Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Tác giả: Hùng Đại Mộc
N ói đến Tiêu Tán lén chạy đến tường phía Đông, thấy không cao lắm, liền từ từ trèo lên, rồi nhảy vào trong hậu hoa viên, bí mật vào tới dưới bếp, bọn gia nhân ai phận nấy đang ở trên đường hầu hạ Tạ Kim Ngô, chỉ có một người hầu gái nhỏ đang đốt lửa dưới bếp. Tiêu Tán từ trong ủng da rút dao bén, trước tiên giết chết người hầu gái, cầm lấy thủ cấp, chạy đến đại đường (sảnh), chỉ thấy Tạ Kim Ngô đang ngồi trên bàn tiệc uống rượu, nhạc công ca thi đàn ở bên đình, liền đem đầu người nhằm mặt mà ném vào. Tạ Kim Ngô giật mình sợ hãi, mặt bị văng đầy máu, liền la: "Có giặc! Gia nhân ở đâu?" Tiêu Tán tiến tới trước mà mắng rằng: "Đồ gian nịnh lộng quyền kia, hôm nay có nhận ra Tiêu Tán không?”. Nôi xong, đưa một đao ngang cổ, đầu Tạ Kim Ngô liền rớt xuống đất. Chúng nhân nhìn thấy, trốn chạy tán loạn. Tiêu Tán giết chém sướng tay, xông vào trong phòng, không phân biệt già trẻ, đều đem giết sạch. Đáng thương một nhà Tạ Kim Ngô đều bị tay Tiêu Tán giết hại. Người đời sau có thơ làm chứng:
Khởi ý hãm nhân chung tự hãm,
Thả khán kim nhật Tạ Kim Ngô.
Thùy liên đặc sủng đương triều tướng,
Lão ấu toàn gia bị sở đồ.
Gần canh ba, Tiêu Tán lấy những món bày trên bàn tiệc ăn uống no nê, rồi ngẫm nghĩ rằng: "Cả nhà Tạ Kim Ngô bị ta giết chết, hắn là quan to của triều đình nếu biết được việc này, ắt sẽ liên lụy địa phương, chi bằng lưu lại vài chữ, để mọi người biết là ta giết, mới không di họa cho người khác vậy”. Nghĩ rồi liền chấm máu tươi viết hai hàng ở trên cửa rằng:
Thiên thượng hữu lục đinh lục giáp.
Địa hạ hữu kim thần thất sát.
Nhược vấn sát giả thị thùy,
Lai tầm tiêu thất tiêu bát.
Viết xong, lại vượt tường từ phía sau mà ra, muốn tìm hai tên quân hiệu, thì đã không biết chạy đi đâu mất, nên ở ven đồi thành mà núp qua một đêm, sáng sớm hôm sau trốn về Dương phủ.
Ở đây nói tuần canh bộ tốt trong đêm nghe nói phủ Tạ phó sứ bị cướp, vội báo Vương Khâm và vào Tạ phủ xem sao, chỉ thấy giết chết cả nhà già trẻ cùng 13 người, xác nằm la liệt, máu nhuộm thềm đình. Kiểm nghiệm quan chép lại tên họ của kẻ hung thủ ở trên cửa đem trình tấu, lúc bấy giờ làm náo động quân dân cả thành Biện Kinh. Chơn Tông được tấu thất kinh, hạ lệnh vương Khâm tra xét việc này. Vương Khâm tâu rằng: "Thần trộm nghe người giết chết cả nhà Tạ Kim Ngô, chính là tướng mới chiêu mộ của Dương Lục lang tên Tiêu Tán". Chơn Tông nói: "Dương Lục sứ trấn thủ Tam quan sao lại có chuyện thuộc hạ vào thành giết người?" Vương Khâm nói: "Hôm trước đã lén xuống Tam quan, dẫn theo Tiêu Tán về đây, đã phạm quốc pháp, xin bệ hạ hãy cho xử tội này”. Chơn Tông chuẩn tâu, sắc cấm quân bắt Dương Lục lang cùng tên hung thủ Tiêu Tán. Chỉ lệnh hạ xuống, 24 tên cấm quân lĩnh mệnh mà làm.
Lúc ấy Dương Lục sứ ở trong phủ đang cùng Lệnh Bà bàn chuyện của Thiên Ba lầu, chỉ được báo đêm qua Tiêu Tán vượt tường vào Tạ phủ, giết chết cả nhà Tạ Kim Ngô 13 người già trẻ, nay trong triều đang sai quân đến bắt.
