Hồi 44
Tác giả: Eiji Yoshikawa
Giang đi theo sư phụ. Nó thầm nghĩ không biết làm cách nào ra khỏi chỗ này.
Xóm Liễu tường cao vây bốn mặt, đêm khuya, chỉ cổng chính là còn mở, lại nghe nói kẻ thù rình khắp nơi, chắc ở cổng đó phải đông lắm. Giang lo sợ hỏi sư phụ:
- Đi đường nào, thầy ?
- Các cửa đều đóng cả rồi phải không Giang ?
- Dạ phải, chỉ còn cửa chính mở. Mà đường ấy không đi được đâu, ta nên tìm chỗ nào tường thấp trèo ra thì hơn.
Thạch Đạt Lang nhìn đồ đệ, mỉm cười, rồi nghiêm nghị bảo:
- Mạng sống quý thật, nhưng làm như vậy là hèn nhát. Ta không thể có thái độ trốn tránh mà phải đường hoàng đi ra bằng cổng chính.
Giang ngước nhìn sư phụ. Nó suy nghĩ về lời nói. Trên bước đường giang hồ, Giang nhiều lần nghe nói đến sự hèn nhát. Kiếm sĩ mà bị coi là hèn nhát thì không còn đáng gọi là kiếm sĩ, cho nên nó tự thẹn đã có những ý nghĩ như vừa rồi.
- Vậy con cũng ra bằng cổng chính !
Giang chữa lại.
Thạch Đạt Lang vỗ vai nó:
- Giỏi lắm ! Nhưng con phải biết dũng cảm và liều lĩnh khác nhau. Con còn nhỏ, chưa biết võ nghệ, mà cứ nhắm mắt xông vào chốn đao kiếm, khác nào kẻ không biết bơi đòi nhảy bừa xuống nước để qua sông. Cái chết cầm chắc trong tay, một cái chết vô ích. Như vậy ta gọi là xuẩn động !
- Nhưng con không muốn là một tên hèn nhát.
- Ai bảo con hèn nhát đâu ! Vả chúng theo ta chứ đâu phải con !
Giang cúi đầu ngẫm nghĩ.
- Vậy con phải làm thế nào bây giờ ?
- Yên tâm ! Ta sẽ giúp con trèo tường ra ngoài !
Hai thầy trò vừa đi vừa trò chuyện, bỏ đường lớn rẽ vào những đường mòn cỏ lau rậm rạp, lúc lâu thì đến chân rào gỗ. Hàng cột đen trùi trũi, to lớn ken sát nhau lừng lững trước mặt, Giang nghểnh cổ trông lên chỉ thấy trời sâu thẳm, mấy ngôi sao thưa lúc ẩn lúc hiện không rõ.
Thạch Đạt Lang dừng lại:
- Con ra ngoài đó trước, đợi ta.
- Đợi thầy ở đâu ?
- Trường đua ngựa.
- Thế nào thầy cũng đến chứ ?
- Giang ! Ta không nói dối. Một trong những điều ta muốn dạy con là sự thành thật, sao lại cứ nghi ngờ ta. Con đi nhặt cho ta hòn đá.
Giang nhặt một hòn đá đưa cho thầy. Thạch Đạt Lang ném viên đá qua bên kia rào, lắng nghe động tĩnh, không thấy gì khả nghi, mới cúi xuống khẽ bảo đồ đệ:
- Leo lên vai ta rồi bám vào đầu cột mà trèo ra ngoài.
- Dép con bẩn.
- Không sao, cứ leo lên.
Nhưng rào cao quá. Ở trên vai Thạch Đạt Lang mà Giang với tay mãi cũng không tìm được chỗ nào để bấu cho chắc vào hàng rào được. Thạch Đạt Lang phải bảo Giang đứng trên hai bàn tay mình, giơ cao lên, thằng bé mới bám được vào đầu cột.
- Nhìn kỹ xem bên ngoài có ai không !
Giang đưa mắt quan sát:
- Không. Bãi hoang, chỉ toàn cỏ lác.
- Có thể chỗ này trũng nước. Vậy đừng nhảy, hãy bám vào cột leo xuống từ từ. Chớ gây tiếng động vô ích.
- Dạ.
Một lúcs au, nghe tiếng chân đạp lên bùn, rồi tiếng Giang kêu khẽ:
- Tới rồi thầy !
- Vậy tốt. Đi mau đi, đợi ta ở chỗ trường đua.
