watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thạch Kiếm-Hồi 73 - tác giả Eiji Yoshikawa Eiji Yoshikawa

Eiji Yoshikawa

Hồi 73

Tác giả: Eiji Yoshikawa

Thầy trò Thạch Đạt Lang rời khỏi xưởng mài kiếm của Vương Chính đã hai hôm, đi mãi về hướng đông qua mấy xóm tiều xơ xác, lèo tèo vài căn nhà gỗ hoặc đôi ba cái chòi rạ.
Đến đồng Musashimo, cỏ cao ngang bụng, con đường mòn ít người qua lại hình như bị lấp kín từ lâu, chỉ còn lờ mờ dấu vết. Lầm lũi đi trong đám cỏ cao, Hạo Nhiên ngẩng lên bỗng không thấy sư phụ đâu nữa. Nó hốt hoảng gọi:
- Thầy ! Thầy có đấy không ?
Tiếng Thạch Đạt Lang từ phía trước:
- Ta đây, sao chậm thế ?
Nghe tiếng sư phụ, Hạo Nhiên thở phào, bẽn lẽn vì đã sợ hãi vu vơ. Nó bước nhanh để theo kịp thầy, sỏi dưới chân kêu rào rạo, mồ hôi thấm vào những vết xước trên da hơi xót.
- Con đường này đi đâu hả thầy ?
- Ta cũng không rõ, nhưng chắc không phải đến một thị trấn đông đúc.
- Sao mình không đến chỗ nào đông vui ?
- Mình không tiện ở những chỗ đông vui.
- Thế mình ở những chỗ như thế này à ?
- Sao lại không ? Mình cần học, con còn phải tập luyện nhiều, không tiện ở những nơi đô hội. Vả ta cũng không thích.
Hạo Nhiên ngước nhìn trời, nhìn khoảng mênh mông của khung cảnh trước mặt rồi nghĩ đến sự trống rỗng buồn tẻ khi phải sống trong cảnh ấy. So với nếp sinh hoạt nhộn nhịp vừa trải qua, nó thấy lòng ngao ngán. Nó xịu mặt.
Nhìn Hạo Nhiên, Thạch Đạt Lang biết ngay đồ đệ đang nghĩ gì, nhưng không nỡ quở trách. Tuổi trẻ ham vui, cũng như hắn khi xưa, lúc còn nhỏ. Thạch Đạt Lang để tay lên vai thằng bé, cũng nhìn trời và nói:
- Hạo Nhiên ! Sắp vào thu rồi. Trời sẽ đẹp bao nhiêu, gió gợn sóng hoa lau bạc trắng và mỗi sáng sương đọng trong vắt trên nền cỏ trước nhà !
Thạch Đạt Lang nói với Hạo Nhiên mà như nói với chính mình. Trong đáy lòng con người lang bạt có một tâm hồn đa cảm lạ lùng và không biết cuộc đời hắn đang sống đây là do tâm hồn ấy xui khiến hay do lòng yêu thiên nhiên thúc đẩy. Có lẽ cả hai.
- Trước nhà ? Xung quanh đây có nhà nào đâu ?
- Ta sẽ tìm chỗ làm nhà chứ !
- Như ở Hotengahara ấy hả thầy ?
- Ừ. Nhưng lần này ta không làm ruộng nữa. Ta muốn có thì giờ suy tư và tập luyện cùng dạy con về võ nghệ nhiều hơn. Có lẽ cũng cần phải tìm một chố nào hẻo lánh nhưng đừng xa thị trấn lắm. Chúng ta còn phải nhờ cậy vào xã hội nhiều.
Tối hôm đó, như những con thú hoang, hai thầy trò lại ngủ ngoài trời, bên một dòng suối gần cạn, sau bữa ăn đạm bạc gồm cơm khô với cá nướng.
Hôm sau lên đường, qua trấn Kashiwagi, tạt vào quán mua ít thực phẩm khô xong, Thạch Đạt Lang và Hạo Nhiên lại tiếp tục trở lại đường mòn, đi mãi. Vào sâu, đồng cỏ dường như khác dần. Đã có cây sồi và giẻ gai điểm lác đác. Xa xa là bìa một khu rừng thưa, tùng trắc xanh đen chen lẫn với màu lá phong, chỗ đậm chỗ nhạt, không còn làm chán mắt. Đến nơi, lại thấy dòng suối nhỏ, nước róc rách qua những tảng đá xanh rêu dưới vòm rễ cây đan nhau chằng chịt.
