Hồi 20
Tác giả: Huỳnh-Vinh-Lượng
Nghĩa là:
Luyện cái sắc tướng chỗ yên hoa ở lộn,
Nói lời diệu đạo niệm tròn chơn.
Có bài kệ rằng:
Thấy tốt như không chẳng động tâm,
Công-phu đến chỗ thiệt huyền-thâm,
Có ai học đặng chơn không pháp,
Cọp hát rồng ngâm tự cổ kim.
Lại nói Xích-Thái-Cổ thành đạo rồi làm sao té chết đặng. Khi người đệ tử chặt dây, ông thoát xác phàm rồi, nay trở lại hiển cái đạo cho nó coi, ngày sau biết là việc Thần Tiên phải học mới thành. Còn đệ tử thấy thầy nhảy xuống hang sâu trong lòng hoảng-hốt giựt mình, đợi hết mấy bữa chẳng thấy ông lên bèn bỏ gánh đứng giữa trời nguyện xin cải lỗi. Nguyện rồi liền nhảy theo để liều mình theo thầy chuộc tội, sau cũng đặng chứng quả (Tri-Phi Hối-Quá Thánh-Quan). Đây nói qua Lưu-Trường-Sanh, dốc lòng đi luyện cái sắc ma, nghe người nói chỗ Tô-Châu nhiều người lịch sự mỹ miều. Liền đi qua đó kiếm ít cục đá, điểm luyện cho thành vàng, cổi hết áo đạo bận đồ hàng nhiễu đi tới nhà điếm. Mấy người coi cửa tiếp hỏi thầy ở đâu, quý hiệu là chi?
Đáp rằng: Ta là Trường-Sanh-Tử, người ở Yên-Sơn đi bán châu báu đến đây, ta đi đã lâu, nay muốn kiếm một mỹ-nhơn tuyệt sắc đặng chung vui. Mấy người coi cửa nghe nói khách bán châu báu đến, biết là Tài-Thần Bồ-Tát, lật đật tiếp đãi vui mừng dẫn đến phòng hạng nhứt. Có một nàng tuyệt sắc vô song tên là Tợ-Ngọc xuất-sắc có danh, đờn ca xướng hát, việc việc đều hay, biết vẽ biết họa, lại thông việc thi bài, người chủ tiệm quí chuộng hơn hết.
Tợ-Ngọc thấy Trường-Sanh-Tử khí tượng đàng hoàng, lời nói điều hòa tử tế, không có một lằng kiêu-lẫn, khách quí như vậy mà sao chẳng tiếp đãi? Rồi nàng lại làm ra mười phần yểu điệu, trăm thứ yêu thương. Trường-Sanh nhớ hai câu của thầy dặn hồi trước:
- Dẫu như núi Thái-Sơn sập trước mặt mình cũng không kinh; chẳng phải chẳng kinh, sập mà như chẳng sập. Người mỹ-nhơn ở trước mắt mình cũng chẳng động; chẳng phải chẳng động, ở trước mà tưởng như không có ở trước.
Trường-Sanh-Tử nhớ y như vậy, tưởng như không không, chẳng có một chút ma chướng nào nhập đặng. Uổng phí công của Tợ-Ngọc muốn phá ông mà làm ra thiên ban tình ái, muôn thứ phong lưu cũng không động lòng ông. Bởi cái lòng là chủ cái thân, như cái lòng không động thời trong lòng an tịnh. Cái ý niệm cũng nghe theo cái Tâm bày vẽ. Hễ cái Tâm không động thời ý niệm cũng không dám động. Duy thứ nhứt con mắt lỗ tai, là mối giặc đầu. Hai đứa nó ham vui thấy sắc tốt, nghe tiếng dâm liền báo với anh Tâm hay trước. Trường-Sanh là người chí đạo, thường thường hồi quang phản chiếu, đem cái “Tâm” giữ gìn định chắc nơi tổ-khiếu. Dặn nó đừng có tin lỗ tai với con mắt, thời khỏi lầm việc lớn, rồi cái Tâm cũng y theo lời ông dặn, làm giống như người chẳng biết chẳng hay, tỉ như con nít lên ba, không biết giận hờn tham luyến chi cả. Chỉ biết có chơi giỡn, chẳng hề động cái tình, ngủ chung một giường, nằm chung một gối, lại tỷ như tấm da thúi mà bạn với đống xương khô, không có điều chi lạ. Lúc còn sống thì phấn đợi kiều-nga, xuê son đen đỏ. Chẳng may khi số dứt rồi thì người người đều ghê gớm, ruồi lằng banh bấy thịt da, chẳng khác nào hình sậy giấy bao mà thôi.
