Hồi Thứ Mười Hai
Tác giả: Hùng Đại Mộc
N ói về Cao Hoài Đức và Hô Diên Tán về tới trong trong trại, báo lạ là Liêu tướng anh dũng, chưa phân thắng bại. Phan Nhân Mĩ nói: "Gia Luật Sa là kiêu tướng của Liêu, các ngươi phải cẩn thận khi đánh". Bọn Tán lui ra. Phan Nhân Mĩ vào tâu với Thái Tôn rằng: "Quân Liêu rất tinh nhuệ, trận chiến hôm nay e rằng khó thắng, thần rất lo lắng". Thái Tôn nói: "Trẫm phải đích thân đến nơi chiến trận, cùng phiên tướng quyết một trận thư hùng". Bát Vương tâu rằng: "Bệ hạ tự nên bảo trọng, tự có chư tướng ra sức, không nên tự đi vào nơi tên đá vậy” Thái Tôn không nghe. Hôm sau, bỗng xuống lệnh đốc chư tướng đến đánh.
Đây nói về Gia Luật Hưu Ca đang cùng các tướng bàn kế đánh quân Tống, chợt thám mã về báo: "Tống binh dốc cả trại mà đến, muốn cùng nguyên soái quyết một trận sống chết". Hưu Ca nghe tâu báo, quay sang nói với Gia Luật Sa rằng: "Đại tướng Gia Luật Học Cổ đang trấn thủ đất Yên, chẹt ngay phía sau quân Tống, có thể lệnh cho ông ta xuất quân đánh tập hậu quân Tống. Ta cùng chư tướng thì dàn quân ở Cao Lương Hà". Quân Bắc vừa triển khai trận thế thì thấy quân Tống kéo đến đông như kiến cỏ. Tiên phong Hô Diên Tán phi ngựa ra trận, quát to: "Phiên tướng hãy chọn người dũng mãnh ra đánh với ta”.
Chưa dứt tiếng, trong Bắc trận, Gia Luật Sa vác đao đến đánh, cao giọng quát rằng: "Tống tướng mau lui, để tránh bị bắt". Hô Diên Tán múa thương đâm thẳng vào Gia Luật Sa. Gia Luật Sa đưa đao đón đánh, hai ngựa giao nhau, đánh hơn 36 hiệp, bất phân thắng bại. Bắc tướng Gia Luật Hề Đệ bay ngựa múa búa từ bên cạnh đánh vào. Cao Hoài Đức tế ngựa đón đánh. Chiêng trống vang lừng, cờ bay phất phới. Bốn tướng đang đánh hăng thì chợt phía sau trận quân Tống pháo nổ vang trời. Với khí thế long trời lở biển, Liêu tướng Gia Luật Học Cổ hô quân xông tới. Quân Tống đang ngơ ngác chưa biết là cánh quân nào đột nhiên xuất hiện, tự rối thế trận, đội ngũ không tề chỉnh.
Gia Luật Hưu Ca từ trên tướng đài nhìn thấy thế trận quân Tống đã động, liền phái một cánh quân xông thẳng vào. Thái Tôn gấp hạ lệnh chư tướng hộ giá. Phan Nhân Mĩ nghe được tin này, tế ngựa liều chết đến đánh, vừa gặp quân của Gia Luật Hưu Ca kéo đến, hai ngựa giao nhau chỉ một hiệp, đã chém Nhân Mĩ rớt xuống ngựa. Quách Tiến nhìn thấy vội bay ngựa ra, cứu về.
