Hồi 23
Tác giả: Huỳnh-Vinh-Lượng
Nghĩa là:
Khuyên dạy người hung cải chỗ tà theo chánh,
Nói việc phải lẽ, vì chỗ chết mà đổi chỗ sanh.
Có bài kệ rằng:
Giàu sang cũng tợ bọt nước đầu,
Nào tu cỡi hạc tới Dương-Châu,
Liên-trì có cái thân tâm pháp,
Trong tịnh thường ngâm bảy búp câu.
Lại nói ông Khưu thấy nước trôi tới một trái đào, tưởng rằng mạng mình chết đói, sợ trái đào nầy chắc ăn không đặng, nay lấy ăn thử coi làm sao? Nói rồi lấy ăn một miếng thơm ngon vô cùng, ăn hết trái đào, trong mình tinh-thần thêm khỏe mạnh, đói khát đều không, nước khe liền giựt hết. Mặt nhựt chói nực đổ mồ hôi ướt mình, nằm ngủ không đặng ngồi dậy tưởng rằng: Chắc mạng mình không bị chết bên nước, hay là số chết trên núi cao? Thiệt niệm ma nó hay làm mê tâm muội tánh, cho nên người tu hành phải xem hai chữ sống thác coi như không không, chẳng khá nhứt định là tham sống hay cầu chết, sống thác tự lẽ Trời, cũng đừng tưởng có, không, thì mà nó không vào trong thân mình, mới an tình. Ông Khưu vì hay tưởng-niệm nên ma mới dẫn đặng!
Lại nói Khưu-Trường-Xuân dậy đi đến chỗ Tần-Lảnh, thấy có một cái miễu trên đỉnh núi, chỗ hoang vu không ai đi tới. Ông Khưu vào miễu lấy bồ-đoàn trải ra nằm, tám chín ngày cơm nước không ăn, coi thế gần miền, vẳng nghe ngoài miễu có người nói chuyện. Trường-Xuân nhướng mắt lén coi, thấy có mười mấy người ngồi ngoài trước miễu. Có một người vô, hồi lâu hỏi ông ở đâu đến đây? Ông Khưu trong lòng không tưởng cũng không trả lời. Người ấy vạch mắt ông ra thấy còn chút hơi chắc ông gần chết nên không hỏi nữa. Trở ra ngoài, cùng mấy người kiếm củi xách nước, sắm sửa bếp chảo lấy thịt nấu chín đem cúng thần, rồi dọn cơm và thịt rượu mời anh em ăn uống no say. Mấy người đó là ăn cướp ở núi Tần-Lảnh, đón đường giựt của người ta, thiệt nhiều người hảo-hớn tên là: Triệu-Bích, Lý-Hùng, Dương-Năng, Châu-Cửu. Nhơn bữa đó cướp giựt có tiền mua rượu thịt ăn uống say sưa. Rồi Dương-Năng nói với Triệu-Bích rằng: Anh em mình xưa nay làm việc dữ, nay muốn làm một điều lành, không biết đặng chăng?
Triệu-Bích hỏi:
- Có việc chi lành, nói cho anh hay. Dương-Năng nói:
- Trong miễu có một ông thầy tu, nằm coi không phải bịnh chi chắc là bị đói gần chết. Vậy phải nấu cháo mạch cho ông ăn đặng cứu người làm phước. Triệu-Bích nói:
- Được, anh em mình mau nấu cho ông ăn. Nói rồi lật đật đi nấu bưng vô miễu kêu thầy dậy ăn cháo. Khưu Trường-Xuân chẳng chịu ăn, mấy người ép đổ, ăn đặng hai chén.
Hồi lâu trong mình có hơi ấm, huờn dương tỉnh lại, trách rằng:
- Coi thế việc của ta gần xong, mấy người lại bày đem đồ vô danh chi thực cho ta ăn, khiến cho ta chịu thêm ma nạn. Cầu sống không đặng thì phải, nay cầu chết mà đã mấy lần chết cũng không đặng.
Châu-Cửu nghe nói nổi giận, lấy dao chỉ Trường-Xuân mắng rằng:
- Mi thiệt người giả tu, không biết phải quấy. Anh em ta làm ơn cứu mi, mà lại nói bọn ta đem đồ vô danh chi thực. Mi nay muốn cầu chết để ta cho mi một dao đặng vui lòng. Nói rồi muốn chém. Khưu-Trường-Xuân cũng không sợ, mở áo phình bụng nói rằng:
- Đừng chém, mầy mổ ruột ta ra đặng đem đồ vô danh chi thực trả lại, dẫu chết cũng cam tâm.