Rồi Trường-Sanh-Tử lại đem con mắt lỗ tai gìn giữ thêm nữa. Nhớ phép thấy như không thấy, nghe như không nghe, hai đứa nó cũng y như phép dạy. Một đứa thì như đui, thấy sắc dường như nhắm lại, một thằng thì như điếc, nghe điều quấy giả như bùn nhét đầy tai. Tuy cùng nàng Tợ-Ngọc nằm chung, ngồi chung mà tưởng như không biết nàng là người gì, rồi lại tính như vầy: Ai lớn thì tưởng như cha mẹ cô bác, nhỏ tưởng như anh em, con cháu một chỗ sanh ra, thời làm sao mà đem cái ý quấy vọng niệm? Trường-Sanh-Tử tưởng như vậy, lại dặn anh “Tâm”, anh “mắt”, chị “tai”, ba vị chơn nhơn gìn giữ cho an, lại trở hộ thân mình. Hễ có xảy ra điều phi lễ thì ba vị ấy giữ phép qui trình, chẳng cho thất lễ, tánh hạnh nghiêm trang, thể mình làm lớn.
Khi đó ông ở trong nhà điếm mà tu thành một vị Đại-Tiên! Thường tại trong cái phòng điếm mà chơi giỡn, mấy cô điếm thấy ông dám xài tiền bạc mà chẳng cần việc “Tình” nên cô nào cũng lại giỡn chơi, trọn ngày vui vẻ. Bữa đó mấy cô điếm đem bông cho Tợ-Ngọc, thấy Trường-Sanh ngồi chung với Tợ-Ngọc một ghế, nó lại lấy bông giắt trên đầu Trường-Sanh, rồi cổi áo của ổng lấy áo của nó bận vô, ông cũng tự nhiên ngồi trân trân cười như con nít. Đương mở nút áo của ông liền nghe ngoài cửa tằng-hắng bước vô một ông Hồ-Tăng mặt đen râu rìa, mắt to, mày rậm, trán lồi mũi cao, hình dung kỳ quái. Mấy cô điếm thấy ông, hoảng kinh đều chạy trốn sau lưng Trường-Sanh không dám nói một tiếng.
Chẳng hay Hồ-Tăng là ai? Ấy là Đạt Ma Tổ-Sư ở bên Tây-phương đi tu qua Nam-Hải trở về ngang qua Tô-Châu, thấy có đám mây đỏ nổi lên tại đó, định chắc có Chơn-Tiên giáng thế, mà sao lạc ở chỗ nhà điếm? Ông đến coi đặng điều độ y một phen cho tỉnh, ông dòm thấy mấy cô điếm cùng Trường-Sanh giắt bông cổi áo vui cười. Lúc đó người chủ tiệm đương sửa soạn đồ đạc, còn mấy cô điếm kia ở các phòng ngủ trưa nghe đằng sau cười giỡn đều xúm lại coi, tình cờ Đạt-Ma bước vô. Trường-Sanh trực thấy biết là dị nhơn, lật đật đứng dậy mời ông ngồi. Trường-Sanh thấy trên ghế có cái ấm, trong có nước lạnh sẵn, liền đem để trên bụng, vận hỏa công một hồi, nước trong ấm liền sôi lên nghi ngút. Ông lấy trà ngon để vô trong chén, hai tay dâng mời Đạt-Ma Tổ-Sư uống. Mấy cô điếm thấy việc là đều ngó coi, nói thiệt kỳ quái. Trường-Sanh cười rằng:
- Đó là lửa trong ngũ-hành chớ có chi lạ! Tôi còn phép nướng bánh trên da bụng đặng chín khỏi có chảo. Mấy cô điếm nghe nói không tin, đứa đi lấy bột, đứa xách nước, xúm lại làm cái bánh đưa cho Trường-Sanh nướng. Ông lấy để trên bụng, trở qua trở lại, đôi ba lần thì bánh chín, lấy đưa cho mấy cô điếm, mỗi người một miếng ăn. Rồi hai ông y nhiên ngồi đàm luận đạo-đức, còn mấy cô điếm đều trở về phòng bàn luận, mời chủ thưa rằng:
- Thưa má, chị em tôi chẳng qua là bạc phận, mang lớp thân phàm, kể từ ngày cha mẹ sanh đến khôn, chưa có ơn đền nghĩa trả cho tròn câu hiếu đạo, mà nay ở lại đây, ấy cũng là tiền kiếp có thọ ơn của má, nên lớn lên tìm má mà ở, đặng trả cái nợ buổi trước. Nay con đã trả rồi, con tưởng chắc có duyên lành sẵn trước nên gặp một vị Bồ-Tát bán châu báu đến đây đã lâu. Chị em tôi tưởng là người hảo hớn du lịch, kiếm điều trêu giỡn nhiều khi, mà ông cũng tự nhiên, chẳng có một chút lòng phàm, không không như Phật, tánh hơn trẻ nhỏ, mà lại nói nhiều điều đạo-đức tinh thông. Mới đây có một vị cao lớn khác thường xưng là Đạt-Ma Tổ-Sư đến. Vị Bồ-Tát thấy khách đến liền lấy ấm để trên bụng nấu nước. Chị em tôi thấy lấy làm lạ chạy theo coi, người cười nói rằng: Tôi còn phép nướng bánh trên bụng nữa! Mấy đứa tôi nghe nói liền lấy bột làm bánh đem đưa cho ông, ông lấy để trên bụng trở qua trở lại đôi ba lần thì bánh chín, đưa cho chị em tôi mỗi đứa một miếng. Bọn tôi nghĩ lại chắc là Tiên Phật lâm phàm, xuống mà giác tỉnh chị em tôi. Vậy xin má vui lòng cho chị em tôi xuất thân theo thầy đặng lánh đường tứ khổ, nhờ kiếp sau hưởng phước. Nói rồi lạy tạ ơn chủ, gói quần áo theo thầy. Hai vị ấy hỏi rằng:
- Vậy chớ mấy cô ở trong phòng khách mà gói đồ đi đâu? Coi bộ như tâm chí người ngán trần lắm vậy? Mấy người chắp tay cúi đầu thưa rằng: Thưa thầy, chẳng qua là bọn tôi duyên phận thấp hèn, mang thân phụ nữ mà không tỉnh sớm đặng kiếm nẻo tu hành, thoát đường ô trược. Vì so sánh với đời trang điểm, phấn đợi kiều nga, tại ý niệm sai, luyến mê tài lợi mà phải lầm trong vòng khổ hạnh, thất thân chịu điều hạ tiện, thiệt nói càng thêm hổ thẹn! Khi thầy mới đến đây, chị em tôi tưởng thầy là người ham vui du lịch. Thầy ở lâu chị em tôi coi tâm chí của thầy càng ngày càng bó buộc, đức hạnh nghiêm trang không nhiễm một chút tình dục như kẻ khác, lại có phép luyện diệu thuật tinh thông, nấu nước, nướng bánh trên mình mà chín đặng. Chị em tôi chắc thầy là người có đạo, quả phẩm gần thành nên chị em tôi xin lạy chủ mà theo thầy, cầu tiên-sanh thuận độ.
Trường-Sanh phán rằng:
- Mấy cô cũng vì tiền duyên hữu hạnh nên tỉnh sớm, đã ở trong chỗ thất thân mà giác đặng căn lành. Nhưng mà việc tu của ta đây, thiệt là chí quí chí trọng biết chỗ về thiên-đàng, lánh chỗ trầm địa ngục, trường trai, giới sát, qui-củ tinh nghiêm. Như muốn tu thì trai không đặng có vợ, gái không đặng có chồng, giữ trọn thỉ trọn chung, phải bỏ tật đố sân si, tham lam trộm cắp, dẫu cây kim sợi chỉ cũng không phạm tay lấy. Phàm việc chi muốn thì phải hỏi mới đặng. Như các trò muốn tu với ta thì phải y mấy lời trước đó, ta mới thâu lãnh. Vậy các trò thử hỏi trong lòng coi có đặng cùng không? Mấy người ấy thưa rằng:
- Thưa thầy, chị em tôi vâng lời thầy, dẫu cho gặp điều cay đắng khổ cực bao nhiêu chị em tôi cũng nguyện sống thác một lòng, trước trả hiếu cho cha mẹ, sau khỏi tái sanh trong trần khổ. Xin thầy niệm tưởng, bọn tôi nhứt nguyện thờ thầy, ngày sau có đổi lòng, nguyện tán thân tro bụi.