Lúc này cách trại đã xa, chư tướng lại đang gặp địch thủ, chưa đánh hạ được, nay nghe Thái Tôn gặp nạn, liền bỏ chạy về để cứu Thái Tôn một ngựa giết ra vòng vây, chạy trốn về hướng đê sông Phần Dương, bị hai bộ tướng của Gia Luật Hưu Ca là Ngột Hoàn Nô, Ngột Lí Hề thừa thế đuổi theo. Ở Nam doanh, Dương Nghiệp nhìn thấy, nói với các con rằng: "Chúa thượng gặp nạn, sao không đi cứu?" Dương Diên Chiêu bay ngựa ra trước, quát to: "Mọi Liêu chớ chạy!" Ngột Hoàn Nô nổi giận múa đao chém liền. Diên Chiêu múa thương nghênh địch. Đánh chưa đầy hai hiệp, bị Diên Chiêu đâm một nhát ngay ngực, chết lăn xuống ngựa. Giết tan quân đuổi theo, Diên Chiêu thấy Thái Tôn đứng ở trên đê, liền hỏi: "Con ngựa của bệ hạ ở đâu?" Thái Tôn nói: "Bị loạn tiền bắn trọng thương, không cưỡi được nữa". Diên Chiêu nói: "Hãy dùng ngựa của thần, thần sẽ đi bộ mà đánh ra ngoài". Thái Tôn e rằng Diên Chiêu không ngựa sẽ khó thắng, liền nói: "Khanh phải có ngựa để đánh, ta cưỡi xe lừa đi được rồi". Diên Chiêu nói: "Quân địch kéo đến đông lắm! Bệ hạ mau lên ngựa thà họ giết được thần, xin đừng lưu luyến". Đang lúc nguy cấp, vừa lúc Thất lang đánh giết vào tới, thấy Diên Chiêu liền nói: "Quân ta chiến trận đã loạn, ca ca sao không mau bảo vệ chúa thượng chạy đi". Diên Chiêu nói: "Ngươi hãy cùng bệ hạ cưỡi chung một ngựa, ta đi trước đánh ra".
Thất lang lập tức đỡ Thái Tôn lên ngựa. Diên Chiêu gầm lên như sấm, đột phá khỏi trùng vây, lại bị Ngột Lí Hề dẫn quân cản đường. Diên Chiêu nghiến răng ngắm chuẩn Ngột Lí Hề, phóng thương đâm một nhát, vừa đúng ngay yết hầu mà chết. Vòng qua trại phía Tây, quân Bắc tên đá như mưa. Diên Chiêu phá không được trùng vây, may gặp Dương Nghiệp, Cao Hoài Đức, Hô Diên Tán ba tướng chém giết xông vào tới, cứu được Thái Tôn ra, chạy về Định Châu. Trận này có thể thấy được sự dũng cảm của Dương Diên Chiêu. Đời sau có thơ khen:
Trảm kiên nhập trận cứu quân vương,
Địch tương tranh nghênh chí diệt vong.
Vị nhập trung triều tiên kiến tích,
Tướng quân danh vọng chí kim hương.
(Cả gan vào trận cứu vua ta,
Tướng địch đẩy đưa chết hằng hà.
Chưa tới triều đình đà dựng nghiệp,
Tướng quân tên tuổi vẫn sáng lòa).
Phan Nhân Mĩ thu thập tàn quân, chỉ thấy thi thể chồng chất, máu chảy đầy nơi. Quân Tống bị giết tám, chín vạn, ngựa giáp, khí giới bị mất vô số. Thế là các châu Dịch, Trác... lại thuộc về nhà Liêu. Gia Luật Hưu Ca thu được toàn thắng, liền thu quân về U Châu, chuyện không có gì đáng nói.
Đây nói về đến Thái Tôn chạy về Định Châu, các tướng lần lượt về tới, bọn Bát Vương vào trước bái yết, vua nói: "Hôm nay nếu không có cha con Dương Nghiệp ra sức, Trẫm khó giữ được mạng sống". Bát Vương nói: "Bệ hạ có bách linh tương trợ, quân giặc sao mà hại được. Từ nay cần phải bảo trọng mình rồng, không nên tự mạo hiểm vậy, nếu chư tướng nhất thời không kịp cứu ứng, thì ai giúp được bệ hạ đây?" Thái Tôn gật đầu ưng thuận. Rồi triệu Dương Nghiệp vào trong trướng, thưởng cho gấm vóc 20 cây, vàng ròng 40 lượng, rồi nói rằng: "Nay tạm ban cái này cho khanh, xem như lễ vật làm tin. Chờ đến ngày ban sư, mới báo công sau". Dương Nghiệp lạy thụ mệnh rồi lui.