Châu-Cửu nghe nói cười rằng:
- Ông thầy nầy thiệt kỳ lạ, có đâu đồ ăn rồi mà trả lại đặng! Ta nay không chém làm chi, vậy hỏi vì cớ nào mà cầu chết? Nói cho anh em ta nghe thử.
Trường-Xuân đem việc thầy coi tướng thuật lại cho mấy người nghe, nói:
- Mạng tôi bị chết đói, không cải đặng, nên tôi nguyện học theo cổ-nhơn là Bá-Di, Thúc-Tề hai vị đại thánh, thuận thiên an mạng mà thôi. Trường-Xuân nói rồi, Triệu-Bích cười lớn rằng:
- Đừng làm vậy. Như thầy sợ đói anh em tôi mỗi người cho 2 lượng bạc, thì mấy anh em tôi tính cũng đặng mười mấy lượng. Thầy kiếm miễu ở đó tu hành, rán độ một người đệ tử, đồng nhau chịu khó cần kiệm thì làm sao đói đặng? Triệu-Bích nói chưa dứt lời, Trương-Kiến, Lý-Hùng mỗi người trong lưng lấy 2 lượng bạc ra giao cho Khưu-Trường-Xuân. Trường-Xuân lắc đầu không nhận, nói:
- Tôi bình sanh chẳng vọng lấy của ai, mấy anh không tin tôi, có cái bảng nầy làm chứng. Nói rồi lấy bảng ra, đưa mấy người coi, thấy trên bảng đề các điều ấy. Dương-Năng tức cười nói rằng:
- Anh em tôi tình nguyện dâng cho ông, không phải tại ông lấy mà ngại. Trường-Xuân nói:
- Phàm không có công mà lấy của người thì gọi là không nhơn. Còn đặng của người, ăn của người là vọng thủ, đều có tội. Châu-Cửu nói:
- Bạn tôi cho thầy mấy lượng bạc thầy không dám lấy, nói sợ có tội. Còn như anh em tôi thường ăn cướp đánh giựt của người, thì tội lớn biết bao nhiêu ? Trường-Xuân nói:
- Mấy anh với tôi chẳng đồng. Tôi vì sanh tiền không có bố thí giúp người nhiều ít, nên nay chẳng dám hưởng của người. Còn mấy anh kiếp trước có cho vay và mấy người đó có lường gạt mấy anh, nên kiếp nầy gặp nửa đường đòi lại, phải gia bội trả thêm. Còn người không thiếu của mấy anh, nên không gặp họ, dẫu có gặp cũng bỏ qua. Khưu-Trường-Xuân nói rồi 13 người đều rởn óc.
Lý-Hùng nghe ông phân vừa rồi lại nói:
- Như vậy chắc không đặng. Nếu y lời thầy nói đây thì lẽ nào người người thiếu nợ anh em mình, còn anh em mình chưa ắt không thiếu của người ta. Bằng như có thiếu thì cũng bị người đón đường giựt lại, tôi sợ cái nợ nầy trả không xong, ắt kiếp khác phải đầu thai luân hồi, cải thân mà trả như lời thầy giảng đó.
Triệu-Bích nói:
- Như vậy anh em mình cũng có tiền ít nhiều phải kiếm một chỗ mua bán làm ăn, chắc khá hơn. Nay gặp thầy đây phải cải tà qui chánh. Mấy anh em trong ý tính sao? Châu-Cửu nói:
- Đại-ca nói rất phải, bọn ta thôi phải hồi tâm. Nói rồi lấy mấy con dao đem ra biển liệng hết.
Triệu-Bích nói với Trường-Xuân rằng:
- Thưa lão-sư, xin gìn giữ tu hành, anh em tôi sau chắc cũng lạy ông làm thầy học tập diệu đạo đặng cải hối tiền phi. Nói rồi đều đi hết.
