watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thời thơ ấu gian khổ-Chương XIII - tác giả Iamin Muxtaphin Iamin Muxtaphin

Iamin Muxtaphin

Chương XIII

Tác giả: Iamin Muxtaphin

Thời gian gần đây, mỗi lần giao công việc cho mỗi người xong, Piốt Pêtrôvích Xamôrucốp thường nói câu mà gần đây ông hay dùng:
- Có hỏi gì không? Không à? Thế thì ai về chỗ nấy.
Trong bụng, ông biết là không nên cư xử với công nhân xưởng ông như thế. Ông sống với họ không phải mới chỉ một ngày, hai ngày, ông biết. Chỉ tại cái lão béo trục béo tròn nọ từ cục tuyến đường sắt xuống, một lần có mặt trong một cuộc họp đã trách nhẹ ông như sau:
- Này đồng chí Xamôrucốp, đồng chí là cán bộ lãnh đạo ngành giao thông, mà giao thông quan trọng thế nào đối với tiền tuyến thì khỏi phải nói. Trên một cương vị như vậy, mà xem cung cách làm ăn của đồng chí chẳng khác gì một đội trưởng sản xuất loại tồi ở nông trang. Thậm chí đến giọng nói cũng chẳng có gì có vẻ là thủ trưởng nữa. Thành ra đồng chí không phải ra lệnh mà nói chuyện bình thường như trong gia đình vậy.
- Sao phải ra lệnh với công nhân làm gì? - Piốt Pêtrôvích hỏi lại, vừa rít mạnh điếu thuốc tự quấn đã tắt từ lâu – Thì tất cả họ cũng như tôi và anh đây, thừa hiểu họ đang phải gánh một trách nhiệm lớn thế nào. Ngay cả các em thiếu niên mà hiện nay chiếm 60 phần trăm lực lượng lao động của tôi cũng hiểu được nữa là. – ông dè dặt phát biểu ý kiến của mình.
- Đấy, đấy, tôi biết mà – ông béo nọ đỏ mặt – Tôi khuyên là khuyên cái hay, cái đúng cho anh mà anh lại tìm cách bào chữa. Thôi, khỏi dài dòng – ông ta đập mạnh lòng bàn tay to béo múp của mình lên mặt bàn - Từ hôm nay trở đi, mỗi lần giao xong việc, anh phải hỏi: “Có hỏi gì không?”. Có thể có người còn chưa hiểu một điều gì đó. Phải bảo đảm dân chủ, và cái quan trọng nhất là điều này sẽ giúp anh tránh khỏi những phiền phức không cần thiết sau này. Trong công tác, ai biết được cái gì có thể xảy ra. Hơn nữa, bằng cách này, anh sẽ tạo cho người dưới quyền điều kiện có thể phát biểu ý kiến của mình - Thấy các nốt sần đã bắt đầu nổi trên khuôn mặt kiểu Mông Cổ của bác đốc công, đại diện cục tuyến nói thêm: - Tôi chỉ khuyên anh điều tốt thôi mà. Nên tin vào kinh nghiệm của tôi.
Và thế là từ đó Piốt Pêtrôvích bắt đầu “bảo hiểm” mình, như bác vẫn hay nói về chuyện này như vậy.
Khi hầu như trong phòng chẳng còn ai, Xamôrucốp yêu cầu Giamin ở lại
- Cháu mở giùm bác cửa thông khí, - bác đốc công nói - Việc học thế nào? Anh cháu viết thư về nói gì?
Đám khói thuốc màu xanh lẫn mùi mồ hôi bay qua chiếc cửa sổ hình vuông có song sắt như bay vào một chiếc ống hút khí.
- Sắp tới kì thi… Anh cháu ít viết thư, - tay vẫn giữ quả đấm cánh cửa, Giamin đáp
- Cháu ngồi xuống…
- Cháu rất vội, Piốt Pêtrôvích ạ. Nguyên liệu bây giờ thì xấu mà định mức, bác biết đấy, cứ ngày một tăng…
- Cháu nói đúng, nhưng hôm nay có chuyện cần bàn. Cháu biết không, hiện nay người ta đang thành lập một đoàn khôi phục các tuyến đường sắt. Cần chữa lại các cầu bị gãy, các đoạn đường hỏng. Cháu biết đấy, giao thông hết sức quan trọng đối với tiền tuyến. Không có chúng ta, Giamin ạ, quân đội sẽ không tiến lên được.
- Cháu hiểu, Piốt Pêtrôvích ạ. Bác định cử cháu đi làm tuyên truyền viên ở đâu hay sao? – Giamin nhếch mép cười
- Không, đâu có! À, Giamin này, phòng tổ chức cán bộ cho gọi cháu đấy… Đi đi, sau về báo lại với bác.
Giamin tự tìm hiểu câu trả lời về việc tại sao trưởng phòng tổ chức cán bộ lại đích thân muốn gặp cậu.