Bát Vương tâu: "Đường vận lương không kịp, quân sĩ suy sụp, xin bệ hạ hãy ban sư về kinh, để thỏa lòng trông ngóng của thần dân". Thái Tôn nghe theo lời này, ngay hôm đó hạ chiếu ban sư, để Phan Nhân Mĩ làm tiền đội. Dương Nghiệp đi ở giữa, còn các tướng còn lại cùng quân bản bộ thì theo sau hộ giá. Chỉ lệnh hạ xuống, chủ tướng chuẩn bị rời dịch, hướng Biện Lương mà đi. Có thơ làm chứng:
Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ,
Sinh dân hà kề lạc tiều tô.
Bàng quân mạc thoại phong công hầu ấn,
Nhất tướng công thành vạn cốt khô.
(Đất nước ngàn thu gặp chiến tranh,
Dân đen lưu lạc sống sao đành.
Ví chàng nói tới công danh lớn,
Hãy nhớ xương khô chết ngập thành).
Đại quân trên đường không có gì đáng nói, ngày nọ về đến Biện Lương, văn võ quần thần vào triều kiến xong. Thái Tôn nói: "Trẫm bị nhục ở đất U Châu, thường ghi nhớ trong lòng để báo thù, nay các ngươi mỗi người hãy trình báo ý kiến, vì trẫm mà suy tính kĩ". Tư đồ Triệu Phổ cùng Tham tri chính sự là bọn Đậu Xưng, Quách Chí tâu: "Bệ hạ có giáp binh tinh nhuệ, phủ khố giàu có lo gì giặc ác không trừ được ư? Nhưng vì quân sĩ vây thành Thái Nguyên quá lâu, vết thương chưa lành, xin hãy đợi đến lúc trời mát ngựa béo, tích trữ lực lượng, lúc đó mới bàn việc đánh lấy cũng chưa muộn vậy. Thái Tôn theo lời bàn này, hạ lệnh mở tiệc đãi các tướng sĩ đi đánh Thái Nguyên ở Sùng Nguyên điện. Ngày đó vua tôi vui vẻ rồi tan.
Hôm sau giáng sắc, phong Dương Nghiệp làm thứ sử Đại Châu kiêm binh mã nguyên soái, từ con trưởng trở xuống đều phong làm Đại Châu Đoàn Luyện Sứ, phủ đệ đặt ở bên Kim Thủy Hà là Vô Ninh trạch, ban thưởng rất hậu. Quần thần tâu rằng, Dương Nghiệp chưa lập được công lớn ban phong quá hậu. Vua nói: "Trẫm lấy tín nghĩa đãi người, làm sao có thể thất tín với thần hạ". Và vẫn hạ chiếu. Dương Nghiệp liền dâng biểu xin từ chức của các con, biểu viết:
Thần Dương Nghiệp dập đầu lạy tâu: Nay gặp thánh minh ở trên, vạn vật đồng xuân. Thần sinh trưởng nơi biên thùy hẻo lánh, bản tính thô suất, văn không thể giúp nước, võ không thể dẹp loạn. Nhờ ơn tái tạo và đức cao rộng của bệ hạ ban cho phủ đệ bên Kim Thủy Hà, chịu sắc mệnh làm quan ở Đại châu. Ân nghĩa to như vậy, khiến thần dù tan xương nát thân, cũng chưa báo đáp được muôn một. Ngày đêm sợ hãi, chỉ luôn nghĩ cách đền đáp. Các con ngu muội của thần, chưa lập được chút công nào với triều đình, mà đều được phong làm Đoàn Luyện Sứ. Ơn trên đã ban, trong ngoài đều kinh ngạc, thần nào dám nhận lấy! Xin bệ hạ vì sự thưởng phạt mà suy xét, thu lại cáo mệnh của các con thần, khiến thần khỏi phải mang tội lạm nhận, để có thể hết lòng. Nếu được bằng vậy, thật là sự may mắn cho hạ thần vậy.
Thái Tôn xem biểu, giáng chỉ chuẩn theo lời xin, Dương Nghiệp tạ ơn lui ra. Lúc này chiến tranh tạm dứt, khói lửa tạm yên. Thái Tôn ngày ngày cùng quần thần bàn luận cách trị nước ở trong cung, sắp xếp tướng soái nơi Phiên trấn, hoặc thăng hoặc đổi, đều phù hợp cả.
