Chương XII
Tác giả: Iamin Muxtaphin
Các cậu cùng nhau đi tới xưởng làm việc. Cụ Cudia đã đứng đợi sẵn ở phân xưởng nguội, nơi mọi người nhận phần việc phải làm trong ngày. Xung quanh còn yên tĩnh. Công nhân khe khẽ chào nhau. Mọi câu chuyện đều xung quanh tình hình chiến sự. Người này nói rõ thêm cho người kia biết bây giờ bọn Đức đã tiến đến đâu, chiếm được thành phố nào, và vui mừng vì chúng đã nếm đòn ở Matxcova. Cứ đà này chẳng bao lâu nữa chúng sẽ bị đánh bật trở lại. Người ta nói với nhau về một loại “cachiusa" nào đó - đại bác không ra đại bác, súng máy không ra súng máy, mà một khi đã nã thì cái gì cũng cháy tất: tuyết cháy, bê tông cháy, còn xe tăng thì chảy ra như nhựa... Gặp cachiusa, bọn Đức chỉ có chết.
Ai nghe nói đến cachiusa cũng lấy làm mừng, tuy thế có người vẫn còn không tin:
- Không thể thế được: sắt và tuyết chứ có phải rơm đâu mà cháy được? Muốn thế thì phải cần một nhiệt độ lớn đến mức nào? Như cái bễ lò rèn đấy, muốn nung đỏ tí sắt mà phải cần bao nhiêu than, lại còn phải thổi phì, thổi phò nữa là. Không, không thể thế được. Nói láo hết.
- Láo hết! Chờ đấy! Thế các người có biết chai xăng là gì không? Nếu mà ném chai xăng vào xe tăng thì có thể cũng bốc cháy ra trò đấy, chẳng kém củi khô. Biết đâu đấy, có thể cachiusa phóng ra cái bình cháy như thế cũng nên...
Mọi người sống cuộc sống chiến tranh, làm việc phục vụ chiến tranh, luôn nhớ những người ở mặt trận…
Ở phân xưởng dụng cụ, bác đốc công giao cho các cậu búa, dao chặt thép và bắt ký tên ghi nhận vào một quyển sổ bằng những tờ mẫu thống kê có kẻ hàng ngả vàng, dính đầy dầu mỡ.
- Đây, vũ khí của các cháu đây. Các cháu phải xem như thế mới được. Thời chiến mà, các cháu biết đấy. Còn cách cầm búa, cầm dao và chặt thế nào thì cụ Cudia sẽ hướng dẫn... Bác không còn thì giờ dạy các cháu. Tàu có chạy tốt hay không là phụ thuộc vào công việc của các cháu đấy.
Nunhikiakop đi lại. Thì ra anh ta cũng chẳng cao hơn cụ Cudia. Chỉ có đôi vai là rộng lớn và đôi tay dài quá gối. Anh ta đứng nhìn phần việc mỗi cậu đã làm, đưa ngón tay màu nâu thẫm sờ dọc theo mép chặt còn nham nhở, sờ lưỡi đục rồi đặt búa lên lòng bàn tay thử xem nặng nhẹ ra sao.
- Thợ lành nghề đấy, các cháu ạ. Anh ta là thợ lành nghề đấy! - ông cụ không nén nổi, thốt lên.
- Khi nào bàn tay cầm mòn hơn hai mươi chiếc cán búa thì lúc đó sẽ trở thành thợ lành nghề, - anh ta mỉm cười rút từ túi áo ra một chiếc cán búa nhẵn bóng - còn hôm nay thì hãy làm mòn chiếc này đã. Dùng nó hơn một năm rồi đấy, tốt lắm.
Các cậu nhìn anh ta vẻ không tin.
- Thế mới gọi là khỏe chứ! - Côlia thán phục nói.
- Quan trọng ở đây không phải là khỏe hay không, các cậu ạ. Ở đây cậy sức không được đâu. Cần phải làm việc một cách khéo léo, có suy nghĩ. Đấy, các cậu cầm đục thẳng như thế là không được, phải để hơi xiên một chút. Như cầm rìu chặt cây ấy mà. Chặt thẳng góc thế nào rìu cũng văng ra, nhưng khẽ nghiêng một chút là sẽ cắn ngay vào gỗ như vào đất mềm vậy... Để lưỡi đục mỗi lần búa đập ăn sâu vào sắt - Nunhikianop nói tiếp - thì phải cầm ở đầu cán búa, tay buông lỏng, chỉ khi búa chạm đục mới lên gân cổ tay, và cũng chỉ trong giây lát mà thôi. Như thể đánh quyền anh ấy mà.