Thạch Đạt Lang rất lấy làm thích ý, gật gù:
- Chỗ này được đây. Ta tạm nghỉ rồi ngày mai sẽ bắt tay vào việc.
Sáng hôm sau, mặt trời mới ló, thầy trò Thạch Đạt Lang đã vào rừng hăng hái chặt cây dựng nhà. Hạo Nhiên tính vẫn như xưa, lo xa và cần kiệm, nhặt những cành nhỏ bó lại để dành phơi làm củi. Trong khi nấu cơm cho cả hai thầy trò ăn, nó không khỏi không nhớ lại thời kỳ ở Hotengahara, những lúc vui buồn với Thạch Đạt Lang, những ngày bão lụt và chống cự bầy sơn quỷ. Lòng tri ân, yêu mến sư phụ dào dạt. Hạo Nhiên, trong khi chờ cơm chín, pha một bình trà mang vào rừng để sư phụ giải khát. Hai thầy trò ngồi dưới tàng thông uống nước, ôn lại chuyện những năm qua, tình sư đệ càng thêm khắng khít.
Chẳng bao lâu đã hết hạ sang thu. Khi những chiếc lá phong đầu tiên đổi màu thì căn nhà Thạch Đạt Lang dựng lên cũng vừa hoàn tất. Gọi là nhà, thực ra chỉ là một cái lều gỗ để nguyên cây ghép lại, vỏ còn xù xì chưa róc, mái cỏ tranh do Hạo Nhiên cắt ở cánh đồng ngay đấy phơi khô, ken lại thành từng tấm đem lợp.
- Chẳng khác gì lều của những kẻ đốt than. - Thạch Đạt Lang cười bảo đồ đệ - Nhưng cũng còn hơn không có gì để che mưa nắng.
Những ngày sau đó, ngoài công việc nấu ăn thường nhật, thời biểu luyện tập của thầy trò Thạch Đạt Lang được ấn định rõ ràng và buổi trưa, đôi khi tiếng đọc sách của Hạo Nhiên át cả tiếng ve cuối mùa ngoài đồng vắng.
oo Đối với Giang, đồ đệ cũ trước đây, Thạch Đạt Lang không khắt khe đến thế. Hắn để mặc Giang được tự nhiên, chỉ hướng dẫn và giải thích chứ không ngăn cấm. Áp dụng cách ấy vào việc giáo dục Hạo Nhiên, hắn thấy dường như kết quả không được như ý muốn. Tác phong tốt mất dần, đồng thời tật xấu xem chừng bắt đầu nảy nở như cỏ dại ở vườn hoang. Nếu không nhổ hẳn đi, sau này khó mà trừ được.
Trong những thập niên gần đây, các sứ quân thắng trận liên tiếp lên cầm quyền Người nào cũng chỉ biêt xây dựng uy thế trên võ lực và củng cố uy thế ấy để giữ quyền lợi cho đảng tộc mình mà thôi. Dân chúng ít được lưu tâm đến, nếu có cũng chỉ được coi như một giai cấp thấp hèn được sinh ra để phục vụ. Trận chiến Sekigahara đã mở mắt cho nhiều người và Tôn Điền Tùng Cương hình như cũng có ý muốn theo con đường sửa đổi chính sách. Đó là một điều hay để đưa các từng lớp xã hội từ chỗ hỗn loạn đến trật tự, từ chỗ chia rẽ đến thống nhất và từ chỗ phá hoại đến xây dựng.
Thạch Đạt Lang cũng chủ tâm theo hướng ấy khi luyện tập cho Hạo Nhiên thành một kiếm sĩ có khả năng nhằm mục đích góp phần vào công việc đào tạo giai cấp lãnh đạo sau này. Song song với việc luyện kiếm, hắn bắt đồ đệ phải đọc sách để thêm kiến thức và tu dưỡng tâm tính trong những buổi diện bích suy tư. Vì vậy kỷ luật gắt gao hơn, không còn lơi như những năm trước.
- Hạo Nhiên !
- Dạ.
- Mặt trời sắp lặn. Đã đến giờ tập. Mang kiếm ra đây !
Hạo Nhiên đem hai thanh mộc kiếm lại, một dài một ngắn, quỳ dâng trước mặt sư phụ. Thạch Đạt Lang cầm kiếm, bảo đồ đệ đứng dậy, đưa nó thanh kiếm ngắn và ra lệnh thủ thế.
Thầy trò nhìn nhau yên lặng, kiếm giơ ngang tầm mắt. Vệt sáng cuối cùng của ngày tàn còn đọng lại ở chân trời, nhưng gần căn lều Thạch Đạt Lang và Hạo Nhiên ở, bóng tối đã tràn ngập. Sau lùm cây trắc lá đen dày, mảnh trăng thượng huyền mới mọc lấp ló.