Lục sứ thất kinh nói: "Cuồng nô làm hỏng việc của ta rồi!" Chưa dứt lời, cấm quân đồng loạt tiến vào, bắt lấy Dương Lục sứ. Lúc ấy ở bên ngoài Tiêu Tán nghe được, tay cầm dao bén, xông thẳng vào. Cấm quân thấy hắn hùng hổ, không ai dám tới gần phía trước. Lục sứ nạt rằng: "Mi gây ra tai họa lớn như vậy, còn dám chống lại việc bắt của triều đình ư? Hãy tự trói mình, cùng đi xin tội" Tiêu Tán nói: "Tôi bình sinh giết bao nhiêu người, thêm 13 người cũng có gì lạ. Tôi cùng đại nhân hãy về Giai sơn trại, xem bọn họ làm gì được tôi?" Lục sứ càng giận nói: "Nếu không nghe lời của ta, hôm nay sẽ chặt đầu mi đem dâng trước". Tiêu Tán liền buông bỏ dao, lặng lẽ lùi xuống. Cấm quân vừa muốn đến bắt lấy. Lục sứ nói: "Không cần động thủ, gặp thiên tử sẽ tự phân biện".
Lục sứ liền theo cấm quân vào triều kiến Chơn Tông. Chơn Tông hỏi rằng: "Trẫm không có thánh chỉ triệu khanh, sao lại tự ý xuống Tam quan. Lại đem theo bộ tướng giết chết cả nhà Tạ phó sứ, thì phải tội gì?" Lục sứ tâu rằng: "Thần đáng muôn chết, mong bệ hạ tha chết trong một lúc, để thần trần tình nỗi oan. Phụ tử thần may nhờ hậu ơn của triều đình, dù chết cũng nghĩ tới việc báo ơn. Gần đây do mệnh vua phải dỡ bỏ Thiên Ba lầu, mẹ của thần lo buồn thành bệnh, nên phải xuống quan về thăm rồi quay lại ngay. Bộ tướng Tiêu Tán, là có quen thói hung tàn, không biết vào thành lúc nào, nay việc giết chết Tạ Kim Ngô, thật sự là không phải do thần sai làm đâu! Xin thánh minh soi xét, nếu đúng là phải, thần xin chịu tội chém giữa chợ, để chính pháp lệnh của triều đình vậy". Chơn Tông nghe tâu, im lặng chưa trả lời.
Vương Khâm tâu rằng: "Kẻ giết người là Tiêu Tán không sai, hôm ấy tùy tùng và nhạc công của nhà ấy đều chính mắt nhìn thấy, vả lại trước khi bỏ đi lại có để lại bút tích. Xin bệ hạ hãy đem Lục lang, Tiêu Tán áp giải ra chợ để chém, mới có thể cảnh cáo kẻ sau”. Chơn Tông chần chừ chưa quyết. Bát Vương ra sức tâu rằng: "Dương Lục lang vốn thật có tội, nhưng xét đến tình thì đáng tha thứ, quả cũng là thuộc tướng giết người, nhưng xin niệm tình ông ta có công trấn thủ Tam quan, mà giảm nhẹ tội”. Chơn Tông chuẩn tấu, sắc cho Pháp ty nha môn đem bọn Dương Lục lang định tội rồi tâu lên.
Lục sứ lui ra, Vương Khâm mật sai người đến nơi quan Pháp ty dặn dò : Hãy phát phối bọn Lục sứ đến ở nơi xa xôi. Lúc ấy Chưởng hình quan họ tên là Hoàng Ngọc rất tương đắc với Vương Khâm, liền theo lời đó, lấy tội Lục sứ lén xuống Tam quan, đày ra Nhữ Châu làm công, mỗi năm tiến tạo rượu quan 200 vò, sau ba năm công mãn thì về, Tiêu Tán vì có công trấn giữ biên cương nên khoan tội chết, đày đến Trịnh Châu xung quân, ngay hôm đó khởi hành. Hoàng Ngọc định tội xong, tâu với Chơn Tông. Chơn Tông theo lời đề nghị, hạ sắc lệnh thu liệm thi thể bọn Tạ Kim Ngô, đem mai táng, cận thần lĩnh chỉ đem tuyên, chuyện không có gì để nói.
Chỉ nói đến Dương Lục sứ nghe được tin này vô cùng buồn bã, đến từ biệt mẹ là Lệnh Bà cùng Sài Thái quận. Lệnh Bà nói: "Đây đúng là đại bất hạnh của nhà ta! Khiến thân già này vào cuối đời biết nương tựa ai?”. Lục sứ nói: "Mẫu thân đừng lo, nhiều thì hai, ba năm thì con sẽ được về, mẹ con ta lại được gặp nhau. Vả lại nay con phạm tội bị đày, Bát điện hạ tất giúp chu toàn chuyện Thiên ba lầu. Nay Tiêu Tán giết chết Tạ Kim Ngô, cùng là triều đình loại trừ một kẻ ác. Lần này nếu không nhờ Bát điện hạ cố sức tâu, suýt nữa khó giữ mạng sống". Nói chưa hết lời, Tiêu Tán vào gặp Lục sứ nói: "Nghe nói triều đình bắt tôi đến Trịnh Châu sung quân, đang muốn xin đại nhân về trại Tam quan đây, cũng không nên chịu đày tới Nhữ Châu, tôi biết quái gì về sung với chả quân!" Lục sứ nói: "Thánh chỉ đã xuống, mi cũng nên theo mà tới nơi đó, chờ gặp khi được ân xá, lại về Tam quan. Nếu lại trái với pháp lệnh, thì tội càng nặng thêm”.
