Hồi 28
Tác giả: Huỳnh-Vinh-Lượng
Nghĩa là:
Cho uống rượu trấm (*) Hoàng-hậu thử đạo,
Đội mão vàng Chơn-nhơn ngâm thi.
(Rượu trấm là lông chim Trấm ngâm rượu, uống thì chết tức thời, không phương giải đặng)
Có bài kệ rằng:
Đơn thành cửu chuyển mới thuần-dương,
Nhập Thánh siêu phàm thọ mạng trường,
Chẳng có một phen điều uất-trắc,
Sao đặng muôn đời để tiếng vương.
Lại nói Hoàng-hậu nghe lời Bạch-Vân thiền-sư biểu nội thị tới Bạch-Vân-Tự mời Khưu chơn-nhơn, Hoàng-hậu đặt rượu độc mà đợi. Quan nội-thị vâng lịnh nương-nương đến mời chơn-nhơn vào cung. Chơn-nhơn biết trước, ra đi phân dặn mấy người múc 24 mái nước lạnh để một hàng, đặng ông về có việc dùng, chẳng khá sai. Dặn dò xong rồi liền cùng nội-quan vào cung hầu kiến phụng giá. Hoàng-hậu rằng:
- Trước kia chơn-nhơn toán định tôi sanh Thái-tử, quả thiệt không sai. Nay tôi không có chi đền ơn, xin kỉnh chơn-nhơn tam-bôi ngự-tửu, niệm lấy chút tình. Nói rồi truyền nội-thị dâng rượu cho chơn-nhơn.
Khưu chơn-nhơn chẳng chối từ, liền uống 3 chén rồi tạ ơn ra về. Về tới Bạch-Vân thấy 24 mái nước lạnh để sẵn, chơn-nhơn nhảy vô ngâm một hồi, hễ nước nóng sang qua mái khác. Ngâm hết 23 mái, còn một mái chưa đầy, chưa đủ sức, độc khí không sạch, hơi độc xông lên trên đầu, rụng hết nửa mé tóc, nên ông Khưu sói hết nửa cái đầu. Bạch-Vân thiền-sư nghe tin Khưu chơn-nhơn chưa chết, bèn vào cung tâu cho Hoàng-hậu hay. Hoàng-hậu rằng:
- Uống rượu độc mà không chết chắc là Thần Tiên. Bạch-Vân thiền-sư nói:
- Hoặc rượu chưa lấy làm độc nên chưa chết cũng có! Tôi nghe Thần Tiên huy khắc ngũ-kim bát-thạch, như đồ vàng bạc đồng sắt tới trong tay thời biến thành bùn muốn tròn vuông tự ý. Tích rằng đạo có khăn không có mão. Nương-nương giả đò không biết, sắm một cái mão vàng thưởng cho y, biểu đội trên đầu. Như y đội dính thiệt là Thần Tiên, bằng không thì cười chơi, ắt y mắc cở trở về trên núi không chừng.
Hoàng-hậu nghe nói vui lòng, liền biểu nội-thị mời Trường-Xuân vào cung. Trường-Xuân vào, Hoàng-hậu thấy đầu ông sói, hỏi rằng:
- Chơn-nhơn sao không có tóc? Thế cũng có bịnh chi? Chơn-nhơn đọc 4 câu kệ rằng:
Trước vâng đơn triệu đến diêu-giai,
Vương-mẫu đãi thần rượu thiệt say,
Uống hết tam-bôi trường thọ tửu,
Mới đem trên đảnh cửa trời khai.
Khưu chơn-nhơn ngâm kệ rồi, Hoàng-hậu mắc cở, chẳng muốn thử nữa, ngặt vì đã chịu với thiền-sư rồi nên Hoàng-hậu cười nói rằng:
- Chơn-nhơn quả thiệt Thần Tiên, phép lực chẳng ít, ai cũng kỉnh phục. Nay tôi làm cái mão vàng cho chơn-nhơn đội lấy thảo. Nói rồi biểu nội-thị lấy mâm ngọc-điệp bưng ra 1 cái mão vàng thỉnh chơn-nhơn đội lên.
