Hồi 19
Tác giả: Huỳnh-Vinh-Lượng
Nghĩa là:
Luận việc huyền-cơ bốn lời bày diệu đạo,
Phá động đá một người làm cực nhọc.
Có bài kệ rằng:
Sa đắm trầm luân đã mấy năm,
Ái hà sóng dập bủa muôn tầm,
Người tu khá đặng lên cao bực,
Chớ đợi trong vòng mới hỏi thăm.
Lại nói Lưu-Trường-Sanh cùng Vương-Ngọc-Dương và Đàm-Trường-Chơn ba người đang đi, vẳng nghe sau lưng có người kêu, ba người ngó lại thấy Xích-Thái-Cổ. Anh em bấy lâu xa cách nay đặng gặp nhau lấy làm vui mừng. Bốn người đồng đi tới đất Khổ-Huyện, tầm đặng chỗ Đức Thái-Thượng giáng sanh, thấy có 9 cái giếng ở chung quanh Bát Giác-Đình, bên đình có một cây lý. Bốn người vào trong Bát-Giác đình, thấy giữa có tấm bảng đá biên tích giáng sanh kỷ niệm rằng:
Thuở vua Bàn-Canh, từ nhà Thương cải làm nhà Ân, qua nhà Ân năm năm chỗ đó có một người rõ biết lý số, thông hiểu việc quá khứ vị lai, có công thanh-tịnh tu dưỡng, trọn đời ẩn trốn không cần ai hết. Người ấy có một người con gái 19 tuổi chưa chồng, đáng người thục nữ, tánh ưa ở chỗ u-tịnh, chẳng chịu chơi giỡn với ai. Bữa nọ nàng đến dưới cây lý thấy một trái chín, nàng vói hái ăn, lần lần có thai. Gái không có chồng mà có thai nên phải chịu tiếng đồn. Người cha coi lý-số thấu đáo, biết là Đại-Thánh giáng thế nên nuôi dưỡng con kỹ-lưỡng.
Cô gái thường thường không bịnh, có thánh thái trong bụng lại hay chọn tính năm tháng ngày giờ mà sanh: chọn đặng năm không đặng tháng, đặng tháng không đặng ngày, đặng ngày không đặng giờ. Kể tính hết 81 năm, Thánh-Mẫu đã đặng 100 tuổi. Từ có thánh-thai không đói không lạnh, không bịnh không phiền. Năm đó ngày rằm tháng 2, Thánh-Mẫu dạo chơi dưới cây lý, ngồi nghỉ nơi gốc cây, Thái-Thượng vạch hông mẹ mà sanh. Lúc sanh rồi thấy tóc Ngài bạc trắng, xuống đất biết đi tới bảy bước, lui ba bước, nói lớn lên rằng: “Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn”. Nói rồi trên nữa từng trời nhạc Tiên rao khắp, gió thơm phất phất. Ngọc-Nữ rưới bông, chín rồng phun nước tắm rửa khắp mình. Sau chỗ tắm thành ra 9 cái giếng. Thái-Thượng trí không ai bằng, thánh đức như Trời, chỉ cây lý làm họ. Vì ông mới sanh ra đầu bạc, nên người kêu là Lão-Tử. Đó là tích ông giáng sanh.
Thiệt ông thần thông, kinh sử có để truyền mấy đời, đều có bằng chứng, chẳng phải việc vô cớ. Lưu, Xích mấy ông coi rồi khen rằng: Thiệt Thái-Thượng đạo-phong để tiếng ngàn năm muôn đời khen ngợi chẳng xiết. Xét lại bạn ta ngộ đạo cũng nhiều năm mà huyền-công á-diệu chưa thấy ai dở ai hay! Nay anh em mình ngồi tại cảnh Tiên, thôi mỗi người lộ nói huyền-cơ đặng mà vui mừng việc đạo.
Xích-Thái-Cổ thi rằng:
Huệ kiếm cao huyền tinh đẩu hàn,
Huấn ma thúc thủ nan sanh đoan,
Bồ-đoàn tọa đáng tam canh nguyệt,
Cửu chuyển huờn đơn long hổ bàng.