Lại nói Khưu-Trường-Xuân bị ma giục quyết nhịn đói mà chết. Tuy gặp Triệu-Bích mấy người cứu sống rồi mà ma căn chưa dứt, cũng còn niệm mơ màng, rồi đi xuống núi chừng một tháng xin đặng 200 quan tiền, mua sợi dây lòi tói với cái ống khóa, đi tầm một chỗ không có miễu, cũng không thông đường lộ, chung quanh rừng cây mù-mịt, thâm sơn cùng cốc không ai đi tới, ông lấy sợi lòi-tói buộc trên cây, một đầu xiềng trên cổ, lấy ống khóa khóa lại, rồi liệng mất chìa khóa nằm tại gốc cây. Bận nầy chắc không sống đặng nữa, ai dè ông làm như vậy kinh động thấu trời. Thái-Bạch Tinh-Quân thấy biết người đại chí, biến làm một người hái thuốc, đến trước mặt hỏi rằng:
- Thầy phạm tội chi mà đem khóa tại đây? Hỏi đến mấy lần Trường-Xuân mới trả lời rằng: Mình lo việc mình, đừng lo việc người ta. Người hái thuốc nói:
- Việc trong thiên hạ phải lo chung, sao lại không lo? Ông cũng người học đạo, ông muốn tính việc chi nói cho tôi biết đặng tôi biện giải giùm ông, hoặc bớt đặng sầu, giải việc uất trắc may có đặng chăng?
Trường-Xuân nghe nói nhằm lẽ, liền đem lời Ma-Y coi tướng thuật cho ổng nghe, nói số tôi bị chết đói, không thế cải đặng, nên muốn thuận Thiên an mạng, cầu chết cho rồi, mà mấy lần cũng có người cứu. Nên tôi đem khóa tại đây, nguyện không ai cứu đặng nữa. Chớ thiệt chẳng có việc chi phiền muộn.
Ông hái thuốc nghe nói cười rằng:
- Thiệt là người niệm sai, sao mà chấp nê dường ấy. Tôi tưởng đâu ông có việc chi uất-ức, hoặc phạm tội chi mà bị như vậy, chớ việc nầy nguyên tại mình niệm ra, nên bị ma nó khiến mà lầm qua một đời. Nay tôi nói việc ma cho ông nghe, đặng giải trừ cho sạch. Tuy nói tướng định trọn đời là định cho người thường nhơn, chớ như người phước căn dày, tướng định cũng khó nhằm. Cái tướng khó phân biệt nội ngoại, hoặc có tâm tướng, diện tướng. Cái tướng ngoài chẳng bằng tướng trong, mạng tốt không bằng tâm tốt, như người có việc lành lớn, tướng nó biến theo lòng. Tâm tốt thì tướng cũng tốt, hoặc bị chết đói mà trở đặng trường thọ. Tâm xấu thì tướng xấu theo, mạng chết lành lại trở bị chết dữ, phước trở làm họa, vui trở làm buồn. Cho nên bí khuyết trong sách tướng có nói rằng: Người phước thọ lâu dài chắc có trung hậu truyền gia của tổ-phụ. Người mạng tuổi vắn nghèo là vì người bạc phước.
Còn người số mạng nghèo hèn mà trở đặng giàu sang là vì có lòng giúp đời. Như mạng định giàu sang mà trở lại nghèo khó là vì tham lợi kỷ tổn nhơn. Còn mạng bị chết đói mà lại xài chẳng hết là vì có lòng thương tiếc lúa gạo. Người số ăn xài có dư mà lại bị đói khát là tại chẳng tiếc, đổ cơm gạo hào vũng, chẳng trọng ngũ-cốc. Hoặc người con cháu đông đảo giàu sang là người có lòng thương loài vật không đành sát hại, là người nhơn đức. Còn kẻ vô hậu, không con thêm khó nghèo là tại không có lòng nhơn đức, đánh chim, đánh cá tàn nhẫn sát sanh chẳng dứt. Đó là cái tâm tướng nói đại lược. Còn tướng trên mặt đâu có định chắc! Như vậy là ở thế tình biện định mà thôi, chớ như ông là người tu hành, học Đạo đặng trở xây cuộc tạo-hóa, biến đổi cuộc càn-khôn, đem cái thân phàm mà tu thành Phật thì chưa ắt cái tướng trên mặt quyết định người đặng làm Thần Tiên hay không, vì phải tu mới đặng thành chớ! Còn bấy lâu nay có Thần Tiên nào mà bị chết đói bao giờ. Người mà chẳng biết như vậy thì sống chẳng khỏi đời, thác chẳng khỏi làm ngạ-quỉ. Nên sống đã vô dụng, chết nào có ích chi?
Người hái thuốc giảng một hồi, Khưu-Trường-Xuân nghe thấu như chiêm bao mới tỉnh, như chỗ tối gặp đèn soi sáng, mới biết việc mình cầu chết là lầm, là thiệt tiểu chí. Người trượng phu mà làm việc ấy đủ cho người chê cười. Nghĩ vậy liền muốn mở khóa mà không có chìa.
Ngàn thứ đạo lý, ngàn chỗ diệu,
Một chỗ chẳng thấu, một chỗ mê.