Nay nói về Gia Luật Hưu Ca từ khi thắng quân Tống trở về thì hơi có vẻ kiêu ngạo tự phụ, Tiêu thái hậu rất là coi trọng. Gặp lúc Tiêu làm thiết yến đãi các quan văn võ, Gia Luật Hưu Ca tâu rằng: "Ngày trước nhờ hồng phúc bệ hạ, ra quân chặn quân Tống, thần nhờ chư tướng liều chết, giết tan quân địch. Nay thần muốn nhân lúc Trung Quốc sau khi thua chạy, lòng người sợ hãi, xin lĩnh tinh binh thẳng đánh Biện Lương, để trả cái nhục vây U Châu, xin bệ hạ chuẩn theo lời xin của thần” .
Tiêu thái hậu nói: "Lời khanh nói, thật có lòng trung vậy. Nhưng chỉ e Trung Quốc người đông, ngựa khỏe, chưa thể vào lấy được”. Yên vương Hàn Khuông Tự tâu: "Thần nguyện cùng Gia Luật Sa tướng quân xuất binh phạt Tống, lựa thế mà tiến, ắt có thành tích". Tiêu thái hậu y tấu, giáng chỉ phong cho làm giám quân, Gia Luật Hưu Ca làm cứu ứng, Gia Luật Sa làm tiên phong, dẫn 10 vạn tinh binh phạt Tống. Bọn Khuông Tự lĩnh mệnh, ngay hôm đó dẫn quân rời U Châu, hướng Toại thành mà tiến phát. Lúc bấy giờ trời vào tháng chín, chỉ thấy:
Hàn phong lạc diệp thu dung đạm,
Hồng nhạn thanh bi lữ tư trung.
(Gió lạnh lá rơi cảnh thu nhạt,
Tiếng nhạn thê lương khách dặm dài).
Liêu binh đi được vài ngày, đến cách Toại thành phía Tây Bắc 50 dặm hạ trại. Người giữ Toại thành là Tống tướng Lưu Đình Hàn, nghe báo quân Liêu kéo đến, cùng bàn với bọn phó tướng là Hoắc Sản Tiến, Lý Hán Quỳnh rằng: "Người Liêu nhân chúa thượng thua trận rút về, thừa nhuệ khí đó nên kéo đến vây thành, có cách nào đánh lui”. Hoặc Sản Tiến nói: "Nếu đánh với họ, thì thắng thua còn chưa biết, nay nên dùng ngụy kế, dựng cờ hàng, dụ họ vào rồi bắt lấy, chỉ một trận là thành công vậy”. Đình Hàn nói: "Mẹo này tuy hay, nhưng e rằng họ sẽ nghi ngờ, nếu ngày nay không nhận cho ta hàng thì sao?" Hàn Quỳnh nói: "Trước tiên hãy đem lương thảo đến nạp, họ thấy sự chân thành của ta, tất sẽ cho hàng".
Đình Hàn mừng rỡ, lập tức sai người vào Yên doanh dâng lương thảo xin hàng. Hàn Khuông Tự nói: "Chủ người đến hàng, lấy gì làm tin?" Sai nhân nói: "Trước xin dâng tiền lương để nguyên soái thống quân hưởng mà dùng, sau đó sẽ dẫn chúng nạp thành". Khuông Tự tin mà cho hàng. Gia Luật Hưu Ca bẩm rằng: "Khí thế quân Tống không phải là yếu, nay chưa giao phong mà đã xin hàng, tất đây là kế để dụ ta, Nguyên soái nên chỉnh quân mà chờ, đừng tin lời này”. Khuông Tự nói: "Hắn dâng lương hưởng cho ta, sao mà giả được”. Rồi không nghe lời can của Hưu Ca. Hôm sau, dẫn quân đến dưới thành, Đình Hàn được sai nhân về báo, lập tức chỉnh đốn quân mã, lệnh cho Hoặc Sản Tiến dẫn một vạn kị binh, phục ở cửa đông thành, đợi sau khi quân Liêu vào thành, xông ra chém giết. Sản Tiến dẫn quân làm theo. Lại gọi Lý Hán Quỳnh lĩnh 1 vạn bộ binh, phục ở cửa Tây thành, quân địch nếu đến, thả điếu kiều xuống, thừa thế bắt lấy. Hàn Quỳnh cũng dẫn quân làm theo. Đình Hàn sắp đặt xong, tự dẫn quân mạnh, bí mật ra cửa nam, để có gì cứu ứng.