Hồi 77
Tác giả: Eiji Yoshikawa
Đoàn tuần cảnh điệu Thạch Đạt Lang đi khỏi triền núi, Hạo Nhiên mới ý thức được tai họa bất ngờ. Nó dậm chân khóc nức nở. Lâm Bằng cầm tay Hạo Nhiên dìu xuống vệ cỏ rồi ôm nó vào lòng an ủi.
- Đừng khóc ! Vô ích. Phải bình tĩnh mới cứu được sư phụ chứ !
Nhưng Hạo Nhiên càng khóc già.
- Sư phụ cháu có tội gì đâu ? Ông bị vây đánh nên phải tự vệ, tại sao người ta lại bắt ông đi ?
Lâm Bằng lắc đầu:
- Ta cũng không rõ nữa. Chính ta cũng tham dự vào cuộc chiến, sao chúng chỉ bắt có một mình ông ? Chắc phải có uẩn khúc gì đây !
Hạo Nhiên kéo vạt áo chùi mắt.
- Ngươi theo sư phụ lâu chưa ?
- Được ba năm. Trước ở Hotengahara làm ruộng, sau dời đến Musashino này.
Nhân gặp ngày hội đền, đến xem, không ngờ gặp quân cường đạo ...
Có tiếng sột soạt trong bụi. Lâm Bằng nắm chặt cây trúc côn. Một con chó đen to lớn chạy ra sủa ầm ĩ, nhe nanh gầm gừ chực nhảy vào cắn. Hạo Nhiên nhặt hòn đá. Mắt con chó tròn xoe, đỏ rực tựa than hồng, rãi rớt sùi trắng hai bên mép. Con vật chạy vòng quanh, vừa chạy vừa sủa dữ tợn.
Lâm Bằng một tay đẩy Hạo Nhiên ra phía sau, một tay cầm côn lừ đừ theo dõi sự di chuyển của con vật. Gã vung côn đánh dứ. Chó lùi ra xa. Hạo Nhiên ném đá. Hòn đá không trúng nhưng con chó như bị khích động, chồm lên nhảy tới, định cắn cổ kẻ vừa tấn công nó.
Một tiếng chát ! Cây côn tre hạ xuống nhanh như lằn chớp. Chỉ nghe “ẳng” một tiếng, con vật ngã ngay trước mặt Hạo Nhiên, bốn chân giật liên hồi, máu pha lẫn rãi rớt chảy loang đỏ cả đám cỏ nhàu nát.
Hạo Nhiên xanh mặt, ôm chặt lấy Lâm Bằng. Gã bảo nó trèo lên lưng cho gã cõng, đoạn tay lăm lăm cây trúc côn, lùi dần về phía đường mòn còn rải rác xác người, cái thì gục bên gốc cây, cái thì co quắp sau tảng đá. Ngồi trên lưng Lâm Bằng, hai tay quàng quanh đôi vai lực lưỡng của gã, Hạo Nhiên bớt sợ. Nhưng nhìn những xác chết của cả người và vật, nó không khỏi rùng mình.
Qua khỏi khúc quanh triền núi, Hạo Nhiên mới hoàn hồn, bảo:
- Tráng sĩ ! Tráng sĩ là ai vậy ? Quen gì với sư phụ cháu mà đến cứu ?
Lâm Bằng cười:
- Không quen, nhưng ta có giao đấu với ông hai trận.
- Thật à ? Vậy không phải là bạn rồi !
- Ừ, chẳng phải là bạn, nhưng ta chịu ơn ông và phục ông như thầy. Tên ta là Bằng, họ Lâm, ở Kiso. Còn ngươi, hồi nãy thấy sư phụ gọi ngươi là Hạo Nhiên, phải không ?
- Dạ phải, tên Hạo Nhiên do sư phụ đặt.
- Tên hay lắm. Ngươi là đồ đệ của Thạch đại hiệp thì cứ gọi ta bằng đại huynh cũng được.
- Cháu không dám.
- Sao lại không dám ? Ta chưa phải đồ đệ của sư phụ ngươi nhưng có ý tìm ông để theo học đã lâu. Ngẫu nhiên mà gặp, chưa bày tỏ được sở nguyện thì ông đã ngộ nạn.
Thật không may quá !
Mải chuyện trò, Hạo Nhiên quên phứt mình đang ngồi trên lưng Lâm Bằng. Nó thầm cảm ơn vị hiệp sĩ đã cứu nó, trong lòng dậy lên niềm yêu kính, nhưng ngại không dám gọi bằng đại huynh vì thấy Lâm Bằng tuổi tác cao hơn nó mà võ nghệ cũng hơn nó nhiều.
Hạo Nhiên tuột xuống, đi song song bên cạnh ân nhân và cũng là người bạn mới.
Sự thành thực cởi mở dễ đưa đến niềm thông cảm. Mối giao tình giữa hai người bạn vong niên mới chớm nở mà dường như hứa hẹn nhiều bền vững.
Cả hai vừa đi vừa bàn cách cứu Thạch Đạt Lang, phân vân mãi không biết làm thế nào. Lâm Bằng dự đoán có lẽ chúng mang Thạch Đạt Lang đến giam ở đồn gần núi Chichibu. Thời bấy giờ, nội chiến mới dứt, đồn ải xây rất kiên cố, nhất là những chỗ giam tù nhân, ba bốn lần rào cao hào sâu, đơn độc một người khó xông vào đánh phá.