Giải nghĩa:
Huệ kiếm treo cao tinh đẩu hàn,
Thất-tình lục-dục khó sanh đoan,
Bồ-đoàn ngồi đến canh ba nguyệt,
Chín chuyển đơn thành long hổ bàng.
(Âm dương hiệp nhứt kêu là long hổ bàng triều.)
Vương-Ngọc-Dương thi rằng:
Tiên đình lãm cổ tự ôn hàn,
Khảo chứng huyền công tới đích đoan,
Trót đắc kim-ô hòa ngọc-thố,
Tự nhiên hổ cứ dữ long bàng.
Giải nghĩa:
Tiên-đình coi sổ nhắc ôn-hàn,
Khảo chứng huyền-công thiệt rõ ràng,
Bắt đặng kim-ô cùng ngọc-thố,
Nên mà hổ cứ với long bàng.
Đàm-Trường-Chơn thi rằng:
Đạo pháp vô biên chúng quỉ hàn,
Siêu phàm nhập thánh khởi vô đoan,
Nhứt quyền đả phá si-mê dõng,
Yến nguyệt lư trung long hổ bàng.
Giải nghĩa:
Đạo pháp không bờ chúng quỉ than,
Siêu phàm nhập thánh há vô đoan,
Một tay phá bể màn mê-ngốc,
Yến nguyệt trong lư thấy mở mang.
Lưu-Trường-Sanh thi rằng:
Đề khởi lịnh nhơn tâm đởm hàn,
Nghê y phiêu xứ thỉ sanh đoan,
Thông-minh phản tố si-mê hớn,
Thiết thậm tiên sơn long hổ bàng.
Giải nghĩa:
Nhắc đến khiến người chí mật hàn,
Nghê y (áo) phất đó mới sanh đoan,
Thông-minh dung-vị thành mê-ngốc,
Nào gọi Thần Tiên long hổ bàng.
Bốn người thi rồi, Vương-Ngọc-Dương hỏi rằng:
- Ba anh em tôi nói giống theo mùi đạo, tính thắng chẳng tính bại, còn sao Lưu sư huynh chẳng nói tới lại nói lui ngăn chỗ việc vui, sợ chẳng phải chỗ đạo hay. Đàm-Trường-Chơn nói:
- “Tâm đởm hàn” thiệt chẳng phải chỗ đạo; “si-mê hớn” thiệt chẳng phải chỗ diệu; nhưng mà đặng khiến lòng mình biết sợ, chẳng khá gọi là không đạo. Còn đặng biết chỗ si-mê cũng chẳng khá nói là không diệu; tuy không diệu mà chỗ đạo diệu cũng do nơi đó, đừng lấy việc thắng bại luận ra, thời nào có chỗ ngăn việc vui? Xích-Thái-Cổ nói:
- Lưu sư huynh nói lời đó chẳng phải một việc, chắc có việc riêng. Đàm-Trường-Chơn cười rằng:
- Chẳng sai! Có một lúc nọ, Lưu sư huynh xuất tánh về Diêu-Trì, đương gặp phó hội, lén ngó Tiên-nữ, Vương-Mẫu trách phạt cho trở lại thế gian. Tôi gặp ảnh giữa đường, ảnh thuật cho tôi nghe việc ấy. Tôi có nhắc việc ông Hứa-Tin-Vương lấy cây thang mà thí đạo. Ảnh nghe nói ảnh quyết muốn đi...
