Miền đất hoa vàng
Tác giả: Dương Bình Nguyên
L úc ấy đã vào cuối mùa khô, những con đường không thể bụi hơn nữa. Lối vào xã chỉ là một lát cắt giữa hai bên là những cánh rẫy vừa mới phát. Đâu đó có những đám khói xám xịt, bay luẩn quẩn cùng hơi nóng hừng hực.
Chiếc xe khựng lại, ông tài xế có một vẻ mặt rất phong trần nhìn hai đứa, tội nghiệp: “Ngồi đây đi, chút có mấy đứa công an xã tới rước. Nó dặn bây rồi hả?”. Thực ra không phải là dặn, chỉ là lời nói hôm trước đi giao ban công an huyện, ông phó công an xã bảo sẽ đón trong chiều nay. Còn vào lúc nào thì không thấy nói tới. Chúng tôi chui vào chiếc quán độc nhất, những món đồ hàng cũ xỉn và lầm lên màu đỏ quạch.
Bà chủ hàng ái ngại: “Uống nước không? Nhà tôi có “bò húc””. Khương bảo: “Anh có xem quảng cáo trên tivi không? Là nước tăng lực đó mà. Dì cho con xin hai lon bò húc, thật nhiều đá”. Tôi ngồi ngó lơ ra những tàng cây trứng cá, tàn lá của chúng cũng mang cái màu chật vật. Trong nhà, chiếc tivi chết lặng trên bàn. Cái bình ắc quy không đủ điện để phát sáng màn hình.
Bà chủ vừa quạt vừa bảo: “Trong này cực lắm. Cô cậu vô đây công tác hay đi làm gì?”. Khương cười: “Tụi con đi sưu tầm dân ca”. “Ờ, bi giờ lại có cái thứ công việc tùm lum đó sao. Sưu tầm dân ca, ngộ thiệt đó. Nhưng... là sao?”. “Là đi coi người ta hát cái gì hay thì mình ghi vào sổ, mai mốt về hát cho người khác nghe”. “Trời, con nhỏ này, giỡn hoài. Tưởng bà già này không biết gì sao?”. Khương cười. Lon bò húc ngọt đến dị người, tôi không sao uống hết. Khương bảo, có lẽ anh không biết, trong này đàn ông pha rượu để uống chơi thôi. Đúng lúc đó có tiếng xe máy rè rè tới. Khương đứng lên, hỏi thân thiết: “Sao lâu vậy?” Cậu thanh niên lúng túng, quệt hai tay bê bết dầu mỡ vào quần, chiếc quần cố gắng chỉn chu lại vần lên những vết tay màu đỏ vàng kì cục: “Tại ruột xe bị lủng”. Rồi nhìn qua tôi, anh ta chào: “Chú Chin nói tôi qua đón anh”. Khương nhìn tôi: “Thôi, anh vào trong đó đi, tuần sau Khương lên thăm. Khó khăn chung mà”. Người thanh niên nhìn Khương, ánh mắt buồn buồn: “Về luôn sao?”. Khương mím môi: “Công việc nhiều lắm”. Rồi cô lôi ra một chiếc bàn cạo râu và tá dao lam: “Xài đi, dạo này trông để râu... dữ dội quá”. Khương về. Người thanh niên không nói gì, tay vân vê chiếc bàn cạo. Chiếc bàn cạo đen, nhẵn bóng. Được một chặp, Khương quay lại bảo tôi: “Thôi, anh vào đi, trong đó có điện thoại, anh gọi cho Khương là được rồi”. Tôi khẽ gật, nhìn màu chói gắt đang đổ ập xuống đầu mình. “Về!”- chiếc xe bất thần rung bần bật và anh ta đang chờ tôi leo lên.
Bụi mù mịt. Chừng như không còn chút không khí nào để thở cả. Chỉ là một màu bung phát, tơi tả. Xe phăm phăm lao đi như một chàng ngựa dũng mãnh. Tôi không mở được mắt, tất cả đập vào tôi quá mạnh, quá hối hả, kể cả sự im lặng đến bạo liệt của anh chàng tài xế bất đắc dĩ này. Đến đầu suối, anh ta đột ngột dừng lại: “Xuống rửa mặt đi”. Một không gian khác, yên lành bất ngờ đến bên cạnh tôi. Con suối nhỏ nhưng trong vắt, đâu đó là tiếng cười trẻ nhỏ. Kề bên là những bờ cây lá, những bóng cây hồn nhiên trôi trên mặt nước hiền lành. Tôi thả chân xuống suối. Mát lạnh. Mà không dám tắm. Tôi nghe nhiều đến những chuyện như người ta bị ngã nước rụng trọc cả đầu. Trong khi đó anh ta đang dần trút bỏ quần áo: “Sắp tới anh sẽ phải tắm ở đây, như thế này”. Dứt câu, anh ta nhoài mình xuống đáy nước như một con rái cá. “Anh tên gì ?” - tôi hỏi. “ Cứ gọi là Yơng”. Yơng – thực tình nó không gợi cho tôi bất cứ cảm giác gì, nếu có thì là sự ngạc nhiên, hoá ra mỗi vùng đất đều có thể xuất hiện những cái tên khá kỳ lạ mà đôi khi người gọi ra nó cũng không hiểu vì sao lại thế. Hay giả chăng giữa những ngọn đồi này, giữa những mênh mông cỏ xanh và thung lũng này, có một huyền tích, một câu chuyện, một mối tình mà nhân vật chính mang tràn đầy khát vọng tên Yơng?