Gã lại chẳng quen ai có thế lực để nhờ điều tra hay lo lót. Cách duy nhất có lẽ là cứ quanh quẩn ở vùng này ít lâu, dò hỏi dân địa phương xem thực hư ra sao rồi sau sẽ liệu.
Đến sân đền, sàn gỗ trống trơn. Buổi lễ mãn từ lâu, khách hành hương đã về hết.
Những cây đình liệu tối qua sáng là thế, bây giờ đứng trơ trụi, đầu cháy xám đen lạc lõng dưới ánh nắng chênh chếch. Gió thổi nhẹ, kéo theo lá tre, giấy vụn lăn nhanh trên con đường sỏi vắng lặng. Qua lữ điếm Thanh Sơn, Lâm Bằng liếc nhìn vào. Hạo Nhiên bỗng kêu lớn:
- Kìa ! Người đàn bà kia lúc nãy dẫn con chó !
Ôkô giật mình quay ra. Bắt gặp tia mắt Lâm Bằng và nhìn dáng đi của gã, mụ sực nhớ:
- À, tên này hôm qua trọ Ở đây mà !
Lâm Bằng bước vào quán. Mụ ngưng tay xếp dọn, nói buông sõng:
- Lữ điếm hôm nay đóng cửa !
- Không, ta không ở trọ. Chỉ muốn hỏi một câu.
Giọng Ôkô càng gay gắt:
- Muốn gì ? Hay trở lại định do thám đấy ?
- Ta không hiểu sao mụ không bị bắt. Vợ chồng mụ âm mưu giết người cướp của, phải vậy không ?
Ôkô há hốc mồm, muốn cãi mà không ra tiếng. Mụ lùi về phía quầy bếp, thình lình rút con dao nhọn vẫn dùng để thái thịt cắm trên giá, chỉ về phía Lâm Bằng:
- Đúng thằng này sát hại chồng ta. Có bước ra ngay không ta đâm chết.
Lâm Bằng cười nhạt:
- Phải ! Vì chồng mụ toa rập với đạo tặc mưu ám toán người lương thiện nên phải ra tay trừ khử.
- A !
Tiếng kêu chưa dứt, mụ nhảy ngay tới trước mặt Lâm Bằng vung dao đâm loạn.
Nhưng Ôkô đâu phải là đối thủ của hiệp sĩ đất Kiso. Chỉ một cái gạt nhẹ, Lâm Bằng đã hất mụ sang bên, bẻ quặt tay lại khiến con dao nhọn rơi xuống đất. Ôkô la như trời sập:
- Ăn cướp ! Ối hàng xóm ơi, ăn cướp ! ...
Lâm Bằng đẩy mạnh một cái. Mụ văng ra ngoài cửa, miệng không ngớt la chói lói:
- Ối hàng xóm ơi ! Tụi cướp đồ bảo vật trong đền đến phá quán tôi đây này ! Cứu tôi với !
Hạo Nhiên tái mặt, lẩm bẩm:
- Mụ này ghê quá, còn vu cho mình ăn cướp đồ bảo vật nữa.
Nó kéo áo Lâm Bằng định bỏ chạy nhưng Lâm Bằng đã nhặt con dao nhọn phóng một phát về phía trước. Mũi dao phóng vừa nhanh vừa mạnh trúng Ôkô, đâm suốt từ lưng ra đến ngực. Mụ ngã sấp. Tiếng la hét của mụ lịm dần rồi tắt hẳn trong những âm thanh ằng ặc, khò khè của máu bắt đầu trào vào cổ họng và mũi, miệng.
Hàng xóm có vài người chạy đến. Lâm Bằng kéo Hạo Nhiên lùi ra cửa sau, nhảy xuống cái rãnh khô tháo chạy rồi nương theo những lùm bụi rậm rạp trên sườn đồi mà lẩn trốn.
Ngoài cửa lữ điếm, dân xóm tụ tập mỗi lúc một đông, người xẻng cuốc, kẻ gậy gộc, ồn ào như chợ vỡ. Họ bao vây lữ điếm, cắt người đổ thuốc cấp cứu chủ nhân. Nhưng trễ mất rồi. Mắt Ôkô đã lạc thần, mà kẻ gây ra tai họa cũng không để lại dấu vết.
Đến đèo Shomaru, Lâm Bằng cùng với Hạo Nhiên ngồi nghỉ trên phiến đá. Trước mặt là khu rừng thưa, xa hơn nữa, đồng cỏ Musashino trải dài dưới chân, con suối với khúc cầu gỗ nhỏ đổ nát chơ vơ giữa dòng gợi lại trong trí Hạo Nhiên cảnh nó và Thạch Đạt Lang đứng tưởng niệm bên nấm mồ chôn những lóng xương nó đã gom lại dưới ánh chiều tà hôm nào. Bất giác nó bật lên khóc. Lâm Bằng hỏi, Hạo Nhiên thực thà kể lại hết những lời dạy dỗ của thầy, khiến gã không ngăn được tiếng thở dài. Trong lớp vỏ liều lĩnh đến tàn nhẫn của Thạch Đạt Lang, quả có một hiệp sĩ với lòng nhân chân chính.
Gã không tin Thạch Đạt Lang có thể làm điều gì phi pháp.
- Ông bị nghi oan rồi. Ta nghĩ Thạch Đạt Lang không bao giờ có ý tưởng muốn xâm phạm những đồ báu vật của đền chứ đừng nói ăn cướp những báu vật ấy nữa. Ông bị bắt lầm.
Hạo Nhiên chùi mắt:
- Vậy làm sao cứu ông ?
