Bóng Kơnia đổ dài
Tác giả: Dương Bình Nguyên
Tấn ơi!
Có tiếng gọi ngoài hiên khe khẽ. Tôi quay ra. Cha tôi đang đứng đó, tần ngần, khuôn mặt buồn như một trái cà héo.
- Mẹ mày mất rồi, các em mày còn nhỏ quá, Tấn à, lại đang mùa đi ươi... [1]
Tôi nghe trong lòng mình có con suối sôi giữa mùa nước lũ. Từ phía đối diện, cha tôi vẫn đứng hai hõm mắt sâu hoắn và bộ râu rậm rạp như cánh rừng chiếc ba lô thếch bạc. Mấy đứa cũng phòng chạy theo :
- Về hả?
- Sao lại về?
Tôi chẳng biết nói thế nào, chúng nó là những đứa bạn thân thiết, gắn bó với tôi gần ba năm trời.
- Nhà nào... chẳng còn ai đi rẫy. Tao về thôi.
Tôi lao đi, hối hả theo cha trở về. Xe chạy ngược dòng theo những con dốc dài vươn mì Mãn Châu sõng soài ngang sườn đồi. Và bụi cứ lầm lên màu đỏ bít chặt cả hai con mắt. Cha tôi ho khan, khuôn mặt co rúm lại đến thảm hại. Đầu tôi cứ lung bung nghĩ ngợi, những câu chuyện vụn vặt chẳng cuối chẳng đầu. Cuộc đời cha tôi sao cứ như dòng sông khúc khuỷu gập ghềnh và thăm thẳm dài trong những lo toan nghèo khó. Để đến nỗi hôm nay, tôi phải bỏ bạn, bỏ trường vào cái ngày thật không ngờ. Có cái gì mất mát tựa như khi ta bắt gặp những cây Kơnia cổ thụ đổ bóng dài trên lối về, thấy thân thuộc lắm, gần gũi lắm, nhưng chẳng còn là của mình.
Đêm ở nhà trăng thật sáng, sáng đẹp đến ngỡ ngàng. Tôi ngồi ngoài cầu thang, một mình. Cái cầu thang đã mòn vẹt và lên nước bóng loáng, chẳng thể biét nó đã in bao dấu chân người. Ngôi nhà này ông ngoại tôi làm mất ba tháng trời, phải dùng ba con voi kéo cột, phải chở mất mấy trăm gùi lá som về đan mái. Những chiếc cột gỗ sao xanh, gỗ trắc ngày một trở nên bóng đẹp như những tráng niên, dù cho ông ngoại tôi đã miết mải trở về với Giàng. Thời thơ ấu, tôi rất tự hào về ngôi nhà vững chãi của mình. Nhưng mỗi một khôn lớn, tôi nhận ra một sự thật, rằng nhà mình rất nghèo. Những chiếc vòng, chiếc xà tích trên người mẹ tôi lần lượt theo cha tôi đến chiếu bạc. Mẹ tôi ốm bệnh rồi qua đời. Tang mẹ tôi xong, nhà chẳng còn gì hơn ngoài cái đài bán dẫn Trung Quốc đã hỏng mất chiết áp. Bếp nhà tôi cũng không có cái gì đáng tiền, chỉ thật nhiều những bầu nước lớn nhỏ, ngày ngày chúng ngồi trên lưng em tôi ra dọt nước, uống no đầy bụng rồi kĩu kịt theo em tôi về. Không có mẹ, cái bếp cũng trở nên buồn. Cuộc sống nhà tôi như những cái bầu, quẩn đi quanh lại, hôm nay hay ngày mai thì cũng vậy, cũng giống hệt hôm qua. Có