- Mắt !
Giọng Thạch Đạt Lang sắc và gọn. Hạo Nhiên mở to mắt.
- Mắt ta ! Nhìn vào mắt ta !
Hạo Nhiên nhìn mắt sư phụ. Trong bóng tối, mắt Thạch Đạt Lang sáng như sao, có ánh đỏ. Nó sợ, chỉ muốn quay đi, nhưng dường đoán được ý nó, Thạch Đạt Lang quát:
- Mắt ta ! Nhìn mắt ta ! Không được quay chỗ khác !
Hạo Nhiên bủn rủn chân tay, thanh kiếm gỗ rung động. Nó cố chú mục vào mắt thầy nhưng mới chỉ một thoáng đã đầu váng mắt hoa, kiếm trên tay nặng trịch chỉ chực rớt.
Thạch Đạt Lang tiến một bước, ánh mắt không rời khỏi mắt đồ đệ. Hạo Nhiên định bước lui mà chân cứ chôn chặt xuống đất, không tiến mà cũng không lui được.
Người nó nóng ran. Sự tức giận như muốn nổ tung. Dường cảm nhận được sức mạnh của nguồn nội lực bộc phát trong lòng Hạo Nhiên, Thạch Đạt Lang lại quát:
- Tấn công !
Hạo Nhiên giật mình nhảy tới. Lưỡi gươm chém bậy lên đầu địch thủ trong một phản ứng hỗn loạn vì thói quen chứ không vì chủ đích. Vù một cái, Thạch Đạt Lang đã cúi mình, thu vai lại, trườn mình như cá đến sau lưng nó, mũi gươm kề sát nách đồ đệ.
- Đủ rồi ! Tạm ngưng !
Hạo Nhiên hoàn hồn, quỳ xuống chân sư phụ. Thạch Đạt Lang chống kiếm, nghiêm khắc nói:
- Vừa rồi ngươi đã thấy sự thiếu bình tĩnh và sợ hãi mang đến kết quả như thế nào.
Trong cuộc chiến, đôi mắt hết sức quan trọng. Nếu sử dụng đúng lúc, nhãn quang có sức mạnh ghê gớm khôn lường, có thể làm tâm ý địch thủ tổn thương ngay từ đầu, chưa đánh đã nắm chắc phần thắng. Đừng để tinh thần dao động vì khiếp nhược, vì khiếp nhược là chết.
- Dạ.
- Bây giờ ra kia, ta tiếp tục.
Hai thầy trò quần thảo với nhau trong bóng tối chập choạng, yên lặng không thốt một lời. Chỉ nghe tiếng thở mỗi lúc một mau của Hạo Nhiên và đôi lúc tiếng mộc kiếm chạm nhau kêu lách cách.
Sương xuống ướt đẫm bãi cỏ ven rừng và vầng trăng cong tựa sừng trâu đã lên khỏi ngọn cây trắc cao nhất. Mỗi khi có cơn gió mạnh, côn trùng lại tạm ngưng điệu nhạc ri rỉ buồn bã. Thu đã về. Những bông hoa dại ban ngày trông không rõ, ban đêm hiện ra run rẩy, xôn xao dưới ánh trăng, trong sương đêm tỏa hương nhè nhẹ.
Thạch Đạt Lang cùng đồ đệ ngừng tập, bước vào nhà thắp đèn. Bỗng nghe tiếng ngựa hí, Thạch Đạt Lang cau mày:
- Ai vậy ?
- Chắc lại một lữ khách nào lỡ đường. Để con ra xem.
- Ừ ra xem ai.
Một lát, Hạo Nhiên trở vào. Thạch Đạt Lang hỏi:
- Lữ khách ?
- Dạ không. Ông này muốn đến thăm thầy. Ông xưng danh là Kỳ Sâm, đồ đệ của Hồ Phong Hạo Điền.
- A ! Ta nhớ rồi. Ra mời vào đây !
Tuy không quen thuộc gì với Kỳ Sâm, nhưng Thạch Đạt Lang có biết hắn khi còn ở trọ tại xưởng mài kiếm của Vương Chính. Vương Chính thường liên lạc với các học viên của trường dạy binh pháp Hồ Phong. Sau lần Cát Xuyên Mộc ra tay giết một số học viên của trường này bên bờ sông Sumida rồi sau đấy lại tận diệt mấy người khi bọn này tìm đến báo thù cho bạn đồng môn thì Vương Chính xem chừng phẫn nộ lắm. Vì không muốn dính dáng đến những chuyện ân oán giang hồ như thế, Thạch Đạt Lang bỏ đi, không ở trọ nhà Vương Chính nữa. Bây giờ Kỳ Sâm lại đến tìm hắn, chẳng hiểu có mục đích gì ?