Bên kia tường rào, trước khi đi, Giang còn ghé sát miệng vào khe cột hở, nhắc Thạch Đạt Lang như để lưu ý sư phụ nỗi quan tâm lớn lao của nó:
- Con đợi thầy đến gặp cô Oa Tử đấy !
Thạch Đạt Lang không đáp, lắng tai nghe cho đến khi thấy bước chân đứa học trò nhỏ xa dần mới bỏ đi trở lại, tìm lối ra đường lớn.
Thạch Đạt Lang bước nhanh ra khỏi cổng chính. Số đệ tử Hoa Sơn ngồi sưởi bên vệ đường, không để ý đến sự xuất hiện thình lình của hắn, mà cả hai tên có phận sự lảng vảng gần cổng cũng không ngờ.
Mấy đêm nay, đồ chúng Hoa Sơn chia nhau canh gác cẩn mật tất cả những điểm quan trọng quanh xóm Liễu, đề phòng Thạch Đạt Lang bỏ trốn. Sau khi dò xét và phong văn kẻ thù còn ở quán Lạc Thiên, chúng mấy lần định xông vào quán lục soát nhưng không được. Cũng như mọi lần, khi bàn việc gì quan trọng, đồ chúng Hoa Sơn thường chia thành hai phái. Một phái, muốn trả thù ngay cho chủ, đưa ý kiến phải xông vào quán lập tức, tốc chiến tốc thắng, bắt cho bằng được Thạch Đạt Lang đem về trị tội.
Phái kia, cẩn trọng hơn, bày mưa theo dõi, muốn lừa kẻ thù vào bẫy để giết, một phần vì e ngại sức khoẻ và đường gươm dũng mãnh của Thạch Đạt Lang, một phần vì không muốn làm kinh động đến nơi ăn chơi nổi tiếng nhất kinh đô, thường được các bậc vương tôn và những tay quyền thế trong phủ lui tới giả trí. Hơn nữa, thế lực của Hoa Sơn ngày nay đã giảm đi nhiều, nhất là sau khi Sĩ Khánh bị tàn phế và Điền Chính bị giết thê thảm, họ càng dè dặt không dám vọng động.
Hai phái giằng co mãi, sau đi đến quyết định chỉ bao vây bên ngoài, cắt đệ tử thay phiên nhau mai phục tại các nơi hiểm yếu. Cho nên đã mấy đêm liền, người của Hoa Sơn không ngừng dòm ngó kẻ ra vào quán Lạc Thiên, nhất là những thanh niên vóc dáng cao lớn. Đôi khi chúng không từ cả việc bắt phu cáng phải dừng lại vạch màn cho chúng coi rõ mặt khách ngồi trong. Chúng sợ Thạch Đạt Lang trá hình trốn mất.
Có điều không ai ngờ kẻ thù chẳng đội trời chung ấy của chúng lại hiên ngang ra đi bằng cổng chính.
Đệ tử Hoa Sơn kinh ngạc há hốc mồm. Định thần một chốc, gã mới kêu lên được thì Thạch Đạt Lang đã rởi khỏi cổng xa đến mấy chục bước.
- Anh em ! Nó đấy ! Đuổi theo mau !
Mọi người bỏ đống lửa quay ra. Quả nhiên phía trước chúng là vóc dáng lợi hại của kẻ thù; ánh đèn chiếu vào, bóng hắn đổ dài di động trên mặt đường lát đá !
- Đạt Lang ! Quân súc sinh ! Muốn sống đứng lại !
Một đệ tử Hoa Sơn hét lớn.
Thạch Đạt Lang rút phắt kiếm, hắn quay lại không đáp. Sự im lặng của hắn làm đồ chúng Hoa Sơn nổi gai ốc. Vài tên tay đã để vào đốc kiếm, vội khựng lại không dám rút gươm ra, dường như sợ nếu làm cử chỉ gì khiêu khích, có thể sẽ bị hắn giết ngay tức khắc. Có tên thụt lùi về phía sau. Đạt Lang tiến tới, lưỡi kiếm đưa thẳng trước mặt, vững vàng, không mảy may rung động. Đồ chúng Hoa Sơn lui mấy bước.
Đột nhiên một tiếng thét thật lớn rung động cả khu phố, Thạch Đạt Lang tung mình như chớp xẹt nhảy đến dựa lưng vào bức tường của một căn nhà gần đó.