Giamin vừa đi vừa nhảy từng bước với tay hái những hoa non dãy cây dương bên đường. Lối đi được ghép bằng gỗ từ thời chiến tranh mới bắt đầu, tới nay chưa được sửa chữa lại lần nào, thỉnh thoảng vài thanh bị hỏng để trơ những chiếc đinh gỉ. Đang nhảy thế, Giamin bỗng sa chân vào một lỗ hổng. Để rút chân ra, cậu phải bẻ hẳn cả thanh gỗ mục.
- Có chuyện gì thế, anh? – Giamin bỗng nghe có tiếng thỏ thẻ của một phụ nữ.
Cậu ngẩng đầu và thấy một cô gái Xưgan còn trẻ, quàng khăn san hoa sặc sỡ, có đôi tua dài.
“Bây giờ thế nào cô ả cũng bám riết lấy mình và lại giở trò bói toán. Kệ thây ả! Trưởng phòng cán bộ đang chờ mình”. – Giamin nghĩ bụng và rảo bước nhanh hơn.
- Anh thân yêu, đi đâu mà vội thế? Hạnh phúc đang theo anh đây mà anh chẳng thấy gì. Ấy, đấy! Đưa tay cho em xem nào, em sẽ chỉ cho anh hạnh phúc ở đâu. Sau này mới biết là em nói đúng. J-cơ này ! Và sẽ cảm ơn em suốt đời! – Cô gái Xưgan bước nhanh theo Giamin.
- Cô buông tôi ra! Sao cứ bám lấy người ta thế? Không thấy chân tôi đang đau đây à? - vừa khập khễnh, Giamin vừa đáp, Liền đấy, cậu thấy một đám đông trẻ con Xưgan bẩn thỉu, quần áo sặc sỡ đủ các màu xanh, đỏ, vàng, đang hò hét cạnh bờ giậu…
Những người Xưgan lớn khác ngồi dưới gốc dương, phần đông là phụ nữ và người già. Còn cô kia thì vẫn cứ bám chặt lấy Giamin:
- Nào, ông anh, để em đoán cho nào! Chỉ cần cho em một mẩu bánh mì thôi, em sẽ rất cảm ơn, và cho em một phiếu ăn nữa, em sẽ nhớ anh suốt đời…
Những em bé Xưgan chìa những cánh tay tí hon màu nâu qua các lỗ hổng bờ giậu rồi kêu lên như một bầy quạ con.
Giamin mà hàng tháng không được tắm rửa, và tóc cũng rối bời lên như thế thì có lẽ cũng có thể bị xem là Xưgan được. Áo quần cậu cũng vá chằng chịt, người cũng gầy, đôi mắt cũng to và đen như thế.
- Tôi không có bánh mì, - Giamin nói
- Thế thì xem có tiền không?
Đây không còn là những người Xưgan trước chiến tranh thường từng toán lớn tụ tập bên kia bờ sông Taisétca, cạnh máy nước hay trên bãi rộng gần xưởng tà vẹt. Cậu còn nhớ rõ những năm ấy, người Xưgan thường toả đi khắp đường, ồn ào rẽ vào các ngõ. Họ đoán số táo bạo lắm và bao giờ cũng đoán đúng cho nhà nọ hoặc nhà kia đã có một tai họa nào đó. Nếu lúc đầu chủ nhà rụt rè và nhìn xem người khách dai dẳng này có lấy cắp cái gì không, thì chỉ cần nghe xong câu đoán thứ nhất, các bà (đàn ông thường cau có đứng cạnh) đã kêu lên một cách chân thành, thậm chí còn có vẻ sung sướng nữa.
- Đoán đúng lắm, đúng lắm! Giỏi thật! Gì thì gì chứ cô ta nói cứ như là đi guốc vào bụng ấy.
Một chốc sau, chính bà chủ nhà lại yêu cầu những người Xưgan dùng quân bài bói, và hết sức chăm chú nhìn những ngón tay thon đeo đầy nhẫn đang sờ vuốt những quân bài như sờ vuốt những vật sống.
- Đúng lắm! Quỉ tha ma bắt nhà cô! Đúng thật! – bà chủ nhà sung sướng nói rồi tự mình dẫn thầy bói sang nhà bên cạnh
Bây giờ thì cô Xưgan không vội nữa. Vẫn ngồi yên trên ghế, cô lấy giọng đường bệ nói:
- Quân bài của tôi, bà chị xem, không bao giờ nói dối đâu. Những gì chúng nói đều là sự thật, hoàn toàn sự thật và thế nào cũng sẽ xảy ra đúng như tôi nói. Có lẽ bà chị nên đãi tôi một cái gì đấy thì hơn, không nên kiết quá. Quân bài của tôi không ưa những người bủn xỉn.
- Vâng, vâng, có ngay! Ấy, đến tên cô tôi cũng chẳng biết nữa là, - bà chủ nhà tất tưởi chạy ra chạy vào và một lúc sau mang ra một lọ sữa đầy.