- Bây giờ chưa có cách gì, nhưng thế nào cũng phải tìm cách. Ta sẽ trở lại Chichibu xem xét tình hình, nếu biết ông bị giam ở chỗ nào thì vạn bất đắc dĩ cần phá ngục cũng phải phá để cứu ông ra.
- Cháu đi theo với !
Lâm Bằng ngồi lặng, suy nghĩ. Lát sau mới nói:
- Không được. Ngươi còn nhỏ quá, một mình ta dễ xoay trở hơn. Ngươi hãy về chỗ cũ đợi ta, chừng một hai tháng ta sẽ cho mang tin đến. Đằng kia là đồng cỏ Musashino rồi, từ đây ngươi tìm được lối về chứ ?
Hạo Nhiên gật.
- Tốt ! Như thế mới xứng đáng là hảo đồ đệ của sư phụ chứ !
Nói đoạn, cầm tay Hạo Nhiên nắm chặt. Trong cái nắm tay ấy như gửi gấm bao nhiêu thương yêu, tin cậy của người huynh trưởng đồng môn.
Hạo Nhiên nhìn Lâm Bằng trở lại đường cũ đến khi khuất dạng mới bước ra khỏi khu rừng thưa. Bây giờ nó thấy tự tin hơn và không sợ hãi. Định hướng xong, xuống đồi theo phía mặt trời lặn mà đi. Được một quãng khá xa thì gặp rừng tranh dày đặc, lau từng bụi mọc cao quá đầu. Quanh quẩn một hồi không tìm được lối ra mà mặt trời cũng không biết ở hướng nào nữa. Thỉnh thoảng, một con chim bay vụt ra như mũi tên vút lên cao, buông tiếng kêu sắc nhọn. Mệt và khát, nhìn xa xa thấy một tảng đá lớn, Hạo Nhiên vạch cỏ đi lại phía ấy. Đến gần thì ra một ông phỗng ai đặt ở đó từ bao giờ, mưa nắng đã soi mòn các góc cạnh, chỉ còn lờ mờ nét vẽ trên mặt. Nó ngồi nghỉ sau lưng ông phỗng đá, khuất trong bụi lau, ngủ quên lúc nào không biết.
Khi trời đã chạng vạng, bỗng nghe phía trước có tiếng thì thầm của hai người đang nói chuyện. Hai người qua đây có lẽ cũng dừng lại nghỉ chân như nó, nhưng ngồi trước mặt ông phỗng. Gần đấy, một con lừa tải cái rương nhỏ sơn then phủ tấm nhiễu đề hàng chữ lớn:
“Đồ mỹ nghệ sơn mài dâng quan trấn thủ”.
Hai người một già một trẻ trò chuyện có vẻ tương đắc, thỉnh thoảng cười nho nhỏ.
- Ngươi thấy đấy ! Chở đồ trong rương đi thế kia có mà thánh biết !
- Kế của phụ thân hay thật. Giá có ai nghi ngờ cũng không dám chặn lại đòi mở ra xét.
- Ừ. Theo ta thì phải mở mắt ra mà học. Giang ! Ngươi là đứa trẻ thông minh lại còn trẻ, sau này chắc sẽ hơn ta.
- Dạ, con xin cố gắng.
Giọng ông già cười hắc hắc:
- Tốt ! Tốt lắm ! Ngươi tuy là nghĩa tử nhưng ta coi như con ruột. Nếu thành công, ngươi sẽ giàu sang quyền quý không ai bằng !
Nghe lỏm những lời trò chuyện của hai cha con. Hạo Nhiên giật mình. Nó đoán ngay được trong rương kia đựng những gì và hai cha con lão này, không lầm được, chính là thủ phạm vụ ăn cắp bảo vật ở nội điện đền Mitsumine, chở trên lưng lừa qua đây đem đi cất giấu.
Hạo Nhiên nín thở, không dám cử động, sợ lộ hình tích. Lại chú ý lắng tai thì biết được người cha tên là Đại Cổ và người con là Giang, ngoài ra không rõ thêm gì nữa.
Chẳng hiểu hai cha con nhà này tải chiếc rương kia đi đâu.
Một lúc im lặng. Hạo Nhiên ngửi thấy mùi khói thơm ngai ngái phảng phất trong không khí. Thì ra lão kia hút thuốc.
Đêm xuống dần. Trên trời, chim xào xạc bay về tổ. Xung quanh nó, lá lau sậy bắt đầu đổi màu thành đen sẫm. Cha con Đại Cổ bấy giờ mới đứng dậy vạch cỏ dẫn lừa đi.
Một mình ngồi suy nghĩ, Hạo Nhiên muốn biết lão kia giấu cái rương ở chỗ nào.
Nó có ý định dẫn quan quân đến lấy lại, để chứng minh rằng thầy nó bị bắt oan. Trong bộ Óc non nớt của nó, sự việc đơn giản và sáng tỏ như ban ngày, Hạo Nhiên chẳng mảy may lo lắng gì về nguy hiểm có thể xảy ra cho nó trong lúc theo dõi.
Nghĩ là làm. Quên nhọc mệt, nó đứng dậy, lần dấu cỏ bị giạt mà tiến. Được một lúc ra khỏi rừng cỏ gianh. Lờ mờ dưới ánh sao, trông thấy bóng hai người dẫn lừa phía xa xa trên con đường mòn bằng phẳng. Hạo Nhiên rảo bước theo. Bóng cha con Đại Cổ khi ẩn khi hiện, đôi lúc tưởng tan biến trong những lùm bụi ven đường hoặc qua các tảng quái thạch.