Thạch Đạt Lang ra đón khách ở cửa ngoài. Tuy gọi cửa ngoài nhưng thực ra căn lều không có cửa. Những hôm gió lộng, mưa to, chỉ có tấm liếp cỏ được dùng để che chỗ nằm cho hai thầy trò và những vật dụng linh tinh cùng sách vở. Góc bên kia là bếp.
Thành ra chủ khách phải đứng ngoài hiên đàm đạo.
- Túc hạ đến có việc gì ? Sao biết tại hạ Ở đây mà tìm ?
- Đại hiệp tha cho tội đường đột. Câu chuyện còn dài xin để kể sau. Vả lại đấy không phải là việc chính. Việc chính là có một vị hiện đang là tân khách của gia phụ muốn được gặp đại hiệp.
- Ồ ! Ai vậy ?
Kỳ Sâm mỉm cười:
- Không tiện tiết lộ danh tính. Vị đó bảo muốn dành cho đại hiệp một sự ngạc nhiên thích thú.
Thạch Đạt Lang cũng cười:
- Ra thế đấy ! Thế vị đó đâu, sao không mời vào ?
- Hiện ở tại tệ xá. Và đó cũng là lý do tại hạ vâng nghiêm mệnh đến đây thỉnh đại hiệp ...
Thạch Đạt Lang cau mày. Ở Tân đô hắn chẳng quen ai nên tò mò gặng hỏi, thì chỉ được đáp người đó biết hắn từ khi còn nhỏ.
“Ai thế nhỉ ?”. Thạch Đạt Lang nghĩ thầm. Chẳng lẽ Mãn Hà Chí, hay có thể một người nào đó ở Mimasaka, hoặc Đại Quán hay Oa Tử. Hắn không tin là Oa Tử, nhưng trong thâm tâm ước mong người đó sẽ là nàng. Niềm hy vọng tràn ngập trong lòng, Thạch Đạt Lang hớn hở như đứa trẻ sắp được kẹo.
- Đại hiệp đến không ?
- Ngay bây giờ ư ?
Kỳ Sâm gật:
- Ngay bây giờ. Đêm nay có trăng, trời mát mẻ. Tại hạ đã dẫn theo một con ngựa buộc ngoài kia chờ sắn.
Thạch Đạt Lang gọi Hạo Nhiên tới dặn dò mấy câu rồi ra khỏi nhà. Kỳ Sâm hỏi:
- Hồ Phong Thừa Chí, con trai duy nhất của Hồ Phong Hạo Điền mới bị Cát Xuyên Mộc giết chết, đại hiệp biết chưa ?
- Chưa. Tại hạ Ở chỗ cô lậu này, hàng tháng chẳng có người qua lại, như ếch ngồi đáy giếng, có rõ gì đâu !
- Thừa Chí đến chỗ Cát Xuyên Mộc trọ trên đồi Lãm Nguyệt định ám sát hắn, không ngờ việc chẳng thành nên vong mạng.
Thạch Đạt Lang lắc đầu. Những chuyện oán cừu như thế nếu không tìm rõ ngọn ngành để giải tỏa, chắc còn nhiều người chết. Kể từ ngày bọn đệ tử Hồ Phong bị mất mạng trên bờ sông Sumida, rồi năm học viên của trường bị giết, cộng với Thừa Chí tử thương mới đây, tất cả có trên mười người thuộc phái Hồ Phong bị Cát Xuyên Mộc tàn sát. Và như thế chứng tỏ Giang Biên Liễu chẳng phải tay vừa.
Tiếng ngựa hí nghe đã gần. Kỳ Sâm tới tháo cương ngựa cho Thạch Đạt Lang, yên cương đã bắt đầu ẩm. Thạch Đạt Lang nhảy lên ngựa cùng với Kỳ Sâm sóng đôi đi sâu vào rừng qua các lùm trắc cao, chẳng mấy chốc đã bị sương đêm che khuất dạng.
Hạo Nhiên ngồi trước hiên trong bóng tối của căn lều, giữa sự cô tịch của cảnh vật xung quanh. Nó đã sống trong cảnh hoang vắng từ nhỏ, nhưng sao đêm nay Hạo Nhiên bỗn thấy sự hoang vắng ấy rõ nét như chưa bao giờ thấy. Tiếng côn trùng nhỏ hơn, hàng trắc sau nhà cũng im phắc, không nghe rì rào như mọi lúc.