Đưa tôi về tới ủy ban xã, Yơng lặn không tăm hơi, bỏ mặc chiếc xe cà khổ nằm phất phơ giữa nắng chiều bỏng rát. Ông chủ tịch xã là người bản địa, một thời rước quân giải phóng qua sông Pôkô. “Cậu từng nghe tới đất này bao giờ chưa? Cực dữ lắm, nhưng không thể quên được. Mà người ta giao cho cậu làm những gì?”- ông chủ tịch hỏi. Tôi ngồi nhìn những đốm hoa bông gòn nở xoá trắng mặt sân nhà rông. Chúng nở bung và bay la đà trong những làn gió hiếm muộn. Tôi chưa từng nghĩ có một ngày mình sẽ phải đến đây, làm cái công việc rất chi là trừu tượng, giải đáp thắc mắc của nhân dân về chính sách. Tiếng Việt thì đồng bào không biết, làm sao tôi nói được tiếng dân tộc? Tôi cười: “Là một chút việc giúp đồng bào mình thôi, chú”. “Ờ, là hỏi vậy. Để nói với Yơng. Ơi Yơng, đưa cán bộ đi tắm. Nắng dữ lắm. Nhưng suối thì mát thiệt mát”. Hoá ra anh ta làm một chân “loong toong” ở xã, cái người đảm lược nhiều khâu đoạn trong một miền rừng mịt mù.
Và về sau tôi mới nhận thấy rằng, nếu không có Yơng thì mọi việc từ giản đơn nhất như đăng ký khai sinh cho một đứa trẻ đến những công việc lung tung beng khác ở cái xã này sẽ rối lên như canh hẹ. Nhưng đó phải là nửa năm sau, khi kỳ thực tập của tôi kết thúc. Còn khi đó, Yơng hiện ra ngay khung cửa, hàm râu cạo vội vẫn còn vương lại màu xanh ánh thép. Không để râu, trông anh ta hiền lành và có gì như thu bé mình lại. Tôi lôi ra chiếc khăn bông, chai dầu gội cùng hộp xà bông mới. Tất cả như một luồng điện nhanh chóng đập vào mắt Yơng. Anh ta nói: “Mấy chai lọ này đúng là thứ chiếu trên tivi?”. Tôi nhìn Yơng, có gì đó thật bất nhẫn: “Đúng vậy. Chúng chẳng đáng gì”. Yơng nhìn tôi: “Anh đi tắm đi. Anh chưa quen, có thể bị sốt rét như thường. Ba tháng rồi, xứ này không một giọt mưa”. Đến vậy sao? Tôi chưa nghĩ tới cái cảnh người ta có thể khoả thân trầm mình trong rừng như một câu chuyện khá mọi rợ mà tôi đọc được từ đâu đó. Nó rất xa với suy nghĩ của tôi. Vừa đi xuống suối, tôi hỏi: “Ở đây có gì đáng kể không?”. “Là sao?”. “Là những chuyện động trời một chút, những câu chuyện đánh nhau, bắn rơi máy bay Mỹ chẳng hạn”. “Nhiều, kể sao hết. Nhưng mà phải nói với già làng. Chuyện mười năm, chuyện trăm năm già đều biết”. Nước lạnh làm tôi rùng mình. Dường như lâu lắm rồi, tôi không có được cái cảm giác thoải mái và tự do thế này. Những cánh rừng phấp phới nắng. Và loài chim gì có những chiếc lông cánh màu đỏ rực đang ngồi vắt vẻo trên thân bằng lăng trắng, chúng tụ tập nhau để gẫu chuyện. Yơng đang ngồi trên bờ, tay vấn điếu thuốc sâu kèn to bản. Rồi hơi thuốc khét lẹt phả ra xung quanh. Cái cần cổ Yơng bạnh ra, rướn lên như làm một việc nặng nhọc rút kiệt sức lực. Tôi ngoái đầu lại, cảm giác như để chống chọi với cái buồn tẻ và u ám của xứ này, anh ta đã phải gồng lên với tất cả nghị lực phi thường, hệt như anh phải vươn cần cổ rít từng mẩu thuốc sâu kèn khét lẹt và không mấy ngon lành kia. Tắm xong, tôi leo lên bờ ngồi cạnh Yơng.
Chìa cho tôi bản thuốc lớn được quấn trong tấm vải nhựa, Yơng bảo tôi, giọng nhuốm một màu huyền thoại : “Dùng thử đi, mới đầu không chịu nổi, miết rồi lại không thể xa được. Thuốc này được trồng trên đỉnh núi Chư Pru, ba năm mới nở hoa, ba năm lá mới kịp rụng”. Tôi nhìn Yơng quấn bản thuốc lớn, nghĩ có thể lịm đi vài giờ liền vì độ nặng của nó với vòm họng bé nhỏ của mình. Tôi hỏi: “Nhà anh ở làng nào?”. “Làng Klong. Cái làng đẹp, những cô gái đẹp. Làng của người Campuchia”. “Sao lại vậy?”. “Họ qua đây lâu lắm rồi, giờ thành người Việt đến nơi. Họ muốn ở lại”. “Cả gia đình anh ở đó chứ?”. Yơng không trả lời, châm thuốc và đưa cho tôi: “Bắt vợ chưa?”. Tôi chưa nghĩ được tới điều này. Tôi cười: “Tôi còn nhiều thứ phải lo quá”. “Ờ, người thành phố thường vậy. Nhưng xứ này không có cái gì hay cả, nên bắt vợ là chuyện lớn. Người lớn nghĩ hộ bọn trẻ khi chúng bước vào tuổi mười lăm”.
Giọng Yơng như trôi đi về một góc rừng nào đó, phiêu diêu và ngậm ngùi. Yơng giục tôi đi về. Phía đầu dốc Khẩu Súng mặt trời sắp rụng xuống. Những tàng cây kơ nia hai bên đường ánh lên sắc đỏ đầy bỡ ngỡ. Đám trẻ con lúc lắc rong đàn bò về nhà. Ngập trong tiếng leng keng mõ, tiếng ậm ò của bầy đoàn no đủ là một cảm giác thật bình ổn, thật mê say. Những cô gái quấn xà rông ướt lượt thượt đi phía sau. Họ nói với Yơng bằng tiếng Giarai. Rồi tất cả cùng cười rũ. Dường như rất nhiều cô gái biết trước sự kiện này. Phải gọi là sự kiện vì năm sáu năm rồi mới có một “cán bộ” người Kinh về đây công tác tương đối lâu như vậy. Tôi nhìn thấy ánh mắt những cô gái lấp lánh. Những ánh mắt đẹp. Vừa khát cháy vừa mênh mang.