Bụng Hạo Nhiên sôi lục ục. Nó cảm thấy đói, nhưng không có cách gì kiếm được thức ăn, đành bấm bụng chịu. Đi mãi, đi mãi, có lẽ đã quá nửa đêm. Phía xa, rặng Chichibu hiện đen ngòm ở chân trời dưới ánh trăng hạ tuần mới mọc mỏng và cong như lưỡi liềm cũ. Đến chân một ngọn đồi thấp, cha con Đại Cổ dừng lại, cúi xem vật gì dưới đất rồi bỏ đường mòn trèo lên đồi. Hạo Nhiên rùng mình phần vì lạnh, phần vì đói, phần vì lo lắng trước một hoàn cảnh bất định, nhưng trí tò mò thôi thúc, lại thêm tính bướng bỉnh cố hữu, nó nhất quyết theo đến cùng.
Lẩn trong bóng tối những bụi rậm, nó bò tới chân đồi. Ngay chỗ con đường mòn rẽ hai ngả, có cái bia đá đổ nghiêng, khắc ba chữ “Thủ cấp lũng”. Nấp dưới chân đồi, Hạo Nhiên nhìn lên. Đại Cổ buộc lừa vào gốc cây tùng lớn giữa đỉnh đồi, tháo rương xuống trong khi đứa con trai hì hục đào đất. Khi đã được một cái hố sâu chừng ngang bụng, hai cha con khiêng rương đặt xuống hố rồi lấp đất lại. Dưới đồi, Hạo Nhiên nhìn không bỏ sót một cử chỉ. Nó quan sát vị trí và hình dạng cây tùng, lại nhớ cả chỗ rẽ có đường trèo lên với tấm bia đổ nghiêng. Đoạn bò ra xa, ẩn vào hốc đá tránh đi, phòng cha con Đại Cổ khi làm xong việc có thể phát giác.
Đợi hồi lầu mới thấy Giang xuống, đi ngược lại đường mòn lúc trước, nhưng không thấy lão Đại Cổ đâu. Xa xa, tiếng gà rừng văng vẳng báo hiệu đêm đã tàn và trời sắp sáng. Đồ chừng lão theo hướng khác, Hạo Nhiên đi ngược lại để tránh gặp lão và hy vọng đường ấy dẫn nó trở về nhà cũ ở đồng cỏ Musashino.
Bấy giờ nó mới thấy đói và khát dữ dội. Ruột cồn cào, miệng khô mà toàn thân thì mệt mỏi vô kể, chỉ muốn nằm xuống ngủ một giấc. Nó tạt vào bụi rậm, thè lưỡi liếm những giọt sương đọng trên lá. Không đã khát nhưng cũng đỡ khô miệng, rồi mệt quá, nằm lăn trong bụi ngủ thiếp đi mất.
Tỉnh dậy, trời sáng rõ từ lâu. Về phương đông, mặt trời đã lên cao bằng con sào, nhưng con đường mòn trước mặt vắng hoe, không bóng người qua lại. Trong bụi, chim ríu rít tranh nhau mổ ăn những trái cây chín đỏ mọng to bằng đầu ngón tay. Chẳng biết là loại trái cây gì, nhưng Hạo Nhiên trông thèm quá. Nó bứt một trái, bỏ vào mồm nhai thử thấy ngon ngọt vô cùng. Ngồi dậy lắng nghe trong mình, không thấy có phản ứng gì lạ, lại ăn thêm vài trái nữa. Đợi lúc lâu không sao, bèn bứt cả chùm, ăn lấy ăn để.
Nhờ có những trái cây ấy mà Hạo Nhiên đỡ đói và khát, trong người khỏe hẳn ra.
Đến khi mặt trời sắp đứng bóng, nó mới lên đường tiếp tục cuộc hành trình bỏ dở. Qua một xóm lèo tèo vài căn nhà thấp, mái lợp tranh và vách làm bằng những thân cây ghép vào nhau còn nguyên cả vỏ, Hạo Nhiên tạt vào, định hỏi thăm đường nhưng gõ cửa mấy lần, thấy không ai đáp, đành thôi.
Lại đi. Trước mặt nó, núi Chichibu gần thêm. Dưới bầu trời trong xanh của một ngày thu đẹp, nó thấy trong lòng sảng khoái và cảnh vật cũng thân mật hơn. “Chắc gần về đến nhà !” Hạo Nhiên nghĩ.
Bỗng xa xa, ngay phía trước, trên con đường mòn, hiện ra bóng Giang, con trai lão Đại Cổ. Hạo Nhiên ngạc nhiên nghĩ thầm:
“Không hiểu sao nó đi chậm thế. Hay cũng nghỉ chân ở chỗ nào như mình !”. Nó chậm chân lại, có ý muốn xem thằng đó đi đâu, làm gì ! Đối với Hạo Nhiên, cha con Đại Cổ rõ ràng là những tên gian phi cần bị theo dõi và tố cáo.
Có lẽ linh tính báo cho Giang biết nó đang bị dò xét nên thỉnh thoảng nó quay đầu nhìn lại phía sau và rảo bước nhanh hơn. Giang bây giờ không còn là đứa trẻ như trước. Nó vẫn đen đủi, nhưng trong những năm ở với Đại Cổ làm con nuôi lão, Giang đã lớn và đẫy đà hơn nhiều. Mười tám tuổi rồi, Giang trở thành trang thanh niên nhanh nhẹn, khôn ngoan, rất vừa lòng nghĩa phụ.
