Vĩnh biệt Huyền Trân
Tác giả: Dương Bình Nguyên
Thứ bảy. Bà mẹ đẹp như một bức tranh thời Phục Hưng gọi điện thoại năn nỉ: “Con bận không Hưng, đến đây với cô nhé. Cô có vé xem hát, lâu quá rồi không được đi xem Huyền Trân. Đi với cô, biết đâu con lại viết được một bài báo hay”.
Hưng ngồi trong phòng máy chạy vo vo. Đến hay không nhỉ? Thời buổi này không ai còn hứng thú đi xem tuồng nữa. Hưng và Phan đang giận nhau. Vì nhiều lẽ. Người ta bảo đó là những chất xúc tác của tình yêu. Chẳng biết nhưng cũng thoáng chút ngại ngần. Ngại ngần nhưng rồi vẫn đến.
Bà mẹ mừng như trúng số, pha nước đưa tận tay. Bà đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, quần áo nhã nhặn, một chút phấn son. Nhìn bà khiến người đối diện một chút bùi ngùi, một chút tiếc nuối. Phải, xuân sắc chỉ qua một lần thôi. “Uống đi con. Phan, đi luôn với mẹ và anh. Hôm nay ba phải đi chiêu đãi, chắc khuya mới về”.
Phan nhìn Hưng, không nói gì. Nhưng rồi bất thần qua bấm máy: “Anh tới chở Phan đi xem kịch!”. Hưng hụt hơi nhìn trối chết vào giò phong lan treo ngay phòng khách. Cái thứ hoa lan sao mà đẹp. Tại sao chúng có thể thỏa mãn tràn trề như thế khi chỉ có mấy cọng rễ ăn mòn thân gỗ mục nhỉ?
Đi xem. Hưng nghe bà mẹ kể về những tích tuồng cổ. Hồi học đại học, Hưng có đọc qua mấy cuốn sách liên quan đến tuồng cổ, cũng nắm được đôi phần. Câu chuyện ấy khiến cho chiếc xe bên cạnh trôi đi im lặng và ấm ách đến khó hiểu.
Rạp mở cửa trong tưng bừng, chủ yếu người già, trẻ con đi theo giấy mời (chứ thiên hạ bây giờ ào ào chạy đua với thời đại, mấy đứa lao vào xem tuồng tối thứ bảy?). Bà mẹ nhìn quanh thấy những gương mặt quen quen, nhìn ai cũng có vẻ chào cười. Hưng liếc qua nhìn cu cậu đi bên cạnh cô gái của mình, hạnh phúc tự dưng rơi xuống như táo rụng, không mừng sao đành. Phan mím môi đi không nói gì. Giận thì giận.
Tám giờ. Vở diễn bắt đầu. Tướng Trần Khắc Trung nghe tin dữ, hoàng thượng gả Huyền Trân cho vua xứ Chiêm Thành làm kế an dân, giữ hòa khí láng giềng. Huyền Trân ngây thơ trong sáng không biết gì, hai người lập đàn thề nguyền. Hưng ngồi ngoài cùng rồi tới bà mẹ, Phan và “kẻ bên kia”.
Bà mẹ kể trường đoạn thứ nhất. “Cô diễn viên nhập vai quá tuyệt phải không con? Được lắm. Nhưng cảnh hai mới là đẫm nước mắt. Buổi biệt ly nào mà chẳng thế phải không con?”. Hưng dạ khẽ, một thứ sân khấu cổ với tính ước lệ cao đôi khi là khó khăn trong vấn đề tiêu hóa của bọn trẻ. Khi MTV đánh thức mọi cảm xúc bằng thị giác thì tuồng cổ bắt chúng phải tư duy liên hồi theo từng cái buông người, theo từng hồi trống chiến.