Đêm trong buôn nghe tiếng mõ bò lộc cộc buồn nôn nao buồn. Chỉ có thể coi hết thời sự, màn hình tivi bỗng tối om bởi nút nhấn trên tay ông chủ tịch: “ Thôi, đi ngủ đi. Yơng, mai bàn kỹ với cán bộ, coi làm những thứ gì. Ô, nhớ đi nhấc lưới thiệt sớm”. Rồi ông mang chiếc võng dù cũ sờn ra ngoài hiên mắc nằm, mắt ngước lên những chòm sao dày đặc. Trời trong veo, không gợn u ám mây. Thoảng qua gió và tiếng mang tác tìm bạn, tiếng bầy chim chập choạng gọi ăn đêm là một khúc dân ca nào đó trôi về. Tôi và Yơng nằm chung trên tấm bạt pháo sáng đã cũ. Dường như Yơng cũng như tôi, không ngủ được. Bữa cơm chiều với món muối giã ớt thật đậm khiến tôi cay xè con mắt. Rất lâu trong mông lung, Yơng lén ngồi dậy, ra ngoài cầu thang, ngó chơi vơi lên những bóng kơnia đổ rậm một vùng đen thẫm trước sân nhà. Tôi cũng ngồi dậy. Yơng hút thuốc, điếu thuốc sâu kèn đỏ rực trên khoé môi. “Ngủ đi. Đường xa mệt nhiều chứ? Đi thẳng từ Hà Nội vô đây?” “Vâng. Thực tập mà”. “Ngày mai thì làm gì?”. “Tôi muốn xem lại sơ đồ của toàn xã. Rồi đi tới từng làng buôn. Này, đi lên biên giới chắc là xa?”. “Chỉ một đoạn đường. Đó là sông Pôkô. Đẹp miệt mài”. “Sao anh không về làng?”. “Trong này dường như cả ủy ban xã thức đêm. Lâu thành quen”. “Khi nào anh về làng?” “Mai mốt. Vợ mình mới sinh con. Một đứa con gái”.
“Điều đó rất thiêng liêng mà” – tôi gần như thốt lên. Yơng cười, hàm răng loá buốt dưới trăng: “Vợ mình sinh con gái cho người khác”. Yơng nói thật bình thản, cảm giác mọi nỗi buồn đau đã đi qua trong ngày hôm trước, để sớm nay trở dậy anh đã rất đỗi bình tâm, đến ủy ban làm việc một cách bình thường. Tôi im lặng. Tôi sinh ra, lớn lên ở vào một khoảng khác biệt quá lớn để có thể hiểu những gì đang đến với Yơng. Nhưng đêm nay ngồi đây, tôi thấy Yơng thật cô độc, cái dáng chùi chũi xuống, cái dáng cắm cúi lao lư như một bức tượng nhà mồ đôi chân im lìm nằm trong khoang đất bí ẩn. Tôi bảo: “Anh cùng đi ngủ đi. Đêm nay có rất nhiều sương”. Yơng vịn vai tôi, đứng dậy: “Chừng nào anh về ngoài Bắc?”. “Còn rất lâu nữa, hình như phải đi qua mùa mưa” - tôi nói phỏng chừng. Nói phỏng chừng để chờ đợi và kiếm tìm những gì đang cất giấu như men rượu lâu ngày trong tâm hồn kia. Và sau câu nói ấy, tôi thấy mình thật tàn nhẫn.
***
Một cuốn sổ cáu bẩn, chỉ là rất tình cờ thôi, tôi tìm ra nó trong đống hồ sơ cũ kỹ, những sơ đồ, đường làng, những ký hiệu ám định những ngôi nhà, con suối... Bên cạnh cuốn sổ bìa cứng ghi khai sinh là cuốn sổ này, nó được ghép lại bằng nhiều loại giấy nham nhở nhưng những con chữ lại khá đẹp. Trong cái nét nghiêng đều đưa trên mặt giấy thấp thoáng sự tài hoa. Thoạt tiên, tôi cho là cuốn sổ nhỏ mà một ai đó, như mấy cô giáo tiểu học chẳng hạn, ghép lại lúc rỗi việc để chép bài ca. Tôi bỏ qua một bên, lẫn cùng với những giấy tờ lem nhem màu đất đỏ. Có thể thấy rõ dấu vân tay ông chủ tịch in lên mỗi trang sổ ấy. Ông có thói quen chấm nước bọt trước khi giở sách. Và đất đỏ cũng theo đó mà lưu hằn lên giấy. Nhem nhuốc – phải nói cho đúng là như vậy. Hồ sơ ghi về dân số, về đất nông nghiệp, sản lượng... khá mờ nhạt và không cập nhật, có khi đó là kết quả của mấy năm trước, mà người chép vô thức tỉ mẩn ngồi sao y bản chính. Phải bằng nhiều chắp nối, tôi mới tạm hình dung được thực trạng của một xã biên giới heo hút và khó khăn chồng vai gối đầu lên nhau như thế này. Những lúc ấy, Yơng thường quanh quẩn đâu đó. Rồi anh lại mang con dao rẫy lên vai, qua bên rừng vạt những đám cây nhỏ, chăm chỉ dọn đám rẫy mới. Xung quanh khu nhà ủy ban, Yơng đã phát khá nhiều. Anh bảo: “ Để cho ủy ban nấu cơm khi có cán bộ lên công tác. Mình không biết làm gì đâu, làm thế này cũng thấy tốt hơn”. Chặp thoảng, anh lại chạy về, mang cho tôi ly nước, hoặc một bao thuốc ERA, một thứ thuốc bao cứng đồng hạng, không quá đắt nhưng vượt trội thứ thuốc Mai cuốn điếu không có đầu lọc khét lẹt. Thực tình, tôi hút không bao lăm, chỉ để lúc rảnh ngồi chơi bài tú lơ khơ lại đem ra làm vật nhạy cảm hấp dẫn mọi người vào cuộc. Có lẽ mọi thứ ở đây diễn ra quá tẻ nhạt khiến người ta chóng thấy nhàm. Tôi đã đọc hết tất cả những cuốn sách có thể mang theo. Và tôi nghĩ đến cuốn sổ ấy, biết đâu giống như lời Khương nói, nó sẽ có một cái gì đó hay ho, một bài dân ca là lạ chẳng hạn. Tôi ngồi tỉ mẩn soi lại những đường chỉ khâu gáy cuốn sổ. Gần như mục cả rồi. Mới thấy mưa nắng xứ này nghiệt ngã thật, có thể làm tơi mục mọi thứ, xoá phủ đi mọi thứ. Những con chữ nghiêng nghiêng, đẹp và lượn đều đặn. Nó không bao giờ là sổ chép bài ca.