Thấy thằng bé cứ lẽo đẽo theo mình, Giang muốn thử xem có phải thật nó dò xét mình không, bèn đang đi, thình lình tạt ngang đến nấp sau một tảng đá lớn, hé mắt quan sát.
Quả nhiên Hạo Nhiên mắc bẫy. Không thấy Giang đâu, nó nhớn nhác nhìn quanh. Đến gần tảng đá, Giang nhảy xổ ra quát lớn:
- Thằng kia ! Mày theo dõi ta phải không ?
Giật mình, Hạo Nhiên đứng sững:
- Đâu có !
- Đừng chối ! Đúng mày theo ta !
Hạo Nhiên bỏ chạy, nhưng Giang nắm ngay được lưng áo nó:
- Tiểu nghiệt súc ! Ai sai mày dò xét ta ?
Hạo Nhiên vùng vẫy. Bị kẻ đồng trang lứa gọi là tiểu nghiệt súc, một tiếng chửi nặng nề, nó tức giận mắng lại:
- Ngươi mới là nghiệt súc. Ăn cắp bảo vật rồi đem chôn giấu, ngươi tưởng không ai biết hả ?
Câu nói bất ngờ khiến Giang sửng sốt. Thừa cơ, Hạo Nhiên vùng mạnh một cái, giật ra chạy, vừa chạy vừa la chói lói:
- Ăn cắp ! Thằng ăn cắp ! Bắt nó !
Thấy xa xa lẩn trong những hàng cây xanh rì, có vài căn nhà dựng liền nhau, Hạo Nhiên đoán là xóm có người ở. Nó hướng về phía ấy chạy thục mạng. Giang đuổi theo, chậm hơn. Hai đứa cách nhau một quãng xa. Đến giữa xóm, Hạo Nhiên la càng lớn:
- Thằng ăn cắp nó đuổi tôi ! Bớ làng xóm, cứu tôi với ! Nó chôn đồ ăn cắp ở gò Thủ cấp lũng.
Nghe thấy vậy Giang sợ quá. Không ngờ thằng bé này theo dõi việc làm của nó từ đêm qua, không khéo hỏng hết cả. Nhanh trí, Giang không đuổi nữa. Nó chậm bước lại, kéo quần áo ngay ngắn rồi làm bộ tự nhiên đi thong dong như khách qua đường.
Vài phụ nữ tò mò chạy ra, có người lưng đeo con nhỏ, lại thêm cả một lão ông.
Hạo Nhiên vừa chạy vừa la vừa chỉ trỏ về phía sau. Chẳng ai hiểu chuyện gì, nhìn nhau rồi lại nhìn hai thiếu niên, thấy anh chàng lững thững đi sau chẳng có vẻ gì là gian phi cả. Gã lại còn mỉm cười chào mọi người nữa chứ ! Hỏi gã, gã bảo không biết, chẳng nhìn thấy ai đuổi ai. Thằng bé đó kêu la chắc có ý tinh nghịch muốn trêu trọc dân xóm.
Mọi người lắc đầu, cho là chuyện trẻ con không lý đến.
Chạy được quãng xa, ra khỏi xóm, Hạo Nhiên dừng lại. Tuy không thấy ai đuổi theo nữa nhưng dân xóm dường như cũng chẳng quan tâm gì đến lời nó kêu cứu. Ngạc nhiên không hiểu tại sao người lớn lại lãnh đạm đến thế trước tội ác của thằng ăn cắp, nó phân vân chẳng biết xử trí cách nào. Đành cứ cắm cúi đi, đợi về đến nhà đem chuyện thuật lại cho dân xóm Musashino rõ. “Chắc họ sẽ giúp ta lấy lại đồ bảo vật và cứu sư phụ”, Hạo Nhiên nghĩ.
Thấm thoắt thế mà đã xế chiều. Những lùm trắc và những cây dẻ gai trên đồng cỏ quen thuộc đã hiện ra, chỗ thì vài cây rải rác, chỗ thì mọc thành bụi rậm bên đường mòn, khiến Hạo Nhiên vui mừng như gặp được người quen sau bao năm xa cách. Nó vừa định chúm môi thổi sáo, nhưng nghĩ đến sư phụ lại thôi, lòng bồi hồi lo lắng.
Thình lình, một bóng người nhảy ra, giơ tay cản đường. Hạo Nhiên lùi lại rút mộc kiếm. Thì ra lại thằng Giang. Không biết nó đi đường tắt nào mà đến đây trước được.
Nhớ lời sư phụ dạy, Hạo Nhiên tập trung ý chí vào đôi mắt, phóng mục quang quắc nhìn địch thủ. Nhưng Giang chỉ liếc sơ nó, cười gằn:
- Á à gan nhỉ ! Bé con cũng biết đánh kiếm cơ đấy !
Nói đoạn cũng rút gươm ra thủ thế.
- Trông đây ! Chuột nhắt !
Dứt lời phạt chéo một chiêu chênh chếch từ trên xuống dưới. Hạo Nhiên thấy Giang xuất chiêu đã chậm mà lại để hở cả sườn bên phải, bèn nghiêng mình tránh rồi cả hai tay nắm kiếm gỗ phạt ngang hông nó. Kiếm gỗ đập cái “chát” vào đùi Giang.
May là kiếm gỗ và công lực của Hạo Nhiên chưa có gì nên Giang chỉ đau chứ không bị thương. Nó hét lên:
- Ta giết mày !
Hạo Nhiên chạy quanh gốc cây. Giang phóng kiếm chém loạn, nhát bên phải, nhát bên trái, cành lá rơi lả tả. Hạo Nhiên kinh hãi toát mồ hôi, bỏ chạy.