Ở nhà bên cạnh, cô Xưgan lại càng ra vẻ đoàng hoàng hơn. Bây giờ cô ta hãnh diện ngồi xuống, đặt những ngón tay đầy nhẫn lên những nếp gấp của chiếc váy. Chiếc khăn san hoa sặc sỡ buộc túm sau gáy, bao quanh khuôn mặt ngăm đen đầy vẻ bí ẩn với đôi mắt đẹp xếp rộng. Cô ta nghe phía trong nhà đang có tiếng phụ nữ thì thầm với nhau, tiếng chủ nhà từ chối vẻ nghi ngờ nghe bà láng giềng của mình đang say sưa kể.
- Nào, thì đoán. Thử xem cô nói dối giỏi đến đâu! - chủ nhà nói vẻ thờ ơ, như hoàn toàn không quan tâm gì cả.
- Cho tiền đi, bà chị - cô Xưgan nói, mỉm cười dịu dàng - Những điều tôi sắp nói với bà chị sẽ không bao giờ có ai nói được… Tôi sẽ nói cho bà chị biết cái gì đã làm trái tim hiền hậu của bà chị phải lo lắng lâu nay.
Chủ nhà chìa ra một rúp
- Ấy, ấy, ấy, bà chị, có ai nói hết sự thật cho người khác mà chỉ lấy có mấy xu không? – cô ta cầm đồng tiền vội cho vào chiếc bọc lận trong váy – bà bạn của bà chị vừa đưa cho tôi ba rúp đấy – Cô Xưgan dịu dàng nhìn về phía nạn nhân thứ nhất của mình.
Bà chủ nhà đưa thêm hai rúp nữa. Cô ta vội cầm ngay và cũng khéo léo nhanh nhẹn như lần trước, lại cho vào bọc
- Bàn tay bà chị, bà chị thân mến, đẹp và trắng lắm. Bà chị cũng đã phải chịu nhiều đau khổ, đáng lẽ bà chị phải được sống như một bà hoàng mới phải. Thử nhìn xem đường này nó chạy mãi tới đâu này? Đi xa lắm đấy… Nào, để tôi xem đường này nữa. Ôi, có một nỗi buồn như tảng đá đang đè nặng trái tim bà chị. Nó không để bà chị yên. Bà chị có kẻ thù, kẻ thù nham hiểm, độc ác. Còn cái này thì tôi chưa rõ lắm. Không hiểu là J hay Q đây. Vì nỗi buồn mà đường này bị mờ và không muốn chỉ rõ cho tôi biết sự thật… - cô ta đưa những ngón tay nhẹ nhàng ve vuốt lòng bàn tay đang run run của bà chủ nhà. Bà này nín thở chăm chú nghe những lời đang tuôn ra từ miệng cô Xưgan, thỉnh thoảng lại tròn đôi mắt nhìn phía bà bạn láng giềng: thấy không, cô ta nói đúng lắm – và thế là tiếp đến, tự bà ta thổ lộ nỗi buồn thầm kín rất phụ nữ của mình.
Khi các bà Xưgan thường cùng đi với lũ trẻ con suốt ngày lang thang từ nhà này sang nhà khác, thì cánh đàn ông của họ nằm ở nhà, trong các lều vải, trên nệm bông, chân vẫn mang ủng, người mặc áo gi-lê nhung. Một số thì ngủ dưới các cỗ xe, số khác ngồi bên đống lửa, miệng không ngừng rít tẩu, còn bọn trẻ con thì chơi với bầy chó, hễ có dịp là chui vào hái trộm quả trong vườn người khác. Còn những đứa khoảng 12-13 tuổi thì đứng đầy sân ga, hầu như có tàu khách hay người nào đi qua cũng bám chặt như đỉa đói:
- Bác ơi cho cháu một xu. Cháu sẽ nhảy bằng bụng, bằng đầu, nhảy 12 lần…
- Thì cứ nhảy đi!
- Không, bác lừa cháu. Đưa tiền trước đã! Cháu có thể nhảy thế này! – và cậu bé Xưgan nhanh nhẹn đạp đập đầu bàn chân trần xuống đất, lẩm bẩm hát một điệu gì đấy, rồi ngã sấp xuống đất rồi lại bật dậy - Đấy, cháu làm được thế đấy. Nào đưa cháu một xu đi, - cánh tay bẩn của cậu chìa về phía người xem đòi hỏi.
Nếu người ta cho cậu một đồng 20 xu, thì cậu nhảy đến kiệt sức mới thôi. Không hiểu sao người ta hay bảo bọn trẻ Xưgan trồng chuối ngược, hai chân đạp vào không khí.
Một lần từ bờ sông về nhà, Giamin đã thuyết phục các bạn mình lại gần hơn để xem trại của người Xưgan. Các cậu rụt rè bước về phía những chiếc lều vải. Lập tức những bầy chó tai to bao vây các cậu, sủa ầm ĩ, thực ra thì không có vẻ hung dữ.