Ngày...
Mình vào bộ đội. Giấc mơ của mẹ đây mà. Mẹ bảo, chân cứng đá mềm nhé. Con đi con đường của bố. Bạn bảo, thôi, chúng ta mỗi người một hướng đi. Nhưng hẹn gặp lại. Mình chẳng cản bạn bao giờ.
Mình vào bộ đội. Mẹ sẽ không bao giờ biết mình đang đi trong những khu rừng ướt đẫm nước mưa thế này đâu. Và ngay bên kia, con sông sóng dữ ầm ào chảy. Mình đi gác đêm. Bên cạnh mình, anh Trung bảo: “Tao nhớ nhà quá, còn mày?”. Tự dưng mình cũng thấy nhớ nhà cồn cào. Mình muốn khóc. ừ, nhưng con trai mà khóc ư? Khóc lúc này thật là ủy mị và lãng xẹt. Mình bảo: “Em quen rồi. Em nghĩ anh cũng đã quen”. Làm sao mà quen được. Nói cho nhau ấm lòng thế thôi. Anh Trung bảo: “Mày có người yêu chưa?”. Mình bảo: “Chưa kịp yêu”. Mình nói dối. Anh Trung bảo: “Sang năm tao nghỉ phép về nhà cưới. Không cưới nó đi lấy chồng mất. Người yêu tao xinh gái nhất làng. Mà mày cũng chẳng hình dung được làng tao như thế nào đâu. Nó rộng và đông đúc, phải gần bằng cái thành phố Plêiku”. Mình cười: “Em chẳng được đi đâu nhiều. Học xong, em vào lính luôn”. “Thế mày đã biết thế nào là nụ hôn đầu đời chưa? Nó... buồn cười lắm, ngòn ngọt mà lại ... hay hay. Nói chung là nên yêu đi ông em ạ. Đời lính chúng ta phải yêu ngay cho nó đỡ sầu”.
Cứ cuối tuần, bưu tá ở ngoài đơn vị mới đưa thư báo vào phà tám, nơi tiểu đội mình đóng quân. Lúc ấy mình không làm được gì. Phấp phỏng, lo lắng và nhiều lần thất vọng. Nhưng một buổi sáng mình nhận được thư bạn. Mình phải ngồi im một lúc lâu rồi mới len lén ra bờ sông đọc. Bạn kể đã khóc và thương mình. Không nên thế, đồng chí ạ. Mình tự nhủ vậy mà sao nước mắt lại trào ra.
Mình hối hả viết thư cho bạn, nghĩ đến những ngày phép. Những ngày ấy chúng ta sẽ làm gì nhỉ. Chẳng biết sẽ làm gì nhưng chắc chắn sẽ rất hạnh phúc. Có thể mình sẽ chở bạn đi lang thang ngoài phố, đi suốt đêm bên nhau, ngó lên những khung cửa kín bưng le lói những ánh đèn. Ngày trước mẹ mình thường mắng hai đứa trẻ con quái gở, thích thú khỉ gió gì như thế chứ. Nhưng mà chúng mình thích thế, không hiểu vì sao lại thế. ừ, thành phố, hiện diện trong tâm trí mình luôn là một thành thố với những khung cửa le lói, những quầng sáng chấp chới màu hy vọng. Mình nhìn những thân bằng lăng trắng bóng trong chiều nắng, thấy nơi này sao mà rộng mà dài, thấy nỗi nhớ bạn rất nhiều mà đường lại rất xa…
***
… Tôi bắt đầu chuyến đi vào từng buôn. Yơng đi cùng tôi, anh đưa cho tôi một chiếc khăn bịt mặt. Còn Yơng vẫn để đầu trần, mái tóc Yơng khô xác như râu ngô được nắng. Và chiếc áo Yơng đang mặc, giống rất nhiều người đàn ông khác, đó là một chiếc áo bộ đội đã cũ. Không biết nó đã gắn bó với Yơng từ bao giờ, nhưng những sợi vải đã nhão nhừ và mỏng tang. Yơng bảo: “Vô làng anh nhớ phải nhiệt tình uống rượu nghe. Rượu ghè, thiệt ngọt và thiệt mát. Anh là khách qúy, hôm qua mình đã bảo với già làng rồi”. Dù chiều đã tàn muộn, tôi vẫn kịp nhận ra ngôi làng Klong của Yơng nằm trên mảnh đất bằng phẳng, có cảm giác mấy chục nóc nhà khuôn tròn lại với nhau, ở giữa là cây pơ lang hoa đỏ thắp rực rỡ. Bên cạnh, vẫn còn cây nêu của lễ đâm trâu. Chiếc xe chạy vào giữa sân, lũ trẻ con lập tức nhào đến: “Yơng về rồi, chị Hnơl, Yơng về rồi”. Thấp thoáng từ bóng nhà dài một vạt thổ cẩm nhàu nhĩ và có tiếng trẻ khóc ré lên. Yơng bảo: “Vợ mình đấy. Còn con người khác”. Cha vợ Yơng đã rụng răng phóm phém, miệng ngậm tẩu thuốc: “Cán bộ về chơi sao?”.