Khưu-Trường-Xuân biết trước việc đó là của Bạch-Vân âm mưu, nên có đem theo cây kim-cang để trong tay áo, tay tiếp lấy mão, ngồi vận tam-muội chơn-hỏa, thổi trên mão vàng ấy mềm như đất, lấy kim xỏ ngang, đội trên đầu, chẳng nghiêng chẳng động. Ấy Hoàng-hậu cũng nghe lời Bạch-Vân sâu độc, làm đặng cười chơn-nhơn chơi, ai dè làm để cái qui-củ trong cửa đạo (nên nay người trong đạo mới đội cái mão vàng, là sự tích do đây mà ra).
Lại nói Khưu chơn-nhơn đội mão vàng trên đầu rồi tạ ơn Hoàng-hậu, có ngâm bài kệ:
Liền vâng đơn triệu thưởng ơn thâm,
Thần dám đem khi với hậu ngâm,
Quân-tử có lòng không bịnh cũ,
Nam-nhi trên đảnh đội Huỳnh-kim.
Chơn-nhơn ngâm thi rồi Hoàng-hậu trong lòng không yên đứng dậy nói rằng: Tôi nay biết lỗi rồi, chơn-nhơn xin đừng phiền. Khưu chơn-nhơn rằng:
- Hoàng-hậu đâu có lỗi; lỗi tại nơi tôi, vì tôi ở lâu trong trần, chẳng đặng ăn-năn sớm nên mới bị ma chướng như vậy. Nói vừa dứt lời, Bạch-Vân thiền-sư ở sau bình phong bước ra nắm tay Khưu chơn-nhơn rằng: Chơn-nhơn chẳng phải tự gây ma chướng, thật tại tôi gây cho ông. Trường-Xuân nói:
- Thiền-Sư là người giai-không nào có tạo ma-chướng cho tôi; coi lại thiệt tại tôi mà ra. Liền ngâm kệ rằng:
Tham mê việc thế luyến trần hiêu,
Vì muốn ăn-năn họa chẳng tiêu,
Phiền-não tại mình làm ra đó,
Ai mà kiếm đặng bụng ta diêu?
Khưu chơn-nhơn ngâm 4 câu kệ chịu lỗi về mình. Nguyên vì Bạch-Vân thiền-sư chẳng có nhiều chuyện, tại Trường-Xuân mượn rồng đổi phụng, ăn ngôi chùa của ông, ông mới sanh việc ma-chướng, tức mình biểu Hoàng-hậu đặt rượu độc, cho mão vàng, đặng rửa hờn. Như chơn-nhơn không lấy cái chùa của y thì nào có việc trái phải, cho nên chơn-nhơn chịu lỗi về mình, thiệt là thiên-lương chẳng muội.
Bạch-Vân thiền-sư nghe đặng chơn-nhơn chịu lỗi, thiền-sư cũng hối mình dùng ý nói sai, ngâm kệ rằng:
Đọc rồi kinh Phật việc phải không,
Sao lại đem lòng tính lông-bông?
Nói phụng nói rồng đều không ích,
Uổng lao tâm chí lại không công!
Hoàng-hậu thấy thiền-sư với chơn-nhơn cả hai đều chịu lỗi về mình, trong lòng cảm phục, đương muốn khuyên than ít lời kế thấy cung-nhơn báo rằng:
- Có Thánh-giá đến! Hoàng-hậu lật đật nghinh tiếp Thánh-giá vào cung. Khưu chơn-nhơn cùng Bạch-Vân thiền-sư đều chầu. Ngươn-Chúa mừng rằng:
- Trẫm thấy hai khanh không hòa, có lòng chẳng vui. Nay đến Tây cung giải buồn nghe nói hai khanh đặng hòa-hảo, trẫm rất hoan hỉ. Hoàng-hậu liền đem việc hai người đều chịu lỗi thuật cùng Ngươn-Chúa nghe. Ngươn-Chúa rằng:
- Trẫm rất vui lòng, thiệt là Tam-Giáo không có hai lẽ, tăng đạo cùng chung một nhà. Trẫm nay cũng ngâm ít câu đặng mừng hai khanh.