Một cậu bé tóc quăn, thò đầu ra từ chiếc lều ngoài cùng, và tiếp đến là một người đàn ông Xưgan có râu quai nón đứng dậy, vươn mình, xương kêu răng rắc:
- Các chú đi đâu? Hay là đến gặp tôi? – anh ta cười phá lên
- Chúng cháu muốn xem… - Giamin rụt rè đáp. Các cậu đứng tụm lại với nhau. Dù sao vẫn còn hơi sợ
- Ta đi lại đống lửa, - anh chàng Xưgan nói và dẫn các cậu tới giữa đám trại
Bầy chó ve vẩy những chiếc đuôi xù lông chạy về phía trước, thỉnh thoảng lại quay nhìn các cậu. Cũng ở đấy, có những con ngựa đang gặm cỏ, trên cổ chúng treo lủng lẳng những lục lạc đồng. Khịt khịt những con ngựa cũng nhìn về phía các cậu. Cạnh hai con ngựa cái là hai con ngựa con đang bú sữa, trông thật buồn cười, chiếc đuôi ngắn cũn cỡn luôn phe phẩy như quạt.
Cạnh đống lửa mà trên đó có treo một chiếc chảo và một ấm đun nước, khoảng 12 người đang ngồi, gồm người già, nam nữ thanh niên, các bà đứng tuổi và trẻ con.
Anh chàng Xưgan nói một câu gì đó với mấy người kia và họ ngồi sát lại, dành chỗ cho các cậu. Hai cậu bé Xưgan, nói tiếng Nga rất tồi, đi lại, mỉm cười chìa tay bắt, nhưng liền bị một người lớn bạt tai ngay. Những người lớn khác thì kêu lên, quát chúng, làm chúng phát khóc, vội lủi vào đám đông.
- Bọn tớ sống thế đấy, các cậu ạ, - anh chàng Xưgan vui vẻ nói - Lại đây với chúng tớ, người Xưgan sống như ngọn gió giữa đồng…
Các cậu đứng im.
- Thế thì mùa đông các bác ở đâu? – Giamin hỏi
- Mùa đông đến, các cậu ạ, là bọn tớ ra đi. Đi tìm mùa xuân. Bọn tớ chỉ biết mùa đông khi nào đến thôi, chưa bao giờ thấy nó cả! – anh ta nói tiếp, hai lỗ mũi dớn rộng, trông thật buồn cười.
- Thế thì khỏi phải nói – Gôga nhận xét đầy ý nghĩa và cảm phục nhìn anh chàng Xưgan kia.
Các cậu ở lại với người Xưgan đến chiều tối. Ở đây họ không quá vui ầm ĩ, không nhảy múa. Ngược lại, họ thường hát những bài hát buồn, nói chuyện với nhau một cách uể oải, như thấm mệt sau khi làm việc nặng. Ai trong ngày kiếm được cái gì, đều mang vào một chiếc lều không lớn lắm. Và rồi từ căn lều đó, vọng ra những giọng nói xúc động, nhiều khi có cả tiếng nức nở.
Mải ngắm nghía tất cả những cảnh này, các cậu quên cả thời gian. Anh chàng Xưgan kia bảo:
- Đến giờ về nhà rồi, kẻo bố mẹ các cậu lại mắng. Bọn tớ sống thế đấy… - giọng anh ta đượm một nét buồn khó tả - Nhưng được cái hoàn toàn tự do
… Trước kia họ sống như vậy. Thế mà bây giờ, họ gần giống những người ăn xin.
- Quả thật, tôi không có bánh mì, chỉ có ba rúp đây – Giamin móc tiền từ túi ra.
Cô Xưgan giật lấy tờ ba rúp, vội vàng nhét vào ngực rồi cầm lấy bàn tay Giamin liến thoắng nói một mạch:
- Thế nào cậu cũng sẽ gặp may! J-cơ này. Cậu sẽ còn đi xa. Cậu sẽ thấy hạnh phúc ở một thành phố lớn, trong một ngôi nhà của nhà nước.
- Đây có rõ đường nào là đường nào đâu, chỉ độc giỏi tán – Giamin giật tay mình khỏi những ngón tay đang giữ chặt của cô ả rồi bước đi nhanh.
- Nếu muốn thấy, cậu sẽ thấy, chỉ cần muốn là được, - cô ả ngân giọng nói theo - Những điều tôi nói với cậu là sự thật. J-cơ đấy, thế nào cậu cũng gặp may trong đường đời…
- Hơi muộn đấy, đồng chí Samiliép ạ, - trưởng phòng cán bộ tổ chức trách khi Giamin bước vào phòng - Ngồi xuống, công việc thế nào?
- Bình thường ạ!
- Có muốn xem đây, xem đó không? - vừa lục lại trong đống giấy, ông trưởng phòng vừa hỏi.
- Ai mà không thích được xem đây, xem đó, - Giamin đáp, vẫn không hiểu ông ta định nói gì.
- Đúng thế, nếu vậy thì lệnh điều động của cậu đây. Từ ngày mai, cậu sẽ thuộc quyền điều khiển của trưởng đoàn khôi phục đường sắt.