khác chăng là nồi cơm mùa khô lẫn cả mồ hôi, nồi cơm mùa mưa lẫn cả nước mắt. Mà nước mắt hay mồ hôi thì cũng chát mặn, cay đắng như nhau. Nhiều lần, có hai anh em, cái HLinh lại thở dài: “Bao giờ nhà mình mới thôi nghèo?” Cái HLinh em tôi mới học lớp bốn nhưng cũng bỏ học lâu rồi. Khi nó bỏ học, cha tôi bảo: “Con gái không cần học nhiều. Ở nhà mấy năm nữa thì bắt chồng, làm rẫy rồi sinh con. Thế là xong”. Tôi bảo cha tôi: “Bây giờ khác ngày xưa”. Cha tôi thở dài, quay đi: “Mày đứng nói nhiều nữa”. Hồi mới bỏ học, cái HLinh buồn lắm, buồn như tôi bây giờ. Nó đi làm rẫy rồi ở ngoài đó suốt mùa, tuốt bông xong mới về nhà, ăn tết rồi lại đi. Giờ thấy tôi mang đồ đạc về nó cũng buồn. Nó đổ thóc vào cối, giã thậm thịch từ chiều qua đêm. Tiếng chày nó dẻo êm, chắc nịch. Tôi ra chỗ nó, định giã chày đôi. Nó hỏi: “Anh bỏ học à?” Tôi gật đầu: “Ừ”. Nó vứt cái chày xuống đất: “Anh ngu thật”. Rồi nó đi mải mốt ra phía dọt nước, tôi nào biết nó đi đâu? Những hạt thóc dưới tiếng chày tôi đang cãi nhau, lạo xạo...
Từ nhà trong, cha tôi gọi: “Tấn, vào đây”. Tôi vào nhà. Nhà tôi vẫn không dùng đèn, đêm chỉ nhờ ánh sáng của lửa bếp. Bếp nhà tôi phay phui ngọn lửa, chẳng ai che gió được, mà gió đầu mùa thổi rất hung, gió cuối mùa thổi lại càng hung. Cha tôi nhìn tôi rất lâu, cái tẩu thuốc trên miệng ông đỏ rực: “Mày đừng buồn, lúc nào nhà bớt cực lại học tiếp”. Làm sao cha tôi biết, rằng cái tuổi chẳng bao giờ đợi người, nó lớn vùn vụt, nó đi vùn vụt, ngoảnh đi ngoảnh lại vừa mới đầu xanh một mai đã tóc bạc, như cha tôi, tuổi già đã lọ mọ bước đi cùng ông từ lâu lắm rồi. Tôi bảo: “Chỉ thương cái HLinh em tôi thật chẳng có gì”. Bằng tuổi nó, con gái làng tôi đã biết sắm sửa, làm đẹp, tay lấp lánh những chiếc vòng. Cái HLinh chỉ có mỗi cái vòng mẹ tôi để lại, một cái vòng cũ sứt răng. Áo nó cũ rồi. Đêm hội đêm xoang nó múa ở mãi vòng ngoài. Vòng ngoài thì chỉ nhìn người chứ có ai nhìn mình đâu. Đêm trăng đẹp nó cũng chẳng đi chơi. Nó đi lên rẫy. Rồi nó về nhà. Lầm lũi như con rùa. Hiền lành như con mang. Con mang đêm còn biết tác gọi bạn gọi bầy, cái HLinh em tôi chỉ biết đóng cửa ngồi nhà làm lụng. Cái con gái làng tôi gom tiền để mua chăn, sắm đệm. Em tôi dệt chăn đem bán cho người. Mỗi năm tôi ăn, tiêu hết bao nhiêu cái chăn, thật không nhớ được. Chỉ biết tay em tôi có rất nhiều sẹo, nó buồn hơn tuổi mười lăm và cũng già hơn tuổi mười lăm.