Đệ tử Hoa Sơn bao vây xung quanh thành hình vòng cung, lúc đầu còn ít, sau càng lúc càng nhiều, có đến chừng ba chục. Số đông làm chúng tăng thêm nhuệ khí. Tiếng la hét cùng những lời chửi rủa tục tằn vang rân cả khu xóm. Hàng quán đóng cửa rầm rầm.
Đạt Lang vẫn yên lặng dựa lưng vào vách, gươm tuốt sẵn cầm tay. Dưới mái hiên, trong bóng tối, hắn đảo mắt vọ nhìn khắp vòng vây trước mặt, lượng chỗ cường, chỗ nhược để tùy cơ ứng biến. Tiếng chửi rủa, hắn bỏ ngoài tai, coi như những tiếng sủa của bầy sơn cẩu. Chúng càng ồn ào, Thạch Đạt Lang càng vững dạ vì rõ ràng chúng chẳng có kế hoạch gì, ô hợp như một lũ thảo khấu.
- Ngươi có phải là Thạch Đạt Lang ở Miyamoto không ?
- Chính thị. Bọn ngươi muốn gì ?
- Chúng ta là đệ tử Hoa Sơn. Muốn gì ngươi tất biết ! Sẵn sàng chưa ?
Tiếng cười gằn của Thạch Đạt Lang làm cả bọn ớn lạnh:
- Sẵn sàng ? Ta sẵn sàng ngay cả trong giấc ngủ. Đứa nào muốn chết thì cứ lại đây.
Nhưng ta cần biết một điều trước khi giao đấu:
các ngươi là kiếm sĩ tôn trọng luật giang hồ hay muốn ỷ vào số đông để thủ thắng ?
Không kẻ nào đáp lại. Tiếng ồn ảo giảm bớt nhưng cũng chẳng ai dám tiến tới.
Không khí có vẻ căng thẳng hơn trước.
Bỗng từ đám đông, một lão tráng bước ra. Thạch Đạt Lang chú ý thủ thế. Trước một đám đông giận dữ, đầy thù hận, chỉ sơ hở hay nhầm lẫn một chút có thể mất mạng như chơi, hắn cũng đề phòng, sợ có kẻ dùng ám khí, nên đã chọn chỗ đứng gần một cột gỗ.
Lão tráng không cầm gươm nhưng đeo song kiếm. Chính là Ưng Đằng. Có lẽ ông mới tới. Điềm tĩnh và đĩnh đạt, Ưng Đằng chậm chạp tiến lên mấy bước. Tiếng ồn ào im hẳn. Phong cách ấy chứng tỏ ông là một trong những người có uy tín của phái Hoa Sơn.
- Thạch Đạt Lang ! Chúng ta đến đây làm gì, ngươi thừa biết. Ngươi đã làm nhục bản phái, dùng thủ thuật đê hèn khiến chưởng môn chúng ta thành tàn phế, giết Điền Chính, người thừa kế của bản phái. Những tội ác tày trời ấy không thể tha thứ được !
Nếu chúng ta để ngươi sống, chúng ta không còn mặt mũi nào đứng trên đời này nữa !
Những lời cáo buộc nghiêm nghị, vững vàng ấy làm xúc động đồ chúng Hoa Sơn.
Tiếng la phẫn nộ vang trời dậy đất.
- Giết ! Giết nó để trả thù cho Sĩ Khánh và Điền Chính !
- Còn đợi gì nữa ? Anh em hãy xông vào lấy đầu thằng súc sinh lập tức !
Nhưng Ưng Đằng giơ tay ra hiệu cho đồ chúng Hoa Sơn yên lặng, rồi tiếp:
- Ta là Ưng Đằng, chỉ muốn trả thù cho chưởng môn nhân và khôi phục danh dự cho bản phái. Đó là lề luật võ lâm, tuyệt không có ý gì ỷ chúng hiếp cô. Ngươi là kiếm sĩ tất hiểu rõ. Bây giờ hãy trông đây !
Dứt lời, Ưng Đằng rút kiếm đánh soạt, ánh hàn quang thành hình vòng cung lấp lánh.
- Được lắm ! Ưng Đằng ! Ngươi xứng đáng là một kiếm sĩ. Nhưng nếu muốn trả thù, sao không đường đường chính chính tuyên chiến theo đúng đường lối võ lâm, như Sĩ Khánh và Điền Chính đã làm ? Tại sao lại để đồ đệ ngươi mai phục đánh lén.
- Chính ngươi đã lẩn trốn nên chúng ta phải canh giữ, chứ không phải đánh lén.