- Không, cháu không thể quyết định ngay như vậy được… - Giamin bối rối - Sắp tới cháu phải thi ở trường, hơn nữa, còn phải bàn với mẹ cháu đã, mẹ cháu ở nhà một mình…
- Cần người có học, làm việc tốt, trẻ… Tât cả những điều ấy cậu có cả. Mà rồi cũng không còn ai cử nữa; người thì ốm, người thì đông con, người thì, nói thật ra, không thể cử được…
- Học thì cháu còn kịp… Có điều với mẹ cháu thì thế nào đây? Để cháu về thuyết phục xem…
- Đấy, đấy, ý bác cũng định nói thế. Không học bây giờ thì sau này, đi đâu mà sợ, - ông trưởng phòng vội nói, sung sướng vì đã tìm thêm được “một thợ nguội vào biên chế đoàn”. “Kể ra cái anh chàng thợ nguội này chưa đến 18 tuổi, mình không có quyền cử. Nhưng biết làm thế nào! Trong lệnh phải ghi là anh ta tình nguyện thôi”, - ông trưởng phòng nghĩ.
Được phân công về chỗ mới làm việc, Giamin thấy thích, tuy cậu không muốn bỏ học và để mẹ ở nhà một mình. Cậu bỗng nhớ lời cô gái Xưgan nọ: “Cậu sẽ còn đi xa…”
Cậu quyết định chưa nói ngay cho mẹ biết.

Trụ sở của đoàn khôi phục chỉ là một toa chở hàng đứng ở một đoạn đường ray cụt. Chiếc toa khuất sau một gò đất cao có những thanh tà vẹt kẻ sọc và chiếc đèn pha hình vuông ở phía trên, còn phía bên kia, các bánh xe của toa được giữ chặt bởi những chiếc má phanh bằng thép. Một chiếc cầu thang gỗ chưa kịp ngả màu đen bẩn, dẫn vào phía trong toa.
Sau chiếc bàn làm bằng tấm gỗ rộng đóng sơ sài, có một người cao lớn, mặt ốm yếu đang ngồi. Chiếc mũ lưỡi trai đường sắt, không hiểu có phép gì mà vẫn không rơi khỏi gáy anh ta. Anh ta nhanh nhẹn nghe tên tất cả những người đến đây, giao nhiệm vụ và cho về. Anh ta là đoàn trưởng đoàn khôi phục, Vaxili Xécgâyêvích Xưrômiachin. Cạnh đấy là một người đàn ông mặt rỗ, mũi nhọn, mồm nhỏ. Mỗi lần đồng ý với đoàn trưởng, anh ta lại gật đầu, thỉnh thoảng dùng chiếc móng tay cong, chỉ trỏ nên xếp ai vào danh sách này. Đó là đốc công Ladarơ Xêmiônôvích Tabacốp.
Giamin chờ đến lượt mình, đưa giấy điều động:
- Tốt lắm, đang cần thợ nguội, - vẫn không ngẩng đầu, đồng chí đoàn trưởng nói.
Trong thời gian chiến tranh, ở Taisét mực được làm từ vỏ hành nên rất mờ và dễ nhoè. Anh ta phải tô đi tô lại họ tên Giamin ba lần, nét chữ mới hiện lên như trên giấy ảnh.
- Đi lại đằng kia, anh bạn – anh đốc công nói và chỉ về phía có một toán gồm phụ nữ, nam thanh niên và những người đàn ông lớn tuổi đang đứng.
Giamin ra khỏi toa, đi lại nhập bọn với những người mà cậu sẽ cùng làm việc.
- Này cậu, cậu là người địa phương à? - một cậu lớn hơn Giamin một chút hỏi Giamin.
- Người địa phương, thì sao?
- Tớ cũng nghĩ vậy. Có thuốc không? Muốn rít một hơi quá
- Tôi không có… - Giamin lúng túng đáp
- Thế cậu có kiếm được ở đâu không?
- Không, ở nhà không ai hút…
- Còn cậu?
- Không…
- Thế cái gì trong túi xách? - rồi hắn bỗng giật chiếc túi khỏi tay Giamin dốc ngược xuống đất, làm bánh mì, khoai tây và chai sữa toé ra.
Lúc đầu Giamin còn bối rối, chưa biết làm gì, nhưng cậu liền nghĩ: phải quật lại ngay. Xung quanh sẽ không có ai can thiệp, mà chỉ đứng xem “hai chú gà trống đá nhau” và sẽ không bênh vực ai cả.
Giamin nhìn xuống đất, nhặt vội chai sữa rồi xông vào cậu kia.
Thấy đối thủ của mình cầm chai, cậu kia vội vớ lấy đinh móc.
- Thôi, thôi! - một chị tóc vàng kêu giật lên, đi lại gần hai cậu – Đi đi, không còn việc gì làm nữa hay sao mà đánh nhau! - Chị ta đẩy vai cậu kia quay sang hỏi Giamin – Tên chú là gì?
Giamin nhặt khoai tây cho vào túi, thổi bụi khỏi chiếc bánh, đưa mắt dè dặt nhìn chị tóc vàng nọ
- Giamin…
- Còn tôi là Raia Alếchxâyêva… Chú từ đâu đến?
