watch sexy videos at nza-vids!
Truyện THẤT CHƠN NHƠN QUẢ-Hồi 2 - tác giả Huỳnh-Vinh-Lượng Huỳnh-Vinh-Lượng

Huỳnh-Vinh-Lượng

Hồi 2

Tác giả: Huỳnh-Vinh-Lượng

Nghĩa là:
Chỗ cầu Vạn-Viên, Lữ-Tổ truyền Đạo cho Hiếu-Liêm,
Thôn Đại-Ngụy, Hiếu-Liêm giả trúng phong (mà tu hành).
Có bài kệ rằng:
Rồi tỉnh cũng như đặng báu trân,
Không thông nhà kín sẽ sáng lần,
Thân này chẳng tính kiếp nay độ,
Còn đợi kiếp nào độ lấy thân?
Khi đó Vương-Hiếu-Liêm đem bảy bông sen ôm trong lòng dời chơn xuống núi bị dây vấp, giựt mình tỉnh sợ muôn việc đều không; thiệt là một giấc chiêm bao, mở mắt thấy ở tại nhà mình lại thấy con Thu-Lan đứng một bên. Ông ho một tiếng Thu-Lan nghe mừng kêu:
- Cha tỉnh rồi! Kinh động bà Châu-Thị lật đật hỏi thăm: Tướng công tỉnh say rồi chăng?
Hiếu-Liêm gật đầu nói rằng:
- Việc rất kỳ quái! Bà nói:
- Việc này tại mình làm mê nào có chi kỳ quái? Ông rằng:
- Tôi rõ ràng đưa khách ra đi, sao mà còn nằm trong nhà đây? Châu-Thị đáp rằng:
- Tướng công thiệt quá! Bữa trước ông đưa hai người ăn mày hơn nữa ngày không về, tôi sai người đi kiếm mấy lần không thấy trong lòng không yên, mượn chú Vương-Mậu cùng con Ngọc-Khuê chạy kiếm nữa mới thấy ông nằm trên cầu, cách hơn hai chục dặm, mê man bất tỉnh, lấy xe chở ông về ngủ đến bữa nay gần hai ngày rồi. Xin ông từ đây đến sau phải giữ gìn bổn phận, rượu phải ít uống. Những người chẳng quen, ông chớ khá chơi bời, vì mình thọ tước triều đình xóm làng đều kỉnh. Nếu say sưa nằm bờ bụi còn gì thể diện? Thất chỗ oai nghi, bị thiên hạ chê cười mà hổ với người đồng bạn. Xin ông tự hối.
Hiếu-Liêm nghe bà nói lật đật ngồi dậy tạ ơn rằng:
- Nay tôi nghe lời bà khuyên cũng như thuốc hay mà cứu đặng người hết bịnh, tôi nào chẳng dám ghi lòng. Thiệt bữa trước tôi nghĩ hai người bạn khó chắc là hai vị Thần Tiên. Bà nói:
- Thế ông chưa tỉnh! Hai người ăn mày rõ ràng sao ông lại nói Thần Tiên? Ông đáp:
- Bởi nghe lời nói của người, hoặc việc làm, xét hạnh nết, nên biết chắc là Thần Tiên. Bà hỏi:
- Y nói điều chi? Làm những việc gì mà chắc phải Thần Tiên?
Ông liền nhắc việc giúp tiền buôn bán sanh lợi, khỏi chỗ đi xin đặng làm ăn thong thả, hai người cũng không chịu, mà lại thuật chuyện con gà và con hạc. Qua bữa sau đưa có ít bước mà coi lại hơn mấy mươi dặm, ngâm mấy bài ca, cùng cho uống rượu, lên hái bông sen, chừng trở lại vấp dây té xuống. Thuật hết đầu đuôi cho bà nghe v.v... Uống có ba chén rượu mà say hết mấy ngày như vầy chẳng phải Thần Tiên có việc lạ hay sao? Bà rằng:
- Tôi thường nghe người nói trong thế gian có nhiều người chẳng tốt, hoặc làm tà thuật thâu đường, mới khởi hơn mấy bước, mà xa cách mấy mươi dặm! Lại bỏ thuốc mê trong rượu, thấy người có tiền làm bộ đãi mời mình uống mê man đặng lấy tiền bạc quần áo của người. Như mình không giữ trước thì sau ắt phải bị họa.