- Vô lý ! Nếu ta muốn, ta có nghìn cách trốn, và chắc bây giờ đã không đứng trước mặt bọn ngươi !
Ưng Đằng cười gằn:
- Trốn sao được ! Hoa Sơn chúng ta tai mắt khắp nơi, sao để ngươi thoát !
- Ta cũng tin như thế. Nhưng khu này không phải là chỗ định hơn thua. Tuy nhiên nếu bọn ngươi cố tình trả hận ngay tại chỗ, ta sẵn sàng chấp nhận và ta chấp cả bọn ngươi. Chỉ tiếc rằng danh dự phái Hoa Sơn lại bị đạp xuống bùn nhơ một lần nữa !
Ưng Đằng do dự. Đệ tử Hoa Sơn đã tụ tập khá đông, nếu cùng xông vào tấn công một lượt cũng có thể thắng được, nhưng thắng chẳng vinh gì mà bại thì quá nhục nhã, không còn hy vọng gì phục hưng lại danh dự môn phái.
Dùng dằng chưa quyết, bỗng tiếng kêu báo động vang dội:
- Lính tuần tới ! Anh em giải tán ! Giải tán !
Mọi người nhốn nháo. Từ đằng xa, đã vẳng tiếng vó ngựa lộp cộp.
Ở xóm Liễu, những chuyện sinh sự xảy ra rất thường. Chẳng đêm nào không có, nhưng phần lớn là giữa các toán du đãng anh chị thanh toán lẫn nhau hoặc giữa các tên dẫn mối tranh khách. Cho nên quan lãnh binh cảnh vệ đã đặt riêng một biệt đội đặc trách khu vực này, đêm nào cũng liên tục tuần phòng khắp các ngả đường và cả bên ngoài rào, tại những bãi hoang, vì ở đó hay xẩy ra những vụ án mạng rất khó điều tra ra hung thủ. Quan lãnh binh là người rất mực liêm chính, được lòng tin cậy của hoàng gia, nên quyền hành lớn. Những tên phạm pháp làm rối loạn trật tự do thuộc hạ ngài bắt được phần lớn không oan uổng gì và thường bị dân chúng khinh ghét. Những bang phái có danh vọng tỷ như kiếm phái Hoa Sơn, vì lý do đó, hết sức tránh mọi hành động bị liệt chung với những toán du đãng thông thường.
Nghe báo động có lính tuần đến, đồ chúng Hoa Sơn rục rịch tản mát để khỏi bị bắt bớ điều tra lôi thôi. Nhưng khi ngựa tới, té ra không phải lính tuần. Một thanh niên cao lớn, áo khoác ngoài đỏ chói, lưng đeo trường kiếm nhảy vội xuống. Ưng Đằng nhận ngay ra là Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc.
Một niềm hy vọng thoáng hiện. Lão tươi cười giơ tay đón chàng kiếm sĩ trẻ tuổi:
- Cát Xuyên thiếu hiệp ! Được gặp thiếu hiệp ở đây, thật là đại hạnh !
Cát Xuyên Mộc cũng vồn vã đáp lễ, nhưng sự vồn vã ấy chỉ thoáng cái đã biến mất, nhường chỗ cho một thái độ nghiêm cẩn.
- Ưng lão huynh ! Ưng lão cùng anh em bản phái làm gì mà tụ tập ở đây đông thế này ?
Từ khi theo Sĩ Khánh về tá túc một dạo ở đường Tân Hổ, Cát Xuyên Mộc vẫn có thói quen gọi phái Hoa Sơn là bản phái, mặc trên danh nghĩa, hắn chẳng có liên hệ gì với phái này.
Ưng Đằng đưa mắt về phía bức tường có Thạch Đạt Lang đứng. Lão đáp gọn:
- Thiếu hiệp nhìn rõ ai không ?
Tuy đã dư biết, Cát Xuyên Mộc vẫn vờ hỏi:
- Thạch Đạt Lang ?
- Chính thị !
Nhìn Ưng Đằng rồi nhìn Thạch Đạt Lang, Cát Xuyên Mộc nói lớn:
- Ưng lão huynh ! Thạch đại hiệp ! Không ngờ gặp cả hai vị Ở đây, tại hạ rất ngạc nhiên. Các vị có những chuyện riêng cần giải quyết, đáng lý ra tại hạ không can thiệp, nhưng vì cùng trong giới võ lâm, nên có điều phải nói.