Giamin kể cho mọi người xung quanh nghe là cậu làm ở xưởng cơ khí, và sống ở đây, ở Taisét. Cậu có mẹ và các anh cậu đang ở ngoài mặt trận…
Tabacốp ra khỏi toa:
- Sao không làm gì cả thế này? Người ta phát phiếu thực phẩm cho các anh để đứng chơi à? Tại sao mãi bây giờ các toa vẫn đứng nguyên một chỗ?
- Này, không được quát như thế! Cần giải thích rõ ràng phải làm gì và làm thế nào, - Raia Alếchxâyêva mạnh dạn bước lên phía trước.
- Cô biết đang nói với ai không? - Tabacốp nổi nóng
Xưrômachin hiện ra ở trước cửa toa.
- Có gì mà ầm lên thế, các đồng chí? – anh ta điềm tĩnh nói
Toán công nhân tranh nhau nói nhao nhao
- Trật tự nào, các đồng chí! Từng người một, - Xưrômachin ngắt lời, bước xuống đất, - chúng ta phải làm việc ở một nơi quan trọng nhất. Các đồng chí là lực lượng nòng cốt của đoàn. Ở miền tây đất nước mọi người đang chờ chúng ta. Trong vòng ba tháng thôi, chúng ta phải lập xong đoàn khôi phục đường sắt. Tạm thời chưa có gì. Đoàn tàu của chúng ta cần người chưa đủ tất cả các ngành nghề giao thông đường sắt. Tôi nghĩ ai cũng hiểu điều đó…
- Vaxili Xégâyêvích, từ sáng đến giờ họ chẳng đẩy được một cặp bánh xe nào, - anh đốc công xen vào - Thế mà anh còn nói đến danh dự và trách nhiệm với họ. Họ thì có trời sụp xuống đấy cũng chẳng sao.
Toán công nhân lại sôi nổi, có người thậm chí còn chửi thẳng vào đốc công.
- Tabacốp, anh vào toa đi! Rõ ràng là anh đã không chỉ cho họ cụ thể phải làm những gì, - Xưrômachin nói – Đi đi, ta sẽ nói chuyện sau… À, mà phải cử một người nào đấy làm đội trưởng ở đây, ít ra cũng tạm thời.
Đốc công lúng búng nói gì trong miệng rồi miễn cưỡng bước vào toa.
- Đáng lẽ chúng tôi đã dỡ toa này ra từng bộ phận một từ lâu, nhưng nào có biết làm thế nào đâu. Ở đây không ai biết nghề ấy – Raia Alếchxâyêva lại lên tiếng.
- Có ai là thợ nguội toa xe không? – Xưrômachin hỏi.
- Tôi là thợ nguội nhưng về đường sắt,… - Giamin phá tan im lặng.
- Anh đã bao giờ thấy người ta tháo toa xe ra rồi lắp lại chưa?
- Ba bốn lần gì đó…
- Tạm thời thế là đủ. Họ tên là gì?
- Samiliép
- Thế thì bây giờ đồng chí sẽ là đội trưởng, đồng chí Samiliép ạ - Xưrômachin nói với giọng cương quyết không ai cãi lại được - Đồng chí hãy cố gắng hướng dẫn mọi người những cái mình biết. Ngày mai, các đồng chí ạ, tôi sẽ cố xin bên cánh phụ trách toa xe một hai thợ nguội nữa. Rồi công việc của ta sẽ đâu vào đấy – Xưrômachin mỉm cười khoan khoái rồi đi vào toa, đóng chặt cửa lại sau lưng.
- Con người mới tốt làm sao!
- Chúng ta là lực lượng chủ chốt anh bảo vậy!
- Thủ trưởng thế mới gọi là thủ trưởng! – có tiếng người hào hứng nói xung quanh.
Giamin bắt đầu giảng giải cho mọi người những điều cơ bản nhất của nghề nguội. Cậu dạy phụ nữ cách cầm búa, cầm đục, cách chặt đinh ốc thế nào để các ren ốc không bị dập. Tạm thời cả đoàn khôi phục chưa có một máy làm đinh ốc nào, nên bây giờ phải quí từng chiếc đinh nhỏ…
Đoàn cũng chưa có cả toa xe để làm xưởng nguội, xưởng dụng cụ và nơi ở. Phải chữa lại các toa xe bị chiến tranh tàn phá đang đứng trong các đường cụt mà những toa này đoàn trưởng cũng phải vất vả lắm mới xin được.
Giamin gọi những người thợ đang học nghề này lại một chiếc toa bị cháy sém, bày cho họ phải tháo dỡ nó ra sao và tên gọi từng bộ phận là gì.
Tháo những đầu đấm bị uốn cong ra. Công nhân đứng nhìn chiếc lò xo ghép thanh và chiếc trục vặn vẹo.
- Cái này thì dùng để làm gì? - người ta hỏi Giamin
- Làm gì à? Cho vào rèn tôi lại, sau cho lên máy tiện, tiện đường ốc - đội trưởng giải thích
- Đơn giản thôi mà, - cậu thanh niên cao người mà sáng nay định bắt nạt Giamin lên tiếng.
- Nghe và nhìn thì đơn giản – Giamin nói. - Khi bắt tay vào làm mới thấy là không dễ.