Lại nói Đạt-Ma Tổ-Sư là người quán thông thế giới, muôn việc đều thông. Bình sanh chẳng muốn hơn người, từ-bi quảng đại, tu dưỡng đủ đầy. Phải như người khác ham vui thấy Trường Sanh làm một hai phép như vậy, cũng biến ra một hai cái diệu thuật mà tranh tài, chớ ông thì toàn nhiên không động niệm chi, làm như người quê không biết, nói rằng:
- Cái phép của ông thiệt rất hay, tôi rồi đây cũng học cùng ông! Nói rồi cung tay ra đi, có ngâm bốn câu kệ rằng:
Ký thức đông lai lộ,
Tây quy vật giáo lai,
Ngoạt tương chơn tánh muội,
Cữu luyến bất quy gia.
Nghĩa là:
Đã biết đường Đông qua,
Về Tây chớ khá sai,
Đừng đem chơn tánh muội,
Chơi lâu chẳng về nhà.
Trường-Sanh đáp lại bốn câu rằng:
Không không vô nhứt vật,
Nẫm đắc niệm đầu sai,
Thử thân thùy tác chủ,
Hà xứ thị ngô gia.
Nghĩa là:
Không không, không một vật,
Nào có nhiễm trần ai,
Thân này tôi làm chủ,
Chỗ-chỗ gọi liên-đài.
Đạt-Ma Tổ-Sư nghe bốn câu kệ của Trường-Sanh, biết người có tu hành, chẳng nói lại nữa, vỗ tay cười dặn rằng:
- “Rán nhớ! Rán nhớ!”. Nói rồi đằng vân đi mất.
Còn Lưu-Trường-Sanh ở lại điều độ mấy người điếm mới phát tâm đó, lại lập một cái am tranh để cho mấy người ở chung tu hành, mua bán theo nghề bô-vải. Đặng hơn một năm, truyền đạo cho mỗi người tu luyện, hòa-hảo mến yêu như chị em ruột, rồi phân cử nhập thất mỗi người ba tháng, trảm đặng xích-long (Dứt đường kinh kỳ). Ở đó đặng hơn tám năm, người người đều có đơn-thơ lai chiếu, xuất tánh về trời, độ Cửu-Huyền Thất-Tổ đặng đồng lên Cực-Lạc. Trường-Sanh cũng ở tại đó tu nữa.
Lại nói Vương-Ngọc-Dương qua Nam-Kinh ở tại Khổ Huyện, khi trước Lưu-Trường-Sanh có nói chuyện cùng ông muốn qua Tô-Châu đặng luyện sắc ma, đi hết mấy năm. Sợ Trường-Sanh ở chỗ yên huê lâu ngày, mê mất chơn tánh nên ông đi đến đó thăm coi, trong ý muốn khuyên y trở về ẩn sơn tu luyện. Bữa đó đi đến Tô-Châu, vô hết mấy nhà điếm, mà kiếm không đặng, đi ngang qua đó thấy mấy cô điếm đứng thoa son dồi phấn, ông lại gần muốn hỏi thăm. Hai cô điếm thấy ông đi lại chúm chím cười rằng:
- Đạo-trưởng muốn tới thăm người nướng bánh trên bụng phải chăng? Ngọc-Dương nghe nói việc lạ chắc Lưu-Trường-Sanh còn ở trong đó, liền đáp rằng:
- Phải, tôi tới thăm ông. Rồi một cô lại nói: Ông muốn thăm đi theo tôi đây. Nói rồi trở vô. Ngọc-Dương theo sau.