Giọng Cát Xuyên Mộc sang sảng. Gã còn trẻ, ăn mặc sặc sỡ như con nít, nhưng bấy giờ phong cách gã chững chạc lắm. Gã tỏ vẻ tự tin hết sức, gần như ngạo mạn.
Trong lòng tuy khó chịu nhưng Ưng Đằng vẫn bình tĩnh không lộ ra ngoài, để xem gã giở trò gì. Thấy không ai phản đối, Cát Xuyên Mộc nói tiếp:
- Các vị có bao giờ tự hỏi làm náo động phố xá như thế này nếu lính tuần bắt gặp, sẽ bị phiền nhiễu như thế nào không ? Nhưng đấy là chuyện riêng của các vị, tại hạ không biết. Tại hạ chỉ lưu ý, các vị đều là những kiếm sĩ có danh vọng, nếu để bị bắt vì tội ẩu đả tầm thường và làm mất trật tự ngoài phố như những tên vô lại khác thì xấu hổ chung cho cả võ lâm, tại hạ không chấp nhận được.
Đồ chúng Hoa Sơn cất tiếng ồ lên một lượt, phản đối những lời lẽ hàm ý hỗn xược ấy. Nhưng Ưng Đằng đã giơ tay ra hiệu im lặng.
- Thiếu hiệp nói cũng có lý.
- Đúng vậy ! Các vị đã chọn nhầm chỗ và nhầm lúc để thanh toán việc riêng. Nếu các vị muốn so kiếm với nhau, sao không theo đúng luật giang hồ, đường hoàng công bố lời thách thức, địa điểm và giờ giao đấu ?
Có tiếng xì xào bàn tán, kẻ phản đối người tán thành. Sau cùng Ưng Đằng mới cất tiếng:
- Thiếu hiệp nói phải. Nhưng nếu chúng ta định ngày giờ và địa điểm, thiếu hiệp có bảo đảm rằng Thạch Đạt Lang sẽ có mặt không ? Tại hạ sẵn sàng làm trung gian dàn xếp.
- Dĩ nhiên, nhưng ta muốn biết thiếu hiệp có bảo đảm được việc đó chăng ?
- Bảo đảm ...bảo đảm ...Cái đó phải hỏi hắn !
Nói đoạn, quay sang phía Thạch Đạt Lang như thầm hỏi ý.
- Hay thiếu hiệp bày ra chuyện này để cho y trốn đấy ?
Cát Xuyên Mộc có vẻ giận:
- Ưng lão huynh muốn sỉ nhục ta chăng ? Tại hạ không phải là bạn Thạch Đạt Lang, không có lý do gì để che chở cho hắn. Nếu hắn trốn, cả võ lâm đều biết hắn là thằng hèn và sẽ phỉ nhổ hắn.
Nhưng Ưng Đằng lắc đầu. Giọng lão mạnh và quyết định:
- Như vậy không đủ. Chúng ta không rời khỏi nơi đây đêm nay nếu không có gì bảo đảm hắn không trốn ! Phải thế không anh em ?
Đồ chúng Hoa Sơn cùng reo lên một lượt, vang động cả khu phố:
- Phải ! Phải ! Như vậy mới được !
Cát Xuyên Mộc quay gót. Gã tiến đến bên bức tường, đối diện Thạch Đạt Lang trong bóng tối. Bốn tia mắt nhìn nhau, dò xét, tia mắt của hai dã thú. Có cái gì ghê gớm, ác liệt trong những tia mắt ấy, đòi hỏi hai bên phải nhận thức giá trị tinh thần của nhau, thôi thúc nhưng thoáng một chút nghi kỵ ... và thách thức.
- Thạch Đạt Lang ! Ngươi vừa nghe những điều ta nói chăng ? Ngươi có chấp nhận một cuộc giao tranh với kiếm phái Hoa Sơn vào ngày giờ và địa điểm sẽ được ấn định không ?
- Ta chấp nhận !
- Vậy tốt.
- Tuy nhiên, ta không muốn ngươi can thiệp.
- Như thế là thế nào ? Ngươi không muốn ta bảo lãnh sự có mặt của ngươi ?
- Đúng vậy ! Ta đã giao đấu với Sĩ Khánh và Điền Chính. Trong lúc giao đấu, ta không có một hành động nào hèn nhát. Tại sao đệ tử của họ lại không tin ta và cho rằng ta sẽ bỏ trốn ?