Hưng liếc nhìn sang bên cạnh, thấy một kẻ nhìn kẻ còn lại, kẻ còn lại nhìn ngước lên những ngọn đèn màu đang tắt nháy. Máy di động trong túi rung bần bật. Một tin nhắn. Từ ngày quen nhau, đôi khi họ chỉ có thể nói chuyện bằng những dòng tin không dấu trên những cái màn hình xanh lét của điện thoại. Quen đến nỗi không cần nhìn màn hình, hai tay trong túi mà không hề sai một cái dấu phẩy.
“Hôm qua anh làm gì? Tại sao không trả lời máy?”. Hôm qua Hưng làm gì nhỉ? Lúc đó Hưng đang đi Hải Phòng, viết về những lò luyện thi hoa hậu và cái giá rẻ mạt của nghề người mẫu. Khi Phan gọi thì Hưng đang phải ngồi cà kê trong cái bar tum hủm đó, nhìn mấy em thời trang treo những mảnh vải ơ hờ trên mình diễu qua mặt trên những cái bục ximăng bé tẹo. “Anh ở nhà, ngủ quên”. Bà mẹ nhìn qua, bảo: “Con cứ ra ngoài nghe cho rõ”. Hưng cười: “Con nhắn tin”. Bà mẹ lại bảo: “Hay thật. Trần Khắc Trung đúng là đại trượng phu”. Hưng khẽ vâng.
“Thật ra thì chúng ta có nên tiếp tục không nhỉ? Bố em rất giận anh. Em rất yêu bố”. Trên trần, những bóng đèn tắt ngúm. Tiếng vỗ tay nổi lên. Tiếng những bà già tóc bạc phơ chép miệng: “Rõ tội, con bé đẹp người đẹp nết thế mà lại phải lên thuyền theo lệnh quân vương”. Máy tiếp tục nháy xanh: “Anh không biết. Nhưng anh chỉ muốn chúng ta yêu nhau vì một lý do đơn giản: anh yêu em và em yêu anh”. “Nhưng bố cũng không có gì sai”.
Bố Phan có gì sai không nhỉ? Bố Phan có tài kinh bang tế thế, quảng giao hơn người. Cơ ngơi này do ông gầy dựng. Một biệt thự, có bể bơi trên tầng thượng, có vườn hoa và ông chỉ có một cô con gái. Khi cưới vợ được năm tháng, ngày ấy ông mới là một nhân viên quèn chỉ biết nghề cạo giấy, đã quyết tâm bắt vợ nghỉ hát để ở nhà. Không phải cuộc sống quá khá giả mà bởi ông không chịu nổi vợ mình chuyên khóc thương và trao thân cho kẻ khác trên sân khấu. Cuộc sống trôi đi nhanh như một cái khoát tay vậy. Giờ thì ông đã là một người đầy danh tiếng, mọi việc trôi vèo trong sự nâng đỡ của thủ trưởng mới. Thế thì có gì phải lo lắng nhiều đến thế.
Bố Phan có gì sai không nhỉ? Hưng kiểm điểm lại mọi thứ. “Anh không biết. Nhưng có một độ vênh nhất định trong quan niệm giữa anh và bố em”. “Chưa lấy nhau đã thế, lấy nhau rồi chắc anh sẽ không coi ai ra gì”. “Em nặng nề như thế làm gì?”. “Anh mới là kẻ cố chấp!”.
Hưng có cố chấp không nhỉ? Hưng có cố chấp không khi mà Hưng chỉ là một phóng viên văn nghệ, không thể viết những thông tin bêu riếu người khác đầy mưu đồ mặc dù có những chứng cứ trong tay. Làm thế có thể không sai về pháp luật. Nhưng đời này làm gì có ai hoàn hảo được đâu?
Bà mẹ bắt đầu sụt sịt. “Ngày xưa diễn cảnh này cô đã khóc đến run người. Chú ấy phải rút khăn tay lau nước mắt cho cô vì sợ nhòe son phấn. Huyền Trân đúng là phận má hồng, buồn quá phải không con? Thế mà qua bao nhiêu năm nét diễn của chú ấy vẫn còn sức lay động lòng người đến thế”. Hưng lặng lẽ lấy khăn giấy đưa cho bà mẹ. Phía bên kia cũng có kẻ làm như thế với người bên cạnh. Nhưng nét mặt lộ rõ vẻ hoan hỉ kiểu phú ông được mùa. “Anh rất buồn” - cái màn hình lại bật tín hiệu. Và bên kia có kẻ lật đật mở máy ra. “Anh thương cho Huyền Trân à? Sao anh giống mấy bà già miền Tây”.