Lát sau, Vương Khu Mật sai giải quân 40 người đến hối thúc Dương Lục sứ, Tiêu Tán lên đường. Lục sứ đuổi Tiêu Tán đi theo giải quân, còn mình cũng lạy từ Lệnh Bà, Thái quận mà rời Dương phủ. Bát Nương, Cửu muội đưa tận đến hơn mười dặm mới về. Lúc ấy Tiêu Tán đứng đợi ở bên đường, thấy Lục sứ tới, liền nói: "Tôi đi chuyến này vài ngày sẽ về đến Trại, báo cho bọn Nhạc Thắng ca ca biết, liền đến cứu đại nhân vậy". Lục sứ nói: "Không được nói bậy, tội ta không đến nỗi chết, mi cũng nên nhẫn nại mà qua nửa năm, một năm, liền được gặp nhau".
Tiêu Tán cười lớn từ giã, đi theo giải quân tới Trịnh Châu, chuyện không có gì đáng nói.
Chỉ nói đến Lục sứ cùng bọn tùy tùng lên đường, hướng theo Nhữ Châu tiến phát. Lúc này đang là cuối Hạ đầu Thu, gió lạnh thấu xương. Đúng là:
Cô nhân thanh trung sầu mạc tố,
Tàn thiềm thụ lý hân nan cấm.
Ngày kia đi đến Nhữ Châu, nha sai đem công văn trình vào phủ, gặp Thái thú là Trương Tế. Trương Tế xem xong công văn tới, liền phê cho sai nha về trước, rồi mời Lục sứ vào hậu đường rồi hỏi rằng: "Nghe tướng quân trấn thủ Tam quan, Phiên nhân sợ phục, vì sao lại mắc vào tội phải đi đày?" Lục sứ nói: "Thật là một lời khó nới cho hết". Rồi đem chuyện thuộc hạ Tiêu Tán giết chết Tạ Kim Ngô, kể lại rõ ràng đầu đuôi. Trương Tế than thở không thôi, rồi nói: "Tướng quân hãy chịu nhẫn nại ở đây tới thành Tây có dịch trạm Vạn An năm nơi xung yếu, có thể giám sát việc làm rượu quan, đem tiến kịp thời. Nhiều thì nửa năm hay một năm, lại được về triều thôi". Lục sứ cảm tạ, rồi từ biệt Thái thú tự đi làm việc, chuyện không có gì đáng nói.
Vương Khâm đã biết Lục sứ đã đến nơi bị đày, liền mời Hoàng Ngọc tới trong phủ thương nghị mưu kế để hãm hại. Hoàng Ngọc nói: "Việc này không khó, nay thánh thượng xem trọng việc thu thuế rượu, Lục sứ mới làm, giữ đúng chức trách là mối quan hệ lớn nhất. Khu sứ thượng một bản tấu, đàn hạch hắn có tội bán rượu lậu chúa thượng ắt sẽ xử tội chết vậy.” Vương Khâm mừng rỡ nói: "Mẹo này hay tuyệt". Liền sai bày tiệc cùng Hoàng Ngọc uống rượu, cả hai vui vẻ rồi tan.
Hôm sau, quả nhiên Vương Khâm vào triều dâng tấu hạch rằng: "Dương Lục sứ xem thường phép nước, đày tới Nhữ Châu chưa được một tháng buông thả việc thu thuế rượu, tự bán thu lấy tiền, ắt là muốn tạo phản. Xin bệ hạ sớm trị tội này, để tránh sinh hậu hoạn". Chơn Tông nghe tâu nổi giận nói: "Hắn sai thuộc hạ giết chết cả nhà Tạ Kim Ngô, Trẫm niệm tình tổ tiên có công, nên tha tội chết. Nay lại ở nơi đi đày, lén bán vật của triều đình, tội thật khó tha”. Liền sắc cho Đoàn Luyện Chanh Sứ Hô Diên Tán mang chỉ tới Nhữ Châu, lấy thủ cấp của Lục sứ mang về. Chỉ lệnh đã xuống, đình thần đều ngạc nhiên. Bát Vương ra sức tâu xin: "Dương Lục sứ là vốn là tôi thần trung cần, sao lại có chuyện này được? Bệ hạ đừng nghe lời nói một lúc mà giết anh hùng vậy". Vua nói: "Khanh nhiều lần bảo vệ cho Lục sứ, hôm trước giết chết cả nhà ái khanh của trẫm là Tạ phó sứ có đáng tội chết không?”. Bát Vương im lặng lui ra.