Kệ rằng:
Một tăng, một đạo tại kinh-hoa,
Tăng đạo nguyên lai cũng một nhà,
Từ đấy chẳng lòng phân bỉ thử,
Đều thành chánh quả Phật Di-Đà.
Khưu chơn-nhơn cùng Bạch-Vân thiền-sư nghe đặng lời vàng đều tạ ơn. Ngươn-Thuận-Đế nói với Bạch-Vân thiền-sư rằng: Trẫm có phát tiền kho cất một cái chùa mới cho Quốc-sư, đợi làm xong rồi thỉnh Phật tượng vào, đặt hiệu khác. Còn chùa Bạch-Vân-Tự cải làm Bạch-Vân-Quang, lên cốt thần tượng, sắp đặt tăng và đạo cho có tông chi, làm ngàn năm hương hỏa, chiêm ngưỡng muôn đời, đặng không phụ hai khanh có công bảo-hộ trẫm đó...
Thời gian thắm-thoát trôi qua...
Bữa nọ, Ngươn-Chúa truyền dọn bày tiệc chay khoản đãi Khưu chơn-nhơn và Bạch-Vân thiền-sư đặng vua tôi đều vui. Đương trong tiệc hai ông nói đạo huyền Phật pháp. Phật lấy chỗ không không mà làm căn giáo; còn Đạo lấy chỗ hư-vô làm tông-nguyên, cùng nói việc quả-báo luân-hồi siêu-đọa, vợ chồng chơn giả các việc hồi lâu. Ngươn-Thuận-Đế nghe hai ông luận biện đạo-đức tỏ sắc buồn, than rằng: Trẫm nghĩ cho trẫm thiệt là bạc phước! Chơn-nhơn nghe nói chưa rõ nguồn cơn trong nước nhà dường nào, liền tâu rằng:
- Chẳng hay bệ-hạ có điều chi? Ngươn-Chúa nói:
- Ta chẳng dấu chi hai khanh, ta buồn là buồn còn gánh giang-san xã-tắc, phải chi ta đặng an rồi thì cũng muốn thoát diệt cõi trần. Chơn-nhơn tâu:
- Muôn tâu bệ-hạ, chẳng hay bệ-hạ có điều tư ý chi khác? Ngươn-Chúa rằng:
- Vì ta thấy hai khanh tuy là đạm bạc qua ngày mà đặng an-nhàn tự-toại, khỏi lo đường ràng buộc, cao thấp tự lòng. Còn như trẫm đây, tuy là đặng hưởng vạn-quán gia tài, bảo hộ lê dân chớ sau không khỏi tái sanh đường đồ khổ!
Chơn-nhơn nghe Ngươn-Chúa có lòng hồi tâm, lại nhớ lúc mình cầu mưa xong rồi Vua có nói để sau có hậu rồi cũng theo học đạo. Đến nay đạo đã gần thành. Rồi chơn-nhơn ngồi mật niệm cầu nguyện không-trung bảo hộ hồi lâu, kiếm lời phân độ giải minh, thưa rằng: Muôn tâu bệ-hạ miễn tội cho thần tỏ đôi lời.
Ngươn-Chúa rằng:
- Không sao, trẫm hoan tâm miễn lỗi, chơn nhơn chớ ngại. Trường-Xuân rằng:
- Muôn tâu bệ-hạ, nhơn bệ-hạ cũng có tiền căn tu đức đã nhiều, nhưng chưa đặng chánh-quả! Đến nay bệ-hạ xuống đây hưởng ngôi quyền chưởng chấp muôn dân, ấy là tiền căn giáng thế trị đời. Vậy hạ-thần ai cầu long tâm tỉnh ngộ, tảo giác nẻo lành, dầu buổi mai mà bệ-hạ nghe đặng pháp huyền thì buổi tối cũng toại chí nơi Tiên cảnh. Muôn cầu bệ-hạ an tâm.
Ngươn-Chúa nghe chơn-nhơn phân biện mấy lời đạo-đức, trong lòng dường như giải-thoát lưới trần. Coi như không vợ không con, xã-tắc gia-tài cũng đều không, rồi lộ sắc hân hoan nói rằng: Xét như lời khanh phân thì chắc là ta với khanh tiền nhựt có kết sẵn duyên lành. Nói rồi Vua vào cung nói với Hoàng hậu rằng: Trẫm nay có việc riêng muốn tỏ cho Hoàng-hậu hay, chẳng ý Hoàng-hậu thế nào?
Hoàng-hậu hỏi:
- Bệ-hạ có điều chi! Xin bệ-hạ bày tỏ!
Ngươn-Chúa rằng:
- Không dấu chi Hậu, có một đêm nọ trẫm trong giấc nam-kha thấy ông nội về nói rằng: Cháu tiền căn có tu hành mà công-quả chưa đủ nên cháu xuống đây sanh nhằm dòng Thiên-Tử, an trị nước nhà đó là nhơn-đạo tu rồi. Đến nay Ngọc-Đế sai Khưu-Trường-Xuân xuống mà thức tỉnh cho cháu, thế nào cũng phải đầu cơ với Khưu-Trường-Xuân mà trở lại. Rồi trẫm giựt mình, thì ông nội đi mất. Vì vậy trẫm muốn y lời ông, tính lo tìm thầy học đạo, giang-san xã-tắc giao lại cho Hậu, chẳng biết ý Hậu thế nào?
Hoàng-hậu thưa rằng:
- Lời xưa có nói: Chồng chúa vợ tôi. Tưởng là việc chi thì tôi cản đặng, còn như việc nầy là có mạng Bề-Trên, vậy tự lòng Bệ-hạ. Ngươn-Chúa rằng:
- Hậu an lòng cùng trẫm thì trẫm rất cám ơn, mà không biết trong lòng Hậu có mừng, hay là vừa ý bề ngoài mà không vui trong dạ? Hoàng-hậu rằng:
- Xin Bệ-hạ vui lòng, vì tôi từ bấy lâu đến nay tuy không làm việc lành lớn chớ việc nhỏ cũng thường ham. Đến nay Bệ-hạ thức tỉnh hồi tâm, giải thoát tam đồ khổ thì tôi cũng nguyện phu-thê đồng thượng lộ.
Ngươn-Chúa nghe mấy lời Hoàng-hậu chắc là tu được hết, liền ra nói với chơn-nhơn rằng:
- Việc ấy đã xong, chắc là Hoàng-hậu cũng đồng tu với trẫm. Ngặt vì còn Thái-tử tuổi đã lớn rồi, xin thầy toan liệu giùm trẫm. Chơn-nhơn ngồi nghĩ một hồi thưa rằng:
- Như vậy xin Bệ-hạ cho Thái-tử hay coi ý Thái-tử làm sao? Như muốn xuất gia thì càng tốt lắm. Còn như muốn nối ngôi truyền, thì Bệ-hạ cũng an tâm rảnh việc. Ngươn-Chúa liền trở vào điện cho quân báo Thái-tử hay. Thái-tử lật-đật hồi giá tung hô. Tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-phụ, chẳng hay đòi con có việc chi? Xin phụ-hoàng dạy biểu. Ngươn-Chúa nói:
- Trẫm bấy lâu lo bề xã-tắc hơn mấy mươi năm, sắp đặt công việc cung điện đều sẵn cho con. Đến nay cha đã tuổi già sức mỏi, không thể trị-vì đặng lâu. Lại đêm nọ cha thấy ông cố của con về cho cha hay... Ngươn-Chúa thuật chuyện cho Thái-tử nghe v.v... Thái-tử thưa rằng:
- Trăm lạy Hoàng-phụ, chẳng hay Hoàng-phụ ngày trước có vị đại-đức nào cao kiến điều lý cho Hoàng-phụ nghe trước chăng? Hay là nghe mấy lời của ông cố con mà Hoàng-phụ tỉnh như vậy. Ngươn-Chúa nói: - Nhơn việc ấy cha cũng có vưng lời của ông và cũng nghe các vị đạo-đức, cùng thấy trong cuộc phong hóa càng ngày càng tệ, quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử. Các việc đều giả dối cả thảy. Nên cha muốn tìm đường giải thoát. Nay cha kêu con hỏi thử, như con muốn xuất gia tu hành theo cha thì ngày sau phụ tử tương phùng cộng lạc, cửu-huyền thất-tổ gặp nhau. Bằng không muốn thì cha giao xã-tắc lại cho con chấp chưởng tự quyền đặng cha nguyện trai-giới trọn đời, trả ơn sanh phụ mẫu. Thái-tử tâu rằng: -
- Muôn cầu Phụ-hoàng có muốn tìm đàng tu niệm đặng giải thoát thân nầy, thật việc đó cũng chưa thấy. Chớ hiện thời đây Phụ-hoàng có việc chi nặng thì con sẽ thế cho Phụ hoàng an lòng đãi hậu. Ngươn-chúa thấy Thái-tử không chịu, thầm lập một kế rất hay.
Đêm nọ Ngươn-Chúa nghỉ, lúc nửa đêm thức dậy lấy mấy cái án đại hình xé hai và đóng dấu vào đó. Kêu Thái-tử hỏi rằng:
- Chuyện nầy trong điện chỉ có Thái-tử đương quyền dám làm, hay là ai vào mà làm như vậy? Thái-tử quì lạy tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-phụ, việc ấy là việc đại sự, con đâu dám làm như vậy! Tuy đã biết con là con, nhưng mà do quyền nơi Hoàng-phụ. Như việc ấy xảy ra, án tờ đều hủy mà có ấn khuyết trên đây thì ắt bá quan khó nghe cho Hoàng-phụ. Thiệt con không dám như vậy. Ngươn-Chúa rằng:
- Phải rồi, nếu như điều ấy thì con cũng không nên cầm cha làm chi nữa! Cha biết cuộc đời là giả dối, phụ tử đều không, quân thần chẳng có, cha đã muốn thoát mà tránh ngõ luân-hồi đặng chuộc tội ngày xưa. Con lại nói có gánh nặng thì con thế nổi. Đến nay có một chút như vậy mà con cũng tự quyết không chịu! Vậy con đừng cản cha nữa.
Thái-tử nghe cha nói như vậy hết lời phân cản, liền trở lại hậu-cung.
Ngươn-chúa cùng Hoàng-hậu đến trước Khưu-Trường-Xuân xin cầu học đạo, trai-giới đặng hơn một năm, rồi định ngày mời bá quan cùng Thái-tử giao hết giấy tờ ấn-khuyết cho Thái-tử chưởng quyền, bá quan còn y như cũ. Sắp đặt như trước sau an bài rồi luyện đạo. Tu đặng hơn ba năm thuần dương qui túc. Ngươn-Thuận-Đế đặng đơn thơ lai chiếu về trước. Hoàng-hậu cũng đặng minh-tâm kiến-tánh, về sau. Trường-Xuân đưa đón xong rồi, cũng ở tại Bạch-Vân-Quang tu dưỡng.
Lại nói việc mấy thầy trong Bạch-Vân-Tự đi ra ở mấy chùa khác, có một bữa nọ hội nghị bàn luận rằng: Việc cảnh chùa của mình bị Khưu-Trường-Xuân chiếm lấy, như vậy thôi sao? Có một người háo sự tôn mình là Đổng-Phong-Giám nói rằng: Theo ý tôi, đến trước Bạch-Vân-Tự làm một tòa Tây-phong, đặng cho hư chùa Bạch-Vân.
Mấy ông hỏi: Làm sao hư đặng?
Phong-Giám nói: Chẳng nghe người xưa nói:
- Phong thủy sợ người ếm. Nay đem cái Tây-phong thổi tan chùa Bạch-Vân thì làm sao không hư? Chúng tăng nghe nói đều cười lớn rằng: Phải! Rồi làm một cuốn “Viên bộ quyên tiền”.
Có một ông chữ giỏi, đặt bài tựa đọc cho thiền-sư nghe, cầu ông làm đầu, xin phép quan làm tòa Tây-phong thổi Bạch-Vân-Tự v.v... Thiền-sư coi rồi cười lớn rằng:
- Ai bày việc nầy cho mấy người? Chúng tăng thưa Đổng-Phong hòa thượng bày.
Bạch-Vân thiền-sư nói:
- Ngươi muốn làm gió tây mà thổi Bạch-Vân-Tự là ý sao? Đổng-Phong rằng:
- Bọn tôi muốn báo cừu cho thầy. Thiền-sư nói:
- “Oan gia nghi giải bất nghi kiết”. Từ khi Phật khai giáo đến nay biểu cùng người kết duyên giải oan, chưa có nghe biểu người kết oan bao giờ. Việc nầy là tại mình thua người ta, tại mình không có phần ở chỗ đó, nên khiến phải đi như vậy. Người xuất gia tu hành thì tứ đại đều không, một trần chẳng nhiễm, có cái cừu gì mà báo? Xưa Phật bị Ca-Lợi-Vương cắt xẻ thân thể, Phật không oán hận, cho nên chứng đặng đại hùng bất sanh bất diệt, có phải là tại chỗ nhẫn nhục nhơn từ, ép mình nhượng chúng, các việc đều chịu thua, như vậy mới có thần thông đều đủ. Nay mình có tu cũng noi theo đó mà bắt chước hạnh Ngài thì mới mong chứng quả, sao lại còn muốn gây oán? Trong cửa Phật phải lấy chỗ không mà thuyết pháp, không không hết thảy, vô ngã vô nhơn, bất thinh bất xú. Đã không có chỗ nhơn ngã thì có oán giận chi mà trả cừu? Có gió chi mà thổi? Khưu chơn-nhơn cùng ta không có chỗ oán hận, tại ta thua nên phải giao cho ông, không phải ông cưỡng đoạt của mình. Vả lại Thiên-Tử đã xuất bạc kho cất tại hoàng đồ nầy một cảnh chùa, thì an rồi. Ngươi nay còn bày sự sanh đoan. Như trên Thiên-Tử hay, sợ ngươi gánh nặng không nổi. Ta chẳng dự việc ấy. Thiền-sư nói rồi đi tịnh dưỡng.
Chúng tăng nghe nói thảy đều tỉnh ngộ, đem việc Tây-phong cùng sổ bộ đốt hết, rồi tan đi ở đậu các chùa.
Lại có mấy ông biết phá phong thủy, thêm có mấy người tự thị, gặp ai cũng khoe nói quyên tiền đặng làm Tây-phong thổi tan Bạch-Vân-Tự ở không bền phải đi. Không dè trong chùa Bạch-Vân có người biết đối lại, trả lời rằng:
- Hễ mấy ông làm tòa Tây-phong, tôi làm một tấm vách cao giống cái quạt, đợi gió thổi tới lấy cái phản phong quạt một cái tan liền. Có một người nói lớn rằng:
- Mấy người làm phản phong để tôi đi bỏ lửa.