Đàm-Trường-Chơn nói đến đó rồi ngưng lại. Ngọc-Dương hỏi:
- Ảnh quyết muốn đi làm việc chi? Đàm-Trường-Chơn tiếp:
- Ảnh muốn đi đến chỗ “nhà điếm” mà ở đặng sát cái phàm tâm cho dứt, luyện ý niệm đừng sanh, thường ngày gần chỗ “trường ca hát”, tập cho đừng nhiễm đặng tham luyến; quyết luyện cái công-phu mà trừ không không chỗ sắc tướng. Ngọc-Dương nói:
- “Thị chi bất kiến, thính chi bất văn” là chỗ không sắc tướng. Xích-Thái-Cổ nói:
- Chẳng bằng nhơn ngã đều quên, thời chỗ sắc tướng phải không vậy! Lưu-Trường-Sanh nói:
- Hai ông phân đó, bực người thượng trí làm mới đặng. Nay tôi muốn lấy chỗ nhiều thấy làm hơn, rộng nghe làm chắc mà luyện đó! Ngọc-Dương cùng Xích-Thái-Cổ nói:
- Việc luyện sắc xưa nay cũng nhiều người làm, chớ chưa có ai luyện như vậy. Đàm-Trường-Chơn rằng:
- Người có chí làm xảo mới đặng; người ít chí làm vụng khá hơn. Miễn bền lòng thì đặng, ai ai cũng có chỗ diệu ý chẳng đồng, thôi chẳng khá cạn lời. Nói rồi thấy trời gần tối, bốn ông ngồi trong Bát-Giác đình tu hết một đêm, qua bữa sau phân đường ra đi.
Xích-Thái-Cổ đi đến đường Huê-Âm ngó lên thấy một tòa núi hình như bàn tay, cao lớn tới trên mây. Khi trước đưa thầy về Xiểm-Tây, mắc khiêng linh-cữu nên không thấy, nay đi một mình xem coi sơn thủy mới thấy rõ, trong lòng vui mộ lại nhớ lời thầy dặn chừng nào gặp chỗ vui mộ đó là chỗ mình liễu đạo. Liền đi lên trên cao, thiệt thấy muôn núi đều chầu, ngó xuống thấy chỗ tích ông Khấu-Lai-Công, có bài thi rằng:
Chỉ hữu thiên tại thượng,
Cánh vô sơn dữ tề,
Cử đầu hồng nhựt cận,
Hồi thủ bạch vân đê.
Nghĩa là:
Cái núi nầy duy có trời ở trên,
Thiệt không có núi nào bằng,
Ngửa đầu gần mặt nhựt đỏ,
Ngó xuống kia mây trắng thấp hơn.
Nhơn núi nầy tên là Tây-Nhạc Thái-Huê-Sơn, trên đó có mười mấy cái chùa đều có người đạo nhơn ở tu, thiệt đông đảo rất tốt. Rồi Xích-Thái-Cổ kiếm một chỗ tịnh. Vì ông biết làm thợ đục đá, đi rèn một cái đục liền vận thân đục vách đá thành một cái động ước chừng một chỗ ngồi tu. Vừa sắp sửa nhập động tịnh dưỡng thì thấy một người đạo-hữu đi tới, vai mang bồ đoàn, tay cầm bầu thiếc, nói với Xích-Thái-Cổ xin nhượng cái động cho y tu, chẳng đợi ông chịu hay không cứ vào ngồi tu. Ông thấy vậy cũng vì người tu mà vui lòng từ-bi chẳng nói, rồi đi tới nữa, thấy chỗ đá cao hơn mấy trượng.
Ông ra sức đục một cái động nữa, phí công rất nhiều rộng hơn cái trước, lấy làm vui mừng, ai dè một người đạo khác tới cũng chẳng có chỗ tu, xin ông từ-bi nhượng cho y tu. Xích-Thái-Cổ tánh hay thương người tu hành, nghe nói cũng nhượng nữa. Trọn mười mấy năm phí hết ngàn tân muôn khổ đục đặng 72 cái động đều có 72 người tới xin, nên Xích-Thái-Cổ không có chỗ tu, đi kiếm tứ phía, sau núi thấy có một chỗ ở đặng mà chỗ ấy sâu hơn muôn trượng, én bay không tới, sấm nổ chẳng nghe. Ông tưởng chỗ nầy sửa đặng thì chắc không ai tới nữa, nhưng phải chuyền dây lên xuống. Coi rồi ông xuống chợ mua một sợi dây, về nửa đường độ được một người đệ tử coi bộ người thật thà. Rồi thầy trò đi lên núi đem dây xiềng buộc trên gốc cây. Xích-Thái-Cổ lại lấy búa rìu buộc vào tay lần dây, chơn đạp đá, lần lần xuống mò kiếm đặng một chỗ bằng thẳng, mỗi ngày hằng lo đục động, người học trò ở trên nấu cơm. Xích-Thái-Cổ một ngày ăn có một bữa cơm rồi đi chiều tối mới về. Học trò buồn chịu không đặng, thầm tưởng rằng:
- Tưởng đâu học đạo mà thanh-nhàn, ai dè bắt nấu cơm ông ăn hoài, cực khổ như vậy mà học đạo nào có ích chi đâu? Rồi lại tính việc bất nhơn, lấy cái búa theo, biết thầy ăn cơm rồi chắc xuống đục động, nó lén theo sau tới miệng hang thấy thầy nắm dây lần xuống đã lâu, nó bèn chặt đứt dây rớt xuống hơn muôn trượng.