Lợi dụng bóng tối giữa những thân trắc đen sì, cao lừng lững, nó quanh co hồi lâu rồi thoăn thoắt trèo lên một thân cây cao, ngồi lẩn trong vòm lá rậm rạp nhìn xuống.
Phía dưới, Giang xách kiếm lò dò tìm địch thủ, chân bước chậm chạp, mắt láo liên, đầu lúc nghiêng bên này lúc quay bên kia, chẳng khác gì con gà trống tìm mồi, hai tay khuỳnh ra như hai cái cánh. Không nhịn được, Hạo Nhiên bật cười thành tiếng. Thế là bị phát giác.
- Có giỏi xuống đây giao đấu ! Ở trên đó hèn lắm !
- ...
- Chịu thua ta, hàng đi, ta sẽ tha mạng !
- Không đời nào ! Ta không bao giờ hàng một thằng ăn cắp.
Tức giận, Giang ôm thân cây trèo lên, nhưng vì thân hình đẫy đà, trèo không nhanh bằng Hạo Nhiên. Đến cái chạc chỗ Hạo Nhiên ngồi thì Hạo Nhiên đã trèo lên cành khác cao hơn mất rồi.
Giang hổn hển bò theo:
- Hàng đi ! Nếu không, ta bắt được đừng trách.
- Không đời nào ! Ta không bao giờ hàng ngươi để làm nhục sư phụ !
- A, khá lắm ! Ngươi có sư phụ đấy ! Sư phụ ngươi là ai vậy ?
- Nghe đại danh, ngươi sẽ sợ hãi chết khiếp mà rớt từ trên cây xuống !
Giang cười ranh mãnh:
- Không sao, ta ôm chặt cành này rồi. Ai vậy ?
- Thạch Điền Đạt Lang.
Giang không tin ở tai mình. Nó hỏi lại:
- Ai ? Nói lại nghe coi !
- Sư phụ ta là đại hiệp sĩ Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto. Ta là đồ đệ độc nhất của người.
- Láo ! Nói láo ! Ta mới là đồ đệ người !
- Ngươi nói láo thì có. Sư phụ ta có bao giờ lại nhận một thằng ăn cắp làm đồ đệ.
Nếu cứ bình tĩnh bày tỏ, có lẽ Giang cũng sẽ dò hỏi thêm cho biết ngọn ngành và giải tỏa được sự hiểu lầm, nhưng Hạo Nhiên luôn mắng nhiếc nó là thằng ăn cắp. Lời sỉ nhục chẳng khác gì muối sát vào vết thương. Nó nổi giận phóng gươm về phía Hạo Nhiên. Hạo Nhiên đưa mộc kiếm ra đỡ. Gươm của Giang văng mất. Hạo Nhiên cười thỏa mãn:
- Ha ha ! Thua rồi nhé ! Ngươi thua rồi nhé !
Giang vươn mình, đánh đu lên cành cây phía trên đầu, quơ tay định nắm chân địch thủ thì bỗng “rắc rắc”, cả hai cành đều gẫy. Giang và Hạo Nhiên mất thăng bằng cùng rơi xuống đất như trái thông rụng, nằm bất tỉnh trên đám loạn thạch dưới dốc.
oo Sau buổi hội đàm tại tư thất Hà Chu Cát Tỉnh cùng với Trúc Mộ, Đại Quán có ý muốn tìm gặp riêng Thạch Đạt Lang. Ông đến đồng Musashino. Tiếc thay, Thạch Đạt Lang đã cùng đồ đệ đi xem hội chưa về.
Một nông dân dẫn ông tới căn lều hắn ở. Căn lều vẫn lệch nghiêng sau trận bão, nhưng đã được ghìm lại bằng nhiều dây chão lớn nên cũng chưa đổ. Đại Quán bước vào.
Đồ đạc nghèo nàn chứng tỏ một nếp sống đạm bạc đến mức thiếu thốn. Chủ tâm đợi Thạch Đạt Lang về, ông trải bồ đoàn ngồi nghỉ rồi nhóm lửa pha trà.
Chợt nghe tiếng gõ ở liếp ngoài, Đại Quán bước ra. Một ông già mù mặc áo vải gai, chống gậy, hông đeo lỉnh kỉnh đủ thứ đồ lặt vặt như nồi, chén, chăn chiếu cuộn tròn lẫn với những túi vải đựng gì không biết, đứng đấy tự bao giờ. Trên lưng lại còn giắt ống sáo. Trông dáng dấp rõ là một đạo sĩ.
Lão đen, gầy nhưng nét mặt có nhiều nét quen khiến Đại Quán ngờ ngợ đã gặp ở đâu rồi. Lão xin chủ nhân chút nước nóng. May sao ấm nước cũng vừa sôi, Đại Quán mời vào pha trà cùng uống.
Nghe giọng nói của nhà sư, lão đạo sĩ đột nhiên ngẩng mặt:
- Phải chăng chủ nhân đây là Đại Quán thiền sư ở chủa Tiểu Sơn ?
Bấy giờ Đại Quán mới sực nhớ:
- Phải, nhưng bần tăng không phải là chủ nhân. Thế còn lão, phải chăng là cựu đội trưởng Hoa Kính tại lâu đài Himeiji ngày trước ?
Đạo sĩ cúi đầu không đáp. Lát sau ngẩng mặt lên, hai giọt lệ lăn trên gò má, đôi mắt trắng đục chớp nhanh.