Cha tôi bảo tôi: “Tao đã hẹn với chú Thơng rồi. Ngày mai thì đi”. Tôi ngạc nhiên: “Đi đâu?”. Cha tôi bảo: “Bụi thành phố làm mắt mày mờ rồi. Cả làng này đi hết, chỉ còn nhà mình thôi. Nhà mình ba người, ít cũng được ba bao. Vi chi ba trăm ký. Mười lăm triệu. Đổi đời”. Cha tôi vẫn rít đỏ đầu thuốc, mặt phởn phơ trong cái viễn cảnh xa vời. Đi hái là ươi là đi khổ đi sở, biết bao nhiêu người mang bệnh, có người cây đổ, người lật thuyền để hà bá hỏi thăm. Mùa ươi trước, thằng Hyim thân thiết của tôi nằm lại giữ rừng. Rừng cho làng tôi thật nhiều. Nhưng rừng cũng cướp đi bao nhiêu sinh mệnh, như một sự đòi nợ, báo thù. Rừng bạc, rừng vàng. Nhưng rừng nghiệt. Cha tôi vào sinh ra tử cùng rừng, cuối cùng tay trắng. Chú Thơng dứt áo ra đi, ngỡ không ngoái cổ lại, nào ngờ vẫn dính chặt lấy miền rừng đất đỏ này. Chú Thơng xưa kia bỏ làng vì mối tình không trọn. Chú ưng mẹ tôi, nhưng mẹ tôi quay mặt đi nơi khác rồi. Cha chú Thơng có dính dáng tới chuyện ngụy quân ngụy quyền, di tản qua bên Mỹ. Giờ đây chú có một ngôi nhà lớn giữa thành phố, làng tôi ai đi chơi cũng qua ở dó. Nhưng chỉ một lần thôi. Mười người kể cả mười, trăm người kể cả trăm, rằng ngôi nhà ấy có ma, đêm đêm mèo cái động tình cào mái nhà đi tìm đực và tiếng rên gớm ghiếc trong cái hầm rượu bỏ hoang. Đặc biệt hơn, Chú Thơng sống một mình với một bà già có đôi mắt cú vọ, trông đến tởm. Hàng tuần chú lái xe U-oát chở hàng lên quán ở đầu làng tôi rồi chở hàng về xuôi. Quán chú bán nước mắm, bột ngọt, mì tôm và những thứ bánh nhuộm phẩm xanh đỏ làm đói con mắt trẻ con. Người làng tôi đem lúa, hạt điều, đem vỏ bời lời ra đổi lấy hàng. Ai thiếu tiền thì chú cho ký nợ. Cả làng ai củng thích chú, muốn đi làm ươi cho chú. Có người bạc miệng chửi mẹ tôi ngu. Cha tôi nghe hết về ngồi gụ trên bếp, đau lắm, tức lắm. Chỉ thương cái tẩu thuốc, đỏ suốt ngày cho tới tàn đêm.
Bây giờ cha tôi đi làm ươi cho chú Thơng!!
Cha tôi bảo: “Chỉ tại mình nghèo quá mà”. “Mình ngheo thì mình làm rẫy, mình trồng cao su, mắc mớ gì mình đi làm thuê cho người ta” - Tiếng em tôi vang lên. Nó đã về từ khi nào, váy áo ướt lượt thượt, tóc nó cũng ướt, lấp lóa những giọt trăng trong vắt từ phía đỉnh đầu. Cha tôi nhìn nó gắt: “Mày ngu lắm, bốn năm mới có một lần thôi”... “Nhưng mà.... không đi!” - Em tôi dứt khoát. Cha tôi nói giọng nài nỉ, van lơn: “HLinh ơi, mày lớn rồi, mày như con chim bay được ra khỏi tổ. Nhưng còn hai đứa em mày. Còn anh mày đây, nó bỏ học nó về. Nhà mình nghèo quá mà”. Nhà mình nghèo quá mà! - mỗi lần cần thuyết phục ai cha tôi thường nói vậy. Đến lúc này tôi mới nhìn lại, hai đứa em tôi đang nắm lăn lóc trên sàn, cũng cỡ trứng gà trứng vịt, người bết đầy đất. Chúng ngủ đã quá say rồi. Tôi bế chúng vào chiếu rồi đắp mền. Chúng là em út, còn tôi là anh cả. Một thằng anh cả ngu dại và bất tài.