- Hay lắm ! Thạch Đạt Lang ! Thật là một lời nói kiêu hùng, ta sẽ không quên lời ấy của ngươi. Bây giờ, hãy định giờ và địa điểm đi !
- Ta để quyền ấy cho bên kia. Ta sẽ chấp nhận bất cứ nơi nào và giờ nào họ định.
- Chà ! Được lắm. Vậy từ này đến lúc giao đấu, tìm ngươi ở đâu ?
- Ta không có địa chỉ nhất định.
- Vậy làm sao chuyển thư cho ngươi được ?
- Bảo họ định địa điểm và ngày giờ ngay tức khắc, tại đây ! Ta sẽ đến !
Cát Xuyên Mộc gật đầu, tin tưởng và thầm phục con người mà nếu phải coi là kẻ thù, gã cũng hãnh diện. Gã trở gót, lui về phía đồ chúng Hoa Sơn, bàn luận một lúc với Ưng Đằng và một số đồ đệ Hoa Sơn khác rồi trở lại bảo Thạch Đạt Lang:
- Điểm hẹn là gốc cổ tùng ở chân đồi Sinh Minh, trên đường đi Quan Lãnh vào cuối giờ dần, ngày mốt. Truyền nhân đại diện Hoa Sơn kiếm phái là Hoa Sơn Tuệ Tâm, trưởng nam của Hoa Sơn Cảnh Môn và là biểu đệ của Sĩ Khánh và Điền Chính. Nhưng Tuệ Tâm còn nhỏ, phải có một số cao đồ trợ giúp. Ta phải nói trước như thế để khỏi có sự hiểu lầm về sau.
- Được lắm ! Ta chấp nhận !
Mọi điều đều được hai bên thỏa thuận. Đệ tử Hoa Sơn đem bút mực và bảng gỗ đến. Chính tay Cát Xuyên Mộc viết những điều ấy lên bảng gỗ và Ưng Đằng sai người mang ra dựng ở ngã tư, chỗ đông người qua lại nhất.
Thạch Đạt Lang nhìn tấm bảng gỗ, thờ ơ đọc những hàng chữ đen nét mực chưa khô viết trên đó rồi lẳng lặng bỏ đi, theo đường dẫn đến trường đua ngựa.
oo Một mình trong bóng tối dưới mái trường đua, Giang đi đi lại lại, lo lắng. Một cái cáng đi qua cũng khiến nó chạy vội ra, một tiếng chân người cũng làm nó bồi hồi nghe ngóng. Nhưng chỉ là những khách làng chơi về muộn dáng đi nghiêng ngả, tiếng hát đứt quãng lưu lại chút dư âm thoảng theo gió đưa đến tai nó.
Hết đi đi lại lại rồi ngồi bó gối trên nền đá lạnh ẩm ướt sương đêm, Giang nghĩ ngợi vẩn vơ. Hay thầy nó bị thương, chết rồi cũng nên, ở một chỗ nào đó. Góc tường ?
Vệ cỏ ? Trong đám lau sậy ven sông ? Giang lo sợ, kinh hãi, hoảng hốt. Nếu không, sao mãi bây giờ chưa tới. Nó không kiên nhẫn được nữa, bỏ luôn trường đua, cắm đầu chạy về hướng xóm Liễu. Mới được chừng trăm bước, tiếng Thạch Đạt Lang từ trong bóng tối đã vang lên, gọn mà mạnh:
- Giang ! Chạy đi đâu thế ?
Giang giật mình. Hoàn hồn, nó sung sướng vô tả.
- Có chuyện gì mà chạy vậy ?
Giang thở phào, nhẹ hẳn người đi như vừa trút được khối đá đè nặng trên ngực.
- Thầy ! Sao lâu thế ? Con đợi mãi sốt ruột quá định chạy về xóm tìm thầy !
Thạch Đạt Lang cười, ôm lấy nó vui vẻ bảo:
- Ngốc ơi là ngốc ! Làm vậy có khi lỡ cơ hội ta gặp lại con ! Rồi lại trách ta sai hẹn!
- Thầy có thấy đông đệ tử Hoa Sơn ở cổng không thầy ?
- Cũng khá !
- Họ không giữ thầy lại à ? Không có chuyện gì xảy ra phải không ?
- Không.
- Giờ thầy đi đâu ? Dinh tướng công Lưu Cát ở phía này. Con chắc thầy muốn gặp cô Oa Tử lắm.
- Muốn gặp lắm chứ !
Giang nhảy cẫng.