- Ừ, mà Xécgây này, cậu vẫn chẳng thích một việc gì đấy cho ra việc, phải không? Việc này chắc hợp với cậu lắm - một người nào đấy chêm vào, làm mọi người cùng cười ồ lên.
- Không sao, để rồi xem ai thích cái gì! – Xécgây chống đỡ
Hồi lâu, cả toán không sao tháo được một chiếc chốt nối giữa trục chính trong toa xe. Giá có hai ba thợ nguội loại khá thì việc chứa toa này chắc sẽ đơn giản và nhanh hơn nhiều. Đằng này ở đây, người thì bảo thế này, kẻ thì nói thế nọ, ai cũng chui xuống hầm xe lấy búa gõ lung tung một lúc rồi chui ra, văng tục bỏ đi. Không biết mọi người còn loay hoay vất vả bao lâu nếu lúc ấy đoàn trưởng không lại.
Xưrômachin cởi áo khoác, bò xuống gầm xe. Công nhân tò mò đứng chờ kết quả, trong khi thủ trưởng họ vẫn gõ búa đều đều vào chiếc đục.
Một chốc sau đã thấy anh bò ra, người đầy gỉ sắt và dầu ma dút:
- Đấy, cái chốt tai hại của các anh đây
Một người đưa cho anh chiếc giẻ sạch:
- Vaxili Xécgâyêvích, anh chùi tay kẻo lại dây ra áo quần
- Cám ơn – Xưrômachin lau tay rồi trả lại chiếc giẻ.
Anh giảng cách tháo bầu dầu và sử dụng cái kích xe ra sao, nhắc mọi người thế nào cũng phải lót ụ kích, nếu không tàu có thể chạy và dễ xảy ra tai nạn.
Mọi người ăn trưa ngay chỗ làm việc. Họ còn chưa được vào ăn ở nhà ăn, mặc dù ai cũng có phiếu công nhân. Nước sôi được nấu trong các ấm chè treo trên ngọn lửa, mỗi người một cốc, rắc muối lên bánh mì, bắt đầu ăn. Giamin ngượng ngùng mời các bạn mới của mình lấy sữa cho vào nước chè, và đem chia mỗi người một củ khoai nướng.
- Cậu sẽ đói đấy, - Raia Alếchxâyêva nói
- Không sao, cầm lấy, tôi đủ rồi – Giamin đáp
- Thế thì đưa đây! – Raia cầm lấy chai sữa, nói to với mọi người, - Này, lại đây, anh em ơi. Đội trưởng chiêu đãi sữa đây.
Cậu hồi sáng suýt đánh nhau với Giamin vẫn ngồi yên trên thanh tà vẹt, ra vẻ không nghe gì. Raia trả lại Giamin chiêc chai với một ít sữa còn lại
- Còn anh kia? – Giamin chỉ về phía Xécgây
- Xécgây, đưa cốc lại đây! Và các cậu sẽ trở thành anh em sữa, - Raia cười to - Đừng giận nhau nữa. Đội trưởng mời chân thành đấy.
- Đi lại kìa, - người ta ẩy vai cậu
Xécgây đi lại, dáng uể oải như muốn tỏ cho mọi người biết là nếu không vì người khác thì cậu chẳng bao giờ thèm cần đến sữa của Giamin. Xécgây đưa cốc, Giamin quá tay dốc hết cho Xécgây nhưng vẫn giữ vẻ như không có chuyện gì xảy ra, rồi lại ngồi điềm tĩnh ăn như trước. Cậu kia thấy vậy bỗng hỏi:
- Nếu sáng nay mình xông vào, cậu có lấy chai đập vào đầu mình không?
- Có, - Giamin cương quyết đáp
- Cậu khá lắm, - nghĩ ngợi một lúc, Xécgây lại nói
Từ hôm ấy, Giamin hầu như bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Người cậu mến nhất là Xưrômachin.
Chẳng bao lâu trong đoàn khôi phục đường sắt người ta đã biết là toàn gia đình của trưởng đoàn đã chết trong năm đầu tiên của chiến tranh. Và từ đấy, những người mà bề ngoài trông có vẻ thô kệch, và số mệnh không chiều chuộng họ, đối xử hết sức ân cần với Xưrômachin. Mọi chỉ thị của anh ta đều được thực hiện đầy đủ và chính xác. Công nhân quí Xưrômachin còn là vì anh ta tối tối thường tới chỗ ở của họ, ngồi nói chuyện lâu với họ, không từ chối kiểu cách chén nước hay bữa cơm nghèo nàn họ mời anh, kể rất hay về cấu tạo các toa xe cho họ nghe, về hệ thống chắp toa tự động, về công tác quản lí đường sắt…
- Tất cả những điều này, các đồng chí cần biết, các đồng chí ạ, - Vaxili Xécgâyêvích nói, - vì chúng ta là những người khôi phục đường sắt.
Anh bao giờ cũng nghiêm khắc, đòi hỏi nhiều nhưng công bằng
Một lần, Lukianốp, một người trầm lặng hỏi anh:
- Vaxili Xécgâyêvích, tại sao anh gọi tất cả chúng tôi bằng “anh”, trong khi nhiều thủ trưởng khác chỉ gọi chúng tôi cộc lốc là “cậu”, “mày”?