Đại Quán cầm tay dẫn vào. Hỏi ra mới rõ sau khi bị mất chức đội trưởng, lão lang bạt mấy năm, rồi vào ở ẩn tại một ngôi đền bỏ hoang ngoại thành Kyoto như một đạo sĩ cho đến khi lòa cả hai mắt. Ngôi đền chẳng may bị thiêu rụi trong một cuộc cháy rừng lau nên lão lại nay đây mai đó, không có chỗ trú nhất định.
- Bần đạo sở dĩ còn cố bám lấy cuộc sống đến ngày nay cũng chỉ vì đứa con trai ...
- Nó đâu ? Sao không cùng đi với lão ?
- Chưa gặp. Bần đạo đã để ý dò hỏi nhiều người, nghe nói hình như nó theo hầu một kiếm sĩ.
- Tên gì ? Lão đạo sĩ có thể cho biết được không ?
- Hoa Kính Lương Giang, nhưng người ta vẫn thường gọi nó là Giang.
- Ồ ! Phải đứa bé chừng mười hai mười ba tuổi, da ngăm ngăm đen, dáng người mảnh khảnh không ?
- Chắc phải. Lúc đó bần đạo mới rời khỏi quân ngũ nên gửi nó cho người thân nuôi dưỡng lúc lên mười. Bây giờ hẳn nó đã lớn lắm !
Đại Quán gật đầu:
- Ai chứ thằng Giang thì bần tăng biết. Quả nó có theo học một kiếm sĩ.
Mừng rỡ, lão đạo sĩ hỏi dồn:
- Vậy ư ? Vậy ư ? Bây giờ nó đâu, đại sư có biết không ?
- Thật đáng tiếc. Đã mấy năm nay không gặp nhưng để thong thả, bần tăng sẽ có cách giúp lão đạo sĩ tìm lại được nó.
- A di đà Phật ! Đa tạ đại sư.
Uống cạn tuần trà, lão đạo sĩ đứng lên cáo thoái. Đại Quán nhắc:
- Lão chưa cho bần tăng biết chỗ ở. Tìm được tung tích Giang, làm sao bần tăng thông báo ?
Hoa Kính bấy giờ mới sực nhớ. Nhưng lão ngần ngừ. Bốn bể không nơi nương tựa, biết rồi sẽ giạt về đâu mà báo trước ! Lắc đầu, lão nói:
- Thôi ! Đại sư bất tất phải nhọc lòng. Nếu gặp con lão, cứ cho nó biết tiện danh cũng đủ. Nếu nó còn chút tình quyến luyến thì sẽ tìm, bằng không ...
Bỏ lửng câu nói, lão đạo sĩ cúi đầu lẳng lặng, khua gậy bước ra cửa. Đại Quán nhìn theo, ái ngại. Gần tám năm mặc áo vải gai, sống đời cô lậu mà lòng trần chưa dứt, vẫn còn nhiều hư vọng. Cầu đức vô lượng từ bi giải thoát cho lão.
Ông lấy giấy bút ra, viết vài chữ giới thiệu đến một ngôi thiền tự gần Tân đô rồi chạy theo đưa cho lão đạo sĩ, căn dặn ở đấy tới khi gặp Giang.
Trở vào bên khay trà, Đại Quán ngồi trầm ngâm cho đến tối. Trong nhà, bóng đêm sập xuống nhanh. Ngọn đèn dầu thông leo lét không soi sáng hết gian nhà cỏ.
Chợt có hai nông dân hớt hải khiêng một đứa trẻ đến đặt trước thềm. Thằng bé trạc mười bốn mười lăm, nằm thiêm thiếp. Đại Quán ngạc nhiên chạy ra:
- Thằng bé này là ai ?
- Nó ở đây với một hiệp sĩ chúng tôi vẫn thường gọi là Thạch đại hiệp. Không hiểu sao lại nằm bất tỉnh trong miễu trắc với một đứa nữa.
- Thế đứa ấy đâu ?
- Còn ngoài miễu.
- A di đà Phật ! Vậy phiền các bác lại ra đó khiêng nó về đây ta coi thế nào. May ra còn cứu được !
Hai nông dân hối hả chạy đi. Đại Quán bế xốc Hạo Nhiên vào nhà đặt nằm trên chiếu. Sờ thân thể còn nóng và mạch vẫn đều hòa, ông lấy nước lã vã lên mặt. Lát sau nó tỉnh. Vừa khi ấy, hai nông dân kia cùng dìu được Giang đến cửa. Giang khỏe hơn nên không đến nỗi ngất lâu như Hạo Nhiên, nhưng nhất thời chẳng khác gì người mất trí. Nó ngơ ngác nhìn Đại Quán.
Nhà sư hỏi:
- Thằng Giang phải không ? Làm sao đến nỗi này ?
Giang ngơ ngác một hồi, chỉ tay vào Hạo Nhiên. Hạo Nhiên lắp bắp:
- Ăn ... cắp ... Thằng ... ăn ... cắp ...
Chẳng ai hiểu gì. Đại Quán bắt Giang nằm xuống góc lều, đoạn lục trong đẫy ra một lọ thuốc, lấy một viên mài với nước đổ cho cả hai uống. Lúc sau, Giang và Hạo Nhiên cùng thiếp đi, tiếng thở đều hòa và sắc diện đã hồng hơn trước.
Cảm ơn hai nông dân xong, Đại Quán cũng trải chiếu nằm nghỉ.