- Khuya thế này, chắc cô Oa Tử phải ngạc nhiên và phục con hết sức.
Đạt Lang nắm chặt tay Giang dẫn đi. Hơi ấm của sư phụ truyền sang, Giang cảm thấy an toàn hơn bao giờ hết.
- Giang ! Con có nhớ cái quán ăn ở đó ta gặp con lần đầu không ? Quán tên gì nhỉ?
- Nhớ, nhưng dinh tướng công này đẹp hơn quán ấy nhiều !
Thạch Đạt Lang phì cười:
- Dĩ nhiên rồi !
Đến cổng dinh, Giang dừng lại:
- Cổng đóng rồi, nhưng nếu ta đi vòng về phía sau, còn cái cửa nhỏ cho gia nhân ra vào. Để con gọi cửa báo cho họ rõ. Nếu Lưu Cát tướng công biết thầy đến, thế nào ông cũng ra đón. Cái ông sư Đại Quán ấy thật là ác. Con hỏi thầy ở đâu, ông không nói, chỉ bảo ở xóm Liễu, lại còn bảo tốt hơn hết là đừng đến tìm thầy ...
Giang vừa lí láu, vừa kéo sư phụ đi. Đến trước một cửa hẹp bên hàng rào cây xanh, nó ngừng lại chỉ tay lên khuôn cửa sổ còn sáng ánh đèn, bên trong một ngôi nhà gỗ nhỏ ở cuối vườn:
- Cô Oa Tử ở chỗ ấy đấy thầy. Chắc cô còn thức đợi con về.
Và không chờ Thạch Đạt Lang đáp, nó chạy vội đến toan đập cửa.
Nhưng Thạch Đạt Lang giữ tay nó lại:
- Khoan ! Ta không vào đâu. Ta chỉ muốn nhờ con một chuyện này thôi !
- Sao ? Thầy không vào ? Đã đến đây mà thầy không vào à ? Thế thầy đi với con làm gì ?
- Ta muốn đưa con về đến nhà, an toàn.
- Không ! Không ! Thầy không đi được !
Giang hét lên và nắm chặt lấy tay áo sư phụ.
- Giang ! Nói khe khẽ chứ. Đừng làm kinh động mọi người. Con hãy nghe ta.
- Con không nghe. Thầy hứa cùng về với con mà !
- Thì ta cùng về với con rồi !
- Đâu phải về để nhìn cái cánh cổng này thôi ! Con muốn thầy về gặp cô Oa Tử kia mà !
- Giang ! Con hãy bình tĩnh, để ta nói con nghe. Trong hai ngày nữa, có thể ta không còn ở trên trần thế này nữa.
- Con biết rồi ! Thầy vẫn thường nói đời kiếm sĩ bấp bênh, sống nay chết mai, không có gì chắc chắn.
- Đúng vậy ! Con đã biết như thế là tốt. Nhưng lần này không phải nói suông. Lần này, chín phần mười ta có thể chết. Vì vậy ta nghĩ chẳng nên gặp Oa Tử.
- Vô lý. Càng nên gặp chứ !
- Con còn nhỏ dại, ta giải thích cho con cũng bằng thừa. Lớn lên con sẽ hiểu.
- Thầy ! Thầy nói thầy sắp chết. Thật không ?
- Thật. Nhưng đừng nói chuyện ấy cho Oa Tử biết nghe con, nhất là trong khi nàng đang đau nặng. Hãy khuyên Oa Tử giữ gìn sức khỏe và tìm đường đi đến hạnh phúc. Đó là điều ta muốn nhắn con nói với nàng. Chớ nói ta sắp chết.
- Không ! Con nói hết ! Con sẽ nói hết. Làm sao mà con giấu được cô Oa Tử ?
Nước mắt Giang chảy quanh. Nó giật giật tay áo sư phụ:
- Thầy ơi ! Thầy đi với con đi !
Thạch Đạt Lang đẩy Giang ra:
- Con vẫn không nghe lời ta !
- Nhưng con thương cô Oa Tử lắm. Nếu con nói thầy không muốn vào thăm, bệnh cô Oa Tử sẽ nặng thêm.
- Đó là điều ta nhờ con. Hãy khuyên giải nàng, hãy nói với Oa Tử chừng nào ta còn theo đường cung kiếm thì gặp nhau chỉ thêm khổ cả cho hai người mà thôi. Con đường ta chọn đòi hỏi một kỷ luật khắt khe, sự chế ngự những tình cảm yếu đuối, bắt ta sống một cuộc đời khắc khổ, chịu đựng thử thách. Nếu không, ta sẽ không bao giờ tìm thấy ánh chân quang.
