
Nàng thứ nhất thân hình nhỏ nhắn, mặt trái Xoan, nước da trắng mịn đôi mắt đen thăm thẳm dưới đôi lông mày lá liễu cong dìa, nàng thường chít khăn nhiễu, tóc rẽ giữa, một vài sợi uốn quăn tự nhiên loà xoá xuống trán và khoảng hai thái dương, dáng nàng đi đứng thực đoan trang, người làng vẫn gọi đùa là Thuý Kiều.
Nàng thứ hai khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, đôi mắt bồ câu đen thơ ngây, giọng nói tiếng cười ròn tan, dáng đi lanh chao đon đã, làng vẫn gọi là Thuý Vân. Là con nhà giàu, quanh năm “nàng Vân” chít khăn nhung, vành khăn tròn lẳn rất khéo rất gọn trên đầu.
Nàng thứ ba có vẻ đẹp đầm lai, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt phảng phất màu xanh da trời lóng lánh, mũi cao; nàng vấn tóc trần và đầu ngơi rẽ lệch, tên nàng là Hạn. Một thanh niên có chút Tây học gọi đùa nàng là Étéenne (Été + N = Hạ + N = Hạn).
Năm 1944, hội giời – dân làng Lại Vũ vẫn gọi năm nào có dịch bệnh tả hoành hành là năm hội giời – nàng Étéenne không may mắc bệnh rồi ”nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”.
Nàng Thuý Vân vẫn cất hàng ngũ cốc tại huyện Từ Sơn rồi xuôi Hà Nội bán buôn cho mấy hiệu khách lớn ở phố hàng Bồ. Một thanh niên Trung Hoa con một chủ hiệu lớn nhất mê nàng. Rồi đôi bên mê nhau. Chàng thanh niên con trời đó lần mò về tận làng Lại Vũ hỏi nàng làm vợ nhưng cha mẹ nàng cương quyết khước từ cho rằng để con gái lấy khách là một cái nhục lớn cho gia phong. Câu chuyện vỡ lở, nàng Thuý Vân mất giá! Một số chàng trai môn đăng hộ đối trong làng giữ nguyên thành kiến không ai chịu hỏi nàng. Sang năm 1944, nàng đành nhận lời lấy một thanh niên cùng xóm rất tầm thường, kém nàng hai tuổi. Chàng trai này đã thi ba lần rồi mà vẫn chưa đỗ bảng Cơ thuỷ, y cao lớn ngô nghê như gà tồ, ăn nói bộc tệch, mặt đầy trứng cá, đôi bàn tay chuối mắn đã thô lại sần sùi vì ghẻ mướp, y chỉ được một ưu điểm là: con một , nhà giàu, mẹ goá. Các chàng trai môn đăng hộ đối tuy giữ thành kiến không chịu hỏi nàng Vân làm vợ, nhưng xem ra chẳng chàng nào là không giữ nguyên tình cảm ngấm ngầm say mê nàng. Vì ngấm ngầm nên mãnh liệt, càng mãnh liệt khi biết kẻ kia sẽ làm chủ nàng và càng mãnh liệt hơn nữa theo tỉ lệ thuận với thời gian vun vút xê dịch tới gần ngày vu quy của nàng. Ba hôm trước ngày cưới một thanh niên hào hoa nhất làng gặp nàng trước cửa miếu vắng vẻ, đúng lúc tiếng chuông chùa gần đấy ngân tiếng thu không. Anh chàng đã buông theo lòng đục mà sấn sổ ôm ghì lấy nàng như một tên vũ phu, nàng bị ẩn lùi cho ngã dưa lưng vào đống rơm bên tường miếu gần với cầu hoa mòng rồng toả hương thơm sực nức vào lúc nhoà tối. Nàng hết sức kháng cự! Anh chàng nói nửa như van lơn, nửa như giận dữ, trong tiếng thở hổn hển: “Em sống với anh một chút chẳng hơn sống với thằng đó suốt đời ư?” Nàng vẫn vùng vẫy sau cùng thoát khỏi đôi cánh tay sắt lung lạc giữa ái tình kia, vành khăn sổ tung, quần áo cô xô lệch... Hôm sau gặp nàng giữa đường làng đông đúc, chàng thanh niên bất đắc chí đã bước theo sát nàng mấy bước và ngâm khẽ đủ để nàng nghe:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thả bẻ cho người tình chung.
Ngày cưới nàng, những lời xì xào bàn tán, than tiếc ngẩn ngơ: “Hạt ngọc ngâu vầy”... “Củ đậu cành mai...”
Vẫn anh chàng thanh niên bất đắc chí ngâm thêm một câu nữa:
Tiếc thay hạt gạo trăng ngần,
Thôi nồi đồng điếu lại vần than rơm.
Một bầu không khí hận tình u uất qui tụ lấy trí tưởng tượng của thanh niên làng, đan lát thành một màng lưới vây quanh nàng Vân trong đêm tân hôn.
*
Thuý Kiều vừa đến tuổi xuân của đời – hai mươi tuổi- thì xuất giá. Chồng nàng là một thanh niên trăng trẻo dáng cao và hơi gầy, có đôi chút học thức; chàng học đến năm thứ ba thành chung thì phá ngang theo ngành hiệu thính viên. Mãn khoá chàng được làm trưởng đài vô tuyến tại Mường Sinh, một thị trấn miền thượng Lào phía Tay Nam Phong-Saly, khoảng giáp với Vân Nam và Miến Điện. Chàng một mình ra đi nhậm chứ vừa lúc nửa năm hương lửa đương nồng, hẹn vợ mãn nhiệm kỳ – một năm rưỡi – sẽ trở về cùng nàng. Con đường cách trở xa thật là xa, thư từ kể từ ngày gửi phải một tháng sau mới nhận được. Mấy bức thư đầu chàng viết cho anh em vui lắm, chàng kể những chuyện ân ái rất ngộ nghĩnh mà chàng hưởng thụ với các “nọong” (em) miền thượng Lào giữa ban ngày, ngay trong vườn cây thuốc phiện. Bỗng nhiên thư tín của chàng ngưng bặt với nàng cũng như với các bè bạn trong làng. Nàng tiếp tục công việc hàng ngày ươm tơ tằm, quay guồng, xe sợi, dệt lụa tại căn nhà ngang cửa mở về hướng Đông. Buổi sáng ánh mặt trời ùa vào, bóng nàng in thành vệt dài trên vách phía trong cùng; ban đêm khi nàng khêu lớn ngọn đèn trên vách để dệt cửi, bóng nàng ngả dài về phia cửa ra vào. Ôi, bóng nàng sớm trưa, chiều và đêm sao mà âm thầm, âm thầm những vẫn đoan trang rất mực. Sang giữa năm 1944, nàng được tin chàng có tham gia cách mạng hoạt động miền thượng Lào và bị thực dân xử bắn cùng với một số đồng chí ngay trong rừng Mường Sinh cách nơi chàng làm việc không bao xa. Bóng nàng càng âm thầm càng đoan trang, tiếng guồng xa, sợi chỉ se dài như bất tận tự cuộn tròn trong lòng thăm thẳm của thời gian; rồi ban đêm là tiếng khung cửi đều đều buồn buồn làm nền cho tiếng lòng âm thầm, nỉ non một mình nàng biết, một mình nàng hay.
Một lần vào khoảng nửa đêm tiếng khung cửi bỗng nhiên ngừng bặt lại khá lâu, bà mẹ chồng ở buồng trên thoáng nghe có tiếng khóc nức, bà rón rén xuống nhà ngang đứng sát cửa, né mình trong bóng tối, nghiêng đầu nhòm vào; nàng đương gục đầu trên hai cánh tay, mái tóc hơi lắc lư trên khung cửi. Mê man trong đau khổ, nàng không nghe thấy tiếng bước chân của mẹ chồng, bóng nàng không còn in dài ra phía cửa mà thu gọn lại trên khoảng khung cửi như đang ghé xuống an ủi thầm bên tai nàng.
Mặt trận Việt Minh thời này hoạt động dữ tại các miền quê. Chính Tân cũng gia nhập đoàn thể Thanh Niên Cứu Quốc làng để hoạt động bí mật. Tiểu tổ của Tân – Tân là tổ trưởng – gồm ba thanh niên làng, người nào cũng mang them bí danh, phụ trách hoạt động tại một xã lân cận. Ba người đã thay phiên nhau làm “anh Cán” (cán bộ) tới đó khai hội để mở rộng phong trào. Chuỷ cũng là tổ trưởng một tiểu tổ khác chuyên đi tới các chợ, các trường học tuyên truyền xung phong, hoặc đến từng nhà Việt gian (những hương lý cam chịu hợp tác với Pháp Nhật) cảnh cáo hoặc lớn hơn, tổ chức phá kho thóc của Nhật phát cho đồng bào nghèo để khuếch trương ảnh hưởng Mặt trận. Chuỷ lấy bí danh là Mạnh kể từ đấy.
Uy tín của Chuỷ ngày một lớn, cái tên “Trưởng Vổ” mờ dần trong quên lãng và cũng vì thế Chuỷ tự thấy có bổn phận phải thận trọng không dám có thái độ xấu nết với các cô như xưa nữa.
Tối hôm đó tiểu tổ Chuỷ phụ trách tổ chức một buổi mít tinh lớn gồm mấy xã quanh vùng, khẩu hiệu: “Chống thu thóc!” “Chống phá lúa giồng đay!” Địa điểm được chọn tại bãi tha ma giữa đồng làng.
Với sự hợp tác của bốn tiểu tổ bạn, Chuỷ bố trí các cây súng – súng sáu, súng mút-cơ-tông; súng bắn chim – canh gác các ngả đường trọng yếu. Cuộc mít tinh sau cùng biến thành tuần hành thị uy, các cây đuốc nối tiếp nhau thành một dãy dài như hội hoa đăng. Trong số phụ nữ làng đi dự mít tinh có cả nàng Kiều.
Cuộc mít tinh tuần hành được kết quả mĩ mãn. Khi dòng người đã giải tán theo các ngả đường đã định trước, Chuỷ trao khẩu súng sáu cho một đồng chí cất về kho kín, còn mình thì theo con đường đồng dẫn về cuối làng. Tiếng thì thầm bàn tán khen ngợi của từng đoàn người đi trước theo chiều gió vẳng lại. Có bóng anh chập chờn phái trước. Chuỷ rảo cẳng. Bóng đàn bà Chuỷ rảo cẳng hơn. Nàng Kiều! Nàng đi sau cùng, quay lại nhận ra Chuỷ, khẽ gật đầu chào. Trăng thượng tuần vừa lắn, một thứ ánh sáng lân tinh như còn thảng thốt chập chờn phía cuối chân trời Tây, đúng khoảng trăng non vừa lặn. Lúc đó vào chín rưỡi tối. Bống tối mơ hồ phủ ngập xuống cánh đồng, toán đi trước cách đấy chừng mười bước mới trông chỉ thấy thấp thoáng Chuỷ quàng tay giữ nàng Kiều lại, nàng lún túng không biết nói sao, nhưng im lặng. Toán trước hoàn toàn chìm trong bóng tối, hai người hoàn toàn cảm thấy sống trơ vơ giữa một hòn đảo xung quanh là tiếng rì rào a tòng của sóng lúa. Chuỷ khép chặt nàng Kiều trong vòng tay dìu nàng nằm xuống bờ cỏ.
Nàng đã nhắm mắt để mặc Chuỷ…
Khi Chuỷ ghì nàng một lần cuối rồi đứng dậy nàng mới bàng hoàng sực tỉnh, kéo vội cạp quần lên rồi nằm nghiêng người lại, hai tay ôm mặt khóc rưng rức. Chuỷ biết nàng xấu hổ và hối hận, rón rén bước theo đường về và khi đã đủ xa, Chuỷ rảo cẳng như chạy trốn… Từ đấy ban ngày khi thoáng thấy nàng Kiều đàng xa Chuỷ vội lẩn mặt. Dường như Chuỷ cũng thấy mình đã xúc phạm đến một mối tình thiêng liêng, dường như Chuỷ cũng cảm thấy một cái gì rờn rợn của căm hờn.
Ba tháng qua đi, tới một buổi chiều chạng vạng, Chuỷ từ làng bên vừa về đến ngỏ xóm cuối làng thì một bóng người – bóng nàng Kiều – nhô khỏi khúc quành cùng tiếng nói:
- Anh Chuỷ!
- Chị Cát! – tên người chồng cũ của nàng Kiều.
- Tôi có mang – giọng nói nàng thít qua kẽ răng, biết bao đau khổ và đây nghiến – tôi có mang anh biết không?
Chuỷ thoạt lính quýnh nhưng rồi trầm tĩnh được và quyết định ngay:
- Thì chúng ta lấy nhau chứ sao.
- Giời ơi! – giọng nàng như vừa biến thành hai giọt âm thanh nức nở nhập vào bóng tối, bất tuyệt với tiếng thở dài của gió chiều.
Nhưng rồi còn biết làm sao khác? Nàng Kiều xin phép mẹ chồng về nhà cha mẹ đẻ rồi cuối tháng đó cấp tốc sửa soạn lễ thành hôn với Chuỷ, giữa những tiếng nghiến răng kèn kẹt của ông bố, giữa những lời đay nghiến như muốn dứt da dứt thịt của bà mẹ và than ôi còn biết bao miệng tiếng dè bỉu chê cười của người làng. Sau cùng đúng vào hôm nàng sẽ theo Chuỷ về, không sao chịu đựng được những hình phạt tinh thần quá nặng nề tàn khốc đó nàng vừa khóc nức nở vừa nói với cha mẹ:
- Vì thương đứa con trong bụng nên con phải gắng gượng sống, con mà tự tử bây giờ thì nhà ta mang tội ba đời thầy u có biết cho con chăng?... Giời ơi!
IV
Mặt trận Việt Minh đến thời hoạt động dữ. Tại thành thị, từng khu được điều tra kỹ, xem có kẻ nào hợp tác với địch; tại làng thôn, các cảnh sát viên hay vợ con của những người đó đều bị Mặt Trân phái người đến nhắn nhe cảnh cáo. Cô Minh đẹp đến nỗi có mỹ danh là Minh Thiên Hương bị giết ở phố Chợ Hôm chỉ vì đã làm công cho Nhật. Uy tín của Mặt trận Việt Minh đương thời vững vàng đến nỗi việc đang tay sát hại cô gái đẹp mỹ miều vô hại kia không hề gây một chút công phẫn, trái lại ai nấy yên trí rằng Việt Minh đã giết hẳn phải là có tội nặng.
Có tin đội Sam, trước đây là mật thám cho Pháp, về phố huyện Từ Sơn làm giỗ cha (mẹ đội Sam mở một của hàng tạp hoá nhỏ ngay trước cổng huyện), tiểu tổ Chuỷ được lệnh ngay buổi chiều hôm đó phải đón đường giết đội Sam khi y từ huyện xuôi về Hà Nội (đội Sam biết phận lắm, không dám ngủ ở nhà buổi tối, sau khi về làm giỗ cha).
Cảnh cáo Việt gian, Chuỷ đã cảnh cáo nhiều, nhưng lãnh việc xử rử thì lần này là lần đầu. Chuỷ nghiên cứu kỹ quãng đường và quyết định sẽ bố trí giết đội Sam vào khúc quành của con đường Số Một cách cầu Đuống chừng hai cây số.
Khi chiếc mô-tô deux temps của đội Sam lướt gần tới khúc quanh đó, sợi dây trạo được nâng lên cao, hai đầu quấn lấy hai thân cây ở hai bên đường, quãng giữa sợi dây có buộc một miếng vải đỏ. Tiếng phanh rít lên nghe như thấy tiếng kêu thất thanh, đội Sam nhẩy được sang bên trái nhưng ngã sấp xuống mặt đường trong khi chiếc xe còn lao về phía trước mươi thước nữa mới đổ nghiêng xuống, dầu xăng trào ra tung toé. Đội Sam vừa chống hai tay đứng dậy thì Chuỷ đã từ sau gốc cây xông tới. Biết mình lâm nguy đội Sam quay ngoắt người định cắm đầu chạy thẳng về phía huyện may ra có thể gặp người bộ hành, gặp xe hành khách mà thoát nạn. Nhưng đội Sam bàng hoàng loạng choạng, ba phát súng lục nổ lien tiếp đều trúng đầu, y ngã sấp xuống, xương sọ vỡ toang, máu hoà với óc phòi ra bầy nhầy. Khi cúi xuống lật ngửa y lên để gài bản án vào ngực, Chuỷ mới nhận thấy thêm: Giây phút cuối cùng vì quá hoảng sợ đội Sam đã bĩnh ra quần, màu vàng thấm ướt đũng trông chẳng khác gì màu vàng phần dưới thân con cánh cam hồi nào bị cậu bé Chuỷ dẫm cho chết nát. Trong giây phút say sưa của một công cuộc bố trí tới mức hoàn mỹ, Chuỷ thấy rằng giết người kể cũng không lấy gì làm ghê gớm lắm. Nhớ lại trước đây, càng những đêm mưa to gió lớn việc đi cảnh cáo Việt gian càng hào hứng. Gõ cửa. Cánh cửa hé mở. Ập vào, giơ súng lên. Trước bầy người sợ xanh mắt, Chuỷ lớn tiếng khuyến cáo mấy lời đã thuộc lòng như cháo. Lũ kia gật đầu lia lịa. Không gật đầu sao được! Lời nói nhân danh tổ quốc. Kẻ nói vừa có súng lại vừa lặn lội mưa gió với bao gian nguy. Thường thường nói dứt lời, Chuỷ hầm hầm xông tới tát hoặc thoi quai hàm mấy cái tuỳ trường hợp kẻ có lỗi kia gày yếu hay lực lưỡng. Có người vì quá thương chồng vội vàng quì xuống vừa lạy vừa khóc lóc van xin. Tháng tháng đón đọc tờ báo Cứu Quốc in li-tô, Chuỷ ưa đọc trang đăng tin những vụ cảnh cáo hoặc ám sát Việt gian. Sau mỗi lần đi cảnh cáo, Chuỷ thấy uy tín Mặt trận rõ ràng cao cả lên gấp bôi, lũ tay sai của địch tan rã nhanh như bọt xà phòng gặp nước. Làm cách mạng thực cũng giản dị và con đường vinh quang của cách mạng thực cũng thênh thang! Từ việc bất chợt tới nhà cảnh cáo bằng cái tát, cú đấm bất chợt, đón đường thực hành án xử tử bằng súng lục (xử tử đội Sam) tuy có bước nhảy vọt nhưng Chuỷ đã vượt qua bước đó dễ dàng.
Tin đồng chí Mạnh (Chuỷ) giết đội Sam, thoạt bí mật truyền đi trong các tiểu tổ rồi khắp làng Lại Vũ đều biết và mọi người nhìn Chuỷ bằng con mắt gờm gờm kinh sợ. Khi vừa hay tin đó nàng Kiều mặt tái mét tưởng như sắp đến lượt chính nàng bị bắn. Nàng đã sắp tới ngày sinh nở! Một tuần liền nàng khóc nàng la bên tai Chuỷ:
- Anh là tên giết người! Trời ơi, đứa con anh về sau sẽ ra sao khi biết bố nó đã từng giết người?!