Bà nói rồi, ông xét nghĩ rằng: Tánh ý đàn bà không có rộng, nếu biện nói hoài sợ gây ra nhiều chuyện, thà thuận ý đặng rãnh việc mình. Liền tùy theo lời bà, đáp rằng:
- Mấy lời của bà thiệt đáng vàng ngọc, tôi nào dám chẳng tuân. Châu-Thị nghe nói liền trở ra, rồi ông một mình ngồi trong thơ phòng tư tưởng lời nói của ông Kim-Trọng cùng Vô-Tâm-Xương chỉ dạy, suy nghĩ việc đó mấy ngày.
Có một lúc nọ đương ngủ, nữa đêm thinh không ngồi tỉnh ngộ rằng: Kim-Trọng hai chữ hiệp lại là chữ “Chung”, còn Vô Tâm-Xương không có hai chấm ở trong thành chữ “Lữ”, rõ ràng “Chung, Lữ” hai ông Tiên (trong Bát Tiên) tới mà độ mình! Tôi nay thiệt không duyên phận, báu để trước mặt mà bỏ qua, tưởng đi xét lại thật chẳng sai, rõ ràng ông Hớn-Chung-Ly với ông Lữ-Động-Tân. Thấy mình lầm rồi, than rằng: - Tiếc thay! Tiếc thay! Lại nhớ khi từ biệt ông có nói mấy lời: “Hội kỳ nguyên bất viễn, chỉ tại lưỡng cá tam. Nhưng tùng ly xứ ngộ, kiều biên liễu vạn viên”.
Nghĩa chữ “bất viễn” là chẳng xa, việc chỉ về gần. Chữ “lưỡng cá tam” nghĩa là 2 cái 3, chắc là mồng 3 tháng 3. Chữ “ly xứ ngộ” nghĩa là chỗ lìa mà đặng gặp, chắc là phải tầm chỗ khi mình ly biệt thì đặng gặp. Chữ “liễu vạn viên” nghĩa là rồi hết muôn việc chắc ý vậy. Hiếu-Liêm xét nghĩ đặng rồi trong lòng vui mừng. Ngày tháng như thoi đưa, máy quang-âm như tên bắn, chẳng bao lâu hết mùa Đông, rồi Xuân đến.
Có bài kệ rằng:
Một năm khí tượng một năm dài,
Muôn việc tranh đua thiệt rất sai,
Trẻ nhỏ nhi đồng mau lẹ lớn,
Coi rồi lại thấy bạc đầu hoài.
Ông Hiếu-Liêm đợi qua hết năm rồi đến ngày mùng 3 tháng 3, lén một mình ra khỏi nhà, y theo đường cũ, đi tới chỗ cầu, đợi hồi lâu chẳng thấy hai ông đến, đứng lại cầu ngó mong, xảy nghe sau lưng có người kêu rằng:
- Hiếu-Liêm đến sớm vậy? Ông nghe ngó lại thiệt thấy hai người khi trước rõ ràng, lật đật chạy lại nắm tay áo nói rằng:
- Từ khi hai vị Đại-Tiên đi rồi đệ tử tưởng nhớ trông đợi không quên. Vô-Tâm-Xương cùng Kim Trọng nghe nói đi lại đầu cầu ngồi. Hiếu-Liêm quì trước thưa rằng:
- Đệ tử thiệt mắt thịt thân phàm, chẳng biết được Tiên Chơn hạ giáng, tôi thiệt lầm lỗi, xin cầu xá tội. Ngày nay đặng thấy hai vị Đại-Tiên, thiệt là tam sanh hữu hạnh; cầu nguyện chỉ dạy chỗ đường mê, đặng lên bờ giác ngộ, đệ tử cám ơn không cùng, xin thầy đừng bỏ. Nói rồi lạy hoài không thôi.