Giang, con hãy nghĩ kỹ. Con cũng thế, nếu con muốn theo con đường ta theo, con cũng sẽ phải làm như ta, nếu không sẽ không bao giờ trở thành một kiếm sĩ xứng đáng với tên ấy.
Giang không nói gì, nhưng vẫn thút thít. Thạch Đạt Lang quàng tay qua vai nó, kéo nó ôm chặt vào lòng:
- Kiếm đạo vô cùng, mà đời người thì hữu hạn. Nếu ta không còn trên dương thế này, con hãy tìm một sư phụ khác xứng đáng mà học hỏi. Ta không thể đến gặp Oa Tử được vì ta biết không gặp ta, nàng sẽ có hạnh phúc hơn. Và khi có hạnh phúc, nàng sẽ hiểu lòng ta bây giờ. Ánh sáng trên khung cửa kia, có phải ở phòng nàng không ? Chắc nàng cô đơn lắm. Thôi con hãy vào đi, đừng khóc nữa.
Giang bắt đầu hiểu lờ mờ nỗi đau lòng của sư phụ. Nó chùi nước mắt, ngửa mặt lên hỏi thầy, mong bấu víu vào chút hy vọng cuối cùng vừa lóe trong trí:
- Thế khi học xong, thầy sẽ đến với cô Oa Tử chứ ?
- Ờ, có lẽ, ngày ấy ...
- Bao giờ hả thầy ?
- Khó biết trước được con ạ.
- Hai năm nhé ?
Thạch Đạt Lang không đáp.
- Ba năm ?
- Con đường khắc kỷ không biết đến đâu là cùng.
- Thế suốt đời thầy, thầy không bao giờ gặp cô Oa Tử sao ?
- Nếu tài của ta quả có thực, có lẽ một ngày nào đó, ta sẽ đạt tới mục đích. Nếu không, suốt đời, ta cũng vẫn chỉ là kẻ ngu ngốc như bây giờ mà thôi. Nhưng cũng có thể ta sẽ chết sớm. Một người mà tương lai như thế, làm sao có thể để đời mình ràng buộc với đời sống của một thiếu nữ trẻ đẹp và đầy hứa hẹn như Oa Tử ?
Thạch Đạt Lang nói rất nhiều. Giang dường như nghe không kịp. Chẳng biết nó có hiểu hết không nhưng nó vẫn bướng bỉnh bám lấy ý nghĩ muốn dẫn sư phụ vào với Oa Tử.
- Thầy chẳng cần hứa gì cả. Chỉ vào thăm cô Oa Tử một lát thôi. Một lát thôi, cô ấy sẽ sung sướng lắm.
- Không giản dị như thế đâu con ! Oa Tử và ta đều còn trẻ. Nói ra thì thẹn, nhưng gặp nàng, ta biết không thể nào làm ngơ được trước những giọt nước mắt và những lời cầu khẩn của nàng. Ta sợ ta không giữ được lòng bình tĩnh.
Thạch Đạt Lang bây giờ đã khác. Hắn không còn là một thanh niên mới lớn, tàn nhẫn và vị kỷ như khi ở trên cầu Hamada đã cự tuyệt Oa Tử. Hắn điềm đạm, vị tha hơn, và dịu dàng hơn. Dịu dàng hơn nhiều lắm. Có lẽ vẻ duyên dáng của Yến Nương đã đánh thức ngọn lửa đam mê trong lòng hắn nên hắn phải cố tình quay đi trước những quyến rũ của nàng. Đối với Oa Tử, hắn không chắc vào lòng mình. Hắn không dám có ý tưởng gì để nàng hiểu đời nàng sẽ phải lệ thuộc vào đời hắn.
Giang nghe tiếng sư phụ nói nhỏ bên tai, trong khi nó gục mặt vào cột rào thút thít:
- Giang ! Bây giờ con đã hiểu ý ta chưa ?
Thằng bé lắc đầu không đáp. Đến khi nó chùi nước mắt quay ra thì không thấy ai nữa. Xung quanh Giang, sương đã xuống từ bao giờ, làm mờ đục cả những lùm cây lân cận.
Thất vọng, Giang sợ hãi chạy quanh, cuống quít gọi:
- Sư phụ ! Sư phụ ! ...