Hưng nắm chặt máy và cứ đọc mãi. Ngày Hưng gặp Phan, cô là một hoa khôi áo dài. Người ta trao cho cô vương miện về giải ứng xử hay nhất. Nước mắt cô dính đầy kim tuyến lấp lánh. Hôm ấy, bố Phan đã là người vỗ tay rất lớn. Ông mang bó hoa to tướng lên sân khấu ôm ghì lấy con gái. Hạnh phúc thật sự của những người làm cha. Phút giây ấy Hưng đã kịp ghi lại và về sau nó được lồng khung kính treo trang trọng trong phòng khách.
Đến bây giờ Hưng vẫn không hiểu vì sao Phan lại đồng ý yêu mình. Cô có quá nhiều thứ. Còn Hưng quá giản đơn với những công việc hằng ngày. Bố Phan vồ vập Hưng ngay từ đầu khi bài viết của Hưng về Phan được đăng rất trang trọng. Và vẫn là tấm hình cảm động của hai cha con. Ông sai cậu lái xe đi mua mấy trăm tờ báo về để tặng bạn bè. Hạnh phúc ấy có thật và Hưng biết ông yêu con gái mình đến nhường nào. Tình yêu ấy đánh thức những khuyết thiếu của Hưng về cha. Và không dưới một đêm Hưng nghĩ về những điều đó.
Hưng không nghĩ Phan yêu mình. Bởi vì sau cuộc thi ấy Hưng đã đến với nhiều cuộc thi khác và cũng có biết bao người đẹp khác. Bây giờ những cô gái đẹp và được trang điểm kỹ lưỡng có thể gặp nhan nhản ngoài đường chứ nói gì đến những cuộc thi mang lại quá nhiều lợi lộc và danh vọng. Người đẹp bây giờ như một món quà xa xỉ, những kẻ thường thường bậc trung như Hưng chỉ thích nhìn ngắm, bàn luận chứ chẳng khi nào thầm nghĩ đến chuyện sở hữu.
Người ta vẫn kháo nhau người đẹp dành cho các đại gia, thế thôi. Nhưng bất ngờ một hôm cô đến tòa soạn, mang theo một bó hoa lớn và một gói quà xinh xinh. Ngày báo chí mà, cô nói, em tặng anh. Và bố có nói mời anh tối qua nhà dùng cơm. Hưng ngồi vân vê món quà trong phòng, thấy lòng mình tròng trành.
Thật ra mọi chuyện như thế nào nhỉ? Tối hôm ấy, Hưng đã lưỡng lự. Không đến: phiền toái. Đến: ngại ngần. Rồi cũng đến. Đến để bất ngờ nhận ra một thế giới quá khác lạ với mình. Nhưng Phan nhanh chóng lôi anh vào cuộc, hòa đồng nhanh chóng với một bà mẹ hiền dịu, xinh đẹp và một ông bố quyền lực nhưng biết ngoại giao. Cứ như thế, người ta yêu nhau lúc nào thật cũng chẳng biết được. Hưng cũng dường như quên Phan là một hoa khôi. Họ yêu nhau, với Hưng chỉ thế thôi.