Vì sao mà hai cô điếm biết ý ông? Là nhơn khi trước thấy ông Hồ-Tăng bận áo vàng bâu lớn, tay xách bầu thiếc, nay thấy ông nầy cũng như ông trước, nên tưởng chắc đến thăm người khách ấy, nó mới mời ông vô đặng làm phép nữa coi chơi. Nó dẫn ông đi vừa tới cửa phòng, nghe người chủ kêu, hai cô điếm lật đật trở ra bỏ Ngọc-Dương lại đó. Ngọc-Dương thấy cửa phòng khép sơ, lấy tay xô ra, thấy Trường-Sanh nằm chung với cô điếm một giường đương ngủ. Ngọc-Dương thấy vậy tức cười, sẵn trên bàn có cái ống lửa để hút thuốc, lấy châm trên mặt Trường-Sanh, tàn bay nhằm cô điếm, nàng ấy thức dậy, phủi nói rằng:
- Ai đem lửa đốt người? Trường-Sanh nói:
- Ma đầu nó giỡn với ta! Ngọc-Dương cười rằng:
- Giỡn với ma đầu! Trường-Sanh nói:
- Người ta nói ta ma, ta chịu ma, ma nầy mới khỏi chỗ Ta-bà, người nay đem lửa châm vào mặt, đây đó chơi rồi ai biết ma. Ngọc-Dương muốn nói chuyện với Trường-Sanh. Trường Sanh liền nói:
- Mau mau đi, có người đợi ngươi bên đất Sở, đặng lên bờ đạo. Ngọc-Dương hỏi:
- Sư huynh chừng nào đi? Trường-Sanh đáp:
- Đi thì tôi cũng đi, nhưng chưa ắt ngày nào.
Ngọc-Dương nghe nói có cớ rồi cung tay ra đi. Ra khỏi nhà điếm, qua đất Sở, giữa đường gặp Đàm-Trường-Chơn nói đi hoài không ích, chi bằng tịnh dưỡng có công. Hai người đều vào Am-Sơn tu luyện mấy năm đặng thành chánh quả. Đàm-Trường Chơn có làm một cuốn “Vân-Thủy-Tập”. Vương-Ngọc-Dương làm một cuốn “Vân-Quán-Tập”. Đàm-Trường-Chơn mồng 1 tháng 4 phi thăng. Còn Vương-Ngọc-Dương 24 tháng 4 thành đạo. Việc đó là việc sau.
Đây nói qua Lưu-Trường-Sanh ở tại nhà điếm, luyện không còn sắc tướng, lìa khỏi chỗ Tô-Châu, cũng trở về Đông-Lổ, vào núi tịnh dưỡng. Năm vua Gia-Thái tu đặng 3 năm, đến năm Quí Hợi, mồng 8 tháng 2 thành đạo, có đặt một cuốn “Tu-Chơn Tập”.
Lại nói việc Xích-Thái-Cổ ở núi Thái-Hoa tu chơn nhiều năm, đến năm Ất-Sửu, 30 tháng 11 xuất tánh phi thăng, có làm một cuốn “Thái-Cổ-Tập”. Trong Thất-Chơn mãn hết 4 người, còn lại Khưu-Trường-Xuân, Mã-Đơn-Dương và Tôn-Bất-Nhị.
( Đây nói việc bà Tôn-Bất-Nhị ở huyện Lạc-Dương khổ tu 12 năm đại-đạo gần thành, biến hóa vô cùng vô tận, biết Mã-Đơn Dương ở nhà lo hoài sợ khó liễu đạo, trong ý muốn về chỉ điểm cho ông. Lại nghĩ mình ở đây hoài, lâu năm người người đều kêu là “Phong-Bà”, nay mình đặng đạo thành, bằng không biến hóa đạo thuật làm sao sửa độ lòng người? Liền ra lò chặt hai nhánh cây, thổi một hơi chơn khí, nói: “Biến”! Hai nhánh cây liền biến ra một trai một gái, nắm tay đi vô thành Lạc-Dương. Trong thành ai nấy đều thấy Phong-Bà nắm tay một người đàn ông, tại giữa chợ chạy lên chạy xuống, cập kè với nhau chạy giỡn, mắng cũng không thôi, đánh cũng không chạy, làm thế nào cũng không giận. Thành Lạc-Dương là chỗ thị tứ lễ nghi, há để cho nó làm việc quấy! Thảy đều hội nghị muốn giết chết cho rồi. Xưa nay đương chợ hằng thanh tịnh, há cho trai gái làm việc tồi bại hay sao? )