Hai ông thấy vậy cười lớn, trong miệng thấy hơi Kim-quang chiếu sáng cải đổi hình dung. Ông bên tả bới hai đầu tóc, bận áo dài, mặc như táo đỏ, mắt sáng tợ sao, râu dài tới bụng, tay cầm quạt lông. Bên hữu một ông bịt khăn cửu lương, bận áo bào vàng, mặt tròn như trăng, mắt sáng tợ đèn, râu năm chòm tới gối, tay cầm song kiếm. Quả thiệt là Hớn-Chung-Ly cùng Thuần-Dương Lữ-Tổ. Hiếu-Liêm lạy hoài chẳng dám ngó lên. Lữ-Tổ nói rằng:
- Đời thượng cổ lòng người chơn thiệt, phong tục thuần lương, trong việc học Đạo trước dạy phép thuật đặng giữ mình, sau mới truyền huyền công tu dưỡng. Còn đời nay thế tục suy đồi, lòng người chẳng giống như xưa, bằng trước truyền phép thuật, ắt phải trở hại mình. Nên trước truyền huyền công tu dưỡng, chẳng tranh phép thuật thân mới đặng an, không dùng biến hóa thì chỗ Đạo thành; hễ Đạo thành thì muôn việc đều thông, tuy chẳng cầu pháp thuật, mà pháp thuật đặng hiển. Thiệt là Đạo toàn chơn.
Ông giảng dạy việc toàn chơn diệu lý nói rằng:
- Đây gọi toàn chơn là trước sau trọn việc chơn, không có ý giả. Người đời ai mà không có lòng chơn? Như đặng chỗ chơn mà không giữ để nó đổi ý giả nhận làm việc chơn thì đó chẳng phải là chơn rồi. Còn ai mà chẳng có ý chơn? Nếu như chẳng giữ để xen tạp việc dối thì mất chỗ chơn. Ai lại không có tình chơn? Nếu chẳng giữ để nó tư niệm, các việc nhiễm lậu thì sai mất chỗ chơn. Bởi cái Tâm, Ý, Tánh, khi ban đầu thiệt chơn, vì tại chẳng tập sửa chế, để tán kế biến đổi việc huyễn mị thì thành ra chỗ giả, phải mất chỗ chơn. Ba việc ấy do tại chỗ: Thiên-Tánh, Lý-Tánh và Bổn-Tánh, ba cái tánh ấy thường hay bền tốt; hễ có phát ra thì tại chỗ Thiên-Lương (1) làm việc chi thường thấy tự nhiên như nguyện.
Vì cái lòng là chủ cái ý; tình là khách của ý. Hễ lòng có ý chơn, tình chơn, thì trong tình ý thấy đặng lòng chơn do lòng phát ra ý thiệt, do ý thiệt mới có tình ngay thì máy thiên cơ hiện đủ! Như vậy mà người chẳng chơn sao đặng? Vì tại người không có Tâm Chơn thì chẳng có ý thiệt, ý chẳng thiệt, tình chẳng ngay, làm chi cũng khó nên đặng.
Thường thấy người học Đạo, khi vọng niệm tự dấy động, hay tưởng nhớ các việc: hễ có ý riêng thì lòng chẳng đặng chơn. Còn lúc Tình thì dục tưởng theo hoài, hễ có cái niệm thì lòng chẳng đặng thiệt, chỗ động tịnh cũng đều vọng, thì tư dục chẳng dứt. Như vậy làm sao đặng thành? Vì tại lòng chẳng chơn sanh mối nghi hoặc, hoặc trọn không chơn ý, nửa chơn nửa giả; đương khi việc chơn giả là trời người tương tiếp, người thú hai đường, nên hư tại đó, ý tình chẳng cho qua đặng, như mười mắt xem, mười tay chỉ. Cho nên người học Đạo phải có 3 việc sợ, 4 việc biết (2) vì vậy mà nhà tối chẳng khá khinh.