Yơng bảo: “Nguyên vô làng mời mọi người ra ủy ban làm việc”. Nhà Yơng nghèo thật nghèo, quanh cái bếp cháy xém đen đúa chỉ một đôi cái nồi sứt quai. Ông già vẫn không rời tẩu thuốc khỏi miệng, chỉ thấy từng hơi khói mệt nhọc trôi qua phía đỉnh đầu. Yơng lặng lẽ ra ngoài, từ trong những ngôi nhà bắt đầu tiếng chân lịch bịch, tiếng người í ới gọi nhau. Yơng về lại làng. Yơng đem cán bộ đến giới thiệu với dân làng. Thế thì đàn ông phải đến, đàn bà phải đến. Những ghè rượu được đặt giữa nhà Yơng. Tôi như lịm đi trong thứ nước cay dịu, say dịu và ngọt mềm như những vòng tay người. Người ta hỏi han, chúc tụng Yơng. Tôi nhìn thấy ánh mắt Yơng chợt như đờ dại, chợt như hằn lên những nỗi buồn âm u như men rượu. Yơng uống rất nhiều, Yơng hát những bài ca mang mang buồn, bài ca tình gần, bài ca tình xa. Yơng không say rượu. Giữa lơ mơ thức tỉnh, giữa những lần vít cần và những khói thuốc chờn vờn, tôi vẫn thấy Yơng ngồi hát. Hát mê mải. Nước mắt Yơng lặng lẽ chảy. Trong vắt. Không giống nước sông Pôkô.
Tôi bắt đầu buổi nói chuyện, kế hoạch tuần đầu thực tập là tôi phải gặp gỡ bà con, trò chuyện và lắng nghe ý kiến từ mỗi buôn làng. Tôi nói chuyện, những kiến thức ngờ nghệch qua những lát cắt vụn vặt từ vài tài liệu, vài đoạn báo khiến những câu nói khá rời rạc và ngập ngừng. Yơng đứng dậy. Anh dịch ra tiếng Ja- rai, khiến những gương mặt ngơ ngác sáng bừng lên. Rồi mọi người quay qua tôi, hỏi đủ thứ chuyện. Đại loại là những thắc mắc về chế độ dây thép gai, tại sao nói cho để rào vườn trồng cà phê mà chưa có? Tại sao nhà Puih Năm được hai chục ký gạo nhà tôi chỉ được mười lăm ký... Trong số ấy có cả những kẻ vượt biên, bị nhốt thành tù binh trong cải ảo vọng của đất lạ, rồi lại quay về. Khá mệt mỏi, mắt họ cắm cúi xuống sàn nhà. Tôi nói với Yơng, cần phải nói cho họ hiểu tất cả. Yơng kêu mọi người im lặng. Lúc này tôi nhìn thấy Yơng trong một trạng thái mê say kỳ lạ. Anh đã thành thục với cách nói chuyện thế này từ rất lâu rồi. Mọi người ồ lên, có ai đó vít cổ Yơng xuống, những cái ôm hôn rất chặt. Và lại uống. Trong góc nhà, vợ Yơng đang ôm con ngủ. Chị nhìn Yơng, ánh mắt ấp ủ như lửa nhỏ. Tôi nhìn đứa bé trên tay chị, nó không mang bóng dáng nỗi buồn Yơng.
***
Ngày…
Hôm nay lớp học về sớm. Mình biết bọn trẻ sẽ rất khó chịu khi trong buôn đang có lễ Pơthi. Nghỉ sớm. Nói chung là mình cố hoàn thành bài giảng cho tốt. Mình chẳng có kinh nghiệm gì, biết sao nói cho chúng dễ hiểu là xong. Cô bé áo xám lớn nhất lớp nhưng học khá nhất lớp. Giá có một trường học ở đây, giá như cô bé được đến trường sớm hơn. Hay là mai mình vào nhà mình vận động. Biết đâu bố mẹ cô bé lại ưng bụng cho về huyện học tiếp. Mình biết cô bé rất mê Toán. Nếu về đó, cô sẽ rất khá. Mình thương cô bé, cuộc sống vất vả khiến cô bé già đi rất nhiều so với tuổi. Những đốt tay chai sần, những tuổi đời vụn đi theo những mùa lên rẫy. Nhưng mình chẳng làm được gì. Chỉ một tháng nữa, trường học sẽ mở ở đây. Mình sẽ về. Ra quân mình sẽ làm gì? Mẹ viết thư bảo, cứ về với mẹ, mọi thứ đã xong xuôi cả. Xong xuôi – với mẹ thì mọi thứ đều có thể dễ dàng xong xuôi.