Hưng tắt máy. Kịch đã đến màn thứ mấy cũng chẳng nhớ. Huyền Trân chuẩn bị lên dàn hỏa thiêu sau khi đức vua Chế Mân băng hà vì dính phải độc dược của Bố Đề. Mỹ nhân phải theo quân tử về chín suối cho linh hồn được trọn vẹn bên nhau. Huyền Trân không khóc, nét mặt ủ dột ngơ ngác nhìn mọi người. Bà mẹ đã dùng tới gói giấy thứ hai. Một tình yêu mãnh liệt với quá nhiều hối tiếc được dịp bùng phát. Bà như tựa hẳn người vào vai Hưng. “Ngày xưa cô đã khóc thật đấy. Khi nghe tin hoàng thượng băng hà, cô như bị điện giật. Thế là diễn như lên đồng ấy. Và lúc đó giọng hát như bị lạc đi mà vẫn vang mới lạ. Không ngờ đó cũng là vai diễn cuối cùng. Cô giận mình. Cô không giữ được niềm đam mê, phải không con?”.
“Con không nghĩ vậy. Bằng lòng với hoàn cảnh cũng là điều tốt, mẹ con vẫn hay nói thế”. Bà mẹ khóc run trên ghế. Bên kia vẫn im lặng. Những cái tin chưa thể có report ấm ách trong máy. Biết nói với nhau thế nào được khi bên Phan là một người khác, khuôn mặt khác và mọi thứ rất khác với Hưng.
Kịch hạ màn. Tiếng vỗ tay rào rào. Mấy cụ già lên sân khấu tặng hoa. Kẻ xấu đã bị bắt giam vào ngục tối. Huyền Trân được giải thoát bởi một vị tướng tài ba và rất mực quân tử. Bà mẹ đứng dậy: “Xúc động quá phải không con?”. Phan đi ra cửa trước, kẻ bên cạnh vội chạy theo đuôi trông rõ là te tái. Kẻ bên cạnh là con của phó của bố Phan. Hạnh phúc lắm chứ, nếu cuộc hôn nhân đầy hãnh tiến ấy thành sự thật.
Về nhà. Bà mẹ thẫn thờ nhìn cánh cổng vẫn khép kín như tờ. Bà mẹ bảo: “Con vào nhà đã đi. Cô buồn quá”. Vào nhà. Kẻ bên kia rút lui sớm, như một hành vi đầy ga lăng và ghi điểm trước đối phương. Chứ đâu như Hưng, đi xem hát tuồng rồi vào nhà ngồi trò chuyện với một người già về những điều hết sức tẻ nhạt. Bà mẹ mở cuốn album cho Hưng xem những hình ảnh cũ. Những vai diễn in dấu ấn một thời. Những bức hình như một cuốn nhật ký, ngắn ngủi nhưng đầy day dứt.
Phan ngồi im như pho tượng sáp. Rồi bất thần cô đứng dậy: “Anh về đi! Mẹ cũng thôi đi, ký ức gì mà suốt ngày ký ức”. Bà mẹ ngước nhìn con gái rồi nhìn khách. Tất cả trong tích tắc và mọi chuyện đã là ký ức thật. Thật sự là một vết lõm trong ký ức. Một vết lõm. Chỉ thế thôi.
Sau buổi tối hôm ấy, nhà hát còn diễn Huyền Trân nhiều lần. Bà mẹ cứ cuối tuần lại đi xem hát, ngồi khóc lặng nơi hàng ghế cuối cùng cho đến khi đèn bật sáng. Rồi lại gọi taxi về nhà, giam mình cả tuần trong thế giới của máy lạnh, bể bơi và chăn nệm ngột ngạt hoa lan hoa hồng. Một hôm, ông bố gọi điện cho Hưng, giọng ôn hòa: “Con đến với chú một chút, được không?”. Một chút của ông không bao giờ là chuyện đùa, càng không bao giờ là chuyện nhỏ. Nhưng phải đến.
Hưng bước vào phòng khách lành lạnh. Ông ngồi đó, bình thản giở những trang họa báo của một cuốn tạp chí mới rất ăn khách với những trang hình bắt mắt đầy gọi mời. “Việc chú nhờ con làm tới đâu rồi?”. “Hôm nọ, con đi xem hát thấy chú ấy. Thật ra đó là một người đàn ông tội nghiệp”.