Còn như mình muốn nghiệm xét chỗ Đạo chơn, trước phải hỏi cái Tình, như Tình chơn thì khá biết Tâm Ý cũng đồng chơn; bằng như chưa đặng chơn, thì các việc đều còn giả. Nên việc tu chơn phải lấy Ý làm trước. Bởi cái Ý nó hay thông hiểu các việc, tưởng đâu thì nhiễm đó, hễ Ý thành, Lòng thành, Tình thiệt, thì tự nhiên chắc đặng chơn thiệt.
Còn như muốn biết việc chơn cùng chẳng chơn, thì trước xem lời nói, bằng lời nói không chắc thì chẳng phải lòng chơn. Xét việc làm, như việc làm chẳng tuân lãnh các lời trên dạy, cực khổ không cam, thì biết ý chẳng phải thiệt. Bởi vậy việc tu là tu trừ cái Tâm ngoài Tâm; cái Ý ngoài Ý; Tình ngoài Tình; chẳng tham chẳng nhiễm, đều bỏ ra ngoài, quyết phải sửa bề trong làm nhứt. Đương khi khởi muốn điều chi, nói quấy việc chi, không nhằm lẽ Đạo thì phải thâu cái chí Thiên-Lương, bỏ dứt Tâm-Phàm, đừng cho nghi tưởng, hai lòng xen tạp tình ý chẳng cho rối loạn (Thí như mình muốn làm ruộng, thì phải cày bừa cho kỹ, cỏ đào cho sạch gốc thì tự nhiên không sanh lại). Như vậy mới gọi là thiệt, trong ngoài một mảy không giả, gọi là Toàn Chơn.
Lữ-Tổ đem lẽ Toàn Chơn dạy cho Hiếu-Liêm rồi biểu Hiếu Liêm quì day mặt hướng Nam. Lữ-Tổ lấy tay xỉ trong mặt lần thứ nhứt cũng không có sắc buồn. Lần thứ nhì xỉ một cái mạnh cũng để ý tự nhiên. Qua lần thứ ba, ông xỉ thiệt mạnh khiến Hiếu-Liêm trật chơn té ngửa mà Hiếu-Liêm cũng cười, liền đứng dậy lạy, thưa rằng:
- Thân khó đặng sanh mà may sanh; Đạo khó đặng gặp mà may gặp. Nay nhờ Trời mở hội, đường Huỳnh Đạo đặng nghe, nhờ phụ mẫu hiệp thành thân, ơn trọng thầy cứu mạng. Lữ-Tổ nghe nói dứt lời, biết Hiếu-Liêm thấu đặng huyền cơ, bèn chỉ qua việc tu:
- Luyện kỹ, trúc cơ, an lư, lập đảnh, thể dược hườn đơn, hỏa hầu, sưu thêm, các việc công phu dạy đủ. Vương-Hiếu-Liêm thọ giáo tu hành. Lữ-Tổ nói rằng:
- Như trò Đạo thành rồi phải mau qua Sơn-Đông độ bảy vị Thất Chơn. Bảy vị đó khi trước là 7 cái bông sen vàng đưa cho trò đó! Lữ-Tổ dặn dò xong rồi cùng Chung-Tổ sửa mình: Một ông cầm song kiếm, một ông cầm quạt lông, vụt một cái hóa ra hai con hạc, hai vị liền cỡi đi mất.
Vương-Hiếu-Liêm ngó theo trên không trung, quì lạy rồi trong lòng còn tư tưởng hai Tiên, lại thấy Vương-Mậu với Ngọc Khuê chạy tới nói rằng:
- Tôi vâng lệnh bà đến kiếm ông, định chắc ở đây, may quá đặng gặp, mau thỉnh ông về, sợ bà trông đợi. Hiếu-Liêm theo về, trong lòng thầm nhớ lời Lữ-Tổ dạy Đạo, thâu thúc không rời. Về đến nhà vào phòng nằm nghỉ.