Chính nhờ Nunhikianop mà những người thợ tương lai này biết được là khi quai búa phải nhìn vào lưỡi đục chứ không phải vào đầu đục, nơi quả búa rơi xuống.
- Chừng nào chưa làm được như thế, các cậu chưa thể cắt các thanh ốp thành thạo được. Bây giờ đầu óc các cậu đang phân tán. Nhớ đừng đánh vào tay..
Tan tầm, các cậu trở về nhà khi trời nhá nhem tối. Cậu nào cũng nóng lòng về nhà kể lại ngày làm việc đầu tiên của mình. Và lại càng muốn các bạn cùng học thấy mình lúc ấy.
Đến nhà, Gôga được đón tiếp bằng một sự im lặng. Không ai hỏi ngày ấy cậu đã làm việc như thế nào và thấy những gì. Mẹ cậu vẫn như mọi khi, đang lẳng lặng làm một việc gì đấy trong phòng mình. Bà cậu cũng lặng thinh để lên bàn đĩa khoai tây nấu nhừ với một ít mỡ lợn, một bát sữa, và đẩy về phía đứa cháu một lát bánh mì to. Gôga nhìn bữa ăn tối thịnh soạn như thế bỗng nhớ tới nét mặt Giamin, Côlia và Vichia sáng lên khi nhận được phiếu lương thực: “Bây giờ về chắc cả nhà mừng lắm!” “Còn mình thì chẳng ai hỏi cả” - Cậu nghĩ thế và bỏ tấm phiếu lương thực công nhân trông giống như một bản cửu chương lên bàn rồi bắt đầu ăn một cách miễn cưỡng.
Bố Gôga từ phòng ngoài đi ra, mình mặc độc chiếc áo lót, đi ủng không tất. Nhìn khuôn mặt tròn trĩnh và đỏ ửng vì rượu mật ong, Gôga không hiểu là bố đang mỉm cười hay tức giận.
- Thế là chúng ta đã bắt đầu đi làm rồi đấy, con nhỉ - Prônca ngồi đối diện Gôga. Thấy tấm phiếu hắn cầm lên và bắt đầu ngắm nghía như mới thấy lần đầu - Bánh mì 800gam, mỡ 5 gam, tấm 30 gam. Kể ra cũng không lấy gì làm nhiều lắm. Này, con biết chưa, người ta muốn gọi bố ra mặt trận đấy - Prônca hơi nhíu mày, những ngón tay béo vó nhàu tấm phiếu.
Không thấy mặt bố biến sắc, Gôga chưa đưa thìa lên miệng, đã vội hỏi:
- Thật thế hả bố? Chắc ngoài ấy bố sẽ gặp bác Xtêphan và anh em nhà Samilep nhỉ?
Prônca đứng dậy, nhìn một lần nữa tấm phiếu bị vò nhàu rồi quay sang nhìn Gôga:
- Hừ, công nhân! Người ta định dùng những thằng vắt mũi chưa sạch như mày để thắng bọn Đức đấy. Cũng là một việc đáng làm đấy hả? Thật là một lũ ngốc! Nhưng Prônca thì không ngốc đâu..
Gôga sợ hãi ngồi im, không hiểu sao bố cậu lại bực mình khi phải vào bộ đội. “Say rượu rồi tha hồ nói bậy bạ” Gôga nghĩ và không muốn ăn nữa. Cậu đứng dậy thay quần áo.
Khi Prônca dụ con nai vào cổng và giết nó một cách hèn mạt. Gôga nghĩ là không bao giờ còn gọi hắn là "bố" nữa. Nhưng chiến tranh đã đảo lộn tất cả...Và bây giờ cũng như lần nọ, bố cậu đã chà đạp và hạ thấp những gì tốt đẹp, chân chính trong người cậu. Bố cậu đã khinh bỉ vò nhàu tấm phiếu khẩu phần công nhân, gọi tất cả những người đang chiến đấu là lũ ngốc và quẳng thẳng vào mặt cậu một cách mỉa mai hai chữ “công nhân”.
Gôga leo lên nằm trên phản cạnh chiếc lò sưởi Nga rộng. Mùi hành, mùi tỏi, mùi mồ hôi xông lên nồng nặc, và cạnh đấy là một đôi ủng lông đang được hơ khô. Cậu cho con mèo ấm áp nằm cạnh mình, và cái mệt như chiếc gối nặng đè chặt lên đôi mắt cậu. Thiêm thiếp ngủ, cậu nghe như có tiếng những con gián tung tăng bò sột soạt ở các khe hở...