Ngày…
Cô bé áo xám bảo, thầy ơi, có thể chị gái em sẽ chết trong đêm nay. Làm sao mà chị lại chết ? Thầy không biết được đâu. Ba tháng trước chị ấy đã bị đuổi vô rừng rồi. Chị ấy mang bầu. Làng bảo đó là con ma lai. Làng không có đất cho chị ấy nữa. Chị ấy chết thôi, sắp sinh rồi… Mình chạy theo cô bé áo xám. Chạy gần hết chiều mới tới con suối ấy, con suối lạnh tanh không người. Tiếng vo ve dài, tiếng trái rụng lẫn vào tiếng gió rớt qua những vòm lá. Tràn vào đó là tiếng réo ma quái của rừng già. Hun hút, âm u và đầy bất trắc. Cô bé hú dài, tiếng hú xa vời. Đáp lại là một tiếng hú gấp gáp nhưng yếu ớt ở phía sau ghềnh đá. Mình lao đến. Dường như người phụ nữ ấy cực kỳ hoảng loạn. Cô ta định vùng dậy chạy. Đúng lúc đó có tiếng trẻ nhỏ. Mình giật thót. Một cảm giác quái lạ ập đến. Có cái gì như sự ớn lạnh. Mình đã nghe tiếng trẻ nhỏ bao giờ nhỉ ? Cái tiếng khóc rạch trời lảnh lót. Mình giật áo ra, bọc lấy cái mầm sống đang quẫy đạp bên ghềnh đá, cắt riêng cho nó một cuộc đời. Oe oe khóc, nó gợi nên trong ánh mắt người mẹ một nỗi thèm khát về một mái làng. Phải, giá mà cô ta có một mái làng, một vuông sàn để sinh nở, một bầu nước để lau rửa cho con. Mình hỏi cô bé áo xám: “Có cách gì đưa chị em về nhà được không”. Áo xám khóc: “Em không biết. Làng đã đuổi đi rồi mà. Nó sẽ chết thôi”. Mình rất sợ, mình chưa bao giờ phải trực diện với cái chết. Mình vốn được cuộc đời hào phóng ban phát một đời sống bằng phẳng và lành sạch. Mẹ vẫn bảo mình, đi bộ đội cho nó cứng cáp lên. Thì cứng cáp. Nhưng đối diện với những khoảnh khắc mong manh thế này…
Ngày…
Từng đám lửa đỏ rực, cái màu hừng hực hằn lên trên mỗi ngọn đuốc. Sân nhà rông như một vầng lửa khổng lồ, sẵn sàng thiêu rụi mọi ý chí phản kháng. Mình nhìn những ánh mắt dò xét. Những đứa trẻ ngày ngày lên lớp gọi mình trìu mến “thầy ơi” giờ đây đang chằm chằm chờ lời phán xét của già làng. Tiếng chiêng gõ, tiếng trống dồn. Những đôi mắt mở lớn. Và những điếu thuốc sâu kèn thật lớn.
Mình nhìn thấy cô ta với ánh mắt kinh hoảng và da mặt xanh nhợt. Cô ta không dám ngẩng đầu, ôm khư khư đứa bé. Và tiếng khóc của nó đã bật tung mọi ý nghĩ. Dân làng bắt đầu hỏi tội. Lại khóc. Lại cúi mặt. Và bỏ chạy. Có ai đó hét lớn: “Giữ nó lại! Giữ lại”. Không thể chạy. Cô ta lại ngồi xụp xuống gốc pơ lang ngập tràn màu hoa đỏ rớt. Một khoảng lặng nghẹt thở giữa hừng hực kìm nén. “Ai?Đứa nào?” - có đôi tay thô bạo giật tung đứa bé trong tay người mẹ yếu ớt đến thảm hại. Tiếng trẻ nhỏ la hét không ngớt. Và đầu óc mình như bị sét đánh. Mình nhìn trân trối vào đám người đang huơ cao ngọn đuốc. Cô ta đã ngất lịm. Bố cô ta cũng ngất lịm. Mình không thể nào làm khác được.
***
Tôi đã trở thành thân quen với các buôn làng. Những cụ già, em nhỏ, những cô gái xà rông thổ cẩm ánh mắt như nắng lấp lánh cười. Cuộc sống từ mỗi buôn làng phả lên cái mùi hoang sơ và dân dã. ở xứ này người ta chưa nghĩ tới việc phải lao lư kiếm thật nhiều tiền và chờ đợi quá nhiều vào những ước vọng xa xôi. Mỗi đứa trẻ ở đây sinh ra được gội dưới dọt nước nguồn, được khóc giữa trời cao đất rộng, giữa bạt ngàn rừng đồi và được lớn lên bằng một mạch nguồn của đất. Chúng mang màu da vàng au như mật và khoẻ mạnh như những chàng Đam San với những cánh cung vút tên bạt gió.
Khương lên thăm tôi. Một tháng ròng với những món ăn đặc quánh của mùa khô khiến tôi thèm một bữa cơm của mẹ với món canh dưa truyền thống. Khương mang lên rất nhiều thứ, rau quả và những đồ vặt lỉnh kỉnh khác. Vẫn là một tá dao cạo râu cho Yơng. Và Yơng lại lặng lẽ nhận lấy. Không vui và không buồn. Khương ở lại ủy ban, bắc bếp nấu cơm. ủy ban ngày chủ nhật mọi người rủ nhau vào rừng săn thú, chỉ còn tôi và Yơng đang ngập đầu trong những con số mà phải mất khá nhiều ngày tôi mới tính toán lại được. Đó là một phần công việc trong chuyến thực tập. Tôi hỏi Yơng: “Xưa anh học lớp bao nhiêu?”. Yơng nhìn tôi, rồi lại hút thuốc: “Biết cộng trừ là được rồi, học nhiều cũng chẳng làm được gì”. Tôi bảo: “Có bao giờ anh đi qua thành phố?”. “Ở đó chẳng có gì vui. Tôi ở đây lâu, đã quen”. Người ta quen đi khi cuộc sống vốn được bắt đầu như thế này, từ lúc đứa trẻ biết hình thành ý nghĩ.
***
Ngày…
Luôn là bộn bề những suy nghĩ trong những ngày tháng đầu tiên ở lại với làng. Mình hoảng sợ khi nghe ai đó gọi tên mình, nghe tiếng bước chân lạ bậm bịch nơi cầu thang. Mình ngồi đó, bây giờ thì mình có thể hút mấy điều sâu kèn mà không choáng váng. Mình đã vậy rồi, bộn bề râu tóc. Tay áo mình rách toạc khi đi rẫy. Bàn chân mình chai mốc khi đánh lưới ngoài sông. Thơ ấu của mình đi mất. Cuộc đời là cái gì mà mình lại hậm hực sống thế này?
Lại một đêm mình không ngủ. Thành phố vẫn còn le lói trong những nỗi nhớ không tắt được. Và những tháng ngày ồn ã đơn vị với bè bạn và những lá thư. Cả bạn nữa. Từ khi rời quân đội mình không liên lạc với bạn. Phải chi một phần trí nhớ được biến mất, mình sẽ sống trơn tru, sống như cây kơnia yên lặng trên những lối về làng.