Sau có người ở Trung-Châu đi coi động của Xích-Thái-Cổ thấy trên vách có 4 câu rằng:
Quân-tử tiểu tâm tiểu tâm,
Hạ khứ cửu lý tam phân,
Nhơn tùng quê âm tỵ hạ,
Thương-Châu khử bả thi tầm.
Nghĩa là:
Người quân-tử phải tin phòng chơn-giả,
Dưới đó có chín dặm ba phân,
Người tại quê âm tỵ hạ,
Thương-Châu đi kiếm thây nằm.
Người tới đó coi chẳng dám ngó xuống. Ai ngó xuống thì giựt mình, mỏi mệt đi không đặng.
Lại nói người học trò chặt đứt dây rồi chắc thầy té xuống đó thịt nát xương tan, không thế nào sống đặng. Liền sửa soạn cuốn gói mùng mền vật kiện gánh xuống núi. Đi đặng mười mấy dặm tới chỗ bàn đá ngồi nghỉ, thấy dưới núi có người đi lên giống in thầy mình. Coi lại thiệt quả chẳng sai, sợ đổ mồ hôi hột, tính trốn không đặng bèn kêu lớn:
- Thầy đi đâu đó? Xích-Thái-Cổ chúm chím cười rằng:
- Cái đục đó lụt rồi, ta đi qua Thương-Châu đặng trui lại. Còn trò đi đâu đó? Trò thưa:
- Tôi thấy thầy đi lâu không về, nên tôi lại đây rước thầy. Xích-Thái-Cổ cười lớn nói rằng:
- Thiệt đệ tử có hiếu dữ! Thầy mới đi có một giờ mà đi rước thiệt trò có lòng lắm vậy! Đã gánh đồ còn đi rước. Đây lên trên núi hơn mười mấy dặm, mặt trời còn có ba sào đi sao kịp, phải trò không gánh mùng mền lại đây, chắc đêm nay tôi lạnh phải chết.
Xích-Thái-Cổ nói rồi bỏ đi. Người đệ tử ngồi tại bàn đá ấy tính thầm rằng:
- Thầy mình thiệt nghĩ không ra, hang sâu sao mà té không chết, chắc phần cực của ổng chưa hết nên phải trở lại đục động nữa mà chẳng đặng thong thả. Lại tưởng rằng:
- Hay là ông thành Tiên rồi chăng? Có lẽ đâu mình chặt dây mà té không chết, đã vậy trở lại càng vui vẻ thấy mình cười liền, không có chút giận hờn. Thiệt là người chí lượng lớn mới đặng vậy. Nay mình bỏ ổng chắc đi hết trong thiên hạ tầm không đặng ông khác từ-bi dường ấy. Nghĩ thiệt tại mình quấy, mang chữ bất trung, chắc sau không khỏi trả quả. Thôi phải mau mau trở lại phục sự ổng, dẫu cho cay đắng cũng nguyện làm thầy trò, coi sau có nên cùng chăng? Nghĩ rồi trở lại theo sau nghe thầy nói:
- Dây dài trò làm đứt rồi, làm sao mà đi đục động nữa? Mà thôi không sao, để ta nhảy xuống coi thử. Nói rồi liền nhảy xuống đi mất.