Hôm đó, tan buổi chầu sớm, Khấu Chuẩn nói: "May được người mang sắc mệnh đi là Hô Diên Tán, có thể nhờ gặp Thái thú Nhữ Châu mà tìm cách lấy thủ cấp của tên tử tội nào đó có dung mạo giống Quận mã đem về dâng nạp, rồi thả Lục sứ bỏ trốn. Sau này gặp khi nước nhà có nạn, thì ta lại bảo cử vậy”.
Bát Vương nghe theo lời, là nói lại cho Hô Diên Tán biết. Tán nói: "Việc này lão phu tự có chủ trương . Ngay hôm đó từ biệt quần thần mang chỉ đi đến Nhữ Châu, gặp Thái thú Trương Tế, nói lại nguyên do chém Lục sứ. Trương Tế thất kinh nói: "Hắn tới Nhữ Châu chưa lâu, làm sao có việc này? Chúa thượng vì sao lại khinh suất làm mất một hào kiệt như vậy!" Tán nói: "Đó là do quyền thần Vương Khâm hạch tấu mà ra. Thánh thượng đang vô cùng giận dữ, Bát Vương cố sức bảo vệ nhưng không được, nên nay đình thần thương nghị, xin với Thái thú làm như vậy thì được". Tế mừng rỡ nói: "Thật là thẩm hợp với ý của hạ quan, hiện nay Bắc Phiên cường thịnh, nếu mất người này, biên cương làm sao yên lành được". Rồi lệnh sai mời Lục sứ tới, nói lại ý của triều đình. Lục sứ nói: "Tiểu nhân vốn không làm việc này, nay thánh chỉ muốn tôi phải chết, chỉ đành tuân mệnh để hồi báo lại triều đình". Tế nói: "Ông chớ lo, chính là đang thương nghị phải làm sao để giúp ông thoát nạn”. Lục sứ nói: "Nếu được Thái thú giúp đỡ, thì chết cũng không quên ơn" Trương Tế nói: "Sẽ giúp cho Quận mã được vô sự”. Rồi lệnh kêu ngục quan Ngũ Vinh tới bàn, Vinh nói: "Trong lao có Thái Quyền, bị tội phải chết, đúng người đúng tội, về sau ắt cũng sẽ chém. Người này mặt mũi không khác gì Dương tướng quân, có thể đem chém đầu người này, đem dâng lên chúa thượng, ắt phải tin vậy". Tế lệnh giải Thái quyền tới xem thử, quả nhiên là giống. Liền dặn dò Ngũ Vinh đem thật nhiều rượu và thức ăn thưởng cho, để say ở trong ngục. Ngũ vinh bí mật chém lấy thủ cấp, xách đến gặp Trương Thái thú. Thái thú nói: "Việc không nên chậm trễ”, liền giao cho Hô Diên Tán, mang thủ cấp đi suốt đêm ngày về Biện Kinh. Trương Thái thú lại gọi Lục sứ, dạy phải giả làm kẻ đi buôn, trốn đến nơi xa để tránh nạn. Lục sứ bái tạ ra khỏi phủ, thay đồ gọn nhẹ, lén rời Nhữ Châu, trốn về Vô nịnh phủ, chuyện không có gì đáng nói.
Hô Diên Tán một mình cưỡi ngựa về đến Biện Kinh gặp lúc Chơn Tông thiết triều, liền dâng lên thủ cấp của Lực sứ, vua thân xuống khám nghiệm, chỉ cho đó là thật. Quần thần nhìn thấy, ai nấy đều than tiếc. Bát Vương sợ nếu đem thủ cấp hiệu lệnh, sẽ bị người xem thấu, liền tâu rằng: "Nay Diên Chiêu đã phục tội bị chém, xin cho đem thủ cấp trả về Vô nịnh phủ, để cho người nhà mai táng, đó cũng để cho thấy rằng bệ hạ có ý không quên công thần vậy". Vua chuẩn tấu, liền lệnh mang thủ cấp, sai cấm quân đem đi. Cấm quân được mệnh, đi tới Dương phủ. Dương Lệnh Bà không biết nguyên nhân bên trong, nên cho là thực, cả nhà đều buồn thảm, đem thủ cấp tuân chỉ mai táng, chuyện không có gì đáng nói.