Sáng hôm sau, bình minh vừa rạng, Đại Quán ra khỏi lều, bách bộ vài vòng. Trở về, Giang đã chờ sẵn ngoài cửa. Thấy Đại Quán, nó quỳ xuống kính cẩn:
- Con xin cảm ơn thầy.
Nhà sư gật đầu mỉm cười:
- Lâu không gặp con, không ngờ lớn thế này rồi đấy ! Sao không nghe thầy con nói gì tới con cả ?
- Dạ, mấy năm nay con cũng không biết sư phụ Ở đâu.
- Vậy hả ? Thế trong thời gian đó con làm gì ?
- Con được một nhà hảo tâm nhận làm nghĩa tử và nuôi dưỡng. Ông ấy tên Đại Cổ, ở đất Nara.
Trong nhà, Hạo Nhiên cũng đã ngồi dậy. Thấy Giang trò chuyện với một nhà sư, nó ngạc nhiên hết sức, lắng tai nghe. Thấy nhắc đến Đại Cổ, nó bèn xen vào:
- Đại sư đừng nghe nó ! Nó với Đại Cổ ăn cắp đồ bảo vật của đền.
Đại Quán không hiểu, nhìn Hạo Nhiên rồi lại nhìn Giang ra ý hỏi. Giang cúi đầu không đáp. Ông bèn kéo nó ra hẳn bên ngoài:
- Chuyện gì thế con ? Nói hết ta nghe, đừng giấu giếm.
Giang bèn đem tất cả sự việc, từ khi ở thác Phu Phụ ra đi, bị lạc Oa Tử và thầy như thế nào, rồi gặp Đại Cổ thấy ông này mang vàng chôn ra sao, hứa với ông ấy những gì khi ông cưỡng bách nó phải làm nghĩa tử, lại âm mưu đoạt bảo vật của đền Mitsumine đem đi giấu ở đâu, nhất nhất thuật lại hết. Đại Quán chú ý nghe, trán cau lại, nét mặt đăm chiêu không giấu được vẻ suy tư.
- Giang ! Con đang làm một việc nguy hiểm tày trời con có biết không ?
- Dạ.
- Đại Cổ là người thế nào ?
- Ông ấy rất tốt. Ông có ăn cắp thật nhưng là lấy tiền của những nhà giàu để làm việc thiện. Ông chỉ bắt con không được tiết lộ cho ai biễt những việc ông làm mà thôi.
Nhà sư cười khẩy:
- Ăn cắp là ăn cắp. Ta chưa hề nghe nói hành động ăn cắp nào là tốt, hành động ăn cắp nào là xấu. Nhưng ta không nghĩ Đại Cổ ăn cắp chỉ vì mục đích xã hội, muốn làm việc thiện. Ông ta nhắm một mục đích khác, ghê gớm hơn nhiều.
- Mục đích gì ?
- Theo ý con thì ngoại mục đích dâng cúng vào chùa chiền, ông còn mục đích gì khác không ?
- Chắc không.
- Lầm ! Theo chỗ ta biết, Đại Cổ có liên hệ đến họ Hòa ở Osaka và có ý định tạo phản.
Giang giật mình, mơ hồ cảm thấy lo sợ. Đại Quán bảo nó theo vào nhà rồi hỏi chuyện Hạo Nhiên. Thằng bé lúc đầu ngại ngùng chỉ trả lời gióng một những câu hỏi của nhà sư nhưng sau thấy ông trấn an và tỏ ra quen biết rất nhiều với sư phụ nó nên vững tâm hơn, kể vanh vách những chuyện xảy ra.
Thấy Hạo Nhiên quả là đồ đệ của Thạch Đạt Lang và được Đại Quán cho biết Giang cũng là đồ đệ nhưng đã được thu nhận trước, cả hai nhìn nhau không còn hằn học nữa.
Đại Quán quay nhìn Giang, nghiêm nghị:
- Con thấy không, hành động của Đại Cổ và của con chắc đã khiến sư phụ con bị bắt oan.
Giang chùi nước mắt:
- Con muốn gặp sư phụ.
- Bây giờ chưa được.
Giang nức nở. Hạo Nhiên cũng khóc theo.
- Con muốn gặp sư phụ. Con sẽ thú hết tội lỗi.
Đại Quán nhìn nó thương hại. Ông quát:
- Đồ ngu ! Làm như thế ích gì ? Mày sẽ rục xương trong ngục hoặc bị xử trảm. Mày không rõ tội phản loạn to lớn đến đâu ư ? Có thể làm lụy đến sư phụ mày nữa chứ đừng nói cứu ông.
- Thưa thầy, thế phải làm thế nào ?
- Việc ấy mặc ta lo liệu. Sáng nay ta mới gặp thân phụ mày. Chắc ông đang trên đường tới chùa Vân Lĩnh ở Tân đô, hãy tạm đến đó ở với ông.
Đại Quán mở đẫy lấy ra hai đồng tiền vàng, đưa cho Giang:
- Đi ngay đi. Kiếm mua một cái nón nan và bộ tăng bào để trá hình làm khất sĩ.
Cầm hai đồng tiền, Giang tần ngần hỏi:
- Sao Tôn gia lật đổ dòng họ Toyotami, tiêu diệt các sứ quân lại không bị coi là phản bội, mà người khác lật đổ Tôn gia lại bị ghép tội ấy ?
Đại Quán nghiêm nghị nói:
- Đừng bắt ta trả lời câu hỏi đó. Lịch sử sẽ trả lời cho ngươi biết. Đối với ta, bất cứ ai nhân danh bất cứ điều gì, dù cao đẹp đến đâu mà phản bội dân tộc cũng bị coi là phản bội.