Giữa đêm cậu chợt tỉnh giấc vì một người nào đấy đã đánh thức cậu. Vẫn nhắm mắt, cậu nằm nghe bà và bố nói chuyện với nhau.
- Cẩn thận chứ, kẻo thằng bé nó dậy! - bà cậu thì thầm.
- Cái thằng đấy thì có lấy thắt lưng mà đánh nó cũng chả dậy, - Prônca dằn giọng, lôi đôi ủng từ phía lưng Gôga ra - Có trời mà biết được đâu là ủng của tôi!..
- Kìa, khẽ chứ! Trong góc ấy, trên các bị đựng hành
- Sao không bảo ngay từ đầu, mà..
"Chẳng lẽ trời sáng rồi ư?" Gôga nghĩ thầm. Và như để trả lời câu hỏi của cậu, bà cậu nói:
- Nhanh lên, Prônca, gần hai giờ sáng rồi đấy
- Cứ làm như người ta không biết! - Prônca vừa lúng búng đáp lại, vừa tụt từ phản xuống.
Nửa tỉnh nửa mê, Gôga lõm bõm nghe từng lời đứt quãng của bà và bố cậu. Cậu còn đang nghe hình như mẹ cậu thút thít khóc và tiếng bà nói mẹ cậu:
- Bụng trống như mày bọn chúng không động đến đâu mà sợ..
Sáng dậy, Gôga hỏi:- Bố đâu bà?
- Nhập ngũ rồi, bố mày đã đi ra trận..- suy nghĩ một lát bà cậu nói
- Sao lại đi ban đêm?
- Mày đi mà hỏi lấy! Người ta bảo: cần đi là đi, có thế thôi… đêm hôm không muốn đánh thức mày dậy.
Tới xưởng, Gôga kể cho các bạn nghe là cuối cùng bố cậu cũng đã được người ta gọi vào bộ đội. Cậu nói giọng đầy tự hào, và các bạn rất hiểu cậu.
Hôm đó, mỗi cậu chặt được hai thanh ốp. Búa vẫn hay đập vào tay như hôm trước, và các cậu vẫn phải luôn luôn nhảy một chân, miệng ngậm ngón tay rớm máu. Nhưng hôm đó các cậu làm việc không còn thấy quá khó khăn như lần trước nữa.
Nunhikiakop lại chỗ các cậu mấy lần. Anh ta kiên nhẫn hướng dẫn lại cách làm việc cho từng cậu một. Cầm chiếc đục của Giamin, anh ta xoay xoay nó trước chiếc mũi khoằm của mình, đưa ngón tay cái sờ mép lưỡi rồi nói, vẻ không hài lòng:
- Này, cậu xem, thép tôi còn mềm lắm. Cái này chỉ chặt được sắt nung nóng mà thồi.
Nói đoạn, anh ta dẫn cả bọn sang phân xưởng rèn, nhóm lại chiếc lò đã tắt ngấm, rồi bắt đầu dạy các cậu cách tôi lưỡi đục sắt thế nào để đủ cứng chặt được sắt nguội. Vừa chỉ những màu sắc thay nhau nổi lên trên mặt lưỡi đục nung đỏ bị nhúng xuống nước, người thợ nguội vừa giải thích:
- Nếu đục có màu như màu rơm thì dễ bị cùn. Tốt nhất là màu xanh sẫm. Đấy, các bạn xem, màu xanh ngả sang màu vàng đấy. Nó sẽ cứng mà không giòn.
Hai lần đốc công xưởng đi lại chỗ các cậu, lẳng lặng nhìn rồi bỏ đi. Sự có mặt của bác ta làm các cậu bối rối. Sắp hết giờ làm việc thì cụ Cudia đến. Cụ mang theo một chiếc giá đứng, ghép bằng hai thanh gỗ dày 5 phân, đưa cho Vichia, bé người nhất trong cả bọn.
- Bác đốc công bảo làm cái này đấy. Bác ấy nói ở chỗ các cậu có một cậu bé người làm việc rất vất vả. Cụ nghĩ xem, bác ấy nói, có cách gì giúp cậu ta được không? Đây, cầm lấy.
Chiều đến, làm việc ở xưởng cơ khí xong, các cậu ai về nhà lấy và tự cảm thấy mình là những người công nhân thực sự. Các cậu cùng đi với người lớn, và cũng bàn về công việc sản xuất.
- Thế nào, chưa quen có vất vả lắm không? - mọi người hỏi các cậu vẻ thông cảm.
- Không, hoàn toàn không! - các cậu đồng thanh trả lời như đã hẹn trước.