Bà Châu-Thị nghe nói ông về, vô hỏi thăm, hỏi đôi ba lần không thấy trả lời, dường như có ý tưởng nhớ việc chi, bà thấy vậy khuyên ông rằng:
- Mấy lần rồi không tiếc thân thể, cứ buông khơi ra ngoài, khiến cho tôi lo sợ, e có ngày thất hư phẩm hạnh. Hiếu-Liêm đương tư tưởng việc huyền công chẳng hề nghe tới. Bà lại khuyên nói một hồi lâu chừng đến câu thất hư phẩm hạnh, ông liền đáp theo:
- Thất hư phẩm hạnh? Thất hư phẩm hạnh? Bà nghe ông nói lời trái lý không nhằm, chắc trong mình có bịnh nên chẳng hỏi nữa, liền trở ra. Ông lại trong lòng tưởng rằng:
- Nghĩ việc khiên triền còn khuấy rối như vậy, tu sao đặng thành công? Khó đặng liễu Đạo! Nếu chẳng lập phép đoạn dứt trần duyên này e trọn đời khó đặng giải thoát.
Thầm tưởng hồi lâu, tính ra một kế. Hễ thấy ai tới thì trong miệng làm như nói không ra tiếng, việc nhà đều không ngó ngàng tới nữa, nằm tại thơ phòng làm như người mất trí. Ăn mặc không cần, ngơ ngơ như người thất vọng. Bà thấy vậy lo rầu chẳng xiết, mỗi ngày hỏi thăm mấy lần, thấy ông bua lua ba-la nói nghe chẳng rõ, cứ ngẩn ngơ lắc đầu; bà không biết làm sao, liền sai Ngọc-Khuê đi thỉnh bạn hữu của ông đặng hỏi coi cớ sao vậy. Mấy người bạn cùng ông thường hay thương mến tin cậy, có việc thỉnh thì đến liền. Khi đó thấy người đến thơ phòng hỏi thăm rằng:
- Hiếu-Liêm nay khá bớt chăng? Hiếu Liêm nghe hỏi lắc đầu lấy tay khoác, nói nghe không đặng. Mấy người thấy vậy biết là có bệnh, mà chẳng hiểu bệnh chi. Có một người nói:
- Tôi coi bệnh của ông giống bệnh trúng phong bất-ngữ, chẳng biết phải không? Xóm bên đông có ông Trương-Hải-Thanh làm thuốc có tiếng, vậy thỉnh đến coi mạch thì biết căn bệnh. Châu-Thị nghe nói, sai Ngọc-Khuê đi thỉnh, hồi lâu thầy đến. Bạn hữu đứng dậy mời thầy uống nước rồi thuật lại chứng bệnh cho thầy nghe, thỉnh thầy coi mạch. Lúc thầy coi mạch rồi, biết mạch không bệnh, mà cũng y lời mấy ông nói rằng:
- Thiệt quả bệnh trúng phong bất-ngữ, để tôi hốt ít thang chắc mạnh. Nói rồi liền biên toa.
Vì ông Võ-Cử thiệt không bịnh,
Chẳng phải tiên-sanh trị chẳng minh.

-----------------------------------------
Chú thích hồi thứ hai:
(1) Người có đạo mới biết chỗ Thiên-Lương, muốn biết phải tìm thầy học Đạo.
(2) Ba việc sợ là: sợ mạng Trời, sợ người có đức, sợ lời Thánh nhơn.
Còn bốn việc biết là: Trời biết, Đất biết, Người biết, Quỉ Thần biết.
Trên núi có Sơn Thần, dưới sông có Thủy Thần, ngoài đường có Lam-Lộ Thần Kỳ, trong nhà có Thần ốc lận ở tại chái nhà. Bởi vậy người tu phải hằng sợ một mình tuy chỗ không ai, nhưng chẳng dám làm điều quấy vì tuy không người biết nhưng Trời Đất Quỉ Thần biết. Làm được vậy thì tự nhiên thể đồng Trời Đất. Người không tu cũng vậy.
THẤT CHƠN NHƠN QUẢ
TỰA
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29