Mình gục đầu bên bếp. Những gốc lửa đã vạc dần, gió hắt lại lay phay những đốm đỏ nhè nhẹ. Đêm trong làng tĩnh lặng, tiếng chim đêm tác vọng nghe xa xăm buồn. Có tiếng trở mình khe khẽ. Và một cái gì rất nhẹ, ấm mềm khẽ rủ xuống vai mình. Đừng khóc nữa. Phải sống, thế thôi. Từ sâu thẳm trong lồng ngực, mình nén lặng một tiếng thở dài...
***
Trong tôi vẫn thường trực những ý nghĩ về Yơng, về cuộc sống kỳ lạ của những đứa trẻ xứ này. Chúng được sinh ra, lăn lóc lớn lên, rồi lại vội vã ngụp mặt vào đời sống vợ chồng và bề bộn sống, sinh đẻ trong lam lũ. Vậy mà, khi họ hát, họ nhảy múa, cuộc sống bỗng trở nên rộn rã và đầy khát khao…Yơng đã lặng lẽ bỏ đi từ khi nào. Khương đang quạt bếp, khói hoay hoả đỏ gay con mắt. Khương bảo: “Trong này buồn lắm, phải không?” Tôi cười: “Dần dà rồi cũng quen”. “Khi nào ra ngoài Bắc, anh cho Khương gửi chút quà về nhé. Hà Nội mùa này có gì nhỉ? Em thèm được một buổi chiều đi xe đạp bên hồ Gươm. Ngày xưa…”. Khương nói lửng vậy rồi thôi, khói làm cay xè con mắt. Tôi nhìn quanh, thấy trên hiên nhà rông, Yơng im lặng làm việc, anh cộng trừ những con số một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Không có chút gì đặc biệt từ Yơng. Tôi nhìn Khương. Cô như đang bị một góc phố hay một con đường nào đó cuốn lấy. “Quà cho bồ à?” – tôi hỏi. “Không, mẹ em vẫn còn ở đó. Nhà em ở tập thể Thanh Xuân Bắc”. “Ờ, cũng gần”. “Ngày xưa Khương học trường nào?” “Quang Trung. Ông thầy em dạy Toán phát buồn ngủ. Nhưng mà kể chuyện tiếu lâm lại vui. Ngày ấy buồn cười, em cứ nhất mực thi vào trường anh đấy, trượt vỏ chuối, may lại đỗ vớt vào trung cấp cảnh sát”. “Vào đây mình thấy Khương có vẻ hợp đấy”. Bỏ lại những con số, Yơng nằm võng hút thuốc sâu kèn. Mùi thuốc khét lẹt. Tôi và Khương đi dạo. Đã bắt đầu cạn mùa khô. Từng đám khói đốt rẫy bốc cao ngất. Khương bảo, anh thấy nơi này thế nào? Tôi bảo, cũng chẳng có gì đặc biệt. Mình chỉ đi thực tập. Khương lại hỏi, thế nếu vì một ai đó, một cô gái chẳng hạn, anh có định tình nguyện ở lại không? Tôi chưa nghĩ tới tình huống này. Lũ chúng tôi bị thành thị cuốn hút đến mức, mọi ngõ ngách của phố xá cũng đã là những kỷ niệm sâu đậm. Và tiện nghi. Và những thói quen…
Nhưng Khương là một người can đảm. Có cảm tưởng như sức sống của cô đã khuất phục được cái thời tiết nghiệt ngã mưa nắng của vùng đất này. Nắng đỏ au. Mưa dầm dề. Cô vẫn phơi phới sống. Đi cùng tôi trong rừng bằng lăng trắng, cảm giác như Khương đã thuộc về miền đất này. Cô say sưa nói về công việc của mình, những dự định sẽ làm. Cái xã biên giới này làm cho cô phải lặn lội khổ sở nhiều. Nhưng chính cô lại bị mê hoặc. Cô có thể say sưa hát những bài dân ca mà cô đã nghe, đã thuộc. Cô lôi bọn trẻ trong làng ra suối, lột vỏ bánh xà bông và chà sát tới thơm tho những cái đầu râu ngô cháy nắng… Khương chỉ cho tôi một đỉnh rừng đầy những đốm hoa rất lạ, nở trong những ngày khốc liệt của thần lửa. Những đốm hoa rực rỡ, càng nắng lớn càng khoe sắc tươi. Tôi tìm lối bẻ hoa cho Khương. Những cánh hoa rất dày, thơm khắc khoải. Chúng tôi ngồi lại trên một thảm cỏ nhỏ, giữa rừng. Ngồi rất gần Khương, tôi chợt nhận ra cô có một vẻ đẹp kỳ lạ, lặng lẽ và nền nã. Tôi nhìn Khương. Chúng tôi nhìn nhau. “Khương đẹp thật” – tôi buột miệng. Khương ngỡ ngàng: “Anh cũng biết tán gái rồi đấy à?”. Tôi không nói được. Có một cảm giác lạ đột ngột xuất hiện. Khương bối rối thực sự. Tôi cầm tay cô, rất nhẹ, kéo Khương về phía mình. Loài hoa lạ lùng, khắc khoải thơm.
***
Ngày…
Biết nói với bạn thế nào nhỉ? Thành phố, đường về sao mà dài. Mình có buồn không nhỉ? Bạn là bạn. Bạn đã sống khác mình. Rất khác.