Đôi má trễ vàng ệch của Xưrômachin bỗng ửng đỏ. Anh lấy từ chiếc hộp ra ít thuốc sợi, quấn một điếu. Mọi người xung quanh nhìn, chờ đợi xem anh sẽ trả lời thế nào câu hỏi hắc búa này của Lukianốp. Mà Lukianốp hỏi câu này cũng không phải là ngẫu nhiên. Vài ngày trước đây, bác đã đập lại đốc công Tabacốp khi anh này quát bác:
- Lukianốp, tôi sẽ bắt cậu chịu trách nhiệm về việc này. Vào cái tuổi 50 như cậu đáng lẽ phải làm gương cho người khác theo mới phải. Thế mà cậu?!
- Còn cậu, đốc công ạ, không phải doạ người khác! Trên đầu tôi đã hai thứ tóc, và cậu cũng chỉ đáng vào hàng con của tôi thôi…
- Các đồng chí ạ, thật ra tôi cũng không hiểu tại sao người khác có thể xưng hô với cấp dưới của mình như vậy. Tôi nghĩ đây không phải là vì tình cảm thân mật, - Xưrômachin nhếch mép cười - Những người làm thế, họ tự hạ giá trị của mình bằng cách lợi dụng chức vụ, đặt mình cao hơn người khác… Đảng vẫn dạy chúng ta là phải quí trọng mọi người. Các đồng chí cũng biết một người cộng sản mà chúng ta phải luôn luôn học tập, một người không bao giờ nhấn mạnh những ưu điểm và sự vĩ đại của mình, mặc dù bản thân là một thiên tài.
- Lênin - một người nào đó lên tiếng.
- Đúng, Lênin. Người chỉ gọi “cậu” với những người thân thiết nhất.
Trên đường về, Xưrômachin quyết định phải nói chuyện nghiêm khắc với đốc công Tabacốp. Tabacốp có thể kể một truyện tiếu lâm hay, có thể vỗ vai công nhân, nhưng mọi người vẫn cảm thấy có cái gì giả dối trong anh ta; và hiểu rằng trong bụng, anh ta tự cho mình hơn hẳn người khác. Anh đốc công này thích tìm một khuyết điểm nào đấy của người khác và nói:
- Làm ăn như thế này thì có thể vào tù chứ chẳng chơi. Thời chiến bây giờ thế đấy! - rồi nhăn nhở cười, nói tiếp: - Nhưng tôi vốn thương người, tôi sẽ ngơ đi cho…
Xưrômachin đi tắt qua nhà ga, về toa xe nơi anh ngủ, và cũng là trụ sở của đoàn, hi vọng gặp người bổ sung cho đoàn. Nhiều lần anh đã gặp họ như thế. Dáng người cao, với quân hàm hai sọc với những ngôi sao to, anh nổi bật giữa người khác. Ai mới đến thế nào cũng tìm gặp anh. Nhưng hôm nay Xưrômachin không gặp ai. Người ta ngủ trong vườn hoa cạnh nhà ga, trên những tấm gỗ lát đường chờ tàu. Họ là quân nhân, các gia đình sơ tán, hay những chú bé mồ côi bẩn như ma lem. Cuộc đời của họ bị chiến tranh đảo lộn. Nhưng có thể nhận thấy là chẳng bao lâu nữa chiến tranh sẽ kết thúc; mọi người ngủ say sưa như vừa làm xong một việc lâu dài và khó khăn. Không có cái vẻ hoảng hốt, hỗn loạn, không còn tiếng khóc, tiếng rên mà Xưrômachin đã chứng kiến trên các sân ga những năm 41, 42 nữa.
Vào toa, Xưrômachin đốt nến, cởi quần áo và nằm xuống chiếc giường gỗ cứng, xiêu vẹo của mình. Vừa đọc được mấy trang trong cuốn “Sông Đông êm đềm” anh đã tắt nến. Thiu thiu ngủ, anh sung sướng nghĩ tới việc đoàn khôi phục sẽ lên đường đúng hạn. Thiết bị đang được gửi đến, cán bộ chuyên môn đang được phái đến. Nhiều người lên đường lòng nhẹ nhõm, nhưng cũng có người sau nhiều buổi nói chuyện căng thẳng ở đảng uỷ mới chịu đi. Xưrômachin rất hiểu là ban lãnh đạo đường sắt phải vượt rất nhiều khó khăn, phải rất khéo léo mới cử được người tới làm việc ở đoàn anh. Nơi nào cử người đi thì những người còn lại phải gánh vác hết mọi khó khăn.
Xưrômachin thiếp đi vào khoảng hai giờ gì đó, nhưng sáu giờ sáng anh đã dậy. Chỉ có những người đứng tuổi mới ngủ ít như vậy, nhưng Xưrômachin mới 37 tuổi.
Thời thơ ấu gian khổ
PHẦN I - Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
PHẦN II - Chương I
Chương II
Chhương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII