Chương VIII
Tác giả: Iamin Muxtaphin
Ở phân xưởng rèn suốt ngày đêm không bao giờ ngớt tiếng búa đập, lửa trong lò không tắt giờ nào. Hoạt động của đường sắt không thể dừng lại. Suốt ngày đêm cứ 15 phút lại có một đoàn tàu quân sự lao về phía Tây.
Từ lâu người ta đã bỏ nghỉ giải lao dài để lần lượt mời nhau những điếu thuốc “hảo hạng”.
Thường thì mọi người hay tụ tập quanh Viđônốp, một người không lấy gì làm xinh trai, lưng còng, vẻ mặt cau có. Viđônốp không già hơn người khác nhưng không hiểu sao vẫn được gọi là bác, bác Misa. Chỉ có một mình bác ta – bác Misa – là làm được những chi tiết phức tạp nhất, đòi hỏi phải có trình độ của một người thợ kim hoàn, mà làm đúng bản vẽ thiết kế. Những giờ nghỉ trưa, bác Misa tranh thủ ăn nhanh rồi ngồi vào làm những chiếc dao cạo râu.
Cán bộ phụ trách xưởng vẫn thường nhân nhượng và bỏ qua những cái kì cục của Viđônốp vì khâm phục và đánh giá cao nghệ thuật rèn của bác.
Nguyên liệu làm dao là những thanh nhíp toa tàu bị hỏng. Viđônốp kiên nhẫn hồi lâu nung nóng nó trong lò, chặt lấy một mẩu cần thiết rồi cẩn thận đem cất phần còn lại vào chiếc hộp đồ nghề của mình. Có lúc nhiều anh đến xin sắt, bác ta ngoảnh mặt đi, bảo:
- Bác Misa có phải là nhà máy luyện thép đâu. Đi mà tìm lấy, nung đỏ, rồi cứ làm đi… Như thế thì sản phẩm sẽ tốt hơn.
Thấy tính tình Viđônốp như vậy, nhiều người xa lánh bác. Nhưng khi bác làm dao cạo thì bao giờ người ta cũng lại xem, rồi truyền tay nhau con dao, không ngớt lời khen ngợi. Họ hà hơi lên mặt dao, kiên nhẫn chờ khi nào hơi nước tan mới thôi, để tóc lên lưỡi dao, cạo cạo vào má mình. Những lúc ấy, bác Misa đi ra xa, lấy những ngón tay rung rung của mình vụng về cuốn thuốc hút. Thế nào cũng có người không kìm được phải rụt rè nài nỉ:
- Bác Misa, hay bán cho tôi được không?
- Cái gì, cái gì? - vẫn chăm chú cuốn thuốc Viđônốp nói.
- Tôi bảo bác có bán không?
- Không, làm theo đơn đặt hàng đấy, - Viđônốp ranh mãnh cười, cầm con dao, lấy mảnh dẻ cẩn thận bọc lại.
Nhiều người thợ rèn khác cũng bắt chước bác định làm những con dao như thế; chọn cùng một loại thép, tôi thép cùng theo một công thức, lúc đầu cho dầu xola, sau rắc một lớp bột xương có lẫn bột thuỷ tinh, nhưng đạt đến độ cứng, độ sắc của Viđônốp thì ai cũng chịu thua.
- Bác Misa này, tại sao dao cạo của bác cứ như là bôi mỡ lên má, mà dao của chúng tôi thì cào xước cả mặt mày thế này? - một lần Phuát Acmétdianốp hỏi. Anh ta là thợ quai búa của Viđônốp, người Tacta, 20 tuổi, rất khoẻ mạnh, có đôi tay dài quá cỡ.
- Đúng đấy, Viđônốp, bí quyết nằm ở chỗ nào thế? - một số thợ khác đi lại nói thêm.
Bác Misa lấy áo tạp dề phủi mặt đe còn ấm rồi ngồi xuống, cắm chiếc que cời vào lò.
- Tôi nghĩ thế này, các cậu ạ, cái quan trọng là phải để cả tâm hồn vào đấy mới được, - Viđônốp không nói mà lúng búng trong miệng, đưa mắt nhìn mọi người như muốn xem họ có hiểu không - Chứ có người cứ nghĩ là đã làm việc với sắt thì người ta cũng có thể trở thành gang thép mất… - đôi môi mỏng của bác cong lại, làm thành một nụ cười hóm hỉnh.
- Thì chúng tôi cũng cố làm cho mình chứ, - một người thợ rèn tóc hung tên là Brukhanốp lên tiếng. Anh này vốn thích làm thêm những cái cào và lưỡi dao để cạo sàn nhà để bán, - Thử hỏi ai muốn vác cái mặt thế này đi ra đường? – anh ta chỉ những vết dao cắt trên má mình – Tôi cạo bằng dao tôi đấy.
- Cậu nói thế cũng đúng. – đôi môi của Viđônốp lại uốn thành một nụ cười nữa. – đúng thế. Nhưng cố gắng thì cũng có lắm cách. Cậu làm cào, đập đập mấy cái là xong, còn đây cần phải… Nói thế nào để cậu hiểu được nhỉ? Thời gian gần đây cậu làm được mấy cái dao cạo? – Viđônốp nheo mắt hỏi.
- Ba chiếc, bác Misa ạ - Brukhanốp vội đáp – Nhưng có ra gì đâu, chỉ đem mổ gà là tốt.
- Đấy, đấy, vấn đề là ở chỗ ấy. Còn tôi thì mãi vẫn chưa xong một chiếc. Hay như thế này nhé. Hai bà nội trợ, một bà nấu ăn ngon, còn bà kia nấu thì không ai buồn đụng đũa. Tại sao?
- Rõ ràng là bà kia không muốn hay không biết nấu ăn ngon.
- Còn tôi thì nghĩ là do bà ta không để hết tâm hồn vào đó. Không biết tâm hồn là gì, không thấy nó. Nó không phải là muối, là hạt tiêu, nhưng tôi thì tôi lại nghĩ nó chính là muối, là hạt tiêu đấy. Tâm hồn là cái gì đấy rất tế nhị, khó hiểu. Cũng như độ sắc của dao cạo ấy mà. Không thể nhìn mà chỉ cảm thấy thôi…
Trước chiến tranh là thế đấy. Người ta nói với nhau về những việc bình thường, nhỏ nhặt nhất, thế mà lúc ấy họ tưởng không còn gì quan trọng hơn chúng.
Trong tất cả những chuyện ấy, có cái gì trần tục, thông minh, vĩnh cửu. Tất nhiên, con người không thể luôn luôn ở mãi trạng thái căng thẳng được. Và anh ta đã tích luỹ sức dẻo dai chịu đựng ngay từ thời bình. Như một tia chớp, chiến tranh đã ập vào tâm hồn mọi người làm họ lo lắng và buộc họ phải thay đổi cách nhìn đối với bản thân, với người khác, với những việc mình làm. Và người ta đã nhìn thấy trong cuộc sống nhiều cái quan trọng hơn, nghiêm túc hơn những cái mà trước kia họ không nhìn thấy. Chỉ sau giông tố, người ta mới thấy quí một ngày nắng đẹp…
Như nhiều nhân viên khác trong ngành đường sắt, công nhân rèn của xưởng cơ khí Taisét cũng có người vào diện “không thể rút đi được”, nhưng mặt trận vẫn ngày một cần thêm người.
Cả thợ quai búa của Viđônốp là Phuát Ácmétdianốp cũng được gọi ra mặt trận. Cạnh các toa tàu chở những người nhập ngũ là người thân và bạn bè của họ đi tiễn. Phụ nữ thút thít khóc, có lẽ vì theo thói quen thì nhiều hơn - lặng lẽ, bình tĩnh nhưng không khóc to và nức nở như hồi đầu chiến tranh. Đàn ông chỉ khịt khịt mũi, thỉnh thoảng mới dặn những người ra đi:
- Ngoài ấy nên cẩn thận… Chẳng còn bao lâu nữa.
- Nhớ chong chóng cho cái thằng Hítle chầu trời, không thì cái thằng trời tru đất diệt ấy cứ làm trận tuyến thẳng dần ra mãi.
Mẹ Phuát, một bà già đa cảm, dựa vào ngực rộng của con trai không sao nhấc nổi khuôn mặt đẫm nước mắt của mình khỏi đó nữa. Những ngón tay xương xẩu, trắng nhợt của bà lão cứ bám chặt lấy chiếc áo ấm của con trai. Phuát im lặng ngước mắt tìm Viđônốp. “Chẳng nhẽ bác ta không đến?” Có lẽ anh ta là người vui sướng nhất khi nghe lệnh: “Tất cả vào toa!”
- Thôi, tạm biệt mẹ! Mọi việc sẽ êm đẹp mẹ ạ! – Phuát nhấc bổng mẹ lên một cách nhẹ nhàng rồi đặt bà ra xa toa tàu. Vào ngồi trong toa, anh nghe người ta nói chuyện với nhau:
- Cái bác làm cùng với cậu ấy không đến tiễn…
- Lão ta thế đấy, bủn xỉn, không muốn mở ví bao giờ…
Phuát nghe nói thế về Viđônốp, thấy bực bội, khó chịu thay cho bác ta.
Bỗng Phuát nghe có giọng khàn khàn quen thuộc của Viđônốp:
- Này các cậu ơi, Phuát của tôi ở đâu?
- Tôi ở đây, bác Misa ơi! – Phuát thò đầu ra khỏi toa.
- Mình đến chậm một tí, cậu ạ - Viđônốp dúi vào tay anh ta một cái hộp và một cái bọc nhỏ, hổn hển nói - Cậu thông cảm, mình làm cái gì cũng chậm, được cái chắc chắn… Có thể chiến tranh sẽ chữa khỏi cái tật ấy cho mình… Trong hộp là rượu ngâm quả rừng, còn trong bọc là con dao cạo. Chú ý lấy thắt lưng da tốt mà miết! Mặt cậu rậm râu…
Viđônốp bước từng bước ngắn dọc theo đoàn tàu đang tăng dần tốc độ, miệng còn lẩm bẩm một điều gì đấy…
Giamin được cử đến thay Phuát. Sau ngày hôm sau, Xamôrucốp cho gọi người đội trưởng trẻ tuổi lên phòng họp, và vẫn không ngẩng đầu lên khỏi bàn, bác chậm rãi nói:
- Chúng tôi đang suy nghĩ nên chọn ai làm thợ phụ cho Viđônốp, và quyết định chọn cậu…
- Thế còn đội và các bạn?
- Tạm thời, Côlia Xôcôlốp làm đội trưởng, sau sẽ hay… - vẫn bằng giọng đều đều, thủ trưởng cơ khí nói tiếp - Cậu khoẻ, hơn nữa cũng chẳng còn ai. Đi đi, Samiliép, đi lại chỗ Viđônốp đi.
Tất cả đột ngột đến nỗi Giamin chẳng còn biết nói gì. Cậu không sợ công việc mới, nhưng chỉ nghĩ đến việc phải làm với Viđônốp cậu cũng đã thấy lạnh sống lưng rồi.
- Cậu làm gì ở đây? – Viđônốp cau có hỏi khi thấy Giamin lại gần chiếc đe của mình – Đáng lẽ phải làm việc thì cậu lại lang thang thế này. Không ai trị được các cậu…
- Cháu à? … Cháu được cử lại đây quai búa thay Phuát, bác Misa ạ - Giamin đáp
- Nhưng tôi biết làm ăn cái quái gì với cậu? – Viđônốp cáu kỉnh nói - Cậu tưởng đây là vườn trẻ à? Mà cũng chẳng phải là xưởng nguội đâu. Ngoài cái đầu ra, ở đây còn cần sức lực nữa.
Các lò khác bắt đầu làm việc, mặc dù họ cũng có thợ phụ quai búa là thiếu niên, còn Viđônốp vẫn chưa thôi càu nhàu văng tục chửi Hitle.
… Giamin không thể diễn tả bằng lời cái cảm giác khi cậu vào phân xưởng rèn.
Tiếng búa gõ liên tục, lanh lảnh của người thợ cả như đánh thức anh thợ phụ, đưa anh ta vào nhịp điệu công việc, ra hiệu cho anh ta khi nào thì phải thả sức quai búa thật mạnh, hay khẽ đập và rồi khi nào thì đập nghiêng, vừa đập vừa giữ, hay đập búa thật phẳng. Khi thợ cả gõ một tiếng giòn, vui tai là lúc thợ phụ phải chuẩn bị sức quai búa thật lực. Thanh sắt còn nằm trong lò nhưng anh ta đã hình dung trước cả quá trình công việc phải làm. Bây giờ thợ cả lôi từ lò ra như lôi từ miệng một núi lửa nhỏ thanh sắt rắc các bọt như bọt tuyết màu đỏ rồi đập khẽ xuống đe. Bụi tuyết đỏ bay tung khắp nơi, bắn cả vào mắt. Trong giây lát, mắt loá cảm thấy tối đi. Nhưng ngay lúc đó, người thợ quai búa đã hạ búa xuống đe, cẩn thận như hạ xuống mặt kính, và rồi tiếng đập vang lên khắp phân xưởng như tiếng một chiếc hạc cầm sai dây. Tiếng búa con của thợ cả phụ theo, như muốn yêu cầu anh ta giữ đúng nhịp của mình. Sau mỗi lần đập, từ dưới mặt búa tạ lại vang lên những tiếng, lúc đầu nghe nặng nề, sau thanh hơn, gần giống tiếng búa con của thợ cả.
Miếng kim loại vặn vẹo dưới sức nặng của búa, đỏ bừng vì giận dữ, ùn lên mặt những vẩy nhỏ màu xanh đen. Sau đó, thợ cả nhúng các chi tiết đã hoàn thành vào một chiếc thùng đựng nước, nó kêu xèo xèo, sủi bọt rồi nằm im. Ngón tay người thợ quai búa luôn căng thẳng, vất vả bám chặt vào cán búa. Khuôn mặt mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại của thợ cả để lộ vẻ hài lòng. Lửa trong lò đã ngả sang màu hồng nhạt như màu hoàng hôn. Thợ cả nhanh nhẹn quấn một điếu thuốc, châm lửa rồi cắm vào miệng thợ quai búa. Anh này rít một hơi thật sâu, đưa những ngón tay run run đỡ lấy nó… Lần nào cũng thế…
- Có biết quai búa tạ không? - cuối cùng Viđônốp hỏi - Phải cho thêm tí nước vào lò. Nhiệt độ tăng, lửa tập trung hơn, nhiều ôxy hơn, lại đỡ tốn than. Tiết kiệm hơn. Ở nhà chắc cháu cũng tiết kiệm củi chứ?
- Cháu biết rồi, bác Misa ạ. Mấy anh thợ quai búa vẫn hay kể chuyện với cháu, - Giamin vội đáp
- Thôi được, để xem sao. Nhưng với cậu, chiếc búa này cán hơi dài đấy. Phải thay cán khác mới được. - vừa cho những chiếc đinh ray vào lò, Viđônốp vừa nói.
- Không sao bác ạ, cháu dùng cũng được.
- Thế à, nghĩa là cũng đã lớn, phải không?
Viđônốp từ từ lôi từ lò ra một chiếc đinh đã ngả màu sáng trắng, nóng bừng như trong nhà tắm ra, rồi vứt lên mặt đe.
- Nào, bắt đầu! – Viđônốp thét lên và lập tức bác ta trở nên sôi nổi, linh lợi, người thẳng ra, giọng trẻ lại, vẻ mặt ảm đạm biến mất trong đôi mắt đang toả sáng. Giamin hăng hái quai búa tạ xuống chiếc đinh đang bắn các tia lửa như nện xuống kẻ tử thù của mình
- Đập gì mà như muốn phá búa thế? Khẽ thôi, - Viđônốp nói qua kẽ răng rồi đặt nghiêng trên đe chiếc đinh bây giờ có hình lưỡi chó. Giamin không nghe bác nói. Chiếc búa tạ giáng mạnh xuống mép mỏng của chiếc đinh nhưng không trúng, đập mạnh vào mặt đe.. làm thành một tiếng chói tai, đắc thắng nổi hẳn lên trong tiếng ồn ào chung của toàn phân xưởng. Chiếc búa tạ gặp mặt đe bóng loáng, bật trở lại như một chiếc lò xo…
Viđônốp và những người thợ rèn khác chạy tới đứng quanh Giamin đang nằm sõng xoài trên mặt đất.
- Thế này thì chẳng mấy chốc về chầu ông tổ…
- Kìa, sao xúm lại cả đây thế này? Cho cậu ấy thở nữa với chứ? – Viđônốp nói một cách vụng về nhưng đầy vẻ sốt sắng. Bác ta lại trở nên già nua và còng lưng như cũ.