Mình có khao khát bữa cơm của mẹ không nhỉ?Chắc mẹ vẫn ngồi đó mất, nắng chiếu dài qua khung cửa. Phố chắc là vẫn dài như cũ. Anh em trong đơn vị hầu như đã ra quân cả. Hôm khoác ba lô lên vai cho anh Trung, anh Trung khóc mà bảo: “Tiếc cho mày lắm, nhưng mà thôi, cố lên”. Mình có tiếc không nhỉ? Tiếc thì bỏ về đi, chẳng ai đi tìm được mình đâu. Mình chả đã từng vậy rồi sao? Tại sao cô ấy lại im lặng? Tại sao nó lại oà khóc đúng lúc mình dợm bước xuống cầu thang. Mình nhìn ông già vợ, ông ngồi trên nhà dài mái tóc bạc xóa và nỗi buồn nêm kín cả khuôn mặt. Ông bảo, muốn đi phải không? Đi nhanh lên, không thì làng sẽ phạt đấy. Mình đi ra đầu làng, thấy mái nhà rông cao vút. Mái nhà rông mang khát vọng của những người đàn ông dũng mãnh, kiên cường. Mình bỏ cái nhà này, nhà chỉ toàn đàn bà thôi. Mình quay lại, ngồi bệt trên cầu thang. Tại sao mà mình lại khóc?…
***
Rồi thì cũng đên bữa cơm muộn màng. Tôi cảm thấy thật ngon lành. Chúng tôi ngồi ăn, nói chuyện về những cơn mưa sắp tới. Khương bảo, cố gắng ăn đi, bù đắp những ngày chịu cực và đói. Tôi cười, lúc nào cũng như thế này thì thích thật. Yơng lầm lũi ăn, hệt mọi lần. Rất hiếm khi tôi thấy những dấu ấn khác lạ trên mặt Yơng. Anh có một vẻ ngoài phẳng lặng đến mức, đôi khi tôi ngỡ anh thờ ơ với tất cả. Và những gì anh làm, anh cần mẫn giống như một thói quen. Đến chiều thì Khương xuôi. Tôi đưa cô ra ngoài ngã tư. Chiếc xe máy vẫn lao nhanh và đường chưa hết bụi. Đến ngã tư, xe dừng lại. Khương đặt tay lên vai tôi, cười: “Anh chẳng thể hiểu được đâu”.
Tối đến trời bức bối. Không một đọt gió thoảng. Chúng tôi ngồi ngoài sân nhìn những đám sao dày đặc. Yơng hút thuốc liên tục. Rồi như không kìm được, Yơng nói như quát lên: “Mày yêu Khương thật lòng không?”. Tôi giật mình: “Thật ra là có chuyện gì vậy?”. “Mẹ kiếp! Chuyện gì? Mày yêu thật không?”. Tôi không nói, dợm bước bỏ đi. Yơng là ai, là cái gì để can thiệp vào chuyện của tôi, chuyện của những người con gái con trai chưa bị những vòng xoáy hôn nhân ràng buộc? Yơng ở một khoảng rất xa kia mà. Yơng kéo giật tay tôi lại, quỳ gục xuống: “Tao xin mày đấy, thằng khốn. Tao biết mày chỉ tạm bợ, thoáng qua. Đồ tồi!”. Yơng khóc rống lên như một đứa trẻ. Còn tôi thấy mặt mình rát lên như vừa bị táp lửa. Cũng không biết vì sao đến mãi về sau khi viết những dòng này tôi vẫn trĩu buồn.
***
Ngày…
Mình đã thành cây của đất này. Mình sẽ chẳng ghi nhật ký nữa. Buồn lắm. Mình biết, cần phải quên đi. Nhưng mình cũng biết, dẫu có thế nào, thì đó cũng là tình yêu.
***
Mùa mưa đến thật bất ngờ. Sau khi đốt rẫy chừng nửa tháng, trời vần vũ mây mang nặng trĩu hơi ẩm. Và đến khi không khí như đặc quánh đến nghẹt thở thì ầm ào sấm mang đến những cơn mưa. Mưa vắt qua những triền rừng, lấp đầy những kẽ đất nở toác vì khô hạn. Buôn làng nhìn mưa, vui như hội. Chờ cho mưa thấm, người người đi rọn rẫy và bắt đầu vào vụ mới. Tôi vẫn phải hoay hoả với những phần cuối của chương trình thực tập. Những đối tượng trốn chạy qua biên giới lặng lẽ trở về, ra trình diện với chính quyền. Lại phát gạo, cho muối, đưa thuốc diệt sốt rét vào làng. Lại tiếp tục đi vận động bà con dọn làng, trồng rẫy mới. Yơng vẫn cùng tôi giải quyết mọi chuyện, lặng lẽ như người giúp việc. Tôi im lặng rất nhiều và những cuộc viếng thăm của Khương cũng thưa đi. Những dòng cuối cùng ấy tôi đọc vụng trộm khi sắp xếp tài liệu, chuẩn bị rời Tây Nguyên, kết thúc đợt thực tập. Yơng có vẻ như hơi buồn khi tôi nói tôi sắp trở ra. Anh đưa cho tôi bó thịt nai khô: “Có tính trở lại đây không?” Tôi nhìn sững Yơng. Tôi giống như con chim trong lồng chuẩn bị được thả tung vào trời gió, biết bao là ao ước, biết bao là dự định, mà nào đã dám chắc điều gì. Tôi bảo: “Tôi sẽ rất nhớ nơi này”. Yơng nhìn tôi lâu lắm: “Cậu đã đọc tất cả, nhưng tôi chẳng giận. Xứ này chẳng có gì vui thú. Những ngày qua thật buồn chán, phải không?”…
Sau những cơn mưa đầu tiên, một sớm mai tỉnh dậy mới thấy sự kì diệu mà thiên nhiên đã tạo dựng cho cuộc sống ở nơi này. Những vạt đất trơ trọi hôm nào, chỉ mới sau vài ngày cỏ đã mọc xanh mướt mát. Và những loài cây lớn bé như chỉ chờ đợi hết cơn khát là vội vã vươn lên. Mảnh đất này thật kỳ lạ, đến khi sắp rời xa tôi mới chợt nhận ra nó vẫn là một khoảng bí mật. Lẫn vào trong sự đẹp xinh của đất và cây là sự bạo liệt và giản đơn đến không ngờ. Hệt như Khương…
Gia Lai 2001
Hà Nội 4/2003