Hạo Nhiên nhớ đến những lời sư phụ khi nãy:
“Mắt ta ! Nhìn vào mắt ta !”. Trước đây nó không hiểu tại sao khi tập luyện, sư phụ thường bắt nó nhìn vào mắt người. Bây giờ mới vỡ lẽ, không những chỉ để dằn xúc động và sợ hãi mà còn để chế ngự kẻ địch nữa.
“Đừng để tinh thần dao động vì khiếp nhược”, ôn lời sư phụ dạy, Hạo Nhiên chợt thấy trong bóng tối, trên lùm trắc cao, một đôi mắt đang chằm chằm nhìn nó. Đôi mắt tròn xoay, đỏ quạch nhìn nó không chớp một cách ma quái. Hạo Nhiên cau mày. Tuy không giống mắt sư phụ nhìn trong những lúc giao đấu nhưng tia mắt cũng ghê gớm như thế, khiến nó rùng mình, da nổi gai ốc. Ở những nơi hoang vu như thế này, xưa kia biết đâu chẳng là chỗ chiến trường, oan hồn vô số lẩn quẩt bên bờ lau, bụi cỏ. Cũng như con cáo trước đây đã dẫn nó đi lạc ở Higakubo là hiện thân của loài ma quỉ nào đó, bất luận người hay vật có đôi mắt tròn đỏ lạ lùng như thế kia chắc không phải là bạn. Hạo Nhiên định bước vào nhà, tránh nhìn đôi mắt khiến nó rợn người, nổi gai ốc như khi nghe tiếng dao cạo vào cật nứa. Nhưng bỗng ý thức sự hèn kém của mình, Hạo Nhiên không đứng dậy nữa. Nó ngồi yên, trừng trừng nhìn lại đôi mắt đang nhìn nó.
“Ta không sợ”, Hạo Nhiên tự nhủ. “Dù mày là ai, oan hồn hay yêu quái, ta cũng không sợ”.
Kỳ dị thay ! Trong một sự tranh thắng lạ lùng, đôi mắt kia dường như cũng nghĩ như vậy và trở nên sáng hơn, mục lực mạnh hơn như xoáy vào mắt nó. Hạo Nhiên nhìn lại, không chớp, tinh thần căng thẳng, vận toàn lực buộc đôi mắt kia phải bỏ cuộc. Thời gian trôi đi bao lâu không rõ, Hạo Nhiên tưởng đã phải nín thở suốt trong thời gian ấy.
Và trong một sát na, nó biết là nó đã thắng.
Đôi mắt không còn ở đó nữa. Có tiếng lá động sột soạt và tiếng chim vỗ cánh bay đi, nhẹ như gió thoảng.
Trán Hạo Nhiên ướt đẫm mồ hồi. Bây giờ nó thấy người dễ chịu hơn và tự hứa lần sau luyện kiếm với sư phụ sẽ nhất quyết không để bị khiếp nhược.
Hạo Nhiên bước vào nhà, tắt đèn, nằm lên chiếu như thường lệ, thanh kiếm gỗ để bên. Bên ngoài lều, cỏ lóng lánh sương, phản chiếu ánh trăng màu nguyệt bạch. Nó thiếp đi.
Trong giấc mơ, Hạo Nhiên tưởng nhìn thấy một điểm sáng nhỏ xíu giữa bóng đen vô tận. Điểm sáng to dần mãi ra, chuyển từ màu lục sang màu hồng rồi đỏ chói, vàng sậm, tím ngắt quay tròn như hào quang của một chiếc cầu vồng không có đầu mà cũng không có cuối làm nó choáng ngợp.
Giật mình tỉnh dậy, trở mình trên chiếu, Hạo Nhiên nhìn qua khung cửa mở thấy trên cao, tít từng cao, hai vì sao xanh biếc đang nhìn nó.
Thạch Kiếm
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50
Hồi 51
Hồi 52
Hồi 53
Hồi 54
Hồi 55
Hồi 56
Hồi 57
Hồi 58
Hồi 59
Hồi 60
Hồi 61
Hồi 62
Hồi 63
Hồi 64
Hồi 65
Hồi 66
Hồi 67
Hồi 68
Hồi 69
Hồi 70
Hồi 71
Hồi 72
Hồi 73
Hồi 74
Hồi 75
Hồi 76
Hồi 77
Hồi 78
Hồi 79
Hồi 80
Hồi 81
Hồi 82
Hồi 83
Hồi 84
Hồi 85