Cái HLinh vẫn vùng vằng, không chịu đi. Nó lo đi làm cao su hơn. Cha tôi bảo nó ngu đi làm thuê cho người Kinh. Nó bảo người nào cũng là người Việt Nam. Nó đi làm được trả tiền, làng này đã bao người đi làm theo nó. Cha tôi quát lên : “Mày phải đi, mày là con tao cơ mà”. Cái HLinh hết nhìn cha tôi rồi nhìn tôi, rồi nó bỏ ra ngoài, lao huỳnh huỵch xuống sân. Cái cối đã trút hết gạo, chỉ còn nguyên vẹn những đường trăng. Em tôi đang giã trăng trong lòng cối. Tiếng chày không khua nặng, kêu “thập thoong”. Nước mắt nó cứ lẫn vào mồ hôi rơi xuống. Nó không hay biết. Nó cứ giã. Thập thoang! Thập thoang!...
* * * * *
Dù có vùng vằng nhưng cái HLinh vẫn phải đi!
Sáng sớm hôm sau, sương mù tràn qua mặt người, gà vừa mới gáy chúng tôi đã chất đồ lên thuyền. Hai bì gạo, hai bì muối cùng với mắm khô. Cha tôi dặn mang theo áo mưa, đèn pin và cả hai cây thuốc Mai. Chú Thơng mặc bộ quần áo rần ri bạc, mang theo một khẩu súng và cái túi tiền lắc lư bên hông. Chú nhìn tôi từ đầu đến chân: “Tấn mày bỏ học thiệt hả?”. Tôi im lặng, cúi đầu. Chú vỗ vai tôi, cười: “Bỏ học ở nhà phụ giúp ba mày cũng tốt. Học chi nhiều cho cực. Chú nằm lòng có vài ba cái chữ mà hỏi cả thành phố này có ai hơn chú chưa? Thiệt tình... đời chú chỉ thua ba mày có một lần thôi, con”. Chú Thơng thua ba tôi trong chuyện tình yêu. Người con trai làng tôi lớn lên phải biết đan cái gùi đẹp, biết làm cái ná dẻo để bắn con thú trên rừng. Ngày đó theo già làng nói, chú và cha tôi là những thợ săn lành nghề. Cha tôi săn được ba trăm lẻ chín con thú, gạc hươu, ngà voi mắc đầy nhà. Chú Thơng ganh đua với cha tôi, chú Thơng cũng săn được như vậy. Nhưng mẹ tôi ưng cha tôi vì một chuyện khác, chuyện mà mãi sau này tôi mới biết, dù lúc đó tôi chẳng thể làm gì.... Chú Thơng lại hỏi “Ba mày đâu?” “Ai mà biết” - Tiếng em tôi nói chỏng. Tôi bảo “Chút ba cháu tới liền”. Thực ra tôi biết cha tôi đi đâu rồi. Cha đi từ lúc trăng chưa tà, bước chân cha rất nhẹ. Nhưng trong cái đêm đầy xáo động như đêm qua, tôi làm sao ngủ được. Tôi biết cha ra quán uống rượu bên làng KLong. Làng KLong toàn người Campuchia qua tị nạn từ hồi có họa diệt chủng Pônpốt, giờ thì muốn trở lại sinh sống nhưng vẫn chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Đàn bà con gái làng KLong có đôi mắt vừa lạ vừa buồn. Cha tôi yêu một đôi mắt như thế. Người đàn bà ấy không xinh đẹp như mẹ tôi nhưng đã ưng cha tôi rồi. Mẹ tôi đẹp người, chân trắng, mặt tròn, cái mắt có rượu cần lâu lăm sóng sánh, để biết bao nhiêu người phải đốt đuốc đi tìm. Tìm thấy người, thấy cả tiếng cười nhưng mẹ tôi không chịu. Me ưng cha tôi vì một lẽ giản đơn, cha tôi biết hát. Bao đêm trăng hẹn, cha hát với mẹ rằng
Pơtit ih lom bua pha
IL com ptơi drơi
Jan ih leng hrup hang bonga
Bit bong pơ nga rinh côt
Tạm dịch :
Đùi em như thể đôi ngà
Thân em mềm mại như là đóa hoa
Mẹ tôi đã say sưa câu hát ấy cho tới khi giã mình về cõi chết, cho dù cha tôi đã ngủ gục bao đêm bên ván lát nhà người. Thứ ánh sáng ảo ảnh, thứ ánh sáng phù du ấy âm ỉ, chập chờn thức trong lòng mẹ tôi mãi mãi, giống như giọt nước đầu nguồn, biết rõ mình thật trong, thật mát lên chẳng bao giờ dám nghĩ tới ngày cạn khô. Một năm từ ngày mẹ tôi mất đi, chú Thơng vẫn còn phải sững người mỗi khi bắt gặp nét gì của mẹ tôi tạc vào dáng vóc dáng HLinh. Chú khen nó đẹp, nhìn nó thật lạ lùng. Tôi bảo, nó con nít, chẳng biết gì. Chú Thơng không nói nữa, lảng qua chuyện khác “Ba mày muốn bắt vợ hai rồi”. Tôi bảo “Mẹ cháu mất rồi. Mà cha cháu giồng như chú, cũng là một người đàn ông” Chú Thơng cười khẩy: “Cơm thành phố dạy mày thế hả Tấn? Em mày kia, nó có ở nhà với mẹ kế của mày không?”. Tôi quay đi, nhìn phía em tôi, nó ngồi như thạch tượng, chẳng biết giận hay buồn.
Chúng tôi ngồi trong sương yên lặng. Mặt trời đã chưng hửng đỏ ở phía xa, xa lắm. Bắt đầu là một vệt đỏ đậm màu cá chua chín. Rồi chứ dềnh lên, mêng mang ra bốn phía sắc hồng rực rỡ, báo hiệu một ngày nắng tràn. Cả dòng sông bốc hơi nghi ngút. Mặt người như có làn khói xông, hư thực và bồng bềnh. Có tiếng nước chạm ở đầu thuyền. Cha tôi đã đến. Ông bảo: “Đi thôi”. Chú Thơng ngăn: “Từ từ đã, kẻo đâm vào đá như chơi”. Sông Pôkô là con sông ăn thịt người, năm nào cũng nuốt vào bụng nó những cô gái đẹp. Hồi tháng trước có cô công nhân ở nông trường bơi thuyền qua sông chặt lồ ô về rào cao su bị sóng đánh úp, trôi mất xác. Chú Thơng hào hứng kể, vừa he hé cười: “Mình đi qua rẫy cao su của nó miết, mình biết. Nó tên là Vân, công nhân quốc phòng mà. Suốt ngày nó quấn khăn che nắng vào mặt, chỉ hở cái mắt. Mắt nó không sắc, không đẹp nhưng cái đùi nó mập, lại trắng như cặp ngà voi”. Tôi bảo: “Chú kể chuyện ấy làm gì?” Chú Thơng bảo: “Mày còn non dại, mới mười mấy cái tuổi đầu, mày không hiểu được đâu” Em tôi giật mạnh mài chèo: “Đi thôi”. Nó nhoài người chèo thuyền, để lộ một vùng da thịt ngần trắng phía trước. Chú Thơng hấp háy mắt, he hé cười. Hàm răng chú nhọn hoắt và ám đấy khói thuốc. Cái hàm răng có lần em tôi bảo, nó khủng khiếp như đáy sông Pôkô. Giữa sông mênh mông tinh sương, nghe tiếng cười chú Thơng sao mà ghê, mà gớm. Tôi cầm cái rìu rồi nắm chặt. Cha tôi thở dài: “Chỉ vì mình nghèo quá mà!”
Thuyền chúng tôi mải miết vượt sông dài. Con sông như một túi nước trên tay người, chỗ bị buộc nhỏ lại, chỗ lại nở bung ra. Chưa khi nào tôi thấy dòng sông lặng tờ như thế. Hai bên là núi, là rừng, khoảng nước ở giữa cắt chia sơn thạch thành hai bờ, hai miền luôn thiếu nhau. Mùa mưa con nước đầy lên, mùa khô cạn dần, không có phù sa lắng lại, chỉ có cây rừng và lá mục nằm im lìm dưới đáy nước, cái sự im lìm tự nhiên cố hữu như vốn tự ngút ngàn xa xưa. Tôi yêu con sông với một tình yêu riêng biệt, vừa kính sợ vừa tự hào. Vừa chèo thuyền tôi vừa nghĩ về nó, về tôi và em tôi. Chúng tôi là cát nhỏ. Con sông như đời vậy, sông quá rộng dài. Tôi cưỡi lên mình sông với tất cả sức mạnh và niềm kiêu hãnh của loài người, nhưng tôi vẫn sợ biết đâu có ngày sông nhấn chìm tôi trong cơn cuồng nộ. Xứ xở nhỏ bé của tôi nhờ sông mà sống, sông vực lên những hoài bão ước vọng, để rồi mãi sau này tôi vẫn không trả lời được, thực ở nơi đầu nguồn ai gom nhặt nước cho sông?
Thuyền cứ đi. Cha tôi và chú Thơng ngồi, vừa đốt thuốc vừa nói chuyện, những mảnh chuyện tầm phơ. Chú Thơng bảo: “Tôi mua cái bãi này hết mấy triệu bạc, đứa nào làm trước tôi cho nó một phát”. Chú vỗ vỗ tay vào khẩu súng, mắt ánh lên những tia nhìn của loài rắn hổ mang. Chú Thơng đi mua rừng của Nhà nước bằng văn tự miệng (!). Tôi bảo: “Chú giết người thì chú đi tù” Cha tôi nạt: “Mày thì biết gì chứ”. Cha tôi vốn vậy, nỗi đau ôm khư khư, nuốt rượu thay cơm bữa, từng giọt rượu tràn vào ngực tê buốt như những đốt gai. Bao tháng bao năm qua đi, nỗi đau là rượu đắng, cha tôi uống tràn. Chú Thơng lại chuyển qua những câu chuyện dâm tục, nhạt phèo. Em tôi nhìn đừ vào mặt sông không nói, cái im lặng của than hồng. Tôi đừng giữa chèo thuyền. Sông im ắng lắm mà sao thuyền vẫn chòng chành. Tôi vừa sợ, vừa mong thuyền lật.
Trời tối, chúng tôi dừng ở bến tạm, thổi lửa nấu cơm. Mệt quá tôi nằm ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ tôi thấy một con khủng long nổi mình trên sông Pôkô, nhe hàm răng gớm giếc ra dọa người. Con Khủng long lúc nổi, lúc chìm trên dòng sông, cái đầu xù xì lúc lại dạng hình nhân. Hình nhân như rõ dần. Là chú Thơng! Tôi vùng vẫy, hét lên rồi tỉnh dậy, người ướt đẫm mồ hôi. Chú Thơng đang ngồi kế đó lau súng, nòng súng chĩa vào sườn tôi. Chú bảo: “Đồ nhát gan”. Tôi hỏi: “Ba và em cháu đâu?” “Đi rồi!”. “Đi đâu?”. “Đi lấy rau. mày con trai gì mà dặt dẹo quá”. “Mặc xác tôi, mắc mớ gì đến chú chứ?” - Tôi bực tức phát cáu. Chú Thơng he hé cười: “Này đừng nóng, anh bạn trẻ. Dù sao chúng ta cùng hội cùng thuyền mà”. Tôi bảo : “Không biết làm sao bố tôi lại đi làm quân cho ông chứ?” Chú Thơng chửi : “Mày ngu lắm, con ạ. Bán rẫy bán vườn nhà mày có đủ kiếm tiền trả nợ cho tao không? Ba mày lấy mẹ mày, đến mẹ mày chết không đủ tiền làm ma. Burr...., người đẹp mà làm gì..”. Tôi nhảy tùm xuống sông. Tôi bơi đi tìm cha và em tôi về. Tôi buồn quá.
Thuyền chúng tôi đến bãi vào lúc nhập nhoạng chiều. Hai ngày trên sông trên thuyền, tôi thực sự thèm cho mình một dẻo đất để mà đứng chân, mà nằm nghỉ, mà sống. Trong lớp lá rừng ẩm ướt là từng bầy muỗi vo ve và tiếng chim kêu thảm thiết. Tôi nghe như mạch đất rung lên, cầu rừng rung lên. Đến trước chúng tôi có mấy thuyền rồi, nhưng toàn là quân của chú Thơng. Dọc con sông này, chú Thơng đâu có gì là lạ lùng. Năm nay thì có ươi, sang năm lại lấy chai cục, hết chai cục thì đi xẻ gỗ, chở theo mảng về thành phố bán. Gỗ sao, gỗ hương vùng này quân của chú làm tan nát hết, kiểm lâm chú cũng qua mặt. Tôi biết đi ươi là đi phá rừng. Cha tôi cũng biết. Nhưng cha tôi cần tiền. Tôi cũng cần tiền. Khi cần tiền người ta dễ dàng bao biện cho ý định của mình. Cha tôi chặt cây, anh em tôi mang bao đi hái. Cây ươi là loại cây thủy cây chung, mọc ngược tầng cao, không chịu khuất phục loài khác, từng chiếc lá che lấy những trái quả cho khỏi nắng khỏi mưa. Tôi vừa hái quả vừa nghĩ lung tung. Còn cha tôi dồn sức chặt. Nhìn anh em tôi im lặng, cha tôi càng im lặng hơn. Cái im lặng như rượu đắng, như thuốc sâu kèn. Chú Thơng ngồi ở lán, chờ mọi người đem ươi về cân. Ngày nào chú cũng uống rượu. Rượu vào chú lại tưng tửng hát. Người làng tôi bảo những ai cuồng dục mới uống rượu đuôi nai. Chú Thơng uống rượu ngâm đuôi nai với thịt bò tót xông khói. Chúng tôi đi nhặt từng trái ươi một, cho vào bao rồi mang về. Chú cân lên, ba chục ký. Em tôi giật cái bao lại: “Không bán nữa”. “Sao thế?” Em tôi bảo: “Người to lớn như chú, cháu còn xách được, ném được xuống sông mà bảy chục ký. Cái bao này lớn thế, cháu không xách được sao có ba chục ký? Chú là đồ ăn cướp. Cháu khinh”. Chú Thơng nhượng bộ: “Thôi nào, thì bảy chục ký”. Chú đứng dậy, xoa lưng em tôi, cười. Tôi bảo: “Chú chẳng ra cái quái gì cả”. Tôi hỏi cha về chuyện ấy. Cha lắc đầu thở dài: “Nhà mình nghèo quá mà”. Hừ! Nghèo! Lúc nào cha tôi cũng nghèo. Nghèo thì sao chứ? Chẳng lẽ cứ nghèo là hèn?
Những bao ươi được chất lên thuyền. Có ươi rồi chú Thơng không dám ngủ. Chú ngồi gục như con hổ già lão, thừa lõi tinh khôn nhưng sự nhanh nhẹn đã mất đi nhiều. Chú nói phải chở ươi về bán mới có tiền trả cho cha tôi. Em tôi nhảy phắt lên thuyền: “Không được”. Chú bảo: “Thì Hlinh theo chú về luôn”. Thuyền lại xuôi. Em tôi vốn quả quyết và ương bướng. Tôi và cha tôi đứng nhìn theo, không biết làm gì. Tôi đấm mạnh tay vào gốc Kơnia cổ thụ. Máu tràn trên tay tôi. Máu rất đỏ. Máu kết hợp của hai người tài sắc nhất làng.
Cha tôi bảo: “Tấn à, hay mày đóng mảng về nhà trước. Ba thay thương và lo cho em mày”. Đến bây giờ cha tôi mới nghĩ tới khi chuyện đã rồi. Tại sao tôi không cản Hlinh lại? Sao tôi học miết mà vẫn ngu vẫn dại? Tôi ơi!
Tôi làm mảng lồ ô, rồi lao đi. Tôi không tìm được thuyền của em tôi. Tôi nhìn trước, tôi nhìn sau. Chỉ có núi và sông, chỉ có nỗi buồn tôi dằng dặc. Cha tôi một phía, em tôi một đầu, mình tôi lênh đênh chồng chành ở giữa. Tôi muốn gào lên thật lớn. Nhưng núi thì cao lắm. Mà sông thì thăm thẳm dài. Tôi ngồi xuống mặc cho mảng tự trôi. Đầu tôi như vỡ toác ra, đau buốt.
Đến chiều hôm sau tôi tìm được thuyền chú Thơng. Trên bến tạm, chiếc thuyền neo lại ghềnh đá, nằm ngủ rất bình yên. Không thấy Hlinh, không thấy chú Thơng. Tôi chạy ngược dốc lên triền rừng. Tôi đạp gai, máu chảy đẫm một ống quần. Người tôi run lên, giống như trong giây phút tôi nắm chặt tay nhìn mẹ từ giã cõi đời. Tôi đi tìm em tôi.
Tôi qua triền rừng thứ nhất
Tôi qua triền rừng thứ hai
Và kia là triền rừng thứ ba
Rất nhiều cây lớn. Những thảm lá dày. Cái chai rượu vứt lăn lóc. Quần áo vắt trên cành tơ hồng. Chú Thơng. Em tôi.
Tôi nằm vật ra đất, ngoạm một mồm đầy cỏ, thấy cổ mình rát bỏng. Cuối cùng em tôi vẫn chỉ là một đứa con gái, nó mới mười lăm tuổi và chưa hiểu được cuộc đời. Nó nằm kia, tấm tức khóc mà tuyệt nhiên không phản ứng gì. Thế là nó chấp thuận. Nó bị lưỡi độc và rượu độc đánh gục. Bên cạnh nó, cái bụng nhễ nhại mỡ đang ngổn ngang, hổn hển thở, cái tiếng thở khò khè như rắn hổ mang. Ông ta hứa sẽ xóa nợ cho cha tôi, sẽ làm tất cả vì nó. Tôi nghe tất cả. Tôi đau. Tôi vùng dậy, lao đến đập túi bụi vào cái bụng kia cho tới khi hắn không còn chống cự. Và tát thẳng một cái vào mặt em tôi: “May ngu lắm”. Tôi ôm lấy nó mà khóc. Nước mắt tôi rớt tràn vào khóe miệng, từng giọt, từng giọt... sao mà đắng mà cay.
Tôi bị bắt. Cha tôi đập đầu vào cột, nước mắt ông đôi giọt như những giọt thủy ngân. Cuộc đời tôi cũng như cha tôi, cũng như dòng sông Pôkô vậy, khúc khuỷu gập ghềnh. Hôm tôi ra tòa, phía cuối phòng xử án, có một đôi mắt rất đẹp, rất buồn nhìn tôi, nước mắt bò dài trên hai gò má. Người đàn bà ấy không phải người làng, chẳng phải người Việt. Người đàn bà làng Klong.
Bây giờ thì em tôi đã lớn, nó đi làm công nhân quốc phòng rồi, Nguyên ạ. Ngày mai tôi ra trại, anh sẽ gặp cha tôi và hai người đàn bà, một già một trẻ, tôi đón tôi về. Họ đấy.
* * * * *
Nói rồi Tấn tựa lưng vào tường, mắt nhắm hờ thơ trẻ. Anh đang ngủ. Có lẽ anh đang mơ tới những con đường xứ sở, trải đầy bóng mát cho anh về. Như núi và như nước, anh thuộc vĩnh viễn về mảnh đất này, nơi những cây Kơnia đổ dài trên mặt đất, vững chãi và bình yên. Tôi khép cửa phòng giam, bước ra. Từ phía xa rất xa, đang dềnh lên một hừng đông đậm màu cà chua chín. Thế là thêm rực rỡ một ban mai...
Gia Lai, mùa thực tập
11/04/2001
Chú thích:
[1] Ươi: Một thứ quả rừng, được coi là đặc sản của Tây Nguyên.