Rất tội nghiệp và rất đáng thương vì ông lại là tình yêu đầu của vợ đối phương. Ông cũng ngồi co ro trên hàng ghế cuối, mắt ngó trân lên sân khấu, những mảnh đời trôi qua mắt ông. Sân khấu bao giờ cũng vậy, đẹp lạ lùng và mọi kết thúc đều làm yên tâm những thực khách sau bữa tiệc đầy màu sắc bước chân ra về. Cái thiện phải thắng cái ác, thiên hạ nói vậy và sân khấu luôn luôn diễn như vậy. Ông bấu víu điều đó làm niềm tin trong cuộc chiến không cân sức này. Ông đã làm gì nào? Một sai lầm thời trai trẻ, một cuộc tình và một sự nghiệp dở dang. Ông sống như một chiếc quan tài hoen gỉ biết đi giữa lòng thành phố này với một hoài niệm không dứt. Tất cả những điều đó Hưng chỉ biết khi đến với ông quá nhiều lần, uống rượu với ông và những cuộc chuyện trò không có đoạn kết.
Ông bố vứt tờ báo xuống: “Con có thương chú không? Có thương em Phan không?”. Hưng im lặng. Không đơn giản như trong kịch bản. Kể cả Khắc Trung trao Huyền Trân cho người khác, đau đớn lắm nhưng đã được soạn lời rồi. Chỉ là một sai lầm thôi. Người ta đến, người ta muốn mọi thứ được kết thúc. Hợp pháp chứ đâu tội lỗi. Ông đã làm. Và ông đã lỡ tay. Người ta không còn cơ hội làm mẹ nữa. Không được phép có thứ phẩm, nghề mà. Khi Hưng hỏi ông về những điều ấy, ông đã giữ thái độ im lặng rất dài. Chỉ khi đêm diễn Huyền Trân khai mạc, ông đến xem và nhận ra Hưng thì mọi chuyện mới được giãi bày. Người ta bảo: “Em không muốn có con với hắn ta”.
Đêm đã rất khuya. Hưng không thể trả lời được. Hưng không biết viết gì về những ngõ khuất trong quá khứ, những thứ mà lẽ ra nên chôn vùi. “Con xin lỗi, cho con một thời gian nữa, được không?”. Ông bố nhìn Hưng, thở dài: “Tùy con. Em Phan cũng rất buồn”.
Hưng gặp Phan ở cửa. Phan mới đi chơi về. Giận nhau mà. Họ đi qua nhau. Lặng lẽ. Nhưng đó là một dấu chấm!
Cuối cùng thì Hưng phải thừa nhận mình là một kẻ yếu đuối. Khi Phan tỉnh dậy vào buổi sáng thì những cái tin đã đầy nhóc nhách trong máy rồi. Khi ấy Hưng đã ở trên máy bay. “Anh rất buồn. Nhưng anh sợ tiếng Việt biểu cảm quá, nó sẽ níu anh ở lại vì yêu em mất thôi. Những con chữ không dấu này dễ chịu hơn. Anh đi đây. Anh đã nạp sẵn cho mình những dự định. Để vượt qua”.
Hưng vào Nam. Bà mẹ tha thiết trong máy, tiếng nói như đang đi dần vào những ngõ cụt đầy tuyệt vọng. “Sao con không nói với cô. Hưng ơi, cô có nên nói với Phan sự thật này không?”. Người đàn ông tội nghiệp, người đàn bà bất hạnh. Họ đã tạo nên một sản phẩm hoàn hảo rồi để vuột vào tay người khác.
Ai đó nói, hình như ông nhà văn Đoàn Thạch Biền, rằng mẫu số chung của những mối tình đầu là chia tay. Hưng im lặng đặt máy. Tình đầu của Huyền Trân cũng thế, thật mà. Ông già tội nghiệp, ông đã nói gì trong cái đêm công diễn ấy nơi hàng ghế cuối? Ừ, phải, ông đã vĩnh biệt Huyền Trân hai mươi mấy năm.