Chuỷ mỏi miệng giải thích rằng đội Sam là mật thám là Việt gian, theo lệnh của đoàn thể thì phải thanh toán cho hết những hạng chó săn đó cách mạng mới thành công được mà người đàn bà yêu kiều nhưng cứng đầu cứng cổ kia nhất định không chịu nghe không chịu hiểu, nàng chỉ một mực bám vào ý nghĩ: “Đời cha đã giết người, đời con cũng đến bỏ đi.” Một tuần ròng rã khóc la, đay nghiến như vậy nàng khản đặc cổ.
Cách mạng tháng tám bùng nổ ở thủ đô!
Đê vỡ! Cả vùng ruộng thấp Bắc Ninh ngập dưới làn nước đỏ mênh mông, nước ngập nửa làng Lại Vũ. Sóng đồng thật hỗn loạn! Những con thuyền thúng nhỏ với những lá cờ đỏ sao vàng căng phồng phất phới từ Lại Vũ đi chéo lên huyện Từ Sơn có khi mất đến hai tiếng đồng hồ.Một xác người trương phồng không biết chết tự đâu theo con nước trôi rạt vào bờ luỹ tre. Người đàn bà lỡ bước kia đau bụng âm ỉ từ một ngày trước và bắt đầu giở dạ đẻ khoảng mười hai giờ khuya. Ở chốn quê hương thời ngập lụt này việc đi lại vô cùng diệu vợi. Mẹ nàng hay tin vội mời bà mụ ở đầu làng lại. Đau quằn quại đã trên một tiếng đồng hồ, nàng bị lột truồng từ khoảng dưới. Bà mụ đăm chiêu ngắm hình bụng nàng to phình về phía mạng mỡ bên trái, phần bên phải đối diện ngỏ xẹp. Thật là khác thường!
- Cô đau lắm hả? – bà mụ hỏi.
Nàng bặm môi dang tay gật đầu không nói. Cửa mình hơi mở nước đầu ối chảy ứa ra màu trắng đục.
- Cô rặn thử được rồi đấy – bà nói.
Nàng rặn rồi nhăn mặt.
- Không sao đâu con ạ – mẹ nàng nói giọng đầy thương mến – nó nhoai được ra là nhẹ người.
Nghe tiếng guốc bà biết là chồng đến, bà chạy ra cửa buồng nói khẽ:
- Ông ngồi chờ ở gian bên đây.
- Nó chưa đẻ?
- Sắp!
- Cô rạng đùi ra một chút nữa – tiếng bà mụ – co chân lên, hai tay nắm lấy hai cổ chân. Thế… Nắm chắc vào. Được rồi! Bây giờ rặn đi, rặn mạnh nào.
- Đau quá bà ạ! Đau lắm bà ạ! – Nàng nói giọng hổn hển sau mỗi lần rặn.
- Sắp được rồi đấy.
- Cố đi con –mẹ nàng đã đến ngồi trên đầu giường.
Lần này cùng với tiếng rặn bà mụ thò tay vào của mình.
- Trời Phật ơi! – Mẹ nàng và bà mụ kêu cùng một lúc…
Bà mụ vừa kéo ra một bàn tay xinh đồng thời với một dòng máu nhỏ.
- Bà hãy kiếm lấy mấy cái chổi xể cùn đốt lên làm phép cho cô ấy đỡ đau. – Bà mụ nới với mẹ nàng và mẹ nàng vội ra khỏi buồng.
- Có làm sao không bà?
- Không sao đâu, ông cứ ngồi đấy, tôi đi kiếm một tí chổi xể cùn.
Bà mụ chép miệng nghĩ thầm: “Đẻ ngược có thể chẳng việc gì, nhưng đẻ ngang thì biết làm sao bây giờ!”
Ngọn lửa nhóm lên. Tiếng nổ lách tách nhỏ. Khói toả mùi khét hăng hắc của chổi xể cùn bị đốt. Đau… Mệt… Toát mồ hôi… Nàng vẫn theo lời bà mụ đem hết hơi tàn ra rặn đẻ. Sau mỗi lần rặn, sức lực yếu hẳn, chân tay rã rời. Bà mụ kéo cánh tay đứa trẻ ra đến khuỷu. Máu ra khá nhiều, hơi nàng thở nhanh. Ngọn lửa chổi xể đã đượm than hồng. Mồ hôi nàng vã ra như tắm, nàng thét lên một tiếng uốn cong người, da tái xanh, mắt sâu, má hóp, môi tím bầm, cả khuôn mặt biến dạng đi trông không còn chút nhan sắc ban chiều. Nàng chính là hiện thân của đau đớn, của tử thần. Tiếng rên thoạt hãi hùng, bí thiết, rồi tiếng rên yếu dần… yếu dần. Mẹ nàng theo lời bà mụ đi kiếm người chở thuyền để kịp đưa nàng lên huyện Từ Sơn có nhà hộ sinh. Ông bố vào hẳn phòng. Cánh tay đứa nhỏ thò ra đã xám lại. Nàng thở dồn dập, thở bằng miệng. Nàng bỗng ngật đầu về phía sau và như có kèm theo tiếng nấc khẽ, mắt trợn. Bà mẹ vừa kịp trở lại lúc nàng hết nấc, thở khẽ và xuôi dần, chân tay duỗi thẳng, buông rời bất động. Khi nàng tắt hơi thở cuối cùng thì đôi mắt còn trợn ngược, miệng há hốc. Bà mụ vuốt mắt, vuốt miệng cho nàng, khẽ chép miệng thở dài, rồi đắp phủ lên thân nàng tấm mền mỏng hoa đỏ, bà mẹ nàng cất tiếng khóc than kể lể, ông bố mím môi chớp mắt, thỉnh thoảng vuốt sợi râu mép nhưng chính là vuốt sự sầu khổ cho nén xuống đáy lòng. Vừa năm giờ sáng.
Cho tới lúc đó, Chuỷ chưa hay biết gì cả. Anh lên thuyền từ trưa sang làng bên, tổ chức uỷ ban cách mạng ở đó. Mười giờ sáng hôm sau hay tin sét đánh vợ chết, con chết Chuỷ mới lên thuyền về.
Kể từ sau vụ xử tử đội Sam, Chuỷ đã được kết nạp vào Đảng, được sinh hoạt học tập cách lãnh đạo quần chúng, được Đảng cử xuống thực hành công tác tại các thôn xã.
Khi hay tin vợ con Chuỷ chết, Đảng bèn cử Chuỷ lên huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) học tập công tác ở ngay miền quê hương cách mạng đó. Đảng khéo sắp đặt công tác khiến Chuỷ bận rộn suốt ngày. Chuỷ được dịp chúng kiến những tên “phản cách mạng” đền tội dưới cờ (hầu hết là những người Đệ Tứ hoặc Việt Quốc). Hơn một năm trời công tác ở Bắc Sơn, Chuỷ hoàn toàn quen với bầu không khí sửa soạn và thực hành án xử tử. Thỉnh thoảng Đảng còn đưa Chuỷ cùng một số đồng chí đến những miền có thổ phỉ ai nấy đào hố cá nhân ẩn nấp rồi xả súng vào sào huyệt khiêu khích cho chúng bắn ra. Lối huấn luyện thực tiễn này giúp mọi người quen với không khí chiến trường, quen với tiếng đạn từ xa bắn lại ríu không khí. Biết bao lần ra đi như vậy chưa một ai bị nạn mà ai nấy cùng thấy mình dày dạn chiến trường lên nhiều.
Và sau cùng đã ba tháng nay Chuỷ – bí danh Mạnh – được đoàn thể hoàn toàn tín nhiệm cử về chức lãnh chức chủ tịch huyện Thanh Bat hay viên chủ tịch cũ, một thanh niên ái quốc nhưng còn đầy rẫy nhưng tật xấu “tiểu tư sản”.