Giamin hé mắt, ngạc nhiên nhìn những người công nhân đứng quanh mình. Cậu định mỉm cười, nhưng trong đầu ù ù, rồi lại nhắm mắt. Tiếng ù ù biến mất, cậu nghe rõ tiếng Viđônốp đang nói:
- Có lẽ ổn cả, nằm chốc nữa sẽ khỏi…
Cách một ngày sau, Viđônốp đến thăm người thợ phụ của mình. Hồi lâu bác đứng ở phòng ngoài cẩn thận phủi tuyết khỏi đôi ủng. Bác vào nhà sau khi thím Samsura hé cửa, nói:
- Ai đấy? Mời vào!
Viđônốp vội nói ngay với vẻ của một người có lỗi:
- Rất tiếc là chuyện đã xảy ra như thế…
- Mời vào, mời vào… Công việc thì bao giờ chẳng vậy. Nó còn trẻ, dần sẽ khôn lên. Mời bác vào trong này.
Giamin nằm trên chiếc giường gỗ, trên chăn có đắp thêm một chiếc áo ấm. Thấy thợ cả của mình đến, cậu định nhỏm dậy.
- Nằm yên, nằm yên, bác đến một chốc thôi. Thế nào, không sao chứ? – Viđônốp nói, tay vò nhàu chiếc mũ bịt tai
- Đầu cháu váng lắm… Nhỏm dậy một chút là tất cả quay tròn hết. Mời bác ngồi xuống, bác Misa – Giamin chỉ tay vào chiếc ghế.
- Bác cũng đã từng bị thế này. Phải nằm yên một thời gian…
Cả hai đều im lặng, Viđônốp quay chiếc cổ gầy gò, nổi gân xanh, nhìn các bức ảnh trên tường.
- Bác vội à, bác Misa?
- Không, vội gì đâu. Bác mang cho cháu cái này đây, - Viđônốp cho tay vào ngực, rút ra một chiếc hộp dao cạo tự làm – Cái này thì tha hồ dùng suốt đời. Bác rèn nó từ khi còn làm việc với thầy của bác là Curơghin. Bác có ba cái tất cả. Hai cái đã cho những người nhập ngũ… Chiến tranh thì chiến tranh nhưng chiến sĩ mà râu ria xồm xoàm kể cũng khó coi…
- Ôi, bác Misa, không… - Giamin ngắm con dao, nói - Một con dao quí thế này…
Mẹ Giamin đi lại:
- Bác cho cháu làm gì? – bà ngạc nhiên. Cháu đã có râu đâu mà dao với kéo. Hơn nữa, quí thế này. Mà bác cũng cần có cái mà dùng chứ.
Viđônốp đỏ mặt, thậm chí đôi má lâu nay ám khói và lửa lò rèn cũng ửng đỏ, nhưng rồi mặt bác trở lại ảm đạm ngay.
- Cầm lấy, Giamin, cầm lấy! Chúng ta sẽ làm cái khác cho những người nhập ngũ, để họ cạo râu mà nhớ đến chúng ta! - Rồi bác sôi nổi nói tiếp – Cháu biết không, người ta định để thằng Phêdia thay cháu. Cái thằng mặt đầy tàn nhang ấy mà. So với cháu thì hắn chẳng đáng một xu. Bác bảo đốc công thế này: “Không, nhất định không! Tôi phải làm việc giúp mặt trận mà anh định giao cho tôi một thợ phụ như thế này à? Rồi búa tạ cũng làm nó gãy cột sống mà chết thôi. Không, tôi sẽ giữ nguyên Giamin, cương quyết không cho ai thay cả!...”
- Cảm ơn bác, bác Misa, - Giamin định nhỏm dậy – Cháu sẽ cố gắng và làm việc không kém Phuát đâu… Cháu sắp khỏi rồi…
- Này, này… - Viđônốp bảo cậu – Nằm nghỉ đã…
Viđônốp ra về cũng bất ngờ như khi đến. Thím Samsura lặng lẽ nhìn theo ông khách và lắc đầu.
- Hoá ra thế đấy, con ạ. Mẹ biết bác ta hơn chục năm nay. Ai cũng bảo là người không chan hoà, cáu kỉnh, bủn xỉn… Và chính mẹ, của đáng tội, cũng vẫn cho là thế. Ấy vậy mà thực tế bác ta là một người hoàn toàn khác. Con tiếp xúc với một người tốt, dù người ấy suốt ngày chỉ tiếp xúc với gang, với sắt.